Tôi luôn ngạc nhiên bởi số lượng người đến tìm tôi và nói rằng họ sợ tình yêu. Vậy nỗi sợ tình yêu là gì? Đó là bởi vì khi bạn thật sự yêu ai đó, cái tôi của bạn bắt đầu tan chảy và biến mất. Bạn không thể yêu với cái tôi; cái tôi sẽ trở thành rào cản, và khi bạn muốn gỡ bỏ rào cản giữa bạn với người kia, cái tôi sẽ nói: “Đây là con đường dẫn đến cái chết. Hãy thận trọng!”.
Nhưng cái chết của cái tôi không phải là cái chết của bạn; cái chết của cái tôi chính là cơ hội để bạn được sống thật sự. Cái tôi chỉ là một lớp vỏ chết bao quanh bạn, bạn phải phá vỡ và ném nó đi. Nó đi vào bản thể của bạn một cách tự nhiên – giống như bụi bám trên quần áo, thân thể của người lữ hành, và anh ta phải tắm rửa để gột sạch bụi bẩn. Theo thời gian, lớp bụi của trải nghiệm, của kiến thức, của cuộc sống mà chúng ta đã sống, của quá khứ, sẽ đọng lại. Lớp bụi đó trở thành cái tôi. Nó tích tụ, trở thành lớp vỏ bao quanh bạn mà bạn cần phải phá vỡ và ném đi. Mỗi người đều phải tắm rửa mỗi ngày, thực ra là mỗi khoảnh khắc, để lớp vỏ này không biến thành nhà tù.
Một đứa trẻ khi mới chào đời thì hoàn toàn yếu đuối. Nó không thể tồn tại nếu thiếu sự giúp đỡ của người khác. Hầu hết con cái của các giống loài khác đều có thể tồn tại mà không cần bố mẹ, có thể tồn tại mà không cần xã hội, không cần gia đình. Cho dù đôi khi chúng cũng cần được giúp đỡ nhưng điều đó rất ít, chỉ vài ngày, hoặc nhiều nhất là vài tháng. Nhưng con cái của loài người lại yếu đuối đến mức phải dựa vào người khác suốt nhiều năm. Đó là nơi để tìm thấy nguồn gốc của cái tôi.
Vì sao sự yếu đuối lại tạo ra cái tôi ở con người? Đứa trẻ yếu đuối, phải dựa vào người khác, nhưng tâm trí thiếu hiểu biết của đứa trẻ lại lý giải cho sự dựa dẫm, phụ thuộc này như thể nó là trung tâm của vũ trụ. Đứa trẻ nghĩ: “Bất cứ khi nào mình khóc, mẹ sẽ chạy ngay đến; bất cứ khi nào đói, mình chỉ việc ra dấu là sẽ được cho bú. Bất cứ khi nào mình tè ra quần, chỉ cần khóc là ai đó sẽ đến thay tã cho mình”. Đứa trẻ sống như một ông hoàng. Trên thực tế, đứa trẻ hoàn toàn yếu đuối và dựa dẫm. Cha mẹ, những người thân trong gia đình và cả người trông trẻ đều đang giúp đứa trẻ tồn tại. Họ không phải là người dựa dẫm, đứa trẻ mới là người dựa dẫm. Nhưng tâm trí của đứa trẻ lại lý giải điều này như thể nó là trung tâm của vũ trụ, như thể cả thế giới tồn tại chỉ vì nó.
Và dĩ nhiên, thế giới ban đầu của đứa trẻ rất nhỏ. Đứa trẻ chỉ có mẹ, người trông trẻ, và thêm người cha nữa – đây là cả thế giới của nó. Những người này yêu thương nó. Còn đứa trẻ ngày càng trở nên ích kỷ. Nó cảm thấy mình như là cái rốn của vũ trụ, và cái tôi được tạo ra theo cách đó. Cái tôi được tạo ra thông qua sự dựa dẫm và yếu đuối.
Trên thực tế, hoàn cảnh thật sự của đứa trẻ lại hoàn toàn trái ngược với những gì nó nghĩ; không có lý do nào để tạo ra một cái tôi như thế. Nhưng đứa trẻ hoàn toàn không hiểu biết, nó không có khả năng hiểu được tính phức tạp của sự việc. Nó không thể biết rằng mình vô dụng, yếu đuối, nó nghĩ rằng nó là nhà độc tài! Và rồi trong suốt cuộc đời mình, nó tìm cách làm kẻ độc tài. Nó sẽ trở thành Napoleon, Alexander, Adolf Hitler… những người này luôn tìm cách đạt được thứ mà họ đã trải nghiệm khi còn là đứa trẻ; họ muốn trở thành trung tâm của vũ trụ. Với họ, thế giới phải là sống và chết; cả thế giới là vòng ngoài, còn họ chiếm vị trí trung tâm; ý nghĩa của cuộc sống ẩn chứa bên trong họ.
Dĩ nhiên, đứa trẻ cho rằng cách lý giải trên là đúng, bởi vì khi người mẹ nhìn nó, trong mắt người mẹ, đứa trẻ thấy nó chiếm một vị trí to lớn. Khi người cha đi làm về, đứa trẻ cảm nhận rằng nó chính là ý nghĩa trong đời của người cha. Điều này kéo dài trong ba, bốn năm – và những năm tháng đầu đời là khoảng thời gian quan trọng nhất; sẽ không có khoảng thời gian nào khác trong đời người lại có khả năng tương tự như vậy.
Các nhà tâm lý học cho rằng sau bốn năm đầu đời, đứa trẻ gần như hoàn thiện. Toàn bộ mô thức đã hoàn chỉnh; xuyên suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, bạn sẽ lặp lại cùng một mô thức đó trong nhiều tình huống khác nhau. Vào năm thứ bảy, toàn bộ thái độ, quan điểm của đứa trẻ đều được xác định, cái tôi của nó cũng được định hình. Giờ đây, đứa trẻ bước ra thế giới bên ngoài, rồi nó gặp phải vấn đề, hàng triệu vấn đề ở khắp nơi! Một khi bạn bước ra khỏi vòng tay gia đình, các vấn đề sẽ xuất hiện, bởi vì chẳng ai quan tâm đến bạn như cách của mẹ bạn; chẳng ai bận tâm đến bạn như cách của cha bạn. Thay vào đó, bạn nhìn vào nơi nào cũng thấy sự thờ ơ, và cái tôi bị tổn thương.
Nhưng lúc này, mô thức đã có sẵn. Dù có bị tổn thương hay không, đứa trẻ không thể nào thay đổi được mô thức đó. Nó đã trở thành một bản kế hoạch chi tiết trong bản thể của đứa trẻ. Khi chơi với những đứa trẻ khác, nó sẽ tìm cách thống lĩnh chúng. Nó sẽ đi học và tìm cách trở nên vượt trội, đứng đầu lớp, trở thành học sinh quan trọng nhất. Đứa trẻ có thể tin rằng mình giỏi hơn người khác nhưng nó cũng nhận thấy tất cả những đứa trẻ khác đều có suy nghĩ tương tự. Khi đó xuất hiện xung đột, những cái tôi, tranh cãi, đánh nhau.
Và đây là toàn bộ câu chuyện về cuộc sống: có hàng triệu cái tôi quanh bạn, giống hệt như cái tôi của bạn, và mọi người đều tìm cách nắm quyền kiểm soát, lên kế hoạch, chi phối – bằng của cải, quyền lực, chính trị, kiến thức, sức mạnh, những lời nói dối, những yêu sách, thói đạo đức giả. Thậm chí trong tín ngưỡng và đạo đức, mọi người đều tìm cách nắm quyền kiểm soát, để chứng tỏ với phần còn lại của thế giới rằng “Tôi là trung tâm của vũ trụ”.
Đây là khởi nguồn cho mọi vấn đề giữa con người với nhau. Chính vì khái niệm này, bạn luôn xung đột và đấu tranh với ai đó. Không phải người khác là kẻ thù của bạn, mọi người đều giống như bạn, đều ở trên cùng một con thuyền. Mọi người đều gặp phải tình huống tương tự; họ đều được nuôi dưỡng theo cách tương tự.
Ở phương Tây, có một ngôi trường mà ở đó các nhà phân tâm học đề xuất rằng chừng nào trẻ em vẫn còn được nuôi dưỡng bởi cha mẹ, thì thế giới này sẽ không bao giờ được bình yên. Đề xuất của các nhà phân tâm học chứa đựng phần nào sự thật, nhưng đó là một ý tưởng rất nguy hiểm. Bởi vì nếu trẻ em được nuôi dưỡng tại nhà trẻ mà không có cha mẹ của chúng, trong sự thờ ơ và thiếu tình yêu thương, chúng có thể không gặp vấn đề về cái tôi nhưng sẽ gặp nhiều vấn đề khác, thậm chí còn nguy hiểm và gây tổn hại nhiều hơn. Nếu đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường hoàn toàn thờ ơ, nó sẽ không có trọng tâm. Nó sẽ là một mớ hổ lốn, một kẻ lóng ngóng vụng về, không biết mình là ai. Nó sẽ không có bất kỳ nhân dạng nào. Nó thậm chí không thể bước thêm một bước nào mà không sợ hãi bởi vì không có ai yêu thương nó.
Bạn cần có tình yêu để cảm thấy không sợ hãi, để cảm thấy rằng bạn được chấp nhận, rằng bạn không vô dụng, rằng bạn không bị vứt bỏ. Nếu trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường thiếu vắng tình yêu, chúng sẽ không có cái tôi. Cuộc đời của chúng sẽ không có nhiều đấu tranh, cãi vã. Nhưng chúng sẽ không thể tự mình đứng lên. Chúng sẽ luôn bỏ chạy, chạy trốn khỏi mọi người, ẩn nấp sau những cái hang trong bản thể của chúng. Chúng sẽ không trở thành Phật, chúng sẽ không tràn đầy sinh lực, chúng sẽ không tập trung, không thấy thoải mái như ở nhà. Chúng sẽ trở nên lập dị, lệch tâm. Đó cũng không phải là tình huống hay ho.
Do đó, tôi không ủng hộ những nhà phân tâm học này. Phương pháp của họ sẽ tạo ra những con rô-bốt, không phải con người, và dĩ nhiên rô-bốt sẽ không có vấn đề. Hoặc họ có thể tạo ra những con người gần giống với động vật. Sẽ có ít lo lắng, ít bệnh tật, nhưng đó không phải là thứ đáng đạt được, nó có nghĩa là bạn không thể phát triển đến đỉnh cao tâm thức. Thay vào đó, bạn sẽ rơi xuống. Đó là sự thụt lùi. Dĩ nhiên, nếu trở thành động vật, bạn sẽ ít đau khổ hơn, bởi vì sẽ có ít nhận thức hơn. Và nếu trở thành một hòn đá, một tảng đá, bạn sẽ không lo lắng gì cả bởi vì không có ai bên trong để cảm thấy lo lắng, cảm thấy đau khổ. Nhưng điều đó không đáng. Con người phải giống như thánh, không phải như hòn đá. Và khi tôi nói điều này, ý tôi là phải có tâm thức tuyệt đối nhưng vẫn không lo lắng, bồn chồn, rắc rối; để tận hưởng cuộc sống như loài chim, để ăn mừng cuộc sống như loài chim, để ca hát như loài chim – không phải bằng sự thụt lùi mà bằng cách phát triển đến đỉnh cao của tâm thức.
Đứa trẻ thu nhặt cái tôi – điều đó là đương nhiên, bạn không thể làm gì khác. Bạn phải chấp nhận nó. Nhưng về sau, đứa trẻ không cần phải mang theo cái tôi đó. Ban đầu, đứa trẻ cần cái tôi để cảm thấy rằng nó được chấp nhận, được yêu thương, được chào đón – rằng nó là một vị khách, chứ không phải là một tai nạn. Cha mẹ, gia đình và sự ấm áp quanh đứa trẻ sẽ giúp nó phát triển mạnh mẽ, vững vàng. Cái tôi là cần thiết, nó giúp bảo vệ đứa trẻ – nó hữu ích, giống như lớp vỏ bọc hạt giống. Nhưng lớp vỏ đó không thể trở thành lớp bảo vệ cuối cùng, bằng không thì hạt giống sẽ chết. Sự bảo vệ đó có thể tiếp diễn quá lâu và trở thành nhà tù. Lớp bảo vệ đó phải là lớp bảo vệ khi cần, nhưng khi đã đến lúc tan biến vào đất, lớp vỏ đó phải tan biến tự nhiên để hạt giống có thể nảy mầm và bắt đầu sự sống mới.
Cái tôi giống như lớp vỏ bảo vệ, đứa trẻ cần lớp vỏ này bởi vì nó không có khả năng tự vệ. Đứa trẻ cần lớp vỏ bởi vì nó yếu đuối. Đứa trẻ cần lớp vỏ bởi vì nó có thể bị tổn thương và có hàng triệu thế lực vây quanh nó. Đứa trẻ cần được bảo vệ, cần một mái nhà, cần một chỗ trú thân. Cả thế giới có thể thờ ơ nhưng đứa trẻ luôn hướng về nhà, và từ đó nó có thể tạo được tầm quan trọng của mình.
Tuy nhiên, cùng với tầm quan trọng đó, cái tôi sẽ xuất hiện. Đứa trẻ trở nên ích kỷ, và cái tôi này sẽ làm nảy sinh tất cả những vấn đề mà bạn phải đối mặt. Cái tôi này sẽ không cho phép bạn yêu thương. Cái tôi này sẽ muốn mọi người đều phải dâng nộp cho bạn; nó sẽ không cho phép bạn dâng nộp cho bất cứ ai – và tình yêu chỉ xảy ra khi bạn dâng nộp. Khi bạn buộc người khác dâng nộp hoặc từ bỏ, đó là sự căm ghét, là hủy diệt, không phải là tình yêu. Và nếu không có tình yêu, cuộc sống của bạn sẽ không có hơi ấm, không có thơ. Nó có thể là văn xuôi, chính xác, logic, hợp lý. Mà ai có thể sống thiếu thơ ca chứ?
Văn xuôi cũng tốt, tính hợp lý cũng tốt, nó thiết thực, cần thiết – nhưng nếu chỉ sống bằng lý lẽ và logic, cuộc sống không bao giờ là sự ăn mừng, không bao giờ là lễ hội. Và khi cuộc sống không phải là lễ hội, nó trở nên nhàm chán. Bạn cần có thơ ca, nhưng với thơ ca, bạn cần phải từ bỏ. Bạn cần phải từ bỏ cái tôi của mình. Nếu bạn có thể làm được, nếu bạn có thể đặt nó qua một bên dù chỉ trong vài khoảnh khắc, cuộc sống của bạn sẽ chứa đựng vẻ đẹp, sự thiêng liêng, dù chỉ thoáng qua.
Không có thơ ca, bạn không thật sự sống, bạn chỉ tồn tại. Tình yêu là thơ ca.
Và nếu không có tình yêu, làm sao bạn có thể cầu nguyện, thiền, tỉnh thức đây? Đó là việc gần như không thể xảy ra. Và nếu không có sự tỉnh thức của thiền, bạn sẽ vẫn chỉ là cái xác, không bao giờ nhận biết được linh hồn tận sâu bên trong. Chỉ có cầu nguyện, chỉ có thiền và tĩnh lặng, bạn mới đạt đến những đỉnh cao. Sự tĩnh lặng đó, sự tỉnh thức của thiền đó là đỉnh cao nhất của trải nghiệm, nhưng tình yêu sẽ mở cánh cửa để bạn bước vào.
Suốt một đời nghiên cứu hàng ngàn người, hàng ngàn trường hợp đau ốm và các vấn đề về tâm lý, bác sĩ Carl Gustav Jung nói rằng ông ấy chưa từng gặp một bệnh nhân tâm lý nào sau bốn mươi tuổi mà vấn đề thật sự không thuộc về yếu tố tâm linh. Cuộc sống có nhịp điệu của nó, và vào lứa tuổi bốn mươi, một chiều hướng mới xuất hiện, chiều hướng tâm linh. Nếu không xử lý đúng cách, nếu không biết phải làm gì, bạn sẽ mắc bệnh, sẽ mất phương hướng. Toàn bộ sự phát triển của con người là một chuỗi liên tục. Nếu bạn bỏ lỡ một nhịp, nó sẽ bị gián đoạn. Đứa trẻ thu nhặt cái tôi, và nếu không học cách đặt cái tôi qua một bên, nó sẽ không biết yêu, không thấy thoải mái với bất cứ ai. Cái tôi sẽ không ngừng chạy trốn. Có thể bạn đang ngồi tĩnh lặng nhưng cái tôi không ngừng tranh đấu, chỉ để tìm cách chi phối người khác, trở nên độc tài, trở thành kẻ thống lĩnh thế giới.
Điều này gây ra vấn đề khắp nơi. Trong tình bạn, tình dục, tình yêu, trong xã hội, khắp nơi đều có xung đột. Thậm chí bạn xung đột với cha mẹ – những người đã trao cái tôi này cho bạn. Hiếm có trường hợp con trai tha thứ cho cha mình, con gái tha thứ cho mẹ mình. Điều đó rất hiếm khi xảy ra.
Trên vách tường của căn phòng nơi George Gurdjieff từng dùng để gặp gỡ mọi người, có một câu như thế này: “Nếu bạn chưa thể thoải mái với cha mẹ của mình, vậy hãy rời khỏi nơi này. Tôi không thể giúp được gì”. Vì sao ư? Bởi vì vấn đề phát sinh ở chỗ nào thì phải được giải quyết ở đó. Đó là lý do vì sao tất cả các truyền thống lâu đời đều nói rằng hãy yêu cha mẹ của bạn, kính trọng cha mẹ của bạn càng nhiều càng tốt – bởi vì cái tôi nảy sinh ở đó, đó là mảnh đất nuôi dưỡng nó. Hãy giải quyết nó ở đó, bằng không, nó sẽ ám ảnh bạn khắp nơi.
Các nhà phân tâm học cũng đi đến kết luận rằng tất cả những gì họ làm là đưa bạn trở lại với những vấn đề tồn tại giữa bạn và cha mẹ của bạn để tìm cách giải quyết chúng. Nếu bạn có thể giải quyết được xung đột của mình với cha mẹ, nhiều xung đột khác sẽ tự nhiên biến mất bởi vì chúng nảy sinh từ cùng một nền tảng.
Chẳng hạn như, một người đàn ông không thấy thoải mái với cha mình sẽ không thể nào thấy thoải mái với sếp – không bao giờ, bởi vì sếp là hình ảnh của người cha. Xung đột nhỏ với cha mẹ sẽ tiếp tục được phản ánh trong tất cả các mối quan hệ của bạn. Nếu bạn không thoải mái với mẹ của bạn, bạn cũng không thể thoải mái với vợ của bạn bởi vì cô ấy đại diện cho phái nữ; bạn không thể thoải mái với phụ nữ nói chung, bởi vì mẹ của bạn là người phụ nữ đầu tiên trong đời bạn, bà ấy là hình mẫu đầu tiên về một người phụ nữ. Bất cứ nơi nào có phụ nữ, nơi đó sẽ có mẹ của bạn, và một mối quan hệ vòng vèo sẽ tiếp diễn.
Cái tôi được sinh ra trong mối quan hệ với cha mẹ, và nó phải được giải quyết ở đó. Bằng không, bạn sẽ cứ đi cắt bỏ nhánh cây, lá cây, còn rễ cây vẫn nguyên vẹn. Nếu đã giải quyết được với cha mẹ, bạn đã trưởng thành. Giờ sẽ không còn cái tôi. Giờ bạn đã hiểu được rằng bạn yếu đuối, rằng bạn phụ thuộc vào người khác, rằng bạn không phải là trung tâm của vũ trụ. Trên thực tế, bạn hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, nếu không, bạn không thể tồn tại. Hiểu được điều này, cái tôi sẽ dần biến mất, và một khi không còn xung đột với cuộc sống, bạn sẽ buông lỏng, tự nhiên và thư giãn. Rồi bạn sẽ bồng bềnh. Và thế giới sẽ không còn chứa đầy kẻ thù, thế giới sẽ là một gia đình, một thể hữu cơ thống nhất. Thế giới không còn chống lại bạn, bạn có thể phiêu lãng cùng với nó.
Nhận thấy rằng cái tôi đó là vô nghĩa, rằng cái tôi không có nền móng để tồn tại, rằng cái tôi chỉ là giấc mơ trẻ con, ngây ngô do thiếu hiểu biết, bạn sẽ trở nên vô ngã.
Có những người đến gặp tôi và hỏi: “Làm cách nào để phải lòng ai đó? Có cách nào không?”. Làm cách nào để phải lòng ai đó ư? Họ hỏi về cách thức, phương pháp, kỹ thuật. Họ không hiểu mình đang hỏi gì. Phải lòng ai đó có nghĩa là không có cách thức, phương pháp hay kỹ thuật. Đó là lý do vì sao nó được gọi là “phải lòng” – bạn không còn là người kiểm soát, bạn chỉ đơn giản “rơi vào tình yêu”. Đó là lý do vì sao những người lý trí luôn nói tình yêu là mù quáng. Tình yêu là con mắt duy nhất, là tầm nhìn duy nhất – nhưng họ nói rằng tình yêu mù quáng, và nếu bạn rơi vào tình yêu, họ sẽ cho rằng bạn điên mất rồi. Nó trông điên rồ đối với người lý trí, bởi vì tâm trí là bậc thầy thao túng. Bất kỳ tình huống nào mất kiểm soát đều trông thật nguy hiểm đối với tâm trí.
Nhưng có thế giới của trái tim, thế giới của bản thể và tâm thức, nơi không thể áp dụng bất kỳ một kỹ thuật nào. Tất cả các kỹ thuật đều có thể được áp dụng với các vấn đề, nhưng còn với tâm thức, không kỹ thuật nào có thể áp dụng được, và trên thực tế bạn cũng không thể kiểm soát được. Chính nỗ lực giành quyền kiểm soát hoặc buộc điều gì đó xảy ra là ích kỷ.