Bạn cần biết đo lường những gì bạn muốn thêm.
CHARLES COONRART
Tác giả The Game of Work
Nhớ lại khi bắt đầu thời kì dậy thì, bố mẹ bạn thường đo chiều cao của bạn mỗi tháng rồi ghi lên bức tường cạnh cửa bếp. Đó là một cách để bạn so sánh được giữa chiều cao ở quá khứ với chiều cao đạt được trong tương lai (thường là cao bằng bố hay bằng mẹ). Từ việc đo chiều cao này, bạn sẽ biết được mình đang lớn lên. Nó khuyến khích bạn ăn uống đều đặn và thích hợp để tiếp tục phát triển.
Những người thành công cũng có một thước đo tương tự như vậy. Họ chấm điểm sự tiến bộ hiện tại, cách xử sự đúng đắn, các khoản thu tài chính… tất cả những mục tiêu họ muốn đạt được nhiều hơn.
Trong cuốn sách mang tính đột phá The Game of Work1, Charles Coonrart đã nói rằng việc đo đạc và đánh giá sẽ giúp chúng ta có động lực trong việc tạo thêm những kết quả tích cực cho thành công hiện có. Đo đạc và đánh giá thực sự củng cố vững chắc hơn nữa những hành động đã mang lại thành quả cho bạn trước đó.
1 The Game of Work: How to enjoy work as much as play, tác giả Charles A. Coonrart (Park City, Utah: Game of Work 1997). Xem thêm: Scorekeeping for Success, tác giả: Charles A. Coonrart (Park City, Utah: Game of Work 1999) và Managing the Obvious: How to Get What You Want Using What You Know, tác giả: Charles A. Coonrart, Jack M. Lyon và Richard Williams (Park City, Utah: Game of Work), 1994.
Hãy suy nghĩ, tưởng tượng xem bạn sẽ hứng khởi và có thêm động lực thế nào khi đo lường và chấm điểm cho từng tiến bộ mình đạt được.
ĐO LƯỜNG NHỮNG GÌ BẠN MUỐN, ĐỪNG ĐO NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG MUỐN
Từ khi còn trẻ, chúng ta học được rằng nên đo lường những thứ có giá trị với bản thân. Chúng ta đếm số lần nhảy dây, số cờ chúng ta giành được, số viên bi chúng ta sưu tầm, số pha bóng chúng ta đánh trúng trong một giải bóng chày nhỏ, số hộp bánh Girl Scout chúng ta bán được. Số gậy trung bình trong môn bóng chày cho chúng ta biết bao nhiêu lần chúng ta đánh trúng thay vì số lần đánh trượt. Chúng ta thường ghi nhận những điều tốt đẹp, bởi vì đó chính là điều chúng ta muốn làm được nhiều hơn.
Khi Mike Walsh, Giám đốc công ty High Performers International muốn nâng cao hiệu quả kinh doanh, anh đã theo dõi không chỉ số lượng người được công ty anh tuyển dụng, mà cả số lượng các cuộc gọi tới khách hàng, số các cuộc hẹn trực tiếp và bao nhiêu người trong các cuộc hẹn này trở thành khách hàng của công ty. Nhờ phương thức xem xét và đánh giá này, doanh thu công ty của Mike đã tăng 39% chỉ trong vòng 6 tháng.
KHÔNG CHỈ LÀ VẤN ĐỀ RIÊNG CỦA CÁC DOANH NHÂN
Khi Tyler Williams tham gia một giải bóng rổ dành cho các trường trung học, cha của cậu, Rick Williams, đồng tác giả cuốn sách Managing the Obvious, quyết định sẽ xua tan những suy nghĩ tiêu cực của cậu con trai bằng cách lập “bảng theo dõi điểm số của cha mẹ” nhằm ghi lại những gì Tyler đã làm tốt chứ không ghi lại những lỗi mà Tyler mắc phải.
Ông lập ra bảy điểm mà con trai có thể đóng góp vào thành công của cả đội - ghi điểm, tranh bóng bật bảng, cướp bóng, chặn bóng… Ông thưởng Tyler một điểm cho mỗi pha bóng tốt này. Trong khi những thống kê của các huấn luyện viên chỉ tập trung vào ghi điểm và tranh bóng bật bảng - hai chỉ tiêu chính dùng để đánh giá vận động viên trẻ - thì cha của Tayler lại cộng điểm cho gần như tất những đóng góp tích cực của cậu con trai trong suốt trận đấu.
Sau khi mỗi trận đấu kết thúc, Tyler chạy thật nhanh ra để xem số điểm mà cậu đóng góp. Lúc về đến nhà, Tyler thường lên phòng mình, để bổ sung tiếp vào biểu đồ theo dõi sự tiến bộ mà cậu treo trên tường. Với đồ thị do mình vẽ, cậu có thể theo dõi cậu đã hoàn thiện tới đâu. Mùa giải trôi đi, biểu đồ của cậu cũng cao dần thêm. Không phải nhận một lời trách móc nào từ huấn luyện viên hay cha cậu, Tyler vẫn trở thành cầu thủ bóng rổ ngày càng tiến bộ - và bên cạnh đó, tận hưởng sự phát triển của mình.
CHẤM ĐIỂM NGAY TẠI GIA ĐÌNH
Tất nhiên, theo dõi và đánh giá không chỉ dành riêng cho lĩnh vực kinh doanh, thể thao hay học tập. Nó còn được áp dụng cả trong đời sống riêng của bạn. Trong số ra tháng Năm năm 2000, tạp chí Fast Company đã đăng một phát biểu của Vinod Khosla, người sáng lập và CEO của Sun MicroSystem. Trong bài báo, ông nói:
Thật tuyệt vời nếu bạn biết cách tìm lại động lực cho mình. Và thậm chí việc lấy lại nó rất quan trọng. Tôi luôn ghi lại số lần mình về nhà đúng giờ và ăn tối cùng gia đình, thư ký của tôi thường báo cáo với tôi con số chính xác vào cuối mỗi tháng. Tôi có bốn đứa con, chúng mới từ bảy đến 11 tuổi. Dành thời gian bên cạnh chúng chính là động lực giúp tôi tiến bước.
Công ty của bạn luôn lượng hóa những ưu tiên của mình. Mọi người cũng vậy, họ luôn tính toán những việc cần làm. Tôi dành 50 giờ mỗi tuần để làm việc, thậm chí có thể là 100 giờ. Vì vậy, tôi luôn phải bảo đảm rằng, sau khi kết thúc công việc tôi sẽ về nhà và dùng bữa cùng lũ trẻ. Sau đó, tôi giúp chúng làm bài về nhà, chơi với chúng… Mục tiêu của tôi là mỗi tháng phải có ít nhất 25 buổi tối ở nhà và ăn cơm cùng mọi người. Đặt ra một con số mục tiêu chính là điểm mấu chốt. Tôi biết những người trong lĩnh vực kinh doanh của mình sẽ thật may mắn nếu có thể dành năm tối mỗi tuần cho gia đình. Tôi không nghĩ rằng mình làm việc ít hơn những người khác.
BẮT ĐẦU CHẤM ĐIỂM NGAY TỪ HÔM NAY
Hãy xét xem bạn cần chấm điểm từ đâu để cụ thể hóa tầm nhìn và mục tiêu của bạn.
Hãy chắc rằng bạn chấm điểm tất cả các khía cạnh của cuộc sống: tiền bạc, kỹ năng, kết quả học tập, giải trí, sức khỏe, thể lực, gia đình, các mối quan hệ khác, các kế hoạch cho cá nhân và giúp đỡ những người khác.
Hãy gắn bảng điểm của bạn lên nơi nào mà bạn dễ dàng theo dõi nhất.