Tình yêu không bao giờ khiến ai phải nếm chịu đau khổ cả. Và nếu bạn cảm thấy bị tổn thương bởi tình yêu, nghĩa là có điều gì khác bên trong bạn, không phải phẩm chất yêu thương, đang cảm thấy bị tổn thương. Chừng nào chưa nhận thấy điều này, bạn sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn. Thứ mà bạn gọi là tình yêu có thể ẩn giấu nhiều điều không phải là tình yêu – tâm trí con người vốn rất khôn khéo, xảo quyệt khi lừa dối người khác và tự lừa dối chính mình. Tâm trí phủ lên những thứ xấu xí bằng lớp nhãn mác xinh đẹp, che đậy vết thương của bạn bằng những bông hoa. Đây là một trong những điều đầu tiên bạn phải đào sâu nếu muốn hiểu tình yêu là gì.
Từ “tình yêu” mà mọi người vẫn sử dụng không phải là tình yêu mà là lòng ham muốn. Và lòng ham muốn sẽ gây tổn thương, bởi vì việc khao khát ai đó như là một vật thể chính là sự xúc phạm. Đó là sự xúc phạm, là sự thô bạo. Khi bạn hướng tới ai đó bằng lòng ham muốn, thì làm sao bạn có thể giả vờ rằng đó là tình yêu? Thứ mà bề nổi trông như là tình yêu chỉ cần bị cào nhẹ, bạn sẽ thấy ẩn đằng sau chính là lòng ham muốn. Lòng ham muốn là thú tính. Việc nhìn ai đó đầy ham muốn là xúc phạm, là làm nhục, là làm giảm giá trị của người đó xuống thành đồ vật, thành một món hàng. Không ai thích bị sử dụng; đó là việc xấu xa nhất bạn có thể làm với người khác. Không ai là món hàng, không ai là phương tiện để bạn đạt được mục đích nào đó.
Đây là sự khác biệt giữa lòng ham muốn và tình yêu. Ham muốn là sử dụng người khác để thỏa mãn dục vọng của bạn. Người khác chỉ bị lợi dụng, và khi đã lợi dụng xong, bạn sẽ ném anh ta/cô ta đi. Người đó không còn hữu ích đối với bạn nữa; bạn đã lợi dụng xong. Đây là hành động trái đạo đức nhất trên thế gian này – sử dụng người khác như là một phương tiện.
Tình yêu chính là cực đối lập với lòng ham muốn: tôn trọng người khác vì lợi ích của chính người đó. Khi bạn yêu một người vì lợi ích của chính người đó, sẽ không có cảm giác tổn thương; tình yêu đó sẽ càng khiến bạn giàu có. Tình yêu khiến mọi người trở nên giàu có.
Thứ hai, tình yêu chỉ chân thật nếu không có cái tôi ẩn phía sau; bằng không, tình yêu sẽ chỉ là hành trình của cái tôi. Đó là cách tinh vi để nắm quyền kiểm soát. Và bạn phải thật tỉnh táo bởi vì khao khát nắm quyền kiểm soát này đã ăn sâu vào máu thịt của bạn. Nó không bao giờ xuất hiện trần trụi mà luôn ẩn sau những bộ cánh, những lớp trang trí thật đẹp.
Cha mẹ không bao giờ nói rằng con cái là tài sản của họ, họ không bao giờ nói rằng mình muốn kiểm soát con cái, nhưng đó là những gì họ thật sự đang làm. Cha mẹ nói rằng họ muốn giúp, rằng họ muốn con cái thông minh, khỏe mạnh, hạnh phúc, nhưng – và chữ “nhưng” đó mới là vấn đề – nó phải diễn ra theo ý muốn của họ.
Ngay cả niềm hạnh phúc của con cái cũng phải được quyết định theo ý kiến của cha mẹ; con cái phải hạnh phúc theo kỳ vọng của cha mẹ.
Con cái phải thông minh nhưng đồng thời cũng phải dễ bảo. Đây là một đòi hỏi không thể thực hiện! Người thông minh không thể nào là người dễ bảo; người dễ bảo phải từ bỏ một phần trí thông minh của mình. Người thông minh chỉ tuân thủ khi nào họ cảm thấy vô cùng đồng ý với bạn. Họ không thể tuân thủ chỉ vì bạn to lớn hơn, mạnh mẽ hơn, uy quyền hơn. Người thông minh không thể phục tùng chỉ vì quyền hành mà bạn đang có. Trí thông minh là thứ có tính nổi loạn, và không cha mẹ nào muốn con cái mình nổi loạn cả. Sự nổi loạn sẽ đi ngược lại với khát khao tiềm ẩn của cha mẹ trong việc giành quyền kiểm soát.
Người chồng nói rằng họ yêu vợ, nhưng đó chỉ là sự chi phối. Họ quá ghen tuông, quá chiếm hữu, làm sao họ có thể yêu thương đây? Người vợ luôn nói rằng mình yêu chồng nhưng họ tạo ra địa ngục suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày; bằng mọi cách có thể, họ biến người chồng thành thứ gì đó thật xấu xí. Người chồng sợ vợ là một hiện tượng xấu xí. Đầu tiên, người vợ hạ người chồng xuống thành kẻ sợ vợ, rồi hết quan tâm đến anh ta, bởi vì ai còn quan tâm đến một tên sợ vợ. Người chồng dường như không còn giá trị, anh ta dường như không còn xứng đáng là đàn ông.
Còn người chồng tìm cách biến vợ thành vật sở hữu, và một khi cô ấy đã thành vật sở hữu, anh ta không còn quan tâm nữa. Có một logic ẩn chứa trong đó: toàn bộ sự quan tâm của người chồng là quyền sở hữu; giờ thì mục đích đã đạt được, anh ta sẽ muốn thử với người phụ nữ khác để có thể bước vào một hành trình sở hữu khác.
Hãy cẩn trọng với những cái tôi này. Khi đó, bạn sẽ bị tổn thương, bởi vì bằng cách này hay cách khác, người mà bạn tìm cách sở hữu sẽ nổi dậy, sẽ phá hủy âm mưu của bạn, chiến lược của bạn bởi vì không ai yêu thứ gì hơn sự tự do. Ngay cả tình yêu cũng trở thành thứ yếu nếu so với tự do; tự do là giá trị cao nhất. Bạn có thể hy sinh tình yêu cho tự do, nhưng không thể hy sinh tự do cho tình yêu. Và đó là những gì mà mọi người đã làm suốt bao thế kỷ, hy sinh tự do cho tình yêu. Khi đó sẽ có phản kháng, xung đột, và người ta tận dụng mọi cơ hội để làm tổn thương nhau.
Tình yêu dưới dạng thuần khiết nhất chính là sự chia sẻ niềm vui. Nó không đòi hỏi đền đáp, không kỳ vọng điều gì cả. Chính vì lẽ đó, làm sao bạn có thể cảm thấy tổn thương? Khi không có kỳ vọng, bạn sẽ không có cơ hội bị tổn thương. Khi đó, bạn có thể yêu từ cách xa hàng ngàn dặm, không cần phải hiện diện bên nhau.
Tình yêu là một hiện tượng tinh thần; còn lòng ham muốn thì thuộc về thể xác. Cái tôi thuộc về tâm lý; còn tình yêu thì thuộc về tinh thần. Bạn sẽ phải học bảng chữ cái của tình yêu. Bạn sẽ phải bắt đầu từ đầu, từ con số không; nếu không, bạn sẽ bị tổn thương hết lần này đến lần khác. Và hãy nhớ, không ai chịu trách nhiệm ngoài chính bạn. Chỉ có bạn mới giúp được chính mình.
Sao người khác có thể giúp bạn được chứ? Không ai khác có thể phá bỏ cái tôi của bạn. Nếu bạn neo bám vào nó, không ai phá bỏ được; nếu bạn đã đầu tư vào nó, không ai phá hủy được. Tôi chỉ có thể chia sẻ sự hiểu biết của mình với bạn. Đức Phật chỉ có thể chỉ cho bạn con đường; bạn phải đi, bạn phải tự đi theo con đường đó. Không ai có thể dẫn đường bạn, nắm tay bạn.
Đó là điều bạn thích. Bạn thích chơi trò chơi phụ thuộc. Và hãy nhớ, người tham gia trò chơi phụ thuộc đó sẽ trả thù. Anh ta sẽ mong người kia cũng phụ thuộc vào mình. Nếu phụ thuộc vào người chồng về mặt tài chính, người vợ sẽ tìm cách khiến người chồng phụ thuộc vào mình về những thứ khác. Đó là sự dàn xếp qua lại. Cả hai đều trở nên tàn phế, cả hai đều trở nên tê liệt; họ không thể tồn tại thiếu nhau. Ngay cả ý nghĩ rằng người chồng hạnh phúc khi không có vợ cũng sẽ khiến người vợ bị tổn thương, rằng người chồng cười nói với bạn bè ở hộp đêm cũng khiến người vợ bị tổn thương. Cô ấy không quan tâm đến niềm hạnh phúc của chồng; đúng hơn là cô ấy không thể tin được – “Làm sao anh ta dám hạnh phúc khi thiếu mình? Anh ta phải phụ thuộc vào mình!”.
Người chồng không cảm thấy vui khi vợ cười với người khác, khi thấy vợ đang vui đùa, hân hoan với người khác. Anh ta muốn toàn bộ sự vui cười hân hoan đó phải thuộc toàn quyền sở hữu của anh ta; nó là tài sản của anh ta.
Nỗi sợ không bao giờ là tình yêu, và trong tình yêu không bao giờ có sự sợ hãi. Không có gì để mất vì tình yêu. Vì sao phải e sợ? Tình yêu chỉ cho đi. Yêu không phải là một giao dịch buôn bán, do đó không có vấn đề lỗ lãi. Tình yêu thích được cho đi, giống như những bông hoa luôn tỏa hương thơm.
Hãy nhớ, nỗi sợ và tình yêu không bao giờ cùng tồn tại. Điều đó là không thể. Nỗi sợ là cực đối lập của tình yêu.
Người ta thường cho rằng ghét mới đối lập với yêu. Đó là suy nghĩ sai lầm, hoàn toàn sai lầm. Nỗi sợ mới đối lập với yêu. Khi ghét, người ta chỉ bộc lộ điều đó một lúc, nhưng thực chất vẫn yêu. Tình yêu không còn nồng thắm nhưng nó vẫn ở đó. Sợ mới là cực đối lập của yêu. Sợ có nghĩa là lúc này toàn bộ năng lượng tình yêu đã biến mất.
Yêu là hướng ra bên ngoài, can đảm tìm đến người khác, với niềm tin vô bờ rằng mình sẽ được đón nhận – và nó luôn được đón nhận. Còn nỗi sợ sẽ co rút vào bên trong, khép kín, đóng hết các cánh cửa lớn, cửa sổ để mặt trời, gió, mưa không thể nào chạm đến bạn – bạn quá sợ hãi. Bạn đang bước chân vào nấm mồ khi đang còn sống.
Nỗi sợ là nấm mồ, tình yêu là ngôi đền thiêng. Trong tình yêu, cuộc sống đạt đến đỉnh cao tối thượng của nó. Trong nỗi sợ, cuộc sống rơi xuống ngang tầm với cái chết. Nỗi sợ bốc mùi, còn tình yêu thì tỏa hương thơm. Vậy sao bạn lại sợ hãi?
Hãy sợ cái tôi của bạn, hãy sợ lòng ham muốn của bạn, hãy sợ lòng tham của bạn, hãy sợ tính chiếm hữu của bạn, hãy sợ sự ghen tuông của bạn, nhưng đừng bao giờ sợ tình yêu. Tình yêu là thần thánh. Tình yêu giống như ánh sáng. Khi có ánh sáng, bóng tối không thể tồn tại. Khi có tình yêu, nỗi sợ không thể tồn tại.
Tình yêu có thể khiến cho cuộc đời bạn là một lễ ăn mừng vĩ đại – nhưng chỉ có tình yêu, không phải lòng ham muốn, không phải cái tôi, không phải tính chiếm hữu, không phải sự ghen tuông, không phải sự phụ thuộc.
Tôi hiểu được ý nghĩa trong lời nói của ngài rằng tình yêu không gây tổn thương. Tuy nhiên, kiểu tình yêu mà ngài nói đó thật không dễ tìm thấy. Để đạt đến một tình yêu viên mãn hơn, hành trình học hỏi và phát triển đó thường rất đau đớn. Vậy sự đau đớn có phải là điều tất yếu trong quá trình trưởng thành không?
Trưởng thành là đau đớn bởi vì bạn đã né tránh ngàn lẻ một nỗi đau trong suốt cuộc đời mình. Khi né tránh, bạn không thể phá hủy chúng – chúng sẽ không ngừng tích lũy. Bạn cứ mãi nuốt lấy nỗi đau của mình và chúng sẽ còn nằm bên trong. Đó là lý do vì sao sự trưởng thành lại đau đớn – khi bắt đầu trưởng thành, khi quyết định trưởng thành, bạn phải đối mặt với tất cả những nỗi đau mà mình đã dồn nén. Bạn không thể chỉ bước qua chúng.
Bạn đã được nuôi dưỡng theo cách sai lầm. Tiếc thay, cho đến tận lúc này, chưa có một xã hội nào tồn tại trên trái đất này mà không kìm nén nỗi đau. Tất cả các xã hội đều phụ thuộc vào sự kìm nén. Họ kìm nén hai thứ: một là nỗi đau, hai là niềm vui. Và họ kìm nén niềm vui cũng bởi vì nỗi đau. Lý do mà họ đưa ra là nếu bạn không quá vui, bạn sẽ không bao giờ quá buồn; nếu niềm vui to lớn bị hủy hoại, bạn sẽ không bao giờ quá đau đớn. Để tránh đau đớn, họ né tránh niềm vui. Để tránh cái chết, họ né tránh cuộc sống.
Và logic đó chứa đựng ý nghĩa bên trong. Cả hai phát triển cùng nhau – nếu muốn có một cuộc sống mê ly xuất thần, bạn sẽ phải chấp nhận nhiều nỗi thống khổ. Nếu muốn những đỉnh cao của dãy Himalaya, bạn sẽ phải chấp nhận cả những thung lũng. Không có gì sai với thung lũng, chỉ là bạn phải tiếp cận theo một cách khác. Bạn có thể tận hưởng cả hai – đỉnh núi cao thật đẹp, và thung lũng cũng vậy. Có những khoảnh khắc bạn nên tận hưởng đỉnh cao và cũng có những khoảnh khắc bạn nên thư giãn ở thung lũng.
Đỉnh cao được mặt trời chiếu sáng, nó đang đối thoại với bầu trời. Còn thung lũng là bóng tối, nhưng bất cứ khi nào muốn thư giãn, bạn phải đi vào bóng tối của thung lũng. Nếu muốn có đỉnh cao, bạn cần phải cắm rễ sâu ở thung lũng – rễ của bạn càng sâu thì cây càng vươn cao. Cây không thể phát triển nếu thiếu rễ và rễ cây phải di chuyển sâu vào lòng đất.
Nỗi đau và niềm vui là hai phần vốn có của cuộc sống. Con người quá lo sợ nỗi đau đến mức kìm nén nó, họ né tránh mọi tình huống gây ra nỗi đau, họ không ngừng né tránh nỗi đau. Và cuối cùng, họ va phải thực tế rằng nếu thật sự muốn né tránh nỗi đau, bạn cũng phải né tránh cả niềm vui. Đó là lý do vì sao những người tu hành né tránh niềm vui. Trên thực tế, họ chỉ đơn giản né tránh mọi khả năng gây đau khổ. Họ biết rằng nếu bạn né tránh niềm vui thì nỗi đau lớn cũng không thể nào xảy ra; nó chỉ đến như cái bóng của niềm vui. Khi đó, bạn sẽ đi trên nền đất bằng phẳng – bạn không bao giờ leo lên đến đỉnh núi và cũng không bao giờ rơi xuống thung lũng. Nhưng khi đó, bạn là một phần của xác sống, bạn không còn sống nữa.
Sự sống tồn tại giữa phân cực này. Sự căng thẳng giữa nỗi đau và niềm vui giúp bạn tạo ra âm nhạc vĩ đại; âm nhạc chỉ tồn tại trong sự căng thẳng này. Phá hủy sự phân cực này, bạn sẽ trở nên u tối, bạn sẽ nhạt nhẽo, bạn sẽ khô cằn – bạn sẽ không có bất kỳ ý nghĩa nào và bạn sẽ không bao giờ biết được thế nào là huy hoàng, là rực rỡ. Bạn sẽ bỏ lỡ cuộc sống. Những người muốn biết về cuộc sống, sống trọn cuộc sống phải chấp nhận và chào đón cái chết. Chúng đến cùng nhau, chúng là hai khía cạnh của cùng một hiện tượng.
Đó là lý do vì sao sự trưởng thành lại đau đớn. Bạn phải đi vào tất cả những nỗi đau mà bạn đã né tránh. Nó đau đớn. Bạn phải đi qua tất cả những vết thương mà bạn đã tìm cách né tránh. Nhưng càng đi sâu vào nỗi đau, bạn càng có nhiều năng lực đi vào niềm vui. Nếu có thể đi đến tận cùng nỗi đau, bạn sẽ chạm đến thiên đường.
Tôi đã nghe kể rằng có người tìm đến một thiền sư và hỏi: “Làm cách nào chúng ta tránh được nóng và lạnh?”. Một cách ẩn dụ, người đó đang hỏi: “Làm cách nào chúng ta né tránh niềm vui và nỗi đau?”. “Nóng và lạnh” là cách nói của thiền để chỉ niềm vui và nỗi đau. “Làm cách nào chúng ta né tránh nóng và lạnh?”. Thiền sư đáp: “Hãy là nóng, hãy là lạnh”.
Để thoát khỏi nỗi đau, bạn phải chấp nhận nỗi đau, một cách tự nhiên và không né tránh. Nỗi đau là nỗi đau – một sự thật đơn giản, đớn đau. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự chịu đựng là do từ chối chấp nhận nỗi đau, cho rằng cuộc sống không nên đau đớn. Đó chính là cự tuyệt sự thật, phủ nhận cuộc sống và bản chất tự nhiên của mọi vật. Cái chết là tâm trí sợ chết. Khi không có nỗi sợ về cái chết, còn ai ở đó để chết đây?
Con người là loài duy nhất trong số các loài biết về cái chết và tiếng cười của mình. Điều kỳ diệu là con người thậm chí có thể tạo ra điều gì đó mới mẻ từ cái chết: anh ta có thể cười khi chết! Và nếu có thể cười khi chết, chỉ khi đó bạn mới có bằng chứng giá trị để chứng minh rằng bạn đã sống vui vẻ. Cái chết là tuyên bố cuối cùng cho cả cuộc đời bạn – là kết luận, là lời nhận xét quyết định. Cách bạn đã sống sẽ được thể hiện qua cái chết của bạn, qua cách bạn chết.
Liệu bạn có thể cười khi chết? Khi đó, bạn đã là một người trưởng thành. Nếu khóc khi chết, bạn là một đứa trẻ. Bạn chưa trưởng thành, chưa chín chắn. Nếu bạn khóc lóc, níu kéo cuộc sống vào lúc chết, điều đó chỉ chứng tỏ rằng bạn đã né tránh cái chết và bạn cũng đã né tránh sự sống, với tất cả nỗi đau của nó.
Trưởng thành có nghĩa là đối mặt với thực tại, đối mặt với dữ kiện, bất kể là gì. Và tôi muốn nhắc lại: nỗi đau chỉ là nỗi đau; không có sự chịu đựng nào trong đó. Sự chịu đựng đến từ ước muốn rằng nỗi đau đó không tồn tại, rằng có gì đó không đúng trong nỗi đau. Hãy quan sát, hãy chứng kiến và bạn sẽ bất ngờ. Bạn bị đau đầu. Cơn đau là có thật nhưng sự chịu đựng thì không. Sự chịu đựng là phụ, cơn đau là chính. Cơn đau đầu có ở đó, nỗi đau có ở đó; nó chỉ đơn giản là một dữ kiện. Không có sự phán xét nào về nó – bạn không thể gọi nó là xấu hay tốt, bạn không trao cho nó bất kỳ giá trị nào; nó chỉ là một dữ kiện. Hoa hồng là một dữ kiện, gai hoa hồng cũng vậy. Ngày là một dữ kiện, đêm cũng vậy. Cái đầu là một dữ kiện, cơn đau đầu cũng vậy.
Đức Phật đã dạy các đồ đệ của mình rằng khi đau đầu, bạn chỉ cần nói hai lần: “Đau đầu, đau đầu”. Hãy ghi nhớ nhưng đừng đánh giá, đừng nói: “Vì sao? Vì sao cơn đau đầu này lại xảy ra với tôi? Nó không nên xảy ra với tôi”. Khoảnh khắc nói “Nó không nên”, bạn sẽ khiến mình chịu đựng. Lúc này, sự chịu đựng là do bạn tạo ra, không phải do cơn đau đầu. Sự chịu đựng là ở cách diễn giải đầy phản kháng của bạn, là ở sự chối bỏ của bạn.
Và khoảnh khắc nói “Nó không nên”, bạn đã bắt đầu né tránh nó, bạn đã bắt đầu quay lưng lại với nó. Bạn muốn làm gì đó để quên nó đi. Bạn bật radio, bật tivi, bạn đi đến hộp đêm, hoặc bạn đọc sách. Bạn tìm cách tiêu khiển, khiến bản thân xao lãng. Lúc này, cơn đau không được chứng kiến; bạn đã tự gây xao lãng. Cơn đau đó sẽ được hấp thụ vào trong hệ thống cơ quan của bạn.
Hãy hiểu thật kỹ điểm mấu chốt này: nếu bạn có thể chứng kiến cơn đau đầu của mình mà không có bất kỳ thái độ phản kháng nào, không né tránh, không trốn tránh; nếu bạn chỉ ở đó, một cách tỉnh thức – “đau đầu, đau đầu” – nếu bạn chỉ đơn giản chứng kiến nó, cơn đau đầu sẽ rời đi vào đúng thời điểm của nó. Tôi không nói rằng cơn đau sẽ chấm dứt một cách thần kỳ, rằng chỉ cần chứng kiến thì cơn đau đó sẽ hết. Cơn đau sẽ dứt vào đúng thời điểm của nó. Nhưng nó sẽ không bị hấp thụ vào hệ thống của bạn, nó sẽ không đầu độc hệ thống của bạn. Nó sẽ ở đó, bạn sẽ ghi nhớ, và nó sẽ ra đi. Nó sẽ được giải thoát.
Khi bạn chứng kiến một sự việc nào đó, nó không thể nào đi vào hệ thống của bạn. Nó luôn đi vào khi bạn né tránh, khi bạn trốn tránh nó. Khi bạn đi vắng, nó sẽ đi vào hệ thống của bạn. Chỉ khi bạn vắng mặt, cơn đau mới có thể trở thành một phần của bạn – nếu bạn hiện diện, chính sự hiện diện của bạn sẽ ngăn cản nó đi vào bên trong bạn.
Và nếu có thể tiếp tục ghi nhớ các nỗi đau của mình, bạn sẽ không tích lũy chúng. Bạn không được dạy bảo đúng cách, do đó bạn cứ mãi né tránh. Rồi bạn tích lũy quá nhiều nỗi đau, bạn sợ phải đối mặt với nó, bạn sợ chấp nhận nó. Sự trưởng thành trở nên đau đớn – đó là vì những ước lệ sai lầm. Bằng không, sự trưởng thành không hề đau đớn, sự trưởng thành chỉ có niềm vui.
Khi cây cối phát triển và ngày càng to lớn, bạn nghĩ nó có đau không? Không hề. Ngay cả khi một đứa trẻ chào đời, nếu người mẹ chấp nhận điều đó, sẽ không có nỗi đau nào cả. Nhưng người mẹ chối bỏ nó; người mẹ lo sợ. Người mẹ trở nên căng thẳng, bà ấy tìm cách giữ đứa trẻ ở lại bên trong – điều này là không thể. Đứa trẻ đã sẵn sàng bước ra thế giới, đứa trẻ đã sẵn sàng rời khỏi người mẹ. Nó đã “chín”, tử cung của người mẹ không còn đủ sức chứa nó. Nếu đứa trẻ còn ở lâu hơn trong bụng mẹ, người mẹ sẽ chết và đứa trẻ cũng chết. Nhưng người mẹ lo sợ. Bà ấy nghe nói rằng việc sinh con là rất đau đớn, bà ấy lo sợ. Vì sợ hãi nên bà ấy căng thẳng và khép kín.
Vào thời nguyên thủy khi con người đã tồn tại, việc sinh con rất đơn giản, không hề đau đớn. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trạng thái xuất thần vĩ đại nhất xảy ra với phụ nữ khi sinh con – không đau đớn, không quằn quại, chỉ có sự ngây ngất tuyệt đỉnh. Không có khoái cảm tình dục nào đáng hài lòng và ấn tượng như cơn khoái cảm mà người phụ nữ đạt được khi sinh con theo cách tự nhiên. Toàn bộ cơ chế tình dục của người phụ nữ rung động theo cách mà nó chưa từng xảy ra trong bất kỳ cuộc làm tình nào. Đứa trẻ được sinh ra từ nơi sâu thẳm tận cùng của người phụ nữ. Không người đàn ông nào có thể thâm nhập vào người phụ nữ ở nơi sâu thẳm này. Và sự rung động nảy sinh từ bên trong. Sự rung động đó là điều phải xảy ra – nó đến như những con sóng, những ngọn thủy triều. Chỉ có cách đó mới giúp đứa trẻ đi ra, chỉ có cách đó mới giúp lối đi mở ra cho đứa trẻ. Do đó, người phụ nữ sẽ đón nhận niềm hân hoan vô bờ từ những rung động dữ dội và toàn bộ bản thể giới tính của mình.
Nhưng những gì thật sự xảy ra với loài người lại hoàn toàn đối lập: người phụ nữ lại phải cảm nhận nỗi thống khổ lớn nhất đời mình. Và điều này bắt nguồn từ sự hình thành tâm trí, sự dạy bảo sai lầm. Việc chào đời có thể diễn ra tự nhiên nếu bạn chấp nhận nó, và điều này cũng tương tự với sự chào đời của bạn như là một bản thể đang yêu. Trưởng thành có nghĩa là bạn được sinh ra mỗi ngày. Việc chào đời không kết thúc vào ngày bạn được sinh ra – vào ngày đó, nó chỉ bắt đầu; nó chỉ là sự khởi đầu. Ngày bạn rời khỏi bụng mẹ không phải là ngày bạn chào đời, bạn chỉ bắt đầu được sinh ra; đó chỉ là sự khởi đầu. Và một người sẽ không ngừng được sinh ra cho đến ngày chết đi. Quá trình chào đời của bạn sẽ tiếp diễn trong bảy mươi, tám mươi, chín mươi năm, chừng nào bạn còn sống. Nó là một chuỗi tiếp diễn.
Và mỗi ngày, bạn sẽ cảm nhận niềm vui – những chiếc lá mới, những tán cây mới, những bông hoa mới, những nhánh mới, càng ngày càng cao và chạm đến những tầm cao mới. Bạn sẽ đi sâu hơn, cao hơn, bạn sẽ đạt đến những đỉnh cao. Sự trưởng thành sẽ không còn đau đớn.
Sự trưởng thành sẽ đau đớn do những ước định sai lầm của bạn. Bạn đã được dạy bảo không được trưởng thành; bạn đã được dạy bảo là phải luôn luôn không đổi, bạn đã được dạy bảo phải neo bám vào những thứ quen thuộc và những thứ đã biết. Đó là lý do vì sao mỗi khi thứ gì đã biết vụt khỏi tay bạn, bạn đều khóc. Một món đồ chơi bị vỡ, một chiếc ti giả bị lấy mất.
Hãy nhớ, chỉ có một thứ giúp được bạn, đó chính là sự tỉnh thức – không có gì khác. Sự trưởng thành vẫn sẽ đau đớn nếu bạn không chấp nhận cuộc sống và tình yêu với tất cả những thăng trầm của nó. Bạn phải chấp nhận mùa hè và cả mùa đông.
Tôi gọi đây là thiền. Thiền là khi trong bạn đã dọn sạch những thứ cũ kỹ, những điều đã được dạy bảo, được làm đối với cái chết. Khi đó, bạn sẽ nhìn thấy, hay nói đúng hơn, khi đó sẽ có sự chứng kiến, sự ra đời của cái mới.
Nhưng bạn sẽ phải trải qua nhiều nỗi đau, nhiều nỗi thống khổ. Đó là vì bạn đã sống trong một xã hội, một nền văn hóa nhất định. Đây chỉ là những cách khác nhau để né tránh nỗi đau, không có gì khác. Bạn đã thuộc về một nền văn hóa, đó là lý do vì sao sự trưởng thành lại đau đớn – bởi vì văn hóa tìm cách khiến cho bạn không trưởng thành; nó muốn bạn mãi là trẻ vị thành niên. Nó không cho phép bạn phát triển tâm lý giống như phát triển sinh lý.
Vào Thế chiến thứ nhất, rồi Thế chiến thứ hai, các nhà tâm lý học nhận biết về một dữ kiện rất kỳ lạ – rằng độ tuổi phát triển trí tuệ của con người không vượt quá mười hai hoặc mười ba. Thậm chí một người ở tuổi bảy mươi thì tuổi phát triển trí tuệ của người đó cũng chỉ chừng từ mười đến mười ba. Điều này có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là anh ta dừng phát triển ở tuổi lên mười; cơ thể vẫn tiếp tục phát triển nhưng tâm trí thì không. Không có xã hội nào cho phép tâm trí phát triển. Vì sao ư? Bởi vì tâm trí phát triển sẽ nguy hiểm đối với cấu trúc xã hội. Họ sẽ nổi loạn. Họ nguy hiểm cho cấu trúc xã hội bởi vì họ nhìn thấy đủ kiểu ngu ngốc đang diễn ra nhân danh văn hóa, xã hội, dân tộc.
Trái đất là một, còn con người vẫn bị phân chia. Toàn bộ những vấn đề của con người đều có thể được giải quyết nếu các quốc gia biến mất. Sẽ không có vấn đề, thật sự là không có vấn đề gì cả; vấn đề cơ bản được tạo ra bởi biên giới các quốc gia. Giờ đây, công nghệ có thể giúp mang thực phẩm đến cho mọi người ở khắp nơi trên thế giới, không ai còn phải chịu cảnh đói khát. Nhưng điều đó là không thể bởi vì những biên giới kia không cho phép.
Một người trưởng thành sẽ có khả năng nhìn thấy tất cả những điều vô nghĩa này. Một người trưởng thành sẽ có khả năng nhìn thấy nó một cách rõ ràng. Một người trưởng thành không thể bị hạ xuống thành nô lệ.
Hãy nắm giữ bản thể của bạn. Đối mặt với nỗi đau của bạn và trút bỏ muôn kiểu ràng buộc – bởi vì chỉ khi được tự do, bạn mới có thể cất lên khúc hát của mình và nhảy điệu nhảy của mình.
Mùa xuân là mùa trăm hoa khoe sắc;
mùa thu là mùa trăng thu hoạch;
mùa hạ có cơn gió chiều dịu mát;
mùa đông có tuyết trắng phủ đầy.
Nếu không để cho những thứ vô nghĩa lởn vởn trong đầu bạn, thì mọi mùa đều tươi tốt.
Đây là câu nói của thiền. “Nếu không để cho những thứ vô nghĩa lởn vởn trong đầu bạn…”. Sự trưởng thành là đau đớn bởi vì bạn mang vác quá nhiều thứ vô nghĩa trong đầu. Đúng ra bạn cần phải vứt bỏ chúng từ lâu. Nhưng bạn không được dạy bảo vứt bỏ điều gì cả, bạn chỉ được dạy phải bám vào mọi thứ – cả có nghĩa lẫn vô nghĩa. Bởi vì bạn đang mang vác quá nhiều cho nên sự trưởng thành khó xảy ra. Bằng không, sự trưởng thành sẽ nhẹ trôi, giống như chồi non nở thành bông hoa vậy.
Bạn gái của tôi nói rằng tôi hơi nhàm chán, không mấy thú vị, dựa dẫm vào người khác và là một nạn nhân. Lúc đó, tôi cảm thấy tội lỗi, chán nản và thấy mình hoàn toàn không xứng đáng. Tôi bắt đầu cảm thấy mình chẳng là gì cả – đối với sự hiện hữu, cuộc sống và tình yêu. Trong khi đó, tôi quan sát thấy nguồn năng lượng tiêu cực này trong chính mình và không hiểu sao tôi lại cảm thấy thích! Liệu tôi có thể sử dụng năng lượng này theo cách sáng tạo được không?
Câu hỏi của bạn là một ví dụ về những kết luận ngu ngốc mà tâm trí đưa ra. Có lẽ bạn chưa nhìn vào nó và những mâu thuẫn của nó. Tôi muốn bạn nhìn sâu vào khía cạnh tâm lý của những câu hỏi như thế. Chúng không chỉ có trong bạn, mà còn có trong nhiều người khác. Nhưng bạn có can đảm phơi bày chính mình không?
Việc phơi bày đó bắt đầu bằng “Bạn gái của tôi nói rằng tôi hơi nhàm chán”. Bạn gái của bạn là một người giàu lòng trắc ẩn, bởi vì đến cuối cùng, mọi người đàn ông đều trở nên rất nhàm chán, chứ không phải hơi nhàm chán đâu. Bạn có nhận ra thực tế rằng bạn gọi tình yêu là sự lặp lại, một kiểu tập luyện ngu ngốc cứ lặp đi lặp lại? Và trong toàn bộ trò chơi ngu ngốc này, đàn ông là kẻ thua cuộc. Anh ta phung phí năng lượng của mình, toát mồ hôi, bắt đầu thấy khó thở, còn cô gái sẽ nhắm nghiền mắt lại và nghĩ: “Chỉ hai hay ba phút nữa thôi, cơn ác mộng này sẽ kết thúc”.
Con người thật không có óc sáng tạo, họ cứ cho rằng việc lặp đi lặp lại cùng một hành động sẽ khiến chúng càng thú vị hơn. Đó là lý do vì sao tôi nói bạn gái của bạn là người giàu lòng trắc ẩn – cô ấy chỉ nói rằng bạn hơi nhàm chán thôi. Còn tôi, tôi nói rằng bạn vô cùng nhàm chán.
Khi những người phương Tây đến phương Đông, người phương Đông mới phát hiện ra rằng họ chỉ biết một tư thế làm tình – người phụ nữ nằm dưới còn những con quái vật xấu xí sẽ nằm phía trên.
Ấn Độ là vùng đất cổ xưa và là cái nôi của nhiều bộ môn khoa học, đặc biệt là tình dục học. Có một cuốn sách rất quan trọng của Vatsyayana đã tồn tại khoảng năm ngàn năm. Cuốn sách có tên là Kamasutras với những kiến thức về tình yêu và tình dục. Và nó được biên soạn bởi một thiền sư – ông ấy đã tạo ra tám mươi bốn tư thế làm tình. Lẽ tự nhiên, các tư thế cần phải thay đổi, nếu không thì bạn sẽ cảm thấy chán. Vatsyayana nhận ra rằng việc áp dụng một tư thế làm tình sẽ gây nhàm chán, cảm giác bản thân thật ngu ngốc, bởi vì bạn luôn làm cùng một việc. Ông ấy đã phát minh ra tám mươi bốn tư thế để khiến cho đời sống tình dục của các cặp đôi thêm phần thú vị. Không có ai trên thế giới viết được một cuốn sách sánh ngang với đẳng cấp của Kamasutras. Nó chỉ có thể được viết bởi một người thiền tịnh với sự am hiểu và cái nhìn thấu suốt.
Cách làm tình của bạn như thế nào? Nếu nhìn vào cách làm tình của mình, chính bạn cũng sẽ thấy nó nhàm chán. Và đặc biệt đối với người nữ, nó càng nhàm chán hơn, bởi vì người nam đã xong trong hai hoặc ba phút nhưng người nữ thậm chí chỉ mới bắt đầu. Và ở các nền văn hóa trên khắp thế giới, tâm trí của người phụ nữ bị mặc định rằng họ thậm chí không được tận hưởng, cử động hay chơi đùa – như thế sẽ bị gọi là “bẩn”; chỉ có gái điếm mới làm vậy. Còn các quý cô là phải nằm xuống như chết và để cho những gã già nua làm gì tùy thích. Do đó, điều này chẳng có gì mới, thậm chí chẳng có gì mới để xem.
Bạn không nên xem nó như là một sự xúc phạm cá nhân. Bạn gái của bạn đang nói với bạn một cách rất trung thực và chân thành. Liệu bạn đã mang đến cho cô ấy khoái cảm? Hay bạn chỉ xem cô ấy như là phương tiện để xả nguồn năng lượng tình dục của mình? Liệu bạn có hạ cô ấy xuống thành một món hàng? Cô ấy đã được dạy bảo phải chấp nhận nó, nhưng sự chấp nhận này không thể nào là niềm vui.
Bạn yêu nhau trên cùng một chiếc giường, nơi bạn cãi nhau mỗi ngày. Trên thực tế, việc cãi vã đó là bước mở đầu: ném gối, hét vào mặt nhau, tranh cãi về mọi thứ, và rồi khi cảm thấy mệt, bạn cần phải làm hòa. Tình yêu của bạn chỉ là một kiểu làm hòa. Nếu bạn là một người nhạy cảm và duy mỹ, ngăn chứa tình yêu của bạn phải là một nơi thiêng liêng, bởi vì ngăn chứa tình yêu đó chính là nơi sự sống ra đời. Nó phải có những bông hoa đẹp, hương thơm ngát; bạn bước vào trong đó với lòng tôn kính sâu sắc.
Và tình yêu không thể nào là một hành động vội vã để bạn chỉ cần tóm lấy người phụ nữ. Cú “đánh nhanh thắng nhanh” này không phải là tình yêu. Tình yêu phải có lời mở đầu bằng những ca khúc đẹp, nhảy múa cùng nhau, thiền cùng nhau. Và nó không phải là việc của tâm trí – bạn dành toàn bộ thời gian nghĩ cách để được làm tình với cô ấy rồi lăn ra ngủ. Nó nên là sự tham gia tích cực hơn của toàn bộ bản thể – không theo kế hoạch của tâm trí mà phải đến một cách thật tự nhiên. Âm nhạc, hương thơm, và bạn đang nhảy múa tay trong tay, bạn trở lại thành những đứa trẻ đang vui đùa với hoa… Nếu diễn ra tự nhiên trong bầu không khí thiêng liêng này, việc làm tình sẽ mang một chất lượng khác.
Bạn nên hiểu rằng người phụ nữ có thể đạt cực khoái nhiều lần, bởi vì cô ấy không đánh mất năng lượng. Đàn ông chỉ đạt đỉnh một lần rồi mất hết năng lượng. Thậm chí đến sáng hôm sau, bạn có thể thấy dư âm của nó, và khi người đàn ông ngày càng lớn tuổi, việc đó càng trở nên khó khăn hơn. Bạn phải hiểu được sự khác biệt này. Phụ nữ là nơi tiếp nhận – cô ấy phải như thế bởi vì theo tự nhiên, người phụ nữ phải trở thành mẹ nên cần nhiều năng lượng. Nhưng khoái cảm của cô ấy diễn ra theo cách hoàn toàn khác biệt. Tính dục của người đàn ông mang tính cục bộ, giống như kiểu gây mê cục bộ. Phụ nữ có bản năng tính dục khắp cơ thể, mỗi tế bào đều tham gia cho đến chừng nào toàn bộ cơ thể của người phụ nữ bắt đầu run lên vì sung sướng, cô ấy không thể chỉ có một lần đạt đỉnh.
Do đó, không chỉ bạn gái của bạn cho rằng bạn nhàm chán, trường hợp này xảy ra với gần 99% phụ nữ khắp thế giới. Toàn bộ tình huống này cần phải được thay đổi. Người nữ không nên ở dưới người nam. Thứ nhất, tư thế đó thật xấu xí – người nam có cơ thể mạnh khỏe hơn, người nữ yếu đuối hơn. Cô ấy mới là người nên nằm phía trên, không phải đàn ông.
Thứ hai, người nam nên giữ im lặng, ngưng hoạt động, để cơn cực khoái của anh ta không kết thúc trong vòng hai phút. Nếu bạn im lặng và để người nữ nằm trên ngực mình, tư thế đó sẽ giúp cô ấy vận động nhiều hơn và đạt đến sự bùng nổ năng lượng đạt đỉnh. Cơ thể của cô ấy cần thời gian khởi động, và nếu bạn quá tích cực, sẽ không có đủ thời gian cho cô ấy. Bạn đã đạt được, nhưng đó không phải là cuộc gặp gỡ của cái đẹp, của tình yêu, mà chỉ là có lợi cho bản thân bạn.
Hãy thử với bạn gái của bạn những gì tôi nói. Bạn phải là người thụ động và để cô ấy chủ động. Đừng cấm cản, hãy để cô ấy tự do làm điều mình muốn. Cô ấy không phải hành xử như một quý cô, cô ấy phải hành xử như một người đàn bà thực thụ. Quý cô chỉ là một từ do đàn ông tạo ra; còn đàn bà là sản phẩm của sự hiện hữu. Bạn phải lấp đầy khoảng cách giữa những cơn cực khoái của cô ấy. Khoảng cách đó chỉ được lấp đầy bằng một cách, đó là bạn phải thụ động, im lặng và tận hưởng sự say mê cuồng nhiệt của cô ấy. Và cô ấy sẽ đạt đỉnh nhiều lần. Bạn nên kết thúc trò chơi bằng cơn đạt đỉnh của mình, nhưng đừng bắt đầu với nó.
Khi đó, bạn gái của bạn sẽ không còn gọi bạn là người nhàm chán nữa. Bạn sẽ là một người tuyệt vời, thú vị! Và hãy nhắm mắt để cô ấy không cảm thấy ngại bởi cái nhìn của bạn. Từ đó, cô ấy có thể làm bất cứ điều gì – di chuyển tay, cơ thể, rên xiết…, còn bạn không được nhúc nhích, hãy cứ nằm im. Khi đó, cô ấy sẽ điên cuồng theo đuổi bạn! Còn lúc này, hẳn là bạn đang hành xử ngu ngốc, giống như hầu hết đàn ông trên thế giới vẫn làm.
Điều thứ hai bạn nói là: “Bạn gái tôi nói rằng tôi không thật thú vị”. Vậy thì hãy trở nên thú vị hơn đi! Để là người thú vị không có gì khó. Cô ấy đang cho bạn lời khuyên và với sự ngu ngốc của mình, bạn nghĩ rằng cô ấy đang buộc tội bạn. Và khi cô ấy nói: “Anh rất dựa dẫm vào người khác và là một nạn nhân”, tôi có thể thấy rằng cô ấy nói đúng dù chỉ qua câu hỏi của bạn. Bạn là một nạn nhân, giống như mọi người đều là nạn nhân – nạn nhân của những hệ tư tưởng ngu ngốc, những thứ đã tạo ra cảm giác tội lỗi kỳ lạ và không cho phép bạn vui chơi. Mặc dù đang làm tình nhưng bạn cho rằng mình đang phạm tội và sắp rơi xuống địa ngục.
Trong khi làm tình, hãy biến nó thành thiền. Toàn bộ sự hiện diện của bạn phải ở đó, bao phủ lên người phụ nữ mà bạn yêu. Người phụ nữ cũng phải hiện diện ở đó, bao phủ lên người tình của cô ấy bằng vẻ đẹp và sự duyên dáng. Khi đó, bạn sẽ không còn là nạn nhân, bằng không, bạn sẽ mãi là nạn nhân bởi tín ngưỡng của bạn không chấp nhận tình yêu là một trải nghiệm tự nhiên và thích thú. Họ buộc tội tình yêu. Một số còn đưa ra điều kiện rằng nếu không rời bỏ người phụ nữ, bạn sẽ không bao giờ đạt đến chân lý. Và điều kiện đó tồn tại lâu đến mức gần như trở thành sự thật, mặc dù nó là một lời nói dối.
Bạn là nạn nhân của những truyền thống và bạn chắc chắn là một người dựa dẫm. Khi đọc lại câu hỏi của bạn, bạn sẽ thấy mình dựa dẫm như thế nào – dựa dẫm vào một người bạn gái để cô ấy nói rằng bạn nhàm chán, không thú vị và là một nạn nhân.
Sự dựa dẫm của bạn còn được bổ sung thêm: “Khi đó, tôi cảm thấy tội lỗi, chán nản và thấy mình hoàn toàn không xứng đáng”. Nếu bạn gái của bạn – chỉ bằng cách chỉ ra những sự thật đơn giản như thế – có thể khiến bạn cảm thấy tội lỗi, chán nản và thấy mình hoàn toàn không xứng đáng, hẳn cô ấy phải là bậc thầy. “Tôi bắt đầu cảm thấy mình chẳng là gì cả”. Và điểm này cho thấy bạn gái của bạn rất tử tế khi không nói với bạn rằng “Anh còn là một thằng ngu nữa”.
Bạn nói: “Tôi bắt đầu cảm thấy mình chẳng là gì cả – đối với sự hiện hữu…”. Sự hiện hữu đã làm gì? “... cuộc sống và tình yêu”. Điều này càng cho thấy sự ngu ngốc cùng cực của bạn. Thay vì lắng nghe bạn gái, người đã nói chân thành rằng bạn hơi nhàm chán, đúng ra bạn nên hỏi cô ấy: “Làm cách nào anh có thể trở nên thú vị hơn đây? Em có gợi ý nào không? Nếu anh không thú vị, vậy em có thể chỉ cho anh cách trở nên thú vị hơn không?”. Hẳn đó sẽ là một bước đi thông minh.
Nhưng thay vì hỏi bạn gái, bạn lại bắt đầu cảm thấy “mình chẳng là gì cả – đối với sự hiện hữu, cuộc sống và tình yêu”. Nhưng tôi có thể hiểu được nguyên nhân. Tôi không thể giải thích được điều đó, nhưng tôi có thể nhìn thấy nguyên nhân ẩn dưới cái “cảm thấy chẳng là gì cả” của bạn. Bạn quá tin ở bạn gái của mình, do đó bạn không thể hỏi lại cô ấy; điều đó cho thấy sự dựa dẫm của bạn. Bạn ngại gây chuyện với cô ấy, bởi vì bạn gái không phải là vợ, không có luật lệ nào ngăn cản cô ấy rời bỏ bạn để tìm đến người thú vị hơn. Và vào thời điểm bắt đầu, mọi người đều thú vị, nhưng chỉ vài ngày bên nhau, sự thú vị đó không còn nữa. Bạn bắt đầu nhìn quanh tìm kiếm người phụ nữ khác, người đàn ông khác, bởi vì tất cả đều trông thú vị hơn.
Bạn sẽ lặp lại cùng một việc từ kiếp này đến kiếp khác; bạn làm mà không hiểu được nền tảng. Sống với người đàn ông được hơn một tuần, vấn đề nảy sinh và bạn tìm cách thoát khỏi người đó. Anh ta cũng nghĩ cách thoát khỏi bạn. Nhưng cách đó có vẻ không ổn với cả hai, do đó bạn bắt đầu tạo ra rắc rối để một tên ngốc khác có thể sẽ quan tâm đến bạn gái của bạn, bởi vì cả hai đều thấy rằng những cô gái khác, những chàng trai khác đều thú vị hơn. Có câu nói rằng “Cỏ nhà hàng xóm lúc nào cũng xanh hơn”. Chính khoảng cách tạo ra hiện tượng đó.
Bất cứ người phụ nữ nào cũng trông thú vị hơn so với vợ của bạn – cô ấy chỉ là nỗi phiền toái. Nhưng điều mà bạn không biết là tất cả những người phụ nữ này đều theo đuổi cùng một triết lý. Trong vòng một hoặc hai ngày, họ thật tuyệt vời, nhưng một khi họ đã nắm thóp được bạn, câu chuyện thật sự mới bắt đầu – họ bắt đầu trở thành nỗi phiền toái thật sự. Điều này cũng đúng với đàn ông. Khi gặp gỡ phụ nữ trên bãi biển, trong công viên, bên bờ sông, anh ta làm ra vẻ như mình là Alexander Đại đế, bước đi như mãnh hổ. Nhưng chỉ trong vòng hai ngày, chính người đó bị hạ xuống thành kẻ xấu xa.
Không ai nói về nguyên nhân thật sự khiến điều này xảy ra, vì sao quá nhiều người lại trở nên đau khổ một cách không cần thiết. Xã hội này sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu chúng ta không cho phép mọi người dịch chuyển, không bị mắc kẹt trong hôn nhân, không bị mắc kẹt trong lời hứa của chính mình.
Tự do gặp nhau, và vào khoảnh khắc khi bạn cảm thấy rằng mình đã khám phá hết người nữ, và người nữ đó cũng biết rằng cô ấy đã trải nghiệm tất cả những gì cần trải nghiệm ở người nam, đó là lúc chia tay nhau trong tình bạn sâu sắc. Không cần phải làm phiền nhau nữa.
Một thế giới không có giao ước nào giữa đàn ông và đàn bà sẽ là một thế giới thật đáng yêu, thật đẹp, thật thú vị và không bao giờ nhàm chán. Nhưng chúng ta đã tạo ra các thể chế, và việc sống trong thể chế là một trải nghiệm không mấy tuyệt vời. Cuộc hôn nhân của bạn là một thể chế, mặc dù thế hệ sau này có được tự do hơn đôi chút trước khi ổn định cuộc sống sau tuổi ba mươi. Tôi đã nhìn ngó khắp nơi để tìm kiếm một người hippie ở tuổi ba mươi lăm nhưng chưa tìm thấy ai cả. Gần đến độ tuổi chừng ba mươi, tất cả các hippie đều biến mất, họ trở lại thành đúng kiểu người bảo thủ mà họ từng chống lại trước đó.
Nhìn thấy tình huống đó, sống trong những thể chế – của hôn nhân, cộng đồng, xã hội, của câu lạc bộ kết bạn, tổ chức cộng đồng – bạn không thể sống vui sướng, bạn đã thử nghiệm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có một thế hệ trẻ hơn. Tôi không nói rằng trước đây chúng ta không có những người trẻ tuổi, nhưng đó không phải là “thế hệ trẻ hơn”. Một đứa trẻ bảy tuổi sẽ bắt đầu nối nghiệp của cha, sẽ bắt đầu đi ra cánh đồng, chăm sóc đàn bò; hoặc nếu người cha là thợ mộc, đứa trẻ sẽ phụ giúp cha. Ở tuổi lên bảy, nó đã gia nhập xã hội.
Lần đầu tiên trong lịch sử, có một thế hệ có thể được gọi là trẻ hơn. Trường trung học, trường cao đẳng, trường đại học, và mất từ hai mươi hai đến hai mươi lăm năm để bạn nhận được bằng tốt nghiệp đại học. Nhưng vào thời điểm đó, bạn không còn trẻ nữa. Vào thời điểm đó, bạn bắt đầu đón nhận trách nhiệm: công việc, gia đình, hôn nhân.
Trong suốt thời gian bạn học đại học, trước khi bước vào cuộc sống, có một khoảng thời gian dài bạn không tham gia vào bất kỳ hoạt động công ích, có mục đích, ý nghĩa nào. Điều đó đã tạo nên khoảng cách thế hệ. Nam và nữ đều trưởng thành về giới tính – nữ ở tuổi mười ba, nam ở tuổi mười bốn – và họ sẽ kết hôn trong khoảng từ mười đến mười hai năm sau đó. Mười hai năm này đã biến họ thành bạn trai và bạn gái.
Đó là một cơ hội tuyệt vời để hiểu được toàn bộ hiện tượng này, cũng như tâm lý của nó. Bạn được quyền lựa chọn để thay đổi những thói quen cũ, sẽ có rắc rối nhưng chúng giúp từ bỏ những thói quen cũ. Mỗi người đàn ông cần phải nhận biết về nhiều phụ nữ. Mỗi người phụ nữ cần trải nghiệm nhiều đàn ông trước khi quyết định kết hôn. Trải nghiệm đó sẽ giúp họ tìm được đúng người mà họ có thể tan chảy và hòa hợp một cách dễ dàng.
Bạn nói: “Trong khi đó, tôi quan sát thấy nguồn năng lượng tiêu cực này trong chính mình và không hiểu sao tôi lại cảm thấy thích”. Mọi người đều có năng lượng tiêu cực, bởi vì năng lượng nếu để tự thân phát triển thì chắc chắn sẽ tiêu cực, trừ khi được sử dụng một cách tỉnh táo và trở thành nguồn năng lượng sáng tạo.
Nhưng điều quan trọng nhất là bạn nói: “Không hiểu sao tôi lại cảm thấy thích”. Nếu vậy thì làm cách nào bạn thay đổi được nó? Bạn sẽ có xu hướng giữ lại những gì mình thích; bạn không thể thay đổi nó, bởi vì bạn sẽ không thích sự thay đổi. Tất cả những điều này xuất hiện trong đầu bạn chỉ vì bạn gái nói với bạn rằng bạn hơi nhàm chán, không mấy thú vị, hay dựa dẫm vào người khác và là một nạn nhân.
Bạn có năng lượng. Việc tận hưởng năng lượng tiêu cực là tự sát, tận hưởng năng lượng tiêu cực là phục vụ cho cái chết. Nếu nhận biết về nó, bạn phải trải qua một cuộc biến đổi. Hãy sử dụng năng lượng của bạn một cách sáng tạo, có lẽ cách đó sẽ khiến bạn ít nhàm chán, trở nên thú vị hơn, ít dựa dẫm hơn, và không còn là nạn nhân nữa. Điều quan trọng nhất là bạn sẽ không cảm thấy tội lỗi và chán nản. Không có người sáng tạo nào lại thấy tội lỗi và chán nản. Sự đóng góp của người đó thông qua các hành động sáng tạo của bản thân sẽ khiến anh ta trở nên vô cùng mãn nguyện và có phẩm giá. Đó chính là quyền mà mỗi người đều có được từ lúc chào đời, nhưng rất ít người đạt được.
Hơn nữa, “chẳng là gì” sẽ trở thành “có gì” nếu năng lượng đó di chuyển theo chiều hướng sáng tạo. Và không chút khó khăn, bạn có thể dễ dàng sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực sáng tạo. Hãy vẽ, làm vườn, trồng hoa, làm thơ, học nhạc, nhảy múa. Hãy học bất cứ thứ gì giúp chuyển năng lượng tiêu cực của bạn thành năng lượng sáng tạo, và ngay lập tức “chẳng là gì” sẽ trở thành “có gì”, thậm chí có nhiều là đằng khác. Khi đó, bạn sẽ không còn tức giận với sự hiện hữu, bạn sẽ cảm thấy biết ơn. Bạn sẽ không còn chống lại cuộc sống.
Làm sao một người sáng tạo lại chống lại cuộc sống, chống lại tình yêu? Điều đó là không thể, không bao giờ xảy ra. Chỉ có những người không sáng tạo mới chống lại mọi thứ. Và nếu có khả năng sáng tạo, tự tin vào cuộc sống, hẳn bạn sẽ di chuyển theo hướng trở thành một người đáng tin cậy, chân thành và đáng khen ngợi.
Bạn gái của bạn đã đưa ra những vấn đề rất quan trọng cho cuộc đời bạn. Cách dễ dàng nhất là thay bạn gái, nhưng tôi tin rằng cô ấy là một người bạn thật sự của bạn, và những gì cô ấy nói đều tuyệt đối chân thành, đáng tin cậy. Hãy biết ơn cô ấy và bắt đầu thay đổi mọi thứ. Ngày mà bạn gái của bạn nói rằng bạn thú vị sẽ là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời bạn. Do đó, đừng là một kẻ hèn nhát và luôn thay bạn gái chỉ vì người đó khiến bạn rối trí, và bạn muốn tìm một người khác thay thế.
Bạn thật may mắn khi tìm thấy một người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn. Lựa chọn tiếp theo của bạn sẽ rất khó khăn, cô ấy sẽ khiến bạn cảm thấy tội lỗi và không xứng đáng. Bạn đã làm gì để chứng tỏ mình xứng đáng? Bạn đã làm gì để không là kẻ nhàm chán? Bạn đã làm gì để khẳng định sự độc lập của mình? Bạn đã làm gì để không trở thành nạn nhân? Đã đến lúc bạn nên làm điều gì đó. Bạn sẽ luôn cảm thấy biết ơn bạn gái của mình.
Và tôi muốn nói với bạn gái của bạn: “Hãy tiếp tục ‘đập’ gã này cho đến khi bạn hài lòng rằng anh ta không còn nhàm chán mà trở nên vô cùng thú vị, sôi nổi, đáng khen ngợi. Bạn có thể đánh mất bạn trai của mình đâu đó trên đường đời, nhưng bạn sẽ giúp anh ta sẵn sàng cho một người phụ nữ khác; bằng không, với cách sống như hiện tại, anh ta sẽ tiếp tục tra tấn nhiều phụ nữ khác và tra tấn chính mình”.
Tôi đang nỗ lực tạo ra người đàn ông của tương lai – người sẽ tôn trọng phụ nữ như chính mình, người sẽ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển như tạo cơ hội cho chính mình. Và sẽ không có bất kỳ ràng buộc nào. Nếu hai người có thể yêu nhau và sống trọn đời bên nhau, không ai có thể chia rẽ được. Nhưng không cần phải kết hôn và không cần ly hôn. Tình yêu phải là một hành động tiêu biểu cho sự tự do tuyệt đối.
Nhưng suốt cả ngàn năm qua, chúng ta được dạy bảo rằng: “Nếu bạn thật sự yêu, tình yêu của bạn phải bền vững”. Tôi không nhìn thấy bất cứ điều gì trong cuộc sống lại có phẩm chất bền vững. Tình yêu cũng không ngoại lệ. Do đó, đừng kỳ vọng rằng tình yêu phải bền vững. Sự không kỳ vọng sẽ khiến đời sống tình yêu của bạn đẹp hơn, bởi vì bạn biết rằng hôm nay bạn bên nhau nhưng biết đâu ngày mai, bạn sẽ phải chia xa. Tình yêu giống như làn gió mát lành bay đến ngôi nhà của bạn, mang theo hương thơm và sự tươi mới, lưu lại đó lâu nhất có thể và sau đó bay đi. Bạn không nên tìm cách đóng hết các cánh cửa, bằng không thì cơn gió thơm mát ấy sẽ trở thành một thứ hoàn toàn xấu xí.
Đó chính là cuộc sống của mọi người – cũ kỹ, xấu xí – và nguyên nhân nằm ở ý nghĩ về tình yêu vĩnh cửu. Trong cuộc sống, mọi thứ đều thay đổi. Đó là sự thay đổi tuyệt vời, nó mang đến cho bạn ngày càng nhiều trải nghiệm, ngày càng nhiều nhận biết, ngày càng nhiều sự trưởng thành.
Toàn bộ niềm vui, sự phấn khích đã rời bỏ mối quan hệ của tôi, mặc dù tôi cảm nhận rằng tình yêu vẫn còn đó và tôi thật sự không muốn đổ vỡ. Làm cách nào chúng tôi có thể lấy lại được niềm vui, niềm hân hoan đó?
Có một sự hiểu lầm ở đây. Niềm vui không đi đâu hết, niềm vui chưa bao giờ có mặt ở đó – có thể là một thứ khác. Chính sự phấn khích đã ra đi, nhưng bạn nghĩ rằng sự phấn khích ấy là niềm vui. Niềm vui sẽ đến – khi sự phấn khích lắng xuống, chỉ khi đó thì niềm vui mới xuất hiện. Niềm vui là một hiện tượng rất tĩnh lặng; nó không có sự phấn khích nào trong đó, nó không gây háo hức. Nó êm đềm, bình yên và tĩnh lặng.
Nhưng không chỉ có bạn hiểu lầm, điều này rất phổ biến. Mọi người cho rằng sự phấn khích là niềm vui. Nó là một kiểu nhiễm độc – bạn cảm thấy bận rộn, vô cùng bận rộn. Trong sự bận rộn đó, bạn quên đi những nỗi lo lắng, rắc rối và vấn đề của mình. Nó giống như uống rượu vậy. Bạn quên đi các vấn đề của mình, bạn quên đi chính mình, và ít nhất trong khoảnh khắc, bạn rời xa chính mình. Đó là ý nghĩa của sự phấn khích: bạn không còn ở bên trong, bạn đang ở bên ngoài; bạn đã thoát khỏi chính mình. Nhưng bởi vì ở bên ngoài, sớm muộn gì bạn cũng thấy mệt mỏi. Bạn nhớ nguồn dưỡng chất đến từ tận sâu bên trong khi bạn gần gũi với nó.
Do đó, không có sự phấn khích nào lâu bền cả; nó chỉ là hiện tượng trong khoảnh khắc, một thứ nhất thời mà thôi. Tất cả các tuần trăng mật đều sẽ kết thúc – chúng phải kết thúc, bằng không, bạn sẽ không sống được! Nếu cứ mãi phấn khích, bạn sẽ cáu tiết. Nó phải lắng xuống, bạn phải được nuôi dưỡng trở lại từ bên trong. Bạn không thể thức nhiều đêm liên tiếp. Một đêm, hai đêm, hay ba đêm vẫn ổn, nhưng nếu thức quá nhiều đêm, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, hoàn toàn kiệt sức. Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy ủ dột và tê liệt; bạn cần phải nghỉ ngơi. Sau mỗi lần phấn khích, bạn cần phải nghỉ ngơi. Nhờ nghỉ ngơi, bạn mới lấy lại sức, mới hồi phục; khi đó, bạn mới có thể phấn khích trở lại.
Nhưng sự phấn khích không phải là niềm vui, nó chỉ là trạng thái thoát khỏi đau khổ.
Hãy cố hiểu nó một cách thật rõ ràng: sự phấn khích chỉ là một dạng chạy trốn khỏi nỗi đau. Nó chỉ mang đến cho bạn một trải nghiệm không có thật, nông cạn về niềm vui. Bởi vì không còn đau khổ nên bạn nghĩ là mình vui – bạn suy luận rằng không đau khổ đồng nghĩa với vui. Niềm vui thật sự là một hiện tượng tích cực. Không đau khổ chỉ là một kiểu lãng quên. Nỗi đau vẫn đang đợi bạn ở nhà, và bất cứ khi nào bạn quay về, nó sẽ ở đó.
Khi sự phấn khích biến mất, bạn bắt đầu suy nghĩ: “Tình yêu này có ý nghĩa gì?”. Thứ mà mọi người gọi là “tình yêu” sẽ chết đi cùng với sự phấn khích, và đó chính là tai họa. Trên thực tế, tình yêu không bao giờ được sinh ra. Nó chỉ là tình yêu của sự phấn khích, không phải tình yêu thật sự. Nó chỉ là nỗ lực thoát khỏi chính bạn. Nó là cuộc tìm kiếm cảm giác bên ngoài.
Khi sự phấn khích biến mất và bạn bắt đầu cảm thấy yêu thương, tình yêu sẽ phát triển; lúc này, những ngày sôi nổi đó đã qua đi. Đây là lúc tình yêu thật sự bắt đầu.
Đối với tôi, tình yêu thật sự bắt đầu khi tuần trăng mật kết thúc. Nhưng vào thời điểm đó, tâm trí của bạn cho rằng tất cả đã qua, đã kết thúc: “Tìm kiếm một người phụ nữ khác, tìm kiếm một người đàn ông khác. Tiếp tục duy trì mối quan hệ này thì có ích gì? Chẳng còn gì thú vị!”.
Nếu bạn tiếp tục yêu thương, tình yêu sẽ đi sâu hơn và trở thành sự thân mật. Từ đó mới có vẻ đẹp của sự duyên dáng. Tình yêu đó sẽ chứa đựng sự tinh tế, không phải là vẻ ngoài nông cạn. Đó không phải là sự thích thú, mà là thiền, là cầu nguyện. Tình yêu đó sẽ giúp bạn biết được chính mình. Người khác sẽ trở thành tấm gương, và thông qua người đó, bạn hiểu được chính mình. Lúc này chính là thời điểm thích hợp để tình yêu phát triển bởi vì toàn bộ năng lượng được chuyển thành sự phấn khích sẽ không bị lãng phí: nó sẽ tưới vào gốc cây tình yêu, và thân cây sẽ cho ra những tán lá mới.
Nếu bạn không ngừng trưởng thành trong sự thân mật này, khi không còn phấn khích nữa, niềm vui sẽ xuất hiện: đầu tiên là sự phấn khích, rồi đến tình yêu, rồi đến niềm vui. Niềm vui là sản phẩm cuối cùng, là sự hoàn thiện. Sự phấn khích chỉ là sự bắt đầu, nó không phải là kết quả cuối cùng. Và những ai kết thúc mọi việc bằng sự phấn khích sẽ không bao giờ biết được tình yêu là gì, sẽ không bao giờ biết được sự bí ẩn của tình yêu, sẽ không bao giờ biết được niềm vui của tình yêu. Họ sẽ biết đến những cảm giác bên ngoài, sự phấn khích, cuồng nhiệt, nhưng họ sẽ không bao giờ biết được sự duyên dáng mang tên tình yêu. Họ không bao giờ biết được sẽ tuyệt đẹp như thế nào khi được ở cạnh một người không phấn khích mà chỉ có sự tĩnh lặng, không ngôn từ, không nỗ lực làm bất cứ điều gì. Chỉ cần ở cạnh nhau, chia sẻ một không gian, một bản thể, chia sẻ lẫn nhau, không phải nghĩ về những điều phải làm, phải nói, những nơi phải đi, cũng như cách tận hưởng; tất cả những thứ đó đều biến mất. Cơn bão đã qua đi, chỉ còn lại sự tĩnh lặng.
Và điều này không có nghĩa là bạn không làm tình, nhưng tình yêu đó thật sự không phải “làm” gì cả, nó sẽ xảy ra. Nó xảy ra từ sự duyên dáng, từ sự tĩnh lặng, từ nhịp điệu; nó bắt nguồn từ chiều sâu trong tâm hồn bạn, không phải từ thân thể bạn. Có một kiểu tình dục mang giá trị tinh thần, không liên quan gì đến thể xác. Mặc dù cơ thể tham gia nhưng nó không phải là điểm bắt đầu của tình yêu. Khi đó, tình dục sẽ mang sắc màu của Tantra.
Cho nên lời khuyên của tôi là hãy quan sát chính mình. Lúc này, bạn đang đến gần hơn với đền thiêng, đừng chạy trốn. Hãy đi vào bên trong. Quên sự phấn khích đi, nó thật trẻ con. Có điều gì đó thật đẹp đang chờ bạn phía trước. Nếu bạn có thể chờ đợi, nếu bạn có đủ kiên nhẫn và có thể tin tưởng, nó sẽ đến.