“Lòng tự trọng chính là tình cảm sâu thẳm trong tâm hồn mà bạn có được từ sự đánh giá chính mình.”
- Denis Waitley
Lòng tự trọng và sự giả tạo
Trong một cuộc hội thảo nói về lòng tự trọng, tôi thật sự ấn tượng trước bài phát biểu của Bill Honig, một trong những thuyết trình viên chính. Ông chân thành chia sẻ với hàng ngàn giáo viên có mặt tại buổi hội thảo về mối quan tâm của ông đối với vị trí của lòng tự trọng trong nhà trường. Ông nói rằng ông luôn hết lòng ủng hộ việc giúp cho các học sinh nâng cao lòng tự trọng của bản thân nhưng ông vẫn lo ngại trước tình trạng rất phổ biến hiện nay, đó là tạo nên “lòng tự trọng giả tạo”. Một đứa trẻ sẽ cảm thấy rằng mình là một đứa bé ngoan nếu như bạn cứ suốt ngày nói với nó rằng nó thật giỏi và ngoan cho dù có thật như vậy hay không. Nhưng sau đó, nếu điều bạn khen là không đúng với sự thật, đứa trẻ sẽ cảm thấy hụt hẫng và thất vọng. Ông Honig nhấn mạnh rằng, cách tốt nhất để xây dựng lòng tự trọng cho các em là trao cho các em những công cụ có thể làm cho cuộc sống có giá trị hơn, khi đó lòng tự trọng sẽ tự thăng hoa. Vậy tự trọng là gì? Theo tôi, tự trọng chính là sự tự cảm nhận về mình, bất kể điều người khác nói. Và cách chúng ta cảm nhận về chính mình liên quan đến việc hình thành tính cách riêng của mỗi chúng ta. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận tốt về mình khi có thái độ tích cực và dám chịu trách nhiệm cho những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm.
Từ lệ thuộc đến độc lập trong suy nghĩ
Khi chúng ta còn bé, cuộc sống chúng ta do người lớn tuổi hơn chi phối. Chúng ta thấy hình ảnh của mình qua lời nhận xét của họ. Chúng ta suy nghĩ và cư xử thông qua suy nghĩ và mong muốn của người khác. Chính vì vậy, chúng ta có khuynh hướng trở nên như những gì người khác nói về chúng ta.
Nhưng khi lớn lên, chúng ta cần phải học cách suy nghĩ cho bản thân mình. Chúng ta cần nhận thức rằng, chúng ta có quyền tự do chọn lựa cách phản ứng của mình trước những nhận xét của người khác như Eleanor Roosevelt có lần đã nói, “Không ai có thể làm bạn cảm thấy mình thấp kém khi không có sự chấp nhận của bạn”.
Tôi không nói rằng chúng ta nhất định phải quan tâm đến nhận xét của người khác và rằng chúng ta không nên để cảm xúc của mình bị ảnh hưởng. Đôi khi chúng ta cũng rất cần được nghe những lời khen ngợi, sự tán thưởng... Chúng ta cũng cần đến những cái ôm thân thiết nữa. Điều đó không chỉ cần thiết mà còn rất quan trọng. Nhưng chúng ta không thể cứ ngồi chờ người khác vỗ tay khen ngợi thì chúng ta mới cảm nhận được giá trị của mình. Trước khi có ai đó khen ngợi chúng ta, thì chúng ta phải biết tự cảm nhận về mình. Sau đó chính những lời tán dương sẽ khẳng định một lần nữa những điều chúng ta cảm nhận về mình là đúng.
Những điều người khác nói về chúng ta phần nào ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta về bản thân mình, chỉ có những việc chúng ta làm và điều chúng ta nghĩ mới thật sự đem lại lòng tự trọng cho chúng ta. Lòng tự trọng đích thực là sự tôn trọng mà ta phải mưu cầu cho chính mình. Lòng tự trọng đích thực là một kết quả - kết quả tự nhiên của bốn thái độ sau đây:
1. Hãy tử tế - Chúng ta không thể cảm nhận tốt về mình khi ích kỷ hoặc vô cảm trước niềm vui hay nỗi buồn của người khác. Cách chúng ta cư xử với người khác như một tấm gương soi rọi chính ta. Càng cư xử tốt với người khác, chúng ta càng có cảm nhận tốt đẹp về mình.
2. Hãy vì danh dự - Tôi đã từng được đọc những công trình nghiên cứu về sự kết hợp giữa sự trung thực và lòng tự trọng. Bạn có thể hiểu rất rõ như thế nào thì được xem là tự trọng, nhưng nếu bạn không trung thực thì chắc chắn bạn không thể cảm nhận tốt về mình. Sự trung thực của bạn sẽ khẳng định niềm tin của mọi người đối với bạn và sự tôn trọng cũng dần được hình thành.
3. Hãy làm việc - Một trong “bảy tội lỗi đáng chết” ở thời Trung Cổ là sự lười biếng. Người ta thường gọi những người ngồi lê đôi mách và chẳng chịu làm việc là những “kẻ vô tích sự”. Thật khó tìm thấy cảm giác hài lòng về mình khi bạn là kẻ lười nhác, trốn tránh công việc. Luôn tìm tòi, học hỏi và không ngừng tích lũy kinh nghiệm cho bản thân chính là con đường ngắn nhất giúp chúng ta xây dựng lòng tự trọng cho mình.
4. Hãy tích cực - Chúng ta không thể cảm nhận tốt về mình nếu suy nghĩ của chúng ta chỉ hướng đến những điều bi quan, tiêu cực. Chúng ta không chỉ thể hiện sự tôn trọng và trung thực của mình trong khi ứng xử với người khác mà còn phải biết tự hào về chính mình. Khi đó, chúng ta sẽ thấy tự tin hơn trong từng suy nghĩ, hành động, cử chỉ - một nấc thang cần thiết cho chặng đường tiến đến thành công của bạn.