Trên tuyến đường Trường Sơn, trọng điểm ATP gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu-la-nhích ở miền tây Quảng Bình với địa hình hiểm trở vẫn được biết đến là “túi bom”, nơi hứng chịu nhiều đợt đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ...
QĐND - Trên tuyến đường Trường Sơn, trọng điểm ATP gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu-la-nhích ở miền tây Quảng Bình với địa hình hiểm trở vẫn được biết đến là “túi bom”, nơi hứng chịu nhiều đợt đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ. Cũng chính tại nơi đây, hành động anh hùng và tấm gương chiến đấu quả cảm của những người lính Bộ đội Cụ Hồ rực sáng. Anh hùng-liệt sĩ Nguyễn Thị Liệu (hay Nguyễn Thị Vân Liệu), người nữ Thanh niên xung phong (TNXP) của Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 công binh, Binh trạm 14 là một trong số đó.
CCB Trần Tuyết Mai (bên phải) người cùng quê, đơn vị với anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Thị Liệu. Ảnh: Tuấn Tú.
Một lần tình cờ, chúng tôi được gặp các cựu TNXP của vùng quê chiêm trũng Hà Nam năm xưa cùng nhập ngũ một ngày với anh hùng Nguyễn Thị Liệu. Trong ký ức của họ, hình ảnh cô gái đồng trang lứa với vóc dáng nhỏ bé quyết tâm vào chiến trường vẫn còn đó, tự tin và quyết đoán. Cô Nguyễn Thị Thu Yến kể: “Tháng 5-1965, Đội TNXP về tuyển quân, chúng tôi đều được chọn cả, chỉ riêng chị Liệu vì người quá nhỏ nên không được nhận. Thế nhưng chị ấy quyết không về, cứ chạy bám theo đoàn xe. Cuối cùng cực chẳng đã, đồng chí chỉ huy đội đành phải nhận chị ấy vào đội”. Cô Tạ Thị Hoán quê ở thị trấn Quế, cùng huyện Kim Bảng với Liệu, cũng nhớ có lần đã hỏi vì sao cô lại không ở lại tuyến ngoài mà cứ dẻo dai đi theo đơn vị cho khổ, Liệu đã trả lời rằng: “Mình phải đi, phía trước đang cần những người như chị em mình. Mình muốn đi xa nữa, càng đi càng đến gần mặt trận và ngày thắng lợi hơn”.
Hai năm sau, người nữ TNXP ấy đã cảm hóa được đồng đội không chỉ vì có giọng hát hay, tính tình cởi mở, mà vì Liệu là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, luôn nhường thuận lợi cho bạn, nhận khó khăn về mình, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ. Cô Trần Tuyết Mai (hiện đang sống tại phố Kim Giang, Hà Nội), một trong hai nữ đồng đội tham gia đội gỡ bom cùng Nguyễn Thị Liệu ngày 11-2-1967 kể: “Hôm đó đúng vào ngày mồng 3 Tết âm lịch, nhưng địch vẫn ném nhiều loạt bom, trong đó có một quả bom nổ chậm nằm ngay giữa mặt đường khiến đoàn xe chi viện cho chiến trường phải dừng lại. Vân Liệu quyết định xung phong ra gỡ quả bom này bằng cách phá bom mới. Tôi và một đồng chí nữa được giao cùng thực hiện nhiệm vụ với Liệu. Trước khi đi, cả ba đứa chúng tôi ngoắc tay quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đến giờ hình ảnh ba ngón tay sạm nắng và chai sần đan vào nhau tôi vẫn không sao quên được”.
Lần gỡ bom ấy, Nguyễn Thị Vân Liệu quyết định áp dụng phương pháp phá bom mới mà chính cô nghĩ ra và đã từng thực hiện thành công vào ngày 23-1. Liệu phân công hai đồng chí cùng đi gác hai đầu đường, chỉ riêng mình cô đến bên quả bom. Cô dùng con dao rựa moi đất. Đất ở trọng điểm cua chữ A vốn bị bom Mỹ cày xới tơi như cám nên cô đào không khó khăn gì. Quả bom chui xuống đất chếch 15 độ, đầu cánh ngóc lên trên. Đào moi xuống gầm quả bom, cô phải cúi rạp xuống, một tay ôm bom, tay kia moi đất. Khi đất moi đã rộng, Liệu khéo léo luồn người nằm xuống dưới quả bom. Từ dưới hố sâu, ánh sáng đủ để Liệu nhìn thấy thân bom có một khung sơn vàng với chữ và ký hiệu tiếng Anh. Liệu đào rộng xung quanh quả bom rồi dùng một miếng cát-tông pháo sáng cuộn lại thành hình cái phễu, chụp dưới gầm quả bom. Cô đặt kíp mìn định hướng lên trên trốc phễu sau đó áp thuốc nổ lên trên rồi lèn đất thật chặt. Xong xuôi, Liệu bắn liền 2 phát pháo hiệu để mọi người chạy vào hầm trú ẩn. Khi thấy không còn ai trên mặt đường, cô mới châm ngòi đốt dây cháy chậm rồi nhanh chóng vào hầm. Vài giây sau hai tiếng nổ, Liệu và mọi người cùng chạy đến thì quả bom đã biến mất. Trên đường chỉ có một lỗ nhỏ bằng chiếc chảo con. Liệu mừng quá vội bắn pháo hiệu thông đường. Đoàn xe đang chờ lại tiếp tục ra mặt trận.
Sáng kiến và hành động dũng cảm của Nguyễn Thị Liệu được Bộ tư lệnh tiền phương Đoàn 559 phát động trên toàn tuyến “phong trào học tập và noi gương Nguyễn Thị Liệu phá bom nổ chậm”. Tuy nhiên, trong một lần trực tiếp tham gia phá bom nổ chậm trên đường Trường Sơn, Vân Liệu đã bị thương nặng. Dù được kịp thời đưa về bệnh viện dã chiến ở biên giới Việt-Lào chữa trị nhưng do vết thương quá nặng, cô đã hy sinh ngày 27-5-1968 khi mới 23 tuổi đời. Tâm sự với chúng tôi, cô Trần Tuyết Mai chia sẻ: “Tôi và Vân Liệu cùng quê lại cùng đơn vị, ba năm vật lộn trên tuyến lửa Trường Sơn hai chúng tôi rất hiểu nhau. Liệu đã nằm lại chiến trường, nhớ cái ngoắc tay hẹn ngày về của Liệu tôi đã thay bạn về quê báo cáo quê hương, gia đình”.
Nhiều năm đã trôi qua, người thân, đồng đội và bạn bè Nguyễn Thị Liệu mỗi lần nhắc đến cô vẫn không ngăn nổi xúc động, tiếc thương. Chính họ đã kiên trì tìm kiếm, xác minh thành tích làm thông tin cơ sở để Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Thị Liệu ngày 10-4-2001.
BÍCH TRANG
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 12/11/2013)