Đó là chuyện của Đại tá, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn nhớ như in chuyện tình nguyện vào chiến trường của mình đầu năm 1972. Bà kể: “Ngày ấy, mong ước được đi chiến trường, đem công sức nhỏ bé của mình để phục vụ thương, bệnh binh là ước mơ cháy bỏng của những nữ bác sĩ như chúng tôi. Viết đơn tình nguyện đã mấy tháng, cuối cùng tôi cũng được chấp thuận khi có đoàn công tác của cán bộ, bác sĩ vào chiến trường Quảng Trị”.
Vừa kết hôn được 4 tháng, biết tin có thai cùng tin đi phục vụ chiến đấu, Nữ Hiếu đã rất băn khoăn vì sợ sức khỏe không bảo đảm để hoàn thành tốt công việc. Thậm chí bà đã có ý định bỏ thai để đi thực hiện nhiệm vụ. Nhưng được sự động viên của gia đình, đặc biệt từ người chồng yêu thương Nguyễn Lân Dũng (sau này là GS, TS, Nhà giáo Nhân dân, chuyên gia đầu ngành về công nghệ sinh học ở Việt Nam), bà đã chuẩn bị đầy đủ hành trang để lên đường.
Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu chăm sóc thương binh tại chiến trường Quảng Trị, năm 1972. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Vốn có thể trạng yếu, lại đang mang thai, trên đường vào chiến trường, Nữ Hiếu đã không thể theo kịp đồng đội. Đến Hướng Hóa, Quảng Trị, bà bắt đầu bị nôn, không thể leo những đèo dốc dựng đứng. Bà đã được “gửi lại” trạm giao liên để chờ hồi phục sức khỏe. Vậy là cùng với cô bạn đồng nghiệp Thúy Quỳnh, Nữ Hiếu quyết tâm tập luyện để có thể vượt Trường Sơn. Sáng sáng, hai nữ bác sĩ quân y đeo ba lô nặng tập hành quân, trèo đèo, vượt dốc. Nữ Hiếu còn leo lên miệng vực rồi… nhìn xuống cho quen mắt, không bị chóng mặt nữa. Sau một thời gian rèn luyện, có đoàn vào chiến trường, Nữ Hiếu và Thúy Quỳnh xin đi theo. “Chuyến ấy, thấy hai cô gái "chân yếu tay mềm" xin đi cùng, đồng chí cán bộ trưởng đoàn đã “thử” chúng tôi khi bảo cả hai quay trở ra Bắc, sẽ có người đưa ra tận nơi. Nhưng tất nhiên là chúng tôi từ chối và khẳng định quyết tâm có thể chịu đựng mọi gian khổ và dẻo dai như các chiến sĩ nam để vượt mọi địa hình nên ông đã đồng ý”-bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu nhớ lại.
Phục vụ thương, bệnh binh tại chiến trường Quảng Trị, dù ốm nghén mệt mỏi, Nữ Hiếu vẫn không từ nan trước bất cứ nhiệm vụ gì. Có khi bà phải vừa làm bác sĩ, vừa làm y tá, hộ lý phục vụ người bệnh. Có những thời điểm, bà thức suốt đêm ngày túc trực bên giường bệnh để giành lại sự sống cho thương binh. Như lần cứu chữa cho một nữ dân công hỏa tuyến tên Thành bị sốt rét ác tính, hôn mê sâu. Suốt 20 ngày, Nữ Hiếu ở bên chị Thành, kiên trì áp dụng các biện pháp điều trị tích cực, xoa bóp, bấm huyệt và cả trò chuyện với người bệnh. Nhờ sự cứu chữa tận tình của bác sĩ Hiếu mà chị Thành đã vượt qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần hồi phục.
Năm tháng sau, khi mang thai đến tháng thứ bảy, Nữ Hiếu mới nhận quyết định ra Bắc. Những ngày tháng ở chiến trường, khi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc đã tôi luyện cho bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu sự kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng đối diện với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống sau này.
HOA THỦY TIÊN
(Báo Quân đội nhân dân, mục Bạn đọc, số ra ngày 28/4/2022)