Nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân của đồng chí Lê Quang Đạo, nguyên Chủ tịch Quốc hội, đã giữ gìn cẩn thận cuốn nhật ký của chồng viết khi ông là Chính ủy Mặt trận Quảng Trị, năm 1972. Cuốn nhật ký bìa giấy màu xi măng khổ 13cm x 9,3cm, giấy poluya mỏng viết một mặt với những nét bút tròn rất nhỏ, thẳng hàng, ngay ngắn. Được sự đồng ý của nhà văn Nguyệt Tú, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng trích giới thiệu nội dung Nhật ký Quảng Trị của Chính ủy Lê Quang Đạo.
Năm 1972
26-3. ...Nhớ lại đầu Xuân 1968, đã qua bốn năm rồi. Lần ấy gặp bao nhiêu chiến sĩ trẻ rầm rập kéo ra tiền tuyến, lần này cũng lại gặp những đồng chí trẻ măng: Chiến sĩ, dân công cả trai cả gái chỉ quãng 18-20 tuổi. Từ trước đó rất lâu và từ đó đến nay đã bao nhiêu lớp thanh niên lên đường! Ai còn? Ai mất? Tất cả họ đã góp sức làm nên lịch sử, làm nên những chiến công kỳ diệu. Họ thật hồn nhiên mà vĩ đại vô cùng. Tự hào biết bao về dân tộc ta, thanh niên ta rất anh hùng. Nhưng cũng rất xót xa khi nghĩ đến những người đã mất đi để cho Tổ quốc, dân tộc sống còn mãi mãi. Cũng xót xa khi gặp một số cháu còn quá nhỏ tuổi mà cũng leo đèo, lội suối, mang vác nặng nề. Những lớp người khác nhau ấy có một cái gì chung rất giống nhau: Rất trẻ, rất hồn nhiên, rất vui nhộn, rất anh dũng, rất dễ thương, rất đẹp...
30-3. Ngày N. Giờ G, định là 10g sáng, nhưng hoãn lại đến 11g đã trông rõ nhiều mục tiêu, pháo bắt đầu nổ. Đến 11g10, tất cả các trận địa pháo ta đều bắn. 16 giờ kiểm điểm lại, pháo ta bắn tốt, trúng mục tiêu, địch đối phó lại yếu ớt, lẻ tẻ, nó có phản pháo lại vài nơi, các trận địa pháo nó cũng còn một số nơi bắn nhưng bị câm tịt nhiều...
31-3. Hôm nay thắng lợi dồn dập: ...- Diệt điểm cao 544 (10g), diệt địch cứ điểm Đầu Mầu (13g10). Tuyến phòng thủ kiên cố của địch ở phía Tây, cái vỏ cứng bên ngoài đã vỡ gần hết. Cồn Tiên địch cũng bị thiệt nặng và rút chạy; - Ở phía Đông, quần chúng nổi dậy đồng loạt ở tất cả mấy xã, giải phóng toàn bộ khu vực bến sông Cửa Việt chỉ còn các vị trí Dốc Miếu, Quán Ngang, địch đương bị bao vây...
3-4. ...Diệt lữ đoàn 147, trung đoàn 56, đánh thiệt hại nặng trung đoàn 2, diệt 2/3 thiết đoàn 11, diệt và chiếm toàn bộ 12 trận địa pháo địch, thu và phá 110 khẩu pháo, diệt và bắt trên 100 xe tăng và bọc thép, giải phóng 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ và Khu tập trung Mai Lộc. Bắn rơi 45 máy bay (cả phá hủy). Thắng rất to. Không ngờ địch vỡ nhanh và tan rã như vậy.
Ngày 4 đến 7-4. Địch chuyển sang phòng ngự, cố giữ ở tuyến Nam sông Đông Hà, tăng thêm lực lượng dự bị ra để cản bước tiến của ta...
Trước tình hình địch cố tăng quân ra đây. Tối qua 6-4 trao đổi cùng anh Hải (Tấn), anh Cao (Khánh) thấy rằng phải có dự kiến đánh trận này, tiêu diệt quân địch ở Đông Hà-Ái Tử, La Vang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị rồi đánh trận nữa ở Mỹ Chánh, Đồng Lâm, địch mới vỡ lớn và sau đó ta có khả năng phát triển rất nhanh, giải phóng Thừa Thiên Huế...
8-4. Chiều nay pháo bắn mở đầu cho những trận đánh mới vào sáng mai... Pháo bắn trúng trận địa pháo địch ở Ái Tử, Lai Phước, La Vang...
Chính ủy Lê Quang Đạo (giữa) tại Mặt trận Quảng Trị, năm 1972. Ảnh do gia đình cung cấp
10-4. Hôm qua như vậy là ta tấn công không thành công. Lấy được Phượng Hoàng (52) Tây Ái Tử, địch phản kích lấy lại mất. Phía Bắc, Trung đoàn 102 và 36 tấn công không thành công, không chiếm được mấy cao điểm 30, 35, 52 ở Tây Đông Hà, ta lại bị nó bắn hỏng 5 xe tăng + 3 xe cao xạ. Chỗ Sư đoàn 304 bị bắn hỏng 1 và lấy mất 1 tăng của ta...
Tình hình địch có thay đổi... Như đã dự kiến trước đánh địch trong 2 tình huống: Tình huống 1 là khả năng đánh nhanh, địch bị vỡ nhanh, ta giải quyết nhanh. Tình huống 2 là địch đã co cụm và tăng cường, ta phải đánh chắc từng bước. Tình huống 2 bây giờ đã xuất hiện. Nhưng đánh như thế nào?...
19-4. Tối nay được tin từ hôm qua đến nay, từ Bắc đến Nam, các cánh đều đánh tốt... Rất phấn khởi được tin, lần đầu tiên ta đánh chìm 1 tàu khu trục Mỹ ở đông Cửa Gianh.
28-4. Hôm nay về căn bản đã diệt được hết địch từ Đông Hà đến Lai Phước... nhưng bộ binh địch ta diệt không được nhiều và không gọn từng đơn vị lớn, rất tiếc... Xe tăng ta đánh rất tốt. “Bạch tuộc” đánh cũng rất tốt. Bộ binh nhiều đơn vị đánh tốt. Nói chung đều chiến đấu rất dũng cảm. Nhưng quá trình phát triển có lúc không nắm chắc địch, ta. Sư đoàn 308 đánh chưa thật linh hoạt, táo bạo, bộ đội còn ỷ lại vào tăng và hỏa lực của cấp trên...
30-4. Địch chạy mất khỏi Ái Tử bằng cầu phao, anh em ta ở đó không biết. Các đơn vị ta vào Ái Tử rất tiếc chưa diệt được nhiều địch ở đây. Các đơn vị chặn đường ở phía nam Quảng Trị đánh tốt hơn, diệt từng đoàn hàng trăm xe địch, diệt được nhiều địch, bắt được nhiều tù binh...
1-5. Hôm qua là vừa tròn 1 tháng kể từ khi nổ súng bắt đầu chiến dịch... Các đơn vị ta ở đây vừa ép vào Quảng Trị vừa tiến xuống Hải Lăng hiệp đồng với cánh phía Tây. Sáng sớm nay 2 máy bay trực thăng bốc bọn cố vấn Mỹ đi mất rồi...
14g30 ngày 1-5-1972, ta giải phóng thị xã Quảng Trị.
2-5. ...Thắng to sau 5 ngày chiến đấu của đợt 2 CZ (chiến dịch). Tiếc là chưa bắt được nhiều tù binh, nhất là bọn chỉ huy lữ và trung đoàn. Nhưng mà địch tan nát hết.
Ngày N tối 20 sang 21-6.
Ngày N của đợt mới định là ngày 20, nhưng thực tế hướng đông đã đánh từ ngày 18 và 19 vì địch đánh ra trước. Hướng Đường 1 thì sáng 21-6 mới bắt đầu nổ súng. Nhưng pháo thì bắn từ ngày 20 đã phá hủy được nhiều pháo địch...
27-6. Qua 6 ngày tấn công ta diệt được một bộ phận địch, đẩy lùi, phá kế hoạch phản công của địch. Địch lại tăng cường không quân, có ngày tới trên 60 lần chiếc B-52. Do đó kết quả: Ta chưa diệt gọn được d (tiểu đoàn) nào và chưa phá được thế của địch...
Đã hạ quyết tâm: Tiếp tục tấn công có trọng điểm thôi nhưng trọng tâm phải chuyển sang đề phòng sẵn sàng. Kiên quyết đánh bại cuộc hành quân mới của địch, tiêu diệt lớn quân địch sau đó phát triển tấn công. Sáng nay Quân ủy chỉ thị hoàn toàn đồng ý quyết tâm nói trên. Tối qua đã kịp thời ra lệnh cho các đơn vị...
28-6. Địch đã bắt đầu đánh ra ở hướng đông.
(Ngày) 4 đến 10-7. Tuần lễ vừa qua thật rất hồi hộp, đầy lo âu. Địch vẫn tiến sát tới thị xã và vùng ngoại ô thị xã. Hôm được tin địch vào được La Vang rồi, buồn quá, đêm không tài nào ngủ được...
Đã bàn và điện báo cáo về Hà Nội kế hoạch tác chiến trong 3 tình huống. Cố gắng tranh thủ cho được tình huống 1 (giữ được Quảng Trị) và hết sức tránh tình huống 3, là tình huống xấu nhất, nhưng cũng cần dự kiến để trong tình hình nào cũng có kế hoạch trước, chủ động.
12 đến 13-7. Bộ đội bảo vệ Quảng Trị chiến đấu vô cùng anh dũng, lại đẩy lùi được các cuộc tấn công mới của địch, giữ vững các vị trí của ta.
16 đến 18-7. Nghe anh Song Hào cho biết, Quân ủy và BCT (Bộ Chính trị) thảo luận rất nhiều và... có những nhận xét rất gay gắt. Lại một lần nữa có sự căng thẳng. Nghe tin anh Song Hào và anh Hai lên đường vào đây để truyền đạt chỉ thị của BCT.
Tối 19-7. Được điện mới của BCT khẳng định quyết tâm đánh bại cuộc hành quân của địch.
25-7. Hôm nay địch liên tiếp mở các đợt tấn công vào thành Quảng Trị. Tin Thùy báo cáo lúc 20g địch đã chiếm làng Tri Bưu, ta không còn sức phản kích lấy lại... Địch đã ở sát đông bắc, đông và nam thành. Rất lo. Hội ý Bộ tư lệnh đề ra các biện pháp cấp bách để đối phó với tình hình.
27-7. Chiều nay đi đón anh Song Hào và anh Trần Quý Hai. Nghe các anh truyền đạt chỉ thị của BCT và Quân ủy. Nhất trí tất cả, vấn đề bây giờ là làm sao thực hiện được.
11-8. Được tin tình hình gay go, địch chiếm đầu cầu Quảng Trị, chiếm chùa Bà Năm, tiến đến góc đông nam thành 50m. Chiếm một số điểm ở tây thôn Thạch Hãn...
27-8. Hết hôm nay là vừa tròn 2 tháng đánh địch phản công ra Quảng Trị. Ta đã đánh cho địch thiệt hại nặng cả 2 sư đoàn thủy quân lục chiến và dù, giữ được thị xã Quảng Trị, La Vang... Nhưng nhìn chung chưa thực hiện được kế hoạch, chưa có chuyển biến gì đáng kể. Sức bộ đội ta vẫn bị giảm đi. Hà Nội thì đang giục và nay mùa khô ở đây sắp hết, mưa đến nơi rồi.
11 đến 14-9. Mấy ngày nay tình hình lại gay go. Bộ đội bảo vệ thành chiến đấu cực kỳ anh dũng, pháo binh ta chi viện rất đắc lực. Hy vọng giữ vững được thị xã Quảng Trị rất mong manh. Vì tấn công không được, chỉ phòng ngự, chống giữ một cách bị động thì rất khó.
Chiều 15-9, được điện của bộ đội ta ở thị xã xin rút. Đây là giờ phút căng thẳng nhất. Địch đã vào trong Thành cổ ở góc đông nam và đã uy hiếp sát cả 3 mặt thành, chỉ còn phía tây thành, nhưng địch cũng đang cố tiến lên để bao vây, bịt đường rút của ta... Đã ra hết cả nhưng còn lại một số ổ chiến đấu chưa biết tin vẫn ở lại. Đã lệnh ngay cho tổ chức vào bắt liên lạc để đưa anh em ra hết. 80 ngày bom đạn thật ác liệt, anh em đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, đã làm tròn nhiệm vụ và thật xứng đáng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
17-9. Điện Hà Nội tới tấp hỏi tin tức bộ đội ở Quảng Trị. Lệnh cho Sư đoàn 308 và 320 lập tức đánh vào thành từ phía bắc và phía nam để giải vây cho anh em. Thực ra nếu thiếu dự kiến trước và nếu không rút kịp thời khi đã bị địch vây kín 4 mặt thì rất khó giải vây và không thể đưa anh em ra được... Tối nay được tin vẫn còn tiếng súng chiến đấu của một số anh em ta ở trong thị xã. Phải tìm cách đưa được anh em ra hết.
Thực ra thị xã Quảng Trị đã chẳng còn gì, đã tan nát hết. Trước khi bộ đội ta rút đi, ta cũng chỉ còn giữ Thành cổ và khu vực phía tây và một phần khu vực phía nam thành, tất cả chỉ trên 0,5km vuông. Và tiếp tục giữ nữa thì thương vong của ta hằng ngày khá cao. Cũng không cần thiết phải giữ nữa. Nhưng dù sao rút đi cũng ảnh hưởng không ít đến tư tưởng, tình cảm của bộ đội và nhân dân ta. Đánh kiểu trận địa giữ thành, giữ đất, chịu đựng bom đạn tập trung ở mức rất cao như thế này không phải là cách đánh tốt. Do yêu cầu chính trị phải giữ như vậy một thời gian. Bây giờ rút đi là phải nhưng vẫn tiếc...
LÊ QUANG ĐẠO
(Sự kiện và nhân chứng, mục Thư – Nhật ký chiến tranh, số ra ngày 15/3/2022)