1. Cô chú chủ nhà và những ấn tượng đầu tiên
Năm đầu tiên sang Mỹ, sau một lần chuyển nhà, mình đến ở với một gia đình cô chú người Việt. Cô thì định cư ở Mỹ từ khi còn nhỏ nhưng chú thì đến tuổi trưởng thành mới sang. Cô chú có hai con, một gái một trai.
Cô gần như không biết nói tiếng Việt. Vốn tiếng Việt của cô cực ít ỏi. Hầu hết cô đều dùng tiếng Anh nhưng thú thực là rất khó nghe. Mỗi lần nghe cô nói chuyện, mình đều hết sức căng thẳng để có thể hiểu được những gì cô nói. Cô rất thích mua sắm. Thi thoảng vào những ngày nghỉ, cô thường rủ mình đến các khu trung tâm để mua sắm. Có đi mới thấy, phụ nữ khổ cực trần ai. Đi bộ mệt nhoài hết từ gian hàng này đến gian hàng khác, nâng lên đặt xuống, ngắm nghía xuýt xoa, thử ra thử vào kính thưa các loại mặt hàng.
Cuối cùng, đa phần là sẽ quay lại cái gian hàng đầu tiên mà mình đã đến cách đấy chừng vài ba tiếng để mua cái thứ mà “không thể thử lại nữa vì quá mệt”. Hiii. Mình hay tranh thủ những lúc cô đi chọn đồ để ngồi đọc sách hoặc ngẫm ngợi vẩn vơ. Điều hay ho nhất mà mình nhận ra là, khi trở về Việt Nam, mỗi lần đi mua sắm cùng mẹ chắc mình sẽ đủ kiên nhẫn để không giục giã hay cằn nhằn nữa. Vì mình hiểu, phụ nữ ai cũng vậy.
Chú thì trái ngược với cô, gần như không biết nói tiếng Anh. Đi xe với chú, chú bật định vị lên và mình sẽ dịch cho chú xem họ nói gì, hii. Chú có nghề săn bắn. Cứ mỗi tuần một lần, chú lái xe vào rừng và lúc quay trở về sẽ mang theo những con thú đã săn bắn được để làm thịt bán. Thú thực là mình sợ lắm. Nhiều lần chú rủ vào rừng săn bắn cùng chú nhưng mình chẳng dám đi.
Chú cực kì tốt bụng, xởi lởi. Chú luôn dành cho mình tình cảm và sự quan tâm ấm áp. Mùa đông lạnh chú luôn hỏi mình có đủ quần áo ấm không. Ngày Tết Việt Nam, biết mình nhớ nhà, chú cho mình đến chợ Việt Nam để ăn đồ ăn Việt. Nói chung, chú coi sóc mình y hệt như với đứa con trai. Mình yêu quý và biết ơn chú vô cùng.
2. Sự mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa
“Phiền toái” nhất đối với mình khi ở nhà chú là hai con của chú. Do sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên chị và bạn (bằng tuổi với mình) không biết nói tiếng Việt. Những gì thuộc về cội nguồn văn hóa Việt, chị và bạn chẳng hấp thụ được điều gì từ bố mẹ. Mình có cảm giác, hai con của cô chú chỉ quen với những gì thuộc về bề nổi văn hóa và lối sống Mỹ. Ví như sự đòi hỏi phải độc lập tuyệt đối, phải được tôn trọng tuyệt đối. Mình không thấy cái đó có gì xấu nhưng hình như cái gì thái quá cũng không hay.
Trong khi đó, cô thì quan tâm săn sóc hai con theo kiểu của một bà mẹ châu Á, rất thích can thiệp vào đời sống của con. Mặc dù các con đã lớn nhưng cô vẫn thường xuyên vào phòng của họ rồi xếp đồ, rồi kêu ca, than thở. Hàng tối cô yêu cầu con trai xuống phòng khách học bài để cô còn để mắt được và cô sẽ kiểm tra theo kiểu dò bài. Có nghĩa là xem hôm đó con có những bài nào thì cô yêu cầu phải làm cho đủ mới được đi ngủ.
Và thế là trong sự o ép, chị và bạn bắt đầu phản kháng. Chị thì gần như cả ngày không nói chuyện với ai. Mình ở đó suốt mấy tháng nhưng những lần trò chuyện chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Với cô chú, tình hình cũng y như vậy.
Còn bạn trai nhỏ hơn, không có cách gì khác là buộc phải quay ra giấu giếm và lấp liếm. Ví như bạn ấy thường ép mình làm hộ bài để bạn chép lại.
Mình thường phản đối kịch liệt. Và mâu thuẫn vì thế cũng xảy ra. Nhưng mình thường im lặng không cho cô chú biết.
Dẫu gì thì mình cũng đang là người đi ở nhờ mà.
Dạo đó mẹ Điệp cũng hay buồn khóc nên những nỗi niềm đó, mình chỉ gói ghém nén chặt trong lòng. Không biết bày tỏ cùng ai…
Rồi năm học cũng qua đi. Bạn trai, theo đúng như cô chú dự tính sẽ chuyển về học tại một trường công nào đó gần nhà để rồi theo nghiệp thể thao. Còn chị gái của bạn thì vẫn đúng là “một người Mỹ trầm lặng”.
3. Chia tay Texas với niềm biết ơn và biết bao điều còn bỏ ngỏ
Hết năm học, mình apply vào trường mới, không còn ở Texas nữa. Biết tin mình được vào trường tốt, cô chú mừng lắm. Cô chú thành thực chúc mừng mình và thủ thỉ: “Cô chú biết, thế nào cháu cũng tìm ra con đường đi riêng của mình. Người như cháu, cô chú tin rồi sẽ thành đạt…”
Ngày chia tay cô chú mình bùi ngùi, lòng rưng rưng xúc động. Mình biết ơn cô chú đã nuôi nấng thương yêu mình như con trong những tháng ngày đầu bỡ ngỡ trên đất Mỹ xa lạ.
Mình cũng nhớ nôn nao những cây hoa dại mọc ven nhà, nhớ bầy chim sáo thường đến đậu ở bậc thềm vào mỗi sớm tinh sương. Cây cỏ, chim muông đều là những người bạn thân thiết của mình trong những ngày tháng buồn thật là buồn.
Tất cả giờ đã thành kỉ niệm. Xa cô chú rồi, mình cũng ít khi liên lạc lại. Có một điều gì đó cứ khó cất thành lời khi trò chuyện với cô chú. Khó nhất là việc hỏi cô chú xem chị và bạn dạo này thế nào.
Sống cùng cô chú, mình mới hiểu thấu hơn, cuộc sống của người Việt trên đất Mỹ thật chẳng mấy dễ dàng. Họ phải vật lộn để chiến thắng những cú “shock” văn hóa, để giao tiếp và nhất là để bươn chải kiếm sống. Và có lẽ khó nhất là cách nuôi dạy con.
Mình tin, chắc chắn sẽ có dịp mình trở lại thăm cô chú. Đến lúc đó, mình sẽ lại được ngồi trên cái xe như xe tải của chú để chỉ chỉ trỏ trỏ, chú ơi chuẩn bị rẽ phải này, sắp rẽ trái chú nhé... Rồi chú lại cười khà khà và lẩm bẩm: “Cái bọn Mỹ này, nói cái gì mà khó nghe quá trời...”
Và giây phút cảm động ấy, mình sẽ nắm lấy bàn tay chú - bàn tay của người lao động cực nhọc, vất vả, lam lũ trên xứ người nắng cháy, mưa tuôn. Vậy mà, chỉ cần bước qua biên giới, về đến quê nhà, người như chú sẽ trở thành Việt kiều. Và cùng với danh xưng ấy, họ sẽ mang theo bao nhiêu niềm hy vọng cho cả họ tộc.
Nghĩ mà thấy thương chú quá chừng…