Nhà thơ anh hùng, “người thầy tôi chưa một lần gặp mặt” ở Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nơi tôi từng tu nghiệp - Ca Lê Hiến - sinh thời nghe nói rất thích câu thơ: “Đường về hai trường ta cũng gần thôi/Chúng ta đi trên hai bờ sông Tô Lịch/Nói chuyện sông Cà Lồ và làng Cổ Tích/Về Cổ Loa giang bao bọc Cổ Loa thành/Những dòng sông dẫu cạn bỗng lại chảy quanh anh/Lại chảy quanh tôi những dòng nước mát/Lại kể chuyện những làng xưa nặn nồi nặn bát/Bên bồi bên lở những dòng sông/Tôi đã qua Trường Sơn điệp trùng/Đã lội mười mấy dòng sông lạ/Những dòng sông màu xanh núi đá/Thấy dòng sông mà lại nhớ dòng sông...”. Ấy là những câu thơ trong một bài thơ của Phạm Tiến Duật viết tặng Lê Anh Xuân để nhớ về những ngày hai ông còn là sinh viên. Mỗi lần gặp Trương Nguyên Việt tôi lại hay nghĩ đến câu thơ ấy vì tôi với anh cũng có những “trích ngang” và sở nguyện từa tựa. Anh học bên trường Sư phạm, tôi bên trường Tổng hợp và cũng từng “khép lại những vần thơ rạo rực tuổi thanh xuân, khép lại một tình yêu văn học vô bờ bến... trở thành một người lính thực sự... quần áo tả tơi”. Tôi đọc anh từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, mà chủ yếu là đọc kịch xem kịch, đọc thơ đọc văn anh (với bút danh Châu La Việt, Triệu Phong, Lê Khánh Hoài..,) là chính chứ đọc phê bình tiểu luận thì đây thú thực là quyển đầu tiên.
Có thể nói Thời gian không mờ phai của Trương Nguyên Việt là một cuốn sách viết về một thời với những con người không thể nào quên. Ấy là những năm tháng chiến tranh, bom đạn, cắt chia và đói nghèo nhưng rất đỗi tự hào chưa xa của dân tộc. Ấy là gương mặt những chính khách, những văn nghệ sĩ, những người thân nổi tiếng một thời nhưng lại vô cùng gần gụi và bình dị.
Tái hiện lại những năm tháng chiến tranh, khắc họa phục dựng lại chân dung những nhân vật một thời. Nội dung này mấy năm gần đây đã có nhiều nhà văn; đặc biệt là các nhà lý luận nghiên cứu phê bình văn học, nghiên cứu lịch sử đã làm. Nhưng với Thời gian không mờ phai, Trương Nguyên Việt đã chọn cách viết thật riêng. Trên cái nền của cảm hứng lịch sử Thấy dòng sông mà lại nhớ dòng sông, từ góc nhìn của “một người lính chiến thực sự, quần áo tả tơi vì lửa đạn, ngày và đêm đối mặt với máy bay, bom đạn, ăn ở cũng ngay trên mâm pháo... luôn sẵn sàng tinh thần bất kể lúc nào mình cũng có thể ngã xuống …”; đặc biệt là với phẩm chất nghệ sĩ “di truyền” từ người mẹ (ca sĩ Tân Nhân, người nghệ sĩ gắn bó tên tuổi của mình với những ca khúc đã đi vào lịch sử của âm nhạc Việt Nam như Xa khơi, Tình quê hương, Ru con, Câu hò bên bờ Hiền Lương…), người cha (nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - tức Tôn Nữ Trà Mi, Tôn Nữ Diễm Hồng, Bích Khê, Triệu Phong - nổi tiếng với 500 bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam).
Không chỉ vậy, viết Thời gian không mờ phai tác giả còn có một lợi thế khác. Ấy là quê hương của ông. Làng Mai Xá (còn gọi là Làng Mai) là một trong 65 làng cổ thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh) rộng ra là Quảng Trị - Thừa Thiên một vùng quê thực sự “địa linh nhân kiệt” với những tên tuổi lớn gắn liền với cách mạng kháng chiến như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Thị Ái... cùng những văn nghệ sĩ lừng danh mà nhắc đến nền văn nghệ cách mạng người đời sau không thể bỏ qua.
Nếu như chân dung các nhà cách mạng trong Thời gian không mờ phai như chỉ thoáng qua, chỉ dựa theo “lời kể của người thân” như là những chấm phá thì chân dung các văn nghệ sĩ đã được Trương Nguyên Việt khắc họa nên với những nét thật nét. Giản dị mà sống động, mỗi người một vẻ. Ấy là những tài năng như một Chế Lan Viên (Chế Lan Viên - yêu thơ ông suốt cuộc đời), một Nguyễn Văn Thương (Nguyễn Văn Thương với Bình Trị Thiên khói lửa), một Lưu Trọng Lư (Thanh khiết một hồn thơ). Ấy là những văn nghệ sĩ - chiến sĩ, nhà báo tài hoa và nặng tình với những người lính (Đỗ Nhuận, Nguyễn Thành, Phạm Thanh Tâm, Khắc Tuế, An Thuyên, Ngọc Tân, Lê Khánh Căn, Dương Đức Quảng...). Ấy là nhà văn Xuân Thiều gắn bó, nặng tình với Huế một “mùa mai đỏ” (Xuân Thiều và Huế mùa mai đỏ, Huế mùa xuân năm ấy)... Ấy còn là những người lính bình thường ngoài mặt trận; một biên tập viên giàu lòng vị tha (Đỗ Gia Hựu - người ân tình của những trang văn); một người bạn văn (Y Phương - Hứa Vĩnh Sước); rồi là những người thân (Dì tôi - Người con gái họ Hồ, Người vợ suốt một đời thủy chung của nhà thơ Tố Hữu)...
Tôi đặc biệt cảm động về những trang viết của Trương Nguyên Việt về người mẹ của ông - nghệ sĩ Tân Nhân. Ông viết: “Ngoài lòng trân trọng tình cảm của đông đảo công chúng với tiếng hát của mình, mẹ tôi, nữ nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân - cũng luôn cảm kích về tình thương yêu và sự chăm sóc của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ văn nghệ sĩ của chúng ta…”. Rồi ông ghi lại những kỷ niệm “không thể mờ phai” về mẹ. Ấy là những ngày thơ ấu, những năm tháng ở chiến trường phải sống xa mẹ, là buổi đón mẹ vào Sài Gòn... là khi sang Mỹ thắp hương cho bố theo di chúc của mẹ. Ông viết: “Tôi nhớ buổi đầu đón mẹ từ sân bay về, ngay khi tới cửa nhà tôi, thật sự mẹ tôi choáng: “Nhà của Hoài thật đây à?”. Mẹ tôi đã không tin nổi… Vì nói thật, mẹ tôi đã không tin đứa con có thể gọi là nhiều thiệt thòi trên đường đời như tôi, nay lại có một cơ ngơi như vậy. Và cũng vì những căn nhà mà mẹ tôi đã từng ở ngoài Hà Nội, chỉ 4 mét vuông, 8 mét vuông, rồi 16 mét vuông và khá nhất là một căn hộ hơn 30 mét vuông, tất cả đều trong những khu tập thể chật chội, có thể nói là chen chúc nữa…” (Bài Mẹ tôi, Tân Nhân). Cũng trong bài này ông kể: “Đến cuối năm 2007, một lần tôi sang chơi thăm mẹ, mẹ tôi vẫy lại gần, quàng vai tôi rất âu yếm và nói: “Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ông Thơ (nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) yên nghỉ, thắp cho mẹ một nén nhang”… Ít ngày sau, tôi và vợ tôi đi Mỹ. Vì công việc, chúng tôi phải đến bờ Đông nước Mỹ trước, cho đến khi sắp về nước, mới tới được bờ Tây, tìm đến công viên vĩnh hằng nơi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ yên nghỉ, lại có hai người cháu ruột của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đưa đi. Vợ chồng tôi đã cung kính thay mặt cho mẹ tôi thắp hương cho nhạc sĩ, thưa với nhạc sĩ những tình cảm quý trọng của mẹ tôi cũng như nguyện vọng của mẹ tôi với những tác phẩm âm nhạc viết về quê hương đất nước rất thắm thiết của nhạc sĩ… Những dòng nước mắt dài chảy trên má của tôi, tôi hiểu đấy là nước mắt của cả tôi và của cả mẹ tôi”. Và khi mẹ đã vĩnh viễn đi xa, ông tâm sự: “… Mẹ tôi ra đi đã 5 năm. Nhưng nhiều người vẫn không nghĩ mẹ tôi đã mất. Chúng tôi, những người con của mẹ cũng như vậy. Chúng tôi không còn mẹ nữa, nhưng vẫn không tin là mẹ đã ra đi. Khi đâu đó giữa đất trời, và trong tâm hồn những đứa con của mẹ, những bạn bè anh em, những thế hệ, vẫn vang vọng tiếng hát của mẹ. Xa khơi hay Câu hò bên bờ Hiền Lương, Chim pông kle hay Gió mùa thu mẹ ru con ngủ… Nhiều thế hệ vẫn thốt lên tên gọi Tân Nhân, Tân Nhân và Xa khơi, Tân Nhân và Câu hò bên bờ Hiền Lương… Và chúng tôi, những con cháu của mẹ vẫn sống và phấn đấu để xứng đáng là con của Mẹ, để mọi người sẽ cùng thốt lên: Đúng là con cháu Tân Nhân.
Trương Nguyên Việt là thế, tôi muốn mượn lời nhà văn Đỗ Chu thay cho phần kết bài viết này: “Người ta thường nói, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Châu La Việt đúng là con nhà nòi. Đã mang trong mình nết thư hương thì không thể khác được. Tôi hình dung sắp đến với anh sẽ là những năm tháng nhiều vất vả, kiêu hãnh. Nếu đợi sự dễ dàng thì đã chả chọn lối đi này. Hãy viết như mẹ anh đã từng hát. Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm...”.
Thập Tam trại - Hà Nội, tiết lập xuân 2016
Ngô Vĩnh Bình