Từ giới hạn của cái rốn ở phương diện cá nhân đến sự vô hạn của vũ trụ. 3,1415926535897932384626433832795028841 97 và còn tiếp nữa.
Pi hay , con số thể hiện tỷ lệ giữa chu vi và đường kính của một đường tròn. Hay nói cách khác, con số này bằng tỷ số của chu vi đường tròn chia cho đường kính của đường tròn đó.
Và cho đến nay, chúng ta đều biết tỷ lệ này không thể tính chính xác được.
Và cho đến nay, con số này vẫn là một chuỗi những con số bất tận.
Và do đó, pi là một con số mơ hồ.
Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ là một người mê toán học. Nhưng dù vậy, tôi vẫn thấy mình luôn quan tâm đến con số tận cùng của chuỗi số dài đến vô cực này. Đó không phải là toán học nữa mà là siêu hình học.
Hồi lớp chín, tôi tham gia một cuộc thi xem ai có thể nhớ được số pi dài nhất. Và tôi nhớ được đến ba mươi chín con số thập phân, chiếm giải ba. Ngay cả bây giờ đâu đó trong đầu tôi vẫn còn nhớ rõ ba mươi chín con số thập phân ấy – Quả là không tưởng!
Sự vô tận của con số pi đã khiến những học sinh toán học ăn ngủ không yên gần như bốn ngàn năm qua. Và bản ghi chú viết tay đầu tiên mà người ta tìm thấy là trên một cuộn giấy cói vào khoảng năm 1650 trước Công nguyên tại Ai Cập.
Vào thế kỷ XVII, Ludolph van Culen, một nhà toán học người Đức, đã tính được số pi đến ba mươi lăm con số thập phân, quả là một kỳ công đáng kể chỉ với mẩu bút chì, giấy và một cái đầu. Con số pi đã lấy đi của ông gần như trọn vẹn chỗ năng lượng chất xám của suốt cuộc đời và trở nên quan trọng với ông đến nỗi ông đã cho khắc nó lên bia mộ của mình.
Dù mọi người ngờ rằng không hề có con số pi đó và sẽ không bao giờ tìm ra con số pi đó, cuộc săn tìm đoạn kết của con số này vẫn tiếp tục diễn ra và ngày nay, người ta nhờ đến sức mạnh của những siêu máy tính để làm việc này. Chúng ta đã tìm ra đến một tỷ tỷ con số thập phân. Thành quả mới nhất mà người ta thu được là con số pi với 2 tỷ 260 triệu 336 chữ số thập phân, kết thúc bằng chuỗi số 9896531. Nếu được in thành một hàng, con số này sẽ dài bằng đoạn đường từ Seattle đến Miami. Và nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy rằng đoạn kết của con số này vẫn còn để mở.
Vậy thì sao nào? Ai quan tâm đến chuyện này kia chứ?
Đó là những người muốn biết những gì vượt xa sự hiểu biết hiện tại.
Đó là những người muốn biết mặt sau của mặt trăng trông như thế nào.
Đó là những người vì hiếu kỳ đã tìm ra kính viễn vọng, sinh quyển của sao Hỏa, ngành khoa học tế bào, nghiên cứu bệnh ung thư và dự án tìm kiếm nguồn trí tuệ bên ngoài vũ trụ. Cũng tinh thần đó đã thúc đẩy họ điều tra về những sự thật của thế giới bên kia sự sống và bản chất của Chúa trời.
Đó là những người tin rằng luôn luôn phải có một lý do nào đó.
Chúng ta chẳng ai thoải mái với những giải pháp bừa bãi, những mối quan hệ lỏng lẻo. Chúng ta muốn một sự tồn tại theo nguyên tắc có hay không, trắng hay đen, thật hay giả.
Phần lớn những cỗ máy trong thời đại của chúng ta đều hoạt động theo nguyên tắc nhị phân.
Biểu hiện của phần lớn các hiện tượng đều được giảm thiểu xuống thành hệ quả mở-đóng, hoạt động- dừng hoặc có-không. Ngôn ngữ của chiếc máy tính mà tôi đang gõ những dòng này cũng vận hành theo mật mã nhị phân. Theo tiêu chuẩn truyền thống, mỗi chữ cái đều có một mã số gồm tám chữ số một và số không.
Tương tự như mã số Morse thời điện tín chỉ gồm những dấu chấm và dấu gạch ngang. Và bây giờ những mã vạch tính tiền dù dày hay mỏng cũng thế. Là một cái gì đó hoặc không là gì cả. Tồn tại hoặc không tồn tại. Nam hay nữ. Ngay cả trong thời đại của Kinh Thánh, người ta cũng tiến hành những quyết định trong ngôi đền có hai viên đá Urim và Thummin bằng cách tung chúng lên để chọn theo ý Chúa.
Con số pi không thích hợp với nguyên tắc này. Nó là chiếc cầu nối giữa cái đã biết và cái vô cực. Nó là một bài toán đố tồn tại ở bất kỳ nơi nào trong vũ trụ
này, nơi có sự hiện diện của hình tròn. Từ hình dáng của các hành tinh cho đến sóng năng lượng ở nơi xa xôi lẫn hình xoắn ốc của chuỗi gien, hình tròn của con ngươi và hình dáng của mỗi người – nghĩa là hình tròn của mỗi cái trứng mà chúng ta đã sinh ra từ đó. Tất cả đều liên quan đến con số pi.
Liệu chúng ta có bao giờ tìm ra một con số thay cho số pi?
Liệu chúng ta có bao giờ biết được bản chất thật sự của Chúa?
Với những câu hỏi nền tảng đó, câu trả lời dường lúc nào cũng giống nhau…