Là một siêu cường công nghệ quân sự trên thế giới nên không quá ngạc nhiên khi Nga đang dẫn đầu trong lĩnh vực tác chiến điện tử.
Hiệu quả thực tế của các tổ hợp vũ khí trên đã được thử nghiệm thực chiến khi tham gia bảo vệ và tác chiến tại căn cứ Không quân Hmeymin và Hải quân Tartus ở Syria. “Ô phòng thủ điện tử” đã góp phần quan trọng trong tác chiến mềm chống lại các đòn tấn công bằng thiết bị bay không người lái liều chết của phiến quân Syria nhằm vào căn cứ Nga.
Vũ khí tác chiến điện tử đa nền tảng
Các tổ hợp vũ khí đối kháng điện tử của Nga được phát triển trên nhiều nền tảng khác nhau, phù hợp để trang bị cho hải-lục-không quân. Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Nga, các tổ hợp vũ khí đối kháng điện tử của Nga đủ khả năng tạo “ô phòng thủ điện tử” trước các thiết bị trinh sát hay vũ khí tấn công vô tuyến và điện tử của đối phương.
Những loại vũ khí như vậy có thể thấy qua tổ hợp thiết bị gây nhiễu Rychag-AV trang bị trên máy trực thăng đa dụng Mi-8. Các khối công tác của tổ hợp được lắp đặt trên khoang khiến máy bay Mi-8 không có bất kỳ điểm nhận dạng bất thường, nhưng lại có thêm khả năng áp chế và gây nhiễu điện tử ở nhiều băng tần khác nhau.
Các tổ hợp vũ khí tác chiến điện tử của Nga có đạt được hiệu quả tác chiến cao trong các bài thử nghiệm và thực tế chiến trường.
Cũng có chức năng tương tự, khối thiết bị Khibiny lại thường được đặt trong các đầu nối gắn ngoài lắp trên máy bay tiêm kích-bom Su-34. Chúng có chức năng tự động nhân diện các tín hiệu sóng radar phát tới để mô phỏng và áp chế sóng phản xạ. Khibiny không chỉ có hiệu quả riêng rẽ đối với máy bay được trang bị, mà có thể tạo ra ô bảo vệ đối với các máy bay trong phi đội hoạt động ở cự ly nhất định.
Dòng tổ hợp thiết bị Vitebsk lại thế mạnh ở khả năng đa dụng khi có thể trang bị cả trên máy bay cánh cố định hoặc trực thăng. Nó có chức năng phát hiện tên lửa tấn công phóng tới và đưa ra phương án tiếp cận và thả mồi bẫy. Kết quả của quá trình này khiến đầu dò tên lửa bị đánh lừa và đánh trượt mục tiêu. Trong thực tế chiến đấu, tổ hợp Vitebsk thường được trang bị trên máy bay trinh sát.
Một trong những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực tác chiến điện tử của Nga chính là tổ hợp thiết bị Himalaya. Chúng được tích hợp trong hệ thống điện tử trên khoang của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57. Điểm đặc biệt là Himalaya là thiết kế để hoạt động hiệu quả trên máy bay có độ bộc lộ tín hiệu radar và hồng ngoại thấp. Các antena có nhiều chế độ hoạt động thông minh như: Trinh sát, tác chiến điện tử và định vị… Tổ hợp này có khả năng đánh lừa hệ thống đầu dò ảnh nhiệt của tên lửa hiện đại, cũng như gây nhiễu sóng radar phát tới.
Tương tự như các thiết bị nhỏ gọn lắp trên phương tiện chiến đấu, Nga cũng sở hữu nhiều tổ hợp tác chiến điện tử mặt đất có công suất phát và hiệu quả mạnh mẽ để tạo ra các ô bảo vệ điện tử đối với các mục tiêu quan trọng trên mặt đất mà đối phương không thể xuyên phá. Một trong những tổ hợp có chức năng như vậy chính là Rtut-BM. Nó có khả năng chống lại các loại vũ khí thông minh bằng cách vô hiệu hóa ngòi nổ điện tử của vũ khí.
Khi các loại bom, đạn thông minh tiếp cận ô bảo vệ, Rtut-BM sẽ tạo ra xung điện tử mạnh hơn tín hiệu ngòi nổ điện tử trang bị trên vũ khí. Điều này khiến vũ khí bị nổ sớm hơn ở trên không và hạn chế tối đa thiệt hại đối với mục tiêu cần bảo vệ. Mỗi tổ hợp Rtut-BM có khả năng bao phủ diện tích bảo vệ rộng tới 50ha.
Tổ hợp thiết bị Moskva-1 cũng là một loại vũ khí đối kháng điện tử đặc biệt của Nga. Nó có thể hoạt động độc lập hoặc phối hợp với các tổ hợp vũ khí đối kháng điện tử khác trong hệ thống hợp nhất. Không hoạt động ở chế độ chủ động, Moskva-1 hoạt động ở chế độ thụ động với băng tần xác định. Nó có khả năng gây nhiễu mọi thiết bị hoạt động trong băng tần công tác. Nhờ hoạt động ở chế độ thụ động nên việc nhận diện và đối phó với Moskva-1 rất khó khăn.
Để chống lại các loại vũ khí mặt đất, Nga cũng đưa giải pháp về thiết bị gây nhiễu cấp chiến thuật mang tên Infauna. Nó được thiết kế để giúp lực lượng tác chiến đối phó với các loại mìn định hướng và vũ khí dẫn đường chính xác cao. Bằng việc tạo ra các mồi bẫy và can nhiễu tín hiệu khiến các thiết bị dẫn đường bằng quang ảnh và laser dẫn bắn chủ động không thể bám bắt chính xác mục tiêu từ đó làm giảm hiệu quả tác chiến của vũ khí.
“Ngôi sao sáng” Krasukha
Trong kho vũ khí tác chiến điện tử của Nga hiện nay sẽ thật thiếu sót khi không nhắc tới tổ hợp thiết bị Krasukha với hiệu quả tác chiến và chiến lệ nó đạt được thời gian qua.
Về nguyên tắc, tổ hợp Krasukha được thiết kế với vai trò phát hiện và chế áp sóng radar, tín hiệu vô tuyến của đối phương ở khoảng cách lớn. Thiết bị có thể phát hiện, đánh dấu và xác định các nguồn phát sóng trong dải tần công tác. Nó có thể hoạt động ở chế độ trinh sát hoặc vừa trinh sát, vừa áp chế điện tử. Ở chế độ trinh sát, tổ hợp có thể hoạt động liên tục trong vòng 24 giờ, còn ở chế độ chế áp là 8 giờ. Nó có thể tạo ô phòng thủ có đường kính từ 50 tới 80km và phạm vi trinh sát khoảng 250km.
Tổ hợp thiết bị Krasukha đã tạo ra nhiều bất ngờ cho giới chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây với hiệu suất tác chiến đáng nể.
Theo đánh giá của Tạp chí quân sự Globalsecurity.org, tổ hợp Krasukha hoạt động dựa trên nguyên tắc tạo ra áp chế điện tử mạnh mẽ trong dải tần công tác, kể cả đối với các thiết bị có khả năng nhảy tần để giảm thiểu nguy cơ bị gây nhiễu. Nó có đầy đủ khả năng và công suất pháp gây nhiễu hoặc áp chế hoàn toàn các loại radar hàng không lắp trên máy bay và trực thăng. Hiệu quả này đạt được ở mọi tốc độ và độ cao hoạt động của mục tiêu. Có thể nói đơn giản hơn là tổ hợp này sẽ tự động dò ra băng tần hoạt động của radar mục tiêu để theo dõi và gây nhiễu liên tục.
Truyền thông phương Tây đánh giá, trong cuộc xung đột ở Nagorno Karabkh năm 2020, các tổ hợp Krasukha đã hoạt động hiệu quả khi hạn chế được hiệu quả tác chiến của thiết bị bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển và dòng UAV liều chết Harop-2 của Israel được Azerbaizan sử dụng.
Hiệu quả tác chiến của Krasukha cũng được thể hiện ở chiến trường Syria. Khi được triển khai bảo vệ căn cứ hải quân Tartus (Syria), các tổ hợp Krasukha đã phát hiện, phân tích và đánh dấu tín hiệu trinh sát của máy bay đối phương để có phương án áp chế điện tử hiệu quả. Khi không có tín hiệu phản hồi từ mục tiêu, máy bay sẽ không thể xác định để tấn công. Thậm chí, biến thể Krasukha-S4 còn có thể chế áp được cả tín hiệu định vị vệ tinh.
Mới đây, trong cuộc diễn tập đầu tháng 3-2022 tại thao trường ở Samara, Quân khu Trung tâm Quân đội Nga đã thử nghiệm thành công việc áp chế điện tử các trung tâm chỉ huy cơ động của đối thủ giả định. Các tổ hợp tác chiến điện tử Sinitsa, Krasukha và Borisoglebsk-2 đồng thời làm gián đoạn và áp chế hoàn toàn nguồn tín hiệu vô tuyến, định vị vệ tinh của đối phương khiến trung tâm chỉ huy mất quyền kiểm soát trên chiến trường.
TUẤN SƠN - NGỌC HƯNG (theo Rostec)