Nhận thức đa giác quan
Đó là một buổi chiều mùa đông xám xịt. Chiếc xe hơi màu đen bóng loáng đang chạy bon bon với vận tốc 80 km/ giờ thì bất ngờ đâm sầm vào một tảng băng. Như một vũ công điệu nghệ, nó bắt đầu một cú xoay chậm theo chiều ngang rồi chúc đầu trượt xuống con đường đắp dốc đứng. Trong xe, một cô gái thét lên kinh hãi khi chiếc xe lộn vòng như một quả bóng đang lao dốc. Cô gái đó chính là em gái tôi.
Cách đó cả trăm cây số, một phụ nữ tóc hoa râm bất thần bật dậy khỏi chiếc ghế bà đang ngồi.
- Gail gặp chuyện gì rồi! - Bà kêu nấc lên.
40 phút sau, điện thoại reng và ai đó ở đầu dây bên kia thông báo:
- Con gái bà vừa mới gặp tai nạn. Cô ấy không bị thương nặng nhưng chiếc xe của cô ấy đã bị hư hỏng hoàn toàn.
Tại sao lại có chuyện lạ kỳ như thế xảy ra? Mẹ tôi đã bật dậy hoảng hốt vào đúng khoảnh khắc em gái tôi gặp tai nạn. Bà không thể tận mắt chứng kiến cảnh con gái mình đang mấp mé giữa lằn ranh của sự sống và cái chết lúc chiếc xe liên tục đâm sầm vào tất cả mọi thứ chung quanh nó trên mặt đất đóng băng trơn trợt, và cuối cùng tông vào một thân cây trụi lá. Bà không thể ngửi thấy mùi bụi cây bị nghiến nát bên dưới chiếc xe móp méo, hay mùi xăng dầu xộc ra từ thùng xăng bị vỡ. Bà không thể nghe thấy tiếng kim loại gãy gập, tiếng kính vỡ loảng xoảng. Bà không thể cảm nhận sức va chạm của chiếc xe khi nó lộn nhào, hoặc nếm thấy vị máu trong miệng con gái mình.
Không cần phải nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm sờ trực tiếp mới biết con gái mình gặp nạn, mẹ tôi đã sử dụng nhận thức đa giác quan - một hình thức truyền dẫn thông tin trực tiếp mà năm giác quan không thể cung cấp được. Nhận thức đa giác quan xóa bỏ khoảng cách về địa lý và thời gian giữa thông tin và người tiếp nhận thông tin. Mẹ tôi đã không cần phải đợi cảnh sát thông báo rằng em tôi đang ở trong tình trạng nguy kịch. Bà biết đích xác sự việc như thể chính bà trải qua vụ tai nạn đó. Vậy là bà đã vận dụng cách nhận thức không theo lối thông thường để biết điều đó.
Người thương gia nọ bị trễ giờ bay. Ông nôn nóng chờ nhận vé rồi vội vã lái xe vào ga-ra khổng lồ của sân bay để gửi. Tầng thứ nhất kín chỗ. Tầng thứ hai cũng thế. Ông lại tiếp tục lái xe theo vòng xoáy trôn ốc, hết khúc cua này đến khúc cua khác, ruột gan mỗi lúc như càng thêm lửa đốt. Tầng thứ ba cũng kín đặc; tầng thứ tư cũng không khá hơn. Khi lái đến khúc cua dẫn lên tầng cuối cùng, lúc này ông cảm thấy tuyệt vọng và bất thình lình dừng xe lại. Vừa ngay lúc đó, một chiếc ô-tô mui kín chạy vút với một vận tốc rất nhanh, rẽ ngược hướng vào khúc cua để chạy xuống các tầng dưới. Cả hai người tài xế đã không nhìn thấy nhau trước đó.
Làm sao vị doanh nhân này biết có chiếc xe khác đang lao tới? Ông không thể nhìn thấy, nghe thấy, hoặc ngửi thấy nó. Khả năng vị giác và xúc giác của ông càng không thể giúp ông. Đây cũng là một ví dụ về nhận thức đa giác quan.
Vị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác và thị giác là những giác quan giữ chức năng hoạt động khác nhau, nhưng tất cả đều là bộ phận của một hệ thống dò tìm, khám phá thế giới bên ngoài. Nếu chỉ phụ thuộc vào năm giác quan này để định hướng cho mình trong hành trình cuộc sống thì bạn đã giới hạn tầm hiểu biết của mình trong khuôn khổ hệ thống này.
Ban đầu khi tờ quảng cáo chương trình được gửi đến nhà theo đường bưu điện, người phụ nữ nọ không mấy quan tâm. Nó giới thiệu về một hội nghị diễn ra cách nơi cô sống rất xa, phí tham dự quá đắt mà lại không đả động chút nào đến các đề tài cô ưa thích.
Ngày hôm sau, cô cảm thấy bị thôi thúc muốn đọc lại tờ quảng cáo, và ngày tiếp theo cô cũng vẫn muốn đọc lại nó. Cô không sao đấy nó ra khỏi tâm trí mình, cũng không thể cưỡng lại cảm giác tò mò muốn tham dự hội nghị ấy. Rồi không hiểu tại sao cô lại đăng ký tham dự và đặt vé máy bay.
Ngày đầu tiên, cô gặp một người đàn ông đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư. Cô thiết tha quan tâm đến quy trình điều trị của ông ấy. Với sự trợ giúp của cô, căn bệnh ung thư quái ác của ông được chữa khỏi và họ trở thành đồng tác giả viết một quyển sách về quá trình trị liệu ung thư.
Vậy, nguồn động lực thôi thúc cô xuất phát từ đâu? Cô ấy có hai hệ thống cung cấp thông tin cho mình: hệ thống thứ nhất là năm giác quan của cô - không cung cấp đầy đủ thông tin về những gì có thể diễn ra ở hội nghị; nhưng hệ thống thứ hai thì có, đó chính là nhận thức đa giác quan.
Bạn tôi, Jeffrey, muốn nghiên cứu về “các tính cách bất thường” từ quan điểm tích cực: Điều gì khiến cho một số người có khuynh hướng thành công và hạnh phúc hơn những người khác. Nhưng cuộc nghiên cứu lâm vào tình trạng bế tắc bởi vì luận án tốt nghiệp môn tội phạm học của anh chỉ nghiên cứu “các tính cách bất thường” từ quan điểm tiêu cực: Điều gì khiến cho một số người có khuynh hướng bạo lực hơn những người khác.
Một đêm nọ, anh mơ thấy mình đến thăm nhà của hai người bạn mà anh khá thân. Chủ nhà đi vắng nên anh tự đẩy cửa bước vào. Trong nhà, ở trên bàn phòng khách, anh nhìn thấy một cuốn tạp chí nhan đề “Eye” (tạm dịch: “Con mắt”). Quyển tạp chí cung cấp cho anh chính xác những gì anh cần biết.
Sáng hôm sau, anh vội đến nhà hai người bạn của mình để kể về giấc mơ kỳ lạ kia. Thế nhưng họ không có ở nhà. Anh biết chỗ họ cất chìa khóa, cho nên anh tự mở cửa vào nhà mặc dù chưa bao giờ anh vào nhà bạn theo cách như thế. Quả nhiên, ở trên bàn phòng khách anh nhìn thấy một tờ tạp chí, có điều nó tên là “Focus” (tạm dịch: “Tiêu điểm”), bao gồm lịch phát sóng của một đài truyền hình công cộng quốc gia. Xem lướt qua tờ tạp chí, anh bất chợt nảy ra sáng kiến là có thể nghiên cứu “các tính cách bất thường” theo hướng tích cực bằng cách phỏng vấn trực tiếp các đối tượng trên truyền hình. Anh đã bắt tay vào thực hiện ngay và đặt tên cho chương trình của mình là Thinking Allowed (tạm dịch: Hãy để ý tưởng được cất tiếng).
Giấc mơ của Jeffrey đã mách bảo cho anh cách tìm ra những thông tin anh cần. Động lực thôi thúc người phụ nữ nọ phải đi dự hội nghị cũng tương tự như vậy. Linh cảm của vị doanh nhân đã cảnh báo cho ông tránh được một vụ tai nạn đáng tiếc. Đây chính là các ví dụ minh họa về nhận thức đa giác quan. Lắng nghe theo “tiếng nói” ấy, Jeffrey có chương trình truyền hình của mình, người phụ nữ trở thành đồng tác giả của một quyển sách, và vị doanh nhân kia không phải nhập viện vì tai nạn.
Hãy lưu ý rằng có được nhận thức đa giác quan và sử dụng nó để trợ giúp bạn là hai điều hoàn toàn khác nhau. Hiểu rõ sự khác biệt này là rất quan trọng, bởi tất cả chúng ta đang trở thành con người (nhận thức) đa giác quan. Hiểu điều đó, bạn sẽ tìm ra những cách thức phù hợp để sử dụng khả năng kỳ diệu này. Thật ra, đây không phải là điều gì mới mẻ. Cái mới là ngày nay mọi người đang dần quan tâm đến năng lực đặc biệt này.
Còn trước đây, chúng ta gọi nó bằng một cái tên khác: trực giác.
Trực giác
Có bao giờ bạn đang nghĩ về một người bạn thì chuông điện thoại reo và ở đầu dây bên kia vang lên giọng nói của người bạn hữu duyên ấy?
- Ôi, mình đang nghĩ đến cậu đây! Thật trùng hợp làm sao! - Bạn thốt lên.
“Trùng hợp” có nghĩa là hai sự kiện đồng thời xảy ra cùng một lúc, giống như bạn đang nghĩ tới bạn mình thì cậu ấy gọi cho bạn. Đây không bao giờ là sự việc ngẫu nhiên. Cậu bạn đó và bạn đã liên hệ với nhau theo cách thức mà năm giác quan không thể thực hiện được, nhưng trực giác thì có thể.
Đã bao giờ bạn có cảm giác là mình không nên làm gì đó, nhưng rồi bạn vẫn cứ làm?
- Mình đã biết trước là mình không nên tin hắn ta! - Bạn nói vậy.
Đúng. Bạn đã biết trước. Trực giác của bạn đã mách cho bạn biết, nhưng bạn muốn tin người kia nhiều đến nỗi bạn phớt lờ “tiếng nói” của trực giác.
Nhận thức đa giác quan và trực giác là một, nhưng cái tên nhận thức đa giác quan thì chính xác hơn. Đa số mọi người nghĩ trực giác là một dạng linh cảm thi thoảng xuất hiện, như vị doanh nhân nọ có linh cảm “phải dừng xe lại”, hoặc như cảm giác thôi thúc của người phụ nữ về buổi hội nghị. Thực sự nó còn cho chúng ta biết nhiều hơn thế nữa. Trực giác là một hệ thống rất phức tạp, cho phép bạn biết nhiều hơn khả năng thực có của năm giác quan. Khi trực giác của ta trở nên tinh nhạy hơn, ta sẽ có được nhiều trải nghiệm khác nhau.
Hồi còn nhỏ tôi rất thích được đến thăm bà ngoại yêu quý của tôi. Tôi hay gọi bà là ngoại Libby. Chiếc trường kỷ nhà bà khi cần có thể kéo ra thành hai chiếc giường đơn giống hệt nhau. Mỗi tối, bà thường nằm trên giường này còn tôi nằm trên giường kia và cả hai bà cháu ríu rít chuyện trò cho đến tận khuya.
Trong tòa chung cư nơi ngoại Libby sống có một nhà hàng. Sau khi ăn tối xong chúng tôi sẽ tay trong tay dắt nhau đi qua tiền sảnh. Cứ hễ gặp người quen nào là bà lại hào hứng giới thiệu:
- Đây là cháu trai của tôi, ông (bà) còn nhớ nó chứ?
- Mỗi lần bà nói như thế là tôi ngượng kinh khủng, nhưng nếu tôi phản đối (mà tôi luôn luôn phản đối), bà lại giật tay tôi xuống mà bảo - Suuuỵt!
Bà mất khi tôi đang học đại học. Đám tang của bà có rất đông người đến viếng. Khi vị giáo sĩ Do Thái đọc điếu văn ca tụng bà, tôi đứng nhìn ông từ góc tường phía bên trái ông. Có một chiếc ti-vi nhỏ treo bên dưới trần nhà. Nó giúp chúng tôi nhìn thấy toàn cảnh phía trước bàn thờ lễ. Xem đám tang ngoại Libby qua màn hình ti-vi tạo cho tôi cảm giác kỳ cục đến độ muốn bật cười. Bất chợt tôi cảm thấy ngoại Libby giật bàn tay tôi xuống.
- Suuuỵt! - Bà... nghiêm khắc nhắc nhở.
Bà không muốn tôi gây náo động đám tang của bà. Tôi nín bặt và hai bà cháu tôi đứng im lặng sát bên nhau cho đến hết buổi lễ. Tôi không bao giờ than khóc cho sự ra đi của ngoại Libby vì với tôi, ngoại Libby vẫn còn sống mãi.
Suốt 30 năm qua tôi không hề kể câu chuyện này cho bất cứ ai trong gia đình biết, vì tôi đoan chắc họ sẽ không tin mình. Ngày nay, tất cả chúng ta không lạ lẫm gì với ý niệm “đa giác quan” cho nên không cần thiết phải chờ thêm 30 năm nữa mới chia sẻ những trải nghiệm như thế. Đó cũng là một dạng nhận thức đa giác quan.
Với năm giác quan, chúng ta không thể biết bất cứ điều gì không thuộc phạm trù vật chất trong khi hầu hết mọi thứ trong cuộc sống đều hiện hữu dưới dạng thức phi vật chất. Chính vì vậy mà có được năng lực (nhận thức) đa giác quan tức là ta có thể thay đổi cuộc sống một cách toàn vẹn. Hiện nay cuộc sống con người đang thay đổi theo chiều hướng này. Chúng ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến trực giác. Như vị doanh nhân nọ không cần phải dừng xe lại trước khúc cua cuối cùng, song nhờ trực giác mà ông đã tự cứu mình khỏi rất nhiều phiền toái. Người phụ nữ kia không nhất thiết phải tham dự hội nghị, song nếu không đi thì làm sao cô gặp được người cộng sự của mình; cũng như chắc chắn căn bệnh ung thư của ông bạn mới quen đã diễn tiến xấu hơn.
Có nhiều cách để trải nghiệm về khả năng trực giác. Mỗi người sẽ trải nghiệm theo mỗi cách khác nhau. Bạn có biết ai có cân nặng, màu tóc, chiều dài cánh tay giống hệt với bạn không? Ngay cả trong trường hợp bạn có một người anh em song sinh chăng nữa, thì liệu người ấy có bị “sổ mũi” trong khi bạn đang “hắt hơi” và thích cùng loại thức ăn, có cùng gu âm nhạc như bạn? Điều đó rất hãn hữu bởi vì mỗi người là một cá thể độc đáo, riêng biệt.
Tương tự như vậy, trực giác tồn tại ở nhiều dạng thức khác nhau. Một số người có linh cảm. Những người khác có ý tưởng chợt lóe lên trong đầu. Có người nghe được âm thanh, trong khi người khác nhìn thấy hình ảnh. Nhiều người lại có những cảm nhận xúc giác tinh nhạy, chẳng hạn như cảm giác khô hanh và lành lạnh. Một số người nghe thấy tiếng nói, hoặc có thể chuyện trò trực tiếp, như trường hợp của tôi với ngoại Libby. Tất nhiên cũng có người có hết thảy những khả năng này. Không một biểu hiện nào được xem là chính xác nhất hay duy nhất để mô tả về năng lực trực giác.
Bạn có thể tìm ra cách khơi gợi tiếng nói trực giác riêng cho mình bằng cách lưu tâm đến những gì xảy ra bên trong bạn. Đây chính là sự khác biệt lớn giữa nhận thức năm giác quan và nhận thức đa giác quan: Năm giác quan yêu cầu bạn chú ý đến những gì xảy ra ở ngoại cảnh; còn trực giác thì yêu cầu bạn chú ý đến các vấn đề nội tại của bản thân.
Vận dụng trực giác
Làn nước trong vắt sắc xanh như ngọc lam - trong đến nỗi có thể nhìn thấu đáy cát dưới chân - dịu dàng phủ lên bãi tắm trải dài hút tầm mắt. Không có bóng dáng của tay lướt ván nào ở đây. Cũng không thấy ngọn sóng hung hãn nào. Linda, người bạn đời tâm linh của tôi, đang nằm thả trôi bồng bềnh, mặt ngửa lên trời, chỉ còn mỗi chóp mũi nổi lên trên mặt nước.
Tôi biết cô ấy đang làm gì. Với đôi tai chìm bên dưới làn nước phẳng lặng, cô ấy đang chăm chú lắng nghe. Đấy là lý do tại sao hàng ngày chúng tôi đều đến bãi biển này, và cũng chính là nguyên do tại sao suốt mùa đông, chúng tôi hay đến đảo Maui , bởi chúng tôi muốn ngâm mình trong làn nước - với khả năng chữa lành diệu kỳ - và lắng nghe âm thanh của đại dương.
Tôi tham gia cùng cô ấy và cũng tập lắng tai nghe. Âm thanh đầu tiên tôi nghe thấy là hơi thở của chính mình, nhưng khi tôi nín thở, tôi có thể nghe được những âm thanh mơ hồ khác. Ban đầu là tiếng lách cách nhè nhẹ, nghe như tiếng hệ thống định vị từ một con tàu nào đó. Rồi đến tiếng chíp chíp. Nếu không chú tâm lắng nghe, chắc hẳn tôi đã không nghe thấy gì hết.
Khi hít thở lại, tôi chẳng còn nghe được bất cứ âm thanh gì nữa, nhưng khi tôi lại nín thở thì những âm thanh kia vẫn còn đó.
Dù đã đến Hawaii biết bao nhiêu lần rồi nhưng lần này tôi mới quyết định dành thời gian lắng nghe những âm thanh dưới đáy biển.
Tôi đứng lên. Có một đàn cá heo đang bơi ngang qua.
- Kìa, chúng kìa! - Tôi hét lên gọi Linda.
Đàn cá vừa bơi vừa nhảy cỡn lên khỏi mặt nước, giống như đám trẻ thơ đang nô đùa dưới ánh nắng mặt trời. Tôi sướng ngây người ra nhìn ngắm chúng và cảm thấy dường như chúng đang rất hạnh phúc.
Chiêm ngưỡng đàn cá heo ở một tầm nhìn gần như vậy khiến tôi cực kỳ phấn khích, nhưng tôi và Linda đến đây để lắng nghe một cái gì đó khác nữa. Tôi lại ngụp đầu xuống nước và nín thở. Một âm thanh trầm trầm, khe khẽ tựa như khúc nhạc du dương từ mặt trăng, hay tiếng gầm gừ trong lòng đại dương, hòa điệu cùng tiếng sóng rì rầm vỡ òa trên bãi tắm. Tiếp đến là những chuỗi âm thanh khác, những giai điệu cao và trong xen lẫn những tiếng trầm ấm như một bản nhạc giao hưởng từ không gian. Bầy cá voi lưng gù đang hát!
Tôi không biết chúng đang ở cách mình bao xa bởi vì âm thanh vốn được truyền rất tốt trong môi trường nước, nhưng điều đó nào có thành vấn đề. Tôi có thể nghe thấy “tiếng hát” của chúng rõ mồn một. Những sinh vật to lớn này cùng nhau vùng vẫy trong lòng đại dương như thể vừa được trở lại quê hương. Không ai biết chính xác những bài hát của chúng mang ý nghĩa gì. Một số người cho rằng tiếng kêu ấy là thứ ngôn ngữ mà loài cá voi dùng để liên lạc với nhau qua hàng ngàn cây số. Một số khác lại nghĩ đó là âm nhạc. Có người cho rằng đó vừa là tiếng gọi bầy, vừa là tiếng hát. Riêng tôi, đấy chính là những lời nhắc nhở về sự kỳ vĩ của Sự Sống. Quả thật đặc biệt, song kiến thức của tôi thì quá hạn chế để có thể thấu hiểu hết!
Chúng tôi vẫn thả mình trôi tự do trên mặt nước và lắng nghe âm thanh của biển cả cho tới khi đắm chìm vào giai điệu bí ấn và hùng tráng của bầy cá voi. Sau đó chúng tôi ra về, lòng vẫn rạo rực mong ngóng trở lại nơi đây vào ngày mai.
Lắng nghe trực giác của bạn cũng giống như lắng nghe âm thanh của cá voi. Trực giác luôn ở đó nếu bạn chịu dành thời gian để lắng nghe nó, hoặc nếu bạn không bị chi phối bởi nhiều tiếng ồn khác. Tôi không thể tác động được gì lên đại dương. Mặt biển bình lặng trong hầu hết những ngày chúng tôi đến lắng nghe tiếng cá voi, nhưng biển cả đâu phải lúc nào cũng như vậy. Có lần chúng tôi đến bãi biển Maui sau một cơn bão và sóng đánh cao quá đầu tôi. Với những con sóng hung hãn như thế, tôi thậm chí không thể xuống nước được. Mấy ngày sau, ngay cả khi sóng đã dịu đi rất nhiều, chúng vẫn ầm vang đến mức tôi không thể nghe thấy tiếng cá voi.
Tương tự như vậy mỗi khi bạn giận dữ, buồn rầu, ganh tị hoặc thù hận, cảm xúc tiêu cực này giống như những con sóng khổng lồ trong cơn bão khiến bạn không thể nghe được tiếng nói của trực giác. Cố gắng lắng nghe trực giác vào những lúc ấy cũng giống như cố nghe điện thoại khi mọi người trong phòng đang nhảy múa cuồng nhiệt theo tiếng nhạc chát chúa, hoặc đang hò hét hết cỡ cổ vũ cho trận bóng đá trên truyền hình. Người bạn ở đầu đây bên kia cứ mê mải nói, nhưng bạn vẫn không thể biết người ấy đang nói gì.
Ngay cả khi bạn không nghe được gì thì trực giác vẫn luôn cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích. Thi thoảng bạn có thể nắm bắt lời mách bảo của trực giác trong trạng thái bị kích động, như trường hợp của vị doanh nhân nọ, nhưng nếu chú tâm lắng nghe, bạn sẽ nghe thấy nó thường xuyên hơn.
Chúng ta rèn luyện khả năng lắng nghe trực giác bàng cách nào?
Trước tiên, đừng đi ngủ trong tâm trạng nóng giận. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực của bản thân, song kết quả đạt được sẽ xứng đáng với công sức bạn bỏ ra. Trực giác của bạn nhạy bén nhất khi tâm trạng bạn thoải mái, nhẹ nhàng. Còn giận dữ thường làm cho tinh thần trở nên rất nặng nề. Nếu vác theo gánh nặng đó vào giấc ngủ thì đến lúc bạn
thức giấc, nó vẫn còn nguyên ở đó. Khi bạn ngừng giận dữ, bạn sẽ thấy tâm trạng mình nhẹ bẫng. Điều này cũng đúng với mọi cảm xúc đau đớn khác như ân hận, mặc cảm tội lỗi, xấu hổ, ghen ghét, v.v. Vì vậy, bạn hãy vứt bỏ hết tất cả cảm xúc tiêu cực trước khi đi ngủ.
Thứ hai, hãy làm thanh sạch thực đơn hàng ngày của bạn. Những loại thức uống có cồn (như rượu bia), thức uống chứa ca-fê-in (như cà phê, trà, nước tăng lực...), đường, thuốc lá thường gây ra những “cơn bão hung hãn” hủy hoại cơ thể bạn. Càng ít sử dụng những thứ ấy thì “thời tiết” bên trong bạn càng đẹp. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế sử dụng thịt gia súc và gia cầm bởi vì trong thịt chứa đầy các hoóc-môn, kháng thể và chất hóa học (từ thức ăn, thuốc trong quá trình chăn nuôi). Không chất nào trong đó là có lợi cho cơ thể bạn. “Ản gì bổ nấy”, hãy ăn thức ăn thanh sạch, bạn sẽ cảm thấy cơ thể mình khỏe mạnh và tinh thần nhẹ nhàng hơn. Không riêng gì những người ăn chay mà tất cả mọi người đều đang bắt đầu có khả năng nhận thức đa giác quan, vậy tại sao bạn lại không tạo điều kiện thuận lợi để bản thân đạt được năng lực đặc biệt này nhỉ?
Thứ ba, hãy tin rằng trực giác của bạn luôn hoạt động. Điều này rất quan trọng. Bạn không thể ngăn trực giác hoạt động, nhưng bạn có thể ngăn bản thân mình nghe thấy nó. Khi bạn nêu ra câu hỏi, chắc chắn bạn sẽ luôn nhận được lời hồi đáp. Câu trả lời có thể không đến vào lúc bạn nghĩ là nó phải đến, hoặc nên đến theo cách bạn mong đợi. Nó có thể bất chợt đến trong giấc mơ của bạn; nó cũng có thể đến vào ngày hôm sau, vào tuần tới trong lúc nói chuyện vu vơ với một người bạn; hoặc có lẽ bạn phải đi về vùng quê thanh bình nào đó để “đổi gió” cho tinh thần thoải mái thì mới có thể nghe rõ trực giác của mình, nhưng một điều chắc chắn là câu trả lời lúc nào cũng đến.
Cuối cùng, hãy lắng nghe những gì trực giác mách bảo bạn. Nhiều người nghe thấy những câu trả lời họ không thích, do vậy họ giả vờ như không biết gì cả.
Vậy thì nếu trực giác đưa ra những câu trả lời không hợp ý bạn, những câu trả lời này bắt nguồn từ đâu?
Lực lượng chỉ giáo và huấn thị phi vật chất
Phi trường Stockholm nhỏ hơn tôi nghĩ. Chỉ sau vài phút, tôi đã hoàn tất thủ tục hải quan và lúc này tôi đang nhìn sâu vào đôi mắt biết cười của Ian, vị chủ nhà chịu trách nhiệm tiếp đón tôi trong chuyến công tác này.
- Chào mừng anh tới Thụy Điển! - Ông ấy hồ hởi nói.
- Chúng tôi đang chờ anh ở ngoài xe.
Khi tôi đã yên vị ở băng ghế sau chuấn bị cho một quãng đường dài, ông lại sôi nổi nói tiếp:
- Tất cả các ngành công nghiệp mũi nhọn đều tập trung về đây, nào là Saab, Volvo, SAS, công ty điện thoại, rồi các ngân hàng. Đây sẽ là hội nghị lớn nhất mà tôi có vinh hạnh tổ chức. Tôi rất vui vì anh đã đến tham dự. Chúng tôi đang mong đợi được nghe bài diễn thuyết của anh.
Tôi thì không háo hức với việc này. Tôi mệt mỏi đến mức khó có thể mở mắt nổi. Chuyến bay dài đã khiến tôi kiệt sức, nhưng không mệt như lúc tôi ở trên sa mạc vào tháng trước. Tôi cố gắng để không ngủ thiếp đi. Đồng hồ sinh học của tôi đang bị xáo trộn. Tôi chẳng biết mình sẽ phải nói gì, hoặc thậm chí còn không biết mình có thể nói nổi hay không nữa. Bốn tiếng đồng hồ sau, chúng tôi về đến miền trung Thụy Điển và đăng ký vào một khách sạn nhỏ lịch sự được bao bọc bởi rừng cây xung quanh.
Lan nói với vẻ bí mật:
- Tôi có một bất ngờ thú vị cho anh đây. Tôi muốn anh gặp gỡ người khơi nguồn cảm hứng giúp anh có sự chuấn bị tốt cho hội nghị này.
Chưa kịp nói gì, ông đã đưa tôi và những khách mời diễn thuyết bạn của tôi đến một căn phòng nhỏ. Ở đó, nơi cuối phòng có một người đàn ông Thụy Điển tầm trung niên đang ngồi trên ghế. Sau khi chào hỏi chúng tôi thông qua một người phiên dịch, ông này nhắm mắt lại, dường như sắp ngủ đến nơi, rồi bất thình lình lại mở mắt ra. Lúc này, diện mạo cũng như mọi thứ thuộc về ông đều thay đổi. Qua người phiên dịch, ông nói:
- Chào mừng các anh đến Thụy Điển. Tôi là Ambres.
Ambres? Không phải là tên của người đàn ông vừa mới nhắm mắt trước đó! - Tôi nghĩ vậy.
Tôi đã quá quen với những màn “nhập đồng” thường chiếu trên ti-vi nên sự việc lần này chẳng để lại chút ấn tượng nào với tôi. Tôi không tin vào “thực thể phi vật chất” và cũng chẳng muốn nghe chuyện đó mặc dù hai mươi năm trước tôi đã cùng với ngoại Libby dự đám tang của. bà!
Ngày hôm sau, trong bữa điểm tâm, Ian đi đến bên tôi mỉm cười và nói:
- Anh có thể nói chuyện với Ambres vào bất cứ lúc nào.
Tôi chấp nhận lời mời của Ian bởi vì, mặc dù rất dị ứng với những “thực thể phi vật chất”, tôi vẫn không muốn bỏ lỡ cơ hội tiếp cận trực tiếp với một người trong số “họ”. Khi tôi gặp lại Ambres, chỉ có tôi và người phiên dịch có mặt trong phòng.
- Anh đã học giải mã những giấc mơ của mình như thế nào? - Ambres hỏi tôi.
Tôi cảm thấy ngạc nhiên và choáng váng. Làm sao Ambres có thể biết những gì đã xảy ra với tôi ở sa mạc? Tuy nhiên, đó chính xác là việc tôi đã làm.
Ambres biết tất cả mọi chuyện - biết nỗi đau nào đã thúc đấy tôi tìm đến sa mạc và biết tôi đã trải qua những gì ở đấy. Ông biết rõ tôi đã thấy gì và nó ảnh hưởng đến tôi ra sao. Tôi xin ông một cái hẹn khác, và một lần hẹn khác nữa. Mỗi lần gặp, chúng tôi đều nói về những trải nghiệm của tôi hồi ở sa mạc - những điều mà tôi không sao lý giải được, ngay cả nó xảy ra với chính mình.
- Một đốm lửa đã được nhóm lên bên trong anh, - Ambres nói với tôi, - nhưng nó chỉ là một ngọn lửa nhỏ trong một không gian rộng lớn, cỡ như ở trong thánh đường. Anh cần phải nuôi dưỡng ngọn lửa đó, bằng không nó sẽ tắt ngúm.
- Làm thế nào để nuôi dưỡng nó? - Tôi hỏi.
- Anh hãy chia sẻ với mọi người. - Ông đáp.
- Nhưng Ambres à, đó là điều tôi không thể làm được! Nếu tôi chia sẻ trước mọi người thì có lẽ tôi sẽ đánh mất những gì tôi đã học hỏi được. - Tôi kêu lên.
- Đúng. - Ông nói khẽ. - Nhưng nếu anh không nuôi dưỡng ngọn lửa đó thì nó sẽ tắt ngúm. Anh phải chia sẻ với mọi người. Tình yêu mà anh mang đến cho họ cũng chính là tình yêu mà họ sẽ hồi đáp cho anh. Đó là cách anh nuôi dưỡng ngọn lửa ấy.
Rồi ông nhìn sâu vào mắt tôi và hỏi:
- Anh có thể làm được điều đó không?
- Được. Tôi sẽ cố. - Tôi đáp sau một lúc suy nghĩ.
- Hãy cầm lấy tay tôi. - Ông nói và chìa hai tay ra cho tôi. - Tôi sẽ làm chứng cho anh.
(Sau đó tôi được biết cuộc hội nghị này là nhắm vào chuyên đề ra quyết định).
Tôi vẫn không tin vào “thực thể phi vật chất”, nhưng người duy nhất hiểu những gì đã và đang xảy đến với tôi chính là dạng thực thể sống như thế. Tôi tiếp tục nghi vấn tất cả mọi thứ về Ambres và tìm kiếm xem có mánh lới thủ thuật gì ấn giấu đằng sau không.
Trong lần gặp tiếp theo, tôi cắc cớ hỏi ông:
- Tại sao ông không thể nói chuyện trực tiếp với tôi? Tại sao ông cần một người phiên dịch?
- Tôi có thể nói chuyện trực tiếp với anh chứ, nhưng liệu anh có thể nghe tôi nói không? - Ông vặn hỏi lại.
Tôi rất trân trọng thái độ hoài nghi của mình bởi vì nó giúp tôi không còn chút nghi ngờ rằng dù Ambres là ai chăng nữa, ông vẫn là một người thông thái và là một người bạn. Ambres là Người Bạn phi vật chất đầu tiên mà tôi gặp, nhưng ông không phải là người cuối cùng. Bạn có ngừng gặp gỡ bạn bè sau khi bạn quen biết một người bạn rất đặc biệt không? Dĩ nhiên là không. Tôi cũng vậy. Có bạn bè là niềm vui lớn nhất trong “Ngôi Trường Trái Đất” này. Khả năng nhận thức đa giác quan cho phép bạn có nhiều bạn bè hơn. Giống như bạn chuyển từ một thị trấn nhỏ tới sinh sống và học tập ở một thành phố đông đúc vậy. Ở thành phố luôn có nhiều người hơn, và dĩ nhiên bạn sẽ có thêm cơ hội gặp gỡ, kết bạn hơn.
Không phải tất cả mọi người đều gặp những Người Bạn phi vật chất theo cách mà tôi đã gặp Ambres. Ở Thụy Điển, một số người có khả năng “lắng nghe” tốt hơn tôi. Họ không cần phải giao tiếp thông qua người nhập đồng, lại càng ít cần đến phiên dịch viên nữa. Mỗi người sẽ trải nghiệm về những Người Bạn phi vật chất theo cách thức của riêng họ. Có người nghe thấy tiếng nói; có người cảm nhận được sự hiện diện; có người lại nhìn thấy hình ảnh.
Chúng ta thường nghĩ rằng việc nghe thấy tiếng nói, cảm nhận được sự hiện diện, hoặc nhìn thấy hình ảnh mà những người khác không thể nghe, không thể cảm hoặc không thể thấy chỉ xảy ra ở những người bất bình thường. Với nhận thức năm giác quan thì suy nghĩ ấy là điều tự nhiên. Nhưng ngày nay, càng lúc càng có nhiều người trở nên nhận thức đa giác quan, họ sẽ có những năng lực đặc biệt như vậy.
Tuy nhiên, vẫn có những người có thể nghe, cảm và nhìn thấy những thứ mà người khác không thể nghe, cảm hoặc nhìn, và thật tình là họ không được bình thường chút nào! Sự khác biệt là ở chỗ những người này không chịu trách nhiệm cho chính bản thân họ. Họ nghĩ họ phải nhất mực làm theo những gì tiếng nói vô hình mách bảo họ một cách thiếu suy xét. Đây quả là một sự khác biệt lớn!
Lực lượng Chỉ giáo và Huấn thị phi vật chất không nói cho bạn biết bạn phải làm gì. “Họ” chỉ giúp bạn nhìn ra và cân nhắc kỹ các lựa chọn của bạn. “Họ” giúp bạn hiểu những gì bạn đang cảm thấy, và tại sao bạn lại cảm thấy như vậy. “Họ” giúp bạn trở nên biết yêu thương hơn. “Họ” hướng dẫn bạn cách tận hưởng cuộc đời này một cách trọn vẹn nhất. Bạn vẫn làm chủ chính cuộc đời mình, vẫn quyết định điều gì là tốt nhất cho bạn và điều gì không. Bạn có thể bàn luận với bạn bè về một quyết định nào đó, nhưng chính bạn mới là người ra quyết định cuối cùng. Đó là cách làm việc của những Lực lượng Chỉ giáo và Huấn thị phi vật chất. “Họ” là những Người Bạn cùng chia sẻ với bạn, song bạn mới là người có thấm quyền quyết định phải làm gì.
Tất cả mọi người đều có những Lực lượng Chỉ giáo và Huấn thị phi vật chất riêng. Cuộc đời bạn càng ảnh hưởng đến nhiều người thì bạn càng có nhiều Lực lượng Chỉ giáo và Huấn thị phi vật chất. Chẳng hạn, một người sống ở một ngôi làng xa xôi hẻo lánh thì không đòi hỏi nhiều trợ giúp như người có tầm ảnh hưởng đến hàng triệu người, như Mẹ Teresa hay Mahatma Gandhi.
Có được những Người Bạn phi vật chất là một trong những yếu tố giúp bạn khỏe mạnh, không đau ốm. Khi bạn trở nên nhận thức đa giác quan, bạn sẽ gặp những Người Bạn phi vật chất theo cách riêng của mình. Hãy bắt đầu thử nghiệm thế này: Khi bạn sắp sửa nói hay làm điều gì đó mà bạn cảm thấy không chắc chắn, hãy tự hỏi bản thân: “Động cơ của tôi là gì?”. Bạn sẽ luôn có được câu trả lời. Có thể bạn không thích câu trả lời bạn nhận được, hoặc không nhận được nó vào lúc bạn mong chờ, nhưng câu trả lời luôn luôn đến. Sau đó chính bạn mới là người quyết định phải nói gì hoặc làm gì.
Đây là cách thức hoạt động của sự chỉ dẫn phi vật chất. Bạn đặt câu hỏi, sau đó lắng nghe lời hồi đáp và cuối cùng bạn đưa ra quyết định.
Khi đã kiểm tra động cơ thúc đấy bản thân mình hành động, bạn sẽ tự động thu hút sự chỉ dẫn phi vật chất. Đơn giản như thế đó! Hãy thử nghiệm đi và xem điều gì sẽ xảy ra!
Đây là một trải nghiệm rất tuyệt vời!
Thực tại phi vật chất
Chiếc xe buýt nhỏ dừng lại trước tòa nhà. Những cánh cửa bật mở và đám học sinh ùa ra cùng với giáo viên và trợ giảng của chúng. Giống như những bông hoa khoe sắc, bọn trẻ tô sáng cả vỉa hè, cười đùa và trò chuyện tíu tít.
- Nhanh lên nào, các em. Giáo sư đang đợi đó. - Giáo viên của bọn trẻ nhắc nhở.
Đoàn học trò kéo nhau lên cầu thang, đi qua cánh cửa và bước vào một căn phòng, ở đó một người đàn ông khả kính đang ngồi sau chiếc bàn.
- Chào các cháu. - Giáo sư nói rõ to.
Thế là cuộc trò chuyện chờ đợi bấy lâu với vị khoa học gia thực thụ bắt đầu.
- Thưa ông, công việc của ông là làm gì ạ? - Cậu bé mặc chiếc áo sơ mi xanh da trời hỏi.
- Ông nghiên cứu về bức xạ. - Giáo sư trả lời.
- Bức xạ là gì hở ông? - Cậu bé hỏi tiếp.
- Đó là ánh sáng. - Giáo sư nói.
- Giống như ánh sáng từ đèn pin phải không ạ? - Một cô bé mặc chiếc váy màu vàng thắc mắc.
- Đúng vậy, nhưng còn hơn thế nữa. - Giáo sư giảng giải thêm. - Loại ánh sáng mà các cháu trông thấy được chỉ là một phần của một thể liên tục(1) thôi.
(1) Thể liên tục là cái gì đó không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc. Nó chỉ bất kể cái gì trải qua một sự quá độ dần dần từ điều kiện này sang điều kiện khác mà không có bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào. Thể liên tục ở đây chỉ quang phổ ánh sáng – (ND).
Không đứa trẻ nào biết phải nói gì nữa.
- Các cháu có biết thể liên tục là gì không? - Giáo sư hỏi.
- Không ạ! - Cả đám học sinh đồng loạt lắc đầu.
Giáo sư chậm rãi gỡ cặp kính ra và giải thích:
- Nó là một cái gì đó không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc.
- Thế thì nó bắt đầu từ đâu vậy ông? - Một cô bé nhỏ nhắn tóc hoe vàng thắc mắc.
- Đó chính là điểm mấu chốt. Nó không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc. - Vị giáo sư nhắc lại.
Bọn trẻ không còn biết hỏi gì thêm.
Giáo sư cố gắng giải thích một lần nữa:
- Một thể liên tục là một quang phổ. Có cháu nào biết quang phổ là gì không?
- Nó là màu đỏ, màu cam, màu vàng và màu xanh da trời. - Cậu bé đeo mắt kính trả lời.
- Cả màu xanh lá cây và màu tím nữa. - Cậu bé ngồi bên cạnh bổ sung.
- Nó là cầu vồng. - Một cô bé reo lên.
- Chính xác, cầu vồng là một quang phổ. Nhưng cầu vồng chỉ là một phần của một quang phổ lớn hơn. - Giáo sư nói.
Một lần nữa, không em nào nói gì thêm.
Giáo sư cố gắng giảng giải:
- Màu tím là dải màu nằm ở vị trí cuối cùng của cầu vồng đúng không nào? Màu tím có rất nhiều năng lượng. Điều đó có nghĩa là nó có “tần số cao”. Các cháu hãy nhớ kỹ những từ ông nói nhé.
Giáo sư nói tiếp:
- Còn màu đỏ là dải màu trên cùng của cầu vồng đúng không? Màu đỏ không chứa nhiều năng lượng. Nó có “tần số thấp”.
Tất cả bọn trẻ vẫn chăm chú lắng nghe.
- Nhưng có loại ánh sáng mà tần số của nó thậm chí còn thấp hơn màu đỏ. Nó được gọi là tia hồng ngoại. - Giáo sư nói.
- À, cái đó dùng để giữ cho thịt gà nóng! - Một bé gái nhỏ nhắn ré lên.
Giáo sư biết cô bé này đang nghĩ đến cửa hàng bán thức ăn ở nơi cô bé ở.
- Chính xác, - ông nói, - nhưng cũng có loại ánh sáng có tần số thậm chí còn thấp hơn thế nữa. Luôn luôn có ánh sáng mang tần số thấp hơn. Nó cũng là một phần của toàn bộ quang phổ.
- Vậy là có cả những phần khác phải không ạ? - Một cậu bé nhanh nhảu hỏi.
- Luôn luôn có những phần khác. - Vị giáo sư khả kính trả lời.
Đoạn, ông giơ một bức tranh hình cầu vồng lên và tiếp tục giải thích:
- Đây là phần quang phổ ánh sáng mà các cháu có thể nhìn thấy, nhưng toàn bộ quang phổ ánh sáng thì lớn hơn nhiều. Nó lớn đến mức nào nhỉ? - Ông hỏi chung chung.
Không đứa trẻ nào lên tiếng.
- Nó lớn đến nỗi ta không thể tưởng tượng được! - Tự ông trả lời.
- Nó đi qua màu đỏ theo hướng này. - Ông chỉ ngón tay về phía bên phải rồi sau đó chỉ tay về phía ngược lại để giải thích thêm. - Bao giờ nó cũng đi qua màu tím hướng bên kia. Lúc nào cũng vậy cả! Hình dạng của toàn bộ quang phổ ánh sáng trông giống như thế nếu các cháu có thể nhìn thấy. Nhưng thực tế là các cháu không thể nhìn thấy chúng.
Đến lúc này, vị giáo sư đứng dậy và sải những bước linh hoạt quanh phòng. Ông không còn ngồi yên đằng sau chiếc bàn nữa.
- Khi các cháu bật ti-vi lên, hình ảnh từ đâu ra?
- Thưa, từ sóng truyền hình phải không ạ? - Một bé gái đeo mắt kính hỏi.
- Đúng thế! - Giáo sư hỏi tiếp. - Vậy, những sóng đó từ đâu ra?
- Ở trong phòng này? - Vẫn cô bé đó trả lời, thoáng chút lưỡng lự.
- Chính xác! - Giáo sư đáp lời với vẻ hài lòng.
Đó là cách chúng ta tiếp cận với những Lực lượng Chỉ giáo và Huấn thị phi vật chất. Họ cũng hiện diện ở ngay trong phòng này. Dù mắt bạn không thể nhìn thấy những tín hiệu truyền hình, nhưng không có nghĩa là chúng không tồn tại xung quanh bạn.
Thứ ánh sáng mà mắt thường nhìn thấy được chỉ là một phần của toàn bộ quang phổ ánh sáng, và quang phổ đó không có điểm khởi đầu cũng như không có điểm kết thúc. Vũ Trụ cũng giống như thế - không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc. Tất cả mọi thứ mà năm giác quan của bạn có thể dò tìm được đều có khởi đầu và có kết thúc, nhưng Vũ Trụ thì không.
Ngày nay, chúng ta có thể khám phá nhiều hơn một chút về những bí ấn của Vũ Trụ. Đây là nhận thức đa giác quan, tương tự như bạn có thể phát hiện ra tia cực tím và tia hồng ngoại. Tầm nhìn của con người bắt đầu vượt khỏi các giới hạn của năm giác quan và đi sâu vào thực tại phi vật chất. Vì thế chúng ta đang dần nhận biết được về những Lực lượng Chỉ giáo và Huấn thị phi vật chất.
Bạn không thể thấy những tín hiệu truyền hình nếu không có chiếc ti-vi, mặc dù chúng đang tồn tại trong phòng bạn. Những Lực lượng Chỉ giáo và Huấn thị phi vật chất luôn ở bên bạn. Trở nên (nhận thức) đa giác quan cũng tựa như bạn có được một cái ti-vi. Nó giúp bạn nhận biết những Người Thây vĩ đại, cũng như cho phép bạn nắm bắt nhiều điều khác nữa.
Linh hồn
Khi một đoàn tàu nhổ neo ra khơi, trong đó sẽ có một con tàu ấn định lộ trình cho tất cả những con tàu khác. Nó là trái tim của cả đoàn tàu cho dù đoàn tàu đó có bao nhiêu chiếc chăng nữa. Ấn định lộ trình cho đoàn tàu không có nghĩa là quyết định những gì sẽ xảy ra trên từng con tàu. Cách phản ứng trước nguy hiểm của mỗi con tàu sẽ khác nhau. Người ta tìm ra các vấn đề rắc rối và họ đưa ra quyết định giải quyết chúng rốt ráo hoặc không xử lý gì hết. Các thành viên trên mỗi tàu có thể ủng hộ nhau, có thể không. Trên một số con tàu, nhìn chung các thuyền viên khá hài lòng về chuyến hành trình của họ. Còn với những con tàu khác, cuộc hải hành luôn gặp nhiều trắc trở, khó khăn.
Hãy tưởng tượng con tàu mẹ là chiếc tàu vượt đại dương lớn nhất mà bạn có thể hình dung. Nó giống như một thành phố nổi trên biển. Trong khi các chiếc tàu còn lại trong đoàn tàu là những chiếc tàu nhỏ, mỗi chiếc chỉ vừa đủ chỗ cho một người. Chiếc tàu mẹ là linh hồn của bạn, và bạn là một trong những chiếc tàu con kia.
Bạn không có những thông tin mà tàu mẹ của bạn có. Tàu mẹ đang rong ruổi trên đại dương mênh mông, còn bạn chỉ tạm thời là một phần trong đoàn tàu ấy. Con tàu mẹ, linh hồn của bạn, đã dong buồm ra khơi trước khi bạn xuất hiện - trước khi bạn được sinh ra trên cõi đời này - và nó vẫn sẽ tiếp tục cuộc hải trình khi cuộc đời hiện tại của bạn chấm dứt. Tuy nhiên, tàu mẹ sẽ biết rõ những gì sắp xảy đến với bạn. Nó biết được mọi gian khó mà bạn phải đối mặt cũng như cách bạn nỗ lực đối phó. Nó biết khi nào sóng yên biển lặng và khi nào thì trùng dương dậy sóng. Theo cách nào đó, bạn là hình ảnh thu nhỏ của tàu mẹ, nhưng bạn có thể “kế thừa” tất cả những khả năng của tàu mẹ nếu bạn liên tục giữ liên lạc.
Khi bạn liên lạc với “tàu mẹ - linh hồn”, bạn sẽ có tầm nhìn rộng mở hơn nhiều, nó dẫn dắt bạn vượt qua những cơn cuồng phong bão tố cuộc đời. Trong lúc đang lênh đênh trên biển, nếu bất chợt những cơn bão tố ập đến chỗ bạn, hãy hiểu rằng tất cả mọi chuyện đều có nguyên do. Bạn không thể thấy được những nguyên do ấy, nhưng chiếc tàu mẹ có tầm nhìn bao quát nên thấy rất rõ. Bạn phải đưa ra từng quyết định, và trải nghiệm những hệ quả của mỗi quyết định. Linh hồn bạn sẽ không lấn lướt quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bạn. Tuy nhiên, tại sao phải cất công ngụp lặn, vẫy vùng chống chọi với con sóng dữ giữa biển khơi trong khi “chiếc tàu mẹ - linh hồn” lúc nào cũng bên cạnh trợ giúp? Nó sẽ không kéo bạn lên khỏi mặt nước, nhưng nó có thể giúp bạn thấy những điều mà cá nhân bạn không nhìn thấy.
“Tàu mẹ - linh hồn” chính là lý do mà bạn gắn bó với “biển khơi cuộc đời”. Bạn không bị bắt buộc phải trở thành người thủy thủ trải nghiệm những dâu bể, thử thách của cuộc đời. Chính bạn tự nguyện lựa chọn trải nghiệm ấy. Thông qua những quyết định của bạn, “tàu mẹ” sẽ bị thay đổi, hoặc có thể là không. “Tàu mẹ - linh hồn” có đích đến riêng. Nó luôn luôn căng buồm hướng về sự hòa hợp, hợp tác, chia sẻ và sùng kính Sự Sống. Một khi mục đích vươn tới của bạn giống với “tàu mẹ”, đó chính là lúc bạn phối hợp với “tàu mẹ” hiệu quả nhất. Nếu bạn dong buồm lái theo hướng ngược lại, bạn sẽ hoàn toàn lạc mất “tàu mẹ”, không còn nhận được sự trợ giúp nào của nó. “Tàu mẹ” được sinh ra cho các cuộc hải trình dài ngày nhưng bạn thì không. Mục đích của bạn là học cách cùng “tàu mẹ” dong buồm sao cho thành công nhất.
Mỗi người chúng ta là “chiếc thuyền nhỏ” cùng “tàu mẹ” ra khơi, lướt sóng trên một “đại dương” không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Những “chiếc thuyền nhỏ” chỉ tồn tại tạm thời, nhưng “tàu mẹ” thì không. Khi hành trình cuộc đời của bạn kết thúc, bạn sẽ thôi là “chiếc thuyền nhỏ” và trở thành “tàu mẹ”. Bạn là “tàu mẹ” trước khi bạn trở thành “chiếc thuyền nhỏ”; đó là một vòng tuần hoàn. Là “chiếc thuyền nhỏ”, công việc của bạn là học cách đi cùng hướng với “tàu mẹ” - hướng đến sự hòa hợp, hợp tác, chia sẻ và sùng kính Sự Sống. Có lẽ bạn không phải là “chiếc thuyền nhỏ” đầu tiên được tàu mẹ hạ thủy để rèn luyện bản lĩnh trước sóng gió cuộc đời, và có thể bạn cũng không phải là “con tàu” cuối cùng. Nói tóm lại, bạn là một phần của một chuyến hải hành vĩ đại, mặc dù bản thân bạn chỉ nhìn thấy được một phần nhỏ của cuộc hải hành ấy. Khi bạn lại trở thành “tàu mẹ”, bạn sẽ hiểu nhiều điều hơn về cuộc hải hành này.
Còn trong hiện tại, “tàu mẹ” luôn cố gắng tìm cách liên lạc với bạn. Nó không liên lạc bằng vệ tinh hay bằng máy tính mà nó sử dụng trực giác. Trực giác cũng là hệ thống mà bạn sử dụng để liên lạc với những Người Bạn và Người Thầy phi vật chất. Trực giác của bạn giống như chiếc radio có thể thu tín hiệu từ nhiều trạm phát khác nhau. Có trạm là những Người Thầy phi vật chất; có trạm là “những tàu mẹ - linh hồn” khác; lại có trạm là linh hồn của chính bạn.
Khả năng liên lạc với linh hồn của bạn sẽ cho bạn cái nhìn thoáng qua về hình mẫu một con người mãn nguyện, thông thái, đầy lòng trắc ấn và minh mẫn mà bạn có thể trở thành. Bạn sẽ trở thành con người kiệt xuất như vậy nếu bạn luôn sử dụng sự thông tuệ sẵn có và lòng trắc ấn trong trái tim bạn. Đó chính là bạn, bản ngã bậc cao (higher self), một con người với cuộc đời đầy ắp tình yêu thương và niềm vui, không còn bị kìm kẹp trong bản tính tức giận, sợ hãi, ghen tị, nghi ngờ, buồn phiền, thù hận, xấu hổ, hoặc cuồng nộ.
Khi lần đầu tiên học chơi bóng rổ, tất nhiên bạn không chơi giỏi như sau này. Càng luyện tập thì bạn càng tiến bộ hơn, có nhiều cú ném bóng vào rổ hơn. Đến khi đã rất giỏi thì bạn sẽ có thể ghi điểm trong hầu hết mọi cú ném. Hoặc có lẽ bạn không cừ đến mức ném cú nào ghi điểm cú ấy, nhưng bạn có thể tưởng tượng ra viễn cảnh tốt đẹp như vậy.
Trí tưởng tượng sẽ mở con đường, định hướng bạn trở thành một cầu thủ xuất sắc ghi điểm trong mọi cú ném bóng.
Bản ngã bậc cao của bạn giống như thế. Nó kéo bạn về phía nó. Nó là tất cả những gì bạn có thể trở thành, là nơi mà cuộc đời bạn muốn bạn hướng tới. Khi bạn liên lạc với linh hồn mình, bản ngã bậc cao - tiềm năng trọn vẹn - của bạn đang vẫy gọi bạn. Bạn cảm nhận được những triển vọng bạn có thể trở thành, và chính tầm nhìn tương lai này sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu cao đẹp.
Một số người thật sự trở thành bản ngã bậc cao của họ. Họ sống bằng cả tiềm năng trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Họ hài lòng với cuộc sống. Họ tôn kính Sự Sống. Họ suy nghĩ, nói và hành động một cách có ý thức. Họ quan tâm đến Sự Sống. Họ liên tục liên lạc với “linh hồn - tàu mẹ”. Bạn không thể xác định được đâu là họ (“bản ngã - tàu con”) và “tàu mẹ - linh hồn” của họ.
Đôi khi đây còn được gọi là sự khai sáng, sự tỉnh thức hoặc là sự củng cố nguồn sức mạnh đích thực. Nghĩa là mong muốn những gì mà “tàu mẹ” muốn, làm những gì “tàu mẹ” làm, nói những gì “tàu mẹ” nói, và dong buồm đến những nơi “tàu mẹ” đi đến. Đây là ý nghĩa tồn tại của chúng ta trong cuộc đời này: trở thành bản ngã bậc cao, và luôn luôn liên lạc với “tàu mẹ”.
Để làm điều đó, ta cần phải được rèn luyện trong một ngôi trường đặc biệt - Ngôi Trường Trái Đất.
Ngôi trường trái đất
Đấng Tạo Hóa triệu tập muôn loài mà Ngài đã sáng tạo và thông báo:
- Ta muốn giấu loài người một kho báu cho tới khi nào loài người thực sự sẵn sàng đón nhận nó. Đó chính là kiến thức giúp cho loài người tạo ra thực tại của riêng họ.
- Xin hãy đưa nó cho thần ạ! - Cá hồi đề nghị. - Thần sẽ mang giấu nó dưới tận đáy đại dương.
- Không được. Một ngày nào đó, con người sẽ xuống được đáy đại dương và tìm thấy nó mất thôi. - Đấng Tạo Hóa gạt đi.
- Vậy hãy đưa nó cho thần. - Gấu xung phong. - Thần sẽ giấu nó sâu trong núi.
- Cũng không được. Rồi con người sẽ đào sâu vào lòng núi và tìm thấy nó. - Ngài không đồng ý.
- Thế thì hãy đưa nó cho thần. - Đại bàng nói - Thần sẽ đưa nó lên mặt trăng và con người sẽ không bao giờ tìm ra được.
- Không đâu. Sẽ có ngày con người đi lên mặt trăng và họ cũng sẽ tìm được nó trên đấy. - Ngài bảo.
Sau đó cụ Chuột Chũi đứng lên. Muôn loài bỗng nín bặt. Muôn loài đều biết rằng mặc dù không nhìn thấy được nhưng cụ Chuột Chũi sống ở trong lồng ngực của Mẹ Đất và nhìn mọi vật bằng “ánh mắt tâm linh”.
- Hãy cất nó vào bên trong con người. - Cụ nói.
- Đồng ý! - Đấng Tạo Hóa tán thành.
Giờ đây, loài người chúng ta đã phát hiện ra bí mật chôn sâu trong nội tâm mình bằng cách sử dụng nhận thức đa giác quan. Làm sao bạn có thể tìm thấy “kho báu” này với chỉ năm giác quan? Điều đó là không thể. Năm giác quan vốn giúp bạn khám phá, tìm hiểu những sự vật, hiện tượng bên ngoài. Chẳng hạn như khi cơ thể bạn bị bệnh do ăn phải loại thức ăn nào đó, hoặc do cái dằm đâm vào ngón tay - những yếu tố thuộc ngoại cảnh - thì cách giải quyết ở đây là đổi sang loại thức ăn khác thích hợp hơn và rút cái dằm ra.
Đây là cách thức chúng ta đã học được để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Năm giác quan cung cấp thông tin về những việc diễn ra bên ngoài. Bạn nghĩ về thông tin ấy và có thể sau đó bạn sẽ hành động khác đi. Nếu không hành động khác đi, bạn vẫn tiếp tục tạo ra kết quả giống như trước - chẳng hạn như làm đau ngón tay bạn. Khi bạn nhận ra mối liên hệ giữa cái dằm, ngón tay bạn và cơn đau, bạn sẽ thay đổi cách làm việc của mình.
Vì giờ đây chúng ta đang trở nên (nhận thức) đa giác quan cho nên chúng ta có thông tin về những điều diễn ra trong nội tâm, cũng như những gì xảy ra bên ngoài bản thân. Sự hiểu biết thấu suốt và linh cảm là một phần không thể thiếu trong bức tranh tổng thể về con người. Nếu chỉ chú trọng vào những vấn đề ngoại tại, bạn sẽ không thấy được toàn bộ bức tranh.
Bạn đã bao giờ xem một bộ phim hay đến nỗi bạn quên mất mình đang ở trong rạp chiếu bóng? Bạn bật khóc, la hét hoặc phá lên cười. Bạn không thể nén được cảm giác hồi hộp, hoặc nỗi đau buồn. Như vậy là bạn đã “đánh mất” mình, hoàn toàn bị cuốn đi theo tình tiết của bộ phim.
Còn giả như bạn là một sinh viên khoa điện ảnh thì trong khi xem phim, chắc hẳn bạn vẫn đủ tỉnh táo để tìm hiểu những chi tiết kiểu như: Câu chuyện được mở thắt như thế nào, phân cảnh nào nối tiếp phân cảnh nào, những góc quay nào được sử dụng,...
Ngôi Trường Trái Đất là một bộ phim 3-D (3 chiều) nhiều màu sắc, màn ảnh rộng, mang tính tương tác cao. Bạn rất dễ dàng bị cuốn theo bởi vì nó gần gũi, sôi động và luôn luôn thay đổi. Còn nếu bạn nghiên cứu “bộ phim” này theo cách nhìn của sinh viên điện ảnh, bạn sẽ thấy rằng không tình tiết nào trong phim là ngẫu nhiên cả. Đó là cuộc đời bạn. Càng sử dụng trực giác, bạn càng thấy rõ cách “bộ phim” được dàn dựng và thông điệp mà nó muốn gửi đến bạn.
Có một anh thanh niên mỗi sáng chạy bộ ngang qua một ngôi nhà nhỏ. Sáng nào cũng có một con chó mực nhỏ xíu rượt đuổi theo anh, sủa ầm ĩ. Nó không cắn anh, nhưng nó gây ồn ào kinh khủng.
Một sáng nọ, khi thấy con chó ấy chồm tới anh sủa vang, anh nghĩ: Mày tiêu hao quá trời năng lượng như vậy chẳng qua là cố ra vẻ mày to lớn hơn bộ dạng nhỏ thó của mày thôi. Tại sao không thoải mái thư giãn và tận hưởng niềm vui đi?
Chạy thêm vài bước nữa, chợt một ý nghĩ khác lóe lên trong đầu anh: Thế chính mình đây có tiêu tốn nhiều năng lượng để cố chứng minh mình là cái gì đó vốn không phải là mình không?
Ý nghĩ đó đã thay đổi cuộc đời anh. Đến giờ anh vẫn biết ơn con chó nhỏ ấy. Bây giờ anh lại ngóng chờ nó đuổi theo mình và sủa vang trời.
Những loại ý nghĩ như thế này là nhận thức đa giác quan. Khi anh thanh niên bực mình mỗi sáng vì con chó hay sủa, chính là lúc anh bị cuốn đi theo “bộ phim”. Nhưng khi anh nhận ra điều gì đó về bản thân - vốn đã thay đổi cuộc đời anh, anh bắt đầu xem “phim” theo một cách khác. Anh trở thành người học trò trong Ngôi Trường Trái Đất vĩ đại.
Nhận thức đa giác quan cho phép bạn nghiên cứu “cuốn phim cuộc đời” bạn trong khi vẫn đang đóng vai chính trong đó. Nó cũng mở ra cho bạn thấy thêm nhiều điều khác nữa: Bạn là đạo diễn cho “cuốn phim” của bạn; bạn quyết định sẽ nói gì tiếp theo; bạn quyết định sẽ phản ứng như thế nào trong từng phân cảnh; bạn làm cho “bộ phim” trở nên căng thẳng, nặng nề, nhàm chán hoặc là hài hước, tràn đầy hứng khởi; bạn có thể đóng vai một “chàng khờ vô dụng” hay một “anh hùng thông minh”;. Nhận ra được điều đó, cuộc sống của bạn sẽ trở nên vô cùng thú vị cho dù có biến cố nào xảy ra chăng nữa.
Trong Thế chiến thứ II, quân phát-xít đã tống một người đàn ông tên là Viktor Frankl(2) vào trại tập trung. Chúng dành cho ông những gì tồi tệ nhất mà trí tưởng tượng con người có thể nghĩ ra. Chúng giết hết những người thân mà ông yêu thương. Chúng tra tấn ông và lấy đi tất cả những gì ông có. Ông phải làm việc ngoài trời giá rét và ngủ trên tấm ván ở trong khu trại lạnh buốt. Có rất nhiều người nằm chung trên một tấm ván đến nỗi không ai có thể cựa quậy được! Họ chỉ được ăn vừa đủ để chết đói từ từ.
(2) Viktor Emil Frankl (1905 - 1997) là chuyên gia về thần kinh học, tâm thần học người Áo, đồng thời là cha đẻ của Liệu pháp Ý nghĩa - Logotherapy. Tác phẩm bán chạy nhất của ông - Man’s Search for Meaning - đã được First News xuất bản bằng tiếng Việt với tựa Đi tìm lẽ sống.
Bạn muốn vai trò của bạn trong “cuốn phim” đó như thế nào? Nếu là đạo diễn, bạn sẽ cho Viktor Frankl kết thúc cảnh đó ra sao?
Còn đây là cách ông “diễn” phần vai của mình. Một sáng nọ, tổ làm việc của ông đang loạng choạng đi trên con đường lởm chởm đá giữa trời còn nhá nhem tối. Trong khi bọn lính quát tháo và lấy báng súng đánh đập họ cộng với những cơn gió lạnh rét tê người, ông chợt nhận ra được một điều đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. “Mục tiêu tối thượng” của ông chính là tình yêu thương.
Viktor Frankl đã không tự biến mình thành “nạn nhân” của nghịch cảnh. Ông không ghét bọn cai ngục hành hạ và coi khinh mình. Ông không thắc mắc: “Tại sao những điều ấy lại xảy đến với tôi?” hoặc “Thế này là không công bằng!”. Khi bạn nói những điều như thế, bạn không có sức mạnh.
Viktor Frankl đã bước vào sự vĩ đại, thanh cao trong tâm hồn ông. Thay vì hóa thân thành nhân vật có tính cách căm ghét, nguyền rủa, nuôi lòng thù hận hay thất bại trong bẽ bàng, ông đã biến mình thành một anh hùng cố gắng yêu thương trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đây là một trong những “cuốn phim” hay nhất mà tôi từng được biết. Tôi hy vọng tôi có thể làm “cuốn phim” của mình cũng hay như thế. Còn bạn nghĩ xem bạn có thể làm “cuốn phim cuộc đời” bạn hay như vậy không?
“Cuốn phim” của bạn bắt đầu khi bạn sinh ra và sẽ kết thúc khi bạn qua đời. Trong quãng thời gian đó, bạn vừa thủ vai chính lại vừa chỉ đạo diễn xuất. “Cuốn phim” của bạn không tồn tại tách rời với “cuốn phim” của tất cả những người mà bạn quen biết và những người mà bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ. Mỗi người trong số họ cũng đang đóng vai chính và đạo diễn cho “cuốn phim” của chính họ. Bạn sắp đặt bối cảnh cho họ và họ cũng dàn dựng bối cảnh cho bạn. Đó chính là cách thức hoạt động của Ngôi Trường Trái Đất.
Khi bạn xem mình là đạo diễn “cuốn phim” đời mình, bạn sẽ thấy bạn lựa chọn tất cả mọi thứ trong “cuốn phim” đó. Nhưng còn những điều đau khổ, khủng khiếp mà không ai muốn chọn, như bị hành hạ trong trại tập trung chết chóc kia, thì sao? Và những người mới sinh ra đã bị tật nguyền, hoặc bị ngược đãi từ lúc nhỏ thì sao?
Họ bước vào “cuốn phim cuộc đời” bạn và mọi người như thế nào?
Sự tái sinh
- Những đám mây là quà tặng của Cha Bầu Trời dành cho Mẹ Trái Đất. - Ông lão khề khà.
Đoạn, ông giơ hai cánh tay lên khỏi mái đầu bạc trắng của mình hướng về phía bầu trời và tiếp tục nói:
- Khi những đám mây đã no căng, chúng sẽ mở ra và mưa rơi xuống. Khi mẹ của anh mang thai đủ chín tháng mười ngày, bà cũng mở lòng ra và anh rơi xuống Trái Đất. Đây là câu chuyện về một giọt mưa, và câu chuyện về anh cũng như thế. - Ông nhìn thẳng vào tôi. - Giọt mưa này đáp xuống đồng cỏ. Sau đó nó hòa vào những giọt mưa khác và chúng trở thành một dòng chảy. Dòng chảy kia trở thành một dòng suối và con suối đó sẽ trở thành một dòng sông. Rồi dòng sông sẽ chảy ra đại dương. Mặt trời mỉm cười với đại dương và một lượng nước biến thành hơi nước. Nó bay lên về phía Cha Bầu Trời, ở đó nó ngưng tụ thành một đám mây. Khi mây no đầy, nó mở ra và một giọt mưa khác lại rơi xuống Mẹ Trái Đất. Nó không còn là giọt mưa lần trước nữa, nhưng nó cùng có nguồn cội từ đại dương. Sau đó nó cũng bắt đầu cuộc hành trình quay trở về với đại dương.
- Ta đã nghe câu chuyện này từ hồi ta còn nhỏ xíu. - Ông cụ mỉm cười và đưa cho tôi một cái tách trong đó có một ít nước.
- Nước thật là linh thiêng. - Ông nói trong khi tôi đang uống nước.
Giống như mây, hạt mưa, dòng sông và đại dương, tất cả chúng ta đều được tạo ra từ cùng một “thứ” thiêng liêng, đó là Sự Sống. Có người gọi nó là Ý thức, là tình Yêu thương, hoặc là Tâm hồn/Linh hồn. Những Lực lượng Chỉ giáo và Huấn thị phi vật chất cũng được tạo ra từ “thứ” thiêng liêng như vậy. Bạn và linh hồn của bạn cũng được tạo ra từ “thứ” ấy. Câu chuyện về bạn và linh hồn bạn giống như câu chuyện về đại dương và những giọt mưa.
Trước khi ti-vi được phát minh, người ta cùng nhau nghe đài. Trên đài hay phát những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm dài đến nỗi phải mất nhiều tháng mới kể hết. Câu chuyện được kể thành từng phân đoạn ngắn. Chẳng hạn, nhân vật chính bị rơi xuống vách đá. Trong khi đang rơi xuống, anh níu được một cái rễ cây mọc chìa ra từ khe đá. Lấy hết sức bình sinh, anh hích người lên một gờ đá hẹp. Sau đó anh nhìn lên và thấy một con gấu xám khổng lồ đang đi về phía mình! Đó là nơi phân đoạn kết thúc, và là nơi bắt đầu cho phân đoạn sau.
Trong từng phân đoạn đều có những tình tiết mới xảy ra, nhưng chỉ có một vài trong số chúng được giải quyết. Câu chuyện hầu như lúc nào cũng đi theo mô tuýp là nhân vật chính suýt chết, nhưng cuối cùng anh ta vẫn bình yên vô sự. Còn con gấu thì sao? “Hồi sau sẽ rõ...” là cụm từ quen thuộc ở mỗi đoạn kết.
Cuộc đời của bạn cũng giống như thế. Nó là phân đoạn mới nhất trong một câu chuyện lớn hơn. Kiếp đời này của bạn không phải là sự khởi đầu của một câu chuyện mới. Nó là câu chuyện được tiếp diễn theo sau câu chuyện vốn đã bắt đầu từ trước khi bạn bước vào cuộc sống hiện tại này. Câu chuyện cuộc đời bạn nối tiếp tại nơi mà đoạn trước còn đang bị bỏ lửng. Đoạn trước đã kết thúc bằng một cái chết. Đây là cách thức các phân đoạn bắt đầu và kết thúc trong Ngôi Trường Trái Đất.
Trong Ngôi Trường Trái Đất, nhân vật chính nói chuyện, hành động và ăn mặc khác nhau theo từng phân đoạn. Có phân đoạn nhân vật ấy đóng vai một bà mẹ người Mexico lam lũ với tám đứa con nheo nhóc. Trong phân đoạn khác, nhân vật lại hóa thân thành một anh nông dân Trung Hoa. Trong một phân đoạn khác nữa, nhân vật chính sắm vai một nữ tu người Đức. Dù là vai gì cũng không quan trọng vì mỗi phân đoạn vẫn là một phần của một câu chuyện lớn hơn - câu chuyện về hành trình tiến hóa của linh hồn.
Trong Ngôi Trường Trái Đất, diễn viên nào phản bội ai đó trong phân đoạn này sẽ bị phản bội lại trong phân đoạn khác. Bạn luôn luôn trải nghiệm những gì bạn đã tạo ra. Nếu bạn không trải nghiệm nó trước khi phân đoạn hiện thời kết thúc thì bạn sẽ phải nếm trải nó trong một phân đoạn khác, tức là trong một cuộc đời khác. Triết lý phương Đông gọi đây là sự tái sinh (reincarnation), tuân theo Luật Nhân - Quả(3)
(3) Luật Nhân - Quả (Karma) còn được gọi là Luật Hành động, từ karma có nghĩa là hành động.
Đó chính là cách mà những đau khổ, bất hạnh tột cùng - điều bạn không bao giờ muốn chọn lựa - thâm nhập vào “cuốn phim cuộc đời” bạn. Chúng được chuyển tới từ phân đoạn bạn đã dàn dựng trước kia, vốn là một phần trong câu chuyện về linh hồn bạn. Song, năm giác quan của bạn không thể “thấy” câu chuyện ấy. Chúng chỉ có thể dõi theo phân đoạn hiện bạn đang tham gia mà thôi.
Nếu bạn có thể nắm bắt tất cả những cuốn phim đời mà mình từng tham gia, bạn sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác về cuộc đời bạn đang sống.
Tuy nhiên, khả năng diệu kỳ đó chỉ đạt được khi chúng ta trở nên nhận thức đa giác quan.
Dạng thức suy lý bậc cao thứ I
- Em chưa học xong môn bắt buộc chuấn bị cho năm thứ hai. - Vị trưởng khoa tỏ thái độ cau có bên bàn làm việc của mình.
Nỗi sợ hãi bóp chặt bụng Jenifer.
- Sao lại thế ạ? - Cô hỏi. - Em đã hoàn thành tất cả các môn mà em được hướng dẫn phải học rồi mà.
- Có lẽ vậy. - Vị trưởng khoa nói tiếp. - Nhưng em chưa học môn cần phải học cho năm học tới.
- Em có thể học nó song song với những môn học năm thứ hai của em được không ạ? - Cô hỏi, lúc này càng thêm lo lắng.
- Được chứ! - Ông đáp. - Tuy nhiên môn này phải đến hè sang năm mới được dạy trở lại. Thầy rất tiếc, nhưng em sẽ phải nghỉ học cho tới khi nào hoàn tất nó. Em có thể trở lại học tiếp sau khi em đã lấy được tín chỉ môn học ấy.
- Thế thì sẽ phải chờ hơn một năm cơ! - Cô thảng thốt.
- Tôi hiểu, nhưng nguyên tắc là nguyên tắc! - Vị trưởng khoa kết luận.
Jenifer ráng kìm lại để không bật khóc khi cô rời khỏi văn phòng thầy trưởng khoa. Toàn bộ công sức, tiền bạc và nỗ lực tập trung của cô đều đổ vào việc học để trở thành y tá. Chồng cũ của cô không tin cô có thể làm được chuyện đó mà không có sự giúp đỡ của anh ta, nhưng cô đã được nhận vào trường đào tạo y tá. Cô nghi ngại không biết mình có hoàn tất được chương trình học không trong khi bận bịu với cô con gái bé bỏng ở nhà, vậy mà cô cũng đã học xong năm thứ nhất. Cô đã tự mình bắt đầu cuộc đời mới, nhưng bây giờ cô có thể làm được gì?
Cô bèn đi đến văn phòng tư vấn đào tạo.
- Tại sao anh đã không cho tôi biết về môn học đó? - Cô hỏi.
- Do tôi sơ suất, xin lỗi cô. - Anh ta đáp và cảm thấy áy náy trong lòng.
Jenifer đành phải tạm nghỉ học một thời gian.
Một tháng sau, người cha già của cô bị một chiếc xe phóng nhanh đụng phải và bị gẫy vài chiếc xương sườn. Vụ việc này thay đổi cuộc đời Jenifer mãi mãi. Khi cô đến bệnh viện thăm cha, có lúc ông nhận ra cô nhưng có những lúc ông lại không biết cô là ai. Đôi lúc ông nhìn thấy có nhiều người đứng bên giường bệnh của ông, mà thực sự là chẳng có ai ở đó. Những lúc khác ông không hề để ý thấy ai trong khi có người đang ở đấy.
Khi bệnh viện không tiếp nhận ông nữa, Jenifer đưa ông vào một nhà điều dưỡng. Nhưng rồi cha con cô xài hết tiền bảo hiểm cho nên Jenifer đành phải bán căn nhà của cha, cũng chính là nơi nương nhờ của cô và cô con gái.
Hãy thử hình dung xem nếu rơi vào tình cảnh này, bạn có thể xoay xở hết những việc này cùng một lúc không? Chăm sóc người cha bị tai nạn, tìm kiếm một viện dưỡng lão, rao bán nhà, nhận làm việc ở cả hai nơi và chăm sóc con gái? Mà việc nào cũng nặng nhọc cả. Jenifer đã làm được tất cả và thậm chí còn xoay xở mua được một căn nhà nhỏ để ở.
Cho đến cuối năm đó, Jenifer đã học được cách tự lo cho mình và con gái, được sống với con trong căn nhà mới của chính mình. Cô quay trở lại trường học, đăng ký học khóa học mà cô còn nợ và tiếp tục theo đuổi chương trình đào tạo y tá. Đến lúc cha cô qua đời thì cô đã tốt nghiệp và trở thành y tá.
Điều tưởng chừng là bất công đối với Jenifer vào lúc đó - bị buộc phải tạm nghỉ học - bây giờ hóa ra lại là một phúc lành. Sai lầm của nhân viên tư vấn đào tạo đã cho cô thời gian cô cần để chăm sóc cha và chuyển hướng cuộc đời mình. Nếu khi nói chuyện với vị trưởng khoa mà cô biết được điều này thì chắc hẳn cô đã không quá lo buồn như thế.
Có bao giờ bạn cảm thấy điều gì đó kinh khủng xảy đến với bạn nhưng sau khi nhìn lại, bạn nhận ra đó lại là một điều tốt lành? Điều này thường xảy ra với tất cả mọi người. Khi bạn hiểu mọi chuyện xảy đến với bạn đều là vì lợi ích của bạn - luôn luôn thế! - thì bạn sẽ nhìn cuộc đời mình theo cách mà “tàu mẹ - linh hồn” bạn nhìn nó.
Ngay cả khi tình huống có đau đớn đến đâu, như sự ra đi của một người bạn hay bạn bị ngược đãi, bạn vẫn có thể nhận ra - thậm chí trong khi nó đang diễn ra - rằng đó chính là điềm tốt dành cho bạn. Luyện tập suy nghĩ theo cách này, bạn sẽ cứu mình thoát khỏi cơn bão cảm xúc tiêu cực (như giận dữ, sợ hãi,...).
Đây là một dạng thức suy lý mới. Phần lớn mọi người đều mang lối tư duy cũ: nếu điều gì gây đau đớn cho họ hoặc khiến họ không làm được những gì họ muốn thì điều đó là không tốt. Rồi họ lo lắng, giận dữ, hoảng sợ, ghen tị và buồn bã. Cách lập luận, lý giải cũ này luôn luôn sinh ra những cảm xúc tiêu cực. Nó khiến bạn cảm thấy mình là “nạn nhân” của ai đó hoặc của cả Vũ Trụ. Dạng thức lập luận mới giúp bạn cảm thấy biết ơn, trân trọng Sự Sống, như cách mà Jenifer cảm thấy khi nhìn lại cuộc đời mình.
Còn bạn muốn cảm nhận theo cách nào hơn?
Khi chúng ta mang nhận thức đa giác quan, phương thức suy lý bậc cao hơn sẽ trở nên tự nhiên. Năm giác quan cho Jenifer biết cha cô bị thương, nhưng chúng không thể hé lộ thêm rằng cô sẽ có một viễn cảnh toàn hảo như thế nào. Nhận thức đa giác quan cho phép bạn thấy mọi sự kiện xảy ra trong từng khoảnh khắc đều toàn hảo, dù về bề ngoài nó có ra sao đi chăng nữa.
Dù không thể nhìn thấy rõ mồn một kết cục tốt đẹp, song bạn vẫn biết nó có tồn tại.
Đây là cách vận dụng lối suy lý bậc cao.
Dạng thức suy lý bậc cao thứ II
- Điều quan trọng nhất nên làm là hãy luôn luôn cầu phúc cho tất cả mọi người.
Quanh cổ người đàn ông ấy đeo một vòng hoa tươi. Đôi xăng-đan dưới chân ông rất bình thường và đã mòn đế.
- Hãy nghĩ về những điều bạn có thể chúc phúc mỗi khi bạn gặp người nào đó. Họ có thể là một bà mẹ, hay một y tá với nụ cười thân thiện, phong thái dịu dàng, có trí tuệ thông minh, hoặc là một người nào đó có khả năng làm cho người khác cảm thấy đắc ý về bản thân.
Mái tóc của ông đã điểm hoa râm, nhưng khí lực của ông thu phục tất cả mọi người trong phòng.
- Ở mỗi người luôn luôn có một điều gì đó tích cực cho bạn nhận ra mà cầu phúc. - Ông tiếp tục. - Khi bạn tìm kiếm, bạn sẽ phát hiện thấy nó.
Ông cười thật phóng khoáng với khán thính giả, rồi nói tiếp:
- Trong trường hợp bạn không thể tìm được cái hay, cái đẹp ở họ mà cầu phúc, tôi sẽ mách nước cho bạn một lời cầu phúc “khấn” để phòng hờ.
Tôi chưa bao giờ được nghe một thầy mo Hawaii(4) nào thuyết giảng nên không thể hình dung ông sẽ nói gì tiếp theo.
(4) Thầy mo của người Hawaii cổ gọi là shaman hoặc kahuna, nhằm chỉ những thầy pháp, thầy tu, giáo sĩ, hoặc những bậc thầy của bất kỳ ngành nghề nào. Trong cuốn “Tales from the Night Rainbow” liệt kê tới bốn mươi loại kahuna khác nhau, trong đó chỉ riêng kahuna chữa bệnh đã có hai mươi loại – (ND).
- Hãy tự nhủ với chính mình rằng hơi thở của người ấy đang nuôi dưỡng cây cỏ. - Ông nghiêm trang nói.
Cả phòng vỡ òa tiếng cười.
Ở bên ngoài, một cơn gió nhẹ lay động những chiếc lá cọ, tiếng rì rào của đại dương dưới kia vọng đến tai tôi. Hawaii đẹp quyến rũ và có khả năng chữa lành tâm hồn con người.
Đến bây giờ tôi vẫn còn đang suy ngẫm về câu nói đó của vị thầy mo. Thế giới này sẽ ra sao nếu mọi người đều luôn luôn cầu phúc cho nhau?
Bạn không thể vừa phán xét vừa cầu phúc cho ai đó cùng một lúc. Vì thế khi bạn nghĩ rằng ai đó đang cư xử bất công hoặc thô lỗ với bạn, hoặc đang chủ tâm làm bạn tổn thương, bạn sẽ không thể cầu phúc cho người ấy. Nếu thực lòng bạn muốn cầu phúc cho tất cả mọi người bạn gặp, bạn cũng cần phải cầu phúc cho những con người “đáng ghét” kia!
Sau đây là một lời cầu phúc “khấn cấp” khác mà bạn có thể sử dụng. Hãy tự nói với mình: “Người này đang mang đến một bài học rất quan trọng cho mình. Nếu không phải là người này thì có lẽ mình không thể học được bài học ấy”.
Cũng giống như lời cầu phúc “khấn cấp” của thầy mo, lời cầu phúc này luôn luôn đúng cho mọi trường hợp.
Bài diễn thuyết đầu tiên của tôi ở nước Anh diễn ra tại một nhà thờ cổ ở khu thương mại London. Bên ngoài ngôi thánh đường là quang cảnh những người đi mua sắm đỏm dáng, những người đang hối hả về nhà, và cả những người vô gia cư chen chúc nhau trên vỉa hè. Bên trong giáo đường, tất cả mọi thứ đều đẹp và an lành. Những bức bích họa, những bức thánh tích hàng trăm năm tuổi trang trí trên trần nhà và trên tất cả các cửa sổ được lắp kính màu.
Sau khi tôi diễn thuyết xong, một số người vây quanh tôi để nêu thắc mắc và chào hỏi. Chúng tôi vừa bắt đầu chuyện trò thì bỗng nhiên gương mặt họ lộ vẻ hốt hoảng. Tích tắc sau tôi cảm thấy có vật gì đánh vào gáy mình. Tôi quay phắt lại và thấy, thật quá sức kinh ngạc, một người đàn ông nhỏ thó tóc tai rũ rượi. Anh ta đang trừng mắt nhìn tôi hoang dại. Cú đập vào gáy tôi tuy không mạnh lắm, nhưng tôi cảm thấy là anh ta đã cố ý.
Không một lời, anh ta xấn tới tôi. Theo phản xạ, tôi giơ tay ra trước mặt, và anh ta chỉ dừng lại cách tôi vài phân.
- Tại sao anh giận dữ đến thế? - Tôi hỏi.
Anh ta lầm bầm gì đó, nhưng tất cả những gì tôi nghe được chỉ là từ “ác quỷ”. Bất ngờ anh quay lưng về phía tôi, tiến tới bàn thờ và quỳ gối xuống. Tôi có thể thấy là anh ta đang cầu nguyện.
Sau đó anh đứng lên và lại xấn về phía tôi. Tôi không muốn đánh nhau với anh ta, nhưng cũng không muốn anh ta lại tấn công mình lần nữa. Bất giác tôi nảy ra ý nhìn xuống dưới. Khi nhìn xuống, tôi không thể thấy mắt anh ta nữa, nhưng tôi có thể thấy đôi chân anh trong tầm nhìn của mình. Anh ta bước thêm vài bước về hướng tôi và rồi, không nói một lời, quay lại và bước ra khỏi nhà thờ.
Ít phút sau một viên cảnh sát đi tới.
- Tôi biết gã này rất rõ. - Viên cảnh sát nói với tôi, với vẻ lấy làm tiếc. - Gã ta là một tay chuyên gây rối. Nếu ông làm đơn kiện, tôi sẽ bắt gã ngay.
Mặc dù vẫn còn tức bực nhưng tôi lắc đầu nguầy nguậy, tôi không muốn người đàn ông đó bị bắt. Tôi biết rằng anh ta đã làm điều mà anh nghĩ là đúng, dù cho tôi không thích chuyện anh ta đã làm. Tôi thấy xúc động trước cảnh anh ấy quỳ gối cầu nguyện. Tôi chợt nhớ mình đã đọc ở đâu đó rằng Gandhi đã nói với cảnh sát điều tương tự sau khi ông bị đánh. Tôi không bị đánh dã man như Gandhi, nhưng tôi cảm thấy mình đang cảm nhận những gì Gandhi đã làm.
Khi trở về căn hộ của mình, tôi vẫn còn chưa hết run sợ. Tôi cuống cuồng đóng ập cửa vào rồi khóa hết cả ba ống khóa. Nếu có thêm nhiều ống khóa hơn, chắc hẳn tôi sẽ dùng hết để khóa cửa rồi. Tôi cố đi ngủ nhưng không sao ngủ được. Đầu óc tôi cứ nghĩ mãi về chuyện vừa xảy ra. Thế rồi điều không mong đợi xảy đến. Tôi chợt nhận ra có gì đó đã thay đổi cuộc đời mình.
Mình đã không đánh trả! Tôi, một cựu sĩ quan mũ nồi xanh, một cựu quân nhân, một tay lái mô-tô kỳ cựu, một người leo núi, đã không đánh trả lại! Tôi, người đã cố gắng gần trọn đời để tỏ ra “nam tính”, người vốn sợ bị sỉ nhục, người luôn luôn đánh trả, nhưng thực sự đã không đánh trả!
Vào khoảnh khắc đó, một nỗi sợ hãi vô cùng to lớn trong tôi đã biến mất. Tôi thậm chí đã không biết là trong tôi có nỗi sợ hãi này, nhưng mà tôi có đấy. Đó là nỗi sợ rằng mình không thể sống như những gì mình đã viết trong cuốn The Seat of the Soul, quyển sách tôi viết về việc tạo ra sự hòa hợp, hợp tác, chia sẻ và sùng kính Sự Sống. Tôi từng e sợ bị xem là người không đủ mạnh mẽ, hoặc không đủ giỏi giang khi lâm vào tình thế khó khăn. Tôi càng sợ viễn cảnh bị người khác phát hiện ra điều này.
Tôi đã không đánh trả! Tôi đã không dùng nắm đấm! Tôi thậm chí đã không tự vệ - ít nhất là tôi đã không tự vệ theo cách mà trước đây tôi hay dùng. Tôi đã có thể tạo ra sự hòa hợp. Tôi đã có thể sùng kính Sự Sống! Tôi đã có thể chia sẻ và hợp tác ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Tôi đã làm được tất cả những điều đó. Đây là sự việc có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Phải đến khoảnh khắc đó, tôi mới nhận ra nỗi sợ hãi của mình lớn như thế nào. Rồi bất chợt nỗi sợ tan biến mất. Tôi bật cười và khóc lên vì vui sướng. Tôi đã không còn hoài nghi về mình nữa. Điều gì đó trong tôi đã thay đổi. Tôi thiếp đi và ngủ một giấc ngon lành.
Ngày hôm sau, tôi chia sẻ với người dẫn chương trình của mình ở London về sự việc đã xảy ra. Tôi nghĩ chắc là thể nào ông cũng nổi giận với gã đồng hương của ông đã xử tệ với tôi. Nhưng thay vào đó, ông trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Hẳn là ông đã tặng gã ta một món quà lớn. Ông biết rõ gã gây sự trước. Vì gã gầy gò và yếu ốm nên gã đã lợi dụng điều đó. Chắc hẳn ông là người đầu tiên đã để cho gã rời đi êm thấm mà vẫn giữ được phấm giá.
Bất thần tôi lại bật khóc. Ý tưởng mình đã tặng người đàn ông đó một món quà to lớn bằng món quà anh ta đã tặng tôi, khiến tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi không xem anh ta như một gã say rượu hay một kẻ ưa gây rối nữa mà tôi đã xem anh như một người bạn. Tôi vẫn xem anh ta là bạn, và cảm thấy rất biết ơn anh. Tôi có thể giải tỏa được điều đã khiến tôi trăn trở bấy lâu nay. Tôi cần tự trải nghiệm những gì tôi sẽ làm khi tôi bị đe dọa, và anh ta đã cho tôi cơ hội làm điều đó. Bị tấn công từ phía sau quả là một trải nghiệm không dễ chịu, nhưng giờ đây tôi cảm thấy biết ơn nó. Tôi sẽ luôn luôn biết ơn người đàn ông đã tấn công mình và cầu phúc cho anh ta. Anh ta đã cho tôi bài học mà tôi rất cần tiếp thu, và anh đã làm điều đó theo cách nhẹ nhàng nhất tôi có thể tưởng tượng ra.
Song, câu chuyện này vẫn chưa dừng lại ở đây.
Glastonbury, một thị trấn nhỏ ở phía nam London, là lý do thật sự thôi thúc tôi đến nước Anh. Bạn đã từng nghe kể về Vua Arthur và các Hiệp sĩ Bàn tròn chưa? Vua Arthur và Hoàng hậu Guinevere được chôn cất trong một tu viện cổ ở Glastonbury. Tôi bị cuốn hút mãnh liệt là phải đến nơi này bằng được, nhưng tôi không biết lý do tại sao. Vì vậy tôi đã đến đây để tìm cho ra lý do ấy.
Hôm tôi đến là một ngày nắng đẹp, và tôi không phải mất nhiều thời gian mới tìm ra ngôi mộ cổ. Nó được đánh dấu bằng những viên đá nhỏ xếp thành hình chữ nhật trên cỏ. Tôi đang ngồi trên đống đổ nát của một bức tường nhà thờ, ngắm nhìn ngôi mộ thì một tốp du khách đến gần. Một người trong số họ đạp lên những viên đá trong khi chụp ảnh lưu niệm.
Tôi rất khó chịu với anh ta. Sao anh ta lại vô ý vậy chứ? Vua Arthur là người anh hùng của lòng tôi và của rất nhiều người khác. Thậm chí nếu không phải thế thì mồ mả của ông cũng không nên bị dẫm đạp như thế! Tôi bị thôi thúc phải chạy bay qua đám cỏ, tung người lên không, chộp và đấy tay phó nháy kia ra khỏi ngôi mộ.
Giữa lúc đang hình dung ra cảnh bạo lực ấy, tôi bất chợt nhận thấy mình đang làm chính xác cái điều mà người đàn ông hôm trước trong nhà thờ đã đánh tôi! Người đàn ông đó đã nghĩ tôi là “ác quỷ”. Anh ta cầu nguyện trong khi tấn công tôi. Chắc chắn anh ta cũng cảm thấy mình đúng vô cùng như khi tôi nghĩ đến chuyện tấn công thằng cha đang chụp ảnh. Điều khác biệt duy nhất là thực tế tôi đã không ra tay.
Trải nghiệm nho nhỏ này giúp tôi đồng cảm hơn với người đã tấn công mình. Tôi cảm thấy gần gũi với anh ta như một người anh em. Tôi đã xem anh ta như một người bạn khi tôi rời khỏi London, nhưng bây giờ tôi cảm thấy anh ta còn là một người họ hàng nữa. Tôi biết ơn về tất cả mọi chuyện đã xảy đến với mình, và đặc biệt biết ơn người anh em mới của mình.
Đây chính là những gì thầy mo kia muốn ngụ ý khi ông nói đến việc hãy luôn luôn cầu phúc cho tất cả mọi người. Đó cũng là sự vận dụng dạng thức suy lý bậc cao. Khi bạn xem tất cả mọi người bạn gặp, và tất cả mọi chuyện xảy đến với bạn đều mang đến cho bạn những bài học bạn cần tiếp thu, bạn sẽ trân trọng, biết ơn “họ” rất nhiều.
Từ đó, bạn sẽ bắt đầu nhìn cuộc đời mình theo một cách khác đi.
Dạng thức suy lý và phán xét bậc cao
Kiểm soát viên không lưu (KSVKL) đưa ra huấn lệnh(5):
- ACA312(6), đây là Cơ quan Kiểm soát Tiếp cận San Francisco. Vòng qua phải hướng bay 270. Hạ độ cao xuống 5000 bộ(7).
(5) Để hoạt động bay an toàn, điều hòa và hiệu quả, máy bay phải lưu thông theo sự điều hành của KSVKL. Phi công và KSVKL chỉ được trao đổi bằng thuật ngữ dưới dạng huấn lệnh hoặc chỉ thị. Ðó là những thuật ngữ chuyên môn ngắn gọn, đơn nghĩa đã quy định trước.
(6) Hãng hàng không Air Canada, chuyến bay mang số hiệu 312.
(7) 1 bộ (foot) = 0,3048 mét.
- Vòng qua phải hướng bay 270 độ. Hạ độ cao xuống 5000 bộ. ACA312. - Jeff lặp lại huấn lệnh với KSVKL.
Bầu không khí trong buồng lái vô cùng căng thẳng. Đó là một chuyến bay bất ổn từ Vancouver, tất cả là do tình trạng của thiết bị điều khiển bay gặp vấn đề. Họ bị trễ mười lăm phút và thời tiết xấu đang ở rất gần bên dưới họ.
- ACA312 liên lạc Đài Kiểm soát Không lưu San Francisco qua tần số một-một-tám-phấy-sáu-zero (118,60 MHz). Chào.
- Đài Kiểm soát Không lưu San Francisco, một-một- tám-phấy-sáu-zero. Chào.
Jeff và phụ lái, cô Carolyn, liếc nhìn nhau. Cô vui mừng vì người có mặt trong khoang lái cùng cô là ông. Mười tám năm kinh nghiệm bay đã cho ông một vẻ điềm tĩnh như người cha mà ông luôn duy trì những khi bay qua vùng trời nắng ấm lẫn khi phải bay qua bão tố. Điều này làm yên lòng các phụ lái như cô rất nhiều. Mặc dầu vậy, lần này, Carolyn cảm nhận có sự lo lắng trong ông.
Chúng ta sẽ vượt qua, cô thầm nhủ. Không có vấn đề gì.
Xuyên qua làn sương giá, một hàng dài ánh đèn nê-on hiện ra bên dưới họ. Rồi đến đường băng, hiển hiện qua những lằn chấm màu trắng. Chiếc máy bay khổng lồ tiếp đất nhẹ nhàng như con thiên nga đáp xuống hồ nước phẳng lặng. Khi Carolyn đưa những động cơ khổng lồ về số lùi và Jeff đạp cần thắng, cả hai người cùng thở phào nhẹ nhõm.
Đây là một chuyến bay gay go, nhưng trong khoang hành khách không có những tiếng thở phào nhẹ nhõm, hay là tiếng nấc lên vì sung sướng “Cừ lắm!”, cũng không có những cảm xúc cảm kích sâu sắc. Không có khoang hành khách. Jeff và Carolyn, mồ hôi nhễ nhại, ngồi trong một cái hộp lớn màu đen trong nhà để máy bay, cùng với đội ngũ kỹ thuật viên vây xung quanh nó.
Bạn có từng bao giờ nghe nói về chương trình “Bay giả lập” chưa? Phi công tập bay trong những mô hình này trước khi lái máy bay thật. Jeff và Carolyn đang học lái một loại máy bay lớn hơn bất kỳ loại máy bay nào họ đã từng lái trước kia.
Toàn bộ thiết bị trong mô hình máy bay giả lập giống chính xác như các thiết bị của máy bay thật. Cần điều khiển cũng mang lại cảm giác hệt như cảm giác ở trong một chiếc máy bay thật. Thậm chí quang cảnh bên ngoài cửa sổ trông cũng y hệt như khi họ nhìn từ trong máy bay thật nhìn ra.
Khi phi công kéo cần điều khiển trong mô hình bay, thiết bị cũng chỉ ra một tọa độ. Khi họ nhìn ra cửa sổ, họ thấy máy bay đang cất cánh. Khi họ bay vào vùng đang có bão tố, họ bị rung lắc hệt như ở trong máy bay thật, và khi họ thực hiện một cú tiếp đất khó khăn, họ cũng nảy tưng lên như trong máy bay thật. Một khi phi công ở trong mô hình bay, họ không thể phân biệt được họ có đang ở trong máy bay thật hay không. Họ cũng toát mồ hôi trong thời tiết xấu và cảm thấy hồi hộp khi hạ cánh xuống phi trường lạ vào ban đêm.
Rạp chiếu bóng cũng là một mô hình giả lập. Trong khi cuốn phim đang chiếu, bạn quên rằng mình đang ngồi trong rạp, và quên luôn những người mà bạn thấy là những hình ảnh chuyển động trên màn ảnh. Dù vậy, bạn vẫn có thể nhìn ra chung quanh - nếu bạn còn nhớ để nhìn - và thấy bạn thật sự đang ở trong một khán phòng rộng, tối đen.
Chẳng bao lâu nữa, bạn sẽ không cần phải đến rạp để xem phim. Bạn chỉ cần đội lên đầu một chiếc mũ có gắn tai nghe và có màn hình bên trong mũ. Khi đó tất cả mọi thứ bạn nhìn và nghe thấy, cho dù bạn ngó đi đâu, đều sẽ là cuốn phim đó. Ngay cả khi bạn ngoái nhìn ra đằng sau, bạn vẫn đang thấy bộ phim ấy. Đây được gọi là “thực tại ảo”.
Thực tại ảo không luôn luôn bắt đầu và kết thúc theo cách như trong phim ảnh. Phim thì diễn tiến đúng theo kịch bản, còn thực tại ảo biến chuyển tình tiết không theo khuôn thức nhất định nào trong mỗi khoảnh khắc. Khi bạn ra một quyết định, thực tại ảo sẽ hồi đáp. Bạn ra một quyết định khác, thực tại ảo sẽ hồi đáp theo một cách khác. Sau mỗi quyết định của bạn sẽ có điều gì đó bất ngờ xảy ra.
Bạn có thể hình dung ra một thực tại ảo mà trong đó cả năm giác quan của bạn đều được sử dụng không? Không chỉ dừng lại ở khả năng trò chuyện, trao đổi với các nhân vật, bạn còn có thể tiếp chạm, bắt tay, ôm ấp... họ, thậm chí có thể ngửi thấy mùi thơm và được thưởng thức các món ăn, để rồi sau đó cảm thấy no căng bụng!
Theo bạn thì còn bao lâu nữa bạn có thể xem được loại phim này?
Ngay bây giờ bạn đang tham gia vào “bộ phim” kiểu như thế. Mỗi lần bạn ra một quyết định, tất nhiên một điều gì đó sẽ xảy ra. Với quyết định khác, một điều khác lại xảy đến. Đôi khi nó diễn ra ngay lập tức, có lúc phải mất một thời gian. Chuyện gì xảy ra đều tùy thuộc vào quyết định của bạn. Cho dù bạn ngó nhìn đi đâu thì tất cả những gì năm giác quan có thể nhận biết vẫn nằm trong khuôn khổ “cuốn phim đời” đó. Bạn không thể nhìn thấy bên ngoài rạp chiếu bóng, nhưng bạn có thể quyết định nội dung “cuốn phim” này thông qua những lựa chọn hành động của bạn. Đây là điều hết sức quan trọng! Hiểu được như vậy, bạn có thể xây dựng “cuốn phim đời” mình theo cách như bạn mong muốn.
Để thay đổi “cuốn phim”, bạn phải đưa ra những quyết định hoàn toàn khác. Người nhút nhát luôn ở trong tâm trạng hoảng sợ, người giận dữ lúc nào cũng hiện lên vẻ “đằng đằng sát khí” v.v. bởi vì họ chưa thoát khỏi kiểu quyết định theo lối mòn. Dĩ nhiên, những quyết định mà họ đưa ra thường là khác đi do hoàn cảnh đã thay đổi, nhưng chúng vẫn đi theo mô tuýp cũ. Chẳng hạn như khi bạn “nhập vai” sợ hãi trong “cuốn phim” của bạn, dù bạn sợ hãi theo kiểu gì cũng đều không quan trọng, điều quan trọng là bạn đang sợ hãi. Nếu bạn lựa chọn thái độ, cách nghĩ và hành động can đảm hơn thì “cuốn phim” sẽ ít những mối đe dọa rình rập đi.
Bạn có thể thấy được những chọn lựa bạn đưa ra bằng cách xem xét “cuốn phim” của bạn. Nếu cuộc đời bạn đầy rẫy những con người giận dữ trong đó, tức là bạn có khuynh hướng nóng giận. Còn nếu xung quanh bạn là những người đáng yêu, dễ mến thì hẳn là bạn luôn sống yêu thương, chan hòa. Điều này đúng đối với tất cả mọi người. Mỗi người đều có “cuốn phim” của riêng mình và tự quyết định sẽ đưa những gì vào trong đó.
“Cuốn phim” của bạn là một mô hình “Bay giả lập”. Khi bạn sống tốt bụng và yêu thương, bạn đang kéo cần điều khiển lùi lại để bay lên bầu trời trong xanh; rồi những người tốt bụng và yêu thương sẽ bước vào đời bạn. Còn khi bạn nuôi lòng giận dữ, ghen tị hay sợ hãi, bạn đang đấy cần điều khiển tới trước; mô hình thông báo rằng bạn sắp bổ nhào xuống đám mây đen, rồi những người giận dữ, ghen tị và sợ hãi sẽ rủ nhau bước vào đời bạn.
Mô hình bay sẽ không phán xét bạn cho dù bạn quyết định bay lên hay đáp xuống. Nó luôn chỉ ra cho bạn thấy chính xác bạn đang làm gì.
Bạn là người đang học cách lèo lái “chiếc máy bay cuộc đời” mình.