Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn gồm ba phần lãnh thổ cách biệt khá xa: Ngoài bốn mươi tám bang nằm ở miền trung Bắc Mỹ, còn có bang A-lát-xca là miền đất nhô ra - nơi Thái Bình Dương gặp Đại Tây Dương (ba mươi ba kilômét eo biển Bê-rinh là vùng U-ê-lên thuộc địa phận nước Nga) và quần đảo Ha-oai chơi vơi giữa Thái Bình Dương. Quản lý một quốc gia như thế quả không đơn giản. Nhưng, chẳng lẽ vì thế mà nước Mỹ quan sát, đánh giá các nước láng giềng bằng con mắt ngờ vực?
Bởi mối quan ngại viển vông “nước Mỹ bị hở sườn, nền an ninh của Thế giới tự do bị đe dọa”, Tổng thống Mỹ Ru-dơ-ven chủ trương lập vành đai phòng thủ Thái Bình Dương gồm Triều Tiên, Đông Dương, Thái Lan, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a... kéo theo cả mấy nước Nam bán cầu.
Tổng thống Tơ-ru-man cụ thể hóa sáng kiến của Ru-dơ-ven bằng kế hoạch phân liệt áp dụng cho từng vùng chiến lược, nghĩa là Mỹ úp mở bộc lộ tham vọng bành trướng theo đặc thù của từng quốc gia; đối với Việt Nam, Mỹ không che giấu ý đồ “xây dựng một chính phủ không cộng sản thân phương Tây”.
Tổng thống Ai-xen-hao chứng tỏ đã quán triệt học thuyết “sen đầm quốc tế” của những người tiền nhiệm.
Vào những năm 50, khi Pháp không còn hung hăng thao túng chiến trường Việt Nam là khi Mỹ có chính sách về Đông Dương. Mỹ muốn tổ chức một liên minh khu vực gồm các nước châu á và Mỹ, Anh, Pháp làm chỗ dựa chính trị, quân sự sau chiến tranh Pháp - Việt.
Thủ tướng Vương quốc Anh Soóc-sin - một chính khách từng trải từ chối tham gia; chẳng sao, Mỹ không vì một nước Anh mà từ bỏ một chính sách có tầm quốc tế.
Mỹ tiếp tục viện trợ cho Pháp với định lượng “giữ cho quân viễn chinh Pháp sống, không để cho chết quá sớm”. Mỹ thành lập phái bộ MAAG1 do Đại tướng Ô Đa-ni-en đứng đầu làm nhiệm vụ Cố vấn yểm trợ quân sự cho Pháp.
1Military Assiostance Adwsery Group – Phái bộ cố vấn yểm trợ quân sự.
Ai-xen-hao muốn tìm kiếm sự ủng hộ nên công khai bộc lộ tham vọng bằng lời cảnh tỉnh giới tư bản tài phiệt Mỹ:
- Chúng ta hãy tưởng tượng rằng chúng ta mất Đông Dương... Thiếc, vôn-phram và những thứ quý giá khác sẽ không còn từ vùng này đến (Mỹ) nữa.
Đồng thời, ông ta chỉ thị cho cấp dưới thúc đẩy kế hoạch thâm nhập Việt Nam.
Ngay từ thời Tổng thống Tơ-ru-man, Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tuyển chọn một nhân vật đủ vị thế đóng vai tên lính xung kích số 1 trên chính trường Việt Nam, đó là Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của nhà nước phong kiến Việt Nam đang sống la đà trong sòng bạc, tiệm nhảy ở thành phố Ri-vi-e-ơ bên bờ biển Địa Trung Hải lộng gió. Đưa Bảo Đại từ vai trò Cố vấn của Chính phủ Việt Minh ở nước Việt Nam sục sôi khí thế cách mạng “phản phong bài đế” sang nước Trung Hoa Dân Quốc rối loạn rồi bay sang nước Pháp đang phải gồng mình gánh vác chi phí chiến tranh ở Việt Nam và khôi phục nền kinh tế xộc xệch sau Đại chiến thế giới thứ hai là cả một công phu. Công đoạn thủ sẵn “con bài chủ” được thực hiện từ thời Tổng thống Tơ-ru-man. Nhưng cũng chỉ là công phu Dã Tràng xe cát biển Đông. CIA tỉnh ngộ: Thế giới ngày nay quá nhàm chán thứ triết lý cương thường2 “tôn quân ái quốc” mà hăng hái chạy theo trào lưu mới, học thuyết mới - mác “dân chủ, cộng hòa” đang được những người cấp tiến trong xã hội sính dùng. Mỹ thải ra nên các nhà chính trị bảo thủ Pháp mới có cơ hội dùng kẻ “há miệng chờ sung” làm Quốc trưởng chính phủ Bảo Hoàng vào năm 1948.
2Tam cương (vua, thầy, cha mẹ); ngũ thường (quân thần, phu tử, phu thê, huynh đệ, bằng hữu).
Nới cũ ắt phải tìm mới. Cục tình báo trung ương Mỹ giao nhiệm vụ tìm “nhân tố mới” ở Việt Nam cho Thiếu tá Luy-xiêng Cô-nen. Luy-xiêng Cô-nen vốn là viên chức OSS1 được tướng Đô-nô-van3 thả dù xuống Việt Bắc, sát cánh cùng Việt Minh trong Mặt trận Đồng Minh chống phát xít. Thời gian Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, Luy-xiêng Cô-nen được phái vào Bộ Tham mưu quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương với danh nghĩa giúp Pháp đánh Việt Minh, nhưng thực chất là kiến thiết tiền đề cho tình huống Mỹ triển khai lực lượng ở Việt Nam.
1OSS (Office of Strategie Services – Cơ quan công tác chiến lược.
3Đô-nô-van là Giám đốc đầu tiên của OSS.
*
Nhận được chỉ thị, Luy-xiêng Cô-nen có ngay hướng giải quyết công việc. Những sĩ quan CIA khu vực bao giờ cũng am tường nhân vật, địa danh, sự kiện, tình thế... nổi trội trong địa bàn mình phụ trách; chúng không thiếu những gã tối mắt vì danh lợi mà làm gián điệp cho Mỹ - nước Mỹ tự do và giàu có nhất trần gian. Luy-xiêng Cô-nen gặp Rô-giơ Tơ-ranh-ki-ê, còn có tên gọi là Rol - sĩ quan Phòng nhì Pháp được chính Luy-xiêng Cô-nen chiêu mộ làm gián điệp cho Mỹ bàn thảo công việc:
- Thỉnh thoảng tôi thấy một người thấp đậm, đáng bệ vệ đến Phòng trà Lãng Tử, ngồi tư lự một mình ở chiếc bàn kê sát góc nhà. Tôi nhận ra, ông ta đến đấy để tìm hiểu, suy ngẫm về thứ gì đó chứ không nhằm đáp ứng sở thích nhâm nhi chén trà Long Tỉnh. Một dáng vẻ hấp dẫn tuy cổ hủ một chút - Cô-nen ngừng lời, nhìn thẳng người đối thoại, ông ta muốn thẩm tra sự lịch duyệt của Rob nên cố ý hỏi:
- Anh có biết người ấy không?
Rob nhún vai, nở nụ cười biểu lộ “tôi biết tỏng ý của anh rồi”, tuy vậy, anh vẫn nghiêm túc trả lời:
- Ngô Đình Diệm, ông ta đang chới với.
Cô-nen giao nhiệm vụ ngay:
- Tôi đề nghị anh tìm hiểu kỹ về Diệm.
Rob sốt sắng nhận việc:
- Tôi từng được lệnh theo dõi hành tung của Diệm. Cao ủy Pháp đề phòng sự gây rối của ông ta trong việc Pháp đưa Bảo Đại về Việt Nam làm Quốc trưởng. Diệm không thuộc loại an phận thủ thường nhưng biết phân biệt nóng lạnh, nên chớ. Tóm lại, Diệm không có phản ứng gì khi Pháp phục hồi ngai vàng cho Bảo Đại. Tuy vậy, tôi biết lệnh của anh có tầm quan trọng đặc biệt nên sẽ tìm hiểu thêm.
Rob mở “chiến dịch” điều tra nhân thân của Ngô Đình Diệm và ảnh hưởng của ông ta trong xã hội Việt Nam. Các thông tin thu hoạch được khá phong phú. Nhiều thế hệ Ngô Đình là trọng thần của triều đình Huế. Diệm là nhân vật chính trị đang khát nước, ông ta được sự mến mộ khiêm tốn trong giới thượng lưu. Cũng là “típ” nhân vật có thể khai thác.
Rob gặp Luy-xiêng Cô-nen báo cáo kết quả điều tra.
- Kẻ mà anh quan tâm đúng là Ngô Đình Diệm, Diệm vốn là thượng thư trong triều đình Bảo Đại bị thất sủng nên treo ấn từ quan vào năm 1932. Bảo Đại không lưu luyến, Khâm sứ Trung Kỳ cũng không ngỏ đôi lời an ủi. Diệm giả vờ làm mình làm mẩy, không ngờ “giả hóa thật”. Ông ta buồn tủi, thất vọng... tâm trạng ấy không được điều chỉnh ổn định tất nhiên dẫn đến bất mãn. Diệm là người kín đáo, thận trọng nên không có lời nói hoặc hành vi thái quá. Điều ngạc nhiên là sự im lặng của Diệm khiến nhiều người quan tâm và được đánh giá cao, ông ta trở thành hình ảnh của một vị quan “thanh liêm và yêu nước”.
Cô-nen chăm chú nghe, nhưng không nói. Một tên lính không thể lập nên một đội quân, có danh vọng chưa chắc đã có tài năng, có tài năng chưa hẳn nên ngồi cùng thuyền. Ông ta hỏi:
- ở Việt Nam còn có nhân vật nào nổi trội hơn không?
Rob biết Cô-nen đặt một câu hỏi chưa chặt chẽ, nhưng anh ta biết đi sâu vào nội dung bàn thảo nên đáp đúng yêu cầu:
- Nước nào cũng vậy, thời nào cũng thế, người đủ tài làm nguyên thủ quốc gia có hàng trăm, nhưng ghế nguyên thủ chỉ có một. Không nên phân tán sự quan tâm.
Cô-nen công nhận lời Rob nói có lý, nhưng tác phong làm việc của CIA là “không để bị bất ngờ”, ông ta ở lò luyện Lan-ghi4 mà ra nên tiêm nhiễm “phẩm chất” ấy.
4Nơi đóng Tổng hành dinh của CIA, thuộc quận Phác-phắc, bang Vớc-gi-ni-a.
- Tuy vậy, vẫn phải có dự phòng.
Rob cười, đếm đầu ngón tay mà kể, hệt tác phong dân á châu:
- Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu, Phan Huy Quát... nhiều lắm, nhiều không kể xiết, đấu đong thúng đựng không hết, nhưng trước mắt Diệm là phù hợp hơn cả.
Cô-nen nhận thấy các yếu tố ấy là cần song chưa đủ, ông ta lại hỏi:
- Anh còn có thông tin gì xung quanh nhân vật của chúng ta không?
Rob đáp theo ý nghĩa ám thị:
- á châu có danh ngôn “mật chảy đến đâu ruồi bâu tới đấy”; đường đi La Mã đã mở thì lo gì vắng con chiên. Hiện tại Diệm có một số thân thích đáng kể: Ngô Đình Nhu - em trai thứ ba của Diệm là người nhiều cơ mưu, giỏi quyền biến, từng làm Giám đốc thư viện quốc gia; Ngô Đình Thục - em trai thứ hai làm Giám mục giáo phận Bình Long chăn nhiều con chiên ngoan đạo; Trần Lệ Xuân - vợ Ngô Đình Nhu là người đàn bà sành sỏi, táo tợn, có sức hấp dẫn đàn ông; Trần Văn Chương, Ngô Trọng Hiếu đều là những người tài trí, có tham vọng lớn; bản thân những nhân vật này lại kéo theo nhiều bạn hữu đáng tin cậy. Diệm còn mối quan hệ thân mật với Tổng giám mục Lê Hữu Từ - một cha cố được dân Công giáo Bắc Việt suy tôn là Hồng y giáo chủ; Diệm giao hảo với Nguyễn Ngọc Thơ - một đại điền chủ danh tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long. Lực lượng hậu thuẫn của Diệm có thể coi là không nghèo nàn.
Cô-nen vươn tay vỗ mạnh vai Rob để chứng tỏ sự tán thưởng:
- Tuyệt lắm! Mỹ cần một đồng minh như thế.
Chia tay với Rob, Cô-nen về nhà riêng gửi mật điện cho Giô-giép Bớt-tinh-giơ - một quan chức CIA phụ trách tuyển mộ và đào tạo.
*
Bớt-tinh-giơ nhận được điện của điệp viên chuyên sâu Luy-xiêng Cô-nen khi đang công cán tại Trường Đại học Mi-si-gân (thuộc bang Mi-si-gân, Mỹ) - Trường đào tạo quan chức hành chính, cảnh sát, kinh tế... từ cấp quận đến cấp Nhà nước, nhằm cung cấp nhân lực cho bộ máy cai trị của Mỹ và các quốc gia đồng minh phụ thuộc Mỹ. Việt Nam là “miền đất trống” đối với Mỹ. Từ khi Giám đốc CIA - A-len Oentơ Đa-lét quyết định thải Bảo Đại, Mỹ muốn tìm ở xứ sở xa xôi ấy một người đại diện cho lợi ích Mỹ hoặc là chỗ dựa cho thế lực Mỹ. Tổng thống Tơ-ru-man cũng đã có chỉ thị “xây dựng một nhân tố bắc cầu...”. Tình thế Đông Dương biến chuyển, yêu cầu nhân sự trở nên cần kíp, thế mà, “muôn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”. Bây giờ thì... Cô-nen làm việc giỏi thật!
Bớt-tinh-giơ vội thu xếp ngắn gọn công việc nằm trong nội dung chuyến công cán. Tiếp đó, tranh thủ gặp Phó giáo sư khoa chính trị của Trường Đại học Mi-si-gân Oét-lây Phi-sen để phối hợp hành động. Oét-lây Phi-sen là điệp viên của CIA. Dù không phải tất cả các giáo sư Trường Đại học Mi-si-gân là điệp viên của CIA, nhưng các quan chức trường này sẵn sàng cộng tác với CIA trên mọi lĩnh vực.
Trước khi chia tay, Bớt-tinh-giơ nói với Oét-lây Phi-sen:
- Kiến thiết cuộc gặp gỡ ở Nhật thì ít gặp rắc rối về ngoại giao. Tôi sẽ gửi điện thông báo cụ thể sau.
Khi ngồi định vị trên xe và Oét-lây Phi-sen đã quay đi mà Bớt-tinh-giơ còn gọi giật lại, dặn thêm:
- Hãy luôn ở tư thế sẵn sàng!
*
Bớt-tinh-giơ về tới trụ sở CIA vào buổi trưa thứ bảy.
Trụ sở CIA nằm trong khu rừng rậm Lan-ghi quận Phéc-phắc, bang Vớc-gi-ni-a là tòa nhà khổng lồ kết cấu bê-tông cốt thép, sơn màu xám nhạt, các cửa sổ tầng gác cao đều có song sắt vững chắc, các cửa sổ tầng dưới đều căng lưới thép đan dày, trên nóc khối nhà tua tủa cột ăng-ten... Nhìn toàn cảnh nó có dáng vẻ một kiến trúc quân sự chứ không phải tòa nhà hành chính sự vụ.
Điều hết sức đặc biệt là, ở đây rất yên tĩnh, yên tĩnh tuyệt đối, nếu loại trừ tiếng ríu rít của đàn chim sẻ đang sà xuống chao lên quanh các cột ăng-ten trên nóc khối nhà.
Bớt-tinh-giơ đi dọc hành lang, tới đoạn có tấm bảng lớn bằng đá hoa cương khắc câu kinh thánh - có thể là lời nhật tụng của các nhân viên CIA: “Và các người sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giác ngộ các người” thì một người gác tiến ra đứng chặn trước.
Cơ quan CIA thực hiện chế độ kiểm tra nghiêm ngặt, dù là quan chức CIA nhưng đi biệt phái về đều phải qua các khâu kiểm tra.
Bớt-tinh-giơ đang vội, không muốn mất thì giờ vì thủ tục bảo mật, chưa biết đề xuất thế nào cho có sức thuyết phục thì chợt trông thấy A-len Oentơ Đa-lét - Giám đốc CIA đi qua, Bớt-tinh-giơ hớn hở lên tiếng gọi:
- Thưa ngài Giám đốc!
A-len Oentơ Đa-lét ngoảnh lại, nhận ra quan chức dưới quyền, ông ta thản nhiên bảo:
- Đã về rồi đấy à! Hãy thực hiện cho đúng nội quy bảo mật. Ri-sớt Bít-xeo đang đợi anh về đấy!
Bớt-tinh-giơ khó chịu trong bụng, nhưng chính “sếp” đã nói vậy thì đành phải theo người gác vào phòng khách, ngồi xuống chiếc ghế phía trước kê chiếc bàn bằng foóc-mi-ca, trên bàn đặt sẵn tờ phiếu in sẵn, trong đó có các mục: gặp ai, làm gì, trong người mang theo vật gì... Bớt-tinh-giơ vừa hí hoáy điền vào chỗ trống trong tờ phiếu vừa cảm thấy động tác này là cần thiết nhưng quá cứng nhắc, làm việc không linh hoạt dễ lỡ mất thời cơ.
Làm xong thủ tục “nhiêu khê”, Bớt-tinh-giơ đặt bút xuống tờ phiếu với thái độ dằn hắt kín đáo. Ông ta không muốn “ông Trùm” biết phản ứng của mình. Tuy vậy khi gặp Vụ trưởng Vụ kế hoạch Ri-sớt Bít-xeo - “sếp” trực tiếp, ông ta vẫn thổ lộ tâm sự này.
Ri-sớt Bít-xeo phủ nhận phản ứng của người phụ tá:
- Nhanh một phút chậm cả đời! Khi biển ngủ yên hay khi nổi dông bão đều cần phải giữ vững tay lái.
Bớt-tinh-giơ vẫn chưa hài lòng đối với lề lối làm việc không linh hoạt, nhưng không muốn mất thì giờ về tác phong bảo mật quá rườm rà, cứng nhắc nên chuyển sang trình bày công việc khiến ông ta phải về gấp Lan-ghi.
Tai lắng nghe mà đầu óc Ri-sớt Bít-xeo vẫn tuôn chảy dòng suy nghĩ khẩn trương: Tình hình quân Pháp ở Điện Biên Phủ nguy ngập, Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương lộ ra khả năng Việt Nam phải chia làm hai miền, Pháp cuốn cờ... Nghe chưa hết mọi suy nghĩ của cấp dưới, Ri-sớt Bít-xeo đã đứng dậy. Đưa một nhân vật trần trụi lên vũ đài chính trị nhiễu nhương đâu có thể thực hiện trong một sớm một chiều.
- Đúng là không thể chần chừ! Chúng ta sang gặp Giám đốc A-len Oentơ Đa-lét.
*
A-len Oentơ Đa-lét tiếp cấp dưới ở ngay văn phòng Giám đốc. Thái độ trọng thị, hành vi lịch sự, ngôn từ thân mật... của sếp đối với cấp dưới khiến Bớt-tinh-giơ hài lòng, ấn tượng khó chịu về sự hờ hững của “sếp” trước Phòng bảo vệ tan biến lúc nào không biết. Đúng là một nhân vật lịch lãm!
A-len Oentơ Đa-lét là em trai Bộ trưởng Ngoại giao Phốt-xtơ Đa-lét, ông ta đã học ở An-bơn, Niu-oóc, Pa-ri và Prin-xtơn; dạy học ở ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản; hoạt động ngoại giao ở Viên (áo); làm luật sư suốt 15 năm ở phố U-ôn - bản doanh của các nhà tỉ phú Mỹ... Người ta cho rằng ông ta được sinh ra để và chỉ để làm nghề tình báo. Năm 1947, khi Quốc hội Mỹ quyết định giải tán CIG5, thành lập CIA6, người ta đã tham khảo nhân vật có năng khiếu tình báo bẩm sinh này, nhưng Giám đốc CIA hồi ấy lại là Đại tướng Oan-tơ Bi-đen Xmít, nguyên Tổng tham mưu trưởng của Ai-xen-hao thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ hai, A-len Oentơ Đa-lét chỉ giữ chức phó. Ngày mùng 10 tháng 2 năm 1953, thời kỳ Ai-xen-hao nhậm chức Tổng thống Mỹ, A-len Oentơ Đa-lét được bổ nhiệm làm Giám đốc CIA, thay Oan-tơ Bi-đen Xmít được chuyển sang làm Thứ trưởng Ngoại giao.
5Central Intelligence Group – Nhóm tình báo Trung ương, hậu thân của OSS.
6Central Intelligence Agency
Khi về làm chủ khối nhà màu xám đồ sộ ở Lan-ghi, A-len Oentơ Đa-lét cho treo trên tường đối diện với bàn làm việc của mình bức chân dung cố Tổng thống Ru-dơ-ven, người khởi xướng thuyết “phòng thủ Thái Bình Dương” để mỗi khi cần suy nghĩ, cân nhắc một vấn đề quốc gia hoặc quốc tế hệ trọng nào đó mà không có giải đáp ngay thì vừa tư duy vừa chiêm ngưỡng dung nhan vị Tổng thống lừng danh ấy mong tìm được sự hướng dẫn chỉ bảo.
Không thận trọng sao được. ở nước Mỹ này quyền lực nằm trong tay hoặc chịu sự chi phối của các nhà tài phiệt, các tập đoàn tư bản chứ không thực sự nằm trong tay các nhà chấp chính, Nhà nước chỉ là thứ công cụ, thứ vũ khí để các nhà tài phiệt, các tập đoàn tư bản thi thố các thế võ của họ. Nhà nước và công dân ai cũng cần tiền, cần tư bản, danh vọng lẫy lừng cũng dựa vào tiền mới có. Nhà nước duy trì cuộc sống của các tập đoàn tư bản, các tập đoàn tư bản là nguồn sống của Nhà nước. Hệ thống chính trị vững chắc, lực lượng quân sự hùng hậu... là khả năng duy nhất bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân. Sự nghiệp bảo vệ chế độ hiện hành ở Mỹ thể hiện qua đường lối chính sách của Hội đồng an ninh Mỹ, tai mắt tay chân của Hội đồng an ninh Mỹ là Hội đồng tình báo Mỹ - gồm bảy cơ quan. Cục tình báo Trung ương (CIA), Cục tình báo quốc phòng (DIA)7, Cục điều tra liên bang (FBI)8, Cục an ninh quốc gia (NSA)9, Sở tình báo giám sát việc đóng thuế của công dân (kể cả Tổng thống Mỹ) trực thuộc Bộ Tài chính, Sở tình báo và nghiên cứu (Bộ Ngoại giao), ủy ban năng lượng nguyên tử. Giám đốc Hội đồng tình báo Mỹ do Giám đốc CIA kiêm nhiệm. Nghĩa là A-len Oentơ Đa-lét, em trai Ngoại trưởng Phốt-xtơ Đa-lét, sủng thần của Tổng thống Ai-xen-hao nắm trong tay trọng quyền - quyền nghiêng thiên hạ. CIA gật đầu, mọi cái đều nên; CIA phẩy tay, thứ gì cũng xếp đống đã.
7DIA: Defense Intelligence Ayency.
8FBI: Federal Board of Investigation.
9NSA: National Security Agency.
A-len Oentơ Đa-lét xứng đáng với trọng trách ấy bằng tài trí cá nhân và bằng tài trí khổng lồ của màng lưới tình báo ngàn mắt ngàn tay vươn ra khắp trần gian.
“Phòng thủ Thái Bình Dương” là một phát kiến của thời đại, “xây dựng một quốc gia không cộng sản thân phương Tây” là một đối sách sắc bén chống cộng sản bành trướng. Muốn duy trì an ninh Mỹ rất cần tới xây dựng nhân tố “phòng thủ từ xa”.
Lúc này...
Bớt-tinh-giơ đề cập đúng vấn đề mà nước Mỹ đang quan tâm, chính Tổng thống Ai-xen-hao đã nhắc nhở Giám đốc A-len Oentơ Đa-lét nhiều lần về sự cần thiết ấy. Bớt-tinh-giơ quan chức phụ trách tuyển mộ và đào tạo nhấn mạnh:
- Diệm đáp ứng được tiêu chuẩn lựa chọn của Mỹ: Có tài năng và có xu hướng. Quan điểm rõ ràng.
A-len Oentơ Đa-lét ngước nhìn chân dung Tổng thống Ru-dơ-ven. Tổng thống mỉm cười, im lặng. Nhưng, hẳn ngài cũng cùng quan điểm với tôi, ủng hộ quyết định lựa chọn nhân sự của tôi.
- Hãy tổ chức đón Ngô Đình Diệm sang Mỹ. Phải khẩn trương khảo sát và thẩm tra. Chúng ta đã quá chậm trễ.
Bớt-tinh-giơ sang Phòng điện toán gửi điện báo cho Cô-nen biết ý đồ của Giám đốc CIA và kế hoạch đón khách.
*
Luy-xiêng Cô-nen đến Phòng trà Lãng Tử, ung dung ngồi xuống chiếc ghế đối diện với nhân vật đang săn tìm cơ hội.
Quan sát thấy một gã mũi lõ mắt xanh ngang nhiên ngồi trước Ngô Đình Diệm, một người cao lớn đứng bên quầy hàng cầm cốc thong thả bước lại gần. Cứ như một kẻ lãng tử giang hồ chẳng chút bận tâm đến việc đời. Nhưng hãy quan sát kỹ ánh mắt long lanh vụt sáng vụt tắt như tia chớp; tuy vậy, bản lĩnh của người này không nằm trong cặp mắt sắc sảo mà tiềm tàng trong khối óc và trái tim, có thể coi đó là khối óc chai lỳ và trái tim mẫn cảm của loài chó lài - chỉ trung thành với một chủ. Hắn cầm cốc nước đứng lơ vơ giữa dãy bàn ghế có khách và không khách, giữ một khoảng cách vừa đủ để tung một cú đá song phi đủ mạnh hạ gục gã lạ mặt nếu y có ý định hại chủ hắn.
Kẻ lì lợm này là Đỗ Mậu. Hắn vốn là lính khố đỏ, có công cõng Diệm chạy thoát khỏi cuộc truy đuổi của Việt Minh hồi trốn chạy trong rừng núi Thái Nguyên. Diệm coi hắn như ân nhân, hắn nhìn nhận Diệm như tớ đối với thầy. Sau này, khi Diệm làm Tổng thống Cộng hòa miền Nam, Đỗ Mậu trở thành con chó ngao bảo vệ chế độ.
Không ai hiểu tính nết của chó bằng chính chủ nó. Diệm hiểu Mậu và cũng hiểu người khách lạ qua thông tin do Ngô Đình Nhu cung cấp và qua quan sát trực diện. Ông ta đưa mắt, phẩy tay ra hiệu cho gã cận vệ tự nguyện biết ý tứ “không cần bận tâm”.
Hành vi của một kẻ bảo vệ vô danh tiểu tốt quan tâm tới người chủ sa cơ thất thế có sức thuyết phục đối với gã CIA lõi đời - Một phần do ấn tượng này mà Cô-nen quyết tâm ủng hộ Diệm đoạt quyền ở miền Nam và sau này hết lòng tiến cử Đỗ Mậu giữ chức Tổng giám đốc An ninh quốc gia.
Luy-xiêng Cô-nen tự giới thiệu thân phận; tiếp đó, thẳng thắn bộc lộ “thiện chí” theo đúng tác phong “đốt cháy giai đoạn” kiểu Mỹ:
- Ngài muốn có vận hội thì hãy đến xứ sở của Tự do.
Ngô Đình Diệm nhận thấy: quả là có dấu hiệu đáng quan tâm. Ông gọi hầu bàn thay bình trà mới, pha ấm nước mới, rề rà rót ra chén, từ từ đẩy tách trà về phía khách, giọng ông nhẹ nhưng khá rõ:
- Vào tuổi tôi không thích hợp với chuyện phiêu lưu mạo hiểm.
Đây là lời nói thăm dò hư thực.
Luy-xiêng Cô-nen kéo chén trà về phía mình, cầm chén lên toan uống lại thôi.
- Ngoài chế độ phong kiến cha truyền con nối ra, nhà chính trị nào cũng phải trải qua những bước phiêu lưu mạo hiểm. Tướng bại trận Đờ Gôn nếu không dũng cảm lập chính phủ lưu vong chống Đế chế Đức thì sao có thể được hơn năm mươi triệu công dân Pháp suy tôn. Các vị như Oa-sinh-tơn, Lanh-côn nhờ có quyết định đột xuất táo bạo mà trở thành những Tổng thống lừng danh của Mỹ. Nếu nước ngài chọn ngài là cứu tinh, ngài sẽ nhận được sự ủng hộ hùng hậu, rất hiệu quả của nước Mỹ.
Ngô Đình Diệm nhấp ngụm nước để khỏi phải trả lời ngay. Ông từng muốn tạo dựng cơ nghiệp và muốn trút cơn giận bị coi thường, bị bạc đãi, bị bỏ rơi. Xưa kia, ông không có chí hướng phục quốc như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...; việc Việt Nam nằm dưới ách đô hộ Pháp là vấn đề thuộc lịch sử, không ai có thể buộc tội ông về lỗi chẳng làm gì để bộc lộ tính tự cường “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”; có trách thì hãy trách kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”. Chuyện ông treo ấn từ quan tuy là miễn cưỡng nhưng “dở mà hóa hay”, hành vi ấy vô hình chung trở thành sự kiện có tiếng vang về tư tưởng và nhân cách, vì nhiều người gán cho nó là hành động xuất phát từ tư tưởng “bài phong phản đế”. Năm 1946, ông bị Việt Minh bắt giam, Quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng ra lệnh thả ông. Biết đâu nhờ “tiếng thơm” ơi hỡi kia mà ông được phóng thích. Bước chân khỏi nhà tù Việt Minh, ông lang thang nhiều nơi, ông thấy mình bơ vơ và vô dụng... Ông đến giáo hội Phát Diệm nương nhờ Giám mục Lê Hữu Từ - Vị Cố vấn Chính phủ Việt Minh này chưa vội làm mếch lòng Việt Minh khuyên ông nên chờ đợi thời. Ông trở lại Huế, nhưng sống bên mẹ và thằng em út cù lần chẳng được mấy ngày thì khói lửa chiến tranh bén tới Bình-Trị-Thiên. Ông không chịu nổi cảnh gian truân khổ cực ở vùng kháng chiến, dần dà phiêu dạt vào Sài Gòn. Ông ấp ủ mộng lớn nên nhẩn nha kết giao với những thân sĩ trí thức có danh vọng. Nhưng... ông đang ở cái thế cần câu nhỏ, dây câu ngắn không thể mơn trớn được cá lớn. Bây giờ thì... Ông hơi nhô người về phía trước, bóng gió hỏi:
- Tôi đang đứng trước thánh Pi-e gác cổng Thiên Đàng chăng?
Luy-xiêng Cô-nen nhún vai đáp theo ngôn từ của người đối thoại:
- Tôi tin chắc Tổng thống Ai-xen-hao xứng đáng là Thánh Pi-e nhân từ sẵn lòng mở rộng cổng Thiên Đàng giúp ngài ung dung bước vào kiến diện Đức Chúa cao cả.
Ngô Đình Diệm kín đáo quan sát người đối thoại rồi đưa mắt nhìn ra xa. Ông đang đứng giữa ngã ba đường, đi ngả nào? Ông không thể nuốt hận đi theo Việt Minh, họ đã cầm tù ông, họ đã sát hại thằng cháu đích tôn của chi Ngô Đình; ông càng không thể ủng hộ Pháp - kẻ đã bỏ rơi ông, coi thường ông. Vậy thì... Hẳn chúa đã an bài cho ông một con đường - dựa vào thế lực Mỹ để tạo dựng cơ đồ.
*
Nhờ có Đại tướng Ô Đa-ni-en - Trưởng phái đoàn MAAG ngầm bảo trợ, Ngô Đình Diệm thực hiện một chuyến du lịch sang Tô-ki-ô - thủ đô Nhật Bản một cách thuận chèo xuôi gió.
Diệm ngồi ở góc Phòng trà Trà Hoa Nữ, trong một khu phố tấp nập người qua lại, chờ người đến đón. Ông ngồi uống trà nhưng không uống trà mà bâng khuâng nghĩ về thân phận và vận hội, về may rủi và cân nhắc các chiều hướng cần ứng xử. Thân Bao Tư cầu nước Tần cứu viện để khôi phục nước Sở có tâm trạng xao xuyến, hồi hộp như ông không? Người Mỹ có thực tâm vô tư giúp ông định danh phận, dựng sự nghiệp không? Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công nổi tiếng về công cuộc “cứu khốn phò nguy”, cũng có danh thơm về những cử chỉ không vụ lợi... nhưng chỉ là những vấn đề không phương hại tới nghiệp bá của họ. Còn Mỹ? Có lẽ chẳng nên vội nghĩ nhiều...
Vừa lúc đó, một người cao lớn, mũi lõ tóc vàng, mặc âu phục màu mỡ gà, mắt mang cặp kính dày, tay xách cặp đen bước tới, một người á châu vừa là người nối liên lạc vừa làm phiên dịch rảo bước theo sau.
Ngô Đình Diệm biết phái viên Mỹ đến đón mình, nhưng vẫn lên tiếng hỏi:
- Tôi có hân hạnh được tiếp ai đây?
Vị khách cao lớn tự giới thiệu (qua phiên dịch):
- Tôi là Oét-lây Phi-sen, giáo sư Trường Đại học Mi-si-gân được chỉ thị tháp tùng ngài sang Mỹ.
Vài ngày sau, “đoàn công cán” lên máy bay vượt Thái Bình Dương về An Hác-bơ - trụ sở Trường Đại học Mi-si-gân. Giám đốc nhà trường - Giôn Ha-na đón tiếp khách thân mật, trịnh trọng nhưng không ồn ào.
Giôn Ha-na tổ chức cho Ngô Đình Diệm tiếp xúc, bàn thảo với hai mươi vị giáo sư nổi tiếng nhất của Trường Mi-si-gân. Ngô Đình Diệm giới thiệu tình hình, cung cấp tư liệu... để các giáo sư này nghiên cứu, lên kế hoạch mọi mặt cho một nhà nước tương lai: thể chế chính trị, tổ chức cảnh sát, biên chế quân đội, ngân sách...
Ngô Đình Diệm hoàn tất công việc với Trường Mi-si-gân vừa dịp Hồng y giáo chủ Xpen-man tới thăm, tiện tể dắt “con chiên đầu đàn” về tu viện Ma-rích Nôn. Đại tu viện Ma-rích Nôn ở bang Niu Giơ-xi là Thánh đường của Xpen-man.
Hồng y giáo chủ Xpen-man có ảnh hưởng lớn trong quan chức cao cấp Hoa Kỳ. Ngô Đình Diệm có cơ hội, cũng có thể là được giới thiệu hội kiến với Uy-li-am Đao-giớt - Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ; Thượng nghị sĩ Mai-cơ Men-xphin và các thành viên thuộc nhóm của ông ta; đặc biệt, Diệm được hội kiến với Giô-giép P.Ken-nơ-đy - cha đẻ Giôn Ken-nơ-đy - người mà sau này làm Tổng thống Hoa Kỳ (cùng thời gian với Ngô Đình Diệm làm Tổng thống nền Đệ nhất cộng hòa Sài Gòn); nhân vật thường xuyên gặp gỡ bàn thảo với Ngô Đình Diệm vẫn là Bớt-tinh-giơ, quan chức CIA phụ trách tuyển mộ và đào tạo.
Bớt-tinh-giơ hết sức yên tâm khi thấy Ngô Đình Diệm được lòng nhiều chính khách thần thế ở Mỹ và ông ta tỏ ra có bản lĩnh của một nhà hoạt động chính trị; năm 1953, Bớt-tinh-giơ đưa “kẻ đỡ đầu” về gặp Giám đốc CIA A-len Oentơ Đa-lét tại nhà nghỉ gần Trụ sở CIA ở vùng Lan-ghi.
A-len Oentơ Đa-lét tiếp vị nguyên thủ tương lai một cách trang trọng nhưng vẫn thân mật theo kiểu “ngài với tôi, chúng ta ngồi cùng thuyền”.
Ngô Đình Diệm bộc lộ:
- Tôi thành thực xúc động về tính vô tư của người Mỹ.
A-len Oentơ Đa-lét tỏ ý “chẳng đáng gì phải bận tâm” rồi hỏi:
- Theo ý ngài, nước Việt Nam của ngài theo chính thể gì là thích hợp?
Ngô Đình Diệm đã nung nấu kỹ vấn đề cốt tử ấy nên không phải đắn đo, cân nhắc nặng nhẹ mà đáp ngay:
- Chủ nghĩa cộng sản xóa bỏ chế độ tư hữu cá nhân, phủ nhận tín ngưỡng tôn giáo, phá dỡ đình chùa miếu mạo... đó là việc làm mất lòng dân. Chế độ phong kiến thuộc địa không còn đất tồn tại trong thế kỷ XX, sớm muộn gì nó cũng diệt vong. Tôi nghĩ, chẳng riêng gì Việt Nam mà cả thế giới sẽ áp dụng thể chế Cộng hòa theo mô hình tổ chức xã hội Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - Diệm nhấn mạnh - Dù tôi từng là Thượng thư tôi vẫn hâm mộ chế độ cộng hòa, một chế độ công bằng bác ái.
A-len Đa-lét tán thưởng:
- Chúng ta cùng một quan điểm. Tôi sẽ cùng ngài đến gặp Bộ trưởng Ngoại giao Phốt-xtơ Đa-lét, ông ta là anh tôi. Tôi sẽ đề nghị anh tôi bố trí cuộc hội kiến giữa ngài với Tổng thống Ai-xen-hao.
*
Mỹ muốn Bửu Lộc rời khỏi ghế Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm vào đó; Pháp đâu có hớ “rước hổ vào nhà” nên vin vào Bảo Đại mà khước từ, cho dù Pháp chưa hề tham khảo ý kiến Bảo Đại.
Đáp lại, cách ứng xử “không biết điều” ấy, Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao cáu kỉnh chỉ thị cho Bộ trưởng Ngoại giao Phốt-xtơ Đa-lét:
- Ngài hãy bay ngay sang Pa-ri tuyên bố cho Chính phủ Pháp biết: Thủ tướng Bửu Lộc quản lý không tốt viện trợ của Mỹ, tài sản của nhân dân Mỹ không thể vận động kém hiệu quả, thậm chí bị phung phí. Cần có sự chỉnh đốn cần thiết. Chính phủ Mỹ quyết tâm đi theo đường lối mới của mình. Nếu Pháp khăng khăng từ chối yêu cầu của Mỹ, Mỹ sẽ ngừng viện trợ, thậm chí không cho hoãn nợ.
Phốt-xtơ Đa-lét rời Oa-sinh-tơn bay sang Pa-ri gặp Bi-đôn - Bộ trưởng Ngoại giao Pháp.
Tại phòng Khánh tiết Bộ Ngoại giao Pháp, hai Ngoại trưởng hội đàm trong bầu không khí cởi mở, dù vấn đề họ bàn thảo là gay cấn.
Phôt-xtơ mở đầu bằng cú giáng bằng búa tạ:
- Tổng thống của chúng tôi bị sức ép dư luận đè nặng, không ngày nào không có ý kiến phê phán, chỉ trích tính kém hiệu quả của viện trợ; nhiều Nghị sĩ đòi thanh tra nội dung, tác dụng của viện trợ.
Bi-đôn biết Phốt-xtơ Đa-lét vin cớ, nhưng quả thực, ông cũng biết đường đi lắt léo của đồng đô la viện trợ. Tiền ở trong nhà, tiền chửa; tiền ra khỏi cửa, tiền đẻ. Đó là chân lý khắc vào đá hoa cương của cánh con buôn. Tuy vậy, ông vẫn chăm chú lắng nghe nhà thuyết khách Mỹ bộc lộ chủ kiến.
Thâm tâm Phốt-xtơ Đa-lét muốn nói toạc móng heo: “Những người sử dụng viện trợ là những kẻ vô trách nhiệm, quá ích kỷ khi lo toan lợi ích chung bao giờ họ cũng gắn vào đó lợi ích riêng, nhiều khi vì lợi ích riêng mà họ tạo ra những nhu cầu công ích”. Nhưng ám chỉ như thế thì khó xử cho ông bạn đồng nghiệp quá, nên rút gọn đối tượng chỉ trích, mà có thế mới hạ được mục tiêu:
- Nội các Bửu Lộc quá yếu kém trong xây dựng, nhưng rất thạo tạo ra những lỗ hổng, viện trợ thất thoát tới hai phần năm!
Bi-đôn và cả Thủ tướng La-ni-en biết tình trạng tham nhũng tồi tệ bên chiến trường Đông Dương - Viện trợ Mỹ là miếng đường thu hút đủ loại côn trùng hám ngọt, từ cấp tướng tá đến kẻ mạt hạng đều không bỏ qua cơ hội được nhấm nháp “của trời cho”. Tay đã nhúng chàm thì không thể nói cứng. Dù đứng trên thế yếu, Bi-đôn vẫn cố chống đỡ:
- Nhờ viện trợ của Mỹ mà Pháp duy trì được nhịp độ chiến tranh ở Đông Dương. Tuy nhiên, chúng tôi không thể phủ nhận một vài hành vi cần phải phê phán. Chính phủ Pháp đã thành lập Ban thanh tra để xử lý. Tôi tin rằng, có sự nỗ lực chung, chúng ta sẽ sớm khắc phục tình trạng tồi tệ đó.
Phốt-xtơ Đa-lét nhận thấy Bi-đôn đang tìm cách lảng xa chủ đề hội đàm, liền kéo giật lại. Không thể lơi lỏng!
- Thời gian không cho phép chúng ta chần chừ. Phải quyết định ngay mới tránh khỏi sự đổ bể. Chúng tôi cần có một thủ tướng Việt Nam đủ năng lực và đức độ có thể sử dụng, phân phối hợp lý, hiệu quả cao viện trợ của Mỹ. - Nhà thuyết khách chuyển giọng: - Tổng thống của chúng tôi đòi có công hàm trả lời ngay của Chính phủ Pháp khi tôi quay về Oa-sinh-tơn.
Bi-đôn hiểu đó là tối hậu thư, đối phương đòi hỏi trả lời dứt khoát: “có” hoặc “không”. Ông ta không thể đưa ra đáp án một cách dễ dàng nên tìm đường trì hoãn:
- Ngài sang Pháp, hẳn chưa có dịp tới thành phố Ri-vi-e-rơ nằm bên Địa Trung Hải. Tôi muốn mời ngài tới đấy thăm thú ít ngày; nhân tiện, chúng ta gặp Quốc trưởng Bảo Đại bàn rõ vấn đề nhân sự.
Phốt-xtơ Đa-lét biết tỏng giải pháp né tránh của Bi-đôn, ông ta vừa phê phán “người của các ông” vừa từ chối khéo:
- Có người nói cho tôi biết, Bảo Đại thường giải trí bằng cờ bạc thâu đêm, hoặc nhảy đầm cũng thâu đêm. Ai cũng có sở thích riêng. Vậy thì... chẳng nên phá ngang cuộc vui của ông ấy!
Quả là lời đay nghiến, sỉ nhục mềm mỏng mà có gang có thép. Dù sao chuyện tai tiếng mà Bảo Đại gây ra cũng là sự thật. Cãi sao lại với sự thật. Nghe cách nói đủ biết Mỹ sẽ không nhân nhượng, Pháp cũng khó có thể duy trì lập trường của mình. Sự nghiệp khôi phục kinh tế Pháp và công cuộc chinh phục Đông Dương, bình định An-giê-ri chưa xong, Pháp cần đến viện trợ của Mỹ. Cần nhiều là cái chắc.
- Ngài không muốn đi, tôi đành một mình thực hiện chuyến vi hành ngoại giao. Thưa ngài Bộ trưởng! Thay Thủ tướng theo tình thế là vấn đề tế nhị, Bảo Đại có cái khó của Bảo Đại. Chính phủ Mỹ giữ lập trường ấy thì Bi-đôn này lại cần phải cố gắng lần nữa. Tôi tin rằng Bảo Đại quan tâm tới khuyến nghị của Pháp.
*
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp - Bi-đôn thân chinh bay đến thành phố Ri-vi-e-rơ.
Dù có điện thông báo trước, Bảo Đại vẫn chẳng chịu ở nhà đón khách, ông ta đắm đuối trong sòng bạc. Đổng lý văn phòng Nguyễn Đệ tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Pháp vào phòng khách - nơi bà chủ đang đợi.
Nam Phương hoàng hậu phải khoản đãi Bi-đôn thay chồng. Thấy thái độ khách có vẻ không bằng lòng, Nam Phương chống chế:
- Ngài hẹn sáng nay tới, ông Vĩnh Thụy bồn chồn đợi ngài tận mười ba giờ trưa, ông sốt ruột... đoán rằng ngài gặp trở ngại chi đó nên bỏ đi giải khuây. Mong ngài thứ lỗi!
Bi-đôn đề nghị Hoàng hậu cử người đi mời Bảo Đại về để bàn bạc công việc cấp bách. ấy vậy mà một giờ sau chiếc xe Méc-xê-đéc màu đen mới đưa vị “Quốc trưởng phong lưu” “hồi cung” cùng với Phạm Bích - thư ký đặc biệt. Hình dung phờ phạc của Bảo Đại chẳng khác một anh chàng đổ bác mạt vận, có lẽ thua bạc. Mất mười phút nữa cho công việc rửa mặt, chải chuốt, chỉnh trang y phục... Bảo Đại mới có tư thế chững chạc ra tiếp khách.
Bi-đôn khá bực mình về thói lề mề kênh kiệu này. Hắn là cái thá gì kia chứ? Vì tâm trạng ấy, vị Bộ trưởng Ngoại giao Pháp vào đề khá sống sượng, khác xa tác phong điềm đạm thường ngày của ông ta:
- Thưa ngài Quốc trưởng! Chính phủ Mỹ đã công khai lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Bửu Lộc về cách điều hành nội các, nhất là sử dụng phung phí tiền viện trợ của Mỹ. Họ không muốn đô la của họ từ ngân khố đi ra rồi mất tích luôn; họ muốn Bửu Lộc phải rời khỏi ghế thủ tướng và muốn người của họ trực tiếp điều phối viện trợ.
Bảo Đại ngạc nhiên, hỏi:
- Thưa ngài Bộ trưởng! Mỹ muốn ai làm thủ tướng?
Bi-đôn quàng tay lên thành ghế phô-tơi dửng dưng đáp:
- Ngô Đình Diệm!
Bảo Đại nảy người lên như đỉa phải vôi, phản ứng theo cách của dân cờ bạc:
- Tui mà cùng làm việc với thằng cha nớ hả?
Bi-đôn không thay đổi tư thế, thản nhiên đối lại:
- Chính trường vốn có nhiều sự gán ghép gượng gạo, vì lợi ích lâu dài buộc phải chấp nhận cảnh trớ trêu.
Bảo Đại vung tay hệt động tác lia con bài, gườm gườm nhìn vào điểm nào đó khi gân giọng phê phán:
- Tui không thể ngồi chung chiếu với gã chạy trốn, bất trung bất nghĩa.
Thái độ “cứng rắn” của Bảo Đại khiến Bi-đôn chợt tỉnh ngộ, ông đến đây gặp Bảo Đại để thuyết phục chứ không phải để ra lệnh. Dẫu sao gã á Đông này cũng là một vị quốc trưởng, mang một phẩm cách nhất định nào đó, không thể nhìn nhận ông ta như một tên lính đánh thuê. Chính ông cũng ngậm đắng nuốt cay chứ chẳng riêng gì Bảo Đại. Ông thu tay đặt lên hai đầu gối, hơi ngả về phía trước, giọng nói điềm đạm có sức hấp dẫn người nghe:
- Thưa Quốc trưởng! Vì đất nước người lính dám hy sinh cả tính mạng mình. Tôi đọc sách thấy nước Trung Hoa láng giềng của ngài có giai thoại Câu Tiễn vì muốn phục quốc báo thù mà chịu đựng đủ đường tủi nhục, cay cực... từ nếm phân kẻ thù đến đêm đêm nằm ngủ trên gai nhọn. Chúng ta cùng ngồi trên con thuyền vượt thác, cần đồng tâm hiệp lực đưa con thuyền qua khúc hiểm nghèo. Chúng ta đều đoán biết dụng ý của Mỹ khi thay Bửu Lộc bằng Ngô Đình Diệm; nhưng khả năng của chúng ta không chống nổi quyết tâm của Mỹ.
Giọng Bảo Đại dịu lại:
- Ngài Bộ trưởng hãy nói rõ hơn!
Bi-đôn buộc phải bộc lộ có nhân có quả:
- Chính phủ Mỹ đã phái Bộ trưởng Ngoại giao Phốt-xtơ Giôn Đa-lét sang Pa-ri, trực tiếp thông báo với Chính phủ Pháp: Thủ tướng Bửu Lộc làm thất thoát viện trợ của Mỹ khiến Chính phủ Mỹ bị dư luận công chúng chỉ trích; nhóm nghị sĩ cánh tả phê phán hoạt động viện trợ khá gay gắt, họ đang chuẩn bị thủ tục đòi nội các Mỹ phải ra điều trần trước ủy ban Ngân sách Quốc hội. Chính phủ Mỹ đối phó bằng cách thay đổi nhân sự. Họ muốn Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng để quản lý viện trợ, dựng hàng rào che chắn dư luận. Nếu Pháp và Việt Nam khăng khăng từ chối yêu cầu của Mỹ, Mỹ sẽ ngừng ngay viện trợ, thậm chí không cho hoãn nợ.
Bảo Đại âm thầm cân nhắc. Thú chơi cờ bạc giúp ông mở rộng tầm hiểu biết “nhà giàu cậy của, kẻ khó nhịn nhục van xin của bố thí”. Có lẽ đó là quy luật vận động của xã hội cạnh tranh. Nhà giàu đóng cửa, nhà khó nhờ ai? Chính phủ Pháp cũng phải vì nể Mỹ, không dám công khai chống lại chủ trương đường lối của Mỹ, cho dù chủ trương đường lối ấy gây thiệt hại cho quyền lợi của Pháp. Ta đang ở thế đường hẻm gặp oan gia, không nhường thì chỉ có chết. Ông đành phải tạm lùi một bước.
- Nếu Chúa Trời định như thế, tui xin tuân theo ý Người.
Đã có cơ hội, Bi-đôn thúc ép đến cùng:
- Tôi đợi nhận văn thư bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng của ngài để mang về Pa-ri.
Đến mức này thì Bảo Đại chỉ còn cách “tuân theo định mệnh”.
Ông ta vẫy Phạm Bích lại gần, Phạm Bích là con Phạm Quỳnh, Thủ tướng thời Nhật đảo chính Pháp. Còn nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh, cha làm tay sai cho Nhật, con giúp kẻ làm tay sai cho Pháp là điều đương nhiên. Bích thạo văn chương, lễ luật nên được Bảo Đại dùng làm người chuyên thảo công văn, chỉ dụ.
Sau khi trao “giấy báo tử” chế độ tầm gửi, Bảo Đại bảo Đổng lý văn phòng viết mật thư gửi Thủ hiến Bắc Kỳ - Nguyễn Hữu Trí, Thủ hiến Trung Kỳ - Phan Văn Giáo, Thủ hiến Nam Kỳ - Nguyễn Văn Tâm, chỉ thị cho họ từ chức, hội tụ tại Sài Gòn, tập họp lực lượng đối phó với Ngô Đình Diệm - kẻ ủng hộ tham vọng Mỹ. Dưới bức mật thư chỉ điểm rõ: Pháp sợ Mỹ nhưng Pháp không bỏ rơi ta. Hãy khai thác sự ủng hộ của Cao ủy Pháp và Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
*
Tình hình quân viễn chinh Pháp vô cùng nguy ngập. Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương đang đi tới giai đoạn kết, chắc chắn quân Pháp rút khỏi Đông Dương. Mỹ phải sẵn sàng!
Cuộc họp bàn thảo vấn đề: Pháp yêu cầu Mỹ cho thêm máy bay B.26 và thợ máy để cứu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Mỹ chủ trương thỏa mãn yêu cầu của Pháp với điều kiện Pháp phải để cho Mỹ đặt một Nhóm liên lạc bên cạnh Bộ Tham mưu của Đại tướng Na-va, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Cuộc họp được tiến hành trong tầng hầm tại Tòa Nhà Trắng. Thành phần gồm có: Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ trưởng Ngoại giao, Giám đốc Cục tình báo Trung ương (CIA), Chủ tịch tham mưu trưởng Liên quân và chuyên gia lật đổ: ét-uốt Lên-xđên.
Ét-uốt Lên-xđên mà sau này gợi cảm hứng tạo nên cuốn sách “Người Mỹ trầm lặng”, “Người Mỹ xấu xa”... và tài liệu Lầu Năm Góc nhận định có Hành tung rất bí mật là nhân vật ra sao nhỉ. Hắn sinh ra tại Đi-tơ-roi, học trường Đại học Ca-li-pho-ni-a, là sĩ quan không quân. Những năm 40 từng làm Cố vấn cho Tổng thống Phi-lip-pin Mắc-xay-xay diệt nghĩa binh Huk. Năm 1963 về hưu với lon Trung tướng; năm 1965 trở lại Việt Nam làm trợ lý đặc biệt cho đại sứ Ca-bốt Lốt thực hiện chương trình bình định ở miền Nam.
Tổng thống Ai-xen-hao khai mạc buổi họp bằng lời tuyên bố:
- Trận chiến trên thung lũng Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt, nếu Mỹ không có hành động tích cực, quân viễn chinh Pháp sẽ thất thủ. Pháp mất Điện Biên Phủ, Pháp sẽ mất cả Đông Dương; tình hình không thể đảo ngược, xu thế Hội nghị Giơ-ne-vơ và tình thế chiến trường đều dẫn đến kết thúc bi thảm đối với tham vọng Gô-loa. Đây là thời cơ của Mỹ. Các ngài phải sẵn sàng ở mọi nơi, mọi lúc. - Ông ngoảnh về phía Phốt-xtơ Giôn Đa-lét nhìn như mũi dùi xiên thẳng, hỏi: - Ngài hãy cho biết kết quả cuộc công cán?
Bộ trưởng Ngoại giao Phốt-xtơ Giôn Đa-lét đáp:
- Thưa Tổng thống! Chính phủ Pháp và Bảo Đại đã đồng ý đưa Thủ tướng Bửu Lộc ra khỏi nội các Bảo Đại, thay vào đó là Ngô Đình Diệm.
Tổng thống Ai-xen-hao đặt hai tay lên bàn gật đầu hài lòng:
- Tốt! Ngài làm việc rất tốt! - Ông ngoảnh mặt về phía A-len Oentơ Đa-lét, hỏi: - Công việc của ngài ra sao?
Giám đốc CIA A-len Oentơ Đa-lét trả lời ngắn gọn:
- Thưa Tổng thống! Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị chu đáo, ông Diệm sẽ ở vào cảnh một người một ngựa giữa chiến trường, chẳng khác gì đưa chân vào miệng cọp.
Ai-xen-hao cười. Vị cựu Tổng tư lệnh khối Hiệp ước Na-tô có một thói quen rất “lính”: thích gặp khó khăn để khắc phục khó khăn. Bản lĩnh chiến trận của vị đại tướng này thể hiện ở cá tính ấy. Ông hướng về phía ét-uốt Lên-xđên, hơi nghiêng người về phía trước, trịnh trọng tuyên bố:
- Sự nghiệp phá bỏ một thể chế cũ để xây dựng một thể chế mới, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã giao cho Đại tá ét-uốt Lên-xđên. Này đại tá! Người mà đại tá phải giúp đỡ là Ngô Đình Diệm. Đại tá có toàn quyền hành động nhằm biến không thành có, yếu thành mạnh. Hẳn sẽ có một vài người Pháp và Việt Nam cản chân Đại tá. Nhưng, chẳng sao. Chính phủ Mỹ là hậu phương tin cậy của Đại tá, Chính phủ Pháp cũng phải ủng hộ các hành động của Đại tá. - Ông ngừng lời, nhìn lướt như điểm danh các quan chức tham dự buổi họp, nói tiếp: - Này các ngài! Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ yêu cầu tất cả các ngài, không có ngoại lệ, ủng hộ một cách có hiệu quả chủ trương mới về Đông Dương của Hoa Kỳ. Chểnh mảng phận sự sẽ bị khiển trách, chống đối chính sách mới của Chính phủ phải đến tòa án để giải thích.
*
Chuyên gia lật đổ ét-uốt Lên-xđên cùng hai sĩ quan giúp việc: Brát-lây và Đin Sớc-sin đã đến Sài Gòn qua sân bay Tân Sơn Nhất. Trên danh nghĩa, đại tá ét-uốt Lên-xđên là thành viên thuộc Phái bộ MAAG dưới quyền Đại tướng Ô Đa-ni-en, kỳ thực, Trưởng phái bộ Ô Đa-ni-en chỉ là người cầm cờ múa may theo hướng gió mà ét-uốt Lên-xđên muốn tạo ra. Tổng thống Ai-xen-hao đã ra nghiêm lệnh: “Bằng sự nỗ lực tối đa hỗ trợ sự nghiệp của Mỹ ở Việt Nam mà Đại tá ét-uốt Lên-xđên được ủy quyền thực hiện. Bất kể ai chểnh mảng đều bị khiển trách. Tổng thống Mỹ không muốn đưa quan chức của mình ra Tòa án”.
Phó trưởng đoàn Phái bộ MAAG thân chinh ra tận sân bay, tháp tùng Đặc phái viên của Tổng thống về trụ sở Phái bộ.
Ngày hôm sau, Đại tướng Ô Đa-ni-en và các sĩ quan chỉ huy Ban, Ngành tề tựu ở hội trường. Đích thân Ô Đa-ni-en làm chủ tọa chứng tỏ vai trò quan trọng đặc biệt và quyền lực của vị Phái viên được Tổng thống cử sang Việt Nam thực hiện quốc sách của Mỹ. Đại tướng Trưởng đoàn Cố vấn MAAG đứng lên, hướng về phía khách nói:
- Tôi giới thiệu với quý ngài đây là Đại tá ét-uốt Lên-xđên, người mà Tổng thống giao cho sứ mệnh nặng nề ở xứ sở này. Đại tá có toàn quyền độc lập hành động và toàn quyền đòi hỏi sự phục vụ hết lòng của tất cả chúng ta. Đại tướng Trưởng phái đoàn Cố vấn MAAG yêu cầu các quý ngài vì nền an ninh, vì niềm vinh quang của nước Mỹ mà tận tâm tận lực. Tổng thống có chỉ thị: Ai có công được ban thưởng, ai lơ là sẽ bị khiển trách.
Sau tiếng vỗ tay như pháo ran, ét-uốt Lên-xđên đáp từ.
- Tôi vô cùng xúc động và biết ơn vì sự trọng thị của Đại tướng và quý ngài. Tôi mong được cộng tác với quý vị. Tôi muốn được quý ngài cho biết tình hình các mặt, chủ yếu về các mặt chính trị, xã hội, quân sự.
Đại tướng Ô Đa-ni-en đáp:
- Phái bộ đã nhận được chỉ thị của Tổng thống và lời dặn dò của Bộ trưởng Ngoại giao nên có sự chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Đại tá.
Trưởng đoàn giao công việc chủ trì buổi họp cho Phó trưởng đoàn, thác cớ bận công chuyện rồi rời phòng họp.
Các sĩ quan chỉ huy lần lượt thông báo cho Đặc phái viên của Tổng thống biết tình hình các mặt của quân viễn chinh Pháp, chính quyền Bửu Lộc, các sắc lính bản địa... Các sĩ quan nắm khá chắc công việc của mình đảm nhiệm nên trả lời tất cả những câu hỏi của vị chuyên gia lật đổ.
Hội nghị thông báo, giải đáp tình thế kéo dài suốt ba ngày mới đủ khiến vị chuyên gia lật đổ hài lòng.
Cuối cùng, ét-uốt Lên-xđên đứng lên trịnh trọng nói lời cảm ơn Đại tướng và các quan chức quân sự, dân sự.
Đại tướng Ô Đa-ni-en tới dự buổi kết thúc cuộc họp, ông hứa hẹn:
- Tuân theo chỉ thị của Tổng thống, chúng tôi sẽ ủng hộ Đại tá hết lòng.
Ô Đa-ni-en muốn bố trí cho ét-uốt Lên-xđên ở một tòa biệt thự lớn ở Đại lộ Pôn Đu-me, nhưng người Mỹ trầm lặng từ chối.
*
Chiều tối, Luy-xiêng Cô-nen đánh xe đến đón ét-uốt Lên-xđên đi qua mấy phố vắng vẻ, vòng ra sau Nhà thờ Đức Bà, đi lên hướng đường Duy Tân, dừng trước tòa biệt thự ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào sắt sơn màu xanh, trước biệt thự là mảnh vườn nhiều cây lớn, ánh đèn điện như cố len lỏi mới chiếm được khoảng trống trên mặt đất.
Một người từ gian phòng bên trái biệt thự hối hả bước ra mở cổng cho xe lăn bánh vào sân. Luy-xiêng Cô-nen xuống xe, vừa lúc ét-uốt Lên-xđên cũng xuống xe. Trông thấy người mở cửa là một gã á Đông, ét-uốt Lên-xđên quan sát nhanh rồi theo hướng dẫn của Luy-xiêng Cô-nen bước lên bậc tam cấp.
Luy-xiêng Cô-nen là người tinh ý, thoáng qua mà đã biết thái độ hoài nghi của “sếp” với người giúp việc. Anh giới thiệu vắn tắt:
- Đại tá có thể đặt tin cậy hết lòng ở anh ta, chó cũng không trung thành, dám chết vì chủ như anh ta đâu. Đại tá có một hầu phòng, đầu bếp, liên lạc, lái xe, bảo vệ hoàn hảo nhất đất Sài Gòn nhốn nháo này đấy. Tên anh ta là Thanh Sơn, thường gọi là Tư Sơn.
Ét-uốt Lên-xđên gật đầu, nói luôn:
- Thiếu tá cho người đi đón Brát-lây và Đin Sớc-sin.
Đại úy Brát-lây, Thiếu tá Đin Sớc-sin là thư ký, thông dịch và thầy dạy tiếng Việt của ét-uốt Lên-xđên. Họ không có vị thế cùng ngồi bên “sếp” trong cuộc họp với các vị tướng tá cao cấp Phái bộ MAAG trong mấy ngày vừa rồi nên được “sếp” cho đi ngoạn cảnh Sài Gòn, nhân tiện tìm hiểu, khảo sát các mặt trong đời sống xã hội của một thành phố nổi tiếng là Viên ngọc á Đông.
*
Ét-uốt Lên-xđên được Phái bộ MAAG cung cấp cho những thông tin khiến ông có thể hình dung được thực trạng chiến trường, chính trường Việt Nam, đặc biệt là tình hình các đảng phái - những con rắn độc thập thò cửa hang hoặc luồn trườn dưới vạt cỏ dại. Bọn này ít nhiều gì cũng là đồng minh của Pháp.
Hòa Hảo không thúc thủ ở Châu Đốc, Cao Đài không bó mình dưới chân núi Bà Đen; ảnh hưởng tín ngưỡng của họ loang khắp đồng bằng sông Cửu Long và miền Tây Nam Bộ, đạo nào cũng có hàng vạn đệ tử, hàng nghìn tay súng; đảng Bình Xuyên càng lộng hành hơn. Các quan chức, tướng lĩnh ủng hộ Bảo Đại cũng có dấu hiệu phản ứng...
Cuộc họp với Phái bộ MAAG là cần thiết nhưng không quan trọng bằng cuộc trao đổi tay đôi với Thiếu tá Luy-xiêng Cô-nen. Anh ta mới là tủ lưu trữ tư liệu, là nhà kho chứa các sự kiện, tình huống... cần khai thác.
Nói chuyện với Luy-xiêng Cô-nen, ét-uốt Lên-xđên muốn khảo sát vấn đề quan tâm nhất của người điệp viên nằm vùng.
- Theo Thiếu tá, trong ba phe phái có lực lượng vũ trang ở miền Nam này, phe phái nào trung thành với Pháp nhất?
Luy-xiêng Cô-nen đáp:
- Đảng Bình Xuyên!
Ét-uốt Lên-xđên lại hỏi:
- Phe phái nào là gai góc, sỏi đá nhất đối với chúng ta?
Luy-xiêng Cô-nen đáp:
- Đảng Bình Xuyên!
Ét-uốt Lên-xđên chỉ thị:
- Thiếu tá cho biết những điều quan trọng về họ!
Thành phần Đảng Bình Xuyên bao gồm những gã anh chị giang hồ hoặc thất cơ lỡ vận được Bảy Viễn cưu mang, chúng rất lỳ và trung thành với Bảy Viễn. Thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Bảy Viễn chỉ huy Chi đội Bình Xuyên trong hàng ngũ Việt Minh chiến đấu chống Pháp, sau được Việt Minh đề bạt làm Khu phó khu 7. Những tên lục lâm giang hồ quen sống buông thả nên không chịu nổi khuôn phép kỷ luật của những người cách mạng, Bảy Viễn bí mật cấu kết với tình báo Pháp mưu toan đánh úp Việt Minh. Bị lộ, Bảy Viễn dẫn mấy chục tay chân thân tín chạy ra đầu hàng Pháp. Bảy Viễn lên kế hoạch chỉ điểm, dẫn đường cho quân Pháp bình định tuyến đường 15 đi Vũng Tàu, sông Long Tảo, bến cảng Sài Gòn, và tiếp đó đánh vào Chiến khu nhưng thất bại. Tuy vậy, Pháp cơ cơ hội tuyên truyền ầm ĩ: Khu trưởng khu 7 Việt Minh - Đảng trưởng Bình Xuyên về hàng. Bảy Viễn chứng tỏ lòng trung thành với Pháp bằng các hành động đánh phá cách mạng, giết hại dân lành... Pháp thăng cấp cho Bảy Viễn dần tới hàm Thiếu tướng, giao cho chỉ huy lực lượng Công an cảnh sát thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và bảo vệ những vùng do Bảy Viễn giúp Pháp bình định. Pháp muốn tạo vốn liếng chính trị cho tên tay sai đắc lực xuất thân từ tướng cướp nên giúp sức cho hắn thành lập Mặt trận Bình dân. Từ đó, thằng cướp hung bạo trở thành lãnh tụ Mặt trận Bình dân. Nhờ Pháp vận động và nhờ “danh tiếng”, Bảy Viễn lôi kéo được một số trí thức vào Mặt trận để che lấp khuôn mặt gớm ghiếc, nhơ nhuốc của một đảng phái gồm những tên thuộc thành phần bất hảo: Nhà báo Hồ Hữu Tường làm Chủ nhiệm báo Đời Mới - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Bình dân, đồng thời giữ chức Hội trưởng Hội hồng y tiên tử; Trần Văn Ân (từng làm Bộ trưởng thời Pháp dựng chính phủ Nguyễn Văn Xuân) bỏ đảng Xã hội sang làm Chủ nhiệm báo Đời Mới; Nguyễn Hữu Thuần hai lần làm Bộ trưởng - Chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân, tiếp đó là chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Hữu; Trịnh Khánh Vàng, một tên đảo ngũ... bọn “trí thức tả pí lù” này họp thành Cố vấn đoàn của Bảy Viễn.
Sau khi nghe Luy-xiêng Cô-nen lược tả, ét-uốt Lên-xđên đặt vấn đề:
- Bảy Viễn từng bỏ Việt Minh đầu hàng Pháp, có khả năng hắn bỏ Pháp theo Mỹ không?
Luy-xiêng Cô-nen biết rõ bản chất tên hoạt đầu ngoan cố ấy, hắn thực sự không thuộc loại “sớm đánh chiều đầu” nên đáp:
- Việt Minh không đem đến lợi ích thiết thực, lại phải sống theo kỷ luật khắc khổ nên Bảy Viễn rời bỏ hàng ngũ họ. Bảy Viễn gắn bó với Pháp vì Pháp cho hắn nhiều đặc quyền đặc lợi, hắn là kẻ thực tế không khi nào thả chim tìm bóng.
Ét-uốt Lên-xđên thấy Luy-xiêng Cô-nen không diễn giải thêm, liền nhắc:
- Hãy nói rõ hơn!
Luy-xiêng diễn giải:
- Bảy Viễn là trùm xã hội ăn chơi, xã hội đen - là bố già Ma-phi-a... được Pháp bảo hộ ở đất Sài Gòn. Trong tay Bảy Viễn có nhiều đàn em trợ thủ, tên nào cũng quỷ quyệt, tàn bạo: Hoa kiều Lâm Đường quản lý ba sòng bạc lớn; Lý Tấn Đường độc quyền bán thuốc phiện và trông coi trên trăm tiệm hút; Tào Khế Vượng điều khiển khu giải trí Bình Khang (khu gái điếm) và ngót ngàn gái gọi; Sáu Làn là đại ca của ngót vạn phu khuân vác; khu Đại Thế Giới cũng là mỏ vàng của hắn. Hàng năm Bảy Viễn nộp cho Pháp vài trăm triệu Đông Dương, biếu Bảo Đại bốn mươi triệu.
Ét-uốt Lên-xđên gặng hỏi:
- Không thể lôi kéo, mua chuộc được Lê Văn Viễn?
Thiếu tá tình báo nằm vùng khẳng định:
- Đó là điều chắc chắn!
Chuyên gia lật đổ quyết định:
- Phải trừ khử Lê Văn Viễn!
Thiếu tá tình báo nằm vùng bác ngay:
- Việc đó rất khó! Bảy Viễn có đội cận vệ trung thành, sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí. Chỉ huy Đội cận vệ là Ba Búa. Ba Búa cao lớn mạnh mẽ, giỏi võ thuật, thạo bắn súng. Tổng hành dinh của Bảy Viễn rất kiên cố nằm bên con Kênh Đôi, cạnh cầu chữ Y, đột nhập không dễ.
Chuyên gia lật đổ phủ nhận:
- Nếu muốn, ngay đến Tổng thống cũng có thể ám sát.
Thiếu tá tình báo nằm vùng vốn muốn “làm thịt” cả bày Bình Xuyên để mở rộng thị trường thuốc phiện cho Hoàng - Đại tá tình báo Đài Loan làm việc dưới quyền hắn nên vẫn không cho đó là giải pháp tháo gỡ:
- Mấu chốt quan trọng của vấn đề là Bảy Viễn này chết sẽ có Bảy Viễn khác lên thay.
Ét-uốt Lên-xđên chuyển hướng tấn công:
- Bọn thuộc hạ của Viễn thì sao?
Luy-xiêng Cô-nen tinh ý hiểu ngay ngọn ngành, hắn hưởng ứng:
- Đại tá chủ trương “chia để trị” rất đúng ý tôi lại phù hợp với thực tế. Cần lợi dụng mâu thuẫn, biến mâu thuẫn nhỏ thành mâu thuẫn lớn, đẩy mâu thuẫn lớn lên thành thù địch.
Ét-uốt Lên-xđên nheo nheo mắt. Ông ta mừng thầm có được một trợ thủ hiểu biết tình hình lại thông minh linh hoạt, ông ta khích lệ:
- Quả không hổ mặt là người xông pha dày dạn ở Việt Nam. Thiếu tá đã suy nghĩ như thế, vậy có phương hướng gì không?
Luy-xiêng:
- Tôi quen biết Thái Hoàng Minh, Tham mưu phó của Bảy Viễn. Tôi sẽ khai thác nhân tố này. Nhưng muốn làm được việc đó phải cần có nhiều tiền.
Ét-uốt Lên-xđên tỏ ý thoải mái:
- Thiếu tá sẽ được đáp ứng!