Pháo phòng không 100mm do Liên Xô phát triển cuối năm 1945 để tiêu diệt máy bay ném bom tầm cao.
Tầm bắn hiệu quả của pháo 100mm ở độ cao khoảng 13km, tối đa là 15km. Mỗi khẩu pháo 100mm có trọng lượng 9,5 tấn. Ngoài vai trò tiêu diệt các mục tiêu trên không, khi hạ nòng, pháo 100mm có thể tấn công mục tiêu mặt đất, như: Xe tăng, xe bọc thép, lô cốt, công sự nổi kiên cố... Trong giai đoạn 1947-1957, có khoảng 10.000 khẩu pháo loại này được sản xuất, trang bị cho quân đội Liên Xô và khoảng 10 quốc gia trên thế giới.
Từ giữa năm 1960, Liên Xô đã viện trợ pháo 100mm cho lực lượng phòng không Việt Nam. Cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn, trú tại TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5, Trung đoàn 256, Quân khu Việt Bắc (Trung đoàn 256 là đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Phòng không 297, Quân khu 2 ngày nay), là người trực tiếp chỉ huy Đại đội 5 sử dụng pháo 100mm, phối hợp với các đơn vị bắn hạ hai "pháo đài bay" B-52 của không quân Mỹ vào đêm 24 và 26-12-1972, góp phần làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng.
Khẩu pháo 100mm của Đại đội 5, Trung đoàn 256, Quân khu Việt Bắc bắn rơi hai máy bay B-52 vào đêm 24 và 26-12-1972. Ảnh tư liệu
Theo cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn, sử dụng pháo 100mm bắn hạ B-52 khẳng định bản lĩnh, tài trí của bộ đội Việt Nam. Để tiêu diệt "pháo đài bay" B-52, trước hết phải nghiên cứu kỹ về nó. Theo đó, trần bay của B-52 là 15km, độ cao ném bom hiệu quả trong khoảng từ 9 đến 11km. Điểm yếu của B-52 là thân to, cồng kềnh, nặng nề, bay với tốc độ chậm; khả năng cơ động kém; đường bay, tọa độ theo quy luật ổn định, không thay đổi và luôn có “dải nhiễu đặc biệt” đi cùng; thường bật đèn tín hiệu khi bay ban đêm...
"Sau khi phân tích, nắm bắt những hạn chế của loại máy bay này, trong Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972, Đại đội 5 và các đơn vị của Trung đoàn 256 sử dụng pháo 100mm với cách đánh trực tiếp bằng tay quay, tổ chức bắn nhanh, bắn cấp tập, bắn liên tục, đồng loạt tạo thành một màn đạn trên không với 3 điểm nổ khác nhau, tức là đạn cắt cự ly nào thì đến cự ly đó nó sẽ nổ, cụ thể ở 3 cự ly: 8km, 10km, 12km. Một đợt bắn, mỗi khẩu bắn 3 viên với 3 điểm, ngòi nổ hẹn giờ và cảm biến tiệm cận. Vì vậy, B-52 mới rụng", cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn phân tích.
KHOA VŨ
(Báo Quân đội nhân dân, mục Quốc phòng – An ninh, số ra ngày 02/01/2022)