10 giờ 30 phút ngày 16-9-1969, phân đội trinh sát pháo binh do tôi phụ trách về phối thuộc cho mặt trận Chu Lai để chuẩn bị cho những trận đánh lớn...
QĐND - 10 giờ 30 phút ngày 16-9-1969, phân đội trinh sát pháo binh do tôi phụ trách về phối thuộc cho mặt trận Chu Lai để chuẩn bị cho những trận đánh lớn, đã tiếp cận được thượng nguồn sông Trường - con sông hung dữ bậc nhất về mùa mưa của đất Quảng Nam. Chúng tôi chiếm lĩnh bờ sông chờ nước rút và nghe ngóng tình hình địch bên kia sông. Nghe nói bọn Mỹ mới nống ra chốt chặn. Rất may cho bọn tôi là mưa đã dứt, mặt trời đã hiện ra. Cuộc vượt sông của chúng tôi không qua mắt được du kích Dương Yên. Tôi vừa lên bờ đã thấy họ tới bắt liên lạc. Một đồng chí cầm giấy giới thiệu đóng dấu hình mũi tên (hỏa tốc) với ba chữ cái Đ.L.T - “Đi lập tức” của chúng tôi đi đâu đó rồi trở ra theo sau là một cô gái. Cô có cái miệng rất xinh với chiếc răng khểnh lấp ló ở bên phải, khuôn mặt trái xoan, lông mày đen không tỉa tót với hàng mi dài cong vút. Bộ bà ba: Quần đen, áo màu rêu sẫm, chiếc khăn rằn quấn cổ trên tấm thân mảnh mai cao gầy, trông cô giống như một cô gái mới rời ghế nhà trường…
- Em sẽ dẫn mấy anh đi. Bọn nó (Mỹ) mới rút sáng nay. Đề phòng bất trắc bọn ở Dương Bông nống ra phục kích, hơn nữa mấy anh mang vác như thế này rất khó cơ động nên chúng ta sẽ bám theo lộ, tuy xa một chút nhưng an toàn hơn-nhìn qua chúng tôi một lượt, cô gái nói.
Tôi và tiểu đội trưởng Đàn đi trước cùng cô. Tiếp theo là các chiến sĩ mang máy đo đạc. Chúng tôi men theo rừng non thận trọng hành tiến. Trên người nặng trĩu súng đạn và máy móc, mặc quần lót thật không dễ chịu gì với những cành cây xấu hổ. Cây gai, cỏ dại quấn lấy chân. Ống chân tóe máu, ánh nắng chiều tà sau mưa tai quái chiếu bỏng rát sau gáy… Không thèm để ý đến nó, chúng tôi theo sát cô giao liên đặc biệt này. Quả thực cô không giống với bất cứ mẫu người nào chúng tôi gặp trên đường hành quân. Giao liên thì phải mang súng thường là khẩu AK hoặc AR15, thanh niên xung phong gùi thồ hàng thì đôi vai hằn lõm, vai u lại. Còn cô giao liên này là ai mà không mang súng, hăm hở dẫn chúng tôi đi vào chốn lửa đạn… Phía trước bỗng chớp nhằng, hai tiếng nổ liên tiếp inh tai, mảnh đạn bay vù vù, điểm nổ cách chúng tôi không xa. Lại hai tiếng nổ nữa, lần này xa hơn chỗ chúng tôi một chút. Cô giao liên lùi lại nói với tôi:
- Nó pháo rứa là không có lính bộ ở đây đâu. Ta đi nhanh một chút nữa tìm chỗ ngủ qua đêm anh à.
Chiều ấy, chúng tôi dừng chân ở một khe cạn giữa hai triền núi đất rất tốt cho tránh phi pháo. Bữa cơm chiều có bàn tay của cô giao liên nên ăn ngon hơn. Chúng tôi căng tăng võng và đã nằm cả trên đó nhưng vẫn thấy cô chưa căng võng, tôi nhắc thì cô đề nghị:
- Anh treo võng cao chút nữa, cho em mắc võng phía dưới.
Tôi chưa hiểu cô nói gì, cô đã tháo võng tôi ra cột lên cao một chút, rồi cô lấy võng của mình cột phía dưới. Kiểu mắc võng hai tầng này, khi còn ở hậu cứ tôi có nghe nói: “Các cô ở trong này thấy tăng võng của lính miền Bắc to rộng thường xin mắc ở dưới”. Tôi tưởng anh em bịa chuyện nào ngờ là thật...
Ngày thứ hai, cô giao liên không mang súng dẫn chúng tôi đi trong những cánh rừng thuộc vùng giải phóng hướng về Kỳ Yên thuộc huyện Tam Kỳ. Lúc này cô mới tiết lộ, cô tên Chung, cán bộ tỉnh đoàn Quảng Nam về lại cơ quan, nhân tiện dẫn chúng tôi đi, chứ không phải là giao liên như chúng tôi tưởng.
Sang ngày thứ ba, bọn tôi đổ dốc xuống Kỳ Yên. Nơi dân sống nửa hợp pháp, có những nếp nhà xinh xắn bên lũy tre xanh, có những đàn em nhỏ dễ thương. Ở đó có những địa đạo xuyên vào lòng núi, là cửa ngõ giữa vùng giải phóng và vùng kiểm soát của Mỹ-ngụy. Đấy là nghe Chung nói thế. Chung bảo, vào xóm Chung sẽ đãi bọn tôi một chầu rau khoai lang luộc chia tay; em về cơ quan còn bọn tôi qua sông về Chu Lai.
Mới xuống đến cửa rừng, bất ngờ chiếc L19 ở đâu bay tới. Vừa mới nghe tiếng nổ đầu nòng đã thấy những quầng lửa, khói đen bốc lên trên cánh đồng trước mặt với những tiếng nổ dậy đất. Tôi nhận ra ngay chiếc L19 đang chỉ điểm cho các trận địa pháo quanh vùng bắn phá cánh đồng Kỳ Yên. Tôi ra hiệu cho Chung vào xóm và chỉ huy anh em theo bờ ruộng bậc thang vọt tiến ra phía bờ sông. Vừa mới vào được lùm cây ở bờ sông ngoảnh lại vẫn thấy Chung bám theo bọn tôi. Một tay Chung bám vào tôi cho khỏi ngã, tay kia mở gùi, hổn hển nói:
- Em gửi các anh mấy lon gạo.
Vội ngăn em lại, tôi bảo:
- Trời đất ơi! Không phải thế. Em giữ lại khi nào bọn anh tới thăm em ở tỉnh đoàn, em nấu cho bọn anh ăn và cả rau khoai lang luộc Kỳ Yên nữa chứ.
Em buông gùi hai tay bám bờ vai tôi:
- Anh nhớ nghe!
Tôi ngước nhìn em, mặt em đỏ bừng, đôi môi mấp máy chiếc răng khểnh lộ ra rất duyên. Em đưa vội một tay dụi mắt đỏ hoe mọng nước. Tôi lưu luyến rời em, vượt sông theo đồng đội. Qua bên kia sông nhìn sang vẫn thấy em đứng đó. Tôi giơ cao khẩu AK chào tạm biệt em - Cô giao liên không mang súng…
Đã qua bao nhiêu năm rồi. Bây giờ cô cán bộ tỉnh đoàn tên Chung có chiếc răng khểnh duyên dáng ấy ở đâu, biết được địa chỉ nhất định chúng tôi sẽ đến “bắt đền” cô món rau khoai lang luộc Kỳ Yên như lời hẹn năm nào...
NGUYỄN KIM CHÚC (CCB Binh trạm 44, Bộ tư lệnh Trường Sơn)
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 15/7/2016)