Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại đội trưởng Lê Văn Điển (Đại đội 1, Tiểu đoàn 49, Cục Hậu cần Miền-B2) luôn thể hiện sự mưu trí, sáng tạo, được mệnh danh là “người săn lính Mỹ".
Một ngày tháng 6-1967, tôi đang xếp lại ba lô thì cậu Ga, liên lạc đại đội đứng trên miệng hầm nói xuống, giọng cụt lủn:
- Lên gặp đại đội trưởng nhé. Nhớ mang theo súng đạn nghe!
- Có chuyện gì thế?
- Cứ lên rồi biết!-vừa bước đi cậu ta vừa nói vọng lại-Lên ngay đấy.
Trong căn hầm nửa nổi nửa chìm, Đại đội trưởng Lê Văn Điển (Đại đội 1, Tiểu đoàn 49, Cục Hậu cần Miền-B2) và hai trinh sát đang chờ tôi.
- Báo cáo thủ trưởng...
- Đi luôn!
Ông vừa nói vừa bước lên khỏi căn hầm nửa nổi, nửa chìm. Trong đơn vị, đám lính trẻ chúng tôi cứ gọi đùa ông là “đại đội trưởng hiếu chiến". Ông quê Trà Vinh, tập kết ra miền Bắc, làm rể Thanh Hóa. Năm 1966, sau 3 lần làm đơn tình nguyện về Nam chiến đấu, ông mới được chấp thuận. Để lại người vợ trẻ và hai con, đứa lên năm, đứa lên ba rồi khoác ba lô lên đường. Ông có bộ râu quai nón khá độc đáo, chỉ vài ngày không cạo là phủ kín cả hai bên má. Thế nên tên ông thường được gắn với từ "râu"-"Điển râu". Là người nóng tính, nhưng ông lại rất thương chiến sĩ. Cái tính nóng nảy của ông luôn liên quan tới những trận đánh địch. Nghe ở đâu có địch là ông tìm đến, không đủ lực đánh trực diện thì đánh du kích, không đủ sức công kích thì tập kích. Mục đích chính là tiêu hao sinh lực địch, không để cho chúng có điều kiện thực hiện ý đồ. Chính ông là người đã chỉ huy tổ ba người mà tôi là xạ thủ B40, "bẻ gãy" một mũi tấn công bằng xe tăng trong trận càn Junction City, tháng 4-1967 của quân Mỹ vào khu căn cứ Dương Minh Châu (tôi đã đề cập trong một bài báo đăng trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng). Sau trận bắn cháy xe tăng đó, đi đâu ông cũng gọi tôi. Có lần hai thầy trò đi săn đêm, ông tâm sự, nguyện vọng của ông là trở lại quê hương chiến đấu, nhưng là cán bộ, đảng viên, cấp trên sắp xếp về đơn vị vận tải (Tiểu đoàn 49, Cục Hậu cần miền Đông Nam Bộ), ông cũng phải chấp nhận. Theo ông, ở đơn vị chiến đấu thích hơn, sau mỗi trận đánh về còn sống là nghỉ ngơi, chờ bổ sung quân, chấn chỉnh rút kinh nghiệm, xốc lại đội hình rồi lại đi đánh tiếp... Ngoài cái tên "Điển râu", ông còn có biệt danh “người săn lính Mỹ"...
Chúng tôi xuất phát khi mặt trời vừa khuất phía chân rừng phía tây. Rừng ở đây là rừng chồi, cây tạp, bằng phẳng, thỉnh thoảng mọc xen một cụm le, thân dài ngoằng. Trên đầu, trực thăng vũ trang địch lượn vòng xả những loạt đạn vu vơ xuống mặt đất, những nơi mà chúng nghi ngờ. Chúng đang bảo vệ cho một đại đội lính Mỹ vừa đổ xuống trảng sóc Con Trăng trước đấy vài giờ. Đại đội trưởng Điển dẫn chúng tôi đi trinh sát địa hình, theo ông, phải đánh phủ đầu khi chúng chưa kịp củng cố công sự và triển khai kế hoạch. Đơn vị chúng tôi vừa "lật cánh" từ bên Phước Long sang đây với nhiệm vụ “lót ổ" cho đại quân bước vào chiến dịch mùa khô.
Minh họa: QUANG CƯỜNG
Đặt một bộ phận ở sóc Con Trăng, đối phương thể hiện rõ ý đồ càn bố, đánh phá vùng căn cứ đầu não của Quân Giải phóng, ngăn chặn các cuộc tiến công mùa khô của quân ta. Sóc Con Trăng nằm cạnh con đường đá đỏ, nối với cầu Cần Lê, suối Ngô thuộc cụm tác chiến Bàu Bàng, sân bay Thiện Ngôn, Lò Gò. Gọi là sóc, nhưng không có một nhà dân nào. Có lẽ bị bom đạn chà đi xát lại nhiều quá, người dân đã rủ nhau đi sâu vào sát biên giới sinh sống. Điểm chốt này của địch nhằm hỗ trợ cho cánh quân tiến theo lộ đá đỏ thọc sâu vào vùng chân hàng của ta. Luồn lách trong rừng, khi đi khi chạy, chúng tôi tiếp cận mục tiêu. Từng tốp hai, ba tên Mỹ đang cởi trần khuân vác, lắp đặt vũ khí, khí tài và xếp những bao cát làm công sự nổi. Không cần ống nhòm, bằng mắt thường cũng có thể nhận ra những khẩu cối, máy thu phát với cần ăng ten chọc thẳng lên trời. Rồi những thùng đạn, thùng nhu yếu phẩm, thuốc men... Đại đội trưởng Điển nhìn ngắm một hồi rồi bảo chúng tôi:
- Các cậu thấy chưa, chúng vừa được đổ xuống, hệ thống hầm hào. lô cốt, hàng rào dây thép gai chưa kịp triển khai. Đây là lúc thuận lợi nhất cho ta, chỉ ngày mai thôi là khó rồi. Nhớ ước lượng cự ly và chọn chỗ đặt cối thuận tiện nhất. Đêm nay ta sẽ tập kích bọn này. Phải phủ đầu ngay chúng mới không kịp trở tay. Lực lượng mình mỏng nên phải chọn thời cơ đánh trước.
Chúng tôi luồn rừng trở về, trong khi bọn Mỹ vẫn đi lại gọi nhau í ới. Chúng chủ quan khi dựa vào các phương tiện phát hiện tiếng động từ xa, hay những “con mắt thần" lượn lờ quần thảo trên trời. Vả lại nơi này theo đường chim bay cách Sài Gòn không xa nên vẫn được coi là trong tầm kiểm soát của chúng. Chúng cho rằng, Việt cộng đã bị đẩy sang bên kia biên giới từ mùa mưa vừa rồi. Quả vậy, suốt mấy tháng qua chẳng có một trận đánh nào xảy ra, chiến trường im ắng, hoàn toàn khác với vùng ven đô...
Ba giờ sáng chúng tôi xuất kích. Trăng hạ huyền đã nghiêng hẳn về phía tây. Đại đội trưởng Điển chọn giờ này sẽ đem đến sự bất ngờ cho địch. Không gian ắng lặng. Sóc Con Trăng như rộng hơn trong ánh sáng trăng bàng bạc, nhàn nhạt. Nổi lên đây đó những khối đen lô cốt và thấp thoáng bóng lính tuần canh. Hai khẩu cối 60mm đã được đặt vào vị trí đánh dấu khi chiều. Tôi vẫn được đại đội trưởng tin tưởng giao cho khẩu B40. Để tầm bắn hiệu quả, tôi phải tiếp cận mục tiêu gần hơn. Cùng đi với tôi còn có một chiến sĩ trang bị súng AK, thủ pháo. Dựa vào những bụi cỏ và mô đất do bom pháo “dọn bãi" đùn lên, chúng tôi thận trọng bò tới ém mình vào một hố pháo còn sặc mùi thuốc đạn. Đã ngửi thấy “mùi Mỹ", cái mùi tổng hợp của thuốc lá, cà phê, nước gội đầu, dầu muỗi... tỏa ra từ các lô cốt. Qua một mùa mưa, nhiều chỗ cỏ tốt thành lùm, trừ khi phát ra tiếng động, không thì bọn Mỹ khó lòng phát hiện được chúng tôi. Thời gian chờ đợi trước giờ nổ súng bao giờ cũng thấy lâu và hồi hộp. Một tốp 5 tên lính Mỹ lăm lăm súng trong tay đi qua, vừa đi chúng vừa nói chuyện. Chợt có tiếng động rắc rắc của một cành cây gãy phía bìa rừng, có lẽ do đạn cắt giờ mới rơi xuống. Bọn lính bỗng hét lên "vixi, vixi" rồi xả đạn về phía đó. Dăm phút sau chúng mới đứng dậy đi tiếp. Biết đại đội trưởng và anh em phía sau đang chờ chúng tôi phát hỏa, tôi nín thở bóp cò. Quả đạn thứ nhất bắn vào chỗ đặt thông tin điện đài. Quả thứ hai chếch sang khối đen phía bên trái. Bị tấn công bất ngờ, bọn địch la hoảng, các loại súng nổ loạn xạ. Pháo sáng bắn lên đỏ rực trời, tôi và Tuấn rút nhanh để lại trận địa cho pháo cối “tiếp quản". Gần hai mươi quả đạn pháo cối rơi khá chụm, khá chính xác mục tiêu, một đám cháy bùng lên, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng. Địch càng rối loạn, chúng chui vào ẩn trong các lô cốt xả đạn vô tội vạ ra xung quanh.
- Rút nhanh!-Đại đội trưởng Điển ra lệnh.
Khi chúng tôi về gần đến căn cứ, pháo địch từ các căn cứ Bàu Bàng, Dốc Đá, Bình Long mới thi nhau giội tới. Cùng với nhiều tốp máy bay, chúng vãi bom đạn phát quang cả vùng rộng lớn xung quanh để rồi sáng sớm hôm sau bốc hết quân khỏi sóc Con Trăng. Cái chiến thuật đánh nhanh, rút nhanh của Đại đội trưởng Điển quả là hiệu quả. Đêm ấy, khi nghe tin từ đài BBC, Đại đội trưởng Điển không kìm được vui mừng. Ông cho toàn đơn vị biết, trận tập kích chớp nhoáng đó đã tiêu diệt được 16 tên lính của sư đoàn 25 Mỹ, làm bị thương 5 tên, phá hủy khu liên lạc điện đài và một phần kho tiếp tế quân dụng, buộc chúng phải điều chỉnh kế hoạch hành quân. Trong cuộc càn mùa khô năm đó vào vùng Tây Bắc Sài Gòn không có cánh quân đi theo lộ đá đỏ. Với chiến thắng này, Đại đội trưởng Điển lại có thêm chiến công trong cuộc đời cầm quân của ông.
Sau lần ấy, trong trận đánh dốc Vườn Điều (Đường 14) Phước Long, tôi bị thương, ra viện rồi đi làm báo. Từ đó, tôi không được gặp lại người thủ trưởng yêu quý của mình nữa. Không biết bây giờ ông ở đâu, nhưng trong lòng tôi vẫn nguyên vẹn hình ảnh một người cán bộ đại đội mưu trí, dũng cảm, luôn hết lòng yêu thương chiến sĩ.
LÊ VĂN