Các vị tổ là tập sách thứ 4 trong tuyển tập “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam” và cũng là tập cuối cùng của bộ sách. Trong nội dung này, chúng tôi tập hợp một số biểu tượng đặc trưng như tổ tiên, tổ vương, tổ mẫu và totem/vật tổ. Đây cũng là những motif quan trọng trong văn hóa Việt Nam đã được giới học thuật khai thác từ nhiều khía cạnh khác nhau như văn học, sử học, văn hóa học, nghệ thuật học, khảo cổ học,... để có thêm một góc nhìn khác về các vị tổ nói trên, chúng tôi sẽ sử dụng một số hướng tiếp cận mới (như nhân học nghệ thuật, sinh thái học tộc người, khu vực học...) bên cạnh ký hiệu học và biểu tượng luận được sử dụng xuyên suốt các nội dung của tập sách. Xa hơn, chúng tôi cũng đặt góc nhìn tham chiếu từ các quan điểm lý thuyết mới ra đời trong thế kỷ XXI như sáng tạo truyền thống, dân tộc biểu tượng luận, Zomia... những hướng tiếp cận mới sẽ giúp nghiên cứu này tránh được các tranh luận không cần thiết và tập trung vào vấn đề cốt lõi, đó là những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam.
Bao trùm lên các biểu tượng được đề cập trong tập sách này là biểu tượng tổ tiên của các tộc người ở Việt Nam, đặc biệt là người Việt/Kinh, một đề tài được nghiên cứu qua nhiều thế hệ với nhiều thành tựu nhưng cũng còn đó vô số tranh luận. Nghiên cứu này sẽ đặt các biểu tượng đó trong vai trò những sản phẩm văn hóa đã được người Việt tạo tác qua nhiều thế hệ dưới góc nhìn sáng tạo truyền thống. Ở một góc độ khác, dưới góc nhìn dân tộc biểu tượng luận, chúng ta có thể phân biệt tộc danh (ethnonym) Lạc Việt, vốn được coi như tổ tiên người Việt, thành hai đối tượng: Tên được gọi (exonym) do người Hán sử dụng và tên tự gọi (autonym) của chính người Việt, qua đó bóc tách các yếu tố Hán và Việt đan xen trong ngôn ngữ biểu tượng của tộc danh này. Từ đó, lý giải sự ra đời và tồn tại của các biểu tượng tổ tiên khác như quả bầu, bọc trứng trong văn hóa Việt Nam (vốn được xem như nơi ra đời tổ tiên của người Việt cũng như các tộc người anh em thông qua các huyền thoại) để khám phá nhu cầu tìm về cội nguồn của người Việt.
Ở biểu tượng tổ vương, chúng tôi tập trung vào ba biểu tượng trọng tâm trong văn hóa truyền thống Việt Nam đó là Hùng Vương, Lạc Long Quân và Kinh Dương Vương. Đây là các vị tổ quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc đến đời sống văn hóa của người Việt trong nhiều thế kỷ qua. Xuyên suốt các tư liệu thành văn và bất thành văn có liên quan đến các vị tổ này là khát vọng độc lập của người Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là ước vọng của họ về một nền văn hiến lâu đời do tổ tiên để lại, sánh ngang với Hán tộc cho dù đan lồng trong đó là quan niệm vô tốn Trung Hoa của tầng lớp trí thức nho học thời trung đại. Đặt các vị tổ trong vai trò cái biểu đạt (CBĐ) của cội nguồn dân tộc Việt, nghiên cứu này sẽ xem xét quá trình lịch sử hóa huyền thoại đã diễn ra như thế nào. Từ đó, sẽ tìm hiểu cái được biểu đạt (CĐBĐ) thể hiện qua các huyền thoại lập quốc của người Việt được ghi lại trong các tư liệu thành văn.
Không chỉ được thể hiện qua các biểu tượng tổ tiên hay các vị tổ có công lập quốc, các vị tổ trong văn hóa Việt Nam còn được thể hiện một cách hết sức sinh động với các biểu tượng tổ mẫu như Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Liễu), Phật Mẫu Man Nương, Bà Đanh và đặc biệt là Quốc mẫu Âu Cơ.1 Các vị tổ mẫu này tuy không đóng vai trò “lập quốc” như các vị tổ vương nói trên nhưng lại có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Xuyên suốt lịch sử Việt Nam, biểu tượng người mẹ luôn xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, để rồi được kết tinh lại trong văn hóa tín ngưỡng dân gian và dung hòa với tôn giáo Trung Hoa và Ấn Độ để trở thành các vị tổ mẫu. Chính sự tôn thờ biểu tượng người mẹ đã được thần thánh hóa thành các bậc “mẫu nghi thiên hạ.” Đây là một quá trình thiêng hóa biểu tượng người mẹ2 bằng một thao tác đặc biệt: San định.
1 Biểu tượng Quốc mẫu Âu Cơ gắn liền với biểu tượng bọc trứng vốn được coi như “thủy tổ” người Việt nên trong nghiên cứu này sẽ đề cập đến Âu Cơ cùng với Bọc trứng.
2 Chẳng hạn như quá trình thiêng hóa này đã được biểu tượng hóa bằng thần lực nữ tính (shakti) để tạo nên Lajja Gauri trong văn hóa Ấn Độ, Pô Yan Dari trong văn hóa Chăm và “biến” thành Bà Đanh trong văn hóa Việt Nam.
Sự hình thành các vị tổ mẫu gắn liền với đặc tính nguyên hợp trong văn hóa dân gian đã tạo nên tính hòa đồng tôn giáo và tín ngưỡng của người Việt. Tuy nhiên, đặc tính này cũng cho thấy một sự “dễ dãi” của người Việt trong việc tiếp nhận các thành tố tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Chính sự dễ dãi này đã tạo nên vô số hiện tượng tôn giáo và tín ngưỡng đặc thù trong xã hội đương đại mà chúng ta chỉ có thể thấy rõ thông qua những góc nhìn mới như thị trường tôn giáo (religious commodification) hay sáng tạo truyền thống (invented tradition). Trào lưu gọi hồn - áp vong chính là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của “thị trường” sôi động này.
Khác với các vị tổ nói trên, totem hay vật tổ là một đối tượng hết sức đặc biệt bởi rất nhiều người Việt tin rằng totem/vật tổ gắn liền với tổ tiên của các tộc người ở Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, totem ở Việt Nam mới chỉ ra đời từ giữa thế kỷ XX nhưng đã ảnh hưởng sâu rộng đến quan niệm tổ tiên của người Việt. Từ một sự nhầm lẫn thuật ngữ của học giả phương Tây đến hơn nửa thế kỷ đi tìm vật tổ ở Việt Nam đã cho ra đời vô số loại vật tổ khác nhau như rồng, chim Lạc, hươu, rắn, cá sấu, rau dớn, ngô đồng,… mà cho đến nay vẫn đang tiếp tục tồn tại và phát triển.1
1 Thậm chí, trào lưu “vọng tổ” còn được mở rộng hơn với cụ rùa Hồ Gươm hay nhà thờ tổ của Hoài Linh. Trào lưu này ở Việt Nam xuất phát từ ba yếu tố nội sinh: Nhu cầu tìm về cội nguồn người Việt; Tâm lý muốn khẳng định nền văn hiến lâu đời của người Việt; và Phức cảm về “tổ tiên” của người Việt.
Khác biệt với totem trong học thuật, việc sử dụng totem trong nghệ thuật lại cho thấy các giá trị văn hóa biểu tượng đặc sắc của nó với vô số sản phẩm văn hóa và nghệ thuật đã tạo ra được lấy cảm hứng từ totem. Không chỉ được thể hiện trong văn học, âm nhạc, thời trang, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc… totem còn được nhân rộng qua các tác phẩm đồ họa kỹ thuật số hiện đại. Thậm chí, nó còn vượt biên giới Việt Nam đến với Thụy Sĩ để hình thành nên một dòng sản phẩm thời trang cao cấp đó là bộ sưu tập đồng hồ Dong Son Tourbillon Titanium với kỹ nghệ đặc sắc và đắt giá của hãng đồng hồ Speake- Marin.
Từ các vị tổ trong quốc sử đến các biểu tượng vật tổ trong nền nghệ thuật thuật đương đại, từ trống đồng Đông Sơn đến đồng hồ Speake-Marin là một sự kết nối xuyên thời gian thông qua các biểu tượng văn hóa. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam nhưng cũng cho thấy đặc tính đa dạng và phức tạp của các biểu tượng chứa đựng trong nền văn hóa này. Vì vậy, để tìm hiểu các đối tượng đó, chúng ta cần tiếp cận bằng nhiều góc nhìn khác nhau, từ học thuật hiện đại đến nghệ thuật đương đại… qua đây, chúng tôi mong muốn mang đến cho bạn đọc một góc nhìn mới về những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tuy nhiên, để lý giải cặn kẽ mọi vấn đề có liên quan là điều không thể. Vì vậy, chúng tôi chỉ hy vọng nội dung cuốn sách này mang đến một góc nhìn mới nhằm tạo niềm cảm hứng để bạn đọc có thể tìm hiểu sâu hơn về những biểu tượng đa dạng này.
Tác giả