Tháng Chạp năm 1924, bất chấp sự phản đối và gây sức ép của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương, Chính phủ Tôn Trung Sơn vẫn quyết định đưa di hài một thanh niên cách mạng Việt Nam về mai táng tại một ngọn núi trước Hoàng Hoa Cương (Quảng Châu), nơi yên nghỉ của 72 liệt sĩ cách mạng Trung Quốc (Đinh Xuân Lâm-Chương Thâu: Phong trào yêu nước cách mạng đầu thế kỷ XX-Nhân vật và sự kiện, NXB Lao động, Hà Nội, 2012, tr.480). Người thanh niên đó là liệt sĩ Phạm Hồng Thái-chàng trai đã từng làm chuyện động trời chỉ bởi một tiếng nổ ở Sa Diện.
Liệt sĩ Phạm Hồng Thái.
Phạm Hồng Thái tên thuở nhỏ là Thành Tích-cái tên do chính ông cụ thân sinh là Huấn đạo Phạm Thành Mỹ đặt cho với mong muốn con mình mai này lớn lên luôn có chí hướng phấn đấu. Thành Tích sinh ngày 20-4 năm Ất Mùi (14-5-1895) trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Xuân Nha (nay là xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Sinh ra đúng vào năm ngọn lửa Cần Vương của cụ Phan Đình Phùng rực cháy trên quê hương Nghệ Tĩnh vừa bị thực dân Pháp dập tắt; lớn lên trong cảnh bần hàn cơ cực của vùng quê nghèo khó, chứng kiến sự khổ nhục nước mất nhà tan, cậu bé Tích trở nên lầm lỳ, ít nói và từ rất sớm đã nung nấu ý định tìm cách để ly hương.
Năm 15 tuổi, cậu “nho Tích” khăn gói âm thầm rời làng quê, lặn lội tìm đường ra tận Thất Khê (Cao Bằng) để được gặp người cha của mình đang dạy học tại đây. Trong thời gian ở Thất Khê, dưới sự kèm cặp của cụ Phạm Thành Mỹ, cậu “nho Tích” đã khá thông thạo chữ Hán và biết được cả tiếng Pháp. Nhận thấy tinh thần ham học và năng khiếu đèn sách của con trai, cụ Phạm Thành Mỹ đã gửi cậu “nho Tích” vào học ở trường Pháp-Việt. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, cậu “nho Tích” đã quyết định bỏ học vì nhận ra rằng “người Pháp chuyên lấy giáo dục nô lệ để nhồi sọ người Việt”. Cậu thẳng thừng tuyên bố với các bạn: “Ta không muốn sống còn thì thôi, chứ muốn sống còn thì phải cải tạo cơ quan giáo dục đó” (Phan Bội Châu toàn tập-t3, NXB Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.578). Nói là làm, cậu đành chịu bất hiếu với cha, rời Thất Khê quay trở về quê nhà. Tại đây, cậu “nho Tích” tiếp tục làm lụng cần cù, chờ thời cơ thực hiện chí hướng của mình.
Cậu “nho Tích” lầm lỳ ít nói ngày nào đã trở thành một thanh niên rắn rỏi, cứng cáp và xông xáo, tràn đầy nghị lực. Thông qua người em rể, chàng thanh niên họ Phạm mang tên mới là Thành Khôi đã xuống Vinh xin vào làm công nhân ở Nhà máy Xe lửa Tràng Thi, rồi sau đó chuyển qua làm công nhân ở Nhà máy Đèn Bến Thủy. Tuy nhiên, do vận động và tổ chức cho công nhân bãi công, biểu tình nên Thành Khôi bị đuổi việc. Lần thứ hai anh lại phải rời quê hương Lam Hồng, phiêu dạt lên tận Bắc Kạn làm thợ nguội cho một mỏ kẽm. Tại đây, do hay vận động anh em công nhân bãi công, biểu tình nên anh lại bị đuổi việc. Lần này anh quyết định tìm đường xuống Hải Phòng-một trong những trung tâm “nóng” của phong trào công nhân lúc bấy giờ xin vào làm ở Nhà máy Xi măng Hải Phòng.
Trong thời gian làm công nhân ở Nhà máy Xi măng Hải Phòng, lần đầu tiên trong đời, chàng thanh niên họ Phạm đã có dịp nhìn thấy tên trùm thực dân khét tiếng-Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin-khi y xuống đây trực tiếp giải quyết vụ bãi công lớn của công nhân.
Năm 1923, Thành Khôi được Tâm Tâm xã-một tổ chức yêu nước thành lập ở nước ngoài quy tụ một số thanh niên Việt Nam xuất dương trước đó, biết tới và tìm cách bắt liên lạc. Nhận thấy cơ hội lớn đã tới, Phạm Thành Khôi trở về quê từ biệt người vợ trẻ và cậu con trai lúc đó mới 3 tháng tuổi rồi quyết định ra đi thực hiện chí hướng, hoài bão của mình. Với anh, “cái chết hoặc là nặng như núi Thái, hoặc là nhẹ hơn lông hồng”. Chỉ đơn giản vậy thôi và đó cũng là cái tên mới Hồng Thái của chàng thanh niên họ Phạm kể từ lúc xuất dương ra đi tìm đường cứu nước.
Một đêm tối trời đầu năm 1924, Hồng Thái cùng với hai người bạn thân là Lê Hồng Phong và Lê Thiết Hùng bí mật hẹn nhau tìm đường sang Thái Lan rồi sau đó được Vương Thúc Oánh dẫn đường, họ đã tới được Quảng Châu (Trung Quốc). Tại Quảng Châu lúc này vốn đã có một số thanh niên Việt Nam yêu nước sang trước đó, nay lại có thêm một số đồng chí cùng chí hướng, họ tập hợp quây quần trong “mái nhà” Tâm Tâm xã bàn luận thời cuộc. Chủ trương của Tâm Tâm xã lúc này là “gây một tiếng nổ để thức tỉnh quốc dân đồng bào trong nước và gây chấn động năm châu, làm cho thế giới biết đến Việt Nam và chú ý đến những gì đang diễn ra tại đây”. Đang lúc bàn định thực hiện chủ trương đó thì nhận được thông tin Toàn quyền Đông Dương Merlin sang Nhật Bản, Hương Cảng công cán, trên đường về ghé thăm tô giới Sa Diện của Pháp ở Quảng Châu. Thời cơ lớn xuất hiện, đồng thời để gây tiếng vang, Tâm Tâm xã đã quyết định ra tay trừ khử tên thực dân đầu sỏ khét tiếng này.
Không ai khác chính là Phạm Hồng Thái-người đã từng giáp mặt với Merlin tại Hải Phòng hơn một năm trước, đã xung phong thực thi nhiệm vụ quan trọng này. Mặc dù Phạm Hồng Thái không lạ gì Merlin, song để tiêu diệt được tên thực dân đầu sỏ không dễ một chút nào, thậm chí có phần mạo hiểm và phải hy sinh cả tính mạng.
Vốn là một tên cáo già và ma mãnh, hành trình di chuyển của Merlin luôn thay đổi cùng với một mạng lưới mật vụ dày đặc giăng ra khắp mọi nơi, làm cho những người không thân cận tiếp cận y là vô cùng khó khăn. Không ít lần kế hoạch ra tay của Phạm Hồng Thái suýt bị bại lộ. Không nản chí và quyết không bỏ cuộc, Phạm Hồng Thái kiên trì chờ đợi, tìm cơ hội.
Ngày 19-6-1924, biết được thông tin chắc chắn Merlin sẽ đến dự chiêu đãi của nhà đương cục Pháp tại khách sạn Victoria, trong vai một ký giả, Phạm Hồng Thái đến dự. Mặc dù không phải là khách mời chính thức nhưng anh khôn khéo lọt qua được các con mắt xăm xoi của mạng lưới mật thám và sự khám xét gắt gao của đám quân cảnh để tiếp cận gần bên cửa sổ của khách sạn. Đúng 19 giờ 30 phút ngày 19-6-1924, buổi tiệc bắt đầu. Khi chủ và khách đang hồ hởi nâng ly thì một quả tạc đạn bay vút qua ô cửa sổ rơi đúng một bàn tiệc kê sát gần đó. Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Bát đũa cốc chén vỡ loảng xoảng vương vãi khắp nơi, nhiều bóng người đổ gục bên bàn tiệc. Tiếng la hét, hô hoán cấp cứu hoảng hốt. Toàn quyền Merlin thoát chết trong gang tấc nhưng cũng dính mảnh tạc đạn bị thương nhẹ. Trong phút chốc, vòng vây của cảnh sát và mật thám bủa ra khắp tô giới để lùng bắt bằng được thủ phạm.
Sau khi hành động xong, Phạm Hồng Thái nhanh chóng thoát ra ngoài và chạy được một quãng đến cửa Đông của tô giới thì bị nghẽn lối không có đường thoát. Trong thế cùng, quyết không để rơi vào tay giặc, anh đã nhảy xuống dòng Tô Giang và do kiệt sức, anh bị nước cuốn trôi.
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Quảng Ninh dâng hương viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Quảng Châu, Trung Quốc, ngày 22-3-2016. Ảnh: NGỌC MAI
Phạm Hồng Thái anh dũng hy sinh. Sự hy sinh của anh đã gây đau đớn cho nhiều đồng chí và đồng bào trong nước cũng như nhiều người dân địa phương. Báo chí trong nước và nhiều tờ báo của nước ngoài ở Trung Quốc lúc bấy giờ đã ngay lập tức đăng tin về hành động quả cảm của một thanh niên cách mạng Việt Nam và liên tục có nhiều bài bình luận về tiếng bom “kinh thiên động địa” này. Không phải ngẫu nhiên mà di cốt của Phạm Hồng Thái sau đó đã được Chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn cho đưa về yên nghỉ bên cạnh 72 liệt sĩ cách mạng Trung Quốc khác tại nghĩa trang ở một ngọn núi trước Hoàng Hoa Cương (Quảng Châu)-một nghĩa cử cao đẹp nhưng cũng là một việc làm chưa có tiền lệ.
Cảm kích trước tấm gương hy sinh lẫm liệt của Phạm Hồng Thái, Cao Củng Bạch-một ký giả nổi tiếng của Trung Quốc lúc bấy giờ đã viết: “Phạm Hồng Thái là một chí sĩ Việt Nam đã hy sinh vì nước. Tôi nghĩ rằng chí khí kiên cường và sự hy sinh anh dũng của Phạm dẫu không dùng văn tự mà ghi lại, thì cái chết của liệt sĩ cũng đủ để lưu truyền ở đời rồi” (Đinh Xuân Lâm-Chương Thâu: Phong trào yêu nước cách mạng đầu thế kỷ XX-Nhân vật và sự kiện, NXB Lao động, Hà Nội, 2012, tr.481). Còn ông Đàm Diên Khải, Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ Tôn Trung Sơn thì có 4 câu thơ vịnh Phạm Hồng Thái:
...Việt sử ngàn năm còn nức tiếng,
Hoa Cương muôn thuở vẫn thơm tươi.
Noi gương hỏi có ai chăng tá?
Mấy triệu đồng tâm nhắn một lời!
Nhiều nơi trong nước và kiều bào ở Thái Lan hay tin Phạm Hồng Thái hy sinh đã tổ chức lễ truy điệu bày tỏ lòng cảm kích và tiếc thương khôn nguôi. Trong văn tế liệt sĩ Phạm Hồng Thái, cụ Phan Bội Châu đã viết những dòng mà có lẽ ai đọc cũng rơi lệ: “...Cờ cộng hòa rực rỡ, chuông tự do vang ngân, anh dẫu chết mà vẫn còn mãi mãi, dưới suối vàng mắt vẫn quắc nhìn. Trên trời xanh hồn vẫn sáng ngời, vằng vặc suốt hai miền nam Bắc.
Hỡi ôi! Phía bắc non Hồng, mây bay lớp lớp, phía nam sông Lam biển cả mênh mông! Cảm thương bậc thánh liệt đã qua đời, trông thấy gió bay mà rơi lệ. Chúng tôi nhỏ giọt nước mắt hồng làm rượu, rót dòng máu nóng làm canh, mong hồn thiêng về hưởng, soi tỏ lòng thành” (Phan Bội Châu toàn tập-t3, NXB Thuận Hóa-Huế, 1990. tr.606).
TRẦN VĨNH THÀNH