Không lâu sau khi Kiều Lam sinh con trai, chiến loạn lắng xuống, hoàng đế mới lên ngôi, đất nước khôi phục sự bình yên, nàng đã có thể hồi kinh.
Tuy nhiên, khi nàng trở lại kinh thành, mọi thứ đã thay đổi, Trung Dũng hầu đã hy sinh vì bảo vệ tân đế.
Là góa phụ của hắn, Kiều Lam được tân đế ban tặng rất nhiều sự tôn vinh, bao gồm cả đứa bé mồ côi cha từ trong bụng mẹ là Văn Ninh Tuyên. Cậu được sắc phong làm thế thử, chỉ cần đến tuổi trưởng thành là có thể kế thừa tước vị Trung Dũng hầu.
Tân đế đã nói chuyện riêng với Kiều Lam, nếu không phải vì e ngại rằng việc tấn phong phủ Trung Dũng hầu thành phủ Quốc Công quá chói mắt, thì tân đế đã có ý định làm như vậy.
Tuy nhiên, mặc dù hiện giờ không thể tấn phong nhưng tân đế đã hứa với Kiều Lam rằng sẽ làm điều đó khi Văn Ninh Tuyên đủ tuổi.
Kiều Lam vô cùng đau buồn trước sự ra đi của phu quân mình, nhưng đây đã là kết quả tốt nhất. Trong loạn tứ vương, gia đình họ không phải là những người duy nhất cốt nhục ly tán.
Vì vậy, sau khi tạ ơn hoàng đế, nàng mang theo tưởng niệm về người chồng đã khuất, bắt đầu cuộc sống chuyên tâm dạy bảo con trai.
Có hoàng đế luôn che chở, cho dù là mẹ góa con côi, nhưng cuộc sống của hai mẹ con Kiều Lam không gặp khó khăn gì.
Tân đế là một người có thủ đoạn tàn nhẫn, không ai đui mù đi đắc tội với phủ Trung Dũng hầu, huống hồ mẹ góa con côi Kiều Lam cũng không có mối đe dọa lớn nào đối với lợi ích của những người khác.
Cứ như vậy, Văn Ninh Tuyên thuận lợi lớn lên cho đến khi mười tuổi.
Nhưng sau đó, cậu bắt đầu gặp ác mộng cả đời.
Người mẹ từng yêu thương cậu tận đáy lòng, giờ đây đã hoàn toàn thay đổi. Mẹ cậu không chỉ căm ghét cậu đến tận xương tủy mà còn tra tấn cậu nặng nề.
Cho dù rất nhiều năm sau, khi đã ngồi lên ngai vàng, Văn Ninh Tuyên vẫn chỉ nhìn thấy sự thù hận sâu kín trong mắt Kiều Lam. Người mẹ từng dịu dàng tốt bụng, yêu thương và chiều chuộng con trai mình dường như chưa bao giờ tồn tại.
Hai hình ảnh khác một trời một vực của người mẹ liên tục hiện lên trong đầu Văn Ninh Tuyên, khiến toàn thân hắn đau đớn như bị xé làm đôi.
Văn Ninh Tuyên trở nên đa nghi và tàn nhẫn, mọi thần dân đều khiếp sợ, nhưng cho dù như vậy, hắn vẫn không muốn làm tổn thương Kiều Lam.
Người đó là mẹ hắn, tình mẫu tử mà Kiều Lam dành cho hắn thật sự rất ấm áp.
Chỉ là, tình mẫu tử ấm áp ấy đã biến mất vào buổi chiều khi Kiều Lam nhận lại con trai ruột của mình. Kể từ đó, nàng luôn hung dữ với Văn Ninh Tuyên.
Nàng căm hận đứa con trai giả mạo này, nếu không phải năm đó ôm nhầm con thì con trai ruột của nàng đã không phải khổ sở suốt mười năm, gầy như que củi.
Nếu không phải số mệnh đã định sẵn cho nàng gặp lại con trai mình thì có lẽ thằng bé suýt nữa đã lặng lẽ từ giã cõi đời. Nàng sẽ không bao giờ biết được con trai mình đã phải chịu số phận như thế nào cho đến khi thằng bé qua đời, còn bản thân vẫn sẽ nuôi dạy con trai của người phụ nữ khác trưởng thành trong sự tôn quý.
Tại sao người xứng đáng được nhận những điều này là con trai của Tống thị mà không phải đứa con ruột thịt duy nhất của vợ chồng nàng? Cho dù con trai của nàng ta có thân phận cao quý đến đâu, nàng cũng sẽ không bao giờ đánh đổi mười năm sống không bằng một con chó của con trai mình để có được sự tôn quý của bản thân.
Cho đến khi Văn Ninh Tuyên lên ngôi hoàng đế, suy nghĩ của Kiều Lam vẫn không thay đổi.
Khi vừa mới nhận lại con ruột của mình và chưa điều tra thân phận thật sự của Văn Ninh Tuyên, nàng đã dùng mọi thủ đoạn để tra tấn cậu. Sau khi thân phận của Văn Ninh Tuyên bị vạch trần, nàng ra sức chống lại người này, không cho Văn Ninh Tuyên ngồi yên ổn trên ngôi hoàng đế, còn dùng những mối quan hệ còn sót lại của mình để liên tục ngáng đường quân vương.
Có thể nói, Kiều Lam là giấc mộng đẹp của Văn Ninh Tuyên trước khi mười tuổi và là cơn ác mộng sau mười tuổi.
Bởi vì Kiều Lam nhiều lần gây trở lại nên cuối cùng mặc dù Văn Ninh Tuyên ngồi vững trên ngai vàng, nhưng tuổi thọ đã bị rút ngắn, thậm chí còn qua đời trước cả nàng.
Trước khi băng hà, Văn Ninh Tuyên vẫn còn thì thầm: “Mẫu thân, tại sao người lại không yêu Ninh Tuyên nữa?”
Cái chết đối với Văn Ninh Tuyên là một sự giải thoát, nhưng đối với Kiều Lam lại giống như trời sập.
Mãi cho đến khi Văn Ninh Tuyên qua đời, nàng mới nhận ra rằng mình vẫn luôn yêu thương đứa con này. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời mình, nàng đã quá chấn động trước cảnh tượng con trai ruột của mình suýt chết khi lần đầu nhìn thấy cậu bé, cho nên mới đổ hết mọi căm hận đối với người mẹ đã lìa đời của Văn Ninh Tuyên lên đầu hắn.
Thật ra, Văn Ninh Tuyên không hề có tội tình gì.
Đáng tiếc là Kiều Lam đã tỉnh ngộ quá muộn, cả đời Văn Ninh Tuyên khao khát tình mẫu tử, nhưng nàng đã không thể trao nó cho đứa con nuôi này sau khi thằng bé mười tuổi.
Cái chết của Văn Ninh Tuyên đã khiến Kiều Lam phải chịu cú sốc quá lớn, nàng nhanh chóng đổ bệnh và qua đời trong sự hối hận, tiếc nuối.
Sau khi chết, nàng được hệ thống “Trái tim của người mẹ” lựa chọn, trở thành nhiệm vụ lần này của Du Lam.
Tâm nguyện của Kiều Lam đều liên quan đến hai đứa trẻ. Nàng hy vọng Văn Ninh Tuyên sẽ được đối xử tốt, không để cậu khát khao tình mẫu tử mà không có được. Nếu có thể, cuối cùng đừng để Văn Ninh Tuyên lại trở thành một vị hoàng đế độc ác và tàn bạo khiến thần dân khiếp sợ.
Về phần con trai ruột của mình là Phương Dục, nàng hy vọng Du Lam có thể dẫn dắt thằng bé đi đúng đường, đừng nuôi dạy thằng bé lại trở thành một kẻ nhút nhát.
Sau khi xem hết ký ức về cuộc đời của Kiều Lam, Du Lam không khỏi thở dài trong lòng.
Nhưng tiếng thở dài này là dành cho hai đứa trẻ chứ không phải dành cho Kiều Lam.
Nhìn chung, cuộc đời của Kiều Lam thật đáng buồn, đáng thương, nhưng không đáng thông cảm.
Bởi vì cuộc đời của hai đứa trẻ đều đã bị nàng hủy hoại. Nàng đổ lỗi cho đứa con nuôi Văn Ninh Tuyên vì tất cả những đau khổ mà con trai ruột Phương Dục của mình phải gánh chịu. Song nguyên nhân sâu xa không phải do nàng hay sao?
Ôm nhầm con là trò đùa của số phận, nhưng mười lượng bạc và một bà đỡ làm sao có thể bù đắp được lòng tốt của Tống thị đã cho nàng tá túc năm đó.
Tất nhiên, mặc dù nhờ có mười lượng bạc của nàng nên Tống thị mới có thể mời bà đỡ đến, sinh nở một cách thuận lợi. Tuy nhiên, nếu nàng ta không cho nàng ở lại nhà mình thì có lẽ kết cục của nàng đã là một xác hai mạng, làm gì còn cơ hội hưởng thụ vinh hoa phú quý sau này?
Đáng lẽ ra, hai nhà rất có duyên với nhau, nhà họ Tống cách kinh thành không xa, nhưng sau khi Kiều Lam rời đi, nàng chưa bao giờ liên lạc với Tống thị. Ân tình ngày xưa cũng tan thành mây khói theo mười lượng bạc và bà đỡ được mời đến cho Tống thị năm đó.
Giá như sau khi rời đi, Kiều Lam có thể quan tâm đến Tống thị phần nào, có lẽ cuộc sống của Phương Dục đã không khốn khổ như vậy.
Tống thị mất sớm, Phương Dục còn sống đã là một điều khó khăn. Từ nhỏ, thằng bé đã phải học cách quan sát sắc mặt của người khác, đã phải tự mình kiếm sống, bất chấp mọi thủ đoạn lừa gạt hãm hại, chỉ cần có thể sống sót.
Song, chính những điều đó lại trở thành nguyên nhân khiến Kiều Lam sau này không ưa Phương Dục, nhưng nàng lại đổ lỗi cho Văn Ninh Tuyên, càng thêm căm giận đứa con nuôi này.
Nàng liều mạng “báo thù” Văn Ninh Tuyên, nhưng lại không biết rằng vẻ mặt hung dữ của nàng cũng đã gây ra tổn thương tâm lý cho Phương Dục.
Phương Dục cho rằng nàng không nên làm như thế, Văn Ninh Tuyên không làm gì sai cả. Cậu cảm thấy Tống thị khi còn sống đã rất yêu thương cậu, cho cậu đầy đủ tình thương của người mẹ. Cậu cho rằng Văn Ninh Tuyên không hề cướp đi những gì vốn dĩ phải thuộc về mình.
Có điều, Kiều Lam vẫn cố chấp, không chịu nhìn lại, còn mặc sức ngược đãi, đối đầu với Văn Ninh Tuyên, gây trở ngại cho đứa con nuôi này. Nàng luôn biết cách khiến Văn Ninh Tuyên bị tổn thương nặng nhất.
Không thể thuyết phục được Kiều Lam, Phương Dục đành phải bỏ cuộc, trở nên lầm lì và không còn tươi cười nữa.
Tuy rằng sống trong nhung lụa, nhưng cuộc sống của Phương Dục lại càng buồn bã hơn những năm tháng là đứa trẻ mồ côi sau khi Tống thị qua đời.
Kiều Lam không thích Phương Dục, muốn sửa những thói quen xấu của con trai mình. Ngặt nỗi, nhưng thói xấu đó đã ngấm vào máu, chỉ có thể đầu thai sống lại lần nữa thì mới thay đổi được.
Phương Dục biết Kiều Lam yêu thương mình, tuy nhiên tình yêu đó lại khiến cậu cảm thấy ngột ngạt, đè nén.
Cậu không thể chống cự, chỉ có thể im lặng, sau khi bị phê bình chỉ trích quá nhiều lần, cậu dần dần trở nên rụt rè, đánh mất bản thân, cũng mất đi cả sự tự tin.
Sau khi Kiều Lam mất không lâu, Phương Dục cũng qua đời mà không hề được sống vui vẻ.
Hạnh phúc của Phương Dục cũng chỉ tồn tại trước năm mười tuổi, giống như Văn Ninh Tuyên.
Lúc đó, mẹ mới là người mà họ mong đợi và yêu mến.
Nghĩ đến Văn Ninh Tuyên đã quỳ ở ngoài hơn một canh giờ, Du Lam không khỏi lo lắng.
Đừng nói là một đứa trẻ mười tuổi, ngay cả một người lớn cũng không chịu được điều này.
Sau khi tiếp nhận ký ức của nguyên chủ, Du Lam cũng đã tiếp nhận cảm xúc của Kiều Lam. Giờ đây, cô cảm thấy áy náy và thương thay cho Văn Ninh Tuyên.
Chỉ vì người làm mẹ như Kiều Lam quá cố chấp mà Văn Ninh Tuyên đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ.
Kiều Lam điều chỉnh lại cảm xúc, đập vỡ vài món đồ trong phòng rồi lạnh lùng mở cửa ra.
Trước đó, cô quả thật đã rất tức giận, tức giận vì con trai mình bị đánh tráo, tức giận vì con trai Phương Dục của mình phải khổ đến mức suýt chết, nhưng nếu cô đột nhiên trở lại hiền từ như xưa thì sẽ khiến người khác nghi ngờ.
Những chuyện quỷ thần đã phổ biến từ xa xưa, tuy rằng bây giờ cô đã có toàn bộ ký ức và cảm xúc của nguyên chủ nhưng cô cũng không dám thay đổi quá nhiều kẻo thu hút sự chú ý.
Phản ứng bây giờ của cô rất hợp lý, chỉ cần người làm mẹ hơi mềm lòng thì suy cho cùng cũng sẽ có tình cảm với đứa trẻ mà mình đã nuôi dưỡng mười năm và không làm những việc quá mức tàn nhẫn.
Nếu năm đó Kiều Lam có thể hiểu được điều này thì hai đứa trẻ đã không đến mức phải sống trong bóng ma tâm lý vặn vẹo của nàng, cần gì phải cố gắng trả giá bằng cả linh hồn để hoàn thành tâm nguyện của mình.
“Phu nhân.” Thấy Du Lam đi ra, Triệu ma ma mừng thầm, lật đật chạy tới đón cô, lại nghĩ bụng đúng là ông trời phù hộ, quả nhiên phu nhân không nhẫn tâm, mới chỉ có một lúc mà cô đã đi ra.
Bà đã nói rồi mà, cho dù nuôi một con chó mười năm còn có tình cảm nữa là một đứa trẻ, dù sao “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”, Văn Ninh Tuyên gọi Kiều Lam là “mẫu thân” mười năm, tình cảm mẹ con sao có thể hoàn toàn mất sạch vì chuyện này được?
Thấy Triệu ma ma còn phấn khởi hơn mình, trong lòng Du Lam buồn vui lẫn lộn.
Mẹ ruột của Kiều Lam mất sớm, Triệu ma ma là người đã nuôi nàng khôn lớn, rồi lại nuôi dưỡng Văn Ninh Tuyên. Cả hai người đều là mạng sống đối với một người không có con cái như bà.
Cách Kiều Lam đối xử với Văn Ninh Tuyên sau khi biết sự thật giống như lưỡi dao đâm vào tim bà vậy.
Vì thế, sau khi Kiều Lam đi quá xa, mọi cố gắng khuyên nhủ của Triệu ma ma đều vô ích, bà đã qua đời do muộn phiền tích tụ trong lòng. Lúc lâm chung, bà còn nắm tay Kiều Lam, dặn nàng đừng để ngọn lửa hận thù che mờ mắt, hãy đối xử thật tốt với hai đứa trẻ, đừng giày vò bản thân nữa.
Nhưng đáng tiếc mọi tâm sức của bà đều bị phụ lòng.
Ngay cả khi nghe lời trăn trối của Triệu ma ma, Kiều Lam vẫn bỏ ngoài tai, thậm chí lại trút hận lên đầu Văn Ninh Tuyên.
Nàng cảm thấy vì đứa con nuôi của mình nên Triệu ma ma mới “làm phản”. Nàng điên cuồng ghen tị khi cho rằng bà nghĩ đến Văn Ninh Tuyên nhiều hơn, còn cảm thấy đứa trẻ này đã cướp đi tình yêu thương của Triệu ma ma dành cho mình, lại càng khăng khăng rằng Văn Ninh Tuyên chính là thủ phạm đã gây ra cái chết của bà.
Có thể nói rằng, nếu đã muốn đổ tội cho người khác thì chẳng sợ không có lý do. Cho đến khi sắp gần đất xa trời, Kiều Lam mới hiểu được nỗi khổ tâm của nhũ mẫu.
Trong cuộc đời nàng, ngoài hai đứa trẻ ra, người mà nàng cảm thấy có lỗi nhất chính là Triệu ma ma.
Mặc dù nguyên chủ không hề có ý muốn thực hiện tâm nguyện của Triệu ma ma, nhưng Du Lam có thể cảm nhận được sự áy náy của Kiều Lam đối với bà.
Dù chăm sóc tốt cho Triệu ma ma sẽ không nhận được điểm thưởng, song Du Lam vẫn quyết định làm điều này, không để bà phải lo lắng, trầm cảm vì chuyện giữa cô và hai đứa trẻ nữa.