Làng Vĩnh Diệu của tôi được phù sa bồi đắp hình chú vịt bầu giờ đã không còn tên gọi cũ, những dãy phố đã mọc trên nền đất màu mỡ xưa, giờ muốn ngắm một màu xanh, chỉ còn cách lên mặt đê ngóng bãi ngoài vào vụ ngô, vụ lạc. Người gieo cấy ngoài bãi có mấy mùa không rõ nhưng người trong phố tự dưng chỉ có một mùa: Mùa ngóng bãi!
Nghe mẹ tôi kể đã từ bao đời, khi con sông lượn khúc quanh thành một bãi bồi trù phú. Có bắp ngô, hạt lúa, làng tôi thành đất lành để thuyền bè từ đường xuôi ghé đến mà nên làng, nên xóm với mái ngói đỏ tươi bên dòng sông Đà. Qua bao năm tháng, đất lành thành nơi cư dân quần tụ đông đúc, những lối ngõ thành tên đường như dư âm, mênh mang ký ức. Đêm đến, tiếng chẫu chuộc, ếch, nhái, dế mèn… cứ xa dần, ngày vắng dần hương đòng, mùi rơm tươi… làng lên phố như bao nơi khác. Mới đầu thấy hẫng hụt, dần cũng thành quen, người làng tôi xưa giờ lại mải mê với con đường sạch sẽ ngày mưa, với cái nhà ống lợp tôn làm trên đất ruộng. Có nhà còn cố xây tường bao thật cao, xây nhà thật hộp để xóa sạch bóng dáng nhà ngói cây mít một thời.
Dù có chối từ thế nào thì điều mà chẳng ai có thể thiếu được là những ngọn gió, lấy đâu ra gió mát bây giờ? Gió làng giờ đi đâu hết cả, dòng sông vẫn xanh trong. Ồ, gió vẫn thổi phần phật mái tôn, rèm cửa đấy chứ, nhưng gió khô hanh, gió nóng nảy của bê tông, cốt thép, nhưng là thứ gió quái lạ hầm hập và khô khốc. Cả làng lại đi tìm gió mát, cứ phải ngược lên con đường đê kè bê tông, lại thấy bãi ngoài mênh mang bên dòng sông cổ. Đợi tháng ba, ngô, lạc lên xanh dưới bãi, gió sông thổi vào mát rượi, người làng chiều chiều ngồi hóng gió bãi trên đê mà ôn lại chuyện xưa. Có người xưa chê đất quê nghèo, nay ước có ngôi nhà trông ra bãi mà đón gió từ bãi thổi về. Gió giờ sang mà hiếm, gió chảnh cả với người quê sao? Nếu muốn được đón gió hằng ngày dễ cũng phải mất đứt tiền tỉ. Gió ơi là gió!
Nhưng kỳ thực, không phải ai cũng biết người ngoài bãi lại lam lũ lắm. Gặp mùa nước lên, ngô, lạc úng gốc, công sức, vốn liếng bỏ ra tan biến. Mùa hạn, nước sông trơ sỏi, cát, cây trồng cũng khô cằn. Trong hương gió mát lành, màu xanh mát mắt, người trong phố chỉ thấy bình yên, khoan khoái, người ngoài bãi lại thấy lo canh cánh, cố nghe trong gió những tín hiệu mưa nắng, lụt, hạn của đất trời.
Nhiều khi tôi về làng, nằm ngủ trong căn phòng khang trang, cửa sổ đóng kín, đêm yên tĩnh chợt lại nghe văng vẳng tiếng ếch đồng từ bãi xa vọng về. Tôi nhớ ra mình cũng từng là người làng. Từ sân thượng nhà tôi, vào những đêm trăng sáng nhìn ra bãi có ánh trăng lấp lóa trên mặt sông trong. Mùa này là ra ngóng gió, ngóng màu xanh ngoài bãi thích rồi, mẹ tôi bảo thế với đứa con xa quê. Sớm hôm sau, tôi lặng lẽ lên đê, tìm xuống bãi, màu xanh ùa vào tôi ngơ ngác, lại như dò hỏi: Anh từ đâu đến? Thì có một thời ruộng trong, bãi ngoài gối nhau xanh mát, đồng quê thẳng cánh cò bay.
Giờ đây tôi ra ngóng bãi lại ngỡ như đang đi tìm lại những ký ức tuổi thơ đã bỏ quên, lại như ngóng chờ được thấy lại dấu ấn ngôi làng xưa của mình. Cứ lúc nào thấy nhớ lại muốn trở về ngóng bãi xanh mướt ngoài con đê, mùa nào cũng thấy nhớ đồng, nhớ bãi, nhớ một bóng hình làng tôi.