Bạn phải học cách tự chịu trách nhiệm.
Bạn không thể thay đổi hoàn cảnh, không gian hay thời gian song bạn có thể tự thay đổi bản thân.
JIM ROHN
Nhà triết học về kinh doanh hàng đầu của Hoa Kỳ
Một sự thật khó hiểu trong đời sống của người dân Mỹ hiện nay là chúng ta ảo tưởng về một cuộc sống hoàn hảo - cho rằng bằng cách nào đó, ở đâu đó, có một người nào đó (hiển nhiên không phải là chúng ta) có trách nhiệm đem lại hạnh phúc, mang lại những lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn, những khoảng thời gian gần gũi cùng gia đình và những mối quan hệ cá nhân, đơn giản chỉ bởi vì chúng ta tồn tại.
Tuy nhiên, chân lý - và cũng là bài học cốt lõi cho cả cuốn sách này - nằm ở chỗ, chỉ có một người duy nhất chịu trách nhiệm về cuộc sống của bạn.
Người đó chính là bạn.
Nếu bạn muốn thành công, bạn cần phải chịu trách nhiệm 100% đối với cuộc sống của chính mình từ hiệu quả công việc, các mối quan hệ cá nhân, tình trạng sức khỏe, thể lực, thu nhập, các khoản vay nợ đến tình cảm, cảm xúc của mình.
Việc này không hề đơn giản.
Thực tế, hầu hết chúng ta đều đổ lỗi cho ngoại cảnh đối với những điều mình không toại nguyện trong cuộc sống. Chúng ta đổ lỗi cho cha mẹ, cho cấp trên, cho bạn bè, đồng nghiệp, cho khách hàng, cho bạn đời, cho thời tiết, cho tình hình kinh tế và cho số phận - cho bất kì ai hay bất kì thứ gì. Chúng ta không bao giờ muốn xét xem vấn đề thực sự bắt nguồn từ đâu - từ chính bản thân chúng ta.
Có một câu chuyện rất hay kể về một người đàn ông đang đi dạo buổi tối thì gặp một người mò mẫm tìm vật gì đó dưới ánh sáng của ngọn đèn đường. Người khách qua đường hỏi người kia đang tìm gì. Anh ta trả lời, mình đang tìm chiếc chìa khóa bị mất. Người khách qua đường đề nghị giúp đỡ và cũng cúi xuống tìm chiếc chìa khóa. Sau một giờ tìm kiếm vô vọng, anh hỏi: “Chúng ta đã tìm mọi nơi rồi mà không thấy. Anh có chắc là mình đánh mất chìa khóa ở đây không?”
Người kia đáp: “Không, tôi đánh mất chìa khóa trong nhà nhưng ngoài đây đèn đường sáng hơn”.
Đã tới lúc ngừng tìm kiếm câu trả lời từ bên ngoài cho câu hỏi tại sao bạn lại không có được cuộc sống như mong muốn, không đạt được những kết quả kì vọng bởi chính bạn là người tạo ra cuộc sống của mình.
Bạn - chứ không phải bất kì ai khác!
Để đạt được thành công lớn trong đời - để đạt được những thứ có ý nghĩa quan trọng với bạn - bạn phải chịu trách nhiệm 100% về cuộc sống của mình. Ngoài ra, không điều gì có thể giúp bạn.
CHỊU TRÁCH NHIỆM 100% VỀ TẤT CẢ MỌI THỨ
Như đã đề cập trong phần giới thiệu, năm 1969 - chỉ một năm sau khi tốt nghiệp đại học - tôi đã có cơ hội làm việc với W. Clement Stone. Ông khởi sự từ hai bàn tay trắng và gây dựng cơ nghiệp lên tới 600 triệu đô la vào thời điểm đó - thời điểm rất lâu trước khi các triệu phú Dot-Com xuất hiện vào thập niên 1990. Stone cũng là một trong những chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực truyền đạt bí quyết thành công. Ông là chủ Success magagine, tác giả của cuốn Không bao giờ thất bại (The success system that never fall) và đồng tác giả của cuốn Thành công nhờ thái độ tích cực (Success through a positive mental attitude) cùng với Napoleon Hill.
Khi tôi đang hoàn thiện định hướng cho tuần làm việc đầu tiên, ông Stone hỏi tôi có phải là người biết chịu trách nhiệm 100% cuộc sống của chính mình hay không.
“Cháu nghĩ là có”, tôi đáp.
“Đây là một câu hỏi có hay không, chàng trai trẻ ạ. Cháu hoặc là có, hoặc là không”.
“Ồ, vậy thì cháu cho rằng cháu không chắc”.
“Thế cháu có bao giờ đổ lỗi cho người khác về hoàn cảnh của mình hay không? Cháu đã bao giờ phàn nàn về điều gì chưa?”
“Ồ… Vâng… Chắc là cháu đã từng ạ”.
“Đừng chắc là. Hãy nghĩ kỹ xem”.
“Vâng, cháu đã từng như thế ạ!”
“Thế thì được rồi. Điều đó nghĩa là cháu chưa biết chịu trách nhiệm 100% cuộc sống của chính mình. Chịu trách nhiệm 100% về cuộc sống của chính mình đồng nghĩa với việc cháu phải nhận thức được rằng chính cháu là người đã tạo ra mọi việc. Cháu phải hiểu chính mình là nguyên nhân của mọi kết quả. Nếu thực sự muốn thành công, cháu phải ngừng đổ lỗi và than phiền. Thay vào đó hãy chịu trách nhiệm 100% với cuộc sống của chính mình - tức là đối với tất cả thành công hay thất bại thu được. Đó chính là điều kiện tiên quyết để làm chủ cuộc sống thành đạt. Chỉ khi cháu nhận thức được rằng tất cả cuộc sống hiện tại nằm trong tay mình thì cháu mới có thể tạo dựng tương lai theo ý muốn.
“Cháu thấy đấy, Jack, nếu cháu ý thức được chính cháu đã tạo nên tình hình hiện tại thì cháu mới có thể tái tạo hay xóa bỏ nó như mong muốn. Cháu hiểu chứ?”
“Vâng, thưa bác, cháu sẽ làm theo lời bác dạy”.
“Cháu có sẵn lòng chịu trách nhiệm 100% về cuộc sống của chính mình hay không?”
“Vâng, cháu sẵn lòng, thưa bác”.
Và tôi đã làm như vậy.
BẠN PHẢI TỪ BỎ THÓI QUEN BAO BIỆN
99% thất bại đến từ những người có thói quen bao biện.
GEORGE WASHINGTON CARVER
Nhà hóa học đã khám phá ra 325 công dụng từ hạt lạc
Nếu bạn muốn tạo dựng cuộc sống mơ ước, bạn phải biết chịu trách nhiệm 100% cuộc sống của bản thân. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ tất cả những lời nói biện minh, những câu bào chữa, những nguyên cớ tại sao bạn không thể hay chưa làm được việc gì và cả thói quen đổ lỗi cho ngoại cảnh. Bạn cần từ bỏ vĩnh viễn tất cả những hành vi trên.
Bạn phải tự đặt mình vào thế luôn luôn có khả năng làm đúng, làm khác và đạt được kết quả mong muốn. Vì lý do nào đó - do không hiểu, do bỏ quên, do lo sợ, do cầu toàn hay cầu an - bạn đã lựa chọn con đường không sử dụng đến quyền năng đó. Ai có thể trả lời câu hỏi tại sao? Điều đó không phải là vấn đề. Quá khứ mãi là quá khứ. Điều quan trọng là tính từ giờ phút này trở đi, bạn lựa chọn - phải, đó chính là một sự lựa chọn - hành động như thể (đó là tất cả những việc bạn cần làm) bạn chịu tránh nhiệm 100% đối với những việc xảy đến hay không xảy đến với mình.
Nếu một việc không xảy ra như dự tính, bạn sẽ tự hỏi mình: “Tôi đã làm việc đó như thế nào? Tôi đã nghĩ gì? Niềm tin của tôi ở đâu? Tôi đã nói hay không nói điều gì? Tôi đã làm hay không làm việc gì để dẫn đến kết quả như vậy? Tôi đã làm gì khiến người ta hành động như vậy? Tiếp theo, tôi cần phải làm gì nữa để có được kết quả mong muốn?”
Một vài năm sau khi tôi gặp ông Stone, giáo sư Robert Resnick, một nhà vật lý trị liệu sống tại Los Angeles, đã dạy cho tôi một công thức đơn giản song lại vô cùng quan trọng. Công thức đó khiến ý tưởng về việc chịu trách nhiệm 100% đối với cuộc sống của chính mình trở nên rõ ràng hơn nữa trong tôi. Công thức đó là:
E + R =O
(Event + Response = Outcome)
(Ngoại cảnh + Phản ứng = Kết quả)
Về cơ bản, ý tưởng này có nghĩa mọi kết quả bạn đạt được (dù đó có là thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo đói, mạnh khỏe hay ốm đau, vui vẻ hay giận dữ) đều bắt nguồn từ cách thức bạn phản ứng với ngoại cảnh.
Nếu bạn không vừa ý với những kết quả đang đạt được, thì bạn có thể lựa chọn một trong hai cách làm sau:
1. Bạn có thể đổ lỗi cho ngoại cảnh (E - Event) đối với những kết quả không toại nguyện (O - Outcome). Nói cách khác, bạn có thể đổ lỗi cho nền kinh tế, cho thời tiết, đổ lỗi do thiếu tiền, do không được giáo dục đầy đủ, do chủng tộc, do phân biệt giới tính, do chính quyền hiện tại, do vợ hoặc chồng, do thái độ của sếp, do thiếu hỗ trợ, do môi trường chính trị, vân vân và vân vân. Nếu bạn là một vận động viên đánh golf, thậm chí bạn còn có thể đổ lỗi cho câu lạc bộ và cho giải đấu. Rõ ràng, tất cả những nhân tố này đều tồn tại song nếu chúng là nhân tố quyết định thì hẳn chưa ai từng đạt tới thành công.
Jackie Robison hẳn đã không bao giờ được chơi cho giải bóng chày chuyên nghiệp; Sidney Poitier và Denzel Washington hẳn đã không bao giờ trở thành minh tinh màn bạc; Dianne Feinstein và Barbara Boxer hẳn đã không bao giờ trở thành thượng nghị sĩ Hoa Kỳ; Erin Brockovich hẳn đã không bao giờ lật tẩy được vụ ô nhiễm nước của công ty PG&E tại Hinkley, California; Bill Gates hẳn đã không bao giờ sáng lập ra Microsoft và Steve Job hẳn đã không bao giờ khởi nghiệp tập đoàn máy tính Apple. Đối với từng lý do “bất khả thi” được đưa ra, đều có hàng trăm người cũng từng đối mặt với hoàn cảnh tương tự mà vẫn thành công.
Vô số người đã vượt qua những nhân tố được coi là trở ngại đó, do vậy, những nhân tố đó không thể gây trở ngại với bạn. Không phải ngoại cảnh đang ngăn bước bạn mà chính là bạn đang ngăn bước bản thân! Chúng ta tự dừng lại! Chúng ta suy nghĩ hạn hẹp và đắm mình trong những hành vi tự chuốc lấy thất bại. Chúng ta bao biện cho những thói quen tự hủy hoại bản thân (như uống rượu hay hút thuốc) bằng những lập luận vững chắc. Chúng ta bỏ ngoài tai những góp ý hữu ích, không tự học hỏi và nâng cao kỹ năng, tiêu tốn thời gian vào những việc lặt vặt, bị cuốn vào những cuộc trò chuyện vô bổ, ăn những món có hại cho sức khỏe, không chịu tập thể dục, tiêu xài vượt quá thu nhập, không chịu đầu tư cho tương lai, lảng tránh những cuộc tranh luận cần thiết, không nói sự thật, không đòi hỏi những thứ mình mong muốn và rồi sau đó lại băn khoăn: Tại sao cuộc sống của ta lại như vậy? Song đây lại là lối sống của hầu hết mọi người. Họ đổ lỗi cho ngoại cảnh về tất cả mọi việc không như họ mong muốn. Họ luôn bao biện cho mọi thứ.
2. Đơn giản bạn có thể thay đổi phản ứng (R - Response) của mình với ngoại cảnh (E - Event) cho tới khi đạt được kết quả (O - Outcome) mà bạn mong muốn. Bạn có thể thay đổi cách tư duy, cách giao tiếp, thay đổi những hình ảnh trong đầu bạn (hình ảnh về bạn và thế giới) và bạn còn có thể thay đổi cách ứng xử. Đó là tất cả những thứ bạn cần phải kiểm soát. Thật chẳng may, hầu hết chúng ta lại bị thói quen chi phối mạnh tới mức chẳng bao giờ có thể thay đổi được hành vi của mình. Chúng ta bị mắc kẹt trong những phản ứng có điều kiện - đối với bạn đời và con cái, đối với đồng nghiệp tại công sở, đối với khách hàng, với sinh viên và cả thế giới rộng lớn. Chúng ta bị chi phối bởi những việc nằm ngoài tầm kiểm soát. Bạn cần lấy lại quyền kiểm soát đối với suy nghĩ, hình ảnh, ước mơ và hành vi của mình. Ví như, tất cả những suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn cần phải có định hướng và phù hợp với mục đích, giá trị và mục tiêu của bạn.
NẾU KHÔNG TOẠI NGUYỆN VỚI KẾT QUẢ THU ĐƯỢC, HÃY THAY ĐỔI CÁCH PHẢN ỨNG VỚI NGOẠI CẢNH
Chúng ta hãy cùng xem xét một vài ví dụ để thấy xem lời khuyên này hữu dụng thế nào.
Bạn còn nhớ trận động đất Northridge năm 1994 chứ? Ồ, tôi thì vẫn còn nhớ rõ! Tôi đã trải qua trận động đất tại Los Angeles đó. Hai ngày sau, tôi xem chương trình phỏng vấn những người sống ở ngoại ô và làm việc trong thành phố trên kênh CNN. Trận động đất đã phá hủy một trong những đường quốc lộ chính dẫn vào thành phố. Giao thông bị đình trệ; những quãng đường thông thường đi mất một tiếng lái xe giờ đây phải hai, ba tiếng mới tới nơi.
Phóng viên CNN gõ vào cửa kính của một trong những chiếc xe đang mắc kẹt trong đám tắc đường và hỏi tài xế xem hiện giờ anh ta thấy thế nào.
Người lái xe giận dữ trả lời: “Tôi căm ghét cái bang California này. Đầu tiên thì hỏa hoạn rồi lũ lụt, bây giờ lại đến động đất! Dù tôi có bắt đầu rời nhà đi lúc mấy giờ chăng nữa, tôi vẫn bị muộn làm, không thể nào tin nổi!”
Sau đó, anh phóng viên lại gõ cửa chiếc xe đằng sau và hỏi người lái xe cùng một câu hỏi. Người lái xe mỉm cười, trả lời: “Không vấn đề gì. Tôi đi làm lúc 5 giờ sáng. Tôi không nghĩ sếp có thể yêu cầu gì hơn trong tình trạng này. Tôi mang theo rất nhiều băng nhạc và băng dạy tiếng Tây Ban Nha. Tôi có điện thoại, cà phê pha sẵn, bữa trưa và còn cả một cuốn sách để đọc. Vậy nên tôi thấy rất ổn”.
Nếu trận động đất hay tình hình giao thông thực sự là các yếu tố mang tính chất quyết định thì đáng ra tất cả mọi người đều lâm vào tình trạng giận dữ. Song sự thật không diễn ra như vậy. Chính phản ứng khác nhau của từng người trước tình trạng giao thông tồi tệ đã tạo ra kết quả họ thu về. Sự khác biệt nằm ở chỗ người ta suy nghĩ tích cực hay tiêu cực, có chuẩn bị hay không khi rời nhà. Chính thái độ và hành vi đã tạo ra cho từng người những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
TÔI NGHE NÓI SẮP XẢY RA SUY THOÁI, TÔI QUYẾT ĐỊNH SẼ KHÔNG THAM GIA VÀO
Bạn tôi làm chủ một đại lý phân phối xe Lexus tại Nam California. Khi chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra, người dân ngừng tới mua xe Lexus (các sinh viên Harvard và sinh viên người Latin tại California gọi là xe Lexi). Nhân viên đại lý hiểu rằng nếu họ không thay đổi phản ứng (R - Response) của mình trước thực tế (E - Event), không còn ai tới phòng trưng bày nữa, rồi sớm muộn họ sẽ phá sản. Theo cách thông thường, họ tiếp tục đăng quảng cáo trên báo, đài và ngồi đợi khách hàng quay lại với cửa hàng. Song cách này không hiệu quả. Kết quả (O - Outcome) họ thu về là doanh số bán hàng giảm dần. Một nhân viên quyết định lái xe đến nơi những người giàu thường lui tới - các câu lạc bộ, các địa điểm du thuyền, các sân chơi polo, các buổi tiệc tùng tại Beverly Hills và Westlake Village và sau đó, mời những người này thử lái một chiếc Lexus mới.
Nào, hãy thử suy nghĩ về ý tưởng này… đã bao giờ bạn lái thử một chiếc xe mới sau đó quay lại dùng chiếc xe cũ của mình chưa? Bạn có nhớ cảm giác thất vọng khi so sánh chiếc xe cũ với chiếc xe mới mình vừa lái thử không? Chiếc xe cũ của bạn vẫn tốt. Nhưng đột nhiên, bạn được biết tới một chiếc còn tốt hơn và bạn muốn sở hữu chiếc xe đó. Các nhân vật giàu có này cũng vậy. Sau khi lái thử chiếc xe mới, rất nhiều người đã mua hoặc thuê một chiếc Lexus mới.
Cửa hàng đã thay đổi phản ứng (R - Response) của họ đối với một sự kiện (E - Event) không ngờ tới - cuộc chiến tranh - cho tới khi họ thu về kết quả (O - Outcome) mong muốn... tăng doanh số. Cuối cùng, số lượng xe bán ra mỗi tuần của cửa hàng còn cao hơn cả trước khi chiến tranh nổ ra.
MỌI KẾT QUẢ BẠN NHẬN VỀ NGÀY HÔM NAY ĐỀU BẮT NGUỒN TỪ NHỮNG LỰA CHỌN TRONG QUÁ KHỨ CỦA CHÍNH BẠN
Mọi trải nghiệm của bạn về cuộc sống - dù là nội tại hay ngoại cảnh - đều là kết quả của cách thức bạn phản ứng với những sự kiện trong quá khứ.
Sự kiện: Bạn được thưởng 400 đô la.
Phản ứng: Bạn tiêu hết số tiền trong một đêm.
Kết quả: Bạn cháy túi.
Sự kiện: Bạn được thưởng 400 đô la.
Phản ứng: Bạn đầu tư số tiền vào một quỹ tương hỗ.
Kết quả: Số tiền của bạn nhân lên.
Bạn chỉ cần kiểm soát được ba thứ trong cuộc đời - suy nghĩ, hình ảnh và hành động (hay hành vi). Cách thức bạn vận dụng suy nghĩ, hình ảnh và hành động quyết định tất cả những trải nghiệm và kết quả bạn nhận về. Nếu bạn không hài lòng với kết quả bạn đang tạo ra và nhận về, bạn cần thay đổi cách phản ứng của mình. Hãy suy nghĩ tích cực thay vì tiêu cực. Hãy thay đổi những ước mơ của bạn. Thay đổi thói quen. Thay đổi những cuốn sách đang đọc. Thay đổi bạn bè. Thay đổi cách trò chuyện.
NẾU BẠN TIẾP TỤC GIỮ CÁCH ỨNG XỬ HIỆN TẠI, BẠN SẼ CHỈ NHẬN ĐƯỢC NHỮNG KẾT QUẢ NHƯ BẠN HIỆN CÓ
Các chương trình mười-hai-bước1 như Alcoholics Anonymous định nghĩa tình trạng mất trí là “tiếp tục hành vi đó song lại mong đợi một kết quả khác biệt”. Điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra. Nếu bạn nghiện rượu và cứ tiếp tục uống, cuộc đời của bạn sẽ chẳng khá lên. Tương tự như vậy, nếu bạn tiếp tục cách hành xử hiện tại, cuộc sống của bạn cũng chẳng khá khẩm hơn.
1 Twelve-step program: là một bộ các nguyên tắc hướng dẫn nhằm giúp đỡ những người nghiện ngập hay gặp phải các vấn đề về hành vi phục hồi trạng thái bình thường.
Ngày bạn thay đổi cách ứng xử cũng chính là ngày cuộc sống của bạn được cải thiện. Nếu những hành vi hiện tại đang đem lại những kết quả “tốt” hay “tốt hơn” thì những kết quả tốt đẹp đó hẳn đã xảy đến! Nếu bạn mong muốn có những kết quả khác, bạn phải hành động khác đi!
BẠN PHẢI TỪ BỎ THÓI QUEN ĐỔ LỖI
Tất cả mọi lời đổ lỗi đều chỉ lãng phí thời gian. Dù bạn có tìm ra bao nhiêu lỗi lầm ở người khác hay bạn có đổ lỗi cho người khác như thế nào thì nó cũng không thay đổi gì ở bạn.
WAYNE DYER
Đồng tác giả cuốn How to Get What You Really, Really, Really, Really Want
Bạn sẽ không bao giờ thành công nếu cứ tiếp tục đổ lỗi cho người khác hay cho ngoại cảnh vì những thất bại của bản thân. Nếu bạn khao khát chiến thắng, bạn phải chấp nhận sự thật - chính bạn đã thực hiện những hành động, suy nghĩ, đã tạo ra những cảm xúc và những lựa chọn đưa bạn tới vị trí ngày nay. Chính là bạn!
Chính bạn đã ăn những món ăn vô bổ.
Chính bạn đã không biết từ chối đúng lúc!
Chính bạn đã nhận làm công việc hiện tại.
Chính bạn đã tiếp tục công việc.
Chính bạn đã lựa chọn tin tưởng vào những ai.
Chính bạn đã bỏ qua trực giác của bản thân.
Chính bạn đã từ bỏ ước mơ.
Chính bạn đã chọn mua vật phẩm đó.
Chính bạn đã không quan tâm tới những gì bạn có.
Chính bạn đã quyết định làm việc đó một mình.
Chính bạn đã đặt niềm tin vào mọi người.
Chính bạn đã đồng tình với những kẻ xấu.
Nói tóm lại, chính bạn đã tạo ra những suy nghĩ, cảm xúc, lựa chọn của mình; chính bạn đã thốt ra những câu nói và đó chính là lý do tại sao bạn đang đứng ở đây.
BẠN PHẢI TỪ BỎ THÓI QUEN PHÀN NÀN
Người phàn nàn về cách quả bóng bật lên rất có thể là người đã làm rơi quả bóng.
LOU HOLTZ
Vị huấn luyện viên duy nhất trong lịch sử NCAA, người đạt danh hiệu vô địch quốc gia và danh hiệu Huấn luyện viên xuất sắc của năm
Chúng ta hãy dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc về thói quen phàn nàn. Để có thể phàn nàn về một việc gì hay một ai đó, bạn cần phải tin rằng có một thứ khác tốt hơn. Bạn cũng cần phải đề cập tới những thứ khiến bạn hài lòng hơn song lại không sẵn lòng chịu trách nhiệm tạo ra những thứ đó. Chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ hơn.
Nếu bạn không tin rằng còn có những thứ tốt đẹp hơn - chẳng hạn sở hữu nhiều tiền hơn, một căn nhà to đẹp hơn, một công việc tốt hơn, một cuộc sống vui vẻ hơn và một người bạn đời thương yêu mình hơn - thì hẳn bạn đã không phàn nàn. Như vậy, bạn mường tượng tới những sự việc tốt đẹp hơn và hiểu rằng mình thích được như vậy song bạn lại không sẵn lòng mạo hiểm để đạt đến đó.
Hãy nghĩ xem… người ta chỉ phàn nàn về những việc họ có thể cải thiện được. Chúng ta chẳng bao giờ kêu ca về những thứ chúng ta không thể thay đổi. Bạn đã từng nghe ai phàn nàn về lực hấp dẫn chưa? Hẳn là chưa bao giờ. Thế bạn có nghe một ông cụ, bà cụ bị còng lưng đi xuống phố kêu ca về trọng lực bao giờ không? Dĩ nhiên câu trả lời là “không”.
Nhưng tại sao lại là “không”? Nếu không có trọng lực, người ta đã không bị ngã cầu thang, máy bay không bị rơi và chúng ta cũng chẳng làm vỡ bát đĩa. Song lại chẳng ai kêu ca gì cả. Và nguyên nhân nằm ở chỗ, trọng lực tồn tại. Không ai có thể thay đổi trọng lực, do vậy, mọi người đều chấp nhận. Thực tế, nhờ vậy mà chúng ta biết tận dụng trọng lực phục vụ cho đời sống. Chúng ta xây các công trình thủy lợi dẫn nước từ trên núi xuống, chúng ta đào cống để dẫn nước thải.
Thú vị hơn, chúng ta còn biết cách sử dụng trọng lực để giải trí. Hầu hết các môn thể thao đều vận dụng trọng lực, từ trượt tuyết, nhảy cao, nhảy dù, ném đĩa, bóng rổ, bóng chày cho tới chơi golf.
Những tình huống bạn phàn nàn thực chất bạn đều có thể cải thiện được song bạn lại chọn cách không làm gì cả. Bạn có thể đi tìm công việc tốt hơn, một ý trung nhân yêu thương bạn hơn, kiếm nhiều tiền hơn, chuyển tới một căn hộ to đẹp hơn, rời tới một thành phố trong lành hơn và ăn các đồ ăn có lợi cho sức khỏe hơn. Song để có được tất cả những điều này, bạn cần thay đổi.
Tương ứng với loạt tình huống tôi đã đề cập phần trước, bạn có thể:
Học cách nấu các món ăn có lợi cho sức khỏe.
Từ chối thẳng thừng.
Bỏ việc và đi tìm công việc mới tốt hơn.
Tận tụy với công việc.
Tin tưởng vào tình cảm của mình.
Quay lại trường và theo đuổi ước mơ.
Quan tâm chăm sóc những gì mình đang có.
Yêu cầu giúp đỡ.
Yêu cầu mọi người trợ giúp.
Tham gia vào một lớp học phát triển bản thân.
Tránh xa bọn xấu.
Song tại sao bạn lại không làm được? Bởi để làm những việc trên, bạn cần mạo hiểm. Bạn phải chấp nhận rủi ro bị thất nghiệp, bị bỏ rơi, bị cười nhạo và bị mọi người phán xét. Bạn phải chấp nhận nguy cơ thất bại, bị phản đối hay bước đi sai lầm. Bạn phải chấp nhận rủi ro cha mẹ, bạn bè hay bạn đời có thể bất đồng với bạn. Để thay đổi, bạn cần nỗ lực, thời gian và cả tiền bạc nữa. Thay đổi có thể khiến bạn thấy khó khăn, không thoải mái hay hoang mang. Do vậy, để trốn tránh những cảm giác này, bạn dậm chân tại chỗ và phàn nàn về hiện tại.
Như tôi đã đề cập, bạn phàn nàn chứng tỏ bạn đang nghĩ tới những điều tốt đẹp hơn song lại không dám thực hiện. Hoặc là bạn phải chấp nhận lựa chọn hiện tại của bản thân, tự chịu trách nhiệm và thôi kêu ca… hoặc là bạn hãy mạo hiểm thay đổi cuộc sống theo ý muốn.
Nếu bạn muốn đi từ nơi bạn đang đứng tới nơi bạn muốn tới, hiển nhiên bạn phải biết chấp nhận rủi ro.
Do đó, hãy ra quyết định và thôi phàn nàn, đừng mất thời gian với những kẻ hay kêu ca và hãy bắt tay gây dựng cuộc sống mơ ước của mình.
BẠN ĐANG PHÀN NÀN SAI ĐỐI TƯỢNG
Bạn có bao giờ nhận thấy rằng, mọi người luôn phàn nàn nhầm đối tượng - họ kêu ca với những người chẳng thể làm gì giúp họ? Họ tới công sở, phàn nàn về vợ/chồng mình; rồi khi về nhà lại phàn nàn về khách hàng, đồng nghiệp. Tại sao thế? Bởi làm như vậy vừa dễ dàng lại vừa an toàn hơn. Có can đảm, bạn mới dám nói với vợ/chồng mình rằng bạn không hài lòng với cuộc sống gia đình. Có can đảm, bạn mới dám yêu cầu vợ/chồng thay đổi cách xử sự. Tương tự, có can đảm bạn mới dám yêu cầu cấp trên lên lịch làm việc khoa học hơn, để bạn không phải làm việc cuối tuần. Việc này chỉ có cấp trên bạn mới làm được. Dù có kêu ca phàn nàn thì vợ/chồng bạn cũng chẳng thể giúp được gì.
Thay vì phàn nàn, hãy học cách đưa ra yêu cầu và thực hiện những công việc có thể đem lại cho bạn kết quả mong muốn. Đó chính là cách làm của những người thành đạt. Đó chính là cách để mọi việc tiến triển. Nếu bạn thấy mình đang lâm vào một tình cảnh không mong muốn, hãy cải thiện sự việc hoặc bỏ đi. Hoặc là thay đổi hoặc là rời bỏ. Hoặc đồng ý cùng nhau cải thiện mối quan hệ hoặc ly dị. Hoặc cố gắng cải thiện điều kiện làm việc hoặc đi tìm công việc mới. Chọn một trong hai cách, bạn sẽ có được thay đổi. Theo một câu ngạn ngữ cổ: “Đừng chỉ ngồi một chỗ (và than phiền), hãy hành động”. Và nhớ rằng, chính bạn là người có thể tạo ra thay đổi để trở nên khác biệt. Bạn không thể trông đợi gì vào thế giới bên ngoài. Chính bạn phải tạo ra những điều đó.
BẠN TẠO RA MỌI VIỆC TRỰC TIẾP HOẶC GIÁN TIẾP
Bạn phải hiểu rằng chính mình đã trực tiếp hay gián tiếp tạo ra mọi việc. Tôi nói tạo ra với ý bạn có thể trực tiếp thúc đẩy mọi việc diễn ra. Thông qua hành động hay bằng cách không làm gì cả. Nếu bạn tiến lại chỗ một anh chàng to lớn đang say mèm trong quán bar và mắng vào mặt anh ta rằng: “Mày thật xấu xí và ngu dốt”, anh ta sẽ nhảy qua ghế và thụi vào mặt bạn. Kết quả, bạn phải vào viện. Chính bạn là người gây ra hậu quả này. Đây là một ví dụ dễ hiểu.
Ví dụ thứ hai có thể khó hiểu hơn một chút: Bạn luôn làm việc muộn. Bạn về nhà trong tình trạng mệt lử, ăn tối trong khi đầu óc mê man rồi ngồi phịch xuống trước ti vi, xem bóng rổ. Bạn quá mệt mỏi, không còn đủ sức để làm bất kì việc gì khác như đi dạo hay chơi cùng bọn trẻ. Việc này diễn ra trong thời gian dài. Vợ bạn muốn nói chuyện cùng bạn. Bạn trả lời: “Để sau đã!” Ba năm sau, bạn về nhà, căn nhà trống rỗng. Vợ bạn đã bỏ đi, mang theo bọn trẻ và để lại cho bạn một lá thư. Chính bạn cũng là người gây ra hậu quả này!
Trong những trường hợp khác, chúng ta đơn giản để mặc mọi việc diễn ra bằng cách không làm gì cả và ngần ngại thực hiện những hành động cần thiết để đem lại hay giữ được kết quả mình mong muốn:
• Bạn đã không phạt bọn trẻ khi chúng không nghe lời, không tự thu dọn đồ đạc và giờ đây căn nhà trông như một bãi chiến trường.
• Bạn không yêu cầu chồng mình tham gia vào các buổi tư vấn cũng không bỏ đi khi lần đầu tiên anh ta đánh bạn, vì vậy giờ đây, bạn vẫn bị đánh đập.
• Do quá bận rộn nên bạn không tham gia buổi hội thảo bán hàng hay nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nào và giờ đây, cô đồng nghiệp mới giành được giải người bán hàng giỏi nhất.
• Bạn không có thì giờ huấn luyện lũ chó và giờ đây, chúng không nghe lời ai cả.
• Bạn không có thì giờ bảo dưỡng xe và giờ đây, bạn phải ngồi bên vệ đường cùng với chiếc xe hỏng.
• Bạn không quay lại trường để học thêm và giờ đây, bạn bỏ lỡ cơ hội được thăng chức.
• Bạn cần ý thức rằng, ở đây bạn không phải là nạn nhân. Bạn đã khoanh tay ngồi yên và để mặc mọi việc diễn ra. Bạn không nói gì cả, không đưa ra yêu cầu, đề xuất nào, không từ chối, không cố thử làm việc gì mới mẻ cũng không bỏ đi.
BÁO ĐỘNG VÀNG
Bạn cần nhận thức được: Không có việc gì đột ngột “xảy ra” với bạn. Cũng giống như “báo động vàng” trong loạt phim truyền hình Star Trek ngày trước, gần như bạn luôn luôn nhận được những điềm báo từ trước - dù là dưới hình thức một câu chuyện, những lời nhận xét từ mọi người, giác quan thứ sáu hay trực quan - những điềm báo này báo trước cho bạn về những hiểm họa sắp tới và giúp bạn có thời gian ngăn ngừa những hậu quả không mong muốn.
Bạn luôn luôn nhận được cảnh báo vàng. Đây là những cảnh báo vàng từ bên ngoài:
Chồng bạn về nhà ngày càng muộn hơn còn miệng thì phả ra hơi rượu.
Tờ séc thanh toán đầu tiên của khách hàng không hợp lệ.
Giám đốc la mắng thư ký.
Mẹ chồng cảnh báo cho bạn.
Bạn bè kể chuyện cho bạn.
Còn đây là những cảnh báo vàng xuất phát từ chính bạn:
Cảm giác bồn chồn trong ruột.
Cảm giác nghi hoặc mơ hồ.
Ý nghĩ vụt thoáng qua rằng có thể…
Trực giác.
Cảm giác sợ hãi đang dâng lên.
Cơn ác mộng khiến bạn thức giấc hàng đêm.
Chúng ta được cảnh báo qua rất nhiều “ngôn ngữ” khác nhau:
Bằng chứng rõ rệt, ý niệm mơ hồ hay mối nghi hoặc.
Những dòng chữ trên tường.
Tôi có cảm giác rằng…
Tôi cảm thấy sự việc đó đang tới gần.
Giác quan thứ sáu đã cho tôi biết.
Những cảnh báo này giúp bạn có thời gian để thay đổi biến số phản ứng (R - Response) trong phương trình E + R = O. Tuy nhiên, quá nhiều người bỏ qua những cảnh báo vàng này bởi nếu chú tâm tới chúng, họ sẽ phải làm những việc không mấy thoải mái. Thật chẳng dễ dàng khi nói chuyện với chồng bạn về những mẩu thuốc lá còn dấu son môi trong chiếc gạt tàn. Hay không đơn giản khi phát biểu trước buổi họp toàn công ty vì bạn là người duy nhất nhận thấy kế hoạch vừa đề xuất sẽ không đem lại hiệu quả. Cũng thật chẳng dễ dàng khi nói với ai đó bạn không tin tưởng anh/cô ta.
Như vậy, bạn giả như không thấy, không biết bởi làm thế thật dễ dàng và thoải mái, lại tránh phải đối đầu với ai và cũng không phải chịu rủi ro gì cả.
CUỘC SỐNG TRỞ NÊN DỄ DÀNG HƠN
Trái lại, những người thành đạt luôn trực tiếp đối diện với sự thật. Họ chấp nhận làm những việc không dễ dàng và tiến dần tới kết quả họ mong muốn. Những người thành đạt không khoanh tay ngồi đợi tai họa xảy đến rồi mới đổ lỗi cho việc gì hay ai đó về những hậu quả mà họ phải gánh chịu.
Khi bạn có thể phản ứng nhanh chóng và quyết đoán trước những tín hiệu và sự việc xảy ra, cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn sẽ bước đầu nhận được những kết quả tốt đẹp hơn cả về cảm xúc bên trong lẫn kết quả bên ngoài. Những lời than vãn như: “Mình cảm thấy mình là nạn nhận, bị lợi dụng, chẳng có gì tốt đẹp xảy tới với mình cả” trước đây sẽ được thay bằng “Mình cảm thấy thật tuyệt vời, mình đang nắm quyền kiểm soát, mình có thể làm mọi thứ.”
Những kết quả bên ngoài, như “Chẳng có khách hàng nào ngó ngàng tới cửa hàng của chúng ta, chúng ta không đạt chỉ tiêu hàng quý, khách hàng phàn nàn sản phẩm mới của chúng ta không dùng được” sẽ đổi thành “Tài khoản trong ngân hàng của chúng ta ngày càng tăng, tôi bán hàng xuất sắc nhất cả bộ phận, sản phẩm của chúng ta bán chạy như tôm tươi”.
MỌI VIỆC THẬT ĐƠN GIẢN
Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, bạn chính là người tạo dựng cuộc sống của bạn như hiện nay. Cuộc sống hiện tại chính là kết quả của tất cả những suy nghĩ và hành động của bạn trong quá khứ. Bạn là người điều khiển suy nghĩ và cảm xúc hiện tại của chính mình. Bạn là người điều khiển những lời nói và hành động của mình. Bạn cũng là người điều khiển những kiến thức du nhập vào đầu óc mình - thông qua những sách báo, tạp chí bạn đọc, những bộ phim và chương trình truyền hình bạn xem và những người bạn giao du. Mọi hành động đều do bạn kiểm soát. Để thành đạt, tất cả những việc bạn cần làm là hành động theo hướng đem lại kết quả như bạn mong muốn.
Mọi việc chỉ có thế! Rất đơn giản.
ĐƠN GIẢN KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI DỄ DÀNG
Mặc dù nguyên tắc này đơn giản, song thực hiện nó không hề dễ dàng. Để thực hiện, bạn cần tập trung suy nghĩ, có tinh thần kỉ luật cao, luôn sẵn sàng thử nghiệm và mạo hiểm. Bạn phải luôn sẵn lòng chú tâm tới những việc bạn đang làm và những kết quả bạn đang thu được. Bạn phải hỏi xin ý kiến phản hồi từ chính bản thân, từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, thầy cô giáo, huấn luyện viên và khách hàng của bạn. “Những việc tôi đang làm có tác dụng không? Liệu tôi có thể làm tốt hơn không? Liệu còn có những việc nên làm khác mà tôi chưa làm không? Liệu có việc gì tôi không nên tiếp tục tiến hành nữa không? Bạn thấy tôi có đang tự hạn chế chính mình không?”
Đừng ngại hỏi. Hầu hết mọi người đều ngại hỏi xin ý kiến phản hồi về những việc họ đang làm bởi họ lo sợ những điều sắp phải nghe. Chẳng có gì đáng sợ cả. Sự thật là sự thật. Bạn nên biết sự thật, đừng ngoảnh mặt làm ngơ. Và một khi biết được sự thật, bạn có thể sửa đổi nó. Bạn không thể nâng cao cuộc sống, cải thiện các mối quan hệ hay hiệu quả làm việc mà không biết ý kiến phản hồi từ những người xung quanh.
Hãy giảm tốc độ lại và chú tâm vào. Cuộc sống luôn đem đến cho bạn phản hồi về những hành vi của bạn nếu bạn biết để tâm. Nếu trái bóng golf luôn lăn trượt sang bên phải, nếu bạn không bán được hàng, nếu bạn được điểm C trong tất cả các khóa học tại trường, nếu lũ trẻ giận dỗi bạn, nếu bạn thấy mệt mỏi ốm yếu, nếu nhà bạn lộn xộn như bãi chiến trường hay nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc - đó đều là những phản hồi. Những sự việc đó cho bạn thấy có điều gì đó không ổn. Đây chính là lúc cần để tâm tới những việc đang diễn ra.
Hãy tự hỏi bản thân: Mình đã làm/không làm gì để sự việc diễn ra như thế này? Mình cần cố gắng làm những việc gì - những việc mình đang làm tốt? (Liệu mình có nên thực hành thêm, suy tính nhiều hơn, phó thác nhiều việc cho đồng nghiệp, biết tin tưởng hơn, lắng nghe hơn, đặt nhiều câu hỏi hơn, quan sát kỹ càng hơn, quảng cáo nhiều hơn, nói “tôi yêu mến bạn” nhiều hơn hay kiểm soát lượng carbon hydrat hấp thụ vào nhiều hơn?)
Việc gì mình đang làm song lại không hiệu quả? Việc gì mình cần làm ít đi? (Liệu mình có nói quá nhiều, xem truyền hình quá nhiều, ăn quá nhiều đường, uống quá nhiều bia rượu, thức quá khuya thường xuyên, buôn chuyện và làm mọi người thất vọng quá nhiều?)
Việc gì mình chưa làm nhưng cần phải làm thử để xem có mang lại hiệu quả không? (Liệu mình có nên lắng nghe nhiều hơn, tập thể dục, ngủ nhiều hơn, uống nhiều nước hơn, đề nghị giúp đỡ, marketing nhiều hơn, đọc sách, lập kế hoạch, trao đổi chuyện trò, giao phó công việc, giám sát tiến trình, thuê huấn luyện viên, làm tình nguyện hay biết trân trọng giá trị của người/vật khác nhiều hơn?)
Cuốn sách này có đầy đủ các nguyên tắc và phương pháp đã được kiểm nghiệm mà bạn có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống của chính mình. Bạn không phải phán xét, hãy cứ tin tưởng, coi như những nguyên tắc đó đều đúng đắn và thử áp dụng chúng. Chỉ khi đó, bạn mới tận mắt thấy được hiệu quả của chúng đối với cuộc sống. Bạn sẽ không biết được điều này nếu bạn không thử. Và khó khăn là ở đây - không ai có thể làm thay bạn được. Chỉ có bạn mà thôi.
Tuy nhiên, công thức rất đơn giản - tích cực làm những công việc đang làm, giảm thiểu những công việc ít thực hiện và thử những việc mới xem có đem lại hiệu quả tốt hơn không.
HÃY NGHE NÀY… NHỮNG KẾT QUẢ THU VỀ KHÔNG HỀ LỪA DỐI BẠN
Cách tốt nhất, nhanh nhất và dễ dàng nhất để tìm hiểu việc gì đó mang lại hiệu quả hay không là chú tâm vào những kết quả đang nhận được. Bạn có thể giàu có hoặc không. Bạn có thể yêu cầu được tôn trọng hoặc không. Bạn có thể chơi golf xuất sắc hoặc không. Bạn có thể đang có cân nặng lí tưởng hoặc không. Bạn có thể đạt được những điều mình mong muốn hoặc không. Bạn có thể đang hạnh phúc hoặc không. Mọi việc chỉ đơn giản có thế thôi. Những kết quả thu về không bao giờ lừa dối bạn!
Bạn phải từ bỏ thói quen bao biện và phán xét, hãy chú tâm vào những kết quả bạn đang tạo ra. Nếu bạn quá gầy hay thừa cân thì tất cả những nguyên cớ hay ho nhất trên đời cũng chẳng thể thay đổi trọng lượng của bạn. Cách duy nhất để thay đổi kết quả nhận về là thay đổi hành vi của bạn. Hãy quan sát kỹ càng hơn, tham gia nhiều khóa đào tạo về bán hàng hơn, thay đổi cách thức bán hàng, thay đổi chế độ ăn uống, tiêu thụ ít calo hơn và tập thể dục thường xuyên hơn - những việc này sẽ làm nên khác biệt. Tuy nhiên, trước tiên bạn phải sẵn sàng xem xét những kết quả bạn đang tạo ra. Điểm khởi đầu duy nhất chính là sự thật.
Như vậy hãy bắt đầu xem xét những việc đang diễn ra. Hãy nhìn vào cuộc sống của bạn và những người liên quan. Họ và cả bạn nữa có thấy hạnh phúc không? Cuộc sống đó có cân bằng, đẹp đẽ, thoải mái, an nhàn không? Liệu hệ thống của bạn có hoạt động không? Bạn có đang đạt được những thứ bạn mong muốn? Doanh thu ròng của bạn có gia tăng? Bạn có hài lòng với điểm số? Bạn có khỏe mạnh, cân đối, không bị bệnh tật gì? Bạn có đang tiến bộ trong mọi mặt của cuộc sống? Nếu không, nhất thiết phải có một việc gì đó cần xảy ra và chỉ có bạn là người tạo ra việc đó.
Đừng tự đánh lừa bản thân. Bạn cần thành thật với chính mình, dù rằng sự thật có tàn nhẫn thế nào chăng nữa. Hãy tự kiểm điểm bản thân.