Để bắt đầu cho một tản văn viết về ống trúm - một dụng cụ dùng để đặt lươn ở quê, mà lấy chính... thơ mình làm đề dẫn thì hơi thiếu khách quan rồi! Nhưng cũng phải cảm ơn anh bạn nhà báo quen biết nọ, cái hồi rất lâu lắm đã cho tôi một thông tin chính xác đến mức bùi ngùi: Bây giờ ống trúm không làm bằng tre nứa như ngày xưa, giờ làm bằng chất liệu composite hết rồi! Cũng từ đây, tôi sinh ra buồn vô cớ rồi viết: “Con lươn trườn mình qua ống trúm đăm chiêu/ Đâu mùi tre nứa...”.
Có người nói rằng, đặt trúm là nghề “hạ bạc”. Theo tôi, là một nghề kiếm sống, cứ nghề lương thiện thì đều đáng được trân trọng, không phân biệt cao thấp hay sang hèn!
Quay lại chuyện ống trúm. Cái tật kỳ hết sức, cứ xa quê, xa khung trời ký ức, thì chạm vào phía nhớ nào, cũng đều ngậm ngùi hết. Mà, ngộ thiệt, ống trúm thôi hà, có gì đâu để nhớ? Có chứ sao không trời? Ít nhất là nhớ mùi tre nứa, từ tre nứa này thì nhớ ruộng vườn, nhớ ao bèo, nương rẫy... nhớ dáng mẹ tảo tần, nhớ bóng cha dầu dãi...
Khi mùa mưa sắp bắt đầu, thì nghề đặt trúm cũng gần như sắp “vào vụ”. Bây giờ ít người làm nghề đặt trúm hơn xưa rồi, vì cũng như cá, con người tận thu, khai thác triệt để, nên lươn đồng bây giờ cũng trở nên hiếm. Khi “sản vật” thiên nhiên hiếm đi thì nhiều người dần bỏ nghề vì không có cái thu hoạch hoặc thu hoạch rất hạn chế. Cùng với đó là việc lươn dễ nuôi, mau lớn, mau thu hoạch; nên nghề đặt trúm, ngoài những người đi “kiếm cái ăn”, còn lại cũng do nhớ nghề mà tiếp tục len lỏi hết đồng đất này đến đồng đất khác.
Với ống trúm bằng tre, người đặt trúm đa số di chuyển bằng xuồng trên cách con kênh nhỏ, cũng như trên đồng ruộng, khi nào đặt trúm ở những vị trí “hiểm hóc” thì mới cột dây xuồng lại, vác bộ; vì ống trúm bằng tre, khi đặt xuống sẽ bị “nong” nước, rất nặng. Ngược lại, các ống trúm bằng composite, gọn và nhẹ, đặc biệt, không bị “nong nước” như ống trúm làm bằng tre. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng, với ống trúm bằng composite, khi con lươn “trườn” qua khỏi cái hom, vẫn không biết rằng mình đang “lâm nạn”, vì chúng không thể nào nhận ra mùi tre nứa để biết rằng mình đã bị mắc bẫy.
Mỗi vùng miền đều có cách làm mồi cũng như cách làm, đặt trúm khác nhau. Riêng cái chuyện thay chất liệu làm ống trúm từ tre nứa sang composite, tôi cảm thấy miền ký ức cứ như bị đánh mất hồn quê. Nhớ lại cái thời ấu thơ tôi từ đồng đất lớn lên, lúp xúp theo cha ra đồng, bơi xuồng cùng mẹ ra mấy cái mương dài ở tận đầu bờ ngoài cùng để hái rau muống đọt. Từ trái bình bát, trái lê-ki-ma ăn chơi, cho đến dây bầu, dây bí; tôi đều nằm lòng mỗi tháng, mỗi mùa mà chúng ra hoa đậu quả. Chính điều này cũng góp phần giải thích vì sao tôi chông chênh, chao đảo chỉ vì cái ống trúm vô tri, vô giác kia. Xin thưa, mỗi một vật dụng đều có linh hồn cả. Tôi tin như vậy. Cho nên, từ ống trúm composite, mà tôi đã viết:
Con lươn trườn mình qua ống trúm đăm chiêu?
Đâu mùi tre nứa?
Vết thời gian cắm sâu theo nhịp thở
Cứa bùn non máu đất tuôn trào...
Máu đất tuôn trào cũng là lúc tôi khóc cho riêng mình, khi một miền ký ức nào đó bị xé ra manh mún...