Có lẽ, đến mảnh đất nào thì điều ấn tượng nhất phải là lề lối ăn, mặc, ở… như mách bảo một đời sống lao động, thăng hoa thành những ca, vũ, then, khan rồi cao hơn nữa là ứng xử, giá trị sống. Bởi thế mà khi đặt lưng xuống chiếc giường lạ của một dân tộc nơi xa xôi nào đó, đệm ấm, chăn êm cũng gợi cho người khách lãng du biết bao nhiêu liên tưởng thú vị.
Phải men theo con đường 6 cổ, hay ngược sông Đà, mới cảm nhận hết được sự tiếp biến văn hóa thông qua những sắc điệu khác nhau từ màu sắc trang phục đến cách dựng nhà, đồ cơm, nướng cá… Hẳn khi đã thót tim vượt những dốc cao theo những con đường mỏng như chiếc khăn piêu vắt qua vai núi, du khách sẽ có đêm lành lạnh ngủ lại bản nhỏ. Rượu men lá đã mềm môi, cá suối, rau rừng đã đủ, giờ thì tấm lưng mệt mỏi đi tìm nơi đặt mình, thưởng giấc ngủ nồng say. Khi ấy, sẽ là cuộc khám phá những nghi thức trải giường mời khách ngủ, khám phá những chăn thơm, đệm ấm. Hẳn sẽ chẳng ai ngờ, từ thuyền ngước lên bờ, hay từ cửa kính ô tô nhìn xuống vực thẳm, màu lau xám hắt hiu, lạnh lẽo ấy lại thành một chủ đạo trong cuộc tiếp đón bằng “đêm nằm, năm ở” này.
Sợi vải bông nhuộm chàm đen, cam chịu giấu đi cái trắng trong của mây trời, trong vắt của nước suối để mang cái màu tưởng như tối sẫm nhưng “bền bỉ thủy chung” ấy. Sợi vải không óng mượt như sợi tơ tằm làm vải nhưng bền chắc nhờ chất keo nhựa tự nhiên, gặp những bông lau xám quanh năm ướp sương mờ Tây Bắc, một nóng, một lạnh, hòa hợp âm dương tạo nên hương đệm thơm ngọt như đọng lại nơi cuống họng. Cụ bà chừng đã ngoài chín mươi tuổi nhưng đôi mắt còn sáng lắm. Mỗi sớm vẫn tự tay luồn kim như thể nhịp đập trái tim nằm ở đường kim, mũi chỉ. Sớm nay, khi người khách trẻ tuổi thức dậy, chợt bắt gặp cảnh cụ bà ngồi khâu đệm. Giờ anh mới nhận ra, giữa màu đen thẫm như áo cóm của các chàng trai Thái ấy, bàn tay khéo léo đã chia ra thành những múi đệm, nhìn kỹ, thấy như từng ô ruộng giữa cách đồng mênh mông của những Mai Châu, Mường Thanh, Mường Lò… Những chiếc đệm không quá dày, chỉ là đệm đơn nhưng khi cầm lên thấy trĩu nặng như một chiếc bánh chưng ngày Tết dưới đường xuôi. Từ cơ man nào là lau nhẹ tênh như lông ngỗng, dồn lại thành một lớp đệm dày, từng ấy đủ để ta cảm nhận hết được sự cần mẫn của bàn tay cô gái Thái hái lau, của giọt mồ hôi như chất keo gắn kết nên sự mềm mịn êm ái đó.
Bất giác, người khách bắt gặp đôi mắt ngước nhìn lên của bà cụ. Như đoán bắt được những gì mà chàng trai trẻ muốn biết thêm, bà nhoẻn cười và nói:
- Ngày xưa, thời miền Tây Bắc chưa được giải phóng, nằm đệm này mà nhớ bộ đội Tây Tiến nằm đệm lá cây khô ngoài rừng…
Dân dấn giọt nước mắt từ khóe mắt chân chim, lắng nghe cụ bà kể tiếp:
- Khổ thế đấy, đến lúc bị thương mới được về trạm xá nằm đệm này. Nhiều anh bộ đội trút hơi thở cuối trên chiếc đệm bản Thái xa xôi mà trước lúc mất nói là ngửi mùi lau thơm nhớ ổ rơm thơm nơi quê mẹ đó anh à.
Những câu chuyện của vùng cao như bất tận. Có lẽ trong những giấc mơ ngọt ngào của du khách phương xa cũng thấm đượm vị thơm mát của lau xám nơi vách thung sâu, của bông trắng mọc thoải nơi sườn núi và đằng sau đó còn toát lên sự chu đáo, sạch sẽ và lòng hiếu khách của đồng bào Thái. Có lẽ, mọi dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S đều giàu lòng hiếu khách, nhưng mỗi nơi lại chọn một cách thức riêng để giữ khách lại lâu hơn, để khách nhớ nhà mình để có một ngày trở lại. Với đồng bào Thái, chiếc đệm bình dị giữ ấm tấm thân đem đến giấc ngủ say nồng là thứ lôi cuốn nhất. Nó như một lời mời gọi: Bạn hãy sớm trở lại với mảnh đất này.