Ngày 4 tháng 01 năm 1987
Disneyland lúc nửa đêm luôn kích thích những tâm hồn ưa mạo hiểm và vẫn luôn như vậy. Đó là thế giới của những chú lính nhựa và búp bê hiện ra từ hộp đồ chơi giống như trong bài hát đồng dao của trẻ con. Giữa lúc đang quan sát thế giới ấy, tôi nghe thấy tiếng động lạ như tiếng rên rỉ của một con vật gì đó phát ra từ hướng sân khấu chuột Mickey. Đi về hướng phát ra âm thanh, một cảnh tượng không thể tin nổi đập vào mắt tôi. Trên tấm thảm đỏ dành cho khách qua lại, chẳng phải là một nhân viên đang ngủ ngáy ầm lên sao? Người đó là ông Masuda, một nhân viên khoảng 50 tuổi, phụ trách khu vực Vòng quay ngựa gỗ. Tôi quyết định đánh thức người đàn ông đang say giấc này dậy để hỏi rõ sự tình.
- Anh Masuda, dậy đi nào! Anh Masuda!
Ông Masuda vừa cất tiếng: “Tôi dậy rồi đây!” vừa từ từ ngồi dậy, dụi dụi mắt rồi nhìn về phía tôi.
- Sao vậy, anh Kaneda đấy à?
- Trăng với sao cái gì! Sao anh lại ngủ ở đây? Anh mệt quá à?
- Mệt? À, xin lỗi. Làm việc dưới cái thời tiết lạnh giá này khiến cả người tôi đông cứng lại luôn.
Cách nói chuyện của ông Masuda hơi thô lỗ nhưng bản chất ông không phải người xấu. Ông là người khuấy động không khí của các cuộc nói chuyện vào giờ ăn cơm. Nhưng thái độ với công việc thì không mấy thay đổi từ lúc mới vào làm đến giờ, không biết phải nói rằng ông lơ là hay không muốn làm việc nữa. Ông Masuda nói như tát nước vào mặt tôi:
- Thật là… Cứ kỳ cọ mấy con ngựa giả này suốt ngày chắc tôi đi đời sớm quá. Hông thì đau, thùng đựng hóa phẩm thì nặng. Tôi thậm chí còn chưa từng cầm vật gì nặng hơn cây kim.
- Kim?
- Đúng vậy, kim xỏ chỉ khâu quần áo ấy.
- À, kim dùng trong may vá âu phục đúng không? Nói vậy, trước khi làm ở đây anh từng làm thợ may à?
- Đúng vậy, tôi làm công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ trong một căn phòng ấm áp, những việc như sửa gấu áo bị đứt chỉ, rồi đơm khuy, vậy nên những công việc như quét dọn thế này không hợp với tôi.
- Vậy sao? Vậy chắc chính vì từng làm công việc tỉ mỉ như vậy nên anh mới chẳng để tâm chút nào tới công việc này à?
- Không phải vậy. Dưới thời tiết lạnh giá thế này, phải một mình cọ sạch 90 con ngựa thì có gì vui chứ? Ngón tay đã tê cứng rồi, còn phải cọ 90 chiếc gậy đồng lạnh buốt, từng chiếc một, đến sáng thì tay tôi đau đến nỗi không nhấc lên nổi nữa. Dù sao thì cũng không có khách, tôi nằm nghỉ một chút cũng không ảnh hưởng đến ai mà?
Qua lời nói của ông Masuda, tôi nhận ra với ông, công việc ở Disneyland này chỉ là công việc tạm thời chờ đến khi tìm được công việc khác thôi. Có lẽ nếu công ty môi giới việc làm tìm được việc phù hợp, ông sẽ chuyển việc ngay. Dù sao đi nữa, tôi nên đánh tiếng như thế nào để ông cảm thấy thoải mái hơn với công việc hiện tại nhỉ? Tôi thử hỏi ông một vài câu quan tâm đời thường.
- Gia đình anh Masuda đã bao giờ đến đây chơi chưa?
- Đến đây chơi? Chẳng đời nào. Trả tiền cho mấy con vật để lừa trẻ con này thì quá là lãng phí. – Ông liền trả lời.
Làm sao để khơi niềm cảm hứng cho một người khi họ thậm chí còn không muốn quan tâm. Tôi làm việc ở thế giới Disneyland này vì tôi thích nó, ông ấy thì ngược lại. Huống chi, công việc quét dọn ban đêm còn là một công việc buồn tẻ đơn độc. Nhưng ban ngày, khi tấp nập dòng người thì hoàn toàn trái ngược, nơi đây đúng là vương quốc của những giấc mơ. Liệu ông Masuda có tự hào về công việc này hơn khi nhìn thấy khung cảnh thật sự của Disneyland vào ban ngày không? Tôi tạm nhắc nhở ông không được ngủ trong giờ làm việc nữa rồi tiếp tục đi tuần.
Một ngày tháng 2, năm 1987
Hôm nay trời lạnh hơn mọi ngày. Dưới trời tuyết rơi mãi không ngừng, tay tôi tê cóng đến mức không thể vắt nổi cái khăn. Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi ngay lập tức, hoặc nhanh chóng làm công việc khác. Nhưng giờ mà không làm nữa thì thế nào cũng bị giám sát Kaneda mắng cho. Hôm trước tôi mới chợp mắt một chút mà anh ta đã nói toàn những lời khó hiểu như: “Vì anh may đồ Âu phục nên chỉ để mắt tới những thứ nhỏ nhặt,” xong rồi: “Anh đã cùng gia đình đến đây bao giờ chưa?”.
Dù sao thì quản lý cũng chỉ muốn tận dụng tối đa những người như chúng tôi thôi. Trong lúc tôi đang miễn cưỡng lau chùi mấy con ngựa, cậu Fukumizu, phụ trách khu vực Attraction bên cạnh, sang báo giờ nghỉ trưa. Fukumizu là một cậu thanh niên chỉ khoảng hai mươi tuổi nhưng rất quý mến tôi và hay gọi tôi là “Bố già”. Lúc tôi cùng Fukumizu đi vào phòng nghỉ trưa, mọi người đã bắt đầu ăn. Chúng tôi cũng ngồi vào chỗ, lấy hộp cơm nguội tanh nguội ngắt từ trong túi ra. Fukumizu miệng vừa ngồm ngoàm thức ăn vừa quay sang nói với tôi:
- Trời lạnh quá, ước gì con được ăn thức ăn còn nóng hổi.
Thật là… Dù đang lạnh thấu tận xương tủy rồi nhưng tôi vẫn chẳng thể nuốt nổi hộp cơm nguội ngắt thế này. Từ sau lưng, vang lên giọng một ai đó đồng tình với lời phàn nàn của Fukumizu:
- Đúng thế!
Tôi quay lại và thấy anh Kaneda đang cầm túi đựng cơm hộp đứng ngay sau.
- Em ngồi đây được không?
Anh Kaneda ngồi xuống chiếc ghế đối diện chúng tôi rồi lấy từ trong túi ra một hộp cơm nhựa màu đen. Nghe đồn anh ấy thường xuyên đến phòng nghỉ ăn cơm hộp cùng nhân viên. Anh chắp hai tay lại nói: “Xin mời mọi người!” rồi gắp món ngưu bàng căn (rễ cây ngưu bàng xắt nhỏ) cho vào miệng và tiếp tục câu chuyện vừa nãy:
- Đúng là ăn cơm nguội thế này thì chỉ no bụng thôi chứ chẳng ngon miệng gì nhỉ?!
Tôi có chút ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ anh ta sẽ cho tôi một bài giảng đạo đức phiền phức nữa, vậy mà không ngờ anh ta lại đồng cảm với mình.
- Chẳng nhẽ không có cách nào sao? – Anh Kaneda dừng đũa, nhìn chăm chăm vào hộp cơm.
Dù sao thì, việc cơm bị nguội trong thời tiết giá lạnh thế này là chuyện đương nhiên. Làm sao thay đổi một điều hiển nhiên được chứ. Hơn nữa, không biết chừng anh ta chỉ đang ra vẻ quan tâm tới chúng tôi thôi. Một anh quản lý 30 tuổi có thể làm được gì?
- Anh Kaneda à, làm gì có cách nào nữa. Việc cơm bị nguội là chuyện đương nhiên.
- Vậy sao? Nếu đặt một chiếc lò nướng trong phòng nghỉ thì chúng ta có thể làm nóng cơm rồi.
- Lò nướng? Món đồ đắt tiền như vậy, tôi mới chỉ thấy ở khu bán hàng điện gia dụng thôi. Cậu nghĩ công ty sẽ mua cho nhân viên chúng tôi một thứ như vậy sao?
- Chưa đề xuất thì không thể biết được.
- Cậu đùa hay thật vậy? Công việc của những người quản lý như các cậu chẳng phải là tận dụng chúng tôi một cách tối đa sao? Nếu cậu đề xuất một điều điên rồ như vậy thì chắc chắn sẽ bị mắng đấy.
- Không đâu anh. Ăn cơm nóng thì mọi người sẽ khỏe mạnh hơn, sẽ làm việc hiệu quả hơn, phải không nào? Đó cũng là điều công ty mong muốn. Hơn nữa, chúng em chưa từng nghĩ rằng sẽ tận dụng nhân viên một cách tối đa. Vì tất cả nhân viên đều là Disneylanders.
- Disneylanders?
- Vâng, là “chủ nhân của Disney”. Chúng ta là một gia đình.
- Gia đình…?
- Đúng vậy, quan tâm nhân viên như người nhà thì nhân viên tự nhiên sẽ chăm sóc khách hàng nhiệt tình. Em nghĩ rằng một nhóm làm việc ăn ý là khi họ biết quan tâm lẫn nhau.
- Lý thuyết thì là vậy nhưng…
- Nếu không ai dám bước những bước đầu tiên thì không bao giờ có thể thay đổi tình trạng này. Hơn nữa, em cũng muốn được ăn cơm nóng hổi.
Vài tuần sau, một chiếc lò nướng bằng điện được đặt trong góc phòng nghỉ. Nhân viên chúng tôi xếp hàng trước chiếc lò nướng, lần lượt từng người hâm nóng cơm. Vậy là chúng tôi được ăn cơm nóng thật rồi… Fukumizu miệng ngồm ngoàm cơm nhìn về phía tôi, giơ ngón cái lên đầy hài lòng. Sau đó, tôi cầm hộp cơm ấm áp ngồi xuống cạnh Fukumizu. Được thưởng thức cơm nóng mềm dẻo thơm ngon, chứ không phải hộp cơm lúc nào cũng cứng đơ ngày trước, là một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi giữa những ngày làm việc đông giá.
Lúc tôi vừa ăn xong, tuyết lại bắt đầu rơi. Tôi vừa nhìn ra ngoài cửa sổ vừa nói: “Thế này là lại rơi đến tận sáng rồi”.
Hôm sau, rồi hôm sau nữa, những buổi tối lạnh cóng vẫn tiếp tục, chẳng mấy chốc mà nước tưới cũng hóa thành băng. Để làm tan băng, tôi đổ thêm cả nước nóng lấy từ trong bếp ra nhưng cũng không ăn thua, băng vẫn tiếp tục hình thành. Anh Kaneda nói: “Chẳng mấy khi tuyết rơi ở Disneyland bên Mỹ nên họ không có cách nào đối phó với tuyết, chúng ta phải tự nghĩ lấy kế sách thôi”.
Vào một ngày khi chúng tôi vẫn đang tiếp tục chiến đấu với băng giá, Fukumizu bỗng nói: “Chỉ những hôm có gió mới không có băng thôi”.
Nghe nói quê Fukumizu ở Kohoku.
- Fukumizu này, chắc cháu có kiến thức xử lý băng tuyết đúng không?
- Kiến thức…? Cháu làm gì có.
- Mà cháu quen thuộc với tuyết đúng không?
- Đúng là cháu sinh ra và lớn lên ở vùng tuyết giá lạnh nên quen, nhưng đây là vấn đề hoàn toàn khác.
Bỗng tôi thấy anh Kaneda đang đi kiểm tra xung quanh, hai tay xoa vào nhau tìm chút hơi ấm. Biết đâu anh ấy có thể hiện thực hóa ý tưởng của Fukumizu. Tôi liền gọi anh ấy và truyền đạt lại lời Fukumizu vừa nói. Anh Kaneda hướng về phía Fukumizu và hỏi:
- Có thật là những ngày có gió thì không còn băng nữa không?
- Vâng, ở quê em lúc nào cũng vậy, ở đây cũng vậy.
- Ra vậy… Nhưng chúng ta không thể tạo ra cơn gió theo ý muốn được nhỉ.
- Vâng, đúng vậy. Em chưa từng thấy ai có thể làm gió thổi theo ý muốn được. Phải chi có một chiếc quạt máy khổng lồ…
- Quạt máy khổng lồ?
- À không, em xin lỗi, cái đấy chỉ có trong truyện tranh thôi.
- Không đâu, không chừng đấy lại là một ý hay.
- Sao cơ?
Sau đó, Kaneda nhanh chóng đi về phía văn phòng chính và lên kế hoạch thực hiện một điều không tưởng.
Vài ngày sau, một cảnh tượng ngoài sức tưởng tượng tràn ngập công viên. Vài chục chiếc quạt máy dùng trong công nghiệp được đặt từng khu vực một. Chúng quay vù vù tạo ra những cơn gió theo ý muốn như chiếc quạt khổng lồ trong truyện tranh, Kaneda đã biến những suy nghĩ vô thưởng vô phạt của Fukuzumi thành hiện thực. Nếu là người khác, có khi họ chỉ nói: “Không làm được đâu” và bỏ cuộc. Nhưng người này lại vượt qua bức tường giữa quản lý và nhân viên. Anh đã lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người. Nhờ vậy mà cuộc chiến cam go chống lại đám băng khó chịu đã thành công một cách thần kỳ.
Có lẽ chính những tình cảm đó, chính sự quan tâm nhân viên và sự nhiệt tình với khách hàng, đã gây dựng nên vương quốc của những giấc mơ này. Như mọi khi, lúc tôi vừa cọ xong 90 con ngựa, Kaneda đi ngang qua trước khu vực Vòng quay ngựa gỗ. Tôi cất tiếng gọi:
- Kaneda này, tại sao cậu lại làm những việc như vậy?
- Những việc như vậy là sao?
- Cậu thật sự đã chuẩn bị những chiếc quạt khổng lồ cho chúng tôi… Những quản lý bình thường khác thậm chí còn không có ý định đấy.
- Trước khi trở thành quản lý, em cũng là một Cast của Disneyland. Vậy nên, em chỉ làm những việc mà một Cast nên làm thôi.
- Việc mà một Cast nên làm?
- Vâng, tạo ra một môi trường để khách hàng có thể vui chơi an toàn. Vì vậy mà ở Disney có 4 từ khóa đấy.
- Bốn từ khóa? À, hình như lúc tập huấn tôi cũng từng nghe rồi.
- Vâng, đầu tiên là sự an toàn (Safety), sau đó là tác phong lịch sự (Courtesy), tiếp theo là chương trình (Show), cuối cùng là hiệu quả (Efficiency), bốn từ khóa này được xếp theo thứ tự ưu tiên, chúng ta cứ làm theo đúng thứ tự đó thì sẽ có thể tạo ra một môi trường vui chơi hoàn hảo cho khách tham quan.
- Ra là vậy. Nhưng chắc những nhân viên khác mới cần chú ý đến vấn đề này chứ một người làm công việc quét dọn như tôi thì liên quan gì đâu.
- Em từng học được một điều từ Thần quét dọn.
- Thần quét dọn?
- Vâng, ông ấy tên là Chuck Boyajian, là quản lý đầu tiên của Night Custodial, người được ông Walt Disney đặt trọn niềm tin. Ông ấy từng nói với em thế này: “Quét dọn tạo ra sân khấu cho những chương trình biểu diễn balê và trò chơi giải trí”. Vậy nên em thấy, Custodial là những nghệ sĩ tuyệt vời nhất.
- Nghệ sĩ ư?
- Vâng, là những người biểu diễn nghệ thuật mang lại niềm vui cho mọi người. Đặc biệt là Night Custodial. Đó là lý do ở đây họ gọi nhân viên là Cast.
Nghe những lời đó, tôi bỗng nghĩ lại về công việc mà mình vẫn đang làm từ trước đến giờ. Thật sự tôi không nghĩ một người chuyên đi cọ rửa mấy con ngựa giả như tôi lại là nghệ sĩ gì được.
- Nhưng sao tôi là một nghệ sĩ được.
- Không đâu, anh Masuda vốn luôn là một nghệ sĩ tuyệt vời.
Rồi Kaneda lấy một thứ gì đó từ trong túi ra, đưa cho tôi.
- Mong anh hãy nhận lấy cái này.
Anh ta đưa cho tôi vé vào cửa Disneyland.
- Anh từng nói với em là anh chưa bao giờ đến đây chơi đúng không? Em mong anh được nhìn thấy vẻ đẹp thật sự của Disneyland. Anh hãy đưa gia đình đến chơi nhé!
Kaneda nói vậy rồi tiếp tục đi sang khu vực tiếp theo.
Ngày nghỉ tiếp theo, lần đầu tiên trong đời, Masuda dẫn vợ và các con gái bước vào công viên từ cửa chính. Nơi đây là một thế giới khác hoàn toàn với cảnh sắc mà ông vẫn nhìn thấy hàng ngày, đúng là vương quốc của những giấc mơ với nhộn nhịp người qua lại, chuột Mickey và chuột Minnie vẫy tay dưới ánh mặt trời. Con gái ông vô cùng háo hức, chạy nhảy vui đùa khắp công viên. Nếu biết vui thế này, ông đã dẫn mọi người đến đây sớm hơn.
Cả gia đình chơi rất nhiều trò chơi khác nhau, rồi sau khi nghỉ ngơi một lúc, ông đi đến khu vực mình phụ trách, Vòng quay ngựa gỗ. Thật lạ kỳ, không phải đây là nơi ông vẫn làm việc mỗi ngày sao? Tại sao lại có cảm giác như lần đầu tới vậy? Những con ngựa tối nào cũng đứng im lặng dưới ánh trăng sáng, bây giờ đang lấp lánh ánh đèn neon, xoay vòng hệt như đang nhảy múa. Trong không khí giá lạnh, đến cả những chiếc bờm được chải gọn cũng tạo cảm giác sống động và quyến rũ lạ thường. Mấy đứa bé đang cưỡi trên lưng ngựa cười tươi như thể đó là điều vui nhất trên đời. Bố mẹ chúng nhìn theo và vẫy tay với khuôn mặt vô cùng rạng rỡ.
Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra những thứ mình động tay vào lại đem đến nhiều hạnh phúc như vậy. Tôi từng nghĩ rằng công việc của mình chỉ là vứt rác và lau chùi các con vật. Được chứng kiến khung cảnh này, tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Đúng lúc đó, một gia đình đi gần về phía tôi.
- Xin lỗi, có thể chụp ảnh giúp chúng tôi được không?
Con gái tôi nhận lấy chiếc máy ảnh, chọn một góc độ thích hợp với nền là vòng quay ngựa gỗ và bấm nút chụp ảnh.
- Đừng chụp như vậy.
Tôi bỗng chộp lấy chiếc máy ảnh từ tay con gái mà không suy nghĩ gì rồi xoay dọc.
- Sao tự dưng bố lại làm thế!
- Chụp vậy thì không lấy được mặt của mọi người.
Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, nhưng trong một khoảnh khắc, tôi bỗng cảm thấy yêu mến những con ngựa giả không có trái tim mà cũng chẳng thể chạy nhảy đó. Rồi khi tôi thấy những nụ cười hạnh phúc của gia đình đang hướng mắt về ống kính và nhìn những chú ngựa đang xoay vòng như nhảy múa đằng sau, tự dưng nước mắt tôi cứ tuôn ra. Người duy nhất có thể làm 90 con ngựa đó lấp lánh chính là tôi. Tôi đã nghĩ như vậy.
“Ta đã làm cho bọn mày được mọi người yêu thích nhất ở công viên này đấy.”
Tôi thầm nhủ trong lòng và bấm nút chụp vào khoảnh khắc tuyệt vời nhất.
Một năm sau
Disneyland ban đêm là một thế giới cô độc, hoàn toàn trái ngược với vương quốc của những giấc mơ hào hoa vào ban ngày. Masuda, người từng có suy nghĩ: “Công việc ở đây chỉ là điểm dừng chân tạm thời để chờ đến lúc tìm thấy công việc khác” vẫn đang tiếp tục lau chùi 90 con ngựa sau một năm trôi qua. Điều khác biệt duy nhất là lúc này ông đang làm việc với niềm đam mê và tự hào. Ông còn đặt tên cho từng con ngựa một, vừa lau chùi vừa gọi tên chúng với tất cả tấm lòng.
“Quét dọn tạo ra sân khấu cho những chương trình biểu diễn balê và trò chơi giải trí.”
Những lời dạy của thầy lại một lần nữa khắc sâu vào tim tôi thông qua câu chuyện của Masuda.
Rồi vào mùa xuân năm thứ năm kể từ lúc Disneyland mở cửa, tôi trở thành giám sát Day Custodial (nhân viên quét dọn ban ngày). Từ lúc bắt đầu vào đây, tôi đã luôn mơ ước được làm ban ngày nên tôi cực kỳ hạnh phúc khi nghe tin này. Nhưng mặt khác, cứ nghĩ tới việc không được nhìn thấy khung cảnh những chiếc hộp đồ chơi ngủ yên nữa, đâu đó trong tôi cũng thấy rất buồn.
Gạt suy nghĩ ấy đi, tôi bước vào văn phòng mới. Vừa vào tôi đã thấy một bức thư đặt trên bàn làm việc của mình. Tôi mở phong bì, đọc lá thư mà không khỏi bàng hoàng.
“Tôi cho con gái mình đi học đại học không phải để cầm chổi và cây hốt rác!”
Đó là bức thư từ cha mẹ của một nhân viên mới. Nội dung thư bày tỏ sự bất mãn với việc bố trí con gái bà vào bộ phận quét dọn. Có vẻ như công việc đầu tiên mà tôi phải làm ở vị trí ca ngày là bắt tay vào giải quyết vấn đề này.
(Còn tiếp ở câu chuyện thứ ba)
ø Hiện giờ, Vòng quay ngựa gỗ đã đổi tên thành Lâu đài ngựa gỗ.