Ngày 27-12-1936, nguyên mẫu hoạt động đầu tiên của máy bay ANT-42 (có 2 tên gọi khác là TB-7 và Pe-8) đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm, cất cánh từ sân bay trung tâm Moscow.
Ý tưởng chế tạo loại máy bay có khả năng vươn tới độ cao 10.000 – 11.000m bắt đầu được Liên Xô thúc đẩy từ năm 1931. Bởi lẽ, ở độ cao như vậy thì pháo phòng không thời đó hoạt động còn kém hiệu quả. Ngoài ra, Hồng quân Liên Xô cần máy bay ném bom hạng nặng có khả năng mang tới 10 tấn bom đến một điểm nằm cách xa 1.500 – 2.000km.
Họ đã dành 3 năm cho việc chuẩn bị, mãi đến mùa hè năm 1934 thì một nhiệm vụ kỹ chiến thuật mới được đưa ra để thiết kế cỗ máy này. Nhiệm vụ chế tạo máy bay được giao cho Phòng thiết kế thử nghiệm của Tổng công trình sư Andrei Tupolev. Tại đây, việc chế tạo đã được Phòng thiết kế số 1 (KB-1) khởi động dưới sự chỉ đạo của công trình sư Vladimir Petlyakov. Đồng thời, nhiệm vụ ban đầu đã có sự điều chỉnh, theo đó trần bay vẫn giữ nguyên, còn tầm xa tăng lên 4.500km. Điều này đã khiến cho tải trọng bom giảm xuống còn 2 tấn (nếu tính cả số bom treo bên ngoài thì tải trọng máy bay tối đa sẽ lên đến 4 tấn).
“Pháo đài bay” ANT-42 được thử nghiệm tại nhà máy ngày 8-2-1936. Ảnh: Wikimedia.org.
Theo kế hoạch, ANT-42 sẽ được trang bị các thiết bị điện, vô tuyến điện và thiết bị dẫn đường hiện đại nhất. Để đơn giản hóa quá trình lái, máy bay cũng sẽ được điện khí hóa ở mức độ cao, sao cho lực đẩy và các hệ thống thiết bị khác được cung cấp năng lượng từ hệ thống truyền động điện.
Năm 1935, sau vụ tai nạn của phi cơ khổng lồ Maxim Gorky (cũng được Phòng KB-1 Petlyakov thiết kế), người ta đã mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu nguyên nhân khiến thân và cánh máy bay này bị phá hủy sau khi va chạm với chiếc tiêm kích do một sự cố phi lý. Tất cả những điều này đã làm chậm tiến độ chế tạo chiếc ANT-42. Tuy nhiên, trong năm tiếp theo công việc này đã diễn ra với tốc độ nhanh hơn.
Ngày 1-12-1936, nguyên mẫu máy bay ném bom tầm cao và tầm xa hạng nặng đã sẵn sàng đưa vào thử nghiệm. Phi công lừng danh Mikhail Gromov được chỉ định làm chỉ huy phi đội bay mẫu thử nghiệm này.
Ngày 23-12, bốn động cơ piston AM-34FRN được lắp vào máy bay (sau khi lắp ráp phần thân và cánh). Điều thú vị là, việc này không được tiến hành tại nhà máy mà ngay tại khu vực bay, nơi chiếc ANT-42 được đưa đến với tình trạng tháo rời. Mất vài ngày để chạy thử nghiệm ở các chế độ khác nhau trên mặt đất.
Cuối cùng, ngày 27-12-1936, chiếc ANT-42 đã cất cánh từ Sân bay Trung tâm mang tên Frunze và thực hiện chuyến bay đầu tiên thành công. Phi công Mikhail Gromov báo cáo rằng, cỗ máy được điều khiển tốt, dễ dàng đạt độ cao và tốc độ. Tuy nhiên, phi hành đoàn đã nhận thấy có một số sai sót nhỏ, nên các nhà thiết kế bắt đầu nhanh chóng khắc phục.
Tháng 3-1938, nhóm thiết kế và thử nghiệm được điều đến thành phố Evpatoria trên bán đảo Crimea. Trong khi bay, người ta đã phát hiện những khiếm khuyết ở động cơ thứ tư. Trong các chuyến bay xa hơn, những rắc rối xảy ra với chiếc máy bay càng lúc càng nhiều hơn. Cỗ máy rung lắc dữ dội đến mức phi công bay thử nghiệm Pyotr Stefanovsky tuyên bố rằng, anh sẽ không ngồi vào chiếc máy bay này cho đến khi phát hiện ra trục trặc. Ngay sau đó, khiếm khuyết đã được tìm thấy và khắc phục.
Máy bay Pe-8 đưa phái đoàn Liên Xô đến Washington năm 1942. Ảnh: Wikimedia.org.
Ngay trong các cuộc thử nghiệm diễn ra ngày 20-4-1938, ban lãnh đạo của Phòng thiết kế số 1 bất ngờ nhận được thông báo rằng, chiếc ANT-42 với tên gọi là TB-7 đã được biên chế vào Lực lượng Không quân Liên Xô và việc sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu tại Nhà máy chế tạo máy bay Kazan. Các nhà chế tạo rất ngạc nhiên, vì chiếc máy bay khi đó vẫn còn khá “thô kệch”. Ngày 1-5-1939, chiếc TB-7 ra mắt công chúng với màn bay ngang qua Quảng trường Đỏ trong một cuộc duyệt binh.
Năm 1940, những chiếc máy bay TB-7 nối tiếp nhau gia nhập Lực lượng Không quân Liên Xô. Một năm sau đó, bắt đầu nổ ra Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô viết (1941-1945). Trong cuộc chiến này, phi cơ được sử dụng như máy bay ném bom tầm cao và tầm xa, thả các nhóm đổ bộ và biệt kích vào sâu trong lòng địch. Chiếc máy bay phiên bản này có thể chở tối đa 50 người với đầy đủ trang thiết bị chiến đấu.
Tháng 5-1942, máy bay TB-7 có một sứ mệnh đặc biệt là đưa Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov đến Anh, sau đó đến Hoa Kỳ để đàm phán với các đồng minh về việc mở mặt trận thứ hai chống phát xít Đức tại châu Âu. Cả phương tiện và phi hành đoàn đã thực hiện thành công nhiệm vụ này.
Năm 1943, sau khi được nâng cấp đáng kể, chiếc máy bay có tên mới là Pe-8 với tải trọng bom tăng lên tối đa 6 tấn.
Trong tài liệu quân sự Nga, loại máy bay này thường được so sánh với “pháo đài bay” Boeing B-17 của Mỹ và oanh tạc cơ Halifax của Anh. Nếu nói về kích thước và tính năng kỹ thuật, thì chúng khá tương đồng nhau. Còn xét về vũ khí phòng thủ, thì chiếc TB-7 có số lượng không thua kém gì một “pháo đài bay”. Trên B-17 của Mỹ được lắp tới 13 khẩu súng máy hạng nặng, còn trên chiếc TB-7 (Pe-8) của Liên Xô có 4 súng máy và 2 đại bác cỡ nòng 20mm. Trong khi phi hành đoàn của TB-7 gồm 12 người (5 người là xạ thủ phòng không), thì B-17 với phi hành đoàn gồm 10 người (8 người là xạ thủ), thực hiện các chức năng khác như: điều hướng, kỹ sư bay, điều hành vô tuyến, ném bom.
“Pháo đài bay” ANT-42 (TB-7, Pe-8) của Liên Xô ngừng sản xuất vào mùa xuân năm 1945. Cũng trong năm đó, nó trở thành chiếc máy bay chỉ huy của nhóm không quân tham gia duyệt binh nhân Ngày Quốc tế Lao động (1-5). Cỗ máy tiên tiến và hiện đại này chấm dứt phục vụ trong Lực lượng Không quân Liên Xô vào năm 1954.
QUỐC KHÁNH (theo RG.ru)