Trong màn đêm, những người lính chiến trường mệt mỏi đang sung sướng đón nhận những giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi. Lúc đó, họ có được chốc lát thời gian thoát khỏi âm thanh gầm rú của hỏa lực, những tiếng rên rỉ của đồng đội bị thương và cả nỗi lo cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào. Họ châm lửa hút thuốc và thì thầm trò chuyện về những ước mơ, khát vọng của mình, hay chỉ nằm yên lặng ngắm nhìn bầu trời đêm đầy sao, để cho nỗi nhớ quê hương tràn ngập cõi lòng.
Riêng đại úy Robert Ellicombe của quân đội Liên bang vẫn không có một giây phút thảnh thơi. Đó là năm 1862, khi cuộc nội chiến Nam - Bắc của nước Mỹ đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Mặc dù trên chiến trường, lính Liên bang đang áp đảo đối phương, nhưng ông vẫn không yên lòng và không hề cảm thấy vui mừng. Trong cuộc chiến này, đất nước ông đã chia cắt làm hai, anh em cùng nòi giống chống lại nhau và gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu... Đang trăn trở suy nghĩ, bỗng nhiên ông nghe thấy một âm thanh rất khẽ. Đó là tiếng rên đau đớn của một người lính, có lẽ anh ta đã bị thương và bị đồng đội bỏ quên gần vị trí đóng quân của ông. Ellicombe phân vân: "Có phải là quân Liên bang không nhỉ?" Ông liếc nhìn xung quanh, những người lính của ông không hề nghe thấy tiếng rên ấy. "Nhỡ đâu anh ta không phải là quân Liên bang thì sao? Nhưng dù là ai đi nữa, anh ta cũng đang cần giúp đỡ. Mình không thể làm ngơ trước một người như thế".
Ellicombe bò sát mặt đất hướng về phía phát ra tiếng rên rỉ yếu ớt ấy. Mười đầu ngón tay của ông rớm máu khi chạm phải những mảnh đạn ngổn ngang ghim khắp mặt đất. Ông thầm cảm ơn bóng đêm đã giúp ông tránh khỏi những họng súng đe dọa của đối phương và cả những cái nhìn nghi kị của đồng đội ông. Khi ông đến nơi, tiếng rên ấy đã ngắt quãng và đang có vẻ yếu dần. Cố gắng kéo được người lính về trại, ông kiểm tra mạch đập của anh ta nhưng đã quá trễ. Người lính ấy đã tắt thở.
Người lính này mặc đồng phục của phe đối phương, khuôn mặt của anh ta vẫn còn quá trẻ... Ông Ellicombe choáng váng khi nhìn rõ gương mặt của anh lính tử trận. Ông không những biết rõ mà còn ngắm nhìn gương mặt này mỗi ngày từ khi nó còn là một đứa trẻ đỏ hỏn. Tấm hình chụp gương mặt này vẫn luôn được ông mang theo bên mình và thường đem ra nhìn mỗi lúc rảnh rỗi. Nỗi đau đớn phút chốc như xé nát tâm hồn ông.
Đó chính là con trai của ông. Ông vẫn tự hào về chàng trai tài năng, thông minh và có niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt này. Khi cuộc chiến bắt đầu nổ ra, anh là sinh viên của một học viện nổi tiếng ở miền Nam nước Mỹ. Cũng từ đó, ông Ellicombe mất liên lạc với con trai của mình. Bây giờ, ông đau đớn ôm ghì lấy xác con và gục khóc nức nở. Trái tim ông như tan ra từng mảnh.
Trong cơn tuyệt vọng, ông nhìn thấy trong túi áo của con có một mảnh giấy nhàu nát. Đó là lời một bài hát gồm cả phần nhạc đệm mà có lẽdo con trai ông đã viết ra trên chiến trường khốc liệt.
Sáng sớm hôm sau, đại úy Ellicombe xin phép được tổ chức lễ tang cho con trai. Tuy chàng trai là lính của phe đối lập, nhưng cấp trên vẫn tạo điều kiện cho ông chôn cất con trai tử tế, chỉ trừ một điều là không thể dùng bài hát truy điệu truyền thống của quân đội Liên bang.
Trong tay đại úy vẫn còn cầm mảnh giấy nhàu nát của con trai. Tuy Ellicombe không hiểu biết về âm nhạc nhưng ông quyết định lấy bài hát đó để làm nhạc lễ truy điệu cho con trai của mình. Ông nghĩ, đây có thể là dịp duy nhất để bài hát này được cất lên. Nó sẽ như lời an ủi đứa con yêu thương của ông trong lần tiễn biệt cuối cùng.
Khi điệu nhạc vang lên, tất cả những người viếng tang đều xúc động và cảm nhận giai điệu bài hát thật hào hùng, mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết. Nó hòa quyện vào nỗi tiếc thương trong lòng mỗi người về sự hy sinh cao cả của những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Hơn một thế kỷ trôi qua, bản nhạc gắn liền với câu chuyện bi thương của hai cha con đại úy Ellicombe đã trở thành một huyền thoại, và là giai điệu không thể thiếu trong bất kỳ một lễ tang nào của quân đội Hoa Kỳ.
- Hoa Phượng
Theo The Stories of Life