Trước mặt tôi là tấm ảnh “Trên đồi Không Tên”. Sau hơn 40 năm bức ảnh ra đời, mỗi lần nhìn ngắm bức ảnh, trong tôi lại dâng trào những cảm xúc tưởng như đã chìm sâu vào quá khứ nay lại hiển hiện sống động...
Trước mặt tôi là tấm ảnh “Trên đồi Không Tên”. Sau hơn 40 năm bức ảnh ra đời, mỗi lần nhìn ngắm bức ảnh, trong tôi lại dâng trào những cảm xúc tưởng như đã chìm sâu vào quá khứ nay lại hiển hiện sống động. Ngày ấy, với tuổi trẻ phơi phới lạc quan, lý tưởng tràn đầy, tay máy tay súng chúng tôi có mặt trong hàng quân như bất cứ người lính thực thụ nào. Tháng 3-1971, Chiến dịch lớn Đường 9-Nam Lào nổ ra tại biên giới Lào-Việt, nơi trung tâm điều hành Đường 559. Mỹ-ngụy mở cuộc hành quân lớn ra vùng này hòng chặn đứng đường mòn Hồ Chí Minh. Bên tai tôi đến tận bây giờ dường như vẫn nghe vang rền những âm thanh của chiến trận. Những luồng đạn lớn nhỏ từ hai phía đan chéo vào nhau như xé rách bầu trời; dưới chân chúng tôi là những rung chấn như động đất. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, máy bay Mỹ lồng lộn gào thét, từng tốp các chiến sĩ Sư đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308) tràn lên nhắm thẳng đỉnh đồi 456 (theo cách gọi của phía bên kia, còn bên ta gọi là đồi Không Tên). Ở đó có bọn lính dù thuộc Lữ đoàn dù số 3 do tên Đại tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy-đang hung hãn chống trả. Trận địa pháo 105mm của chúng bắn dồn dập. Pháo ta đáp trả mãnh liệt khiến trận địa của chúng chỉ trong chốc lát đã “tan xác pháo”.
Bức ảnh “Trên đồi Không Tên”.
Đợi pháo chuyển làn, tôi bám theo một tổ xung kích và may mắn có được bức ảnh nói trên-tuy ở góc hẹp vì không có ống kính góc rộng-nhưng đã phản ánh được khí thế của quân ta và thất bại nặng nề của quân địch. Bức ảnh tạo được sự tương phản, so sánh: Một bên là ý chí tiến công của Quân giải phóng, một bên quân đối phương dựa vào vũ khí trang bị dồi dào nhưng thất bại thảm hại. Người xem thấy rõ: “Việt Nam hóa chiến tranh” là bước đường cùng của Mỹ-ngụy. Đại tá, Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ bỏ chạy nhưng không thoát, bị bắt làm tù binh.
Bộ ảnh Chiến thắng Đường 9-Nam Lào của tôi, trong đó có bức ảnh “Trên đồi Không Tên” được Tổng cục Chính trị và Báo Quân đội nhân dân tuyên dương là bộ ảnh chiến trường xuất sắc vì bám sát chiến trường và kịp thời về tốc độ…
Cuối năm đó, tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua và được đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng ba.
Cuối năm 1971, bức ảnh được Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Việt Nam đề xuất trao giải thưởng nhân dịp Triển lãm toàn quốc “Ảnh thời sự nghệ thuật Việt Nam”. Nhưng trong hội đồng có người đưa điều kiện là phải cắt bỏ phần đầu và ngực của người lính tử trận vì cho rằng khán giả nhìn vào bức ảnh thấy ghê rợn quá. Một số thành viên hội đồng có ý kiến khác, không đồng tình cắt xén tác phẩm. Cuối cùng, hội đồng nhất trí để xin ý kiến lãnh đạo cấp cao (hồi ấy mỗi năm cả nước chỉ có một cuộc triển lãm nên các lãnh đạo Nhà nước rất quan tâm và thường trực tiếp xem trước để duyệt). Đến ngày cấp trên duyệt, bác Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội có mặt. Sau khi nghe hai ý kiến khác nhau trong hội đồng, bác điềm tĩnh nói: “Chiến tranh nó như thế nào, thì ta phản ánh nó đúng như vậy, dù nó có tàn khốc cũng là sự thật”. Sau đó, bức ảnh được giữ nguyên vẹn và treo trong triển lãm được nhiều người chú ý. Năm 1973, bức ảnh được Hội Nhà báo Việt Nam trao giải nhất. Năm 2007, bức ảnh là một trong ba tác phẩm được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật.
Trong cuộc triển lãm quốc tế do Hiệp hội Nhiếp ảnh gia Trung Quốc tổ chức từ ngày 3-8 đến 13-8-2015 tại TP Đại Lý, Côn Minh, tác giả tham dự 45 bức ảnh chiến tranh, được người xem hoan nghênh. Ban tổ chức đề nghị tác giả thực hiện những bức ảnh trên chất liệu giấy tốt hơn nữa để họ giới thiệu tới các nhà đấu giá tác phẩm trong một dịp khác.
Bài và ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH