Triệu ma ma muốn Văn Ninh Tuyên mang thêm nhiều thứ hơn, nhưng cậu nhất định không chịu nhận, cuối cùng bà đành phải bỏ cuộc.
Văn Ninh Tuyên chỉ là một đứa trẻ mới lên mười, đột nhiên trở về nhà họ Tống còn xa lạ, Triệu ma ma không tài nào yên tâm được.
Mặc dù cậu rất tự lập nhưng từ nhỏ chưa từng tiếp xúc với việc bếp núc, bà sợ rằng sau khi cậu trở về bên đó, việc ăn uống cũng là cả một vấn đề. Nghĩ đến đây, Triệu ma ma lại càng lo lắng.
Bà muốn đi cầu xin phu nhân nhà mình, nhưng nếu cô không đồng ý thì sẽ nhất quyết bắt Văn Ninh Tuyên trở về nhà họ Tống.
Dù sao bà cũng chỉ là người hầu, không thể làm trái quyết định của chủ nhân.
Không còn cách nào khác, Triệu ma ma đành phải đích thân đưa Văn Ninh Tuyên đến nhà họ Tống.
Bà đã già, không chịu được xe ngựa xóc nảy, Văn Ninh Tuyên không muốn bà vất vả nên không chịu để bà đưa đi. Có điều lần này, Triệu ma ma mạnh mẽ hiếm thấy, cương quyết muốn đích thân đưa cậu về.
Văn Ninh Tuyên không nỡ phụ tình cảm yêu thương của bà, cuối cùng chỉ có thể đồng ý.
Hai người ngồi trên xe ngựa của phủ Trung Dũng hầu rời đi, cỗ xe ngựa mang ký hiệu đặc biệt của phủ Trung Dũng hầu, cho nên suốt dọc đường không ai dám giở trò với họ.
An toàn được đảm bảo nhưng hành trình không hề dễ chịu.
Đường cái khá bằng phẳng, tuy nhiên vừa tiến vào đường núi thì trở nên rất khó đi.
Công nghệ giảm xóc của thời đại này rất kém, cho dù là xe ngựa của gia đình quyền quý như phủ Trung Dũng hầu thì cũng chỉ được cái trang trí đẹp đẽ hơn, song hiệu quả giảm xóc vẫn rất khủng khiếp.
Văn Ninh Tuyên còn đang tuổi thiếu niên nên có thể chịu đựng được, nhưng Triệu ma ma đã già, ngồi xe ngựa tròng trành suốt quãng đường gồ ghề khiến thân thể gần như rã rời.
May là thôn họ Tống cách kinh thành không quá xa, cuối cùng hai người họ cũng đến nơi.
Nha hoàn lập tức đến bẩm báo với Du Lam về việc Triệu ma ma đưa Văn Ninh Tuyên về thôn họ Tống. Cô nhanh chóng rời mắt khỏi chiếc xe ngựa của hai người họ, cắt tỉa chậu cây bên cửa sổ, giả vờ không quan tâm.
“Ta biết rồi, ngươi lui xuống đi.”
Nha hoàn thức thời rời đi, Du Lam cũng cởi bỏ lớp ngụy trang, buông cây kéo tỉa cây trong tay xuống, nhìn lại thì đã không thấy cỗ xe ngựa đâu nữa.
Lúc này, cô cảm thấy vô cùng buồn bã.
Cô thừa hưởng ký ức của Kiều Lam, đồng thời cũng thừa hưởng tình cảm của người phụ nữ này. Mặc dù việc để Văn Ninh Tuyên rời đi là quyết định lý trí của cô, nhưng đứa trẻ đó cũng đã mang theo một phần trái tim của cô đi mất.
Kiều Lam thật lòng yêu thương Văn Ninh Tuyên, song cũng là một người ích kỷ, hèn nhát, không thể chịu đựng được trò đùa lớn của số phận. Nàng chọn cách làm tổn thương thằng bé để trốn tránh trách nhiệm, cuối cùng chẳng những không thể giải thoát bản thân mà còn nhốt mình trong kén, sống trong mâu thuẫn và giằng xé, mặc cảm suốt đời.
Khi tỉnh ngộ, nàng nhận ra rằng dù nói thế nào đi nữa thì Văn Ninh Tuyên vẫn là con trai của mình và nàng rất yêu đứa con này thì đã quá muộn. Nàng đã phạm phải một sai lầm lớn, tổn thương mà nàng gây ra cho Văn Ninh Tuyên là không thể vãn hồi.
Vì vậy, Kiều Lam chỉ có thể trả một cái giá đắt, nhờ Du Lam thay thế nàng đối xử thật tốt với hai đứa con trai của mình để bù đắp những tổn thương mà nàng đã gây ra cho chúng.
Văn Ninh Tuyên đã được đưa đi, tiếp theo cô nên gặp Phương Dục.
Nếu lấy thời gian mười tuổi của Văn Ninh Tuyên làm cột mốc để chia thành thiên đường và địa ngục thì sự phân chia của Phương Dục lại không quá rõ ràng.
Dù là trước khi mười tuổi sống ở nhà họ Tống hay sau mười tuổi được Kiều Lam nhận về, cuộc sống của Phương Dục chỉ khác nhau ở chỗ từ một chút hạnh phúc nhỏ nhoi trở thành không còn gì nữa.
Khi sống cùng Tống thị, cậu không thiếu tình mẫu tử, nhưng lại thiếu thốn vật chất. Tống thị quả thật không thể cho cậu quá nhiều. Một góa phụ còn chưa xuất giá, nuôi một đứa con khôn lớn đã là điều rất khó khăn, không thể đòi hỏi nhiều hơn ở nàng ta. Về sau Tống thị qua đời, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi còn sót lại của Phương Dục cũng không còn nữa. Dân làng không bao giờ coi cậu là một người thân của mình, còn tìm đủ mọi cách bắt nạt cậu. Cuộc sống ăn bữa nay lo bữa mai, lấy đâu ra niềm vui và hạnh phúc.
May mắn thay, cậu không phải sống trong tình cảnh đó quá lâu và đã đợi được mẹ ruột của mình.
Con trai của một góa phụ trong thôn bỗng chốc trở thành thế tử của phủ Trung Dũng hầu. Từ đó, những ngày tháng bấp bênh đã trở thành quá khứ, giờ đây Phương Dục đã được sống trong nhung lụa, với người hầu kẻ hạ vây quanh. Tuy nhiên, cậu vẫn không vui vẻ, tất cả những gì cậu nhận được chỉ là sự sung túc về mặt vật chất, còn về mặt tinh thần vẫn nghèo nàn như trước.
Mẹ ruột của cậu có yêu thương cậu không? Có, nhưng Kiều Lam cũng rất nghiêm khắc với con trai mình. Nàng muốn Phương Dục phải trở thành thế tử phủ Trung Dũng hầu đúng nghĩa, thậm chí còn yêu cầu cậu nhiều hơn thế tử Trung Dũng hầu bị ôm nhầm trước đây.
Phương Dục thật sự không làm được điều đó, cậu rất mệt mỏi vì phải đối mặt với đủ thứ cần phải học do Kiều Lam sắp xếp. Và điều khiến cậu mệt mỏi hơn là những việc mẹ mình đã làm với Văn Ninh Tuyên, những việc mà ngay cả cậu cũng không chấp nhận được.
Rõ ràng cậu mới là người đau khổ nhất, nhưng tại sao bản thân cậu còn không căm ghét Văn Ninh Tuyên mà mẹ cậu lại đối xử với Văn Ninh Tuyên như thế?
Kiều Lam như vậy khiến Phương Dục rất sợ hãi. Văn Ninh Tuyên là đứa trẻ mà Kiều Lam đã nuôi dưỡng hơn mười năm đấy.
Nhất là sau khi thân phận thật sự của Văn Ninh Tuyên bại lộ, Phương Dục gần như suốt đời sống trong hoảng sợ khi chứng kiến mẹ mình tự tìm đường chết hết lần này đến lần khác, chỉ sợ đến một lúc nào đó Văn Ninh Tuyên sẽ không muốn nhẫn nhịn nữa.
Dù sao Kiều Lam cũng là mẹ ruột của mình, Phương Dục không muốn mẹ mình xảy ra chuyện gì, dù người mẹ này khiến Phương Dục rất sợ hãi.
Sau khi cậu được đón về phủ Trung Dũng hầu, Kiều Lam vẫn chưa gặp cậu, không phải nàng không muốn gặp con trai mình mà là không dám. Lần đầu tiên nhìn thấy Phương Dục, Kiều Lam thật sự khiếp sợ. Cả đời nàng sống an nhàn sung sướng, ngay cả trong thời kỳ loạn tứ vương nổ ra, nàng cũng chỉ hơi hoảng sợ, chứ chưa bao giờ nhìn thấy nhiều cảnh tượng tàn khốc và hiểm ác chốn nhân gian.
Nhưng con trai ruột Phương Dục của nàng đã khiến nàng được tận mắt chứng kiến điều đó.
Hình ảnh một đứa trẻ ăn mặc rách rưới, gầy trơ xương, trên người đầy vết thương, cho dù là một người dân bình thường không liên quan cũng đủ khiến Kiều Lam kinh ngạc, huống hồ thằng bé còn là con ruột của nàng, đứa con vô tình bị ôm nhầm mười năm trước.
Cảm giác kinh ngạc, áy náy, xót xa và đủ loại cảm xúc đan xen giày vò Kiều Lam, khiến nàng chỉ có thể đưa ra quyết định dẫn cậu về phủ để chữa trị, sau đó trốn tránh trong sự lúng túng.
Nàng sợ nhìn thấy Phương Dục như vậy.
Trong lòng Kiều Lam, hình ảnh con trai nàng lẽ ra phải giống như Văn Ninh Tuyên, nhưng số phận trớ trêu, con trai ruột của nàng lại mang dáng vẻ mà nàng không muốn nhìn thấy nhất.
Ngoài cảm giác đau lòng ra, nàng còn cảm thấy hơi xấu hổ.
Thật ra, nàng không muốn thừa nhận Phương Dục là con ruột của mình, nhất là còn có Văn Ninh Tuyên trước mặt để so sánh.
Bởi lẽ đó, khi sức khỏe của Phương Dục khá hơn một chút, nàng nóng lòng sắp xếp rất nhiều thứ phải học cho cậu, để cậu có thể học cách trở thành một thế tử giống như Văn Ninh Tuyên.
Ngặt nỗi, khoan hãy nói đến hoàn cảnh lớn lên, tố chất của mỗi đứa trẻ là khác nhau.
Phương Dục sinh ra đã không có tố chất này.
Cậu không có chí hướng lớn lao, bởi vì trải qua khó khăn thiếu thốn từ tấm bé nên ước mơ duy nhất của cậu là ăn no mặc ấm và có một mảnh ruộng.
Đối với người nông dân, ruộng đồng là sự sống, phải có ruộng đất thì mới có thể tồn tại.
Chân lý này đã sớm ăn sâu vào máu Phương Dục, hơn nữa, cậu cũng thích làm ruộng, thích tận hưởng quá trình lao động vất vả và niềm vui thu hoạch.
Nhà họ Tống vốn có một mảnh đất nhỏ, nhưng sau khi Tống thị qua đời, mảnh đất đó đã bị người trong họ tìm cách chiếm đoạt, nên Phương Dục không thể làm việc trên đồng ruộng mình thích nữa.
Kể từ đó, ruộng đồng trở thành chấp niệm đối với cậu.
Tất nhiên là Kiều Lam rất chướng mắt với sở thích này, thậm chí còn cảm thấy đây là một sự sỉ nhục.
Sao thế tử của phủ Trung Dũng hầu lại có thể làm ruộng giống như một người nông dân tầm thường cho được?
Bởi lẽ đó, nàng nghiêm cấm sở thích của Phương Dục, Kiều Lam nàng không thể có một đứa con trai yêu thích làm nông, không thể để cậu làm như vậy được.
Mối quan hệ giữa hai mẹ con bất giác trở nên căng thẳng, mặc dù sau này Kiều Lam ân cần hỏi han Phương Dục, nhưng Phương Dục vẫn cảm thấy hết sức xa lạ đối với người mẹ như nàng.
Lúc lâm chung, cuối cùng Kiều Lam cũng hối hận. Nàng có lỗi với Văn Ninh Tuyên và Phương Dục. Phương Dục khổ sở hơn mười năm, nhưng sau khi được nàng tìm về lại chẳng hề được “khổ tận cam lai”, mà còn bị đè nén suốt đời. Tất cả là lỗi của nàng.
Nếu Phương Dục đã thích làm nông thì cứ để cậu làm.
Sau khi tỉnh lại, Phương Dục ngơ ngác hồi lâu, dưới thân thể có cảm giác mềm mại như mây, khiến cậu ngỡ rằng mình đang nằm mơ.
Cậu dè dặt muốn đưa tay chạm vào nhưng rồi lại thôi, sợ bàn tay bẩn thỉu của mình làm bẩn giường của người ta.
Khi mở mắt ra, cậu nhìn thấy mọi thứ xung quanh đều tráng lệ, có lẽ cung điện trên trời cũng chỉ như thế này mà thôi.
Nghĩ đến đây, cậu càng thận trọng hơn, thậm chí không biết lúc này nên tiếp tục nằm hay nên nhanh chóng đứng dậy để tránh bụi bẩn trên người làm hỏng tấm trải giường.
Sau một hồi phân vân, Phương Dục quyết định rời giường, từ nhỏ mẹ cậu đã dạy rằng không được tự tiện đụng vào đồ đạc của người khác.
Bây giờ cậu đang nằm trên giường nhà người ta, cũng coi như là động vào đồ đạc của người khác thì phải.
Phương Dục vô thức phớt lờ những gì mình đã nghe được về mẹ ruột và thế tử trước khi hôn mê.
Khi đưa tay đỡ mép giường đứng dậy, cậu mới phát hiện bàn tay mình sạch sẽ đến không ngờ, thậm chí những vết bùn đen cáu lại giữa các ngón tay cũng đã biến mất.
Phương Dục nhìn lại trên người mình, bàng hoàng nhận ra cậu đang mặc một bộ đồ lót quý giá và tinh tế.
Cậu không biết bộ quần áo này đáng giá bao nhiêu tiền, nhưng có thể chắc chắn rằng ngay cả quần áo đẹp nhất của viên ngoại giàu có nhất trên trấn cũng không sánh bằng.
Ngoài sự đẹp đẽ và sang trọng, cảm giác mặc vào rất thoải mái, thoải mái đến mức khiến cậu quên cả việc mặc quần áo bên ngoài.
Trời ơi, rốt cuộc cậu đang ở đâu thế này?
Phương Dục hoàn toàn sửng sốt.
Cậu còn chưa kịp bình tĩnh lại thì đã nhìn thấy một người phụ nữ trẻ xinh đẹp và duyên dáng đang đi tới dưới sự hộ tống của những người hầu.
“Các ngươi hầu hạ kiểu gì mà không ai phát hiện thiếu gia đã tỉnh lại thế hả?” Người phụ nữ vừa bước vào đã cau mày nói.
Cậu đang nằm mơ phải không? Cậu đang mơ thấy tiên nữ sao?
Chẳng lẽ cậu đã chết rồi? Nếu không, phải giải thích thế nào vì những chuyện đang xảy ra trước mặt?
Tiên cung tráng lệ và người phụ nữ xinh đẹp như tiên nữ là những cảnh tượng sẽ không bao giờ xuất hiện trong giấc mơ của cậu.
“Nô tì thấy thiếu gia vẫn chưa tỉnh lại nên mới rời đi một lát. Nô tì đáng chết, xin phu nhân trách phạt.” Đại nha hoàn Xảo Trân phụ trách chăm sóc Phương Dục biết phu nhân đã đến liền vội vàng chạy về, vừa bước vào phòng đã quỳ xuống nhận tội, mặt tái mét vì sợ hãi.
Thân là một đại nha hoàn, sao nàng ta có thể ngu ngốc đến mức không nhìn thấy phu nhân nhà mình vì đứa con trai đột ngột xuất hiện này mà đuổi cả đứa con trai mình đã nuôi dưỡng mười năm? Điều đó cho thấy vị thiếu gia mới này rất được coi trọng.
Phu nhân quý trọng thiếu gia là thế mà nàng ta lại lơ là chểnh mảng. Xảo Trân cảm thấy lần này mình tiêu đời rồi.