“Bên ánh lửa đầu tiên nơi hoang đảo
Người cầm gươm, xõa tóc, múa trên thuyền
Điệu múa cổ chập chờn trong bão cát
Màu cát vàng như rượu cháy thôi miên”.
(Tổ quốc bên bờ biển cả)
Chúng tôi đang đi về hướng đông. Các dòng sông đều chảy về hướng ấy, rừng núi cũng nghiêng về hướng ấy theo chiều tây bắc - đông nam. Chúng tôi có dòng “Đà Giang độc bắc lưu”, có nền văn minh lúa nước bền vững trên nền đất cổ nhưng vẫn muốn hướng về cực đông. Sớm nay, bỗng dưng thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc lạ, có phải cũng một sớm như thế này, thuở hồng hoang, ông cha mình cũng tìm về biển, nơi có những ngọn gió mang hơi hướng của biển ngược dốc đèo lên đánh thức những mầm xuân, gọi tiếng khèn, điệu xòe và tình yêu đôi lứa? Biển thổi hồn cho miền Tây Bắc như thế.
Bao lần đến với eo biển miền Trung, cát trải dài dưới nắng, cứ men theo cát là gặp biển. Biển độc tấu một khúc ngân nga bất tận. Nhưng, biển của miền cực đông thì lại khác. Đến với biển lần này chúng tôi phải qua những cây cầu, những sợi dây văng dưới nắng lung linh, nâng con đường trên con hào phóng cho những tàu bè ngược xuôi dưới mặt sông tấp nập. Đi mãi, đi mãi vẫn gặp những khúc uốn của sông Ba Chẽ, Tiên Yên, Ka Long… Nghe bảo, ở vùng đất này có đến ba chục con sông, dòng suối lưu luyến tiễn chân người trước khi đến với biển như thế. Biển cứ ngỡ gần mà xa, chấp chới trong tầm mắt.
Bình minh đã lên qua những dãy núi đá xanh thẫm, Hạ Long hiện ra gần gũi và thân quen như đã gặp. Biển ở đây không rợn ngợp, mênh mang mà xanh thẫm, hiền hòa với những ngọn núi tạo nên một cảm giác ấm cúng. Hạ Long đẹp như được vẽ lên nền trời. Thế mới biết, giờ vẽ Hạ Long đâu dễ, cái hồn của biển, của núi có lẽ đã ngưng cả trên bài thơ khắc trên vách đá của vị hoàng đế kỳ tài. Núi Bài Thơ, bài thơ trên núi hay cả miền đất này đã hóa thi ca?
Con đường lên với Móng Cái vắng vẻ như một con đường đến với huyện vùng cao. Biển đâu nhỉ, dốc núi, cây rừng, những chiếc xe tải chở than, đường đi cứ dài tít tắp. Dọc đường đi, trên chiếc xe bốn chỗ ngồi, nhà văn Đinh Đức Cường nhẩn nha kể về những hồi ức ở mảnh đất này, những phận đời, những kỷ niệm cứ miên man như một dòng chảy. Qua những trang viết của ông, qua những gì cảm nhận khi đi qua các thị xã, thành phố, tôi nhận ra một nhịp sống sôi nổi nhưng không xô bồ, gấp gáp mà vẫn lắng đọng những suy cảm, ý hướng của những người dân biển. Phải chăng, biển cho họ sự sôi nổi, ồn ào, núi lại cho họ sự trầm mặc và kiên định.
Đêm ấy, nơi thành phố Móng Cái vùng biên ải, chúng tôi đi dọc dòng Ka Long mùa này đang khô hạn. Cây cầu đá từ bao lâu đã bắc qua sông, đêm nay, khoác lên mình những sắc màu rực rỡ tỏa ánh sáng xuống dòng sông khiến du khách thích thú. Con sông cuối cùng với dòng nước ngọt đổ ra biển, đêm nay vẫn là dư âm của đất liền, chờ một bình minh nơi mũi đất.
Khi chúng tôi đặt chân đến cột mốc số Không, mũi Sa Vĩ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, cũng là lúc ánh mặt trời rạng rỡ trên biểu tượng của mũi đất này. Những đường nét cách điệu như những chiếc lông chim hạc trên đầu các lạc hầu, lạc tướng. Chưa khỏi ngỡ ngàng, nhìn lại phía bên kia cột mốc là con số 3.260 ki-lô-mét đến mũi Cà Mau. Đứng mũi cực đông nhớ miền cực nam, bất giác nhìn sang bên cạnh là cặp vợ chồng người nghệ sĩ từ Đất Mũi xa xôi đang xúc động đứng lặng trong giờ phút thiêng liêng ấy. Không gian yên lặng tới mức có thể nghe thấy những hạt cát dưới đế giày của anh đang rớt xuống, cát của phương Nam, cát của miền cực đông hòa vào nhau, nhỏ bé, bình dị mà quyến luyến bàn chân ta. Đứng những nơi địa đầu của Tổ quốc, bỗng dưng thấy lòng mình lắng lại, thời gian như ngưng đọng, những âm vang của quá khứ như vọng về. Sau lưng là dòng Ka Long vẫn mênh mang, ngược lên cửa khẩu Bắc Luân tấp nập giao thương. Có lúc, đứng bên dòng sông ấy, nhìn những bông hoa mà những người lính Biên phòng tỉ mỉ chăm sóc, mới thấy một tấc đất non sông cũng được các anh trân trọng biết nhường nào. Và gần thêm nữa, đình Trà Cổ với những thớ gỗ lim đã dạn dày mưa nắng. Đình làng biển vẫn thanh tao vút cong mái đao dưới nền trời xanh mây trắng yên bình.
Sớm nay, bên biểu tượng nơi địa đầu biên giới, chúng tôi cùng những người lính Biên phòng đứng nghiêm chào cờ dưới lá Quốc kỳ. Bên này là biển, bên này là núi, lá cờ vẫn đỏ thắm như trên đỉnh Lũng Cú, trên Cột Cờ thành Hà Nội, Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng, bao nhiêu bộn bề, lo toan, bon chen như tan biến, chúng tôi đứng sát bên nhau, bài Quốc ca hào sảng vang lên trong một ngày như thế. Bên tiếng sóng biển, những người nghệ sĩ rất nhiều miền đất của Tổ quốc cùng hội ngộ ở đây. Có người đến từ những tỉnh biên giới như Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn… Có người chưa một lần ghé chân đến miền biên viễn bao giờ.
Đêm về, mũi Sa Vĩ hiền hòa, dưới ánh lửa bập bùng, mùi củi khô cháy trong gió biển, bất giác lại gợi về một ký ức trong câu thơ của Nguyễn Việt Chiến:
“Bên ánh lửa đầu tiên nơi hoang đảo
Người cầm gươm, xõa tóc, múa trên thuyền
Điệu múa cổ chập chờn trong bão cát
Màu cát vàng như rượu cháy thôi miên”.
(Tổ quốc bên bờ biển cả)
Đêm nay, anh lại đọc bài thơ ấy dưới ánh lửa đêm Sa Vĩ, có lẽ cả ngàn năm trước, khi từ những cánh đồng ngàn tuổi của miền Việt cổ, cha ông ta đã tới đấy, cũng thắp lên những ngọn lửa như thế này. Lửa vẫn thế, rạng từng mặt người, lửa từ rừng theo người ra biển sưởi ấm những đêm dài với ký ức núi rừng. Nhưng có lẽ, lửa đêm nay không còn thao thức, khắc khoải mà ấm áp hơn trong vòng tay kết nối tình bè bạn từ khắp mọi miền đất nước.
Lại thêm một sớm mai, mặt trời lại ló rạng ở miền cực đông, tạm biệt Sa Vĩ, Trà Cổ, tạm biệt vùng than, mang theo bao kỷ niệm đẹp về một lần hướng về phía đông, phía biển, phía của ký ức và tương lai. Một vừng đông hừng sáng phía sau lưng, ánh nắng đã nhanh bước hắt lên những thảo nguyên xanh, những ngọn đồi cao, những cửa voóng nhà sàn… Tổ quốc hiện lên rạng rỡ dưới ánh mặt trời bắt đầu từ nơi cực đông hừng sáng.