Đây là cuốn sách mà tôi đã đọc đến lần thứ năm. Càng đọc càng thấy hay và rất muốn ai cũng được đọc sách này để sống khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc. Nếu như trong bài viết trước tôi đã nhấn mạnh đến những kết luận khoa học của bác sĩ Hiromi Shinya rằng ăn uống vô cùng quan trọng để có một cơ thể khỏe mạnh thì trong bài viết này tôi muốn nhấn mạnh đến một góc khác: Phần lớn nguyên nhân của các căn bệnh đến từ thói quen hơn là do di truyền.
Tôi rất ấn tượng khi Hiromi Shinya khẳng định trong sách “Nhân tố Enzyme”, rằng nguyên nhân gây bệnh hơn một nửa nằm ở các thói quen mà không phải do di truyền. Tôi giật mình nghĩ về các thói quen của mình và ngồi đọc để ngẫm về những gì bác sĩ Hiromi Shinya phân tích.
Nếu các bé thừa hưởng được các thói quen tốt như chọn đồ ăn, đồ uống tốt, sinh hoạt điều độ, không lạm dụng thuốc… thì các bé có thể duy trì được sức khỏe tốt mà không phải chịu đau đớn bệnh tật. Ngược lại, nếu các bé thừa hưởng các thói quen xấu như thường xuyên ăn các đồ ăn bị oxy hóa, thậm chí còn không mua nước khoáng để uống, lạm dụng thuốc ngay khi thấy khó chịu, sinh hoạt không điều độ… thì các bé có thể mắc các bệnh còn nặng hơn cả bố mẹ.
Bác sĩ Hiromi Shinya cho rằng, thể chất của con người được quyết định bởi hai yêu tố, một là yếu tố “di truyền” từ bố mẹ, từ khi sinh ra đã có, hai là những “thói quen sinh hoạt” được hình thành từ bé. Nếu con cái được thừa hưởng từ bố mẹ các “món ăn tốt”, “cách ăn tốt”, “thói quen sinh hoạt tốt” thì trong các thế hệ sau, yếu tố di truyền liên quan đến bệnh ung thư sẽ suy yếu dần. Hay nói cách khác, bằng việc thừa hưởng những thói quen sinh hoạt tốt, ta có thể viết lại gen di truyền cho thế hệ sau.
Yếu tố di truyền là thứ mà từ khi sinh ra chúng ta đã có. Tuy nhiên, thói quen lại là thứ mà chúng ta có thể thay đổi bằng “nỗ lực và ý chí” của bản thân. Dựa vào những thói quen của bản thân, các yếu tố di truyền dù tốt hay xấu cũng có thể bị thay đổi. Bác sĩ Hiromi Shinya nhắc chúng ta cùng nhớ rằng những “thói quen tốt” cứu giúp được bạn, cũng có thể cứu giúp được con cháu bạn.
Có một chi tiết mà không phải ai cũng biết, rằng rượu và thuốc lá chính là thói quen sinh hoạt tồi tệ nhất. Càng thấy rằng Đức Phật khuyên chúng ta không sử dụng rượu bia và các chất kích thích là rất khoa học.
“Nhân tố Enzyme” nêu rõ, một thói quen xấu dẫn đến hội chứng ngưng thở khi ngủ và cả bệnh trào ngược dạ dày là do thói quen ăn đêm trước khi đi ngủ. Thói quen này còn gây ra cả hội chứng ngưng thở và bệnh béo phì. Bởi việc ăn uống không giới hạn, để dạ dày vẫn còn làm việc trước khi đi ngủ là một “thói quen xấu”. Tôi ngẫm lại và thấy Đức Phật ngày xưa không ăn quá ngọ, buổi chiều hoàn toàn không ăn thật là tuyệt vời. Rất khoa học và làm cho con người khỏe mạnh tự nhiên.
Trong sách “Nhân tố Enzyme”, bác sĩ Hiromi Shinya khẳng định rằng để phòng tránh các bệnh như hen suyễn ở trẻ em, hội chứng ngưng thở khi ngủ, lên cơn đau tim hay nhồi máu cơ tim, bạn cần tạo cho mình thói quen để bụng rỗng khi đi ngủ. Với những người không thể chịu được đói bụng vào ban đêm thì có thể ăn một chút trái cây tươi chứa nhiều enzyme. Những loại trái cây này rất dễ tiêu hóa, và chỉ mất khoảng 30, 40 phút để di chuyển từ dạ dày đến ruột. Vì vậy, với trái cây, nếu bạn ăn trước một tiếng rồi mới nằm thì cũng không cần lo lắng bị trào ngược thức ăn.
Một thói quen khác rất quan trọng mà “Nhân tố Enzyme” đề cập đến là nên uống nước trước khi ăn một tiếng. Chính bác sĩ Hiromi Shinya có một thói quen tốt là uống khoảng 500ml nước một tiếng trước khi ăn.
Về vấn đề nhai khi ăn, bác sĩ Hiromi Shinya khuyến cáo chúng ta mỗi miếng nhai khoảng 30 đến 50 lần. Nhai kỹ là một cách tự nhiên để chúng ta giảm lượng ăn mà không phải cố ép bản thân.
Một điều quan trọng nữa mà “Nhân tố Enzyme” nêu ra là tránh tuyệt đối ăn khuya. Buổi tối, trước khi đi ngủ, nếu trong dạ dày còn thức ăn dù là tinh bột hay protein thì chúng cũng bị biến đổi thành chất béo dưới tác động của insulin.
Liên quan đến trái cây, nhiều người có thói quen ăn trái cây sau bữa ăn như món tráng miệng, nhưng bác sĩ Hiromi Shinya khuyên chúng ta nên ăn trước bữa ăn khoảng 30 phút. Các loại trái cây tươi giàu enzyme rất tốt cho tiêu hóa, nếu ăn trước bữa ăn còn giúp kích thích hệ tiêu hóa và làm lượng đường huyết tăng một chút, do đó có thể ngăn ngừa tình trạng ăn quá nhiều.
Liên quan đến vận động, bác sĩ Hiromi Shinya khẳng định rằng vận động quá mức sẽ trăm hại mà không có lợi. Ông khuyên rằng vận động lý tưởng nhất là mỗi ngày đi bộ ba, bốn kilomet bằng tốc độ của chính bản thân. Ngoài ra còn nên có một bài tập nữa dành cho người có thời gian rảnh rỗi, đó chính là nhắm mắt và hít thở sâu. Thật tuyệt vời nếu những ai trong chúng ta thực hành thiền mỗi ngày.
Sách “Nhân tố Enzyme” làm rõ một vấn đề khác là các loài động vật hoang dã hầu như không có tình trạng mắc bệnh như con người. Nguyên nhân là ở chỗ chúng luôn tuân theo các quy luật tự nhiên. Vậy nên con người chúng ta nên thuận theo tự nhiên để sống, khi đó sẽ rất khỏe mạnh. Bác sĩ khuyên nên chọn sức khỏe mười năm sau thay vì bữa thịt nướng tối nay.
Bác sĩ Hiromi Shinya kỳ vọng giáo dục cho các thế hệ tiếp theo cách sống lành mạnh, tạo thói quen tốt. Ông nghĩ đến nền giáo dục lấy ba trọng tâm là “trí dục”, “thể dục”, “đức dục”. Ông muốn cho thêm vào một yếu tố nữa đó là “giáo dục thực phẩm” để tạo nên một nền giáo dục hay một nền y học giúp nhiều người khỏe mạnh và hạnh phúc.
Tôi rất thích cách bác sĩ Hiromi Shinya nhận xét rằng con người luôn rất ghét các loài côn trùng bám lên cây trồng, nhưng dù là côn trùng có hại hay có lợi, nhờ có chúng bám lên cây mà có thể tăng các chất dinh dưỡng cho cây. Đó chính là “chitin-chitosan”. Ông khuyên và khuyến cáo tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu. Các loại thuốc trừ sâu rất không tốt cho sức khỏe. Ông mong con người sớm tỉnh ngộ để bỏ thói quen xấu này.
“Nhân tố Enzyme” khẳng định rằng tình yêu thương giúp tăng cường sức đề kháng. Để có thể khỏe mạnh, nhất định trong chúng ta phải có tình yêu thương. Con người không thể hạnh phúc khi chỉ một mình. Người hạnh phúc là người thỏa mãn trong tình yêu thương mà bắt đầu là tình yêu thương của cha mẹ, sau đó sẽ là những người bạn, người đồng hành trong cuộc sống, rồi cả loài người, cả vũ trụ, từ đó tạo nên một sức sống mới. Đây cũng chính là quá trình phát triển của tình yêu thương, từ nhận được tình yêu thương, nuôi dưỡng tình yêu thương và cho đi tình yêu thương.
Nhờ các xét nghiệm máu mà chúng ta biết được rằng khi con người cảm thấy thực sự hạnh phúc, khả năng miễn dịch của cơ thể được tăng lên. Và khả năng miễn dịch tăng là nhờ có các enzyme diệu kỳ. Thế nên, có thể nói ở những người hạnh phúc, enzyme diệu kỳ của họ tích trữ rất đầy đủ. Ngoài ra, khi cảm thấy hạnh phúc, hệ thần kinh sẽ bị chi phối bởi thần kinh phó giao cảm, do đó con người sẽ giảm bớt căng thẳng. Và khi căng thẳng được giảm bớt, quá trình sản sinh các gốc tự do bị ức chế, các lợi khuẩn trong đường ruột sẽ phát triển. Tình trạng môi trường đường ruột tốt lên sẽ thông qua thần kinh phó giao cảm, truyền đến vùng dưới đồi của não và để đại não tiếp nhận, khi đó, con người lại một lần nữa cảm thấy “ôi, thật hạnh phúc”.
Khi chúng ta cảm thấy thực sự hạnh phúc cũng là lúc vòng tròn hạnh phúc bắt đầu chuyển động: cảm giác hạnh phúc > thần kinh phó giao cảm chi phối > giảm căng thẳng > cân bằng đường ruột tốt hơn > thần kinh phó giao cảm chi phối > truyền tín hiệu đến vùng dưới đồi > cảm giác hạnh phúc.
Lựa chọn đường đi như thế nào là quyền tự do của bạn, của tôi và của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, đích đến của tất cả lại đều giống nhau. Như vậy, trải nghiệm cuộc đời một cách từ tốn, có thói quen sống tốt, lành mạnh, có hiểu biết tràn ngập yêu thương mang lại lợi ích cho chúng ta rất nhiều.
Đọc thêm “Nhân tố Enzyme” một lần nữa và tôi thật sự mong ai ai cũng biết đến sách này. Ở Nhật trên hai triệu bản đã được in ra. Tôi mong mỗi người đọc và học ngay những thông tin khoa học, suy ngẫm và ứng dụng từ sách “Nhân tố Enzyme” để cuộc đời và số phận được đổi thay. Dành ra ít thời gian để đọc một cuốn sách giá trị như thế này chẳng tốt hơn hay sao.