Trao nhau cái ôm thắm thiết, những nữ pháo thủ Đại đội Pháo cao xạ Triệu Thị Trinh (Đại đội Triệu Thị Trinh) không giấu được niềm xúc động trong buổi gặp mặt ý nghĩa tại Bảo tàng Phòng không-Không quân.
Kiên cường trong chiến đấu
Năm 1967, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, máy bay Mỹ liên tục oanh tạc. Để tăng cường lực lượng bảo vệ mục tiêu trọng yếu, ngày 1-8-1967, Quân khu Hữu Ngạn (sau này là Quân khu 3) đã quyết định thành lập Đại đội Triệu Thị Trinh trực thuộc Tỉnh đội Thanh Hóa. Quân số của đại đội bao gồm những nữ dân quân, tự vệ thuộc các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia của tỉnh Thanh Hóa. Một số chị em là cán bộ công tác tại địa phương, thanh niên tình nguyện nhập ngũ. Đồng chí Nguyễn Thị Hằng-Khu đội trưởng Khu Nam Ngạn (sau này là Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) được bổ nhiệm Đại đội trưởng. Đồng chí Nguyễn Thị An, Xã đội trưởng xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia làm Chính trị viên.
Cựu chiến binh Thang Thị Minh Sắc, nguyên Chính trị viên phó đại đội nhớ lại: “Tháng 10-1967, đại đội được điều động xuống xã Trung Chính, huyện Nông Cống phối hợp với nhân dân địa phương xây dựng trận địa. Chị em phải vét bùn, tát nước, đắp bờ đặt pháo bảo vệ cầu Quan, Quốc lộ 45 và khu dân cư. Tại đây, đơn vị đã kiên cường đánh trả từng tốp máy bay Mỹ bắn phá cầu Quan. Tuy nhiên, trận địa của đại đội cũng bị bom Mỹ đánh sạt 3 công sự, nhiều đồng chí bất tỉnh do sức ép của bom. Đại đội trưởng Nguyễn Thị Hằng bị thương ở ngực và cánh tay phải”.
Đầu năm 1968, Đại đội Triệu Thị Trinh tiếp tục cơ động xuống xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc phục kích máy bay Mỹ từ biển vào, bảo vệ phà Thắm, cầu De. Cựu chiến binh Trần Minh Vương, nguyên trinh sát viên đại đội kể lại: “Đây là địa bàn rất quan trọng, là nơi thuyền bè qua lại vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược từ miền Bắc vào chiến trường. Sáng sớm, tôi có nhiệm vụ trinh sát dọc bờ sông, đánh giá lưu lượng thuyền bè di chuyển qua phà Thắm, xem bao nhiêu tàu thuyền chưa di chuyển được phải neo lại. Nắm chắc tình hình, tôi báo cáo ban chỉ huy đại đội để xác định phương án tác chiến nhằm bảo vệ thuyền bè trước sự đánh phá của máy bay Mỹ”.
Đại đội Pháo cao xạ Triệu Thị Trinh tổ chức lễ tuyên thệ trước khi ra quân năm 1967. Ảnh tư liệu
Công sự trận địa của đại đội xây dựng ngay cạnh nghĩa địa, cây cối rậm rạp, vắng vẻ, nhưng các nữ chiến sĩ vẫn bám trụ trận địa, không rời vị trí chiến đấu. Khoảng 10 giờ ngày 28-3-1968, đơn vị tổ chức 6 khẩu đội ở vị trí khác nhau. Khi nghe thấy tiếng máy bay từ phía biển đang hướng về khu vực phà Thắm, Đại đội trưởng Nguyễn Thị Hằng liền hô lớn: “Tất cả vào vị trí chiến đấu!”. Khi chiếc A3J bổ nhào xuống ném bom, các khẩu đội đồng loạt nhả đạn. Ngay loạt đạn đầu tiên, chiếc máy bay A3J đã trúng đạn bốc cháy, lao ra biển, hướng về phía hòn Nẹ. Pháo thủ số 1 Nguyễn Thị Nghiêm liền hô lớn: “Máy bay cháy rồi!”. Cả đơn vị cùng reo hò vui mừng khôn xiết. Tin chiến thắng nhanh chóng lan ra khu dân cư. Bà con nhân dân ùa ra mang theo ngô, khoai lang, chuối, dừa chúc mừng các nữ pháo thủ. Ngay hôm đó, Tỉnh đội Thanh Hóa đã điện xuống chúc mừng chiến công xuất sắc của Đại đội Triệu Thị Trinh...
Sau mỗi trận đánh, đại đội phải cơ động sang vị trí khác tránh địch tập kích. Những nữ pháo thủ lại gồng mình đưa vũ khí cơ động khắp các huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ngoài chiến công trực tiếp bắn rơi 1 máy bay A3J, đại đội còn phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân hai xã Liên Lộc, Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc) bắn rơi 3 máy bay; phối hợp với quân dân các xã Trung Chính, Trung Thành (huyện Nông Cống), huyện Triệu Sơn bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bắt sống phi công tại núi Nưa. Tích cực chiến đấu trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đến cuối năm 1969, Đại đội Triệu Thị Trinh giải thể. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được điều động về các đơn vị huấn luyện quân vào Nam chiến đấu và các cơ quan trong tỉnh.
Tìm lại phiên hiệu đơn vị và nghĩa tình hôm nay
Từ ngày đơn vị giải thể, mỗi người một cơ quan, đơn vị khác nhau. Điều kiện chiến tranh ác liệt, rồi cuộc sống với bộn bề lo toan khiến chị em cũng từ đó bặt tin nhau. Bà Nguyễn Thị Vân An, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh đại đội cho biết: “Năm 2010, tôi cùng bà Nguyễn Thị Na đạp xe lên Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa để hỏi về Đại đội Triệu Thị Trinh. Tuy nhiên, cán bộ ở đây trả lời là không rõ đơn vị đó. Chúng tôi trình bày đây là đơn vị bộ đội có phiên hiệu, được biên chế đầy đủ quân số chứ không phải là dân quân du kích. Sau đó, chúng tôi đề nghị mở lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đối chiếu thì có ghi rõ về sự ra đời cũng như thành tích bắn rơi máy bay của Đại đội Triệu Thị Trinh”.
Các nữ cựu chiến binh Đại đội Pháo cao xạ Triệu Thị Trinh gặp mặt truyền thống tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, tháng 5-2019. Ảnh: DUY VŨ
Sau khi nắm được thông tin, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh của đại đội. Danh sách được gửi về các địa phương ghi rõ tên tuổi, ngày tháng nhập ngũ, thông báo thời gian gặp mặt. Đúng hẹn, 24 nữ pháo thủ sau gần 50 năm mới được gặp lại nhau. Do những đổi thay cùng năm tháng, nhiều người không nhận ra nhau. Năm xưa, họ là những cô gái trẻ trung phơi phới thì nay mái đầu đã bạc, sức khỏe giảm sút. Chị em hỏi tên tuổi mới nhận ra rồi ôm chầm lấy nhau khóc. Từ đó, họ họp lại và thống nhất thành lập ban liên lạc. Từ các tài liệu lịch sử cùng lời kể của nhân chứng sống là những nữ pháo thủ, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, lập hồ sơ đề nghị vinh danh xứng đáng với chiến công của Đại đội Triệu Thị Trinh. Ngày 16-12-2014, Đại đội Triệu Thị Trinh đã vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trở về đời thường, mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Sau khi xuất ngũ, người quá lứa nhỡ thì ở vậy, người thì xây dựng gia đình với thương binh nặng, đa phần không có việc làm. Thêm vào đó, những di chứng của chiến tranh khiến sức khỏe của họ đều suy giảm. Hiện tại, trong số các nữ cựu chiến binh của đại đội có 14 người có hoàn cảnh rất khó khăn. Chẳng hạn như bà Lương Thị Độ, lấy chồng là thương binh, sau đó chồng và hai con gái bà đều qua đời do bệnh hiểm nghèo, chỉ còn một mình bà trong căn nhà quạnh vắng. Hay bà Nguyễn Thị Nghiêm, do thương tật chiến tranh nên bà phải điều trị thay cổ xương đùi hết hơn 100 triệu đồng, chồng bà thì bị ung thư vòm họng rồi qua đời. Đã bước sang tuổi 76, nhưng hằng ngày bà vẫn phải đi làm thuê, xếp cá, xếp mắm cho các cơ sở sản xuất tại địa phương...
Các nữ cựu chiến binh Đại đội Pháo cao xạ Triệu Thị Trinh gặp mặt truyền thống tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, tháng 5-2019. Ảnh: DUY VŨ
Chứng kiến nhiều chị em có hoàn cảnh gieo neo, Ban liên lạc cựu chiến binh đại đội thường xuyên thăm hỏi, động viên, kêu gọi sự ủng hộ với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều” để đồng đội vượt qua khó khăn. Ngày hội ngộ, họ cùng nhau hát vang khúc ca “Bên nòng súng thép” mà nhạc sĩ Hồ Thắm viết tặng đơn vị ngay tại trận địa cách đây mấy chục năm. Chiến tranh đã qua, bao nhọc nhằn lui lại phía sau, chỉ còn nghĩa tình đồng đội ở lại và thắm mãi.
VŨ DUY