Đó là chị Nguyễn Thị Nê (Bảy Nê), sinh năm 1947 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Phú Hòa Đông, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Sớm mồ côi mẹ, mấy anh chị em trong gia đình chị Bảy Nê đều thoát ly tham gia kháng chiến.
Từ năm 1962, Nguyễn Thị Nê theo người chị ruột làm giao liên cho xã ủy, chuyển công văn, thư từ lên huyện và ngược lại. Trong quá trình ấy, Bảy Nê đã biết cách theo dõi nắm tình hình địch, phục vụ cho du kích xã và huyện đội.
Đầu năm 1964, chị Bảy Nê xung phong vào đội du kích xã, hoạt động liên tục trên địa bàn Phú Hòa Đông và một số xã lân cận. Là một chiến sĩ du kích gan dạ, mưu trí và dũng cảm, chị được cử làm Tiểu đội trưởng du kích Phú Hòa Đông. Đến tháng 5-1965, một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 5 quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) càn vào Phú Hòa Đông. Chị Bảy Nê chỉ huy một tổ du kích chiến đấu, chặn địch. Trước sự chênh lệch về lực lượng, cả tổ vẫn bình tĩnh nổ súng ghìm chân địch và tìm cách chuyển đồng đội bị thương và tử sĩ về tuyến sau. Chị đã khôn khéo đánh lừa địch bằng cách bắc loa tay kêu gọi chúng đầu hàng. Nghe tiếng loa, địch biết ngay là nữ du kích, chúng tràn lên hòng bắt sống. Tuy nhiên, dưới sự chỉ huy của chị Nguyễn Thị Nê, tổ du kích vẫn bám trận địa và khôn khéo cơ động chiến đấu, đẩy lùi cuộc càn của địch.
Đội trưởng Nguyễn Thị Nê. Ảnh tư liệu.
Tháng 11-1965, khi huyện ủy và huyện đội quyết định thành lập Đội nữ du kích Củ Chi. Là một đảng viên có thành tích trong chiến đấu, chị Nguyễn Thị Nê được rút lên làm đội trưởng. Từ chỗ ban đầu mới có 3 người, toàn đội phát triển lên thành 3 tiểu đội, với quân số hàng chục chị em, những nữ du kích dạn dày kinh nghiệm chiến đấu. Dũng cảm, gương mẫu, miệng nói tay làm, chị Bảy Nê thực sự là hạt nhân đoàn kết và gắn bó các thành viên trong đội.
Tháng 5-1967, sau khi điều nghiên kỹ lưỡng, Đội trưởng Nguyễn Thị Nê chỉ huy một tổ 3 người phối thuộc Đại đội trinh sát Dũng Cảm, dùng mìn định hướng ĐH10 đánh vào bãi để xe tăng và khu nhà của đám nhân viên kỹ thuật địch trong căn cứ Đồng Dù. Trước đó, chị Bảy Nê đã nhiều lần bò vào căn cứ, sờ tận xích xe tăng và từng lều bạt của lính Mỹ. Khi trở ra lại sắp xếp mọi thứ như cũ để địch không nghi ngờ. Trận này, mìn định hướng phát nổ, hàng chục tên địch phải đền tội. Do gặp sự cố, nên cả tổ phải ém trong ống cống. Chờ mãi tới gần sáng, cả tổ mới rút ra bên ngoài an toàn.
Ngày 17-9-1967, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền tổ chức Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các LLVT giải phóng miền Nam lần thứ hai. Là dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, Đội trưởng Nguyễn Thị Nê vinh dự được thay mặt chị em Đội nữ du kích Củ Chi viết thư báo cáo thành tích của đội lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Chị viết:
“Bác Hồ kính mến của cháu!
Cháu là Nguyễn Thị Nê, 20 tuổi, Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi. Thưa Bác, đội của cháu hiện nay có 60 chị em. Từ ngày thành lập đến nay, toàn đội đã đánh hơn 100 trận, diệt hơn 400 tên Mỹ, phá hủy 70 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 15 máy bay, ai cũng diệt được ít nhất 3 tên Mỹ và đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Riêng phần cháu đã diệt được 15 tên Mỹ, 20 tên ngụy, phá hủy 2 xe tăng, 2 xe bọc thép và 2 khẩu pháo. Nhưng cháu tự nhận thấy cũng còn nhiều thiếu sót, còn nóng vội lúc giao nhiệm vụ cho chị em. Cháu xin hứa với Bác sẽ tích cực sửa chữa”.
Từ cuối tháng 10-1967, ngụy quyền Sài Gòn đã rình rang chuẩn bị cho lễ “quốc khánh” (1-11). Trên địa bàn huyện Củ Chi, địch bắt dân nhà nào cũng phải trương cờ “quốc gia”. Chúng huy động lính tráng tập luyện rầm rộ trên các trục đường giao thông nhằm phô trương thanh thế. Cấp trên chỉ đạo Đội nữ du kích Củ Chi tìm mọi cách treo cho được lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại trung tâm quận lỵ Củ Chi để hạ uy thế của địch. Đêm 31-10-1967, Đội trưởng Nguyễn Thị Nê trực tiếp chỉ huy một tổ 4 người, đột nhập thị trấn Củ Chi. Sau khi treo được lá cờ nửa đỏ nửa xanh lên ngọn cây điệp, trước khi rút, các nữ du kích còn kịp gài mìn dưới gốc cây. Sáng hôm sau, nhìn thấy lá cờ cách mạng tung bay phấp phới trên cao, người dân vô cùng phấn khởi. Ngược lại, bọn địch lồng lộn, tức tối. Tên quận trưởng Củ Chi lệnh cho lính ra tháo gỡ. Quả mìn phát nổ, diệt gọn 15 tên, làm bị thương 9 tên khác. Tên Chiến, đoàn trưởng từ Hậu Nghĩa (nay thuộc tỉnh Long An) cưỡi xe đến dự lễ, nhìn thấy cảnh tan hoang, vội chuồn thẳng. Ngày “lễ trọng” của địch bị một đòn trời giáng!
Sau khi học lớp quân sự do Miền tổ chức tại trường H12 trở về, chị Nguyễn Thị Nê được phân công làm Huyện đội phó Huyện đội Củ Chi. Trên cương vị mới, chị đã sát cánh cùng tập thể lãnh đạo, tổ chức chiến đấu chống càn, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đêm 27-10-1969, Huyện đội phó Nguyễn Thị Nê trực tiếp chỉ huy tổ nữ du kích phối thuộc với đơn vị bộ đội huyện, đột nhập ấp chiến lược Cây Bài, xã Phước Vĩnh An, làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền và đánh địch. Sau khi các bộ phận bố trí đội hình xong, chị Bảy Nê đi kiểm tra lần cuối thì bất ngờ chạm địch. Bộ đội và du kích nổ súng đánh phủ đầu, bọn địch tháo chạy. Bộ phận chốt chặn của hai đơn vị ta diệt gần một trung đội địch ngay trước đồn Phước Vĩnh An. Phía ta, chị Nguyễn Thị Nê, người chỉ huy dũng cảm đã bị trúng đạn và hy sinh, để lại bao tiếc thương cho đồng đội!
Ngày 30-8-1995, chị Nguyễn Thị Nê được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trên vùng đất bom cày đạn xới năm xưa, cuộc sống đang hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. Củ Chi, quê hương chị Bảy Nê là địa phương dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế-xã hội so với các huyện ngoại thành của Thành phố mang tên Bác.
NGUYỄN MINH NGỌC