Anh tỉnh dậy, toàn thân bị bó cứng trong băng trắng, trần nhà trắng, ánh sáng trắng và hàm răng trắng khi nhoẻn cười với cặp mắt đen lay láy của cô y tá:
- Ôi, anh tỉnh lại rồi!
- Đây... là... đâu?-Môi anh mấp máy, miệng khô đắng, bỏng rát.
- Đây là Viện Quân y 175. Anh đã hôn mê hơn 10 ngày!
Đầu óc quay cuồng, người sốt hầm hập. Phạm Hào Quang dần nhớ lại...
Phạm Hào Quang (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang) cùng đồng đội ở Trường Sĩ quan Thông tin cuối năm 1975.
8 giờ 30 phút ngày 27-10-1980, chiếc trực thăng UH-1 chở đoàn cán bộ quân đội gồm 14 người, trong đó có anh là Trung úy sĩ quan thông tin, khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Siem Reap. Cuộc chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia bước vào giai đoạn truy quét tàn quân Pol Pot đang lẩn lút trong rừng, trà trộn trong dân nên rất khốc liệt. Bay vào không phận Campuchia chừng 5 phút, Quang nghe tiếng nổ lớn phía trên cánh quạt, rồi thấy lái chính chồm lên: “Bị đạn rồi!”. Máy bay chao đảo rồi lao xuống rất nhanh. Trời đất trước mắt anh tối sầm lại...
Vài ngày sau, đồng đội đến thăm báo cho Quang biết, chỉ mình anh sống sót trong số cán bộ trên chiếc máy bay đó. Một chuyện thần kỳ!
Vậy là từ đây, anh phải sống chung với bệnh viện trong sự nghiến răng nín nhịn không kêu la trước những cơn đau dữ dội kéo đến kẻo làm phiền lòng y, bác sĩ và những bệnh nhân xung quanh. Hơn hai năm trong bệnh viện với 4 lần đại phẫu, cuối cùng anh cũng vượt qua những cơn đau tưởng không vượt qua nổi với bệnh án ghi: “Vỡ hộp sọ, gãy xương cổ C4-C5, gãy 4 xương sườn, gãy tứ chi, vỡ gan...”.
Năm 1983, Phạm Hào Quang được giám định thương tật, xếp hạng thương binh 1/4 với tỷ lệ thương tật 81%. Anh được thăng quân hàm Thượng úy rồi xuất ngũ, chuyển về nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An (ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Đến cuối năm đó, anh làm đơn xin được về quê nhà để mong góp phần cùng cha mẹ nuôi các em ăn học.
Quê anh ở xã Hưng Lộc, một vùng cát trắng ngoại ô thành phố Vinh. Năm 1972, đang học lớp 10 ở Trường Phổ thông cấp 3 Vinh (nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) danh tiếng, Phạm Hào Quang nhập ngũ vào Mặt trận Tây Nguyên, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 66, Sư đoàn 10. Tham gia trận Buôn Ma Thuột lịch sử, cùng đồng đội Quân đoàn 3 tiến vào giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Sau giải phóng, anh được cử đi học Trường Sĩ quan Thông tin. Năm 1979 ra trường, sau khi tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, anh được điều về Ban Thông tin, Phòng Tham mưu Sư đoàn Không quân 376, rồi chuyển sang Trung đoàn 901 không quân làm nhiệm vụ quốc tế đóng ở sân bay Pochentong (Phnom Penh, Campuchia) cho đến khi đi trên chuyến bay định mệnh ấy...
Quê Phạm Hào Quang nghèo lắm. Mùa hè thì gió Lào bỏng rát, mùa mưa thì đồng ruộng ngập úng, nông nghiệp liên tục mất mùa, công điểm hợp tác xã không đủ thóc ăn. Đêm đêm thân thể đau nhức, nằm nghe tiếng kẻng chát chúa của ông đội trưởng gọi xã viên ra sân kho chia sắn cứu đói, anh trào nước mắt thương cha mẹ, thương các em. Vài hôm sau, khi từ trung tâm điều dưỡng về nhà, cô người yêu dẫn bạn trai đến, khóc nói với anh: “Anh thông cảm cho chúng em. Em cũng phải sống, anh ạ!”. Cô gái biết đâu trong tấm thân tiều tụy, dúm dó đó vừa đau đớn, vừa bừng lên sức sống mãnh liệt. Phải sống! Không thể nằm chờ chế độ, cam chịu cảnh nghèo khó suốt đời mà phải vươn lên cho dù thân thể không còn nguyên vẹn. Phải sống vì cha mẹ, vì các em, vì những đồng đội vĩnh viễn không trở về. Để lại sổ gạo phụ giúp cha mẹ nuôi đàn em nheo nhóc, năm 1984, anh ôm ba lô theo tàu quân sự vào Nam tìm kế mưu sinh.
Phạm Hào Quang trên công trường xây dựng. Ảnh do nhân vật cung cấp
Cuộc sống của người dân TP Hồ Chí Minh đầu những năm 80 của thế kỷ 20 còn bao nhiêu bức bối do cơ chế quan liêu bao cấp đè nặng. Nhưng đây là nơi chấp nhận mọi con người kiếm sống với những hoàn cảnh khác nhau, không kỳ thị vùng miền, thứ bậc xã hội. Anh lao vào guồng quay để sống và có tiền gửi về nhà: Rửa bát ở quán phở, bán than, bán bong bóng, bỏ mối nước đá, sửa xe đạp vỉa hè... Ngày làm quần quật, đêm kéo tấm thân phờ phạc, tê dại vật vờ kiếm một chỗ ngủ tại ga xe lửa Hòa Hưng bỏ hoang. Trong sự cô đơn cùng cực đó, anh may mắn gặp được cô công nhân đứng máy sợi của Xí nghiệp Đay Cửu Long ở quận 4. Người con gái có cái tên rất đẹp Võ Thị Bạch Tuyết, con của một bà má Nam Bộ nghèo. Hai cái nghèo gặp nhau trở thành đồng cảm. Họ cùng nhau vượt qua cơn bĩ cực và lần lượt 3 đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh chào đời.
Nhưng muốn sống và nuôi vợ con một cách đàng hoàng ở mảnh đất này thì không thể mãi mãi làm thuê. Năm 1995, đang làm thợ xây dựng, Phạm Hào Quang quyết định đi học Trường Trung học Xây dựng số 7 (nay là Trường Cao đẳng Xây dựng TP Hồ Chí Minh) ở Thủ Đức. Có vốn, có nghề nghiệp, năm 2002, anh thành lập Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hưng Lộc (tên của quê anh), đóng ở đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, chuyên thi công các công trình giao thông, làm đường bê tông nhựa, lắp đặt hệ thống thoát nước, xây dựng nhà xưởng, cho thuê xe cơ giới, xe công trình... Cán bộ, công nhân viên công ty phần lớn là bộ đội xuất ngũ, con em cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh...
Năm 2008, lúc đã 54 tuổi và đang làm giám đốc, anh thi đỗ và theo học Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt khóa 2009-2014. Tốt nghiệp loại giỏi, các bạn sinh viên mới dám hỏi anh, sao chú thành đạt thế, còn theo học đại học làm gì? Anh trả lời: “Việc học là việc cả một đời người. Học để đầu óc bớt lú lẫn, làm việc hiệu quả, mai sau khỏi phiền đến con cháu. Học thêm cho những đồng đội đã ngã xuống khi đèn sách còn dang dở. Học cho thấm cái lý cái tình, cái nhân cái nghĩa...”.
Chính thấm các đạo lý ở đời đó mà người thương binh nặng Phạm Hào Quang luôn nhớ ơn những người đã dành cho anh tình thương vô bờ bến trong những năm tháng cơ cực, nhớ ơn công sức và trí tuệ của Tiến sĩ Võ Văn Thành cùng tập thể y, bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 175 đã đưa anh từ cõi chết trở về. Đọc báo, nghe đài biết được những mảnh đời khốn khó, anh hăng hái đóng góp mong họ qua cơn cơ cực. Cơ thể càng ngày càng yếu, đôi chân nhiều lúc phải có nạng trợ giúp, nhưng anh vẫn điều hành công ty phát triển vững vàng ở thành phố năng động nhất cả nước. Bận rộn thế, anh vẫn làm Tổ trưởng Tổ dân phố 96, phường Tân Quý, quận Tân Phú, vận động bà con chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chăm sóc người già, trẻ em. Đêm yên bình, anh viết truyện, làm thơ với cái nhìn nhân ái, bao dung, động viên những mảnh đời còn bất hạnh.
HỒNG SƠN