Trong buổi trị liệu đầu tiên, Jill tỏ vẻ khá ngờ vực. Với vóc người nhỏ nhắn và từng lọn tóc vàng, cô ngồi cứng đơ trên mép ghế đối diện với tôi. Dường như mọi đường nét trên người của Jill đều tròn tròn: từ khuôn mặt đến những ngón tay đầy đặn. Đôi mắt xanh da trời của cô dán chặt vào những văn bằng và chứng nhận của tôi được đóng khung treo trên tường. Cô hỏi tôi một vài câu về giấy phép hành nghề và chuyên môn, rồi giới thiệu rằng mình đang học trường luật với vẻ rất tự hào.
Chúng tôi ngồi im lặng trong giây lát. Jill nhìn xuống những ngón tay đang đan vào nhau của mình.
- Có lẽ tốt hơn hết tôi nên nói rõ cho chị biết vì sao tôi lại đến đây. - Jill nói thật nhanh như để lấy can đảm.
- Tôi đến đây, đến gặp chuyên viên trị liệu là vì… ý tôi là, tôi cảm thấy mình bất hạnh ghê gớm. Dĩ nhiên là trong chuyện tình cảm, trong mối quan hệ với nam giới. Lúc nào tôi cũng làm một điều gì đó để thu hút họ. Lúc nào mọi chuyện cũng bắt đầu rất tốt đẹp. Họ theo đuổi tôi thật sự, làm mọi điều vì tôi. Nhưng đến khi họ hiểu về tôi nhiều hơn… - Sự căng thẳng hiện rõ trên gương mặt Jill. - …thì mọi chuyện bỗng tan rã.
Nói đến đây, Jill ngẩng lên nhìn tôi. Đôi mắt mọng nước, cô nói chậm lại.
- Tôi muốn biết mình đã làm gì sai cũng như cần phải làm gì để thay đổi. Tôi sẽ làm tất cả những gì cần làm. Tôi là người khi đã muốn thì sẽ làm đến nơi đến chốn. - Jill lại bắt đầu tăng tốc. - Chẳng phải tôi không có thiện chí đâu; chỉ là tôi không hiểu được vì sao những chuyện này cứ mãi xảy đến với tôi như vậy, đến độ giờ đây tôi cảm thấy sợ yêu. Lần nào tôi cũng chỉ nhận về toàn đau khổ. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ đàn ông!
Jill lắc lắc đầu khiến những lọn tóc quăn tung qua tung lại. Cô sôi nổi giải thích thêm:
- Tôi chẳng hề muốn như vậy vì bản thân tôi cảm thấy rất cô đơn. Tôi có rất nhiều việc phải làm, phải đi học và làm thêm để kiếm sống. Cuộc sống của tôi lúc nào cũng bận rộn. Thực tế, đó là tất cả những gì tôi đã làm được trong suốt nhiều năm qua: làm việc, đi học, học bài và ngủ. Và tôi hoàn toàn thiếu bóng dáng một người đàn ông cho đời mình.
Và rồi hai tháng trước, tôi đã gặp Randy nhân dịp đi thăm bạn bè ở San Diego. Anh ấy là một luật sư. Chúng tôi gặp nhau trong một buổi tối đi nhảy cùng bạn bè và ngay lập tức cuốn hút nhau. Thôi thì đủ thứ chuyện để nói, nhưng dường như nó đều là những câu chuyện của tôi. Nhưng anh ấy có vẻ thích thế. Thật là tuyệt vời khi quen với một anh chàng có cùng sở thích với mình.
Jill nhíu mày và kể tiếp:
- Có vẻ như anh ấy đã bị tôi thu hút. Anh ấy hỏi tôi đã có chồng chưa - tôi đã ly dị được hai năm - và tôi sống một mình hay với ai. Đại loại là như thế.
Tôi có thể hình dung được sự hào hứng của Jill khi trò chuyện cùng Randy đêm ấy, giữa tiếng nhạc ồn ào; cũng như sự nồng nhiệt mà cô đã dành cho Randy khi anh đi công tác tại Los Angeles và lái thêm vài trăm dặm đến thăm cô vào một tuần sau đó. Sau bữa cơm tối, Jill đã ngỏ ý mời Randy nghỉ lại căn hộ của cô, đợi đến sáng mai hãy lái xe về nhà. Randy đã nhận lời và cuộc tình của họ bắt đầu từ đêm đó.
- Thật là tuyệt vời! Randy đã để tôi nấu ăn và tỏ ra thích thú khi được tôi chăm sóc. Sáng hôm sau, chính tay tôi đã ủi áo sơ mi cho anh ấy. Tôi thích được chăm sóc đàn ông mà! Chúng tôi thật hòa hợp với nhau. – Jill mỉm cười với vẻ bâng khuâng, tiếc nuối. Và khi tiếp tục nghe những gì Jill kể, tôi thấy rõ ràng cô đã si mê Randy.
Khi vừa trở về San Diego, Randy nghe điện thoại nhà mình đổ chuông. Jill ân cần hỏi han và nói rằng cô đã rất lo lắng cho anh suốt chặng đường dài về nhà cũng như thật nhẹ nhõm khi biết anh đã về đến nơi an toàn. Khi nhận thấy Randy có vẻ hơi bất ngờ vì cuộc gọi đó, Jill xin lỗi đã làm phiền anh và gác máy. Dù vậy, trong lòng cô bắt đầu dấy lên cảm giác không thoải mái vì một lần nữa, cô nhận thấy rằng mình đang lo lắng quá mức cho một người đàn ông.
- Có lần, Randy nói với tôi rằng đừng gây áp lực cho anh ấy nữa kẻo anh ấy sẽ biến mất khỏi đời tôi. Tôi nghe thế và rất lo sợ. Tất cả là tùy thuộc ở tôi. Tôi hiểu rằng mình phải làm thế nào để vừa yêu anh ấy vừa phải để cho anh ấy được tự do. Tôi không làm được điều đó, thế là tôi lại càng lo lắng hơn. Càng đau khổ, tôi lại càng theo đuổi Randy. - Jill thổ lộ.
Chẳng bao lâu, hầu như tối nào Jill cũng gọi cho Randy. Họ thỏa thuận sẽ thay phiên nhau gọi điện mỗi tối. Nhưng khi đến lượt mình, Randy cứ thường xuyên trễ hẹn. Những lúc đó, Jill đứng ngồi không yên và không tài nào ngủ được. Thế là cuối cùng, cô lại cầm máy gọi cho anh. Những cuộc chuyện trò này thường rất mơ hồ và lê thê.
- Anh ấy nói rằng mình quên. Thế là tôi bèn bảo: “Làm sao anh có thể quên được kia chứ?”, bởi vì có bao giờ tôi quên đâu! Và thế là chúng tôi bắt đầu giải thích lý do cho nhau nghe. Dường như anh ấy rất sợ phải trở nên gần gũi hơn với tôi, trong khi tôi chỉ muốn giúp anh ấy vượt qua điều đó. Anh ấy cứ luôn nói rằng không biết mình muốn gì trong cuộc sống, còn tôi thì cố giúp anh ấy làm sáng tỏ các vấn đề của mình.
Cứ thế, Jill trở thành “chuyên viên trị liệu” của Randy và làm mọi cách để giúp anh ta gắn bó với mình hơn. Cô không thể chấp nhận việc Randy không yêu mình. Cô cho rằng anh ấy rất cần mình.
Và Jill đã hai lần bay đến San Diego để ở lại cuối tuần với Randy. Trong lần viếng thăm thứ hai, anh ta đã bỏ mặc Jill để xem ti-vi và uống bia suốt ngày Chủ nhật. Đó là một trong những ngày tệ hại nhất mà cô còn nhớ.
- Anh ta có nghiện rượu nặng không? - Câu hỏi của tôi khiến Jill có vẻ giật mình.
- À, không, không hẳn là thế. Thật tình, tôi cũng không biết nữa. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Lần đầu gặp nhau, dĩ nhiên anh ấy có uống. Nhưng điều đó cũng không có gì lạ vì tối đó chúng tôi đang ở quán bar. Thỉnh thoảng nói chuyện qua điện thoại, tôi có nghe thấy tiếng đá khua trong ly và tôi đã chọc anh ấy là kẻ đơn độc uống rượu một mình. Thật sự, hầu như lúc nào ở bên cạnh tôi anh ấy cũng uống cả. Nhưng tôi nghĩ đó là vì anh ấy thích uống, thế thôi. Chuyện đó cũng bình thường mà, đúng không? - Jill ngừng lời, suy ngẫm và nói tiếp. - Chị biết không, thỉnh thoảng khi nói chuyện qua điện thoại, lời lẽ của anh ấy rất buồn cười, đặc biệt là với một luật sư như anh ấy. Cách anh ấy nói chuyện rất mơ hồ và thiếu chính xác, trước sau mâu thuẫn. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đó là do anh ấy uống quá nhiều cả. Tôi cũng chẳng biết phải giải thích thế nào, chỉ biết rằng tôi không suy nghĩ về điều đó nhiều lắm.
Jill nhìn tôi buồn bã:
- Có thể là anh ấy đã uống quá nhiều, nhưng chắc đó là vì tôi khiến anh ấy chán chường. Tôi nghĩ hẳn do mình kém hấp dẫn nên anh ấy không muốn ở bên tôi.
Vẻ lo lắng, cô tiếp tục chia sẻ:
- Người chồng trước của tôi cũng chưa bao giờ muốn ở gần tôi, rõ ràng là như thế! - Ánh mắt của Jill tràn đầy nỗi đau khổ. - Cả cha tôi cũng thế… Chẳng biết tôi bị làm sao nữa! Tại sao tất cả họ đều có cảm giác đó đối với tôi? Tôi đã làm gì sai kia chứ?
Rõ ràng, khi nhận thức được vấn đề giữa bản thân và những người quan trọng nhất đời mình, Jill không chỉ sẵn sàng cố gắng giải quyết nó mà còn nhận trách nhiệm về mình. Nếu như Randy, chồng cũ và cha của Jill đều không yêu cô, thì cô cảm thấy đó hẳn là do mình đã làm điều gì sai hoặc chưa xứng đáng.
Thái độ, cảm xúc, hành vi và những gì Jill đã trải qua là ví dụ điển hình về một người phụ nữ chỉ gặp toàn đau khổ trong tình cảm. Ở cô cũng chứa đựng những đặc điểm tính cách thường thấy ở người phụ nữ yêu mù quáng. Dù những tình tiết câu chuyện và nỗi khổ đau mà họ phải chịu đựng có khác nhau, dù với một hay nhiều người đàn ông khác nhau thì về cơ bản, vấn đề của họ cũng tương tự nhau. Yêu mù quáng không có nghĩa là yêu nhiều người, dễ yêu hay yêu sâu sắc một ai đó. Yêu mù quáng là việc ta cứ mãi bị ám ảnh về một người đàn ông nào đó, nghĩa là lúc nào cũng để tình yêu với người đó làm chủ mọi cảm xúc và hành vi của bản thân, để rồi ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của mình. Với những người phụ nữ yêu mù quáng, tình yêu chỉ có thể đo bằng mức độ đau khổ mà họ phải hứng chịu.
Khi đọc cuốn sách này, có thể bạn sẽ nhận ra bóng dáng của mình ở Jill hoặc ở những người phụ nữ khác mà tôi sẽ lần lượt kể sau đây; và rất có thể bạn cũng sẽ tự hỏi liệu mình có phải là người yêu mù quáng hay không… Có thể mối quan hệ của bạn cũng có những vấn đề tương tự nhưng bạn khó lòng chấp nhận các “thuật ngữ” dành cho những phụ nữ ấy. Tất cả chúng ta khi nghe những từ như nghiện rượu, loạn luân, bạo lực và nghiện ngập đều phản ứng dữ dội. Đôi khi, ta trốn tránh những từ ngữ ấy vì sợ chúng miêu tả đúng những gì mà bản thân hoặc người ta yêu đang trải qua. Và đáng buồn thay, chính điều này đã ngăn ta tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết để chấm dứt tình trạng ấy. Tuy nhiên, cũng có thể những từ ngữ đó không thể áp dụng đối với cuộc sống của bạn. Có thể bạn đã từng trải qua một tuổi thơ khó khăn. Có thể vì cha bạn, trong vai trò trụ cột trong gia đình, lại có thành kiến đối với phụ nữ và việc ông ấy không hề yêu bạn đã khiến bạn không biết yêu quý bản thân mình. Hoặc giả là mẹ bạn luôn tỏ ra ghét bỏ bạn dù trước đám đông, bà luôn khoe khoang, tự hào về bạn. Chính điều đó đã khiến bạn lúc nào cũng nỗ lực để làm tốt mọi thứ với mong muốn được mẹ đón nhận nhưng đồng thời cũng e sợ điều đó sẽ càng khiến bà ghét bỏ bạn.
Chúng ta không thể đề cập hết những vấn đề bất hạnh của các gia đình trong cuốn sách nhỏ này. Vả lại, đó cũng không phải là mục đích chính của tôi khi viết sách. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được rằng các gia đình bất hạnh ấy đều giống nhau ở điểm: họ không thể thảo luận với nhau những khó khăn cốt lõi. Họ chỉ đối diện với những vấn đề mang tính bề mặt, phủ lấp nguyên nhân sâu xa dẫn đến mối bất hạnh trong gia đình, khiến vai trò và chức năng của một gia đình bình thường hoàn toàn bị tê liệt. Chính trở ngại trong việc chuyện trò cởi mở về các khó khăn ấy đã quyết định mức độ tê liệt về chức năng của gia đình cũng như ảnh hưởng của nó đến các thành viên.
Một gia đình bất thường là gia đình mà trong đó vai trò của các thành viên trở nên cứng nhắc và đầy vẻ khắt khe. Trong những gia đình này, việc giao tiếp, trao đổi giữa các thành viên bị hạn chế đến mức thấp nhất và mỗi người chỉ được nói những điều phù hợp với vị trí, vai trò của mình. Các thành viên không được tự do nói lên những suy nghĩ, cảm nhận, mong muốn, nhu cầu của mình mà phải giới hạn bản thân trong khuôn khổ nhất định.
Mỗi thành viên đều có những vai trò nhất định trong gia đình. Nhưng do cuộc sống luôn thay đổi nên ta phải học cách thích ứng để có thể duy trì được bầu không khí lành mạnh trong gia đình mình. Chẳng hạn, vai trò đúng mực của một người mẹ đối với đứa con 1 tuổi sẽ khác với giai đoạn đứa con đó bước vào tuổi 13. Khi đó, người mẹ phải điều chỉnh bản thân để thích ứng với vai trò mới của mình. Nhưng trong các gia đình bất thường, phần lớn các thành viên đều không chấp nhận sự thay đổi của thực tế và dẫn đến tình trạng cứng nhắc khi thực hiện vai trò của mình.
Khi những vấn đề gây ảnh hưởng đến không khí gia đình không được đưa ra bàn bạc, có thể các thành viên trong gia đình ấy sẽ không còn tin vào nhận định hay cảm nhận của bản thân nữa. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, cả trong quan hệ với mọi người cũng như cách ứng xử trước các tình huống xảy ra mỗi ngày. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng yêu mù quáng ở phụ nữ. Họ không thể nhận thức được những điều tệ hại đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Những tình huống hoặc cá nhân bị người khác né tránh và xem là nguy hiểm lại không hề khiến họ khó chịu bởi họ không có khả năng đánh giá bản thân một cách thực tế cũng như không biết bảo vệ chính mình. Họ không tin vào cảm nhận của bản thân hoặc không biết lấy đó làm kim chỉ nam để hành động. Họ bị lôi kéo đến gần những điều nguy hiểm, những mối bi kịch và thử thách mà những người được lớn lên trong môi trường lành mạnh sẽ tự động né tránh. Và điều đó càng khiến họ bị tổn hại nhiều hơn bởi phần lớn chúng đều là bản mô phỏng của môi trường mà họ đã lớn lên. Cứ thế, họ bị tổn thương hết lần này đến lần khác.
Chẳng ai ngẫu nhiên trở thành một người phụ nữ yêu mù quáng. Sở dĩ họ cư xử như thế là vì họ chịu tác động từ môi trường gia đình không lành mạnh cũng như các yếu tố xã hội khác. Sau đây là các đặc điểm điển hình của người phụ nữ yêu mù quáng:
1. Lớn lên trong một gia đình bất thường, không được đáp ứng các nhu cầu tình cảm.
2. Ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc của người thân nên họ cố khỏa lấp cảm giác thiếu vắng bằng cách quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của người khác và tự nguyện chăm sóc người ấy, đặc biệt là những ai có nhu cầu.
3. Vì không thể thay đổi cha mẹ của mình nên họ dễ dàng hướng đến tuýp đàn ông vô cảm tương tự cha mẹ với hy vọng thay đổi được người ấy bằng tình yêu của mình.
4. Vì lo sợ bị bỏ rơi nên họ sẽ làm tất cả để giữ mối quan hệ tránh xa bờ vực tan rã.
5. Để “giúp” được người đàn ông mình yêu thương, họ chẳng tiếc thời gian hay tiền bạc.
6. Vốn đã quen với việc thiếu thốn tình yêu trong các mối quan hệ, họ sẵn lòng chờ đợi, hy vọng và cố gắng nhiều hơn để làm vui lòng đối phương.
7. Họ sẵn sàng gánh chịu hơn 50% trách nhiệm đối với tội lỗi hay sai lầm trong mối quan hệ của đôi bên.
8. Lòng tự trọng của họ cực thấp và tận sâu trong lòng, họ không tin mình xứng đáng được hạnh phúc. Họ một mực tin rằng mình cần phải làm một điều gì đó thì mới được quyền tận hưởng cuộc sống.
9. Vì trải qua tuổi thơ bất hạnh nên họ có nhu cầu tha thiết mong được kiểm soát người đàn ông mình yêu thương cũng như các mối quan hệ tình cảm khác. Họ biện hộ cho những nỗ lực kiểm soát đó là vì chúng “có ích có mọi người”.
10. Họ thường mơ mộng về một tình yêu lý tưởng hơn là chấp nhận thực tại của mối quan hệ.
11. Họ không thể sống thiếu đàn ông và những nỗi đau tình cảm.
12. Về mặt cảm xúc cũng như về mặt sinh học, họ dễ rơi vào tình trạng lạm dụng ma túy, rượu hay một số loại thức ăn nào đó, đặc biệt là những thức ăn ngọt.
13. Bằng cách hướng đến những người đang gặp rắc rối cần được giúp đỡ hoặc đau khổ, họ lảng tránh trách nhiệm đối với chính bản thân mình.
14. Họ có xu hướng giữ lấy những chuyện đau khổ lâu dài, trong đó họ cố ngăn chặn tình trạng bị kích động và gặm nhấm niềm vui trong mối quan hệ bấp bênh.
15. Họ không thích những người đàn ông tốt bụng, ổn định, đáng tin cậy và yêu thương họ bởi họ cho rằng những người đàn ông “tử tế” ấy thật đáng chán.
Ở Jill hiện diện hầu hết các đặc điểm này, chỉ là ở mức độ nhiều hay ít mà thôi. Chính vì điều này cộng thêm một số đặc điểm khác mà cô kể cho tôi nghe về Randy đã khiến tôi đi đến kết luận rằng có thể anh ta là một kẻ nghiện rượu. Những người phụ nữ thuộc tuýp tình cảm này không ngừng bị những người đàn ông không quan tâm đến chuyện tình cảm lôi cuốn. Và nghiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng phớt lờ tình cảm ở nam giới.
Ngay từ đầu, Jill đã sẵn lòng đảm nhận trách nhiệm về mình nhiều hơn Randy bằng cách khởi xướng mối quan hệ và nuôi dưỡng nó. Cũng giống như những người phụ nữ yêu mù quáng khác, Jill là một cô gái rất có trách nhiệm, một người thành đạt trong cuộc sống nhưng lại có rất ít lòng tự trọng. Sự thành đạt trong học tập và công việc không đủ khỏa lấp thất bại đau đớn mà cô phải gánh chịu trong tình cảm. Mỗi lần Randy quên gọi điện thoại là một cú giáng vào nhận thức vốn mong manh của Jill về bản thân mình, khiến cô càng lao vào chống chọi với thực tế bằng cách tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy anh ta cũng quan tâm đến mình. Rõ ràng, Jill luôn sẵn lòng nhận lấy lỗi lầm về mình, không có khả năng nhận định được tình trạng thực tế của sự việc cũng như yêu thương bản thân bằng cách rút lui khi mối quan hệ đã thiếu hẳn sự tương tác giữa hai bên.
Những người phụ nữ yêu mù quáng thường ít coi trọng quyền lợi của bản thân trong mối quan hệ với người đàn ông họ yêu. Họ dồn mọi công sức hòng thay đổi hành vi, tình cảm của đối tượng dành cho mình. Chẳng hạn, Jill không tiếc tiền của, công sức vào chuyện thường xuyên gọi điện thoại đường dài, đáp máy bay đến San Diego (cần lưu ý rằng tài chính của Jill rất hạn hẹp). Và những “cuộc trị liệu” mà Jill đã áp dụng với Randy nhằm mục đích biến đổi anh ta thành người đàn ông mà cô mong muốn hơn là giúp anh ta nhận ra con người thật của mình. Thực tế, Randy không hề cần Jill giúp đỡ trong việc khám phá bản chất con người anh ta. Bởi nếu có, Randy đã tự làm điều đó chứ không tỏ ra thụ động như vậy. Trong khi đó, Jill đã nỗ lực hết mình nhằm thay đổi Randy vì nếu không, cô buộc phải chấp nhận rằng anh không hề quan tâm đến tình cảm cũng như mối quan hệ của họ.
Giờ, chúng ta hãy quay lại tìm hiểu thêm đôi chút, xem điều gì đã dẫn Jill đến gặp tôi ngày hôm ấy.
- Ông ấy là một người rất bướng bỉnh. - Jill chuyển sang nói về cha mình. - Tôi đã từng thề rằng một ngày nào đó, tôi sẽ tranh cãi với ông ấy đến cùng. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ làm điều đó cả. Nhưng đó cũng chính là lý do vì sao tôi chọn trường luật. Tôi thích cảm giác chiến thắng trong một cuộc tranh cãi!
Jill thoáng cười nhưng rồi chẳng mấy chốc cô lại sụt sùi.
- Chị có biết tôi đã từng làm gì không? Tôi đã bắt cha tôi phải nói rằng ông ấy yêu tôi và ôm tôi để thể hiện tình yêu thương.
Jill cố gắng nhớ lại điều đó như một kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu, nhưng thực tế nó chỉ khiến cô càng buồn hơn. Hình ảnh cô gái nhỏ bị tổn thương ngày trước trở về trong cô.
- Nếu tôi không ép, có lẽ cha tôi chẳng bao giờ làm thế. Nhưng tôi biết ông ấy yêu thương tôi, chỉ có điều là ông ấy không thể hiện ra mà thôi. Chẳng bao giờ cha tôi tự nguyện nói ra những lời yêu thương với tôi cả. Vì vậy, tôi rất vui khi buộc ông phải làm thế.
Tôi đã chờ đợi nhiều năm, cho đến khi 18 tuổi tôi bảo với cha rằng: “Cha hãy nói rằng cha yêu con đi!”; và tôi đứng im chờ đợi cho đến khi ông nói ra những lời ấy mới thôi. Rồi tôi buộc cha phải ôm mình, nhưng thực tế thì tôi mới chính là người ôm ông trước. Ông chỉ đáp lại bằng cách hơi siết lấy vai tôi, nhưng thế cũng được. Tôi thật sự cần điều đó.
Nói đến đây, những giọt nước mắt lăn dài trên má Jill.
- Nhưng tại sao chuyện đó lại khó khăn với cha
tôi đến thế kia chứ? Người cha nào mà chẳng thể nói yêu con cái?
Jill lại tiếp tục nhìn xuống đôi bàn tay đan chặt của mình.
- Tôi đã cố gắng rất nhiều. Thậm chí cũng chính vì thế mà tôi đã tranh cãi và chống đối ông rất nhiều. Tôi nghĩ rằng nếu tôi giành chiến thắng, ông sẽ phải tự hào về tôi và thừa nhận tôi tài giỏi. Tôi muốn được cha thừa nhận, bởi điều đó đồng nghĩa với việc ông yêu thương tôi. Tôi mong mỏi điều đó hơn tất cả mọi thứ khác trên đời…
Jill được kể rằng sở dĩ người cha xa lánh cô vì ông chỉ mong mỏi có một người con trai. Cách lý giải này khiến mọi người trong gia đình, kể cả Jill, dễ dàng chấp nhận thái độ lạnh nhạt của người cha đối với cô hơn là một sự thật sâu xa khác về bản chất con người ông. Nhưng sau một thời gian tham gia trị liệu, Jill nhận ra rằng bố cô không hề gần gũi với bất kỳ ai và bản chất của ông vốn là người không có khả năng biểu lộ tình thương yêu hoặc thừa nhận đối với người khác. Lúc nào ông cũng có “lý do” để biện hộ cho sự xa cách, lạnh nhạt của mình; chẳng hạn như do bất đồng quan điểm, xích mích hoặc như với trường hợp của Jill thì do cô là con gái. Mọi thành viên trong gia đình đều chấp nhận những lý do đó thay vì tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khiến ông luôn xa lánh mọi người.
Trong khi đó, Jill không thể chấp nhận thực tế rằng cha mình là người ít biểu lộ tình cảm mà lại cho đó là vì bản thân mình. Và chừng nào phần lỗi còn ở phía mình thì Jill vẫn còn cảm thấy hy vọng bởi cô có thể thay đổi được bản thân và sẽ khiến ông phải đối xử với mình khác đi.
Rõ ràng, khi phải đối diện một nỗi đau nào đó về mặt tình cảm, nếu tự cho rằng lỗi lầm là do mình, ta cảm thấy rằng mình hoàn toàn có thể kiểm soát được tình huống. Ta nghĩ rằng khi đó, chỉ cần mình thay đổi thì mọi nỗi đau sẽ chấm dứt. Đó là cách biện hộ thường thấy ở những phụ nữ yêu mù quáng khi họ không ngừng nhận lấy lỗi lầm về mình. Bằng cách này, họ ôm ấp hy vọng sẽ tìm ra sai lầm của bản thân để sửa đổi, nhờ đó có thể cải thiện mối quan hệ đôi bên và chấm dứt phiền muộn.
Điều này được thể hiện rõ hơn ở Jill trong cuộc điều trị tiếp theo, khi cô kể cho tôi nghe về cuộc hôn nhân của mình. Do luôn cảm thấy thu hút trước những người đàn ông có khả năng bù đắp cho cô sự thiếu hụt tình cảm trong mối quan hệ với cha, Jill xem hôn nhân như một cơ hội thứ hai để giành được tình yêu từ sự lạnh nhạt.
Khi Jill thuật về cuộc gặp gỡ với chồng cô, tôi nghĩ đến câu châm ngôn mà một đồng nghiệp của mình từng nói: “Kẻ đói thường mua phải món dở”. Khao khát tình yêu và sự thừa nhận của người khác đến mức tuyệt vọng, cộng thêm việc đã quen với cảm giác bị chối bỏ dù chưa bao giờ nhận thức rõ về vấn đề này, Jill đã tìm thấy Paul.
- Chúng tôi gặp nhau trong một quán rượu. Hôm đó, tôi đi giặt quần áo ở một hiệu giặt tự động và ghé sang cái quán rượu nhớp nhúa bên cạnh vài phút trong lúc chờ đợi máy giặt. Paul đang chơi bài và rủ tôi chơi chung. Tôi đồng ý và câu chuyện bắt đầu từ đó. Sau đó, anh ấy mời tôi đi chơi nhưng tôi từ chối vì tôi không có thói quen đi chơi với những người đàn ông gặp gỡ ở quán rượu. Thế là Paul lẽo đẽo theo tôi đến tiệm giặt và huyên thuyên nói chuyện. Cuối cùng, tôi đã cho anh số điện thoại của mình và tối hôm sau thì chúng tôi đi chơi với nhau.
Jill kể tiếp:
- Có lẽ chị cảm thấy khó tin, nhưng hai tuần sau đó chúng tôi đã dọn đến sống cùng nhau. Paul không có nhà cửa còn tôi thì chỉ phải dọn ra khỏi căn hộ hiện tại. Chúng tôi phải tìm một nơi để sống chung. Cuộc sống đó chẳng có gì là thú vị, cả về mặt tình cảm, tình dục và mọi thứ khác. Nhưng một năm sau, do mẹ tôi tỏ ra lo lắng cho tôi nên chúng tôi đã làm đám cưới. - Jill lại lắc lắc những lọn tóc vàng của mình.
Mặc dù câu chuyện của họ bắt đầu rất bình thường nhưng chẳng bao lâu sau, Jill đã lệ thuộc vào mối quan hệ đó. Vì lớn lên với thói quen cố gắng sửa chữa mọi thứ nên trong cuộc hôn nhân với Paul, cô cũng suy nghĩ và hành xử như thế.
- Tôi đã hết sức cố gắng, ý tôi là tôi thật sự rất yêu Paul và làm mọi việc để anh ấy yêu mình. Tôi thấy mình cần phải trở thành một người vợ hoàn hảo. Suốt ngày, tôi lao vào nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, bên cạnh đó còn phải cố gắng đến trường. Nhưng Paul thì không làm ăn gì cả. Anh ấy nói dối quanh co và thỉnh thoảng biến mất vài ngày. Thật là một cảnh địa ngục! Tôi cứ phải chờ đợi rồi tự hỏi chuyện gì đang xảy ra… Và tôi cũng biết rằng không nên tra hỏi anh ấy đã đi đâu bởi vì… - Jill ngập ngừng, sửa lại dáng ngồi trên ghế rồi nói tiếp. - Kể lại chuyện này với chị thật chẳng dễ dàng gì… Tôi chắc chắn là mọi chuyện đều đã ổn thỏa nếu tôi cố gắng hơn. Nhưng đôi khi tôi nổi cáu vì chuyện anh ấy bỏ đi và thế là anh ấy đã đánh tôi. Chưa bao giờ tôi kể cho ai nghe chuyện này cả. Tôi cảm thấy rất xấu hổ về điều đó. Tôi chưa bao giờ hình dung ra mình sẽ lâm vào tình thế như vậy cả…
Cuộc hôn nhân của Jill chấm dứt khi chồng cô cặp bồ với người phụ nữ khác từ những lần bỏ nhà ra đi của anh ta. Mặc dù cuộc hôn nhân đó đã khiến Jill chịu đựng nhiều nỗi đau khổ cùng cực nhưng cô vẫn tan nát cõi lòng khi Paul bỏ đi.
- Dù người đàn bà kia là ai đi nữa thì cô ta cũng đã có tất cả những điều mà tôi không có. Thật ra, tôi biết vì sao Paul bỏ tôi. Tôi chẳng mang lại cho anh ấy cũng như bất kỳ ai điều gì cả. Tôi không hề trách Paul. Ý tôi là, sau tất cả mọi chuyện, tôi cũng cảm thấy không chấp nhận được chính mình…
Phần lớn công việc trị liệu của tôi đối với Jill là nhằm giúp cô ấy hiểu được quá trình lệch lạc mà cô đã chìm đắm quá lâu trong đó, cũng như sự lệ thuộc của cô vào các mối quan hệ bất hạnh cùng những kẻ không hề yêu thương cô. Mức độ lệ thuộc này của Jill cũng tương đương với những kẻ nghiện ma túy. Mọi mối quan hệ của cô đều bắt đầu bằng cảnh rất vui vẻ, phấn khởi và cô luôn nghĩ rằng cuối cùng thì khát khao yêu thương, quan tâm và chăm sóc của mình đã được đáp ứng. Với niềm tin đó, Jill càng ngày càng lệ thuộc vào Paul và mối quan hệ của họ. Để rồi về sau, cũng giống như kẻ nghiện phải tăng liều khi đã lậm thuốc, cô càng bám riết vào mối quan hệ với Paul nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu yêu thương của mình. Càng cố duy trì những điều đẹp đẽ, đầy hứa hẹn của buổi ban đầu, Jill càng mù quáng bám theo Paul. Nhu cầu được chăm sóc, được ở bên cạnh, được cảm thấy an toàn, được yêu thương của Jill càng tăng lên khi những gì cô nhận được ngày càng ít dần. Nhưng rốt cuộc thì cô cũng không thể nào cứu được mối quan hệ đó.
Lần đầu gặp tôi, Jill hai mươi chín tuổi. Dù cha cô đã mất cách đó bảy năm nhưng ông vẫn đóng vai trò người đàn ông quan trọng nhất trong đời cô. Nói một cách nào đó, ông là người đàn ông duy nhất trong cuộc đời của cô bởi trong mọi mối quan hệ với nam giới, cô đều liên tưởng đến hình ảnh của cha mình - người đàn ông không có khả năng yêu thương.
Khi trải qua một tuổi thơ bất hạnh, chúng ta thường vô thức thúc ép bản thân tìm đến các tình huống tương tự những gì mình đã trải qua nhằm kiểm soát và chinh phục nó.
Chẳng hạn, nếu chúng ta cũng như Jill, từng mong muốn nhận được tình yêu thương từ cha nhưng không được đáp lại, ta sẽ có xu hướng tìm đến tuýp người tương tự ông khi đã trưởng thành với nỗ lực “chiến thắng trở ngại” để được yêu. Ở Jill thể hiện rất rõ điều này khi cô không ngừng bị lôi cuốn trước những người đàn ông không thích hợp.
Có câu chuyện vui kể rằng, một anh cận thị nọ làm mất chìa khóa trong đêm khuya và không ngừng tìm kiếm nó dưới ánh đèn đường. Một người đi đến thấy vậy bèn đề nghị tìm giúp. Sau một lúc tìm kiếm, người ấy hỏi rằng:
- Anh có chắc mình đánh rơi ở đây không? Anh chàng kia bèn trả lời:
- Không, nhưng ở đây mới có ánh sáng.
Cũng giống như người đàn ông đó, Jill đang tìm kiếm điều mình còn thiếu trong cuộc đời nhưng chỉ tìm đến nơi nào thuận lợi nhất, bởi cô vốn là một phụ nữ yêu mù quáng.
Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ khám phá xem yêu mù quáng là gì; vì sao ta lại rơi vào tình trạng đó; làm thế nào để có thể thay đổi nó và có được mối quan hệ tốt đẹp hơn. Một lần nữa, tôi mời bạn hãy cùng nhìn lại những đặc điểm của người phụ nữ yêu mù quáng để có cái nhìn rõ nét hơn.
1. Lớn lên trong một gia đình bất thường, không được đáp ứng các nhu cầu tình cảm.
Có lẽ cách tốt nhất để hiểu được đặc điểm này là hãy nhìn vào vế sau “… không được đáp ứng các nhu cầu tình cảm”. Ở đây, nhu cầu tình cảm không chỉ nói đến nhu cầu được yêu thương, chăm sóc. Dù những điều này cũng rất quan trọng nhưng điểm cốt lõi ở đây chính là khi lớn lên trong một gia đình bất thường, phần lớn cảm xúc và nhận thức của trẻ bị phớt lờ, phủ nhận hơn là được thừa nhận. Ví dụ, bố mẹ cãi nhau khiến đứa con rất sợ hãi. Nó bèn hỏi mẹ: “Sao mẹ lại nổi giận với bố vậy?”. Người mẹ trả lời: “Mẹ không có giận bố” ; trong khi nét mặt lại tỏ ra cau có và khốn khổ. Đứa con lại càng lo sợ nên hỏi tiếp: “Nhưng con nghe mẹ hét lên?”. Thế là người mẹ giận dữ đáp: “Mẹ đã nói là không, nhưng nếu con cứ hỏi mãi thì mẹ sẽ nổi nóng thật đó!”. Lúc này, đứa trẻ sẽ thật sự cảm thấy lo sợ, khó hiểu, giận dữ và có lỗi. Rõ ràng, người mẹ đã khiến cho đứa trẻ ngầm hiểu rằng nhận thức của mình không đúng. Tuy nhiên, có thể trẻ sẽ băn khoăn rằng nếu điều nó nghĩ là đúng thì tại sao mẹ lại có thái độ như thế? Đứa trẻ buộc phải chọn giữa hai việc, hoặc là nó đúng và mẹ nó đã cố tình nói dối; hoặc những gì nó đã trông thấy, nghe thấy và cảm nhận đều sai lệch. Từ đó, đứa trẻ sẽ thường phải điều chỉnh cảm nhận của mình để không cảm thấy khó chịu khi bị người khác bác bỏ nhận định của mình. Điều này rất nguy hại bởi nó khiến trẻ không còn tin vào bản thân cũng như những cảm nhận của mình, cả khi còn bé lẫn lúc đã trưởng thành, đặc biệt là trong các mối quan hệ tình cảm thân thiết.
Nhu cầu được yêu thương của trẻ cũng có thể bị từ chối hoặc không được đáp ứng đầy đủ. Trong những gia đình có cha mẹ bất hòa, trẻ thường không được quan tâm đúng mực bởi các bậc phụ huynh không còn thời gian để tâm đến chúng. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ khao khát tình thương nhưng lại không biết cách để có được nó, rồi cảm thấy mình không xứng đáng có được tình thương đó.
Bây giờ, chúng ta hãy xét đến vế đầu tiên của đặc điểm này: “Lớn lên trong một gia đình bất thường…”. Gia đình bất thường thường có một hoặc những biểu hiện sau:
• Lạm dụng các chất gây nghiện như rượu, ma túy.
• Có hành vi thúc ép, bắt buộc, chẳng hạn như trong việc ăn uống, làm việc, lau dọn, cờ bạc, chi tiêu, giảm cân, luyện tập thể thao… Những việc làm này phá vỡ và ngăn chặn những mối liên hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, khiến tất cả đều cảm thấy bức bối, khó chịu.
• Hành vi lệch lạc về tình dục giữa cha mẹ đối với con cái theo nhiều mức độ khác nhau.
• Không khí căng thẳng và tranh cãi thường xuyên.
• Cha mẹ thường xuyên có “chiến tranh lạnh”.
• Cha mẹ có những thái độ, quan điểm mâu thuẫn nhau hoặc thể hiện các hành vi trái ngược nhau trong việc nuôi dạy con cái.
• Cha mẹ luôn có thái độ cạnh tranh nhau hoặc với con cái.
• Cha hoặc mẹ không có mối quan hệ tốt với các thành viên khác trong gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng họ luôn chủ động tránh né và đổ lỗi cho người khác.
• Cha mẹ cực kỳ nghiêm khắc về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, từ quan điểm về tôn giáo, chính trị, việc sử dụng tiền bạc, các tiện nghi vật chất, phân chia thời gian biểu, công việc nhà… Điều đó tạo nên rào cản trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiết với các thành viên khác trong gia đình.
Bất kỳ gia đình nào có cha hoặc mẹ có một biểu hiện trên đây đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến con cái. Nếu cả hai người đều mắc phải bất kỳ thói quen không tốt nào thì hậu quả có thể còn tệ hại hơn nữa. Điều thường thấy là các bậc cha mẹ hay mắc phải những thói tật bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, khi một người nghiện rượu cưới một người có thói quen ăn uống nguyên tắc để rồi cả hai đều phải vất vả trong việc kiểm soát thú vui của nhau. Các bậc cha mẹ cũng thường bù đắp cho nhau theo hướng rất tệ hại, chẳng hạn một người vợ cẩn thận quá mức thường hay cưới phải người chồng bừa bãi. Chính những đặc điểm tính cách của họ đã tác động lẫn nhau để rồi bộc phát và không ngừng gây hại đến con trẻ.
Dù có nhiều khuôn mẫu khác nhau nhưng những gia đình bất thường đều tác động lên sự trưởng thành của con cái theo cùng một hướng: ảnh hưởng xấu đến khả năng cảm nhận và quan hệ trong cuộc sống về sau của trẻ.
2. Vì ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc nên họ cố khỏa lấp cảm giác thiếu vắng ấy bằng cách quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của người khác và tự nguyện chăm sóc cho người ấy, đặc biệt là với ai có nhu cầu.
Hãy nghĩ xem trẻ con, nhất là bé gái, sẽ hành xử thế nào khi chúng thiếu thốn tình thương và sự quan tâm mà chúng mong đợi. Trong khi bé trai có thể giận dữ, đập phá đồ đạc hoặc thậm chí có hành vi bạo lực thì bé gái lại thường phản ứng bằng cách quay ra thui thủi chơi với búp bê. Các bé gái sẽ hát ru và vỗ về búp bê, qua đó tìm cách cảm nhận sự quan tâm cùng tình yêu thương mà mình không có được. Những người phụ nữ yêu mù quáng cũng hành xử tương tự, chỉ khác là ở mức độ tinh tế hơn. Đa phần họ sẽ làm những ngành nghề liên quan đến việc quan tâm, chăm sóc mọi người, chẳng hạn như y tá, tư vấn viên, chuyên viên trị liệu và hoạt động xã hội. Họ cảm thấy bị thu hút trước những người cần đến sự giúp đỡ hoặc có hoàn cảnh tương tự như mình. Sự thu hút này bắt nguồn từ chính ước muốn được yêu thương và giúp đỡ của bản thân họ.
Đối với họ, người đàn ông quyến rũ không nhất thiết phải là kẻ nghèo nàn hay ốm đau, bệnh tật. Có thể anh ta là người không biết cách giao thiệp với mọi người, lạnh lùng, vô cảm, ích kỷ, hay hờn dỗi hoặc sầu muộn. Cũng có thể anh ta là người vô trách nhiệm, không có khả năng gắn bó với việc gì. Cũng có thể anh ta là kẻ bội bạc hoặc chưa từng yêu ai. Tùy vào từng hoàn cảnh của mình, những người phụ nữ yêu mù quáng sẽ hướng đến đối tượng khác nhau. Nhưng tất cả họ đều có một điểm chung là tận tụy cống hiến với lòng trắc ẩn nhằm cải thiện người đàn ông khiếm khuyết đó vì cho rằng anh ta đang cần sự giúp đỡ của mình.
3. Vì không thể thay đổi cha mẹ của mình nên họ dễ dàng hướng đến tuýp đàn ông vô cảm tương tự cha mẹ với hy vọng sẽ thay đổi được người ấy bằng tình yêu của mình.
Có thể họ từng không hòa hợp với cha/mẹ hoặc với cả hai đấng sinh thành. Và cho dù điều sai lầm, thiếu thốn hoặc đau khổ trong quá khứ có là gì đi nữa thì hiện tại, họ cũng cố gắng hết sức để khắc phục nó.
Đến đây, ta nhận thấy có điều gì đó bất ổn đang diễn ra. Sẽ chẳng có gì để nói nếu họ dành tất cả tình cảm, sự cảm thông và sẻ chia cho một người đàn ông lành mạnh, bình thường - người có thể đáp ứng được nhu cầu tình cảm của họ. Thế nhưng, là một người phụ nữ yêu mù quáng, họ lại không cảm thấy cuốn hút trước tuýp nam giới ấy. Trong mắt họ, những người đàn ông kia thật đáng chán. Họ chỉ cảm thấy thích thú trước những người đàn ông có thể tái hiện lại nỗi vất vả, khó khăn mà họ đã từng trải thời thơ ấu - khi mà họ luôn phải cố gắng tỏ ra đáng yêu, thông minh và xứng đáng để có được tình yêu, sự quan tâm, thừa nhận của cha mẹ. Giờ đây, họ hành xử như thể tất cả tình yêu, sự quan tâm và thừa nhận sẽ không có giá trị trừ khi họ giành được nó từ người đàn ông cũng gặp phải rắc rối tương tự.
4. Vì lo sợ bị bỏ rơi nên họ tìm mọi cách giữ mối quan hệ tránh xa bờ vực tan rã.
Bỏ rơi là một từ có sức tác động ghê gớm. Nó chỉ tình trạng bị bỏ lại một mình, có thể dẫn đến tình trạng chết người vì không ai có thể sống cô độc. Nó bao gồm sự chia cắt về mặt địa lý lẫn sự xa cách về mặt tinh thần. Hầu như người phụ nữ yêu mù quáng nào cũng đã từng trải qua cảm giác bị bỏ rơi về mặt tinh thần sâu sắc, với tất cả nỗi sợ hãi và trống rỗng mà họ có thể biết đến. Khi đã trưởng thành, việc bị người đàn ông bỏ rơi có thể khơi dậy nỗi sợ hãi mà họ từng trải qua trong quá khứ. Do đó, họ sẽ làm mọi thứ để tránh đối diện với nó thêm lần nữa. Điều đó sẽ dẫn đến đặc điểm thứ năm ngay dưới đây.
5. Để “giúp” được người đàn ông mình yêu thương, họ chẳng tiếc thời gian, công sức, tiền bạc.
Mục tiêu của người phụ nữ yêu mù quáng khi thực hiện tất cả những cử chỉ đẹp đó là nếu chúng có tác dụng thì người đàn ông mà họ yêu thương sẽ được như mong muốn của họ. Điều đó có nghĩa là họ chiến thắng được khó khăn ấy và đạt được điều mình khao khát từ lâu.
Vì thế, trong khi tỏ ra rất tằn tiện và chối bỏ nhu cầu của bản thân thì họ lại rất sẵn lòng vượt mọi khó khăn để giúp đỡ anh ta. Dưới đây là một số ví dụ mà họ sẵn lòng làm thay cho người đàn ông họ yêu thương:
• Mua áo quần để anh ta cải thiện hình ảnh bản thân
• Tìm chuyên viên trị liệu và năn nỉ anh ta đi tư vấn
• Chi trả cho những thú vui tốn kém để giúp anh ta sử dụng thời gian tốt hơn
• Không ngại vượt qua mọi khoảng cách về địa lý để có thể ở bên anh ta vì “anh ấy thấy sống ở đó không vui”
• Chuyển một nửa hoặc toàn bộ tài sản cho anh ta để anh ta không cảm thấy mặc cảm, tự ti vì thấp kém
• Tìm cho anh ta nơi trú ngụ để anh ta cảm thấy an toàn
• Cho phép anh ta lạm dụng tình cảm của mình vì “anh ta chưa bao giờ được phép bày tỏ cảm xúc với ai”
• Tìm việc cho anh ta
Đây chỉ là một số ví dụ mà những người phụ nữ yêu mù quáng thường cố gắng thực hiện để giúp người đàn ông của mình. Họ cứ hành xử như thế mà hiếm khi tự hỏi liệu mình làm vậy có đúng hay không.
Trong thực tế, họ dành rất nhiều thời gian và công sức nghĩ ra những cách thức mới để giúp người đàn ông kia nhiều hơn!
6. Vốn đã quen với việc thiếu thốn tình yêu thương trong các mối quan hệ nên họ sẵn lòng chờ đợi, hy vọng và cố gắng nhiều hơn để làm vui lòng đối phương.
Nếu một cô gái lớn lên trong gia đình lành mạnh gặp phải tình huống của người phụ nữ yêu mù quáng thì sẽ phản ứng ngay rằng: “Sao lại như thế? Gặp tôi, tôi sẽ chấm dứt ngay chuyện này!”. Thế nhưng, những người phụ nữ yêu mù quáng đều cho rằng, sở dĩ sự việc chưa có kết quả tốt đẹp và bản thân họ chưa tìm thấy hạnh phúc là do họ chưa cố gắng hết mức. Họ sống với hy vọng rằng ngày mai sẽ khác bởi vì chờ đợi anh ấy thay đổi dễ chịu hơn là thay đổi bản thân và cuộc sống của chính mình.
7. Họ sẵn sàng gánh chịu hơn 50% trách nhiệm đối với tội lỗi hay sai lầm trong mọi mối quan hệ.
Những người lớn lên trong các gia đình bất thường vốn có cha mẹ vô trách nhiệm và yếu đuối. Họ sớm trưởng thành và già dặn so với lứa tuổi thực. Thế nhưng, họ lại rất hài lòng với uy quyền mà mọi người gán ghép cho mình. Khi đã trưởng thành, họ tin rằng một mối quan hệ có tốt đẹp hay không là tùy thuộc ở họ và họ thường quan tâm đến những người vô trách nhiệm, hay đổ lỗi - những người mang đến cho họ cảm giác mình chính là nguyên nhân thành bại của mối quan hệ. Họ hành động như thể mình có khả năng gánh vác mọi gánh nặng cuộc sống!
8. Lòng tự trọng của họ cực thấp và tận sâu trong lòng, họ không tin mình xứng đáng được hạnh phúc. Họ một mực tin rằng mình cần phải làm một điều gì đó thì mới được quyền tận hưởng cuộc sống.
Nếu cha mẹ cho rằng bạn không xứng đáng với tình yêu và sự quan tâm của họ, thì làm thế nào bạn dám tin rằng mình là một người tốt thật sự? Rất ít phụ nữ yêu mù quáng nhận thức được rằng họ xứng đáng yêu và được yêu vì chính bản thân mình. Họ luôn nghĩ mình đầy khiếm khuyết nên phải làm thật nhiều điều tốt đẹp để bù đắp lại. Họ cảm thấy có lỗi vì những khiếm khuyết ấy và lo sợ bị mọi người phát hiện. Họ nỗ lực hết mình để chứng tỏ sự tốt đẹp của bản thân bởi chính họ cũng không tin vào mình.
9. Vì trải qua một tuổi thơ bất hạnh nên họ tha thiết mong được kiểm soát những người đàn ông mình yêu thương cũng như các mối quan hệ tình cảm khác. Họ biện hộ cho các nỗ lực kiểm soát đó là vì chúng “có ích có mọi người”.
Lớn lên trong những gia đình phức tạp và bất thường, trẻ sẽ khó tránh được cảm giác bị tổn thương. Trong khi đó, những người lớn có trách nhiệm nâng đỡ, làm điểm nương tựa cho trẻ thì lại không có khả năng bảo vệ được trẻ. Trên thực tế, những gia đình này lại là nguồn gốc của những mối nguy hại hơn là chiếc nôi an toàn cho trẻ. Vì phải trải qua một tuổi thơ như thế nên khi lớn lên, những đứa trẻ ấy sẽ tìm cách để đảo ngược vai trò của mình, nghĩa là trở thành người kiểm soát tình huống thay vì chịu đựng. Bằng cách tỏ ra mạnh mẽ và có ích đối với mọi người, họ tự bảo vệ bản thân khỏi những nỗi đau do cuộc sống bị người khác định đoạt mang đến. Họ hướng đến những người mà họ có thể giúp đỡ để cảm thấy an toàn và chủ động hơn.
10. Họ thường mơ mộng về một tình yêu lý tưởng hơn là chấp nhận thực tại của mối quan hệ.
Những người phụ nữ yêu mù quáng thường sống trong một thế giới rất tuyệt vời bởi họ tin rằng mình có thể biến đổi đối phương thành mẫu người mơ ước. Do hiểu biết ít ỏi về hạnh phúc cũng như không có mấy kinh nghiệm yêu đương với một người bình thường nên thế giới ảo đó rất thân thiết với họ, nơi mà họ tin mình có thể đạt được những điều khao khát.
Những người phụ nữ yêu mù quáng cho rằng nếu yêu một người đàn ông đã có sẵn mọi thứ mà họ mong muốn thì liệu anh ta cần họ để làm gì. Khi đó, khả năng giúp đỡ người khác của họ sẽ không có đất để hoạt động. Theo đó, phần lớn tính cách của họ cũng bị lu mờ đi. Vì thế, họ sẽ chọn một người đàn ông chưa hoàn hảo để mơ mộng đến một ngày với sự giúp đỡ của họ, anh ta sẽ hoàn toàn thay đổi.
11. Họ không thể sống thiếu đàn ông và những nỗi đau tình cảm.
Stanton Peele, tác giả của cuốn sách Love and addiction (Tình yêu và sự nghiện ngập), có viết rằng: “Việc nghiện ngập sẽ khiến con người mất ý thức. Nó cũng như thuốc giảm đau, có thể giúp họ giảm thiểu nỗi lo lắng, bất an. Có lẽ không gì có thể làm con người ta mất ý thức tốt bằng loại tình yêu si mê đến phát nghiện. Khi đó, họ luôn khao khát hình bóng của đối tượng. Thêm vào đó, nó ảnh hưởng đến khả năng tập trung của họ vào những khía cạnh khác của cuộc sống”.
Họ sống với hình bóng của người đàn ông mình yêu thương để né tránh mọi cảm giác đau khổ, trống vắng, sợ hãi và giận dữ. Họ coi tình yêu như một chất gây nghiện để trốn tránh thực tại. Càng đau khổ trong tình yêu, họ càng bị chi phối bởi tình yêu đó. Một mối quan hệ xấu cũng có tác hại tương tự những chất gây nghiện nặng vậy. Nếu không có người đàn ông để tập trung chú ý, họ sẽ rơi vào trạng thái cai nghiện và cảm thấy suy sụp, mất ngủ, đau khổ và vô cùng lo lắng. Để giảm thiểu những triệu chứng đó, họ tìm cách quay về với người cũ hoặc tìm kiếm người mới trong tuyệt vọng.
12. Về mặt cảm xúc cũng như về mặt sinh học, họ dễ rơi vào tình trạng lạm dụng ma túy, rượu hay một số loại thức ăn nào đó, đặc biệt là những thức ăn ngọt.
Điều này đặc biệt đúng với những phụ nữ yêu mù quáng từng lớn lên trong gia đình có cha mẹ nghiện ngập. Những phụ nữ yêu mù quáng thường mang trong mình vô vàn trải nghiệm có thể đẩy họ rơi vào tình trạng lạm dụng các chất gây nghiện để thoát khỏi cảm xúc tiêu cực trong hiện tại. Và những trẻ có cha mẹ nghiện ngập thường thừa hưởng một số yếu tố mang tính di truyền có liên quan đến sự nghiện ngập.
Có thể là vì đường tinh luyện có cấu trúc phân tử gần giống với cồn êtylic nên nhiều bé gái xuất thân từ những gia đình nghiện ngập thường nghiện thứ này. Đường tinh luyện không phải là thức ăn mà nó là một loại chất gây nghiện. Nó ít có giá trị dinh dưỡng nhưng có thể thay thế các thành phần hóa học cho não và trở thành chất gây nghiện đối với nhiều người.
13. Bằng cách hướng đến những người đang gặp rắc rối cần được giúp đỡ, họ lảng tránh trách nhiệm đối với chính bản thân mình.
Trong khi rất nhạy bén trong việc cảm nhận tình cảm và nhu cầu của người khác thì những phụ nữ yêu mù quáng lại không cảm nhận được tình cảm của bản thân cũng như không thể đưa ra những quyết định sáng suốt cho cuộc sống của mình. Họ không biết mình là ai và do bị cuốn theo những nỗi khổ đau nên họ không thể sống an lành cũng như tìm hiểu nguồn căn của chúng.
Nói như thế không có nghĩa là họ không xúc động. Họ có thể than khóc, la hét, rên rỉ nhưng lại không có khả năng dựa vào cảm xúc để đưa ra những quyết định cần thiết cho cuộc đời mình.
14. Họ có xu hướng giữ lấy những chuyện đau khổ lâu dài, trong đó họ cố ngăn chặn tình trạng bị kích động và gặm nhấm niềm vui trong một mối quan hệ bấp bênh.
Một khách hàng của tôi từng trải qua tuổi thơ bất hạnh và cưới phải một kẻ nghiện rượu. Cô cho biết cuộc sống với người chồng nghiện rượu chẳng khác nào bị tai nạn ô tô mỗi ngày vậy. Cuộc sống thăng trầm với nhiều sự việc bất ngờ cũng như tính bất ổn của mối quan hệ dần trở thành một cơn sốc dai dẳng đối với cô. Nếu đã từng bị tai nạn xe cộ nghiêm trọng, chắc hẳn bạn sẽ biết được cảm giác “hạnh phúc” khi tỉnh dậy và thấy mình vẫn còn sống sót. Đó là vì cơ thể bạn đã trải qua một cơn sốc cực mạnh và lượng adrenalin trong máu đột ngột tăng cao, gây nên trạng thái phấn khích đó. Nếu bạn luôn phải đối diện với sự phiền muộn, bạn sẽ không ngừng tìm kiếm những tình huống khiến mình cứ phải “lên tim” một cách vô thức để duy trì cảm giác “phấn khích”.
Sự phiền muộn, nghiện rượu và rối loạn ăn uống thường có quan hệ mật thiết với nhau và dường như có liên quan đến yếu tố di truyền. Chẳng hạn, hầu hết những khách hàng mắc chứng biếng ăn của tôi đều sinh ra trong gia đình có cả cha mẹ cùng nghiện rượu, còn những nữ khách hàng thường rơi vào trạng thái phiền muộn lại lớn lên bên cạnh cha hoặc mẹ nghiện rượu. Nếu bạn sinh ra trong một gia đình như thế, bạn sẽ đối mặt với hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng muộn phiền: hoặc là do quá khứ đau buồn, hoặc là do yếu tố di truyền. Trớ trêu thay, bạn lại cảm thấy phấn khích khi yêu một kẻ cũng nghiện rượu.
15. Họ không thích những người đàn ông tốt bụng, ổn định, đáng tin cậy và yêu thương mình bởi họ cho rằng những người đàn ông “tử tế” ấy thật nhạt nhẽo.
Với một người phụ nữ yêu mù quáng, những người đàn ông bất ổn lại thú vị, những người không đáng tin cậy lại hứa hẹn thử thách, những người trẻ con lại lãng mạn và những người thất thường lại bí ẩn. Ngoài ra, những người đàn ông nóng nảy, giận dữ lại cần đến sự thông cảm, những người đàn ông bất hạnh cần được an ủi, những người đàn ông yếu kém cần được động viên và những người đàn ông lạnh lùng cần sự ấm áp nơi họ.
Trong khi đó, với những người đàn ông vốn đã hoàn hảo, tử tế thì lại không có gì để cho họ “sửa chữa”. Và nếu những người đàn ông ấy tỏ ra quan tâm, tử tế thì họ lại không có cơ hội để sử dụng thiên hướng chịu đựng của mình. Bất hạnh thay, họ không thể nào yêu một người đàn ông nào đó một cách bình thường mà chỉ có thể yêu anh ta mù quáng!
Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ có dịp gặp gỡ những phụ nữ yêu mù quáng với những tình huống khác nhau. Qua đó, tôi hy vọng bạn sẽ nhìn nhận rõ hơn về cuộc sống hiện tại của mình. Cuối cùng, bạn có thể sử dụng những gợi ý ở cuối cuốn sách này để thay đổi cách suy nghĩ, hành xử của bản thân và mang đến cho mình một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Đó là tất cả những gì tôi thật sự mong ước.