Gần 40 năm công tác trong ngành cơ yếu, tôi vinh dự được gần gũi và phục vụ nhiều đồng chí lãnh đạo tài năng, đức độ, mẫu mực trong lối sống mà mỗi lần có dịp nhắc tới, tôi không khỏi bùi ngùi tiếc nhớ. Đại tá Võ Doãn Tiếu là một trong những người như thế.
Dịp kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Học viện Kỹ thuật Mật mã (tiền thân là Trường Cán bộ Cơ yếu Trung ương), Ban Cơ yếu Chính phủ, càng không thể không nhắc đến ông-người hiệu trưởng đầu tiên của trường.
Trung tuần tháng 7-1979, tôi đang công tác tại Ban Cơ yếu Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, làm nhiệm vụ truy quét Khmer Đỏ tại Mặt trận Koh Kong-Battambang (Campuchia) thì nhận được lệnh về nước học khóa sĩ quan ngắn hạn tại Trường Cán bộ Cơ yếu Trung ương.
Ngày đầu về trường nhập học, chúng tôi đã ấn tượng ngay với người hiệu trưởng có nước da ngăm ngăm, dong dỏng cao, khuôn mặt quắc thước, mặc bộ quần áo simily xanh đen (bộ quần áo chỉ dành cho cán bộ chiến trường Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước), ông tươi cười bắt tay những học viên còn đang bỡ ngỡ. Ngay sau đó, tại buổi gặp mặt học viên khóa 3 vừa nhập học, chúng tôi được nghe ông giãi bày những khó khăn, thiếu thốn ban đầu cũng như những nỗ lực của cán bộ, nhân viên, học viên nhà trường từ ngày đầu thành lập (tháng 4-1976) đến nay. Qua cách diễn đạt chân thành, có lúc xúc động lắng lại vài giây, chúng tôi phần nào hiểu tâm huyết và sự tận tụy của ông với mái trường cơ yếu non trẻ. Cho đến bây giờ, hình ảnh người cán bộ mái tóc hoa râm luôn có mặt đồng cam cộng khổ cùng cán bộ, nhân viên, học viên đào móng, đặt những viên gạch, những vì kèo gỗ bạch đàn đầu tiên dựng lên các phòng học, nhà ở, nhà ăn... vẫn in đậm trong tôi. Một năm sau, khi khóa học kết thúc, tôi vinh dự cùng một số đồng chí được giữ lại bổ sung vào đội ngũ cán bộ, nhân viên vốn còn rất khiêm tốn của nhà trường, được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông.
Đồng chí Võ Doãn Tiếu (ngồi bên trái) và lãnh đạo Ban Cơ yếu Trung ương trồng cây lưu niệm tại nhà trường, năm 1977. Ảnh tư liệu
Ông là cán bộ phục vụ chiến trường (từng là Phó trưởng phòng Cơ yếu, Bộ chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam), vào chiến trường B2 từ năm 1962. Khi về trường, Hiệu trưởng Võ Doãn Tiếu đã rất sâu sát, cụ thể trong công tác tổ chức huấn luyện đào tạo. Trước đội ngũ vừa thiếu, kinh nghiệm quản lý và tổ chức đào tạo chưa có, ông chỉ đạo mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ giảng dạy. Ông chủ động và khuyến khích cán bộ, giáo viên tự rèn luyện và đi học tập kinh nghiệm của các trường đại học, cao đẳng khu vực xung quanh để nâng cao năng lực vận dụng vào thực tiễn trường mình. Vừa mới hình thành chưa lâu, nhà trường đã được lãnh đạo Ban Cơ yếu Trung ương giao ngay việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên cho ngành. Ông đã nhận nhiệm vụ một cách vô điều kiện, lao tâm khổ tứ bàn bạc với các cơ quan, đơn vị chấp hành và thu được kết quả tốt, được cấp trên ghi nhận và khen thưởng. Nhiều lần ông nói chuyện với cán bộ, học viên chúng tôi: “Chúng ta có thể đào tạo những cán bộ cơ yếu có trình độ cao, thuần thục về kỹ năng cũng như phương pháp thực hành nhưng phải luôn nhớ giữ gìn phẩm chất của người cơ yếu: Cẩn trọng trong công việc, kín đáo trong tác phong, lối sống, tuyệt đối giữ bí mật... Đó cũng chính là “kim chỉ nam” trong công tác đào tạo của nhà trường từ ngày thành lập đến nay.
Là người chỉ huy sâu sát, Đại tá Võ Doãn Tiếu rất gần gũi, thân thiện với cấp dưới. Những năm đầu ấy, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn, ăn cơm độn bo bo, độn sắn là chuyện thường tình với chúng tôi. Ông hay cổ vũ việc tăng gia sản xuất mà chủ yếu là nuôi cá và trồng rau để cải thiện đời sống. Có lần, ông trực tiếp cùng các cán bộ đi vào nông trường cách xa hàng chục cây số xin phân chuồng về bón cho cây cối và rau xanh.
Nhiều năm làm việc dưới quyền ông, tôi luôn lấy tấm gương mẫu mực về sự giản dị, tiết kiệm trong lối sống của ông để noi theo. Tiêu chuẩn của ông được bố trí một chiếc xe con, nhưng mỗi lần đi công tác ở Hà Nội, ông thường thông báo xem ai có công việc thì cùng đi để “không phải đạp xe vất vả”. Tôi nhớ, đầu tháng 11-1980, tôi được tháp tùng ông về Hà Nội họp. Khoảng 11 giờ, sau khi giải quyết xong công việc, ông bảo tôi đi cùng có việc. Tôi theo ông đi bộ ra Cửa Bắc rồi xuôi về phía Nam. Xe ô tô vẫn chờ ở Trạm khách 66 phố Phan Đình Phùng, nhưng ông không gọi. Hai thầy trò cứ đi bộ miết khoảng 8-9 cây số. Tới nơi, tôi mới biết ông đi thăm người bà con đã lâu không gặp. Gia đình họ mời ông ở lại ăn trưa nhưng ông xua tay bảo “đã được chuẩn bị cơm trưa ở cơ quan” rồi từ chối và ra về. Trở lại Trạm khách 66 đã gần 2 giờ chiều, các chị nhà bếp vẫn để phần hai suất cơm cho thầy trò chúng tôi. Ăn xong ông mới nói: “Mình đi bộ cho khỏe mà tiết kiệm được một ít xăng, lại không phiền anh em lái xe”...
KHÁNH AN (Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Tuyên Giáo, Hội trưởng Hội Hưu trí, Học viện Kỹ thuật Mật mã)