“Dòng dõi Bà Trưng vốn xưa nay anh hùng
Giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng…”
Lời bài hát Bài ca phụ nữ Việt Nam của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phần nào đã khắc họa hình ảnh kiên cường, mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Cũng phải nói rằng, chưa bao giờ, người phụ nữ có nhiều đóng góp, tham gia tích cực vào công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Hình ảnh những bóng hồng làm nên dấu ấn trên các mặt trận như chính trị, vũ trang, ngoại giao… đã khắc sâu trong tâm trí những người dân cả nước. Họ là những nữ anh hùng của một thời kỳ lửa đạn, đấu tranh hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Lần mở theo những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, hình ảnh người phụ nữ đã có nhiều đóng góp trong những thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên khắp miền Nam, nơi phải gánh chịu những kìm kẹp, hà khắc của đế quốc, người phụ nữ luôn đi đầu trong phong trào kháng chiến. Chia lửa với nam giới, “Đội quân tóc dài” nơi xứ dừa Bến Tre đã được nhân rộng trên khắp miền Nam. Ba mũi giáp công chính trị, binh vận, vũ trang khiến bao kẻ thù phải khiếp sợ. Cùng với miền Nam, tấm gương phụ nữ miền Bắc chăm chỉ sản xuất, tham gia lực lượng thanh niên xung phong, tham gia bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương… khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần của người phụ nữ trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những đóng góp, hy sinh thầm lặng của “Đội quân tóc dài” đã góp phần viết lên trang sử vàng chói lọi cho cách mạng Việt Nam. Hình ảnh nữ anh hùng trên mặt trận giải phóng dân tộc như một nốt nhạc mềm mại, dịu dàng nhưng cũng vút cao lên những thanh âm của sự kiên gan, quật khởi. Cũng chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng cho Phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như một sự tôn vinh xứng đáng.
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022), đồng thời khẳng định đóng góp, tri ân những hy sinh to lớn của phụ nữ Việt Nam trong tháng năm kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Ấn phẩm Nữ anh hùng thời chống Mỹ - Những “bông hồng thép” trên tuyến lửa.
Từ xưa đến nay, phụ nữ luôn có đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với gia đình và xã hội Việt Nam. Trong gia đình, họ là người bà, người mẹ, người vợ lo công việc nội trợ, cơm nước, chăm lo, dạy dỗ con cái. Trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, phụ nữ Việt Nam có mặt trên khắp các mặt trận, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, sự xuất hiện của các “Đội quân tóc dài” như một huyền thoại độc nhất vô nhị, có thể đương đầu với các loại vũ khí tối tân, làm câm họng những khẩu đại bác đang điên cuồng nhả đạn và chặn đứng cả những chiến xa. Sự có mặt của phụ nữ trong chiến đấu đã trở thành một điểm sáng trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Hình ảnh về phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ với những cái tên như Nguyễn Thị Bình – bông hồng thép trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định lãnh đạo Đồng Khởi Bến Tre, nụ cười của chị Võ Thị Thắng trước tòa oán phi lý, hay mười nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống ở ngã ba Đồng Lộc đã không còn xa lạ với thế hệ chúng ta. Thế nhưng ở một đất nước có bề dày lịch sử mấy ngàn năm, ta còn chưa biết hết đến những nữ anh hùng khác, mang biệt danh thân thương như “o du kích nhỏ”, “bông mai Đồng Lộc”… nghe qua thì thể hiện sự mềm mại dịu dàng, nhưng những việc họ làm thậm chí khiến nam nhi phải ngả mũ thán phục.
Không chỉ là sôi nổi và hăng hái trên những tuyến đường đầy mưa bom, bão đạn, mà ở những trận địa khói lửa nhất, những chiến trường ác liệt nhất, người con gái Việt Nam còn làm tốt công tác chính trị - tư tưởng. Các bài viết “Chị Năm chính sách”, hay “Nữ bí thư làm nên đồng khởi” làm người đọc càng cảm thấy khâm phục và trân trọng trước những người phụ nữ nhỏ bé nhưng ý chí và lòng quyết tâm của họ lại không hề bé nhỏ, tầm thường. Giữa vòng vây dày đặc của địch, những nữ anh hùng ấy vẫn hoạt động chính trị tích cực như chuẩn bị tư tưởng cho nhân dân nổi dậy, củng cố lực lượng du kích mật, hay trực tiếp thị sát tình hình để thấu hiểu sự khốc liệt của chiến tranh, làm cầu nối chi viện hậu cần cho miền Nam đánh Mỹ.
Càng khâm phục ý chí của những nữ anh hùng, ta càng thêm căm thù giặc Mỹ. Bài viết “Nữ tù Hồng Tươi và lá thư tố cáo tội ác chiến tranh” đã làm rõ những hành động man rợ của giặc Mỹ đối với nữ tù cộng sản trong nhà lao đế quốc. Có ai tưởng tượng được “xích chân tù nhân thành từng xâu, mỗi xâu 10-15 người, giam trong những dãy nhà lợp tôn, không có vách, chỉ có hàng chục lớp rào bằng dây kẽm gai xung quanh. Ban ngày thì nóng như thiêu đốt, nhưng ban đêm lại rét buốt. Bữa ăn hằng ngày chỉ có một bát cơm với khô mục hoặc trứng thối, nên nhiều tù nhân bị bệnh kiết lỵ đã phải bỏ mạng” là sự đối đãi của người với người, chứ chưa nói là đối xử với phụ nữ? Hay sự tra tấn tàn ác nào đó, là nỗi đau đớn và nhục nhã kinh khủng nhất đối với cuộc đời người con gái?
Cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, sau 30 năm đã đi đến ngày toàn thắng. Để có được chiến thắng vẻ vang, thống nhất nước nhà, non sông thu về một mối không thể không nhắc đến những người nữ anh hùng. Độc lập, tư do của Việt Nam ngày hôm nay được xây dựng nên có máu xương của những người đã ngã xuống, trong đó có cả công lao to lớn của những nữ anh hùng can đảm, bền gan.
Những cô gái trẻ ngày ấy bây giờ đã là bà, là cụ, có người đã về chốn cao xanh, nhưng những đóng góp to lớn của họ với sự nghiệp giải phóng đất nước mãi mãi được Tổ quốc ghi công. Tám chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” thực sự xứng đáng với công lao của những nữ anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.