B
ên trong Trung tâm Siêu điện toán Barcelona, những lời bình luận ào ạt tràn ngập bức tường màn hình của Edmond nhanh hơn khả năng Robert Langdon có thể xử lý. Một lúc trước, cái màn hình nhiễu động nhường chỗ cho một mớ hỗn loạn những xướng ngôn viên và những cái đầu tranh nhau nói - một cuộc tấn công rất nhanh của những đoạn phim từ khắp thế giới - từng đoạn bật ra khỏi mớ hỗn loạn để chiếm lấy trung tâm, và sau đó nhanh chóng tan biến trở lại thành lớp màn nhiễu trắng.
Langdon đứng bên cạnh Ambra khi một bức ảnh nhà vật lý Stephen Hawking hiện ra trên tường, giọng nói được vi tính hóa không lẫn đi đâu được của ông ấy tuyên bố, “Không cần thiết phải vời đến Chúa mới làm cho vũ trụ vận hành được. Sự sáng tạo tự phát là lý do để có thứ gì đó hơn là chẳng có gì.”
Hawking bị thay thế rất nhanh bởi một nữ tu sĩ, rõ ràng đang phát sóng từ chính nhà mình qua máy vi tính. “Chúng ta phải nhớ rằng những mô phỏng này chẳng hề chứng minh gì về Chúa cả. Chúng chỉ chứng minh rằng Edmond Kirsch sẽ không ngừng bước nhằm hủy hoại kim chỉ nam đạo đức của giống loài chúng ta mà thôi. Ngay từ buổi đầu, các tôn giáo trên thế giới đã là nguyên tắc tổ chức quan trọng nhất của loài người, một tấm bản đồ chỉ đường cho xã hội văn minh, và nguồn cội đạo đức của chúng ta. Bằng việc phá hoại tôn giáo, Kirsch đang phá hoại thiện căn của con người!”
Vài giây sau, dòng tin nhắn phản hồi của một khán giả chạy ngang dưới đáy màn hình: TÔN GIÁO KHÔNG THỂ NHẬN VƠ ĐẠO ĐỨC LÀ CỦA MÌNH... TÔI LÀ MỘT NGƯỜI TỐT BỞI VÌ TÔI LÀ MỘT NGƯỜI TỐT! CHÚA CHẲNG LIÊN QUAN GÌ ĐẾN CHUYỆN ĐÓ!
Hình ảnh đó lại bị thay thế bởi một vị giáo sư địa lý Đại học Nam California. “Ngày xưa,” ông này nói, “con người tin rằng Trái Đất bằng phẳng và những con tàu dám vượt biển khơi có nguy cơ rơi khỏi ranh giới. Tuy nhiên, khi chúng ta chứng minh rằng Trái Đất hình tròn, những người ủng hộ Trái Đất phẳng cuối cùng phải im tiếng. Những người Sáng tạo luận chính là những người ủng hộ Trái Đất phẳng ngày nay, và tôi thấy sốc nếu bất kỳ ai vẫn tin vào thuyết Sáng tạo trong vòng một trăm năm tính từ bây giờ.”
Một thanh niên được phỏng vấn trên phố nói vào máy quay: “Tôi theo Sáng tạo luận và tôn tin rằng phát hiện tối nay chứng minh rằng Đấng Sáng tạo nhân từ đã tạo ra vũ trụ chỉ để giúp cho sự sống.”
Nhà vật lý thiên văn Neil deGrasse Tyson - xuất hiện trong một đoạn phim cũ cắt ra từ chương trình truyền hình Cosmos - tuyên bố hết sức tự nhiên, “Nếu một đấng Sạo tạo tạo ra vũ trụ của chúng ta để giúp cho sự sống thì ông ấy đã làm một công việc phi thường. Trong cõi mênh mông của vũ trụ, sự sống sẽ chết ngay lập tức do thiếu khí quyển, chớp gamma, các ẩn tinh chết chóc và các trường hấp dẫn. Tin tôi đi, vũ trụ không phải Vườn Địa đàng đâu.”
Nghe những lời công kích này, Langdon cảm thấy như thể thế giới bên ngoài đột nhiên quay trật khỏi trục của nó.
Hỗn mang.
Entropy.
“Giáo sư Langdon?” Một giọng Anh quen thuộc cất lên từ loa phía trên. “Cô Vidal?”
Langdon gần như đã quên bẵng Winston vẫn giữ im lặng trong suốt phần thuyết trình.
“Xin đừng hoảng hốt,” Winston tiếp tục. “Nhưng tôi vừa để cảnh sát vào tòa nhà.”
Langdon nhìn qua bức tường kính và thấy một đoàn giới chức địa phương đang vào điện thờ, tất cả đều dừng sững lại và trân trân nhìn chiếc máy tính đồ sộ đầy ngỡ ngàng.
“Tại sao vậy?!” Ambra vặn hỏi.
“Hoàng cung vừa đưa ra một thông cáo nói rằng cô không hề bị bắt cóc. Hiện giờ giới chức được lệnh bảo vệ cả hai người, thưa cô Vidal. Hai đặc vụ Cận vệ cũng vừa đến. Họ sẽ giúp cô liên lạc với Hoàng tử Julián. Họ có một số để cô có thể gọi được ông ấy.”
Ở tầng trệt, Langdon nhìn thấy hai đặc vụ Cận vệ tiến vào.
Ambra nhắm mắt lại, rõ ràng muốn biến mất.
“Ambra,” Langdon thì thào. “Cô cần nói chuyện với Hoàng tử. Anh ấy là hôn phu của cô. Anh ấy lo lắng cho cô.”
“Tôi biết.” Nàng mở mắt. “Chỉ là tôi không biết liệu có tin được anh ta nữa không.”
“Cô nói cảm giác trong gan ruột của cô là anh ấy vô tội mà,” Langdon nói. “Ít nhất hãy nghe anh ấy nói. Tôi sẽ tìm cô khi cô xong việc.”
Ambra gật đầu và tiến thẳng ra phía cánh cửa quay. Langdon nhìn nàng đi khuất dưới cầu thang, sau đó ông mới quay lại phía bức tường màn hình lúc này vẫn sáng.
“Tiến hóa ủng hộ tôn giáo,” một mục sư đang nói. “Các cộng đồng tôn giáo hợp tác tốt hơn là các cộng đồng phi tôn giáo và vì thế phát triển mạnh hơn. Đây là một thực tế khoa học!”
Langdon biết vị mục sư nói đúng. Các dữ liệu nhân chủng học cho thấy rất rõ rằng trong lịch sử, các nền văn hóa thực hành tôn giáo tồn tại lâu hơn hẳn các nền văn hóa phi tôn giáo. Nỗi sợ bị phán xét bởi một vị thần toàn năng luôn giúp truyền cảm hứng cho cách hành xử thiện lương.
“Có thể là như vậy,” một nhà khoa học phản bác, “thậm chí nếu chúng ta nhất thời cho rằng các nền văn hóa tôn giáo được đối xử tốt hơn và dễ phát triển hơn, điều đó cũng không hề chứng tỏ rằng các vị thần tưởng tượng của họ là thật!”
Langdon cũng phải mỉm cười, tự hỏi Edmond sẽ làm gì với tất cả những thứ này. Bài thuyết trình của anh ấy đã huy động cả phe vô thần lẫn phe Sáng tạo luận - tất cả giờ đều lên tiếng với lượng thời gian tương đương nhau trong một cuộc tranh luận sôi nổi.
“Tôn thờ Chúa cũng giống như khai thác nhiên liệu hóa thạch,” ai đó lập luận. “Vô khối người thông minh biết việc đó rất thiển cận, nhưng họ đã đầu tư quá nhiều nên không thể dừng lại!”
Một loạt những bức ảnh cũ lúc này vụt hiện lên trên tường:
Một bảng quảng cáo của phe Sáng tạo luận từng được treo trên Quảng trường Thời đại: ĐỪNG ĐỂ HỌ TẠO RA CON KHỈ TỪ BẠN! HÃY CHỐNG LẠI DARWIN!
Một tấm biển chỉ đường ở Maine: HÃY BỎ QUA NHÀ THỜ. BẠN QUÁ GIÀ CHO NHỮNG CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH.
Và một tấm biển khác: TÔN GIÁO: VÌ TƯ DUY LÀ RẤT KHÓ.
Một quảng cáo trên một tạp chí: GỬI TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI BẠN VÔ THẦN CỦA CHÚNG TÔI: CẢM ƠN CHÚA CÁC BẠN ĐÃ SAI!
Và cuối cùng, một nhà khoa học trong một phòng thí nghiệm mặc một chiếc áo phông ghi: BUỔI BAN ĐẦU, CON NGƯỜI TẠO RA CHÚA.
Langdon bắt đầu tự hỏi liệu thực tế có ai đó lắng nghe những gì Edmond nói hay không. Chỉ riêng các quy luật vật lý cũng có thể tạo ra sự sống. Phát hiện của Edmond có sức cuốn hút và rõ ràng có sức khích động, nhưng với Langdon nó chỉ gợi lên một vấn đề nóng hổi mà ông rất lấy làm ngạc nhiên vì chẳng thấy ai đặt ra cả: Nếu các quy luật vật lý có sức mạnh đến mức chúng có thể tạo ra sự sống thì... ai tạo ra các quy luật?!
Dĩ nhiên, câu hỏi này dẫn tới một ngôi nhà gương tri thức gây hoa mắt chóng mặt và khiến cho mọi việc quay trở lại từ đầu. Đầu Langdon giần giật, và ông biết mình cần một chuyến đi rất dài để bắt đầu sàng lọc những ý tưởng của Edmond.
“Winston,” ông lên tiếng át tiếng ồn ào của TV, “anh làm ơn tắt thứ đó đi được không?”
Chỉ chớp mắt, bức tường màn hình tối đen, và căn phòng chìm vào im lặng.
Langdon nhắm mắt lại và thở phào.
Sự im lặng êm ái bao trùm.
Ông đứng một lúc, tận hưởng sự bình yên.
“Giáo sư?” Winston hỏi. “Tôi tin ngài thấy thích phần thuyết trình của Edmond chứ?”
Thích ư? Langdon suy nghĩ về câu hỏi ấy. “Tôi thấy nó rất thú vị và cũng rất kích thích,” ông trả lời. “Edmond cho thế giới rất nhiều điều để suy nghĩ tối nay, Winston ạ. Tôi nghĩ vấn đề lúc này là tiếp theo sẽ là gì đây.”
“Những gì tiếp theo sẽ tùy thuộc vào khả năng mọi người từ bỏ những tín điều cũ và chấp nhận những hình mẫu mới,” Winston trả lời. “Cách đây một thời gian, Edmond tâm sự với tôi rằng ước mơ của ông ấy, buồn cười thay, lại không phải là hủy hoại tôn giáo... mà là tạo ra một tôn giáo mới - một niềm tin chung giúp đoàn kết mọi người chứ không phải chia rẽ họ. Ông ấy nghĩ nếu ông ấy có thể thuyết phục mọi người tôn trọng vũ trụ tự nhiên và các quy luật vật lý đã tạo ra chúng ta thì khi đó mọi nền văn hóa đều sẽ tôn vinh câu chuyện Sáng tạo như nhau thay vì lao vào chiến tranh vì chuyện truyền thuyết cổ xưa nào chính xác nhất.”
“Đó là một mục tiêu cao cả,” Langdon nói, nhận ra rằng bản thân William Blake cũng đã viết một tác phẩm có chủ đề tương tự với nhan đề Mọi tôn giáo là một.[109]
[109] All Religions Are One.
Chắc chắn Edmond đã đọc tác phẩm ấy.
“Edmond thấy vô cùng đau xót,” Winston nói tiếp, “là nhân loại có khả năng nâng cao một câu chuyện hư cấu rõ rệt lên tầm một sự thật thiêng liêng, và khi đó cảm thấy đủ gan để tàn sát nhau nhân danh điều đó. Ông ấy tin rằng những chân lý phổ quát của khoa học có thể đoàn kết mọi người - có tác dụng như một điểm tập hợp cho các thế hệ tương lai.”
“Về nguyên tắc đó là một ý tưởng đẹp đẽ,” Langdon trả lời, “nhưng với một số người, những phép màu của khoa học không đủ để lay chuyển những niềm tin của họ. Có những người khăng khăng Trái Đất mười nghìn năm tuổi bất chấp có cả núi bằng chứng khoa học chứng minh ngược lại.” Ông ngừng lại. “Mặc dù tôi cho rằng điều đó cũng giống như khi các nhà khoa học không chịu tin sự thật về thánh kinh tôn giáo.”
“Thực tế, việc đó không hề giống nhau,” Winston phản bác. “Và trong khi về mặt chính trị có thể đúng khi dành cho các quan điểm khoa học và tôn giáo sự trân trọng như nhau nhưng chiến lược này sai lầm một cách nguy hiểm. Tri thức của nhân loại luôn tiến triển bằng việc phủ nhận những thông tin lỗi thời để ủng hộ những chân lý mới. Đây cũng là cách các giống loài tiến hóa. Theo thuật ngữ của Darwin, một tôn giáo bỏ qua những sự thật khoa học và không chịu thay đổi những niềm tin của mình thì giống như một loài cá mắc kẹt trong một cái ao đang từ từ khô kiệt mà không chịu nhảy sang một vùng nước sâu hơn bởi vì nó không muốn tin thế giới của mình đã thay đổi.”
Việc đó nghe giống như những gì Edmond nói, Langdon nghĩ thầm, cảm thấy rất nhớ người bạn của mình. “Chà, nếu tối nay là một chỉ dấu gì đó thì tôi ngờ rằng cuộc tranh luận này sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai.”
Langdon ngừng lại, đột nhiên nhớ ra một điều ông chưa hề nghĩ đến trước đó. “Nói về tương lai, Winston, giờ thì với anh sẽ sao? Ý tôi là... với việc Edmond ra đi.”
“Tôi ư?” Winston lúng túng cười. “Không có gì. Edmond biết ông ấy sắp mất, và ông ấy đã có những chuẩn bị. Theo ý muốn cuối cùng và di chúc của ông ấy, Trung tâm Siêu tin học Barcelona sẽ thừa kế E-Wave. Họ sẽ được thông báo về việc này trong vài giờ nữa và sẽ giành lại cơ sở này một cách hiệu quả ngay lập tức.”
“Và việc đó bao gồm cả... anh à?” Langdon cảm thấy như thể Edmond có phần đang trao lại một con thú cưng cho một người chủ mới.
“Không bao gồm tôi,” Winston trả lời rất thản nhiên. “Tôi được lập trình trước để tự hủy vào lúc một giờ chiều của ngày sau ngày Edmond mất.”
“Sao cơ?!” Langdon tỏ ý ngờ vực. “Việc đó nghe không ổn.”
“Hoàn toàn ổn. Một giờ chiều là giờ thứ mười ba, và những cảm xúc của Edmond về mê tín...”
“Không phải chuyện thời gian,” Langdon nói. “Việc hủy anh cơ! Việc đó không ổn.”
“Thực tế, đúng vậy,” Winston trả lời. “Nhiều thông tin cá nhân của Edmond được lưu trữ trong các kho lưu trữ bộ nhớ của tôi - hồ sơ y tế, lịch sử tìm kiếm, các cuộc điện thoại riêng, những ghi chép nghiên cứu, thư điện tử. Tôi quản lý nhiều thứ trong cuộc sống của ông ấy, và ông ấy muốn rằng thông tin cá nhân của ông ấy không bị lộ ra với thế giới một khi ông ấy ra đi.”
“Tôi có thể hiểu việc xóa những tài liệu này, Winston... nhưng xóa anh ư? Edmond coi anh là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của cậu ấy cơ mà.”
“Không phải tôi, về thực chất. Thành tựu đột phá của Edmond là siêu máy tính này, và cái phần mền riêng có thể giúp tôi học nhanh đến vậy. Tôi đơn giản chỉ là một chương trình, thưa Giáo sư, được tạo ra bởi những công cụ mới mẻ mà Edmond sáng chế ra.
Những công cụ này là thành tựu thực sự của ông ấy và sẽ vẫn hoàn toàn nguyên vẹn ở đây; chúng tôi làm tăng mức độ tối tân và giúp trí thông minh nhân tạo đạt được những cấp độ thông minh và năng lực giao tiếp mới. Hầu hết các nhà khoa học trí thông minh nhân tạo đều tin một chương trình như tôi vẫn còn xa vời cả mười năm nữa. Một khi họ vượt qua được sự hoài nghi của mình, các nhà lập trình sẽ học được cách sử dụng các công cụ của Edmond để tạo ra trí thông minh nhân tạo mới có những phẩm chất khác hơn hẳn tôi.”
Langdon im lặng suy nghĩ.
“Tôi cảm thấy ngài bối rối,” Winston nói tiếp. “Con người hình thành tình cảm từ mối quan hệ của họ với trí thông minh nhân tạo là điều hết sức bình thường. Các máy tính có thể bắt chước cách xử lý suy nghĩ của con người, bắt chước cách hành xử học được, mô phỏng những cảm xúc vào những thời khắc phù hợp, và liên tục nâng cao ‘nhân tính’ của mình - nhưng chúng tôi làm điều này đơn giản chỉ để đem lại cho loài người một giao diện quen thuộc để giao tiếp với chúng tôi. Chúng tôi là những bề mặt trống trơn cho tới khi quý vị viết gì đó lên chúng tôi... cho tới khi quý vị giao nhiệm vụ cho chúng tôi. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình cho Edmond, và vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, cuộc sống của tôi đã kết thúc. Tôi thật sự không có lý do gì để tồn tại.”
Langdon vẫn cảm thấy không thỏa mãn với lô-gic của Winston. “Nhưng anh, tiên tiến đến như vậy... anh không có...”
“Hy vọng và ước mơ phải không?” Winston cười. “Không. Tôi nhận ra điều đó thật khó hình dung, nhưng tôi rất hài lòng thực hiện mệnh lệnh của người kiểm soát tôi. Đây chính là cách tôi được lập trình. Tôi cho rằng ở một cấp độ nào đó, ngài có thể nói rằng tôi thấy vui mừng - hay ít nhất là bình yên - được hoàn thành những nhiệm vụ của mình, nhưng đó là vì những nhiện vụ của tôi là những gì Edmond yêu cầu, và mục tiêu của tôi là hoàn thành chúng. Yêu cầu gần đây nhất của Edmond là tôi hỗ trợ ông ấy công bố thuyết trình Guggenheim tối hôm nay.”
Langdon nghĩ đến những bản thông cáo báo chí tự động đã được phát đi, kích thích sự quan tâm trực tuyến mạnh mẽ ban đầu. Rõ ràng, nếu mục đích của Edmond là thu hút một lượng cử tọa càng lớn càng tốt thì anh ấy sẽ choáng váng trước cái cách buổi tối hôm nay đã diễn ra.
Mình mong Edmond còn sống để chứng kiến tác động toàn cầu của cậu ấy, Langdon nghĩ thầm. Dĩ nhiên, tình huống bất khả thi chính là nếu Edmond còn sống, thì vụ ám sát anh ấy sẽ không thu hút được truyền thông toàn cầu, và thuyết trình của anh ấy sẽ chỉ chiếm được một bộ phận cử tọa mà thôi.
“Và, thưa Giáo sư?” Winston hỏi. “Từ đây ngài sẽ đi đâu tiếp?”
Langdon thậm chí còn chưa nghĩ về việc này. Về nhà, mình đoán thế. Mặc dù ông nhận ra rằng có thể phải làm một số việc để về lại đó, vì hành lý của ông vẫn ở Bilbao, và điện thoại của ông nằm dưới đáy Sông Nervión. May thay, ông vẫn còn thẻ tín dụng.
“Tôi xin một đặc ân được không?” Langdon nói, bước về phía chiếc xe đạp tập thể dục của Edmond. “Tôi nhìn thấy một chiếc điện thoại đang sạc đằng này. Anh nghĩ tôi có thể mư...”
“Mượn nó phải không?” Winston bật cười. “Sau sự hỗ trợ của ngài tối nay, tôi tin Edmond sẽ muốn ngài giữ lấy nó. Hãy xem nó như một món quà chia tay.”
Langdon ngạc nhiên nhặt chiếc điện thoại lên, nhận ra nó giống hệt mẫu chiếc điện thoại quá khổ đặt riêng mà ông đã thấy chập tối hôm đó. Rõ ràng, Edmond có nhiều hơn một chiếc. “Winston, làm ơn cho tôi biết mật khẩu của Edmond đi.”
“Vâng, nhưng tôi nghe trên mạng rằng ngài rất giỏi giải đoán mật mã.”
Langdon cụt hứng. “Tôi hơi thấy mệt với các câu đố rồi, Winston. Tôi chẳng có cách nào đoán nổi một PIN sáu chữ số đâu.”
“Xin hãy kiểm tra nút gợi ý của Edmond.” Langdon nhìn chiếc điện thoại và ấn nút gợi ý.
Màn hình hiển thị bốn chữ cái: PTSD.
Langdon lắc đầu. “Rối loạn trầm cảm hậu sang chấn?”
“Không.” Winston cười lúng túng. “Pi tới sáu đơn vị[110].”
[110] Nguyên văn: Pi to six digits.
Langdon đảo mắt. Thật sao? Ông gõ 314159 - sáu số đầu tiên trong dãy số pi - và điện thoại lập tức được mở khóa.
Màn hình nền xuất hiện và có một dòng văn tự duy nhất.
Lịch sử sẽ tốt với tôi, vì tôi có ý định viết ra nó.
Langdon mỉm cười. Đúng là đặc trưng của anh chàng Edmond khiêm tốn. Câu trích dẫn này - không có gì lạ - là một câu nữa của Churchill, có lẽ là câu nổi tiếng nhất của chính khách này.
Khi Langdon ngẫm nghĩ những lời này, ông bắt đầu thắc mắc liệu có phải lời tuyên bố này không hẳn táo bạo như có vẻ vậy không. Nói một cách công bằng với Edmond, trong bốn thập kỷ ngắn ngủi cuộc đời anh ấy, nhà vị lai chủ nghĩa này đã ảnh hưởng đến lịch sử theo những cách lạ lùng. Ngoài di sản cách tân công nghệ của anh ấy, thuyết trình tối nay rõ ràng sẽ còn vang vọng suốt nhiều năm sắp tới. Hơn nữa, hàng tỷ tài sản riêng của anh ấy, theo rất nhiều cuộc phỏng vấn, đều được dự kiến tặng cho hai sự nghiệp Edmond coi là trụ cột song sinh của tương lai - giáo dục và môi trường. Langdon không thể không hình dung đến cái ảnh hưởng tích cực mà số tài sản khổng lồ của anh ấy sẽ tạo ra trong những lĩnh vực này.
Một cảm giác mất mát nữa lại trào dâng trong Langdon khi ông nghĩ đến người bạn quá cố của mình.
Đúng lúc ấy, bức tường trong suốt trong phòng thí nghiệm của Edmond bắt đầu có cảm giác tù túng, và ông biết ông cần không khí. Khi ông nhìn xuống tầng trệt, ông không còn thấy Ambra nữa.
“Tôi nên đi rồi,” Langdon đột ngột nói.
“Tôi hiểu,” Winston đáp. “Nếu ngài cần tôi giúp sắp xếp việc đi lại, có thể liên lạc được với tôi bằng cách chạm vào một nút duy nhất trên chiếc điện thoại đặc biệt đó của Edmond. Đã được mã hóa và rất riêng tư. Tôi tin ngài có thể giải mã được đó là nút nào?”
Langdon nhìn màn hình và thấy biểu tượng W rất lớn. “Cảm ơn, tôi rất sành các biểu tượng.”
“Quá tuyệt. Dĩ nhiên, ngài sẽ cần gọi trước khi tôi bị xóa lúc một giờ chiều.”
Langdon cảm nhận được một nỗi buồn không giải thích nổi khi nói lời tạm biệt với Winston. Rõ ràng, các thế hệ tương lai sẽ được trang bị tốt hơn rất nhiều để kiểm soát được vướng bận tình cảm của họ với máy móc.
“Winston,” Langdon nói khi ông tiến ra phía cánh cửa xoay, “dù vì bất kỳ điều gì thì tôi biết rằng Edmond sẽ cực kỳ hãnh diện với anh đấy.”
“Đó là những lời hào phóng nhất của ngài,” Winston trả lời. “Và tự hào không kém về ngài, tôi chắc chắn vậy. Xin tạm biệt, Giáo sư.”