Sau nhiều cuộc nghiên cứu về chủ đề tiền bạc và tầm quan trọng của nó trong đời sống, chúng tôi thu được kết quả đã lật ngược rất nhiều giả định của chúng tôi trước đó. Những lời tư vấn từ các chuyên gia tài chính cá nhân không còn đáng tin cậy. Hay nói thẳng ra là nguyên lý cốt lõi của kinh tế học cổ điển - trong đó cho rằng con người luôn đưa ra những quyết định duy lý nhằm mang đến lợi ích tiền tệ tối ưu - đã không còn đúng. Đáng chú ý nhất là chúng tôi đã phát hiện ra rằng số tiền mà bạn có được - “thước đo vàng” để đánh giá tình hình tài chính - lại không phải là thước đo tối ưu đối với sự hài lòng về mặt tài chính, chứ chưa kể đến trạng thái hạnh phúc nói chung trong cuộc sống của bạn.
Tiền bạc có mang lại hạnh phúc hay không?
Rất nhiều sách báo khẳng định rằng tiền bạc không làm nên hạnh phúc. Khi tuyên bố như thế, các tác giả thường đề cập đến cuộc nghiên cứu về những người trúng xổ số thường không mấy hạnh phúc - chỉ vài năm sau đó. Một số tác giả khác trích dẫn các nghiên cứu cho thấy mức thu nhập chỉ quan trọng ở mức người ta có đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Các phương tiện truyền thông thì không ngừng nêu các câu chuyện về những người giàu có nhưng bất hạnh.
Nhiều người tin tưởng rằng cơ hội hạnh phúc dành cho tất cả chúng ta là như nhau, bất luận mức thu nhập là bao nhiêu. Song các dữ liệu của chúng tôi đã chỉ ra rằng không phải vậy. Theo nghiên cứu về mức độ hạnh phúc của Gallup trên 132 quốc gia, rõ ràng giữa hạnh phúc và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân trên đầu người có liên hệ với nhau; và mối liên hệ này chặt chẽ hơn chúng ta tưởng. Không thể phủ nhận rằng công dân của các quốc gia giàu có hơn thì hài lòng với cuộc sống hơn. Vì vậy, mặc dù tiền không đảm bảo cho hạnh phúc, nhưng việc sống ở một quốc gia giàu có chắc chắn sẽ gia tăng cơ hội có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các nguyên lý kinh tế về hạnh phúc
Những người ở các quốc gia giàu có đánh giá chất lượng cuộc sống của mình cao hơn.
- Dân số (vòng tròn lớn hơn = đất nước lớn hơn)
Xin mạo muội nêu lên một thực tế hiển nhiên: Tiền có giá trị bởi vì nó mua được thực phẩm cho mọi người và cho họ một mái nhà che mưa nắng. Giống như khoảng cách giàu nghèo to lớn giữa các quốc gia, chuẩn mực hạnh phúc cũng hết sức khác biệt giữa Togo và Đan Mạch. Sự khác biệt này được thể hiện ở khả năng tiếp cận những thứ như thực phẩm, nơi ở và sự an toàn trong môi trường bạo lực. Ví dụ, ở các quốc gia châu Phi, 56% số người mà chúng tôi nghiên cứu cho biết rằng trong vòng 12 tháng trở lại đây, đã có những lúc gia đình họ thực sự thiếu ăn.
Ở các quốc gia có thu nhập thấp, sự đau đớn là một trong những nguyên nhân chính khiến người ta khổ sở. Việc có tiền chi trả cho các dịch vụ chăm sóc y tế tối thiểu để làm vơi bớt những đau đớn về thể xác có thể giúp họ hạnh phúc hơn. Vì vậy, đối với phần đông mọi người trên thế giới, tiền bạc vô cùng thiết yếu vì nó đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Ở các quốc gia có mức thu nhập trung bình và cao, sự khác biệt về mức độ hạnh phúc có thể được lý giải bằng sự hưởng thụ hàng ngày và những tiện nghi mua được bằng tiền. Nói chung, những người nhiều tiền có thể làm những gì họ muốn bất cứ khi nào họ thích. Tiền có thể làm gia tăng hạnh phúc bằng cách giúp chúng ta kiểm soát cách sử dụng thời gian như chọn được phương tiện đi lại nhanh chóng hơn, có nhiều thời gian ở nhà cùng gia đình hoặc gặp gỡ bạn bè hơn.
Để mua hạnh phúc
Khi một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard khảo sát cách mọi người chi tiêu cho bản thân, chi tiêu cho người khác và mức độ hạnh phúc của những người ấy, họ đã phát hiện ra rằng việc chi tiêu cho bản thân không giúp nâng cao mức độ hạnh phúc, song chi tiêu cho người khác lại làm được điều đó.
Trong một thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát những người vừa được công ty/tổ chức chia lợi nhuận và theo dõi cách tiêu tiền của từng người. Một số dùng khoản tiền ấy chi trả cho những việc cá nhân như thanh toán hóa đơn, tiền thuê nhà, hoặc mua hàng tiêu dùng trong khi số khác dùng để mua thứ gì đấy cho người khác, hoặc quyên tiền làm từ thiện. Một lần nữa, cuộc thí nghiệm này cũng cho cùng kết quả như thí nghiệm ban đầu về mức độ hạnh phúc.
Trong thí nghiệm thứ ba, các nhà nghiên cứu theo dõi từng người trong suốt một ngày. Mỗi cá nhân tham gia cuộc thí nghiệm đều nhận được một phong bì có chứa hoặc 5 hoặc 20 đô-la và họ được yêu cầu phải xài hết số tiền đó trước 5 giờ chiều cùng ngày. Những người tham gia được ngẫu nhiên chỉ định hoặc dùng tiền đó để mua sắm cho bản thân, hoặc mua quà cho người khác, hoặc quyên góp làm từ thiện. Số tiền mà những người tham gia nhận được chẳng có quan hệ gì với mức độ hạnh phúc của họ vào cuối ngày, mà chính cách số tiền ấy được sử dụng như thế nào mới quan trọng. Lại một lần nữa, những người dùng tiền để mua quà tặng người khác hoặc quyên góp làm từ thiện thì có mức độ hạnh phúc gia tăng đáng kể vào cuối ngày, trong khi những người dùng tiền mua sắm cho bản thân thì không.
Liệu pháp mua sắm bất khả dụng
Khi xuống tinh thần, chúng ta cố gắng làm cho mình vui lên bằng cách đi mua sắm thứ gì đó, nhưng dường như điều này không có hiệu quả lâu dài. Thậm chí, tâm trạng buồn bã còn khiến ta tiêu nhiều tiền hơn mức cần thiết. Những người được cho xem một cuốn phim buồn sẵn sàng chi trả cho một sản phẩm cao giá gần gấp bốn lần so với những người không xem. Bất chấp sự khác biệt lớn lao này, những người trong nhóm “buồn” vẫn khăng khăng rằng nội dung đau buồn của cuốn phim không ảnh hưởng đến quyết định của họ.
Cho dù chúng ta không nhận ra nhưng quả thật, tâm trạng tồi tệ có thể dẫn đến hàng loạt quyết định tài chính thiếu sáng suốt. Chúng ta chi xài nhiều nhất khi tâm trạng tồi tệ nhất. Kết cục của “liệu pháp mua sắm” để giải tỏa nỗi buồn là như vậy đấy.
Mua trải nghiệm và kỷ niệm
Mua những trải nghiệm như đi ăn tối hoặc du lịch sẽ tạo ra niềm vui cho bạn và cho người khác. Trải nghiệm tồn tại trong khi vật chất thì mau tan. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng sự thỏa mãn của chúng ta đối với vật chất sẽ giảm dần theo thời gian cho dù ngay sau lúc mua sắm, ta có thấy khá hơn đôi chút.
Thế nhưng, nếu dùng tiền để mua những trải nghiệm vui, chúng ta sẽ được hưởng lợi khi nghĩ về chính sự kiện ấy, và trong một số trường hợp, đó là những hồi ức đáng nhớ. Vật chất rồi sẽ mất đi còn kỷ niệm thì có thể sống mãi. Thậm chí, những kỷ niệm chóng vánh như một bữa ăn tối ở ngoài hoặc một buổi xem phim cũng khiến ta hạnh phúc hơn. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu giao tiếp xã hội, chúng ta còn hiếm khi nào hối tiếc khi bỏ tiền ra mua kỷ niệm; ngược lại, dần dần, ta sẽ thấy hài lòng với những quyết định này.
Susan, một trong những người có mức độ hài lòng cao về mặt tài chính mà chúng tôi đã phỏng vấn, là người khá tằn tiện trong việc quản lý tiền bạc của gia đình. Bà luôn tránh mua sắm những thứ không cần thiết. Nhưng bà và chồng lại ít khi đắn đo khi chi tiền để có được niềm vui và những trải nghiệm đáng nhớ, như đưa đứa cháu gái đi xem phim chẳng hạn. Họ cũng dành dụm tiền để đi du lịch với bạn bè. Khi chúng tôi trò chuyện với Susan, hai vợ chồng bà đang lên kế hoạch đi chơi biển với một đôi vợ chồng khác. Bà nói: “Chúng tôi đã đi nghỉ mát với họ hai lần và mọi người thật sự rất vui vẻ. Thế nên khi chúng tôi bảo với họ rằng sẽ đi chơi biển, họ liền nói họ sẽ đi cùng”. Khi mô tả cách chi tiêu tiền bạc, Susan quan tâm đến việc chi tiền cho các sự kiện xã hội, thay vì tập trung vào của cải vật chất.
Bởi việc chi tiền để mua trải nghiệm sẽ làm tinh thần chúng ta phấn chấn về lâu về dài nên mối liên hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc đã phần nào sáng tỏ. Đối với những người kiếm ít hơn 25.000 đô-la/năm thì việc bỏ tiền mua trải nghiệm và mua của cải vật chất mang đến cho họ mức độ hạnh phúc như nhau. Tuy nhiên, khi mức thu nhập gia tăng, việc bỏ tiền mua trải nghiệm sẽ mang đến mức độ hạnh phúc cao hơn gấp hai hoặc ba lần so với vật chất.
Đối với các kỷ niệm vui, chúng ta thường không cảm thấy nhàm chán và cũng chẳng phân vân lẽ ra mình nên có một quyết định khác hơn như mua các vật hữu hình chẳng hạn. Khi mua những trải nghiệm đầy ý nghĩa tức là chúng ta mua những kỷ niệm liên tục sinh sôi và như vậy chúng ta nhận được nhiều hơn từ mỗi đồng tiền mình bỏ ra.
Thế so sánh khó xử
Trong nhiều năm, các nhà kinh tế học cho rằng con người đưa ra những quyết định duy lý để tạo ra lợi ích tối ưu. Nhưng những nguyên lý mới của kinh tế học hành vi đang chứng minh điều ngược lại. Hãy thử xét hai trường hợp sau đây, giả sử sức mua của đồng tiền trong cả hai trường hợp là như nhau, bạn sẽ chọn tình thế nào?
A. Thu nhập hàng năm là 50.000 đô-la, trong khi những người xung quanh bạn kiếm được 25.000 đô-la mỗi năm.
B. Thu nhập hàng năm là 100.000 đô-la, trong khi những người xung quanh bạn kiếm được 200.000 đô-la mỗi năm.
Theo mô hình kinh tế học cổ điển, mọi người sẽ chọn thu nhập 100.000 đô-la thay vì 50.000 đô-la. Tuy nhiên, gần một nửa số người được hỏi câu này đã chọn mức thu nhập 50.000 đô-la một năm. Họ vẫn chọn mức thu nhập thấp chỉ bằng một nửa mức thu nhập kia, miễn là mức thu nhập ấy gấp đôi những người xung quanh họ. Có vẻ như số tiền mà chúng ta kiếm được hoặc kích cỡ căn nhà chúng ta ở ít ảnh hưởng hơn việc so sánh những thứ ấy với người xung quanh. Điều này thể hiện ở các quyết định mà ta đưa ra mỗi ngày và điều đó đặt ra một tình thế khó xử.
Bạn có thể xây thêm một tầng lầu nữa cho ngôi nhà mình và hết sức hãnh diện về nó, nhưng rồi niềm hãnh diện ấy tiêu tan khi người hàng xóm xây một tầng lầu còn to hơn thế. Thực tế là chúng ta có một nhu cầu không cưỡng lại được là tự so sánh bản thân với những người xung quanh, nhất là về của cải vật chất cụ thể, hữu hình. Tuy nhiên, việc tiếp tục tự khẳng định bản thân bằng cách so sánh như thế sẽ đẩy chúng ta vào một cái vòng lẩn quẩn vô tận. Tạo ra niềm vui trong công việc và hạnh phúc về mặt xã hội là giải pháp cho tình thế so sánh khó xử này.
Gallup đã hỏi ngẫu nhiên một nhóm các nhân viên người Mỹ về mức thù lao họ nhận được và họ có nghĩ khoản thù lao ấy tương xứng với công việc họ làm hay không. Không mấy ngạc nhiên khi hầu hết đều cho là đáng ra họ phải được trả nhiều hơn. Nhưng đó không phải là mục tiêu nghiên cứu. Điều chúng tôi quan tâm là mức độ gắn bó của những người này với công việc và khả năng họ có thể nghỉ việc trong vòng 12 tháng tới.
Với cùng một mức thù lao, cùng một công việc, nhưng có người cảm thấy họ được trả công xứng đáng, trong khi số khác thì không. Sự khác biệt trong cách mọi người cảm nhận về mức thù lao phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hài lòng và gắn bó của họ với công việc. Những người có mức độ hài lòng cao thì thấy thỏa mãn với mức lương hơn so với những người có mức độ hài lòng thấp. Thậm chí khi được yêu cầu so sánh bản thân với những người mà họ thường xuyên ở cạnh thì những người có được niềm vui trong công việc và hạnh phúc về mặt xã hội cao gần như có khuynh hướng trả lời rằng họ hài lòng với mức sống hiện tại. Con số này gấp hai lần nhóm những người không hài lòng với công việc.
Tiền bạc dù dễ đong đếm nhưng vẫn mang tính chủ quan cao trong cuộc sống của chúng ta. Nếu bạn muốn nâng cao mức độ hài lòng về tài chính thì trước tiên hãy đảm bảo rằng bạn đã tìm thấy niềm vui trong công việc và có được hạnh phúc về mặt xã hội. Nếu công việc hàng ngày của bạn có ý nghĩa và các mối quan hệ của bạn tốt đẹp thì bạn sẽ ít khi nào bị rơi vào tình thế so sánh khó xử như đã nêu.
Tận dụng sự phi lý
Các nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học hành vi đã chỉ ra sự phi lý trong các quyết định về tài chính của chúng ta, nhưng đồng thời cũng gợi ra cách kiểm soát thiên hướng cố hữu này. Trí não chúng ta không tính toán một cách lô- gic như máy tính. Chúng ta là những gì mà các nhà khoa học gọi là “ám ảnh mất mát”. Nói cách khác, việc mất đi 50 đô-la gây ra cho chúng ta cảm giác đau đớn nhiều hơn so với niềm vui khi kiếm được cùng số tiền ấy.
Chúng ta nhìn nhận đồng tiền qua các thuật ngữ tương đối, thay vì tuyệt đối. Cũng cùng 50 đô-la, nhưng giá trị của nó lại được nhìn nhận khác nhau. Việc vô tình nhặt được 50 đô-la trên đường sẽ khiến chúng ta vui hơn nhiều so với việc được giảm 50 đô-la trên hóa đơn.
Chúng ta có thiên hướng này mỗi ngày, dù không nhận ra nó. Sử dụng thẻ tín dụng có lẽ là ví dụ phổ biến nhất. Chúng ta không cảm thấy khó chịu khi phải chi tiền vì có thể hoãn lại sau. Như nhà kinh tế học Richard Thaler của Đại học Chicago miêu tả, thẻ tín dụng đóng vai trò như một “thiết bị phân tách” bởi vì chúng tách niềm vui mua sắm ngay tức thời ra khỏi nỗi đau thanh toán - điều sẽ diễn ra trong tương lai.
Lên kế hoạch chi tiêu có lợi
Có rất nhiều ví dụ về cách lập kế hoạch chi tiêu có lợi. Khi phỏng vấn những người có mức hài lòng cao về tài chính, chúng tôi nhận thấy một khuôn mẫu nhất quán nhưng đầy ngạc nhiên. Nhìn chung, họ không “giàu” dựa trên thước đo truyền thống về sự giàu có, nhưng họ có đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu và ít khi phải lo lắng vì không thể thanh toán các hóa đơn.
Linda, một nhân viên đưa thư đã mô tả cách quản lý tiền bạc chặt chẽ để tạo ra sự hài lòng về tài chính. “Tôi được trả lương hai lần mỗi tháng. Tôi dùng một phần lương để trang trải cuộc sống, phần còn lại thì tôi để dành. Nghĩa là nếu kiếm được một đô-la, tôi tiêu 45 xu và để dành 55 xu. Tôi không bao giờ tiêu quá nửa số tiền mà mình kiếm được”.
Linda tuyệt đối tuân thủ kế hoạch này. Một trong hai phần lương cô nhận được mỗi tháng sẽ được tự động gửi vào tài khoản tiết kiệm dài hạn. Cô nói: “Một khi khoản tiền ấy đã được gửi đi thì tôi không nhìn thấy nó nữa. Vì tôi không nhìn thấy nó nên tôi biết tôi chỉ có từng này tiền để tiêu thôi”. Đồng thời, Linda cũng đăng ký tài khoản dài hạn ấy sao cho mỗi lần muốn rút tiền thì cô và anh trai của cô phải cùng ký tên vào. Các phương pháp này đảm bảo rằng cô sẽ không chi tiêu nếu không thực sự cần thiết. Linda kiểm tra số dư tài khoản mỗi tháng để đánh giá tình hình tài chính. Cô nói: “Nếu muốn một món gì đó, tôi khá an tâm rằng mình có thể chi tiền mua nó mà không cảm thấy hối tiếc, tội lỗi”.
Tích cóp của cải có là mục tiêu sai trái?
“Thu nhập”, “nợ”, “giá trị ròng” là một số thước đo phổ biến được dùng để đánh giá tình hình tài chính tổng thể. Nhưng những người có mức độ hài lòng cao về tài chính thì nói đến cảm giác chung về an toàn tài chính (không phải lo lắng về tiền bạc) thay vì thước đo mang tính tuyệt đối về sự giàu có. Vì vậy, sau khi xem xét mức thu nhập của những người đã được phỏng vấn, chúng tôi tiến hành phân tích sâu hơn các nhân tố chính chi phối mức độ hài lòng này.
Điều chúng tôi tìm thấy là so với mức thu nhập thì sự an toàn tài chính - cảm giác rằng bạn có dư tiền để làm những gì mình muốn - tác động đến trạng thái an khang của bạn gấp ba lần và đến hạnh phúc tổng thể của bạn gấp hai lần.
Kệ sách ở các cửa hàng chất đầy những quyển cẩm nang làm giàu và hầu hết các nhà tư vấn tài chính đều được đánh giá dựa trên lợi nhuận kiếm được. Song phương pháp này có thể định ra kết quả sai. Đương nhiên, tiết kiệm tiền phòng khi cần đến và tối đa hóa lợi nhuận là điều quan trọng, nhưng nếu chỉ đơn thuần tích cóp của cải thì chúng ta sẽ đi chệch hướng.
Việc tập trung duy nhất vào mục tiêu này thậm chí còn có thể làm chúng ta đánh mất hạnh phúc. Nhiều người kiếm được nhiều tiền nhưng lại không mấy an tâm về tài chính; điều đó khiến họ dần đánh mất đi niềm vui sống. Trái lại, có những người kiếm được ít tiền nhưng lại ít khi lo toan vấn đề tiền bạc; điều đó giúp họ cảm thấy vui vẻ, yêu đời.
Đầu tư cẩn trọng để vơi đi căng thẳng
Những người có mức hài lòng cao về tài chính cảm thấy thỏa mãn với mức sống của mình. Họ không lo lắng về chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và tự tin về tình hình tài chính trong tương lai. Với nhóm người này thì an toàn tài chính là hoàn toàn khả thi và thiết thực đối với mọi người thuộc mọi mức thu nhập.
Nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo bạn không nên sớm trả hết tiền góp mua nhà do sẽ ít được giảm thuế và ít sinh lời. Nhưng một số người mà chúng tôi đã phỏng vấn lại phản đối cách làm theo lẽ thông thường này. Có thể đây không phải là phương cách khôn ngoan để tích cóp của cải, nhưng như thế, họ sẽ thấy an lòng và thoải mái vì không phải vướng bận nợ nần. Và trong khi một số chuyên gia tài chính cam đoan rằng việc giữ một danh mục đầu tư lớn dưới dạng cổ phiếu là quan trọng, thì một số người có mức hài lòng cao về tài chính lại không làm theo. Họ phớt lờ lời khuyên này để đầu tư vào các chiến lược an toàn để không phải canh cánh nỗi lo về chiều hướng thị trường chứng khoán mỗi ngày.
Khi một chiến lược làm giàu tạo ra sự căng thẳng thường nhật thì khoản thu nhập kỳ vọng mà nó mang lại không đáng chút nào. Nếu việc mua sắm các tài sản lớn như nhà cửa hoặc xe hơi tạo ra gánh nặng nợ nần khiến bạn thấy bất an, thì nó có chiều hướng gây hại nhiều hơn là có lợi đối với hạnh phúc tổng thể của bạn. Nói tóm lại, quản lý tốt tài chính sẽ cho phép bạn thực hiện điều bạn muốn, vào đúng lúc bạn muốn.
Các yếu tố cốt lõi của sự hài lòng về tài chính
Những người có mức độ hài lòng cao về mặt tài chính đều thỏa mãn với mức sống của mình.
Họ quản lý tốt tiền bạc cá nhân để tạo ra sự đảm bảo về tài chính. Điều này giúp họ vơi đi nỗi lo lắng từ ngày này sang ngày khác do nợ nần và giúp họ gầy dựng quỹ tài chính dự phòng. Đồng thời, họ cũng chi tiêu rất khôn ngoan. Họ dùng tiền để mua những trải nghiệm mang đến cho họ các kỷ niệm lưu giữ lâu dài. Họ chia sẻ với người khác chứ không chỉ cho riêng mình. Nhờ quản lý tiền bạc một cách khôn ngoan, họ không phải lo lắng về chuyện tiền nong, nhờ đó họ có nhiều thời gian hơn ở bên cạnh những người mà họ yêu thương.
Ba gợi ý giúp nâng cao mức độ hài lòng về tài chính
1. Hãy mua các trải nghiệm, ví dụ như chuyến nghỉ mát hay đi dã ngoại với bạn bè và những người thân yêu.
2. Hãy chi tiêu cho người khác, thay vì chỉ đơn thuần mua các tài sản vật chất cho bản thân.
3. Hãy lên kế hoạch chi tiêu có lợi để giảm bớt nỗi lo hàng ngày về tiền nong.