Cuối năm 2017, qua nhiều cựu chiến binh (CCB) của Tiểu đoàn Quyết tử 950 hướng dẫn, chúng tôi mới tìm được địa chỉ của bà Nguyễn Thị Hồng, là một trong số ít những đội viên của Tiểu đoàn Quyết tử 950 anh hùng thuộc Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn tham gia kháng chiến khi mới 13 tuổi, đã 3 lần bị địch bắt và 7 năm bị giam cầm trong các nhà tù của bọn thực dân, đế quốc.
Chúng tôi đến nhà riêng của bà ở số nhà 207/20/10 đường Nguyễn Văn Đậu, phường 10, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh vào buổi trưa 6-10-2017. Tuy đã bước sang tuổi 88, lại đang bị những cơn đau dạ dày hành hạ, nhưng chúng tôi vẫn nhận ra những nét tươi tắn, xinh xắn của thời thiếu nữ còn lưu lại trên gương mặt bà. Có lẽ ngày còn trẻ, bà thuộc diện xinh đẹp nên đồng đội gọi là Hồng Tươi (để phân biệt với một đội viên nữ cũng tên là Nguyễn Thị Hồng trong đơn vị quyết tử). Bằng giọng nói chậm, âm lượng nhỏ nhưng đủ để người ngồi đối diện nghe được, bà đã kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tham gia kháng chiến, về những kỷ niệm khó quên trong những ngày bị giam cầm, tra khảo trong các nhà tù của thực dân, đế quốc.
Bà Nguyễn Thị Hồng ngày trẻ. Ảnh chụp lại.
Khi chúng tôi hỏi bà về những gian khổ trong 7 năm bị giam cầm ở các nhà tù đế quốc, đặc biệt là ở nhà tù Côn Đảo và những kỷ niệm sâu sắc trong những ngày bà được cử đi tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở một số nước Tây Âu, bà thong thả nói: “Chuyện này dài lắm, tôi vẫn nhớ hết, nhưng tôi còn lưu giữ một bức thư viết cho bà Marjorie Nelson là bác sĩ và là nghị sĩ thuộc Hạ viện Mỹ vào ngày 27-7-1970. Đọc thư đó, các cháu sẽ biết được tất cả những gì mà các cháu muốn biết…”. Thư bà viết có đoạn:
“… Thưa bà Marjorie Nelson, năm 1955, vừa tròn 18 tuổi thì tôi bị mật thám bắt khi dẫn đầu đoàn biểu tình hơn 5.000 người tham gia đòi nhà cầm quyền tay sai của đế quốc Mỹ thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử ở Việt Nam. Hơn 7 năm bị giam cầm ở nhiều nhà tù, tôi bị tra tấn rất dã man. Tại bốt Catinat, mỗi ngày, chúng hành hạ tôi ba lần vào buổi sáng, trưa và buổi chiều. Chúng tra tấn tôi bằng nhiều hình thức: Đánh đập, đổ nước vôi và xà phòng vào miệng, vào mũi rồi giẫm giày đinh lên bụng cho nước, máu và thức ăn trào ra; quay điện vào vùng kín hằng buổi; đóng đinh 10 ngón tay và 10 ngón chân vào mặt bàn gỗ, rồi để hàng giờ, mặc cho máu chảy và vô cảm trước sự đau đớn của tôi. Các kiểu tra tấn này khiến tôi phải chết đi sống lại nhiều lần. Tại nhà tù Phú Quốc, chúng xích chân tù nhân thành từng xâu, mỗi xâu 10-15 người, giam trong những dãy nhà lợp tôn, không có vách, chỉ có hàng chục lớp rào bằng dây kẽm gai xung quanh. Ban ngày thì nóng như thiêu đốt, nhưng ban đêm lại rét buốt. Bữa ăn hằng ngày chỉ có một bát cơm với khô mục hoặc trứng thối, nên nhiều tù nhân bị bệnh kiết lỵ đã phải bỏ mạng. Ngoài sự cơ cực như tù nhân nam, những tù nhân nữ còn phải chấp nhận thêm một cực hình, là cứ vào đêm khuya bị bọn ác ôn lôi ra bãi biển để cưỡng hiếp. Tôi được chứng kiến nhiều nữ tù chết vì kiệt sức sau nhiều đêm bị lũ quỷ thay nhau hãm hiếp mà không được ai bênh vực.
Năm 1957, tôi bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Tại nhà tù khét tiếng man rợ này, tôi bị giam trong xà lim cầm cố. Những xà lim này được sơn màu đen kịt, có chiều dài khoảng hơn 2m, chiều rộng chừng 1m, chiều cao cũng chỉ hơn 1m. Lúc đầu chúng nhốt 4 người, nhưng sau đó cứ tăng dần, lúc cao điểm chúng nhốt tới 12 người. Trong xà lim cầm cố không có ánh sáng, lại nóng nực đến mức chúng tôi phải cởi bỏ quần áo, cắt hết tóc cho đỡ bức bối, ngột ngạt. Thùng phân chúng để ngay trong xà lim và phía trước cửa ra vào còn có rãnh thoát nước thải của các nhà xí chảy ra. Mỗi lần bọn mang cơm tù mở cửa xà lim thì hàng đàn ruồi nhặng ùa vào, bu đen cả bát cơm. Hằng ngày, bọn chỉ huy bắt các tù nhân phải “tố cộng” và “ly khai”. Khi chúng tôi không thực hiện thì chúng buộc tội “chống ly khai”, rồi đẩy vào hầm tối. Căn hầm này xây bằng đá, nằm sâu dưới lòng đất. Ban đêm nước trong lòng đất rỉ ra nên nền hầm luôn ẩm ướt và rất lạnh. Chúng tôi phải thay nhau nửa nằm nửa ngồi. Hầu hết tù nhân đều bị các chứng bệnh về tiêu hóa, hô hấp, ghẻ lở đầy người, khiến chúng tôi bị cứng khớp teo cơ, chân tay co quắp. Mỗi lần được ra ngoài tắm nắng hoặc đổ thùng phân, chúng tôi tìm mọi cách để nán lại tìm cỏ dại ăn và mang về cho đồng đội cùng ăn. Chỉ ăn cỏ dại thôi nhưng chúng tôi thấy bệnh đỡ hẳn, vì cơ thể bị thiếu quá nhiều chất sinh tố. Nếu bị bọn gác tù phát hiện chúng tôi tìm cỏ dại thì liền bị chúng đánh đập không tiếc tay, thậm chí đã có không ít người bị chúng đánh chết tại chỗ, trong tay vẫn cầm nắm cỏ dại chưa kịp ăn hết.
Lần thứ hai tôi bị mật thám bắt giam vào năm 1961. Trong 5 năm bị giam cầm ở nhiều nhà tù dưới thời Mỹ-ngụy, tôi phải chịu nhiều cực hình rất ghê sợ. Tại nha tổng giám đốc, tên chỉ huy dùng que sắt nung đỏ gí vào đùi tôi, khiến mỡ chảy ra cháy xèo xèo. Nhiều lần bọn đao phủ còn dùng gậy thọc vào cửa mình; khi rút gậy thì máu tươi phun ra lai láng. Kinh sợ hơn là chúng bắt rắn thả vào ống quần đã túm chặt ở cổ chân rồi bắt ngồi xuống. Con rắn quằn quại tìm đường thoát ra gây cho tôi cảm giác rất kinh hãi. Chúng còn bắt tôi đứng gần bóng đèn có công suất lớn hàng trăm oát, bắt nhìn thẳng vào bóng đèn. Hễ nháy mắt là chúng đấm đá túi bụi. Tôi mới đứng một lúc thì mồ hôi và nước mắt túa ra ướt đẫm quần áo. Nhưng rồi cơ thể bị khô quánh, hai mắt nhức nhối, cổ họng bỏng rát. Tôi như bị phát điên rồi ngất xỉu khi chúng bắt đứng gần hai tiếng đồng hồ. Trong hàng trăm lần bị tra tấn, đánh đập, nhưng chưa lần nào tôi rơi một giọt nước mắt. Thế nhưng có một lần tôi đã phải khóc. Đó là trường hợp bọn ác ôn khủng bố tinh thần những người mẹ bất khuất. Tại nhà tù Thủ Đức, chúng nhốt hai cháu nhỏ tên là Sang và Ánh đều chưa tròn một tuổi vào một căn phòng tối. Hai cháu nhỏ khóc thét lên vì sợ hãi. Cả hai đứa trẻ cùng khóc đến khản tiếng mà lũ quỷ dữ vẫn bình thản ngồi hút thuốc, uống rượu, trong khi chúng tôi như đứt từng khúc ruột và cùng la hét đòi bọn ác ôn không được hành hạ con trẻ. Nhưng với bộ mặt lạnh tanh, lỳ lợm, chúng thản nhiên trả lời: “Bởi mẹ cứng đầu cứng cổ nên con phải gánh chịu”. Cũng vì bị đánh đập dã man nên khi được chúng thả thì hàng trăm tù nhân đã bị tàn phế. Từ cuối năm 1961 tôi bị liệt, chỉ nằm một chỗ, nhưng vẫn bị chúng thay nhau hành hạ bằng đủ nhục hình như những tù chính trị khác. Cho đến nay, mặc dù đã được Nhà nước chữa trị, chăm sóc rất chu đáo, tận tình, nhưng sức khỏe của tôi rất yếu. Tôi bị nhiều chứng bệnh, nhưng nặng nhất là bị loét bao tử và ruột mạn tính, nửa người bên phải luôn bị tê mỏi, nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời…”.
Cuối năm 1967, bà Nguyễn Thị Hồng được Trung ương Cục miền Nam gửi sang Trung Quốc dưỡng bệnh. Trong những năm an dưỡng ở Trung Quốc, bà được Chính phủ cử làm nhân chứng đi tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn tại Liên Xô, Ấn Độ, Thụy Điển và Anh. Năm 1971, từ Trung Quốc, bà về Hà Nội để tiếp tục điều trị bệnh và học tập. Cuối năm 1976, bà xin vào TP Hồ Chí Minh công tác. Thời gian đầu, bà làm Chủ tịch UBND phường 3, quận Thạnh Mỹ Tây. Khi quận Bình Hòa sáp nhập với quận Thạnh Mỹ Tây thành quận Bình Thạnh, bà làm Phó ban tổ chức Quận ủy. Năm 1983, do sức khỏe yếu, bà được trên cho nghỉ hưu.
Đã hơn một năm trôi qua, chúng tôi chưa được gặp lại bà Nguyễn Thị Hồng. Nhưng qua nhiều kênh thông tin, chúng tôi biết bà không được khỏe vì những chứng bệnh cũ hay tái phát. Tuy cơ thể thường bị đau đớn do hậu quả của những trận đòn dã man trong những năm bị giam cầm ở các nhà tù đế quốc, nhưng bà luôn lạc quan, thường xuyên nhắc nhở con cháu phải vững vàng, sáng suốt trước những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phản động...
NGUYỄN NGỌC BÍCH - ĐINH THỊ HOA
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 11/10/2018)