Vào ngày 22-8-1941, một trong những học trò xuất sắc, cộng sự gần gũi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước họng súng của quân thù trong rừng sâu căn cứ địa Ngân Sơn (Bắc Kạn). Đó là Phùng Chí Kiên, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị-quân sự song toàn.
Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ. Ông sinh năm 1901 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Thuở nhỏ, cậu bé Vĩ đi làm thuê cho một gia đình thương nhân Hoa kiều ở ga Yên Lý. Chứng kiến bao nỗi đau thương của quê hương, đất nước, mang trong mình hoài bão cứu nước, cứu nhà, cuối năm 1925, được người của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (VNCMTN) móc nối, giác ngộ, tháng 10-1926, Phùng Chí Kiên tìm đường sang Quảng Châu, Trung Quốc. Chuyến đi đầy mạo hiểm này đã đưa ông đến với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và trở thành một trong những học trò xuất sắc, cộng sự gần gũi của Người.
Tại đây, qua giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên gia nhập Hội VNCMTN, rồi được Nguyễn Ái Quốc gửi vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố với cái tên Mạnh Văn Liễu. Tháng 12-1930, Phùng Chí Kiên đến Hồng Công gặp Nguyễn Ái Quốc và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 1-1931, theo giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên cùng một số người khác được gửi sang Moscow theo học ở Trường Đại học Phương Đông. Tuy nhiên, trên đường đi thì ông bị bắt giam. Tháng 4-1932 ra tù, ông tìm đường trở lại Moscow, theo học Trường Đại học Phương Đông với bí danh Kan. Tháng 3-1934, tại Ma Cao, Ban chỉ huy ở nước ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập gồm 5 người, trong đó có Phùng Chí Kiên. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (tháng 3-1935), Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là Ủy viên Thường vụ. Tháng 8-1936, ông được cử về Sài Gòn cùng Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Tuy nhiên, một năm sau đó, theo yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên trở lại Trung Quốc tiếp tục tham gia chỉ đạo công tác Đảng ở ngoài nước.
Đầu năm 1940, Chi bộ Ban chỉ huy ở nước ngoài được thành lập, Phùng Chí Kiên là một trong số những đảng viên đầu tiên của chi bộ này. Từ đây, ông bắt đầu có điều kiện và nhiều thời gian làm việc, gần gũi với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Phùng Chí Kiên được trực tiếp nghe Nguyễn Ái Quốc giáo huấn và không ít lần vinh dự được tháp tùng Người đến nhiều địa phương ở Vân Nam để nắm tình hình; khảo sát các tuyến đường trở về Tổ quốc khi điều kiện cho phép. Tháng 6-1940, Phùng Chí Kiên là người đã bố trí cuộc gặp lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc với Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp tại Thúy Hồ, Côn Minh khi hai đồng chí vừa từ trong nước sang.
Đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh tư liệu
Nhãn quan và tư duy quân sự của Phùng Chí Kiên bộc lộ rất sớm, ngay từ khi ông còn ngồi trên ghế ngôi trường Hoàng Phố. Ảnh hưởng và uy tín của Phùng Chí Kiên lúc bấy giờ không chỉ bộc lộ ở hải ngoại mà còn lan tỏa về cả trong nước. Tại một lớp đào tạo cán bộ cấp tốc ở Soi Mít, khi bàn luận vấn đề “phải Việt Nam hóa chương trình huấn luyện”, “phải cách mạng hóa nội dung huấn luyện”, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã bộc bạch với các cộng sự: “Tiếc rằng kinh nghiệm chiến đấu và chiến thắng của cha ông ta bị mai một! Giá mà lúc này đây (cuối năm 1940-TG) có anh Phùng Chí Kiên ở nhà!”.
Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 28-1-1941, Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác tháp tùng Nguyễn Ái Quốc vượt cột mốc 108, đặt chân về đất mẹ. Những ngày đầu về nước, khi Nguyễn Ái Quốc ở nhà của ông Lý Quốc Súng-một cơ sở cách mạng ở bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) và sau đó chuyển lên hang Cốc Bó sống và làm việc là quãng thời gian vô cùng căng thẳng đối với Phùng Chí Kiên. Là trợ thủ số một về quân sự của Nguyễn Ái Quốc, hơn ai hết, Phùng Chí Kiên luôn đau đáu với các phương án bảo vệ an toàn cho Người. Ông biết rằng vùng Lục Khu này tuy có hàng rào quần chúng tốt, nhưng có rất nhiều toán phỉ hoạt động và nhan nhản bọn mật thám Nhật-Pháp.
Những ngày ở Pác Bó, cùng với việc lo bảo đảm bí mật, an toàn cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề vũ trang cho du kích để tự vệ. Ông đã tích cực vận động nhân dân, mà trước hết là cán bộ nòng cốt ở địa phương tham gia phong trào bán trâu, bò, ruộng nương lấy tiền mua vũ khí. Nhờ có sáng kiến này mà các đội tự vệ chiến đấu ở vùng Lục Khu đã được trang bị một số vũ khí của Nhật, Pháp. Phùng Chí Kiên cho rằng cần phải nhanh chóng xây dựng cho bằng được lực lượng vũ trang (LLVT); ở đâu có cách mạng, ở đó phải có đội tự vệ chiến đấu. Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phân công mở và phụ trách lớp huấn luyện chính trị (lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh đầu tiên của cả nước) cho các cán bộ nòng cốt ở vùng Lục Khu. Để có giáo trình giảng dạy và giúp học viên nắm bài giảng tốt, Phùng Chí Kiên tự mày mò nghiên cứu và biên soạn thành cuốn Con đường cách mạng dân tộc giải phóng.
Từ ngày 10 đến 19-5-1941, tại lán Khuổi Nậm, Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị đã hoàn chỉnh chỉ đạo chuyển hướng chiến lược và sách lược cách mạng; vạch ra đường lối và phương pháp giành chính quyền; đề ra nhiều chủ trương và chính sách cụ thể nhằm giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc, trong đó có việc thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, Bắc Sơn-Võ Nhai, xây dựng các tổ chức cứu quốc... Với việc đề ra phương hướng tổ chức LLVT cứu quốc, hội nghị cho thấy rõ quan điểm của Đảng về vũ trang quần chúng cách mạng đi đôi với xây dựng đội quân chủ lực. Góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện quan điểm đó có dấu ấn khá đậm nét của Phùng Chí Kiên. Không phải ngẫu nhiên mà tại hội nghị này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương đã giao cho Phùng Chí Kiên trọng trách lớn: Trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai và chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 1-“cái vốn quân sự ban đầu” của Đảng.
Tại căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai, Phùng Chí Kiên đã tích cực chỉ đạo xây dựng, củng cố các cơ sở cách mạng, phát triển các tổ chức cứu quốc, thành lập các tổ, đội tuyên truyền đi vận động và giác ngộ quần chúng; tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cấp tốc về Chương trình Việt Minh cho các tổ chức cách mạng ở châu Bắc Sơn... Ông trực tiếp truyền đạt những kiến thức cơ bản về quân sự, nhất là về chiến thuật du kích cho Đội Cứu quốc quân 1 (trước đó là Đội Du kích Bắc Sơn) và các cán bộ nòng cốt ở địa phương. Dưới sự chỉ huy của Phùng Chí Kiên, Đội Cứu quốc quân 1 đã kiên cường trụ bám trong dân, được nhân dân đùm bọc, che chở, nhanh chóng phát triển cả về tổ chức lực lượng, trang bị và trình độ chiến đấu, làm chỗ dựa tin cậy cho phong trào cách mạng ở Bắc Sơn-Võ Nhai.
Lo sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng, trung tuần tháng 7-1941, thực dân Pháp tập trung hơn 4.000 quân mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, để bảo tồn lực lượng, ban chỉ huy Cứu quốc quân quyết định chia làm hai cánh rút khỏi căn cứ Bắc Sơn lên Cao Bằng. Phùng Chí Kiên cùng với Lương Văn Tri chỉ huy một cánh rút khỏi Khuổi Nọi lên Na Rì (Bắc Kạn), sau đó tìm đường rút lên Cao Bằng. Ngày 19-8-1941, khi cánh quân của ông đến Pò Kép thì bị địch phục kích. Phùng Chí Kiên đã chỉ huy chiến đấu quả cảm, kiên cường đánh trả, tiêu diệt được một số sinh lực địch, mở “đường máu” tìm mọi cách thoát vây. Tuy nhiên, các ngả đường đều đã bị địch phong tỏa. Vòng vây khép chặt dần. Ngày 22-8-1941, khi cánh quân của ông vừa đến làng Khau Pàn, xã Đức Vân (Ngân Sơn) thì bị địch phục kích, tổn thất nặng. Phùng Chí Kiên trúng đạn và hy sinh. Lương Văn Tri bị thương nặng, bị địch bắt, sau đó mất trong nhà tù.
Nhận được tin Phùng Chí Kiên hy sinh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Chấp hành Trung ương Đảng vô cùng tiếc thương và đau xót. Bài điếu “Gương hy sinh, tiếc nhớ anh Phùng” của Tổng Bí thư Trường Chinh (lấy bút danh Sóng Biển) đăng trên Báo Cờ Giải phóng số 2 ra ngày 26-8-1943 đã phần nào cho chúng ta hiểu thêm về con người này: “Thôi! Thế là một đời chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ... Cái chết của anh thật là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí. Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ...”. Để ghi nhận công lao của ông, ngày 23-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89-SL truy phong hàm cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Tháng 11-2003, Nhà nước có quyết định công nhận ông là liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu.
TRẦN VĨNH THÀNH