Tháng 7-1970, Mỹ dùng bom phát quang lập chốt trên điểm cao 573, đặt trận địa pháo 105mm khống chế cả khu vực đầu mối B46 Lân Tôn. Đơn vị tôi-đại đội pháo 85mm nằm trong tầm bắn của chúng, chỉ tiếc là cả bốn khẩu 85mm đã được tháo rời, chôn giấu, nếu không tôi tin rằng sẽ có cuộc đấu pháo của chúng tôi với trận địa 105mm này của Mỹ.
Tham mưu phó tác chiến Nguyễn Hải-Binh trạm 44 Trường Sơn yêu cầu chúng tôi phải có biện pháp đáp trả. Tôi bàn với Lê Nhâm-Đại đội phó: Dùng ĐKB đáp trả. Mấu chốt là phải tìm phương án bắn có nòng. Yêu cầu của chúng tôi được binh trạm đáp ứng: Chúng tôi nhận một khẩu ĐKB như mong muốn. ĐKB bắn có nòng tầm bắn tương đương với pháo 105mm của Mỹ. Song đạn nổ của ĐKB uy lực gấp nhiều lần 105mm. Bắn có nòng độ chính xác rất cao.
Ba loạt đạn ra khỏi nòng. Đạn bao trùm mục tiêu. Bọn Mỹ trên chốt phản ứng yếu ớt. Chúng tôi di chuyển trận địa để bắn tiếp. Đột nhiên trên chốt Mỹ có nhiều tiếng nổ. Khói đen từng cụm lan tỏa. Hình như bọn chúng đốt gì đấy. Tiếng trực thăng vọng về, rồi chúng thả mù trắng bao bọc chốt. Nhiều tốp trực thăng đáp xuống rồi bay lên khỏi chốt. Nửa tiếng sau trên chốt yên ắng. Đưa ống kính quan sát, chúng tôi khẳng định với Tham mưu phó Nguyễn Hải: Bọn Mỹ đã rút khỏi chốt. Ông ra lệnh: Sáng mai sẽ lên chốt.
Minh họa: QUANG CƯỜNG.
Chúng tôi theo đường ô tô vượt ngầm sông Thanh ở Km7, rồi theo góc phương vị và bản đồ địa hình lên chốt Mỹ ở cao điểm 573. Thận trọng bám chốt theo sự chỉ huy của Tham mưu phó Nguyễn Hải, ấy vậy mà chả hiểu sao cậu công vụ của thủ trưởng lại vướng vào dây làm quả mìn sáng phát nổ. Chớp sáng bùng lên rồi cháy rần rật phát ra thứ ánh sáng lạnh. Mọi người nằm rạp quan sát. Lửa tắt, không gian yên ắng. Mỹ đã rút khỏi chốt. Nếu không, đã có hàng loạt trái mìn định hướng, hàng loạt cối cá nhân M79, hàng tràng đạn bắn thẳng bay tới đây. Kinh nghiệm những năm tháng chúng tôi đụng độ với Mỹ-ngụy và chư hầu đã mách bảo như vậy.
Hoàn tất việc nghiên cứu chốt Mỹ, đồng chí Nguyễn Hải cùng các cộng sự về lại sở chỉ huy cơ bản. Trước khi đi, ông giao nhiệm vụ cho đại đội pháo 85mm chúng tôi tìm các phương án đánh trả nếu Mỹ còn nống lấn ngăn chặn ta. Tôi bàn với Lê Nhâm đi nghiên cứu vùng thượng lưu sông Thanh. Từ điểm cao 573-chốt Mỹ, chúng tôi đi theo hướng tây nam. Biết rõ là khu vực này không còn địch hoạt động dưới mặt đất, vì vậy chúng tôi chủ động để mọi người biết: Chúng tôi là lính của Binh trạm 44 Trường Sơn đi chuẩn bị chiến trường để đề phòng các đồng chí lầm tưởng là biệt kích thám báo…
Dòng sông Thanh trước mặt. Sông không rộng lắm. Về mùa này nước cạn, nhiều chỗ theo những tảng đá qua sông mà không bị ướt. Ngược lên một đoạn, gặp một thung lũng trải rộng theo hai bờ sông đã thấy rõ những vạt nương với những cây sắn, lúa, ngô, khoai xanh tốt. Con người Tây Nguyên đồng hương của anh hùng Núp hiện hữu nơi đây...
Đang miên man với những nghĩ suy về mảnh đất và con người nơi đây thì hai cô gái mặc áo bà ba đen cõng gùi đi tới. Tới gần, cô đi đầu lên tiếng:
- Anh Nhâm! Sao các anh ở đây?
- Thì anh cũng định hỏi em như vậy.
Hóa ra họ quen nhau. Chỉ có tôi là mới. Lê Nhâm chỉ tôi giới thiệu:
- Anh Hoàng mới ở trong ra bổ sung cho đại đội. Còn đây là Cúc, nguyên là Đại đội phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, đơn vị kết nghĩa với đại đội ta.
Tôi bắt tay làm quen với Cúc, cô gái có nước da trắng xanh, mặt trái xoan ưa nhìn. Cúc giới thiệu với chúng tôi bạn đi cùng tên Lan, cùng đơn vị.
- Anh tưởng em đi khỏi đây cùng các bạn mà?-Nhâm hỏi.
- Ai cũng nghĩ như vậy-Cúc nói-Nhưng không phải thế. Em lại về đây với lũ trẻ, thương chúng lắm anh ơi.
- Trẻ nào ở đây em?
- Mời các anh theo em sẽ rõ.
Thế là chúng tôi theo Cúc về đơn vị Cúc. Em bảo gần đây thôi.
Gần đây thôi của Cúc mà sợ. Chúng tôi đi miết. Đi qua mấy sườn đồi trồng sắn, trồng ngô, có cả dong riềng hoa đỏ thắm, đến vạt lúa xanh tốt trải dài tới bờ sông. Đường đi vào vạt rừng với những hàng cây cao vút trên doi đất rộng sát bờ sông. Nhìn thấy mấy nếp nhà dưới tán cây rừng, đó là bản doanh của đơn vị Cúc. Mấy chị mặc áo bà ba đen trong nhà mang nước trong bi đông ra mời chúng tôi. Cúc vào chuyện:
- Ngày ấy, chào các anh chúng em về địa điểm tập trung. Đến ngày đi nhận nhiệm vụ thì em bị sốt phải nằm lại. Rồi em về đây, vẫn gần các anh nhưng công việc lu bu quá nên chưa thăm các anh được. Các anh ở nhà có khỏe không anh?
- Bọn anh bình thường-Nhâm tiếp-Bọn anh nghe nói các em tập trung ăn nghỉ tẩy trắng vết hằn trên bàn chân để về lại đồng bằng hoạt động. Tưởng em xa bọn anh rồi. Giờ gặp lại em ở nơi đây cũng vui…
Tôi mới về đại đội, nhưng cũng hiểu chuyện Cúc và Nhâm vừa trao đổi với nhau. Tiểu đoàn 2 biên chế toàn là nữ chiến sĩ Quảng Nam-Đà Nẵng làm nhiệm vụ gùi hàng ở đầu mối B46. Đại đội pháo 85mm vào Khu 5 đang phải nằm lại ở khu vực đầu mối B46 kết nghĩa với Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 2 Quân giải phóng. Các hoạt động giao lưu gặp gỡ thắm tình Bắc-Nam. Cuối năm 1969, một số chị em được chọn đi xây dựng đơn vị mới. Nghe đâu số này được “thay hình đổi dạng” để về lại đồng bằng theo con đường hợp pháp. Đại đội phó Cúc trong số này nhưng lỡ hẹn và được điều động về đây. Một đại đội cũng toàn là nữ làm nhiệm vụ trồng ngô, khoai, sắn, lúa nương… cung cấp lương thực cho các đơn vị đang làm nhiệm vụ gùi thồ. Theo Cúc, quân số hơn 40 chị em, cao tuổi nhất gần 40, trẻ nhất mới ngoài 20. Các chị phần lớn hoạt động nội thành bị lộ và các chị em thu dung từ các cơ sở điều trị về kèm theo lũ trẻ.
Tôi hỏi Cúc:
- Lũ trẻ đâu sao anh không thấy?
- Vội gì anh! Ăn xong rồi em dẫn các anh thăm lũ trẻ…
Đợi hoài rồi Cúc cũng dẫn chúng tôi đi thăm lũ trẻ. Cúc gọi lũ trẻ là “thiên thần của các má”. Cho đến giờ tôi vẫn rất ấn tượng với những đôi mắt trẻ thơ trong veo ấy. Cúc dẫn chúng tôi tới cửa lán của bọn trẻ, lên tiếng:
- Các thiên thần của má đâu rồi?
Tức thì các bé đi được chạy ra cửa giơ tay đòi bế. Nhìn kỹ trong ngôi nhà nửa chìm nửa nổi áng chừng hai chục mét vuông có tám đứa trẻ, từ ẵm ngửa tới lẫm chẫm biết đi, được ba cô gái trẻ, xinh xắn chăm sóc. Một số bé gái nhỏ thấy chúng tôi lạ-chắc là chưa gặp bao giờ-sợ nên ôm chặt lấy các mẹ. Các con đưa ánh mắt đen tròn nhìn các chú bộ đội. Chúng tôi lấy lương khô giả kẹo làm quen với chúng. Tôi ôm thằng bé chừng ba tuổi vào lòng. Thằng bé chẳng lạ lẫm gì, ngồi hẳn vào lòng tôi, tay mân mê dây đeo ống nhòm của tôi. Tôi hỏi nó:
- Má con đâu? Thằng bé chẳng nói gì, chỉ giơ tay chỉ từng cô trong nhà.
- Mọi người ở đây đều là mẹ của các bé đó anh.
Câu chuyện bỏ dở vì chúng tôi phải đi làm việc theo kế hoạch, hẹn chiều về lại gặp Cúc và chị em.
Chúng tôi vác máy đi xác định các tọa độ cần thiết lên bản đồ địa hình. Chúng tôi lại qua các rẫy trồng sắn, trồng bắp, lúa nương, khoai, dong riềng…, tưởng là của đồng bào, hóa ra đều của đơn vị Cúc. Các em cũng kinh nghiệm thật. Cũng canh tác theo kiểu chọc lỗ của đồng bào nên tránh được sự phá hoại của địch. Nghe kể tuyến ngoài cũng có những đơn vị tăng gia, giống má đều được miền Bắc chi viện. Anh em mình thấy thế cũng đánh luống trồng tỉa như ngoài Bắc. Bọn giặc thấy khác đồng bào, nghi là bộ đội làm rẫy. Vì vậy, các địa điểm tăng gia kiểu ấy đều bị đánh. Khôn lên, bộ đội ta canh tác như đồng bào địa phương, thế là an toàn.
Chiều ấy, chúng tôi về lại đơn vị Cúc mắc võng qua đêm. Chuyện trò về những đứa trẻ xin được-theo cách nói của chị em ở đây-Cúc trải lòng:
- Em mới được điều động về đây. Mới đầu cũng tâm tư lắm. Lâu dần thấy quen, thấy thương mấy chị em và lũ nhỏ. Trông bọn trẻ dưới bàn tay chăm sóc của bọn em, chúng lớn lên từng ngày như những thiên thần. Nghe chúng gọi mình là mẹ mà ứa nước mắt.
Qua lời kể của Cúc, chúng tôi hiểu rõ hơn. Các cháu được sinh ra, rồi mẹ và các cháu được về đây đã là một may mắn lắm rồi. Trong điều kiện bom đạn rầm rầm, đời sống vật chất thiếu thốn, nếu các cháu ở các đơn vị thì sao trụ nổi. Về đây đơn vị lo hết cho lũ trẻ. Điều may mắn cho lũ nhỏ là mẹ đẻ của chúng cũng ở đây. Đêm đêm chúng vẫn được ôm ấp bởi bàn tay của mẹ. Họ chính là những người trong số chị em chúng tôi đã gặp ban trưa. Họ là những con người dũng cảm, đem tuổi thanh xuân của mình hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng. Xuân sắc có thì, nghĩ sao làm vậy!
Chúng tôi để lại gạo, lương khô… mà mình mang theo cho lũ trẻ. Tạm biệt lũ trẻ, tạm biệt Cúc và chị em, chúng tôi tiếp tục công việc còn lại. Chuyến đi địa hình này với tôi vô cùng bổ ích. Nó giúp tôi suy ngẫm và có cái nhìn mới mẻ về cuộc chiến mà mình đang đeo đuổi. Tôi luôn nhớ về những đứa trẻ trong rừng sâu. Còn bao nhiêu đứa trẻ như thế nữa được sinh ra và lớn lên trong rừng sâu mà tôi chưa biết. Nhìn cách hành xử đầy tính nhân văn của các chị Giải phóng quân mặc bà ba đen mà tin vào ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Tạm biệt các mẹ, các chị và những thiên thần nhỏ trong rừng sâu, chúng tôi đi và sẽ mang chiến thắng trở về!
NGUYỄN KIM CHÚC