Tuy trẻ tuổi nhưng chiến sĩ Nguyễn Thị Bé Hoa ở Pháo cụm vùng 4, tỉnh Kiến Tường (nay thuộc tỉnh Long An) đã trở thành tấm gương diệt Mỹ tiêu biểu trong chiến đấu, được vinh danh trong Đại hội Chiến sĩ thi đua của Quân khu 8 (trước đây).
Bám dân chia chữ
Sinh ra ở vùng đất Tháp Mười, từ thuở thiếu thời, Nguyễn Thị Bé Hoa đã phải chứng kiến cảnh bóc lột, bắn giết của quân thù đối với người dân. Lòng căm thù giặc đã thôi thúc Hoa tham gia phong trào cách mạng. Năm 12 tuổi, Hoa đã trở thành giao liên, cung cấp tin tức địch, cung cấp lương thực, vật dụng, thuốc men cho các chiến sĩ trong vùng.
Đến năm 1960, gia đình Hoa thoát ly vào căn cứ cách mạng ở Bình Phong Thạnh, giáp Ba Thu (Campuchia). Từ đó, Hoa được cấp trên giao nhiệm vụ làm công tác binh vận như rải truyền đơn, đóng bè dán biểu ngữ thả trôi trên sông Vàm Cỏ Tây. Gặp khi quân địch đi càn quét, Hoa cùng mọi người hăng hái chế tạo, gài đạp lôi, chông đinh khiến địch bị tổn thất nặng nề.
Thấy Nguyễn Thị Bé Hoa thông minh, nhanh nhẹn nên cấp trên đã cho Hoa đi học lớp bổ túc văn hóa 6 tháng, do đồng chí Hồng Sơn Đỏ và bác Bảy Kim Thi dạy. Đến năm 1963, Hoa trở về làm nhiệm vụ dạy học, xóa mù chữ cho người dân ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Kiến Tường.
Bà Nguyễn Thị Bé Hoa (bên trái) kể lại những năm tháng chiến đấu của mình.
Nhớ lại thời điểm khó khăn ngày đầu trở thành cô giáo khi mới 15 tuổi, bà Hoa chia sẻ: “Tôi rất lo lắng khi lớp học của mình có hơn 100 học sinh, gồm trẻ nhỏ và cả người lớn tuổi. Ngày đầu đứng trên bục giảng người cứ run lên. Thế rồi nhớ lại lời dạy của chú Hồng Sơn Đỏ: “Học được chữ gì thì chia cho nhân dân chữ đó. Phải ở cho nhân dân thương, tin tưởng yêu mến” đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh vượt qua”.
Năm 1964, bà Hoa trở về dạy học ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh. Tại đây, bà vừa dạy học, vừa động viên người dân xây trường, xây lớp. Một thời gian sau, địch điên cuồng bắn phá, ném bom bừa bãi khiến người dân phải bỏ nhà ra ruộng cất chòi ở. Vì không muốn người dân đói chữ, hằng đêm, bà lại ra từng chòi để truyền dạy những con chữ cho trẻ em.
Chiến công của “Bé Hoa”
Đến năm 1967, bà Hoa được cấp trên chuyển đi học quân sự, tham gia huấn luyện pháo binh. Sau hai tháng, bà vừa huấn luyện, vừa thực tế đánh địch ở đồn Bình Châu 1, Long Khốt... Bà đã khiến mọi người ngạc nhiên với bản lĩnh, trí tuệ của mình. Bảng tính lượng sửa khẩu đội với những công thức và con chữ phức tạp được bà ghi nhớ, nhẩm tính trong đầu. Chính vì vậy, trong từng trận đánh, bà Hoa luôn nhanh chóng xác định vị trí, tính toán phần tử bắn, pháo kích chuẩn xác từng vị trí quân địch. Kết thúc khóa huấn luyện, bà được điều về Pháo cụm vùng 4 (nay thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An).
Nhớ lại thời kỳ ác liệt Tết Mậu Thân năm 1968, bà Hoa cho biết: “Trong thời gian này, tôi cùng đơn vị hành quân đánh nhiều trận lớn nhỏ. Mỗi đêm, đơn vị phải hành quân hàng chục cây số, vác trên vai là súng, đạn. Lúc đó chỉ mình tôi là con gái nhưng được các chú, các anh phân công làm tiểu đội trưởng cối 60 chỉ huy tiểu đội toàn là nam giới. Tại đồn Tân Bình và đồn Mới, tôi tham gia cùng đơn vị bao vây quân địch bảy ngày, bảy đêm khiến chúng khiếp sợ, sau phải bỏ chạy. Ngoài ra, tiểu đội của tôi còn tham gia pháo kích vào kinh Quận, Kiến Bình, Tuyên Nhơn...”.
Sáng 2-5-1968, địch bất ngờ tổ chức trận càn ở đường cắt Bảy Ngàn, Kiến Bình (nay thuộc huyện Tân Thạnh). Vừa mới chợp mắt được một lúc thì bà nghe thấy tiếng súng M79. Bằng kinh nghiệm chiến đấu, bà Hoa biết bọn biệt kích đang tới. Vừa hô hào mọi người dậy, bà vừa nhanh chóng cầm khẩu cạc-bin chạy ra công sự. Công sự của bà gần với công sự của tiểu đội du kích xã Nhơn Ninh. Các bộ phận khẩn trương vào vị trí chiến đấu, đợi địch tiến vào gần thì nổ súng. Bị bất ngờ, nhiều tên địch gục tại chỗ, số còn lại nháo nhác bỏ chạy. Nhưng sau phút định thần, chúng lợi dụng các vị trí ẩn nấp, củng cố lực lượng, tập trung tấn công vào mũi của tiểu đội du kích. Trước tình thế đó, tiểu đội du kích buộc phải rút về sau để bảo toàn lực lượng, còn bà Hoa chặn phía sau nên không kịp rút. Thấy địch đến gần, bà hít một hơi thật sâu để lấy bình tĩnh rồi quyết định lên khỏi hố bắn, núp bên hông công sự để dễ dàng quan sát và tiêu diệt địch. Dưới làn đạn kẻ thù bắn như mưa, bà vẫn chắc tay súng hướng về phía địch. Những tên địch đi trước lao lên chiếm công sự đều bị bà điểm xạ tiêu diệt. Cuộc chiến không cân sức giữa một phụ nữ đối đầu với cả một đội quân kéo dài đến 3 giờ chiều thì quân ta kịp thời yểm trợ để bà Hoa rút khỏi trận địa bảo đảm an toàn.
Hình ảnh Nguyễn Thị Bé Hoa hiên ngang chống chọi kẻ thù ngày ấy như một bức tranh hiện thực về người phụ nữ Việt Nam dũng cảm, gan dạ trong chiến tranh tàn khốc. Một tờ báo giải phóng lúc bấy giờ đã đăng bài thơ tặng bà Hoa: “Bé Hoa tóc kẹp ngang lưng/ Bài ca may áo hát cùng các anh/ Các anh đi đánh Kiến Bình/ Đồng sen cũng vượt, bưng sình cũng qua/ Bé Hoa thoăn thoắt xông lên/ Giương AK hạ bảy tên một lần”.
Bài và ảnh: BIỆN CƯỜNG
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 11/11/2020)