Trong khoảng 6 năm, tôi nhiều lần được gặp và trò chuyện với Đại tá Lưu Văn Lợi (1913-2016), nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ tại nhà riêng của ông trên căn gác nhỏ nằm ở phố Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội.
Những năm ấy, nhà ngoại giao lão thành đã ở tuổi ngoài 90. Mặc dù không thể đi lại được nhưng trí nhớ của ông vẫn rất tốt. Trực tiếp có mặt ở nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, ông kể rành mạch về những sự kiện và nhân vật mà ông từng gắn bó. Trong đó có đồng chí Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ)-người mà khi trò chuyện với chúng tôi, ông gọi với cái tên thân mật: Anh Hai Hùng.
Chuyến công du đáng nhớ
Năm 1956, đồng chí Lưu Văn Lợi, khi ấy là Chánh văn phòng đoàn đại biểu Việt Nam trong Ủy ban Liên hợp Trung ương thi hành Hiệp định Geneve gặp và bắt đầu làm việc với đồng chí Phạm Hùng-người về thay đồng chí Hoàng Anh chỉ đạo Ban thi hành hiệp định của ta. Nhưng chưa đầy một năm sau, đồng chí Phạm Hùng lại được cử làm Bộ trưởng Phủ thủ tướng, rồi Phó thủ tướng nên ông chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều. Đến tháng 1-1958, khi Bộ Ngoại giao làm công tác chuẩn bị để Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm chính thức Ấn Độ, Miến Điện (Myanmar), thì đồng chí Lưu Văn Lợi được chỉ định tham gia đoàn thư ký phục vụ chuyến đi, dưới sự điều hành trực tiếp của Phó thủ tướng Phạm Hùng.
Ông Lưu Văn Lợi kể: “Hai ngày trước khi lên đường, ông T.N.Kaul, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế, tổ chức tiệc chiêu đãi đoàn. Trong bữa tiệc, Bác Hồ kể lại sự kiện ông Gandhi trước đây đi dự quốc yến của Nữ hoàng Anh với bộ áo vải thường mặc và đi dép. Lính bảo vệ hoàng gia ngăn ông lại vì ông không mặc lễ phục (áo đuôi tôm-PV). Ông Gandhi đã nói: “Tôi nghĩ nữ hoàng mời tôi chứ không phải bộ áo của tôi”...
Hôm sau, đồng chí Phạm Hùng họp toàn đoàn, dặn dò giữ nghiêm kỷ luật, đúng nghi thức ngoại giao, góp phần tích cực để chuyến thăm thành công. Phó thủ tướng giải thích cho chúng tôi hiểu về câu chuyện Bác kể, ý Bác muốn nhắn lễ tân, Người sẽ mặc thường phục và đi dép. Quả như lời anh nói, trang phục của Bác đúng như thế và sự kiện đó trở thành câu chuyện nổi tiếng tại thủ đô New Delhi. Đến mức, trong cuộc mít tinh quần chúng ở Pháo đài đỏ, người ta chen nhau đến gần để được xem đôi dép cao su của Bác.
Đồng chí Phạm Hùng phổ biến Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương tại khu Hồng Quảng (năm 1961).
Thời gian lưu lại tuy ngắn nhưng cũng đủ để đoàn tham quan những công trình văn hóa nổi tiếng của Ấn Độ, như Lăng Taj Mahal, những trung tâm công nghiệp, thương mại, công trình thủy điện lớn. Anh em trong đoàn đều phấn khởi, khen Ấn Độ vĩ đại, nhưng cũng có người phàn nàn Việt Nam ít công trình vĩ đại. Lời giải thích của Phó thủ tướng Phạm Hùng khiến tôi nhớ mãi. Đồng chí bảo: Ấn Độ vĩ đại thật, nhưng nước lớn có cái vĩ đại của nước lớn, nước nhỏ cũng có cái vĩ đại của nước nhỏ.
Rời Ấn Độ, đoàn chúng tôi đến Miến Điện-quốc gia từ năm 1946 đã công nhận cơ quan đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được hưởng quy chế ngoại giao. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, sự giúp đỡ của bạn đã góp phần giúp ta phá được tình thế chiến đấu trong vòng vây. Vì vậy quan hệ Việt Nam-Miến Điện rất thân thiết. Cuộc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh của các nhà lãnh đạo Miến Điện rất thắm thiết. Để bảo đảm an toàn cho chuyến thăm, Phó thủ tướng Phạm Hùng đề ra những biện pháp nghiệp vụ rất chặt chẽ...
Tại nước bạn, Bác và đoàn tham quan một số di tích, cơ sở văn hóa. Tôi không được đi theo đoàn vì còn phải chuẩn bị báo cáo kết quả chuyến thăm khi đoàn về đến Hà Nội. Tối trước hôm rời Rangoon, sau bữa tiệc tiễn đoàn của Tổng thống Miến Điện, anh Hai Hùng nhắn tôi về phòng của anh trong Phủ tổng thống để cùng sửa dự thảo báo cáo chuyến công tác. Mười hai giờ đêm vẫn chưa xong. Bỗng Bác Hồ xuất hiện và nhắc chúng tôi nghỉ sớm. Người quay về phòng rồi trở lại mang cho chúng tôi một đĩa hoa quả. Tôi nhớ hôm đó có lẽ đến gần 2 giờ sáng mới xong...”.
Một tấm lòng nhân ái
Sau chuyến công du năm đó, đồng chí Lưu Văn Lợi trở lại công tác trong quân đội. Đến năm 1961, ông được biệt phái sang Bộ Ngoại giao, làm Phó trưởng ban rồi Trưởng ban Biên giới của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao). Năm 1967, đồng chí Phạm Hùng vào miền Nam đảm nhiệm cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Năm 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí làm Chính ủy Bộ chỉ huy chiến dịch. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976, đồng chí Phạm Hùng tiếp tục được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, được cử làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đồng chí Phạm Hùng thăm và làm việc tại Bến Tre năm 1982. Ảnh tư liệu
“Mãi sau khi anh Hai Hùng thay anh Nguyễn Duy Trinh phụ trách công tác biên giới, tôi có nhiều vấn đề phải xin ý kiến nên được gặp anh luôn. Biệt danh “Lợi nháy” anh đặt cho tôi cũng bắt đầu có từ thời gian này”, vừa cười, Đại tá Lưu Văn Lợi vừa lật những trang hồi ký của mình và kể với tôi: “Khi đó, những vấn đề về luật biển đang nổi lên. Có thể tóm tắt là từ lúc này, công tác chính của Ban Biên giới là giải quyết vấn đề biên giới với các nước xung quanh (trước hết là trên đất liền), quy định các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa), vùng trời, bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Anh Hai yêu cầu tôi giới thiệu khái quát từng vấn đề, khi đi vào chủ trương cụ thể thì anh yêu cầu giải thích rõ.
Điều đáng nói là mảng công tác anh phụ trách với tư cách là Phó thủ tướng rất rộng, có thể nói vấn đề gì cũng quan trọng, tuy vậy bao giờ anh cũng ưu tiên giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, các vùng biển và vùng trời. Nhưng anh không bao giờ giải quyết vấn đề mà anh chưa rõ. Có lần tôi báo cáo vấn đề luật quốc tế về biển, anh đã ghi ngoài lề: “Vấn đề này tôi chưa rành, xin trình bày thêm cho tôi rõ”.
Còn nhớ, cuộc đàm phán hoạch định đường biên giới trên đất liền của ta với Campuchia đạt kết quả tốt, bảo vệ lợi ích hợp lý, đúng pháp luật của ta mà vẫn giữ được quan hệ hữu nghị với nước bạn Campuchia. Từ đó đi đến ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia ngày 27-12-1985. Có được kết quả này phần lớn là do sự chỉ đạo sáng suốt của anh Hai Hùng.
Nhưng kỷ niệm tôi suốt đời không quên là lần anh tới bệnh viện thăm tôi vào một buổi tối tháng 10-1985. Trước đó, tôi đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Biên giới. Vì làm việc căng thẳng nhiều ngày, đến trước ngày diễn ra buổi lễ, tôi bị tai biến, phải vào Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô (nay là Bệnh viện Hữu nghị) cấp cứu. Vừa đi công tác về, anh lập tức tới bệnh viện thăm tôi. Bác sĩ, viện trưởng đi theo anh đến giường tôi và báo cáo đã tiêm thuốc đặt tôi vào trạng thái “tiền hôn mê” để tránh các cú sốc khi người thân đến thăm. Tuy mơ màng nhưng tôi vẫn thấy anh cúi sát giường, chìa bàn tay nóng ấm bắt tay tôi, nhè nhẹ dặn dò: “Đã vào đây rồi là kịp thời, cứ yên tâm điều trị, công việc ở nhà đã có anh em khác lo”. Anh đứng lặng nhìn tôi, dặn các bác sĩ hết lòng cứu chữa tôi. Ba tháng sau tôi ra viện, đi lại được bình thường nhưng sức còn yếu. Vài ngày sau, anh cho anh Phú là thư ký mang quà cho tôi và lại dặn cần nghỉ tĩnh dưỡng thêm cho bình phục. Thủ trưởng đến thăm cán bộ lúc đau yếu là chuyện bình thường, cái đáng nói ở đây là sự xúc động chân thành, sự chăm sóc thể hiện bằng hành động cụ thể. Sau này, có lúc tôi kể lại chuyện cho một vài anh em, họ đều nói anh Hai Hùng là người như thế. Đó không chỉ là tình đồng chí mà còn là lòng nhân ái đối với mọi người!”.
BÍCH TRANG (ghi)