Tôi trở về với căn phòng ấm áp của mình. Thu mình trong chiếc áo ấm của mùa trước, tôi cứ thấy lần vải cứng queo, rằm rặm. Chắc lâu ngày thiếu hơi người hay làn da quen tiếp xúc với nắng gió, giờ bị bó buộc. Ờ, mà tôi nghĩ khác, hình như rét mới, rét mới quá, chẳng phải rét nào cũng giống nhau. Ai bảo giá rét chỉ là tàn tạ, cắt da cắt thịt và khô hanh?!
Mỗi khi trời chuyển lạnh, tôi lại có thói quen mở cửa sổ ngóng sang dãy nhà đối diện, nơi ấy có khoảng sân nhỏ thường ồn ã tiếng trẻ con. Mẹ tôi bảo gió đầu mùa thường độc, nhưng tôi lại tin vào sự mới mẻ ấy. Lần nào cũng vậy, tôi thấy khuôn mặt bà cụ hàng xóm rạng rỡ trong rét mới. Những luống bắp cải, su hào của bà ngoài xóm ngoại ô chắc chỉ chờ cái tê tái ấy mà nõn nà xanh, mà da diết xanh. Những loại rau mùa rét như người con gái miền núi cao quanh năm được sương mù, hơi núi tắm gội bằng hơi sương mà có làn da mát rượi, trắng nõn và mát lòng người. Bà vào thành phố với con, với cháu nhưng tâm trí chắc vẫn gửi ở cái bãi sông mùa mưa thì nhão nhoét, mùa khô thì rét mướt mà bụ bẫm từng cái rễ rau. Có lần, tôi thấy bà ngồi xoa chân cho một đứa cháu bị ngã bầm tím, bàn tay xoa nhẹ như nâng một cái cây rau vừa bị gió xô rạp, bà thương cháu như cái cây rau mùa rét phải về sống trên đất nóng, cứ còi cọc ốm yếu mãi.
Cứ mưa rét, tôi lại thấy ông cụ đầu ngõ cầm cái ô cũ ra ngồi ven đường, mưa lạnh đến mấy ông cũng ra, khuôn mặt hồ hởi nhìn dòng người co ro trong gió. Ông có một cái bàn, dăm chiếc ghế, bộ đồ trà chén, cái điếu cày, cái bơm xe, một bàn cờ tướng bằng gỗ… Những thứ chẳng sợ mất, cũng chẳng làm ra cơ nghiệp một con người, cái thân già đeo đẳng vỉa hè ấy mà cũng vui. Trong gió mùa đông, có người lại ngồi đón rét mà thở khói thuốc lào. Trong tiết trời đông mới, họ ngồi nói những câu chuyện mới, cái lạnh kéo họ đến gần nhau, chia sẻ những thứ nhẹ nhàng, đơn giản mà cũng ấm áp. Chén trà, điếu thuốc cứ thế sống mãi ở xứ sở này bất chấp kỷ nguyên, năm qua, tháng lại. Họ ngồi đó, chia vui câu chuyện có đứa con đầu lòng, có đứa cháu nội mới sinh hay ngậm ngùi nhắc đến một ông lão ngõ trên vừa đưa ma chiều qua… Cứ thế, người ta bàn cái rét năm nay buốt hơn, ngọt hơn hay nhẹ nhàng hơn. Tiết trời đỏng đảnh đã tạo nên một thứ “đặc sản” cái lạnh của từng vùng đất. Biết là mùa đông, biết là nhiệt độ hạ, có mưa phùn “yểm trợ” cho rét buốt hay rét khô hanh nhưng nếu chỉ bó gối trong căn phòng của mình, ta đâu cảm nhận được hết. Tôi khép lại khung cửa sổ, rét mới rồi cũng sẽ cũ đi, chìm sâu vào quên lãng. Những trận gió mùa đông bắc, những đợt băng tuyết phủ trên đỉnh núi cao, những khắc nghiệt của mùa đông sẽ làm mất dần những ấn tượng ban đầu về cái rét se lạnh dịu dàng đầu mùa. Hình như trong gió lạnh, có hơi ẩm đang ngấm dần vào đất, vào lớp vỏ cây. Cái lạnh từ khô khan sang ấm nóng, từ tương khắc chuyển hóa thành tương sinh. Để rồi, mỗi mùa rét đi qua, dưới lớp lá khô là mầm cây vươn lên, trong sương mù là lộc non, chồi, nụ…
Ngày xưa, cứ vào vụ rét, mẹ tôi lại thấp thỏm lo cái ruột bông mới khâu lại có “thọ” được thêm một mùa rét nữa hay không. Trong những giấc mơ có nắng vàng ấm áp, có thảm cỏ xanh và mây trắng, tôi luôn đạp tung chiếc chăn, làm những sợi chỉ chắp nối mền bông lại đứt lìa. Một thời gian khó đã hằn vào nếp nghĩ, ngày đông tháng giá lo rét, lo đói, đói rét đã thành một cặp càn qua bao làng quê Việt trong quá khứ. Đói cơm, rách áo là sự kiệt cùng, tàn tạ, đặt giống nòi trước tồn vong. Bởi lẽ đó chẳng mà rét bị ghét bỏ, ngờ vực chứ không được nâng niu như ở nhiều nước phát triển thường có băng tuyết phủ vào mùa đông. Rét được giới trẻ đón nhận, đón luôn cả ngày lễ Giáng sinh, lễ Tình nhân. Mùa đông ấm áp vì có những ngày vui như thế, cái rét mới, nhịp sống mới và những niềm vui mới thật hấp dẫn và ý nghĩa lắm chứ.