Bài học này sẽ giải thích cho chúng ta một trong những nguyên tắc chủ yếu và quan trọng nhất của tâm lý: Quy luật tương tác.
Tâm lý con người cũng giống như mặt đất, chúng ta gieo ở đó hạt mầm gì thì nó sẽ mọc lên và sinh sôi nảy nở thông qua 5 giác quan. Tâm trí có xu hướng “phản ứng lại điều tương tự”, nghĩa là những hành vi tốt sẽ được đáp trả lại bằng những điều tốt, ngược lại, sự bất công và độc ác cũng được đáp trả tương ứng. Dù cho những hành vi này được điều khiển thông qua ám thị hay tự ám thị, thì trí óc vẫn định hướng các hoạt động thể chất dựa vào những ấn tượng giác quan mà nó tiếp nhận được; vì vậy, nếu bạn muốn tôi “phản ứng lại điều tương tự”, bạn hoàn toàn có thể làm được bằng cách định hình trong tâm trí tôi những ấn tượng giác quan hay những ám thị mà thông qua đó bạn muốn tôi có những hành động đáp trả lại. Ví dụ như bạn có thể xúc phạm hay làm tôi bực bội, thì nhanh như chớp, tâm trí tôi sẽ định hướng cho cơ thể đáp trả lại bạn điều tương tự, đó chính là “phản ứng lại điều tương tự”.
Bài học về quy luật tương tác sẽ dẫn chúng ta đến với một phạm vi mới. Ta có thể gọi đó là phạm vi của những hiện tượng tâm lý chưa xác định, và để lý giải được những hiện tượng này có lẽ cần có sự hỗ trợ của khoa học vật lý. Tuy chưa có sự lý giải thỏa đáng về luật tương tác, nhưng các nhà khoa học vẫn công nhận đây là một nguyên tắc đã được định hình. Chúng ta vẫn sử dụng điện mặc dù vẫn chưa có một định nghĩa chính xác về dạng năng lượng này, tương tự như vậy, hãy sử dụng những nguyên tắc tương tác một cách khôn ngoan.
Có một dấu hiệu khích lệ cho thấy ngày càng có nhiều tác giả hiện đại tập trung nghiên cứu quy luật tương tác. Dù mỗi người trong họ còn có những lời giải thích khác nhau, nhưng có vẻ như tất cả đều đồng ý với những đặc điểm cơ bản của cái gọi là nguyên tắc “tương tác lẫn nhau”.
Xung quanh đề tài này, Phu nhân Tổng thống Woodrow Wilson có viết:
“Có một quy luật tâm lý là tất cả những gì chiếm giữ tâm trí ta đều sẽ được định hình có mục tiêu. Và mỗi người chúng ta đều có thể chứng minh quy luật này từ những trải nghiệm của riêng mình.
Ví dụ, bạn có thể gặp một từ mà bạn không biết nghĩa. Bạn chưa từng nghe từ đó hay trông thấy nó bao giờ, nhưng sau khi bạn đã biết nó rồi, bạn sẽ thấy mình bắt gặp nó hoài.
Gần đây tôi cũng gặp một việc tương tự và có phán hơi kỳ quặc. Tôi đọc và nghiên cứu một đề tài mà tôi rất thích, đề tài này chắc chắn chưa bao giờ được xếp vào loại chủ đề nóng hổi. Tôi không nhớ đã từng thấy nó được đề cập đến ở bất kỳ một kênh thông tin đại chúng nào gán đây, nhưng kỳ lạ là kể từ khi tôi nghiên cứu về nó, tôi lại bắt đầu bắt gặp và thu thập được rất nhiều bài báo, bài tạp chí khác nhau viết về đề tài này.
Bạn có thể dễ dàng đi theo sự vận hành của quy luật này, dù ở bất cứ điều gì, kể cả chi tiết nhỏ nhất.
Một hai ngày trước, có một người bạn đến gặp tôi và đứng sững ngay trước cửa phòng tôi đang ngồi.
- Trời ơi, hoa! - Cô ấy hét lên. - Có phải hoa hồng không?
Trong giọng nói của cô ấy có chút sợ hãi, tôi nghĩ cô trách tôi vì đã không chịu mua trái phiếu. Tuy nhiên sau đó cô giải thích ràng mình rất khổ sở vì hoa hồng, và cứ vào khoảng tháng 6 khi những bông hoa hồng đang nở, mùi hương của chúng khiến cô ấy bị sốt.
- Trường hợp này chắc hiếm lắm, đúng không? - Tôi hỏi sau khi nhanh chóng mang hoa ra khỏi phòng.
- Không đâu, - cô ấy trả lời. - Trường hợp như tôi rất phổ biến. Hầu hết những người tôi quen biết đều bị như vậy cả.
Mặc dù hàng ngày tôi cũng tiếp xúc với rất nhiều người như cô ấy, có khi còn nhiều hơn do đặc thù công việc, nhưng ngoài cô ấy ra, tôi chưa gặp ai khác mắc phải chứng bệnh kỳ lạ này cả.
Một lần nữa tôi phải hỏi lại rằng tại sao khi những suy nghĩ của chúng ta được liên tục chuyển đến một vài người liên quan, thì rất có khả năng chúng ta sẽ nghe nhắc về những người đó hoặc gặp họ trong một thời gian ngắn sau đó? Chúng ta có thể không hề mảy may nghĩ đến người này hàng tháng trời hoặc hàng năm trời, nhưng dường như vẫn thấy hình bóng của họ ở đâu đó.
Tôi biết có rất nhiều lời giải thích khác nhau cho những hiện tượng này, nhưng không có lời giải thích nào hoàn toàn thỏa đáng. Dù thế, thực tế là chúng ta vẫn đang gửi đi những thông điệp vào vũ trụ và sẽ nhận được sự phản hồi. Đó là quy luật tương tác.
Phải chăng điều này có thể giải thích cho thực tế là những người hay than phiền thì luôn tìm ra nhiều chuyện mới để than phiền, những người ủ rũ thì lúc nào cũng có cả tá chuyện để u buồn, những người thích gây gổ và hung dữ thì thường muốn chọc tức những người vô can để họ cũng nổi giận bừng bừng?
Gần đây, tôi đã nghe một người phụ nữ than phiền về sự bất công của số mệnh và so sánh cuộc đời cô với một người mà cô quen biết.
- Hãy nhìn cô ấy mà xem, - người phụ nữ nói. - Tôi phải làm việc vất vả, xoay xở chật vật hàng mấy năm trời. Những gì tôi có được đều từ sự nỗ lực hết mình sau hàng ngàn lần thất vọng. Còn con nhỏ đó giỏi giang chẳng bằng một nửa tôi, lại không siêng năng, thế mà lại may mắn như thế. Thật chẳng công bằng gì cả.
Nhưng sự thật là tất cả mọi chuyện đều công bằng. Tôi biết cả hai người phụ nữ này. Điều khác biệt giữa họ là trong khi người phụ nữ thứ nhất luôn chuẩn bị để đón nhận những điều tồi tệ nhất, thì người phụ nữ thứ hai lại chỉ mong muốn những điều tốt đẹp. Người phụ nữ thứ hai luôn đón nhận những điều tồi tệ như chuyện đương nhiên và tìm mọi cách để thích ứng với nó. Đây là phản ứng đầu tiên của cô, và cũng là cách cô chọn để ứng phó với cuộc đời.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng trải qua những ngày mà tất cả mọi việc đều tồi tệ. Chắc chắn không có một thế lực xấu nào tìm cách làm cho chúng ta trở nên khốn đốn cả, mặc dù người ta thường có khuynh hướng tin vào thế lực xấu đó hơn là tìm hiểu tại sao lại có những chuyện xui xẻo cứ quanh quẩn đeo bám chúng ta từ sáng sớm đến tối mịt.
Trên thực tế, mọi người đều trải qua những tình huống tương tự câu chuyện trên, nhưng hầu hết chúng ta chỉ nhận thức một cách mơ hồ hoặc chưa kịp nhận ra.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất để bạn có thể làm chủ được quy luật này đó là bạn phải luyện tập khả năng làm chủ bản thân. Bạn phải học cách vượt qua được tất cả sự đối xử bất công, ngược đãi mà không được trả đũa lại. Để vận dụng quy luật tương tác một cách hiệu quả, bạn phải có khả năng tự chủ cao độ.
Nhờ vào nguyên tắc tương tác, chúng ta thực sự có thể biến kẻ thù thành bằng hữu. Nếu bạn có kẻ thù và mong muốn chuyển thành bằng hữu, bạn hoàn toàn có thể chứng minh sự đúng đắn của quy luật này một khi bạn có thể quên đi cái tôi của mình và bớt ngoan cố hơn. Hình thành thói quen nói với kẻ thù bằng những lời chân thành. Hãy cố gắng tử tế với anh ta. Ban đầu, anh ta sẽ không dễ gì thay đổi, nhưng dần dần sẽ chịu ảnh hưởng trước cách cư xử của bạn và đáp trả lại bạn điều tương tự. Đây gọi là việc “lấy ơn trả oán”.
Bạn chính là người quyết định những điều mà bạn muốn đối phương hành động, và cũng chính bạn là người quyết định mình có đạt được điều này thông qua quy luật tương tác hay không.
“Quy luật tự nhiên rất đơn giản: chúng ta chỉ nhận được khi chúng ta cho đi”. Đúng vậy, “Chúng ta chỉ nhận khi chúng ta cho đi”! Đó không phải là điều chúng ta mong muốn đến với chúng ta, mà là điều chúng ta cho đi.
Tôi rất mong các bạn vận dụng quy luật này trong cuộc sống. Không chỉ có những ích lợi hữu hình, hơn thế nữa, nó còn đem đến hạnh phúc và những kết quả hơn cả mong đợi.
Rốt cuộc thì chỉ có sự cố gắng phấn đấu mới cho ta những thành công thật sự.