Một vấn đề cấp bách khác đối với tất cả chúng ta là làm thế nào để duy trì và tăng cường sức khỏe trong giai đoạn khó khăn này?
Vanga và học thuyết Agni Yoga đã đưa ra cho con người những lời khuyên rất đơn giản và khá khả thi cho vấn đề này. Nếu chúng ta học cách áp dụng chúng vào thực tế, chúng ta sẽ có ít vấn đề về sức khỏe hơn. Nhưng tiếc rằng, qua năm tháng, thực tế bản chất của con người không thay đổi. Chúng ta vẫn đọc những lời khuyên và đề xuất hữu ích để rồi khi đặt cuốn sách sang một bên thì chúng ta cũng quên luôn những gì có trong sách...
Nhưng những ai vẫn dành chút quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe thì sẽ rất hữu ích khi biết đến những lời khuyên của Vanga và học thuyết Đạo đức Sống dành cho mọi người.
THỰC PHẨM TỐT CHO SỨC KHỎE
Ăn cái gì và như thế nào?
Vanga đã đưa ra lời khuyên sau đây về các nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản:
Đừng ăn quá no! Cơ thể bạn không cần nhiều thức ăn như vậy, nếu không thì tự nhiên đã cung cấp cho chúng ta hai cái dạ dày chứ không phải một.
Nên ăn nhiều hơn các thực phẩm có màu trắng. Uống trà từ các loại thảo mộc chữa bệnh. Cố gắng không ăn quá nhiều chất béo. Những người khỏe mạnh cũng có thể không ăn thịt. Rau xanh và trái cây chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nên ăn cháo ít nhất một lần một tuần và uống nhiều nước để duy trì sức khỏe.
Hãy trồng lúa mạch đen, mọi người nên ăn nhiều bánh mì lúa mạch đen, giúp duy trì sức khỏe và tuổi thọ. Trong thời đại của chúng ta, lúa mạch đen rất quan trọng.
Bản thân Vanga không ăn thịt. V.M. Sidorov trong cuốn Lyudmila và Vangelia đã viết về nhà tiên tri như sau:
Vanga từ lâu đã là một người ăn chay nghiêm ngặt. Nhưng cũng có khi suốt cả ngày bà không hề cảm thấy cần ăn. Bà chỉ uống một chút nước lạnh - bà không thích cái gì khác. Và thật ngạc nhiên là những lúc đó bà không hề thấy mệt mỏi chút nào. Bà tỏ ra có một sinh lực mạnh mẽ. Ai biết được liệu đó có phải là kết quả của việc giao tiếp với thế giới vô hình mà trong những điều kiện nhất định có thể cung cấp một nguồn năng lượng bổ sung vô hình hay không.
Đúng là, theo trí nhớ của những người khác về Vanga, bà đôi khi có ăn cá và trứng, nhưng cũng không quá một lần một ngày. Mỗi ngày Vanga chỉ ăn hai bữa: bữa sáng là cháo và rau, còn bữa tối, sau cả một ngày dài liên tục tiếp đón các vị khách ghé thăm, nhà tiên tri chỉ ăn rau với cá hấp hoặc trứng luộc.
Hai lời khuyên của Vanga là - không ăn quá no và không nên ăn thịt - đặc biệt gần với những lời khuyên về cải thiện sức khỏe con người được nói đến trong học thuyết Agni Yoga. Như bạn đã biết, những môn đồ chân chính của Yoga theo nguyên tắc thường là người ăn chay hoặc ăn kiêng thịt. Chế độ ăn chay nghiêm ngặt đòi hỏi người ăn chay phải hoàn toàn từ bỏ thức ăn có nguồn gốc từ động vật, thậm chí cả trứng và sữa. Tuy nhiên, với các điều kiện của cuộc sống hiện đại, trong giai đoạn hiện tại của cuộc khủng hoảng sinh thái và nhịp độ cực kỳ căng thẳng của cuộc sống, cơ thể con người đang phải chịu áp lực rất lớn, một chế độ ăn kiêng như vậy không hẳn không có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người. Còn một chế độ ăn khác - ăn kiêng thịt, chỉ ăn rau, trứng và các sản phẩm từ sữa. Chế độ ăn này cho phép sử dụng một số thực phẩm có nguồn gốc từ động vật - sữa, trứng, cá. Người ăn chay theo chế độ này chỉ kiêng ăn thịt động vật máu nóng và điều này là vì lợi ích sức khỏe của họ. Theo Agni Yoga, thịt của động vật máu nóng là loại từ trường đặc biệt có hại cho năng lượng tư duy. Các loài động vật có hệ thần kinh phát triển hơn so với cá có thể cảm nhận trước được cái chết của mình, khi chúng bị đưa tới lò mổ. Chúng trải qua sự kinh hoàng khi cái chết cận kề, phản ứng này được ghi lại trong máu và thịt của chúng dưới dạng một trường thông tin năng lượng nhất định. Năng lượng tiêu cực này được lưu trữ trong thịt. Thêm vào đó, thịt bắt đầu phân hủy sớm hơn nhiều so với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Kết quả là những người yêu thích các món thịt dù muốn hay không cũng khiến cơ thể chứa đầy năng lượng và thông tin hết sức tiêu cực.
Thức ăn từ thịt có hại như thế nào?
Còn một khía cạnh khác, dù nghe khá kỳ lạ song có liên quan với cõi Tâm linh, đó là ảnh hưởng tiêu cực của thức ăn chế biến từ thịt đối với cơ thể con người. Trong Agni Yoga có nói rằng cõi Tâm linh kết nối chặt chẽ với cõi Trần. Các tầng thấp nhất của cõi Trung giới là các tầng địa ngục đích thực, nơi trú ngụ những thể vía tiêu cực và linh hồn của những người đã từng sống vô đạo đức và lầm lạc nơi cõi Trần. Trong các tài liệu về tôn giáo và triết học Tây Tạng, các tầng thấp nhất đó được gọi là “thế giới của những linh hồn đói khát”. Trong số những “linh hồn đói khát” này - như linh hồn của con người hay như những thể vía tiêu cực của cõi Trung giới - có những thực thể ma cà rồng được nuôi dưỡng bằng các xạ khí âm (phóng xạ). Những phóng xạ tương tự như vậy được tạo ra từ máu, thịt, đồ uống có cồn và bất kỳ loại vật chất nào đang trong giai đoạn phân hủy ở cõi Trần. Do không có ranh giới giữa cõi Trung giới và cõi Trần, nên các thực thể tiêu cực của cõi Trung giới mà người trần không nhìn thấy được (ngoại trừ các nhà tiên tri) thực tế là có đầy lúc nhúc ở những nơi có những phóng xạ nặng, tần số rung động thấp mà chúng ưa thích. Thịt còn máu đặc biệt thu hút chúng. Được nuôi dưỡng bằng các xạ khí từ thức ăn có nguồn gốc từ thịt, các ma cà rồng thể vía thường cố gắng bám hút vào hào quang của người ăn những thức ăn này và tích tụ trong cơ thể của mình những năng lượng tiêu cực của thức ăn đó. Do đó, học thuyết Đạo đức Sống nói về thức ăn có nguồn gốc từ thịt như sau:
Để thanh lọc trái tim cần phải tránh ăn thức ăn từ thịt. Đồng thời sự hiểu biết về cõi Tâm linh sẽ chỉ ra không chỉ tác hại của việc hấp thu của các sản phẩm thối rữa, mà còn biết được những kiểu “hàng xóm” nào bị sự phân hủy thu hút. Thật vậy, rất khó để xác định cái nào gây tác hại hơn - việc hấp thụ thịt hay việc thịt thu hút các vị khách không mời? Ngay cả thịt khô và hun khói, tương đối ít độc hại hơn, nhưng mùi vị cũng thu hút không kém những kẻ đói khát của cõi vô hình, và nếu dùng những từ ngữ tồi tệ để đánh giá về chúng, thì có thể nói đó là phường tệ hại nhất. Như được biết, nhiều kẻ thu nạp thức ăn trong lặng lẽ hoặc kèm theo những lời lẽ đầy thỏa mãn.
Tất nhiên, mọi thứ thối rữa đều không chấp nhận được. Ngay cả rau quả cũng không được phép để đến lúc phân hủy. Con người không cần gì nhiều - hai loại quả, một ít bột mì và sữa. Như vậy, bạn có thể thanh lọc không chỉ bên trong mà còn tránh được rất nhiều “hàng xóm”....
Trái tim, đoạn 331
“Hàng xóm” ở đây tất nhiên là cách gọi không phải không có phần mỉa mai về những thực thể xấu ở cõi Trung giới - những người hàng xóm rất tệ hại của chúng ta. Đoạn văn bản sau đây trong Agni Yoga nói về chúng:
Mọi người không nên giữ trong nhà bất cứ thứ gì bị phân hủy. Các chất lên men hay nước để lâu thu hút các thực thể không mong muốn. Khi việc chụp ảnh những thực thể của cõi Tâm linh phát triển, có thể thấy được trên phim1 sự khác biệt của môi trường xung quanh một miếng phô mai, miếng thịt hoặc một đóa hoa hồng tươi. Thay vì thuyết phục bằng lý lẽ, người ta có thể nhìn thấy hình dáng của các thực thể bị thịt thu hút không có gì hấp dẫn cả. Những kẻ yêu thích đồ thối rữa này thậm chí còn đưa món ăn ngon lành với chúng lên tận miệng.
Thế giới Lửa, phần 1, đoạn 227
1 Phim – tên gọi cũ dành cho các phim chụp ảnh. Trích dẫn này muốn nói tới những thử nghiệm được gọi là “chụp ảnh thiên văn”, trong đó các thực thể cõi Trung giới có thể được ghi lại trên ảnh thường.
Đúng là đối với một số loại bệnh, ví dụ như bệnh tiểu đường, thì việc sử dụng thực phẩm thịt trong chế độ ăn uống là cần thiết để duy trì sức khỏe. Song đây là ý kiến của hàng loạt nhà y khoa. Thịt chứa nhiều axit amin không có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Những người vốn khỏe mạnh, như Vanga nói, hoàn toàn có thể không cần nó. Hơn nữa, hiện nay ở tất cả các nước phát triển trên thế giới, đậu tương được sử dụng thay cho thịt bởi về mặt dinh dưỡng, protein thực vật trong đậu tương không thua kém thịt, song về mặt ích lợi lại vượt xa nó. Thịt chay có vị không khác nhiều so với thịt thật, nhưng lại không bị ảnh hưởng vì sự phân hủy của tế bào sống, nhất là máu huyết có chứa các thông tin năng lượng tiêu cực.
Nhưng nếu một người quen ăn thịt tới mức không thể từ bỏ được hoặc giả sử là thực đơn của người đó vì lý do chữa bệnh nên cần phải có các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, thì các tác giả của Agni Yoga khuyên chỉ nên ăn thịt ở dạng xông khói hoặc sấy khô. Như thế nó sẽ ít gây hại về mặt năng lượng, bởi các hợp chất trong máu đã được xử lý tối đa.
Những lời khuyên hữu ích
Dưới đây là một trích dẫn những lời khuyên hữu ích từ học thuyết Agni Yoga:
...không nên ăn thịt, ngoại trừ thịt hun khói; các loại rau củ quả, sữa, bột mì luôn hữu ích. Các loại rượu cũng nên loại bỏ, trừ khi cần để chữa bệnh. Thuốc phiện là kẻ thù của Agni Yoga. Các tia trên trời cũng nguy hại. Lời khuyên dành cho bạn là nên sử dụng giày bằng cao su và đi bộ vào buổi sáng để tránh khói bụi.
Hãy can đảm đón nhận các thông điệp khác nhau từ cuộc sống, bởi chẳng thể quyết định được đâu là xấu và đâu là tốt.
Cộng đồng, đoạn 166
Việc “can đảm đón nhận các thông điệp khác nhau từ cuộc sống” ở đây có nghĩa là khả năng đương đầu của một người với tất cả những thăng trầm của số phận một cách bình tĩnh, không lo lắng, sợ hãi và bất an - vốn là những đặc tính làm suy giảm các chức năng phòng vệ của cơ thể và làm tổn hại nhiều sinh lực. Tác hại chính của lo lắng và hồi hộp là gây bất ổn cho trạng thái năng lượng tâm linh trong cơ thể mỗi người.
Kinh Thánh Lửa nói về vấn đề này:
Bình tĩnh là vương miện của tinh thần. Đặc tính tuyệt vời này không được hiểu đúng. Ít người nghĩ đến việc có được nó. Người ta nghĩ đến việc có được nhiều thứ và tốn nhiều năng lượng, nhưng để làm gì? Làm sao để giải thích, làm sao để nhớ được rằng mọi nỗ lực và cố gắng nhằm sở hữu những thứ trần tục là vô ích. Xét cho cùng, nếu kết quả cuối cùng của bất kỳ sự chiếm hữu nào là lấy đi những gì mà con người đang có thì ý nghĩa của nó là gì? Song việc sở hữu những phẩm chất tích cực của tinh thần và công sức bỏ ra cho nó cũng luôn tốt cho con người. Sự bình tĩnh được thiết lập một cách vững chắc sẽ giúp cho con người thoát khỏi những tác động lên nhận thức từ những sự việc vốn luôn dằn vặt và gây đau khổ cho những người bình thường. Đây là một trường hợp dễ nhận thấy: khi tình yêu dành cho con cái mang theo nhiều lo lắng, khiến người mẹ đổ bệnh và làm cho cuộc sống trở nên không thể chịu nổi. Con người luôn lo lắng, dẫn đến hậu quả là luôn thấy buồn bực khó chịu. Cần phải biết phân biệt giữa sự quan tâm, chăm sóc với lo lắng vô ích. Cần biết loại bỏ sự nhiễm độc này ra khỏi trái tim. Phải học cách không phản ứng trước những thứ thường gây lo lắng cho mình. Không nên giúp đỡ bản thân hay người khác bằng sự lo lắng. Nhưng rất dễ đem sự lo lắng ra để đầu độc bầu không khí xung quanh và lây nhiễm cho người khác.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 11, đoạn 396
Đây là những gì mà Vanga khuyên mọi người xung quanh:
Vào mùa hè nên đi chân đất, đừng cắt đứt sự liên kết của bạn với Trái Đất. Như thế bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi các bệnh trong mùa lạnh.
Rửa chân mỗi tối. Nước không nên quá nóng. Nếu có thể, hãy sử dụng xà phòng tự làm.
Học thuyết Cuộc sống cũng nói tới vai trò quan trọng của vệ sinh trong việc duy trì sức khỏe, lợi ích của việc tẩy rửa và nhu cầu thanh lọc cơ thể hoàn toàn:
Nghi thức thanh lọc có ý nghĩa to lớn. Nhà ở cần được thông thoáng, sạch sẽ và ngăn nắp. Hơn nữa, thân thể là nơi trú ngụ của linh hồn. Phòng thí nghiệm của cơ thể con người tạo ra rất nhiều rác và các chất thải độc hại. Nếu không xử lý cẩn thận, cơ thể sẽ bị nhiễm độc. Gan, thận, ruột, phổi, cũng như da, là các cơ quan loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Da cần phải được tắm rửa hằng ngày. Nhiều bệnh sẽ phát sinh do da bẩn, khi các lỗ chân lông bị bít bởi các chất độc hại thì da sẽ không thể hô hấp được. Được biết đã có những trường hợp chết đau đớn vì ngạt thở do cơ thể không thể hô hấp được khi bị bao phủ một lớp sơn kín. Những lớp mỡ tích tụ dưới da đặc biệt có hại. Cũng cần phải thanh lọc ruột, thận, gan, rửa sạch mũi, họng, mắt. Rất nhiều bệnh bắt nguồn từ việc cơ thể bị nhiễm độc, do đó, quan tâm đến việc giữ gìn sạch sẽ thân thể, cả bên trong lẫn bên ngoài, là một nhiệm vụ bức thiết. Để làm sạch đường ruột thường xuyên, có thể dùng baking soda có khả năng trung hòa nhiều chất độc được tạo thành trong cơ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như thức ăn khó tiêu, không khí bị nhiễm độc, môi trường không khí nơi sinh sống ngột ngạt, ẩm mốc. Bên cạnh đó, cũng nên lưu ý tới sự cần thiết phải giữ cho ý nghĩ của chúng ta trong sạch. Nhiều cảm xúc, như tức giận, cáu kỉnh, lo lắng, sợ hãi, chán nản, ghen tỵ khiến cơ thể hình thành các hợp chất hóa học độc hại, hoặc các chất có tác động nguy hiểm chết người đối với các chức năng đời sống thông thường của cơ thể và gây ra đủ mọi loại bệnh.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 12, đoạn 147
Vanga gặp gỡ với nhiều người làm trong các ngành nghề sáng tạo như nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ. Không ít lần bà đã cho họ những lời khuyên hữu ích cho công việc. Như với nhà văn và nhà thơ V.M. Sidorov, Vanga đã cho biết thời điểm nào trong ngày đặc biệt hiệu quả cho sáng tác văn học. Nhà tiên tri nói với V.M. Sidorov:
Thời gian tốt nhất cho công việc của anh là trước mười giờ sáng. Anh phải bắt đầu làm việc khi dạ dày còn trống rỗng. Chỉ rời khỏi bàn khi cảm thấy đói. Nên tiếp tục công việc sau khi nghỉ ăn sáng cho đến mười hai giờ trưa, không hơn. Sau thời gian này thì chẳng đáng phải nỗ lực làm gì.
Trong trường hợp ngoại lệ, anh có thể làm việc sau mười hai giờ trưa, nhưng cũng chỉ nên làm việc vào ban ngày; còn buổi tối thì thôi!
(Theo lời của Vanga, vào buổi tối, “trên kia” không giúp đỡ gì, hoặc nếu có thì rất ít, và không có sự hỗ trợ đó thì chẳng thể làm được gì.)
V.М. SIDOROV
Lyudmila và Vangelia
Agni Yoga cũng nói rằng buổi sáng là thời điểm tốt nhất cho công việc sáng tạo:
Đưa ra quyết định vào buổi sáng luôn tốt nhất.
Buổi sáng luôn tràn đầy sinh lực.
Nỗ lực sau khi mặt trời lặn chỉ có hại.
Hãy trả lại thời gian cho buổi tối,
Buổi sáng là giờ tri thức.
Những chiếc lá trong vườn Morya, tập 1, “Tiếng gọi”
SỨC MẠNH CHỮA BỆNH CỦA THỰC VẬT
Vanga đã đưa ra rất nhiều lời khuyên về cách chữa các bệnh khác nhau. Thường thì thực vật đóng vai trò chính trong các phương pháp chữa trị mà bà khuyên dùng. Ở Bungari, Vanga không chỉ được coi là nhà tiên tri, mà còn là một thầy thuốc - nhờ khả năng thấu thị tuyệt vời của mình, bà thường khuyên mọi người cách thức chữa trị hiệu quả nhiều loại bệnh khác nhau.
Vanga luôn nhấn mạnh vai trò to lớn của các loại thảo dược trong điều trị bệnh. Những lời khuyên của nhà tiên tri đã được ghi chép lại:
Cứu cánh cho mọi người là thảo mộc.
Ánh sáng bắt đầu từ thảo mộc và kết thúc cũng ở thảo mộc.
Con người từ xa xưa đã chữa bệnh bằng thảo mộc và trong tương lai cũng sẽ vẫn chữa bệnh bằng thảo mộc. Nhưng chỉ nên sử dụng những thảo dược lớn lên ở đất nước hoặc địa phương của mình. Mọi người nên chữa bệnh bằng thảo dược của mình.
Thuốc sẽ đóng lại cánh cửa liên hệ với thiên nhiên, mà chỉ qua cánh cửa đó, thiên nhiên mới có thể cùng với thảo dược xâm nhập vào cơ thể bị bệnh và chữa trị cho nó. Mỗi loại bệnh đều có loại thảo dược riêng.
Trong câu cuối, Vanga quan niệm thuốc ở đây không phải là thảo dược, mà là dược phẩm được tổng hợp từ những hợp chất hóa học.
Trong Agni Yoga và trong các lá thư của E. Roerich cũng nói cần phải thận trọng trong việc sử dụng các loại dược phẩm hiện đại, bởi vì các nhà bào chế thường không cho rằng các loại thuốc mới có tác dụng phụ cực kỳ có hại cho sức khỏe con người. Do đó, cảnh báo của Vanga về các loại thuốc hiện đại là hoàn toàn có lý.
Thật nực cười cho những lời chỉ trích đối với liệu pháp vi lượng đồng căn trong thời đại chúng ta, khi mà những bộ óc giỏi nhất trong số các bác sĩ tại Anh và Mỹ đều đang hướng đến các phương thuốc trị liệu dân gian cũ không hề được quy định trong dược điển. Chính ngay lúc này, chiến dịch chống lại các dược phẩm được cấp bằng sáng chế đang được bắt đầu. Thậm chí bây giờ các tờ báo cũng đầy ắp các thông báo về việc quay trở lại với những phương pháp điều trị cổ xưa. Vì vậy, hãy cứ để cho những ai đang bênh vực cho các dược phẩm được cấp bằng sáng chế biết rằng chính những cái đầu sáng suốt đã hiểu rõ tác hại của các độc tố có sẵn, được dùng để đem lại lợi nhuận cho các thương nhân và các dịch vụ tang lễ.
E.I. ROERICH
Trích thư ngày 10/06/1937
Bây giờ thì tôi không nhớ ở đâu, nhưng trong một cuốn tạp chí khoa học Mỹ mà chúng tôi nhận được hoặc trong một bài báo, chúng tôi đọc được rằng Hội đồng Y khoa ở Mỹ đã thừa nhận: trong nhiều trường hợp, các loại thuốc được cấp bằng sáng chế đã gây ra các biến chứng lớn và thậm chí tử vong cho những người đã sử dụng chúng.
...Tôi nhớ có hai bác sĩ của chúng tôi ở Nga (...). Cả hai rất hiếm khi viện đến thuốc và thích sử dụng các phương thuốc địa phương đơn giản nhất, cả hai đều nói rằng bác sĩ giỏi là người biết không làm cản trở mà là hỗ trợ thiên nhiên, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được làm cơ thể bị nhiễm các độc tố được cấp bằng sáng chế. Vì điều này mà cho đến bây giờ tôi luôn giữ trong tim lòng biết ơn sâu sắc đối với những thầy thuốc thực sự có kiến thức này, những người đã bảo vệ gia đình tôi khỏi đau khổ.
E.I. ROERICH
Trích thư ngày 17/03/1938
Đối với những lời khuyên về việc chữa trị bằng các loại thảo mộc mọc trong nước và thậm chí là ở nơi chúng ta sinh ra, thì có lẽ lời khuyên này được nhà tiên tri đưa ra có liên quan đến tính di truyền. Nếu tổ tiên của chúng ta sống ở một địa phương, thì rất có thể họ sử dụng thảo mộc ở địa phương đó làm thuốc chữa bệnh. Ảnh hưởng của các loại thảo mộc địa phương trên cơ thể con người qua nhiều thế hệ chắc chắn đã được thể hiện trong cái được gọi là “bộ nhớ di truyền”, nghĩa là nó đã được cố định ở cấp độ gen. Như vậy, cơ thể con người từ khi sinh ra sẽ thích ứng với chính các loại thảo mộc mà tổ tiên đã dùng để chữa bệnh và do vậy, những thảo dược này sẽ đặc biệt có hiệu quả cho người đó.
Tuy nhiên vẫn còn một giải thích khác nữa, không phải về di truyền, mà về “năng lượng”, đối với lời khuyên của Vanga. Mỗi địa phương trên Trái Đất này đều có nền tảng năng lượng, trường năng lượng riêng của mình, mà sự hình thành cũng có sự tham gia của những bức xạ của thực vật. Cơ thể con người không chỉ thích ứng với khí hậu và các đặc điểm tự nhiên khác của địa phương nơi họ đang sống, mà còn với trường năng lượng tâm linh đặc biệt ở địa phương này. Các thực vật địa phương từ lâu đã có năng lượng hài hòa với trường năng lượng chung của địa phương đó, đương nhiên, sẽ được cơ thể cảm nhận dễ dàng hơn so với các thực vật có bức xạ năng lượng lạ.
Các tác giả của học thuyết Agni Yoga cũng rất coi trọng các phương pháp chữa trị liên quan đến việc sử dụng thực vật. Học thuyết Đạo đức Sống có nói nhiều về thảo dược và vi lượng đồng căn.
Một trong những cuốn sách thuộc bộ sách của Agni Yoga nói rằng:
Vi lượng đồng căn đến một mức độ nào đó, đã lường trước được quá trình của thuốc trong tương lai.
Thượng giới, đoạn 23
Người phát minh ra vi lượng đồng căn, bác sĩ người Đức Samuel Hahnemann, gọi phương pháp điều trị thông thường - theo đó bệnh nhân được cho uống các loại thuốc gây ra trong cơ thể các triệu chứng trái ngược lại với các triệu chứng của bệnh - là phương pháp đối chứng. Phương pháp điều trị vi lượng đồng căn là phương pháp kê đơn cho bệnh nhân những loại thuốc tạo ra trên cơ thể bệnh nhân các triệu chứng tương tự với các triệu chứng của bệnh. Bằng cách này, Hahnemann đã sử dụng trong kỹ thuật của mình một phương pháp cũ nhưng hiệu quả - “lấy độc trị độc”. Ở châu Âu, sau khi xuất hiện vi lượng đồng căn, các cuộc tranh cãi đã bắt đầu nảy sinh giữa các bác sĩ theo các phương pháp điều trị khác nhau. Một số người cho vi lượng đồng căn là phương pháp hiệu quả nhất, trong khi những người khác lại chú trọng hơn vào các phương pháp điều trị truyền thống.
Về vấn đề này các tác giả của Agni Yoga cũng tuyên bố:
Các tranh luận về đối chứng và vi lượng đồng căn cũng cần đưa đến một sự hợp nhất. Một bác sĩ giỏi phải biết áp dụng nguyên tắc này hay nguyên tắc kia vào chỗ nào thì hữu ích. Thậm chí nước đường cũng có thể được sử dụng một cách có ích. Chúng ta đừng quên là các tia không gian cũng có tính điều trị đối chứng. Không nên từ bỏ những liều thuốc do Thiên nhiên mang đến. Phòng thí nghiệm của cơ thể con người cũng rất đối chứng.
Do đó, với các cuộc tranh luận như vậy, chúng ta nên giữ thái độ dung hòa.
Thế giới Lửa, phần 3, đoạn 523
Y học Ấn Độ cổ đại thật đáng ca ngợi. Cần phải hiểu rằng, kinh nghiệm và trí tuệ đã được tích lũy hàng nghìn năm. Nhưng chúng ta sẽ không dại gì mà phân biệt rạch ròi giữa phương pháp vi lượng đồng căn với phương pháp đối chứng. Chúng ta đừng quên những tích lũy của Trung Quốc và Tây Tạng. Mỗi dân tộc đều có những hiểm họa đe dọa và rất quan tâm đến việc đối phó lại những hiểm họa đó. Vì vậy, thầy thuốc nào tích lũy được nhiều tinh hoa sẽ là người chiến thắng.
Hội Huynh Đệ, đoạn 538
Tuy nhiên, những người sáng lập học thuyết Đạo đức Sống cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ phương pháp điều trị nào, kể cả phương pháp có sự hỗ trợ của thực vật, cũng chỉ luôn mang tính chất phụ trợ. Sức mạnh chữa bệnh chính của con người không nằm ở bên ngoài mà ở bên trong con người - đó là năng lượng tinh thần của chính người đó. Thiên nhiên chỉ có thể giúp cơ thể con người đối phó với bệnh tật, nhưng vai trò chính của cuộc chiến chống lại bệnh tật này sẽ thuộc về năng lượng tinh thần của chính người đó:
Các phương pháp vi lượng đồng căn có thể bị ngăn cấm ở đâu đó, cũng như ai đó chỉ muốn điều trị cho mọi người theo cách riêng của mình. Quan điểm ngăn cấm là thiển cận. Không thể thiết lập một phương pháp điều trị duy nhất. Nên nhớ rằng tất cả các loại thuốc chỉ là phương tiện hỗ trợ. Nếu không có năng lượng nền tảng thì chẳng thuốc nào phát huy được tác dụng cần thiết cả.
Hội Huynh Đệ, đoạn 11
Học thuyết Agni Yoga nói rằng thực vật có thể chữa khỏi bệnh không chỉ nhờ việc hấp thụ các dược chất do chúng tạo ra mà còn nhờ vào mùi hương:
Chữa bệnh bằng mùi thơm của hoa, nhựa cây và ngũ cốc bắt nguồn từ thời cổ đại. Vì vậy, hoa hồng mang lại không chỉ tác dụng tương tự như xạ hương, mà còn ngăn chặn chất độc gây thối rữa. Thời xưa, một khu vườn hoa hồng được coi là nơi tạo nguồn cảm hứng. Hoa lan Nam Phi rất hữu ích cho hệ thống thần kinh giao cảm. Hạt lúa mạch cần thiết cho lá phổi, cũng như bạc hà, nhựa cây tuyết tùng và các cây khác.
Thánh đoàn, đoạn 316
Tóm lại, kiến thức cổ xưa về sức mạnh chữa bệnh của thực vật, được Kinh Thánh Lửa mở mang cho con người, có thể mang đến những lợi ích không nhỏ cho con người. Vì vậy, kiến thức này rốt cuộc cần phải được mọi người hiểu và công nhận đúng giá trị, đặc biệt là các nhà khoa học.
NĂNG LƯỢNG TƯ DUY VÀ SỨC KHỎE
Nguyên nhân bí ẩn của bệnh tật
Theo Agni Yoga, yếu tố quan trọng nhất quyết định tình trạng sức khỏe của mỗi người là các biểu hiện tinh thần, suy nghĩ và cảm xúc. Nếu đạo đức của một người thể hiện qua cách người đó luôn sống với những suy nghĩ không trong sạch, ích kỷ, thấp hèn, thì sớm hay muộn, điều này nhất định cũng sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của người đó. Trong Kinh Thánh Lửa có rất nhiều cảnh báo về khả năng tàn phá của những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đối với sức khỏe con người. Những ai muốn được khỏe mạnh cần phải ghi nhớ điều này.
Ở trên, chúng tôi đã dẫn lời Vanga rằng những suy nghĩ xấu không mang lại điều gì tốt đẹp cho con người. Ngoài ra, nhà tiên tri đặc biệt nhấn mạnh tác động tiêu cực của những suy nghĩ đó đến sức khỏe con người. Bà nói rằng trong mọi trường hợp, không được phép nảy sinh bất kỳ ý nghĩ xấu xa nào, bởi vì theo lời Vanga, nó ngay lập tức “hủy hoại tinh thần của con người” và do đó, xuất hiện sự bất đồng giữa tinh thần với cơ thể, là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh khác nhau. Những lời này của nhà tiên tri nổi tiếng hoàn toàn trùng hợp với những gì được nói trong Kinh Thánh Lửa.
Các tác giả của Agni Yoga đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng suy nghĩ và cảm xúc của con người, qua đó giải thích nhiều vấn đề trong cuộc sống và tình trạng sức khỏe của họ.
Dưới đây chỉ là một vài trích dẫn từ nhiều câu nói của các bậc Thầy phương Đông, đề cao tính chất của tư duy và tác động của nó đến tình trạng thể chất của con người.
Biên soạn một cuốn sách về những tác hại do những suy nghĩ xấu mang đến thực sự cần thiết cả cho bản thân và cho người khác. Những suy nghĩ đó là nguồn gốc của nhiều loại bệnh tật. Trước đây, chỉ có các bệnh về tâm lý mới được gắn với các suy nghĩ xấu, nhưng đã đến lúc phải phân biệt nhiều loại bệnh thể chất đa dạng do suy nghĩ gây ra. Không chỉ bệnh tim mạch, mà hầu hết các bệnh dạ dày và ngoài da cũng là hậu quả của những suy nghĩ tiêu cực. Tương tự, các bệnh truyền nhiễm cũng có thể lây lan không chỉ bởi môi trường thuận lợi, mà còn thông qua cả suy nghĩ. Đây không phải là tự kỷ ám thị, mà chúng ta có thể thấy các trường hợp lây nhiễm chéo từ một người sang nhiều người khác. Có thể thấy được những hậu quả về thể chất khá tương đồng với các biểu hiện về tinh thần. Đồng thời cũng có trường hợp một số cơ thể vô tình phát tán một bệnh nào đó mà bản thân cơ thể đó không bị bệnh. Ngay trong thời cổ đại người ta đã biết tới các tác nhân lây nhiễm đó, nhưng rồi họ quên mất những kiến thức khoa học, và biến tất cả mọi thứ thành cái được gọi là “lời nguyền của quỷ” .
Tâm, đoạn 302
Có nghĩa là ngay cả khi đối diện với đau đớn về thể chất, người ta vẫn phải tìm kiếm nguyên nhân ở chất lượng của tư duy. Vì vậy hãy dần hướng suy nghĩ của những người xung quanh đến cái tốt. Chúng ta đã có bằng chứng về việc những lời chỉ trích và rủa xả gây nên biết bao tổn thương dù ở khoảng cách xa. Để tập trung sự chú ý, cần hướng tâm đến thực chất. Đặc biệt, những gì đạt được có thể gây ảnh hưởng cho dù chỉ một chút lên hào quang bị chạm tới. Vì vậy, cần phải rất lưu ý đến ấn tượng đầu tiên của mọi người, khi mà trái tim có thể phát tín hiệu của nó. Có thể dễ dàng hình dung những gì thu nhận được rất có thể là tác nhân lây lan, bởi thế nên cần tránh xa chúng.
Tâm, đoạn 303
Trên Trái Đất, chúng ta luôn quan tâm đến cơ thể, vì vậy cần phải tìm hiểu sâu nguồn gốc của bệnh tật. Bác sĩ liệu có thể nói với bệnh nhân: anh có triệu chứng của bệnh tư lợi, hay bị thiếu máu vì tự cao tự đại, hoặc có sỏi vì lừa lọc, bị ghẻ vì ngồi lê đôi mách hay bị đột quỵ vì hằn thù.
Ở các nghĩa trang, chúng ta thích ghi nhớ những ưu điểm của người nằm xuống, tránh nêu ra nguyên nhân thực sự của bệnh tật - một cảnh tượng mang tính giáo huấn.
Các bạn thân mến, tôi xin nhắc lại rằng, hãy giữ cho suy nghĩ của mình được trong sạch, đấy là cách khử trùng tốt nhất và phương thuốc bổ danh tiếng nhất.
Cộng đồng, đoạn 23
Mỗi khoảnh khắc trôi qua, con người hoặc sáng tạo hoặc phá hủy. Thế giới đầy ắp những suy nghĩ mâu thuẫn. Nhiều loại bệnh phát sinh là do những suy nghĩ hướng tới sự hủy diệt. (...) Không thể nói cho người ta hiểu cần họ chịu bao nhiêu trách nhiệm đối với phẩm chất suy nghĩ của họ. Trái tim luôn đập không ngừng, cũng như nhịp suy nghĩ luôn nối tiếp nhau. Nhưng giải thích về điều này lại không được chấp nhận.
Các dấu hiệu của Agni Yoga, đoạn 141
Như đã đề cập, theo Học thuyết Cuộc sống, tác động của các năng lượng vũ trụ mới lên Trái Đất sẽ tăng đều đặn hằng năm. Điều này dù muốn hay không cũng sẽ tăng cường tiềm năng của tư duy con người. Những suy nghĩ và cảm xúc của chính chúng ta sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta ngày càng mạnh mẽ và rõ rệt hơn. Và con người rốt cuộc sẽ phải đưa ra lựa chọn cuối cùng: hoặc học cách đưa tâm trí vào khuôn phép, kiểm soát chất lượng đạo đức của suy nghĩ, hoặc hủy hoại hoàn toàn sức khỏe của mình bằng những cơn bực tức, giận dữ và ghen tỵ. Những điều kiện tự nhiên mới buộc chúng ta phải trở nên có đạo đức hơn!
Điều trị bằng sức mạnh tư tưởng
Trong khi đó, như được nhấn mạnh trong Đạo đức Sống, suy nghĩ có khả năng đem đến một sự giúp đỡ đáng kể cho con người trong việc tăng cường sức khỏe, chống lại cả những căn bệnh nặng và khó chữa nhất:
Cơ thể con người chịu tác động của suy nghĩ. Ngay cả các bệnh mạn tính cũng có thể được chữa trị được bằng suy nghĩ, đặc biệt nếu suy nghĩ đó kiên trì, mạnh mẽ và nhịp nhàng. Nhưng ngay cả những ý nghĩ thông thường cũng rất ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 13, đoạn 412
Nếu chỗ nào đó đau hoặc cơ thể không ổn, cần phải tạo ra một hình thức hoạt động dài hơi, lành mạnh cho cơ thể. Tất cả đều sẽ tuân thủ theo suy nghĩ. (...) Tất cả các chức năng của cơ thể về lâu dài sẽ tuân thủ ý chí, và tất cả các bệnh sẽ khuất phục việc điều trị, hãy cài vào trong suy nghĩ, trong các hình ảnh tư duy, rồi đưa (chúng) vào trong các cơ quan, mô và cơ bị bệnh.
Muôn mặt Agni Yoga, năm 1959
Trong các ghi chép của Boris Abramov có nêu ra một phương pháp cụ thể về cách kết hợp hoạt động tư duy với cơ thể và “khu vực có vấn đề”. Trong rất nhiều trường hợp, phương pháp này là một dạng thiền, hoặc là các bài tập thiền nhằm cải thiện sức khỏe cơ thể.
Dưới đây chỉ là một số lời khuyên của các bậc Thầy trong cuộc chiến chống lại bệnh tật và duy trì sức khỏe.
...Cơ thể vật lý đòi hỏi một sự chăm sóc và chú ý nhất định. Mọi cơ quan mang bệnh đều cần được chăm sóc. Có được sự quan tâm và chú ý chân thành thì bệnh tật sẽ bị đẩy lui. Trong trường hợp ốm đau, cần cho cơ quan mang bệnh thấy nó phải ra sao trong tương lai. Những lời khuyên và hướng dẫn như vậy rất hiệu quả. Một cơ quan khỏe mạnh luôn biết chức năng của mình, nhưng một cơ quan mang bệnh thì lại quên điều đó. Cơ thể rất sợ và vâng lời chủ nhân của mình. Cần phải biết điều này. Không bao giờ đầu hàng hoặc rút lui trước bệnh tật. Cuối cùng, tinh thần sẽ luôn chiến thắng. (...)
Cơ thể luôn thụ động và sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh của ý chí. Những người khỏe mạnh, mạnh mẽ, trước đây chưa bao giờ bị bệnh, thì khi mắc bệnh lại gần như bất lực, và hoàn toàn đầu hàng bệnh tật và tự đánh mất mình. Phải chiến đấu đến cùng, không một giây phút nào chịu khuất phục trước bệnh tật và phải biết rằng tinh thần còn mạnh hơn cả cơ thể. (...)
Năng lượng tinh thần là thần dược phổ thông chữa bách bệnh. Trong tiềm thức nên luôn duy trì liên tục quá trình phục hồi, không phải bệnh tật, mà là chữa bệnh và cải thiện. Thuốc chỉ là một phương tiện bổ trợ, còn quan trọng là năng lượng lửa, Agni. (...)
Tất cả các quá trình trong phòng thí nghiệm của cơ thể con người có thể phục tùng ý chí. Suy nghĩ có ảnh hưởng rất lớn. Thông thường bệnh tật sinh ra bởi những khu- ynh hướng suy nghĩ độc hại, bất an, lo lắng, đau buồn, ảnh hưởng của những người xung quanh, những người bị bệnh ở gần, và những người khác. Tác động của môi trường thường gây chết người. Cần phải biết cách vô hiệu hóa những ảnh hưởng này.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 1, đoạn 5
Để tác động lên cơ thể, cần phải tạo nên hình thái rõ ràng, ổn định và chính xác, là hình mẫu, hình ảnh, hoặc đại diện cho những gì mà ý chí mong muốn. Cần phải quay trở đi trở lại phương pháp này đều đặn, vào sáng hoặc chiều. Nếu trong ngày các suy nghĩ xuất hiện, thì hãy cứ để chúng diễn ra một cách hài hòa, nhưng đừng để chúng đi trái với mục tiêu mong muốn hoặc những biểu hiện tinh thần. Ví dụ, với chiếc răng đau, khi điều trị về tinh thần thì nên nghĩ rằng nó vẫn bình thường cho dù nó đau, và gửi đến nó một liều năng lượng tinh thần. Cách làm này là đúng, bởi vì vật chất không có ý chí, do đó, có thể tác động đến nó. Tuy nhiên, cơ thể không dễ dàng chịu ảnh hưởng như vậy, bởi vì, trước hết, nó thụ động, và thứ hai, ý chí của con người vốn bị chia rẽ bởi sự nghi ngờ, không tự tin và yếu đuối, vận hành hoàn toàn phù hợp theo những đặc tính này, nên rất khó đạt được hiệu quả đầy đủ. (...) Lẽ dĩ nhiên, ban đầu cần phải kiên trì. Vật chất chịu sự quyết định của ý thức. Có thể khắc phục được bằng sự bền bỉ. Để làm tiêu một chỗ sưng ở gan bàn chân cũng cần hơn ba tuần nỗ lực liên tục, bền bỉ, thậm chí hai lần một ngày. Nhưng thành công là điều chắc chắn, chỗ sưng biến mất, và sẽ không cảm thấy đau nữa. Phương pháp này có thể áp dụng được với mọi thứ. Có thể đạt được rất nhiều cả về mặt sức khỏe cũng như kiểm soát được cơ thể. Mát-xa cho tinh thần hữu dụng hơn mát-xa cho cơ thể, dù khó hơn. Sức sống và sự trẻ trung của cơ thể có thể giữ được bền lâu hơn bình thường nếu trong ý thức tạo được một hình thái tinh thần ổn định biểu hiện ra bên ngoài, hãy duy trì và không để cho lực lượng phá hoại nào phá hủy nó. Các tế bào của cơ thể và các mô không có ý chí của riêng mình. Chúng tuân theo ý chí lửa của con người, chấp nhập hình thái đã được quyết định. Các bạn có thể tiếp tục tự mình thử nghiệm. Tôi biết rằng sẽ tới lúc sự kiểm soát cơ thể sẽ được chấp nhận rộng khắp. “Không thể” – đó là sự khẳng định thiếu hiểu biết trong quá khứ Tôi nói: “Bây giờ mọi thứ đều có thể.”
Muôn mặt Agni Yoga, 1957, đoạn 113
Chúng tôi bổ sung thêm rằng còn nhiều lời khuyên có giá trị nữa, được nêu ra trong học thuyết Agni Yoga đang chờ mọi người khám phá và áp dụng.
Vanga đã tiên đoán rằng sẽ sớm tới lúc học thuyết này được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới...