Khi hai hay nhiều người làm việc, phối hợp ăn ý với nhau hướng tới mục đích hay mục tiêu cụ thể thì thông qua hợp tác, họ sẽ đặt chính mình vào vị trí hấp thụ được sức mạnh trực tiếp từ nguồn Trí Tuệ to lớn vô tận.
NAPOLEON HILL
Tác giả của cuốn sách Think and Grow Rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu
Tôi biết rằng khi giải quyết một vấn đề cũng như khi hướng tới một kết quả thì “hai cái đầu bao giờ cũng tốt hơn một cái đầu”. Do đó, bạn hãy thử hình dung một nhóm gồm năm đến sáu người thường gặp mặt nhau hàng tuần với mục đích là suy xét vấn đề, tìm giải pháp, gắn bó với nhau hay khuyến khích động viên nhau.
Quá trình này được gọi là quân sư cho nhau, là một trong những công cụ hiệu quả nhất để có được thành công và sẽ được trình bày trong cuốn sách này. Tôi không biết bất kì người nào cực kì thành công mà lại không áp dụng nguyên tắc làm việc nhóm này.
MỘT Ý TƯỞNG CŨ LẠI CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT Ý TƯỞNG MỚI
Napoleon Hill lần đầu tiên viết về nhóm các quân sư trong cuốn sách kinh điển của ông Think and Grow Rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu vào năm 1937. Và tất cả các nhà tư bản giàu nhất thế giới từ đầu thế kỉ 20 đến các hình tượng kinh doanh thành công ngày nay đều đã quán triệt sức mạnh của nhóm quân sư. Đây được coi là quan điểm mà những người thành công tham khảo nhiều nhất khi đánh giá các ý tưởng giúp họ trở thành một triệu phú.
Andrew Carnegie có một nhóm cộng tác. Tôi và Henry Ford cũng vậy. Thực tế, Ford đã cộng tác cùng nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc như Thomas Edison và Harvey Firestone trong cùng một nhóm. Họ tổ chức gặp mặt nhóm ở những lâu đài mùa đông tại Fort Myers, Florida.
Họ biết và hàng triệu người khác cũng đã khám phá ra rằng, nhóm cộng tác có thể dồn hết khả năng đặc biệt vào những nỗ lực của bạn dưới hình thức như kiến thức, ý tưởng mới, các nguồn thông tin khác và quan trọng nhất là tinh thần. Napoleon Hill cũng đã viết về khía cạnh tâm linh.
Ông nói rằng khi chúng ta ngồi lại với nhau, ta còn có sức mạnh từ Chúa, Đấng tối cao hay các bậc linh thiêng khác. Điều quan trọng nằm ở chỗ chúng ta đã có những khả năng tích cực hơn, nắm giữ sức mạnh chỉ có thể tập trung cho thành công của chính mình. Thậm chí trong Kinh Thánh cũng thường nói về điều này:
Nơi nào hai hay ba người tập hợp dưới danh nghĩa của ta thì ta ở giữa trong số họ.
MATTHEW 18:20
(Phiên bản Kinh Thánh King James)
Vì vậy nhóm quân sư được hiểu là cả hai nguồn sức mạnh: một nguồn chúng ta trao đổi lẫn nhau còn một nguồn chúng ta có được từ các đấng linh thiêng.
QUÁ TRÌNH THÚC ĐẨY THÀNH CÔNG CỦA CHÚNG TA
Triết lý cơ bản của một nhóm quân sư cho rằng mọi người chỉ có thể đạt được nhiều hơn với thời gian bỏ ra ít hơn khi họ cùng làm việc với nhau. Một nhóm cộng tác gồm những người đến với nhau đều đặn hàng tuần, nửa tháng, một tháng để chia sẻ những ý tưởng, suy nghĩ, thông tin, ý kiến phản hồi và các thứ khác nữa. Bằng việc tiếp nhận những quan điểm cách nhìn, kiến thức, kinh nghiệm của những người khác trong nhóm, bạn không chỉ vượt ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp của mình về thế giới mà còn có thể thúc đẩy các mục tiêu và dự án của chính mình một cách nhanh hơn.
Một nhóm cộng tác có thể gồm những người hoạt động trong cùng ngành nghề hay những người ở mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội. Nó có thể chú trọng vào các vấn đề kinh doanh, vấn đề cá nhân hay cả hai. Nhưng để một nhóm cộng tác có thể hoạt động thực sự hiệu quả thì mọi người cần phải thẳng thắn nói ra sự thật cho nhau nghe. Một số những ý kiến phản hồi quý báu nhất mà tôi đã từng nhận được đến từ các thành viên trong nhóm cộng tác của tôi là cam kết quá nhiều, cung cấp dịch vụ với giá quá rẻ, suy nghĩ hạn hẹp và thiếu tính mạo hiểm.
Sự cẩn mật là thứ cho phép bạn xây dựng được lòng tin. Ở bên ngoài xã hội, chúng ta thường xuyên phải quản lý hình ảnh doanh nghiệp hay hình ảnh cá nhân. Tuy nhiên, trong một nhóm, mọi người tham gia có thể tự do thoải mái nói thật về đời sống riêng tư hay kinh doanh của họ, họ cảm thấy an toàn khi những gì họ nói ra cũng sẽ chỉ lưu hành trong nhóm mình.
TƯ TƯỞNG MỚI, CON NGƯỜI MỚI, NGUỒN THÔNG TIN MỚI
Khi tổ chức một nhóm cộng tác thì bạn hãy xem xét tới việc kết hợp những người ở các ngành nghề khác nhau hay những người “hơn” bạn và những người có thể giới thiệu bạn vào các nhóm mà bình thường bạn sẽ không thể tham gia.
Mặc dù những ích lợi của việc cộng tác với người ngoài ngành nghề của bạn bây giờ có thể vẫn mơ hồ nhưng thực tế đã cho thấy rằng, tất cả chúng ta thường có xu hướng bế tắc trong chính lĩnh vực chuyên ngành của mình, làm mọi thứ theo phương pháp thông thường trong ngành của mình. Nhưng khi bạn tập hợp được mọi người từ các ngành nghề khác lại với nhau thì đồng nghĩa với việc bạn sẽ có được rất nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau về cùng một vấn đề.
Henry Ford là một chuyên gia về dây chuyên lắp ráp. Thomas Edison là một nhà sáng chế. Harvey Firestone là một thiên tài quản lý doanh nghiệp. Vì vậy, nhóm của họ hội tụ các tài năng khác nhau lại và có thể đưa ra nhiều quan điểm cho dù đó là vấn đề pháp lý, tài chính hay giải quyết mối quan hệ.
Thành viên của nhóm tôi gồm có chiến lược gia kinh doanh Marshall Thurber, chuyên gia marketing mạng Declan Dunn, Giám đốc điều hành của Oneworldlove - Liz Edilic, người có thế lực trong giới bất động sản và cũng là chiến lược gia thành công - John Assaraf và giám đốc điều hành của Empowered Wealth - Lee Brower. Mỗi người đều có cách nhìn nhận, trải nghiệm cuộc sống, kĩ năng khác nhau và dĩ nhiên tất cả mọi người trong nhóm đều có thể hưởng lợi từ sự khác biệt đó. Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau hai tuần một lần qua điện thoại hay gặp gỡ nhau trực tiếp trong hai ngày mỗi quý nhằm giúp đỡ lẫn nhau trong việc đạt được những mục tiêu doanh nghiệp hay cá nhân và góp phần vào cuộc sống tốt đẹp của nhân loại.
Các nhóm cộng tác khác cũng đã giúp thành viên của họ khởi nghiệp hay khôi phục kinh doanh, thay đổi công việc, trở thành triệu phú, giáo dục con cái tốt hơn hay trở thành nhân tố tích cực hơn góp phần vào thay đổi xã hội như nâng cao bảo vệ môi trường,…
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẬP HỢP ĐƯỢC MỘT NHÓM CỘNG TÁC?
Bất chấp mục đích thành lập nhóm là gì thì chìa khóa thành công chính là bạn phải chọn người theo bạn, bằng hoặc hơn bạn trong cuộc sống. Nếu mục tiêu của bạn là phải trở thành một nhà triệu phú và hiện tại bạn chỉ kiếm được 60.000 đô la một năm thì bạn sẽ có được ảnh hưởng tích cực hơn nếu tập hợp những người kiếm được nhiều tiền hơn bạn lại với nhau. Nếu bạn e ngại rằng những người thành công hơn không muốn gia nhập nhóm với bạn thì hãy nhớ rằng bạn là người duy nhất tổ chức và điều khiển cuộc gặp đó. Bạn sẽ phải tổ chức, hỗ trợ và thành lập một diễn đàn về thành công. Nhiều người thành công ở mức cao hơn sẽ muốn tham gia, đơn giản chỉ bởi họ có cơ hội được chơi trò chơi mà họ không thể dành thời gian tổ chức cho chính mình. Có lẽ, họ sẽ rất vui khi hợp tác với những người khác mà bạn sẽ mời đến, đặc biệt một số người trong đó cũng cùng đẳng cấp với họ.
SỐ LƯỢNG LÍ TƯỞNG CHO MỘT NHÓM CỘNG TÁC?
Số lượng lí tưởng cho một nhóm là năm đến sáu người. Nếu nhỏ hơn thì nhóm sẽ mất đi động lực, khí thế. Còn nếu quá đông thì các cuộc gặp phải kéo dài lâu hơn và nhu cầu của một số người sẽ không được đáp ứng, việc chia sẻ cá nhân bị hạn chế. Tuy nhiên, các nhóm có số lượng thành viên lên tới 12 người thì cần phải gặp nhau mỗi tháng một ngày thì mới đạt hiệu quả.
GẶP MẶT NHÓM CỘNG TÁC
Các cuộc gặp mặt nhóm cộng tác nên được tổ chức hàng tuần với sự có mặt của tất cả thành viên trong nhóm. Cuộc gặp có thể diễn ra trực tiếp hay thông qua điện thoại. Thời gian lí tưởng là một hoặc hai tiếng.
Đối với các cuộc gặp lần đầu, mỗi thành viên nên dành thời gian để chia sẻ với các thành viên khác về tình hình, cơ hội, nhu cầu và thách thức của họ, trong khi đó, các thành viên khác cũng cần nghĩ cách có thể hỗ trợ người này. Còn trong các cuộc gặp sau đó thì những người tham gia chỉ cần dành một chút thời gian để cập nhật cho các thành viên khác, hỏi xin giúp đỡ và các ý kiến phản hồi.
Mỗi cuộc gặp nên tuân theo công thức đã được chứng minh dưới đây để đảm bảo nhu cầu mỗi thành viên đều được thỏa mãn. Nhóm của bạn cũng nên phân công cho ai đó là người bấm giờ, có thể là cùng một người trong các cuộc gặp đó hay những người khác nhau ở mỗi cuộc gặp nhằm đảm bảo rằng tất cả thành viên cần phải bám sát thời gian đã được định trước và nhận được sự chú ý.
Bước 1: Xin sự hướng dẫn về tinh thần bằng cách cầu khẩn
Các cuộc họp nhóm lí tưởng nên bắt đầu từ việc nhóm cần được lấp đầy năng lượng tinh thần. Các thành viên có thể trao đổi những lời khẩn cầu. Họ thường dùng niềm tin tinh thần mà người lãnh đạo có và xin đấng tối cao trợ giúp họ thỏa mãn nhu cầu. Một lời khẩn cầu tiêu biểu thường thấy trước Chúa hay vị thánh thần nào đó là:
Chúng con giờ đây xin được lấp đầy và bao quanh bởi ánh sáng và trái tim của chúng con sẵn lòng đón nhận chỉ dẫn từ Người.
Bước 2: Chia sẻ những điều mới và tốt đẹp
Để gắn kết mọi người lại với nhau và giữ tinh thần luôn được phấn chấn thì mỗi thành viên cần chia sẻ câu chuyện thành công của mình. Thậm chí, ngay cả khi chia sẻ những thành công nhỏ cũng giúp các thành viên trong nhóm gắn kết và hào hứng hơn, khiến cho mọi người ý thức chia sẻ hơn.
Bước 3: Thỏa thuận về thời gian
Mặc dù theo phân chia thời gian hàng tuần, mỗi thành viên sẽ có từ 10 đến 15 phút nhưng cũng có khi một thành viên cần thêm thời gian trong suốt buổi gặp của tuần đó để thảo luận về một tình hình đặc biệt khó khăn. Khi đó, thành viên này có thể xin thêm một khoảng thời gian cần thiết. Một số thành viên khác có thể cũng gặp phải những thách thức của chính họ trong tuần đó và cũng cần thêm thời gian. Trong khi đó, những thành viên còn lại có thể quyết định không sử dụng tới thời gian của mình do họ không có bất kì thứ gì quan trọng để mang ra bàn luận. Nếu sử dụng một “trọng tài tính giờ” thì các thành viên cần thỏa thuận khoảng thời gian cần thiết cho mình.
Khi thỏa thuận về thời gian, bạn sẽ thường được nghe những câu bình luận kiểu như “Tôi đã mất người trợ giúp và tôi cần thời gian để bàn về điều đó”. “Tôi muốn xin ý kiến của các anh về đề nghị tôi vừa viết”. “Tôi cần tìm một công ty in ở Viễn Đông song tôi lại không rành về khu vực này.”
Một khi quá trình thỏa thuận hoàn tất và mọi thành viên đều đồng ý với lịch trình đề ra thì cũng là lúc nên bắt đầu cuộc họp và “trọng tài tính giờ” cần đảm bảo mọi thành viên đều tập trung và tuân thủ đúng thời gian trong lịch trình. Nếu nhu cầu của một số thành viên không được thỏa mãn thì nhóm sẽ có nguy cơ đánh mất những thành viên này. Mặt khác, những thành viên khác có thể độc chiếm toàn bộ thời gian cuộc gặp và biến những vấn đề của họ thành cuộc tranh luận mang tính cá nhân.
Bước 4: Một thành viên nói trong khi cả nhóm lắng nghe và suy nghĩ các giải pháp
Bạn trông chờ một cuộc thảo luận như thế nào trong suốt cuộc họp nhóm? “Tôi cần được giao lưu” “Tôi cần được giới thiệu…”, “Tôi đã bị thua lỗ trong lĩnh vực kinh doanh mới…”, “Tôi đang tìm kiếm một chuyên gia giúp tôi phát triển ý tưởng…”, “Tôi cần quyên góp 40.000 đô la…”, “Tôi cần lời khuyên về giải quyết vấn đề chăm sóc khách hàng”.
Sau khi thời gian dành cho giải thích, thảo luận, suy nghĩ giải pháp cho vấn đề của một thành viên kết thúc, trọng tài tính giờ thông báo “Hết giờ” và cả nhóm sẽ chuyển sang nhu cầu của thành viên tiếp theo.
Các buổi thảo luận có thể mang tính chất cá nhân hay mang tính chất công việc. Miễn là tất cả các thành viên đều được hưởng lợi thì họ sẽ tham gia cùng nhóm. Và nếu bạn đem đến các giá trị thì mọi người sẽ mong muốn bạn có mặt ở đó.
Bạn sẽ nhận thấy rằng, mỗi nhóm đều trải qua các thời kì. Ban đầu, mối quan hệ của họ tương đối chỉ tập trung vào công việc nhưng khi họ dần biết nhau thì sẽ chuyển sang những vấn đề cá nhân như “Vợ chồng tôi đang có mâu thuẫn” hay “Tôi nghĩ con trai của tôi đang nghiện hút” hay “Tôi vừa bị mất việc” và hình thành nên mối quan hệ cá nhân. Bạn và các thành viên khác có thể điều hành hoạt động nhóm theo cách bạn muốn.
Bước 5: Cam kết thực hiện
Sau khi các thành viên có thời gian trình bày, thảo luận, tóm tắt và tiếp thu phản hồi thì người chủ trì cuộc họp đề nghị từng thành viên lần lượt cam kết sẽ thực hiện hành động tiếp theo để hoàn thành mục tiêu của mình - mục tiêu mà thành viên cam kết thực hiện xong trước buổi họp tới. Cam kết phải được thực hiện liên tục.
Đó có thể là kết quả của những lời khuyên, cố vấn mà thành viên đã tiếp thu từ nhóm trong buổi họp ngày hôm đó: “Được, tôi sẽ gọi ba cuộc điện thoại để thuê một nhân viên bán hàng mới” hoặc “Tôi sẽ gọi điện cho John Deerfield ở công ty Consolidated và giới thiệu về dịch vụ mới của chúng tôi”.
Lời cam kết này đảm bảo rằng mọi người sẽ liên tục tiến lên phía trước để hoàn thành mục tiêu. Đây chính là lợi ích to lớn nhất của nhóm cộng tác.
Bước 6: Kết thúc buổi họp mặt bằng những lời cảm ơn
Buổi gặp gỡ có thể kết thúc bằng lời cảm ơn của một thành viên trong nhóm. Hoặc bạn có thể đi vòng quanh bàn tới bên từng thành viên và lắng nghe họ nói lên những điều họ đánh giá cao nhất về các thành viên khác trong nhóm. Hoặc bạn cũng có thể kết thúc bằng bài diễn thuyết “điều tôi muốn nói” được trình bày trong Nguyên tắc 49 “Hãy trò chuyện tâm tình”.
Bước 7: Hãy là người có trách nhiệm
Cứ hai tuần nhóm họp một lần, từng thành viên sẽ chia sẻ với nhau những điều có liên quan đến mục tiêu họ đã đề ra ở buổi họp mặt trước. Từng thành viên đã hành động chưa? Họ đã đạt được mục tiêu của mình chưa?
Bạn sẽ nhận thấy giá trị thực sự của nhóm quân sư là tinh thần trách nhiệm. Các thành viên khác sẽ kiểm tra bạn để đảm bảo rằng bạn đã thực hiện các cam kết của mình. Người ta sẽ làm việc có hiệu quả hơn khi có thời hạn nhất định và bắt buộc có trách nhiệm với nó. Thực tế, nếu bạn biết tuần tới bạn sẽ bị hỏi về cam kết bạn đã đưa ra ngày hôm nay thì bạn sẽ từng bước hoàn thành nó trước thời hạn. Đây là một cách đảm bảo rằng bạn sẽ đạt được nhiều mục tiêu hơn.
CÁC ĐỐI TÁC TRÁCH NHIỆM
Thay vì tham gia nhóm quân sư, bạn có thể chọn cách làm việc với “đối tác trách nhiệm”. Bạn và đối tác trách nhiệm cần đồng ý với nhau về hàng loạt các mục tiêu mà mỗi người hướng tới và thỏa thuận sẽ thường xuyên liên lạc qua điện thoại để giữ vững tinh thần trách nhiệm cho nhau nhằm đảm bảo đúng thời hạn, hoàn thành mục tiêu và tiến bộ hơn.
Các bạn thỏa thuận gọi điện cho nhau hàng tuần hoặc hai tuần một lần để chắc chắn rằng cả hai đang thực hiện các hành động đã vạch ra. Ý thức được việc mình phải báo cáo cho người khác sẽ tiếp thêm cho bạn động lực làm việc. Đây thực sự là mối quan hệ hữu ích để phát triển nếu bạn là người tự lập. Biết rằng mình sẽ nói chuyện với đối tác trách nhiệm vào ngày thứ Năm sẽ khiến cho ngày thứ Tư thực sự là ngày làm việc hiệu quả.
Bạn cũng có thể đề nghị đối tác chia sẻ với mình những ý tưởng, thông tin, các mối liên lạc và các nguồn hữu ích khác. Bạn có thể nói chuyện với đối tác về ý tưởng mới nhất của bạn và đề nghị họ nhận xét: “Quan điểm của anh thế nào? Theo anh, có thể thực hiện được không?” Đối tác của bạn có thể đồng ý gọi điện cho bạn, cung cấp thông tin liên lạc, hoặc gửi cho bạn một số thông tin anh ta thu thập được về chủ đề bạn quan tâm.
Đối tác trách nhiệm cũng xốc dậy tinh thần khi bầu nhiệt huyết trong bạn đang dần cạn bởi những khó khăn, bức xúc, thất bại hay thậm chí do bỏ lỡ những cơ hội tốt đẹp hơn. Mấu chốt để có được mối quan hệ trách nhiệm thành công là tìm được người cũng khát khao vươn tới những mục tiêu của anh ta như bạn khát khao vươn tới mục tiêu của mình, một người tâm huyết với thành công của bạn và của họ.