Nhà triết học Hy Lạp Socrates rất giỏi diễn thuyết, cho nên nghề của ông ấy là dạy cho người khác về nghệ thuật nói chuyện. Một hôm, có một người thanh niên đến trước mặt ông thỉnh giáo cách thức diễn thuyết. Cả nửa ngày hôm đó, người thanh niên dõng dạc nói về việc diễn thuyết quan trọng như thế nào, rồi đủ thứ trên trời dưới đất. Đợi anh ta nói xong, Socrates mới yêu cầu anh ta trả học phí gấp đôi. Người thanh niên thắc mắc tại sao lại vô lý vậy. Socrates bảo: “Bởi vì, ngoài việc phải dạy anh phương pháp nói chuyện, tôi còn phải dạy cho anh về nghệ thuật im lặng”.
Biết cách nói chuyện là khó, nhưng biết lắng nghe lại càng khó hơn! Biết lắng nghe, cũng là một bài học vô cùng quan trọng của đời người. Biết nghe lời, chính là nghe hiểu được lời nói, nghe trọn vẹn cả câu, nghe những lời bổ ích, nhờ việc nghe có thể học một biết mười, biết cách loại suy, từ một câu nói tự mình khai triển ra nhiều ý nghĩa hơn, đó mới là người thực sự biết lắng nghe.
Từ lúc còn thơ ấu, con người đã phải học cách nghe lời cha mẹ, lớn lên phải học nghe lời thầy cô, sau đó lại phải nghe hiểu được lời của những người đi trước, các bậc trưởng bối, các chuyên gia trong các ngành nghề. Trong Phật pháp, cái gọi là biết nghe lời ấy, chính là phải nghe cẩn thận, nghe trọn vẹn, nghe sâu rộng, nghe điều lành. Khi nghe, không nên bỏ văn cắt nghĩa, mà cần nghe hết toàn bộ, nghe rộng ra, tức là nghe bao quát mọi phương diện, không chỉ nghe thiên lệch một phía, hoặc nắm bắt một góc cạnh nhỏ hẹp. Nghe lời là phải biết cách tư duy theo chiều hướng tốt, đó chính là nghe điều thiện lành. Bên cạnh đó, cần phân tích, so lường một cách cẩn trọng, tiếp thu có chọn lọc, đó gọi là nghe cho cẩn thận.
Thêm vào đó, điều đáng nghe thì hãy nghe, như chân lý Phật pháp chẳng hạn; ngược lại, điều bất thiện, vô nghĩa thì nhớ bỏ ngoài tai, đó là phiền não, thị phi, kết thù, gây oán. Có người thích nghe những lời ngọt ngào dua nịnh, thị phi tốt xấu, vậy thì, im lặng sẽ tốt hơn nhiều.
Có một người nhân viên ở tháp chỉ huy sân bay hỏi một phi công: “Xin hỏi độ cao, vị trí hiện tại của anh?”.
Người phi công nói: “Tôi cao một mét tám mươi, bây giờ đang ngồi ở trên ghế lái”.
Hỏi một đằng trả lời một nẻo, chính là không biết nghe lời vậy.
Một hôm, Tiểu Trương hỏi Tiểu Vương một vấn đề, Tiểu Vương giải thích cả buổi mà Tiểu Trương vẫn nửa hiểu nửa mơ. Cuối cùng không nhịn được, Tiểu Vương nói với Tiểu Trương: “Bảy lỗ của cậu đã mở được sáu lỗ”. Tiểu Trương nghe xong vui không thể tả, tưởng là Tiểu Trương đang khen ngợi, đâu biết rằng Tiểu Trương đang ám chỉ mình “Dốt đặc cán mai”1 đấy chứ!
1 Nguyên văn là “Nhất khiếu bất thông” (một lỗ không thông) chỉ việc dốt nát không biết gì, đến một lỗ cũng không thông, lấy ý từ câu trên nói rằng có bảy lỗ mà sáu lỗ thông, còn “một lỗ không thông”, còn Tiểu Trương không hiểu, chỉ nghĩ là bạn mình khen mình rằng chỉ còn một lỗ không thông mà thôi.
Người tài giỏi biết lắng nghe, có thể hiểu thấu được “Âm thanh ngoài dây đàn”, người tài biết nghe lời có thể nghe ra “Ý tứ nằm ngoài lời nói”.
Nghe sẽ quan trọng hơn là nhìn, vì nghe thì tai phải đi theo tám hướng, nhất là “nghe lời lành thì phải tác ý”, chớ xem lời hay tiếng đẹp của người khác như gió thoảng qua tai. Học sinh lên lớp phải chuyên tâm lắng nghe, thì mới có thể tiếp nhận được sự dạy dỗ, đa phần thành tích thi cử bị hạn chế cũng tại vì không biết nghe lời mà ra. Thế nên, trong quá trình học tập, chúng ta trước hết phải học cách nghe lời như thế nào, đó chính là một bài học lớn của đời người.