C
huyện mất trộm từng xảy ra nhiều lần, nhưng lần cha nhớ nhất là thời gian cha ở Oregon.
Lúc đó cha sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ cách thị trấn gần nhất khoảng trên 40 km. Tài sản của cha chẳng có gì nhiều, cha có thể chất tất cả vào băng ghế sau một chiếc ô-tô. Nhưng những tài sản này đều đáng giá vô cùng – chúng là sự sàng lọc và đại diện của tất cả mọi điều cha đã làm, mọi lựa chọn và quyết định trong suốt quãng đời đã qua. Chúng còn là những ký ức và niềm hy vọng của cha - các dụng cụ tự chế và những kỷ vật cha đã xem như là nguồn động viên của mình.
Thư từ. Sách. Con búp bê một người bạn làm tặng. Máy đánh chữ. Máy ảnh. Máy ghi âm. Bưu ảnh, bản thảo, nhật ký và những tập thơ. Một bát ăn ưa thích, một vài cái lọ và xoong. Tuy ít ỏi nhưng có ý nghĩa thật nhiều với cha.
Vậy mà khi cha quay lại ngôi nhà sau hai tuần đi nghỉ Giáng sinh, tất cả đã bị phá nát. Những tập giấy bị xé tơi tả, máy đánh chữ vỡ nát. Máy ảnh và máy ghi âm bị lấy mất. Còn những bức ảnh thì bị bôi vẽ nham nhở.
Các mảnh vỡ vương vãi tứ tung khắp nơi làm ngôi nhà trông như một bãi rác.
Ngay cả con búp bê cũng bị xé rách tơi tả và ném vào lò nhóm củi.
Cha ngồi phịch xuống, ôm lấy đầu và khóc.
Đó quả là một sự kiện khủng khiếp. Cuộc sống đôi khi vẫn mang lại nhiều điều tồi tệ. Tuy nhiên, sự kiện lần này rốt cuộc lại trở thành một trong những điều may mắn và tốt đẹp nhất đã từng xảy đến với cha.
Bởi vì nhờ nó mà cha đã được giải thoát khỏi sự ràng buộc của số tài sản này. Trước đây, cha nghĩ chúng chính là con người cha và cha cũng là chúng. Cha sống bên chúng và không biết rằng chúng đang chi phối khá nhiều cuộc sống của cha.
Rồi dần dần, cha cũng lấy lại được sự thăng bằng. Cha vẫn nhớ như in những kỷ niệm trong mỗi bức thư. Cha luôn mang trong lòng hình ảnh người bạn đã làm tặng mình con búp bê. Và cha đã viết nên trong đầu ngày càng nhiều hơn và hay hơn những dòng bản thảo, thậm chí còn rất sáng tạo nữa. Sách thì đã có những cuốn tương tự trong thư viện. Sau đó, cha cũng mua lại cho mình máy ảnh và máy ghi âm mới.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn và theo thời gian, những mất mát đó trở nên không đáng kể. Thậm chí cha còn cảm nhận rõ sự nhẹ nhõm mà trước đây, khi giữ khư khư bên mình những tài sản kia, cha đã không cảm nhận được.
Trong trường hợp này tên trộm tuy tàn nhẫn nhưng thật sự đã dạy cho cha bài học về sự sở hữu. Từ lần mất trộm đó, cha tự dặn lòng rằng cha sẽ không để cho tài sản chi phối cuộc đời cha, mà chính cha sẽ làm chủ chúng.
Và cha nghĩ, đây cũng là một bài học cần thiết cho tất cả mọi người.
Hãy nhìn xung quanh con. Hãy nhìn vào những tài sản con đang sở hữu. Có bao nhiêu trong số chúng, con đã dùng vào tuần trước? Có bao nhiêu trong số chúng đã tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của con? Có bao nhiêu trong số chúng chỉ khiến con hân hoan vài phút sau khi sở hữu?
Và có bao nhiêu trong số đó con sẵn sàng bỏ đi?
Cha đoán là rất ít.
Nguồn gốc những thứ được gọi là “tài sản” có thể là do ta mua, có thể do ta được tặng… Nó giống như tuyết rơi trong mùa đông, chúng chất chồng xung quanh ta rồi một ngày sẽ định hình chính ta. Ta trở thành chúng và ngược lại chúng phản chiếu hình ảnh bản thân ta. Chúng ta sẽ trở thành chính những gì mà mình sở hữu.
Nhưng chúng ta có đủ lý do để không chịu bỏ đi những thứ ràng buộc này. “Nó là quà của một người đặc biệt”. “Tôi đang dùng nó mà”. “Có thể một ngày tôi sẽ cần đến nó”. “Làm gì có ai coi trọng nó như tôi”.
Và chúng ta cũng có vô vàn lý do để không bán chúng: “Tôi không biết bán nó với giá bao nhiêu”. “Chẳng có ai cần nó cả”.
Rốt cuộc, tất cả những lý do cũng chỉ để giải thích cho việc “Tôi muốn giữ nó lại bên mình”.
Dường như chúng ta không nhận ra rằng vật chất xung quanh thực ra cũng giống như những con bướm “tiến hóa ngược” thành sâu. Ban đầu chúng trông thật quyến rũ với đôi cánh rực rỡ. Và ta tin rằng chúng có khả năng thay đổi cuộc đời ta.
Vậy là ta mải miết đuổi theo chúng với tất cả năng lượng và sự phấn khích cao độ - chúng trở thành ý nghĩa và trọng tâm trong cuộc sống chúng ta. Và khi sở hữu được chúng, ta cảm thấy niềm vui như được kích thích; nhưng sau đó không lâu, cảm giác mới mẻ này sẽ nhạt dần đi. Chúng ta bắt đầu đuổi theo những thứ khác hấp dẫn hơn. Nó không khác gì một cuộc đua không có điểm dừng.
Kết quả, cuộc sống của chúng ta tràn ngập những thứ mà chúng ta từng săn đuổi. Ta cảm thấy mình có giá trị hơn bởi sự hiện diện của chúng. Ta cố gắng tích trữ, giữ gìn và bảo vệ chúng. Dần dần những ý nghĩ của chúng ta cứ bị xoay quanh bởi những tài sản này và bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ kiểm soát suy nghĩ của ta. Chúng ta bị đè nặng bởi quá nhiều trách nhiệm với những gì mình đang sở hữu, chúng ràng buộc ta vào một cuộc sống lo toan với nhiều thứ hỗn độn.
Lúc này, chúng ta bắt đầu mơ ước được tự do thực sự.
Vậy thì chúng ta phải làm gì để thay đổi những điều này?
Điều đầu tiên ta cần làm là tìm ra giá trị thật sự của những tài sản ta đang sở hữu, để có thể giải thoát ta khỏi sức ảnh hưởng của chúng mà không bỏ sót những tài sản có giá trị đích thực.
Một bài kiểm tra chúng ta có thể áp dụng được trong trường hợp này, đó là hãy tự hỏi rằng: Những tài sản này của ta có thể giúp ta trở thành người có ích? Liệu vẻ đẹp và sự tiện ích của nó có khiến ta nhìn xa hơn về giá trị bản thân mình cũng như những điều ta có thể làm được?
Tuy nhiên không phải lúc nào nó cũng được áp dụng hoàn hảo và rõ ràng, vì nó phụ thuộc nhiều vào lương tâm của mỗi người.
Chẳng hạn, ai dám tuyên bố rằng một bác sĩ phẫu thuật đã từng chỉnh hình thành công khuôn mặt cho rất nhiều trẻ em không phải là một bác sĩ tốt chỉ bởi vì ông đi làm trên chiếc Mercedes tiện nghi và sang trọng? Chẳng lẽ cha lại muốn ông phải ngồi co ro ở một góc đường với hai bàn tay chìa ra xin của bố thí, bị ám ảnh với miếng ăn hàng ngày nên chẳng còn tâm trí nghĩ đến việc giúp đỡ ai? Hay là cha vẫn muốn ông là một bác sĩ giỏi, nhưng thay vào đó ông hãy đi chiếc xe rẻ tiền hơn, hãy nghĩ nhiều đến những cảnh đời bất hạnh xung quanh?
Động cơ của người bác sĩ nói trên có thể là ích kỷ. Có thể ông sắm một chiếc xe sang trọng vì nó thể hiện được sự thành đạt, hoặc vì ông cho rằng nó hoàn toàn xứng đáng với vị trí của ông trong xã hội. Cha lại mong ông giúp đỡ mọi người xung quanh mà không nghĩ nhiều tới bản thân, nghĩa là ông hãy tìm sự cân bằng cho cuộc sống để cùng người khác hướng tới những điều tốt đẹp. Nhưng nhìn lại xung quanh thì thấy, ai cũng đang sở hữu những tài sản của riêng mình mà không san sẻ cho kẻ khác, như chính cha cũng sở hữu một căn nhà riêng đấy. Vì vậy cha nên để mặc người bác sĩ với lương tâm của ông ta, và ngược lại ông cũng nên để mặc cha với lương tâm của mình.
Con cũng vậy, con phải đương đầu với lương tâm của con về vấn đề này. Cha biết ở giai đoạn hiện tại của cuộc đời con, việc thể hiện hình ảnh bản thân rất quan trọng, và con có nhu cầu được nhìn thấy hình ảnh của mình phản chiếu hoàn hảo trong xã hội. Nhưng liệu sở hữu những tài sản tốt nhất và hiện đại nhất có thật sự chiếm vai trò quan trọng giúp nâng giá trị của bản thân con? Liệu ước mơ tậu được một chiếc xe hơi sang trọng hay khoác lên người những bộ quần áo lộng lẫy có lấn át ước mơ được thể hiện khả năng tốt nhất để gia tăng vị thế và tầm quan trọng của con trong xã hội?
Cha nhận ra những người trẻ rất coi trọng hình ảnh của bản thân mình dựa vào những tài sản họ có được, và coi chúng là nền tảng quyết định khả năng họ đóng góp cho xã hội. Con hãy cẩn thận với những suy nghĩ kiểu này. Con cần hiểu được điều mấu chốt để tự hỏi bản thân mình rằng, liệu thứ tài sản này có khiến con trở thành người tốt hơn, biết chia sẻ nhiều hơn, cho đi nhiều hơn và làm nhiều việc tốt đẹp cho xã hội hơn không? Nếu như một cái quần jeans đắt tiền có thể giúp con trở thành người như vậy, hãy mua nó. Nhưng khi con thấy bản thân bị thôi thúc phải có một chiếc quần jeans đắt tiền mỗi khi có mốt mới, thì con đang lạc lối và tự khiến mình bị điều khiển bởi sự thôi thúc vô hình của những khát vọng vật chất tầm thường.
Con cũng giống như cha, giống như người bác sĩ đi chiếc Mercedes, cần phải làm rõ động cơ của mình. Con cần phân biệt được sự khác nhau giữa những tài sản con cần có để giúp ích cho cuộc sống của con, và những tài sản con chỉ cần để xây dựng hình ảnh bản thân.
Cha chỉ hy vọng rằng con sẽ tự nhìn nhận lại bản thân kỹ hơn đồng thời có một tầm nhìn sâu rộng hơn trước khi bắt đầu tìm kiếm và tích cóp những tài sản quanh mình.
Cha muốn con hiểu rằng tài sản cũng như những con tắc kè hoa, một khi con giữ chúng trên tay, từ màu sắc sặc sỡ nó sẽ chuyển thành trách nhiệm con phải giữ chặt, đồng thời thu hút sự chú ý của con xuống mặt đất thay vì hướng lên bầu trời nếu con không biết cách nắm giữ.
Bên cạnh đó, cha cũng muốn con hiểu rằng giá trị của tài sản không nằm ở việc con sở hữu bao nhiêu mà nó nằm ở cách con sử dụng chúng. Nó sẽ trở thành những tài sản giá trị nếu con dùng nó giúp ích cho mọi người. Còn ngược lại, chúng sẽ mất đi ý nghĩa nếu chúng khiến con chỉ nghĩ đến bản thân và trở thành tiêu chuẩn để con đánh giá người khác. Vì thế, con cũng chính là người quyết định giá trị tài sản con đang sở hữu.
Hãy tiến hành thanh lọc tài sản một cách định kỳ. Cho đi những thứ con không sử dụng nữa. Hãy mang một túi hành lý gọn nhẹ thôi cho một chuyến đi dài ngày. Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng hầu hết những tài sản con cho là quan trọng thực ra cũng chỉ là những vật trang trí bề ngoài mà thôi.
Hãy chỉ sở hữu những tài sản thật sự cần thiết cho cuộc sống của con. Thẩm định giá trị của chúng thông qua cách mà chúng giúp con sẻ chia với mọi người. Đừng bao giờ quên rằng nếu con cứ chồng chất tài sản bên mình như một kết quả lô-gíc của việc đuổi theo những ước vọng hão huyền, con sẽ làm mất đi đôi cánh tự do và khả năng khám phá của chính mình.
Khi đó, sẽ cần đến một cuộc viếng thăm của kẻ trộm để giải phóng con một lần nữa; tuy nhiên, cha không mong muốn điều đó xảy ra với bất kỳ ai.
Sẻ chia là một điều kỳ diệu
Khi cha viết những dòng này, không khí Giáng sinh đang tràn ngập khắp nơi. Trong năm thì đây là thời khắc cha yêu thích nhất. Cha xem đây như là thời gian để kiểm lại số tiền mình đã làm được một năm, nhưng không phải để xem cuộc sống của năm qua sung túc và ổn định ra sao, mà để xem cha đã sẻ chia được bao nhiêu. Vì mùa giá lạnh này ai cũng muốn mang hạnh phúc đến cho mọi người và tìm thấy niềm hạnh phúc của bản thân mình trong những gì người khác nhận được.
Đây là một bài học làm người giản đơn, nhưng rất hay bị chúng ta quên lãng.
Sẻ chia là một trong những hành động tốt đẹp và tuyệt vời nhất. Đó là điều kỳ diệu có thể sưởi ẩm trái tim và mang lại những niềm vui mới. Khi chúng ta sẻ chia thật sự, bất kể là chia sẻ tiền của, thời gian, sự quan tâm hay bất cứ điều gì, trái tim ta sẽ được mở rộng. Nó mang lại cảm giác đủ đầy cho những người sẻ chia và làm ấm lòng những người được nhận. Sự sẻ chia có khả năng tạo ra những niềm hạnh phúc mới.
Vậy mà chúng ta vẫn thường hay quên lãng điều này. Một cách thật bản năng, chúng ta đã xây dựng cuộc sống của mình chỉ xoay quanh mong muốn nhận được. Nghĩa là chúng ta xem sự chất chồng của địa vị, tiền bạc, quyền lợi, hay được công nhận giá trị như là cách để bảo vệ bản thân và gia đình. Cứ như vậy từng ít một, ta xây quanh mình một bức tường bảo vệ an toàn, và bắt đầu xem những hành động sẻ chia như là sự mất mát. Sự sẻ chia lúc này trở thành một cuộc mua bán – cho đi bao nhiêu thì mất đi bấy nhiêu – vì thế mà thậm chí một món quà nhỏ nhất ta cũng mang đặt trên đĩa cân của tư lợi.
Cũng có khi đã sẻ chia rồi, ta lại muốn được chú ý và ngợi khen vì hành động đó. Khi ấy, những sẻ chia của ta được thúc đẩy bởi những lời khen ngợi chứ không phải vì niềm vui không vụ lợi khi ta mở lòng với người khác. Ta dường như bị giam cầm trong nhà tù của sự tư lợi, ta không hiểu được sự thật rằng chính những hành động sẻ chia sẽ giúp ta trưởng thành và hạnh phúc hơn nhiều.
Vậy nên cách duy nhất để thoát khỏi nhà tù kia là con hãy dang tay ra và hãy sẻ chia, hãy cho đi mà không cần nhận lại bất cứ điều gì.
Mỗi mùa Giáng sinh, cha đều thuê một bộ đồ hóa trang ông già tuyết và ra đường. Chẳng ai biết cha là ai. Cha chỉ đơn giản là ông già tuyết, và mong muốn sự xuất hiện của mình sẽ đem đến niềm vui cho mọi người.
Cha đến những nhà điều dưỡng, trường học, bệnh viện. Cha dừng lại nói chuyện với lũ trẻ lang thang trong bãi đỗ xe và tặng quà cho những người nghèo. Có rất nhiều bậc cha mẹ đã gửi cha những mảnh giấy yêu cầu, một vài người trong số đó muốn cha làm cho lũ trẻ tin rằng ông già tuyết là có thật, còn một vài người chỉ muốn cha quan tâm đến con của họ.
Một lần có một cặp vợ chồng người Do Thái mời cha vào nhà và nhờ cha trò chuyện với đứa con nhỏ của họ. Đây là đứa trẻ người Do Thái duy nhất trong khu nhà trẻ. Cậu bé cho rằng ông già tuyết sẽ chẳng bao giờ để mắt đến cậu chỉ vì cậu là người Do Thái, vì thế cậu tỏ ra rất rụt rè khi cha vào phòng. Cha ngồi xuống với cả gia đình, trò chuyện với họ về Lễ hội Hanukkah(1), về những hành động sẻ chia; và cuối buổi trò chuyện, cậu bé đã ôm lấy cha, hứa rằng cậu sẽ không e ngại nữa.
(1) Hanukkah: Một lễ hội truyền thống kéo dài 8 ngày của người Do Thái.
Việc cha làm chỉ bình thường và vô cùng giản dị, nhưng cha cảm thấy hạnh phúc và cha nghĩ những người được cha quan tâm cũng cảm thấy niềm hạnh phúc như thế. Sự sẻ chia đã tạo nên niềm vui và hạnh phúc cho cả người cho lẫn người nhận. Cha làm điều ấy không phải vì mong muốn được khen ngợi hay ghi nhận, cha chỉ muốn mang một điều tốt đẹp dù là nhỏ bé đến mọi người.
Và cha nhận ra rằng, chính sự sẻ chia còn là hành động giúp sản sinh những điều mới mẻ, giúp nối kết mọi người lại với nhau. Con có thể thấy hai người trước đó bị gò bó ở hai thế giới khác xa nhau, với những mối bận tâm khác nhau, bỗng nhiên gặp nhau qua một hành động chia sẻ, sẽ cùng nhau tạo ra những niềm vui và ấm áp mới. Thế giới như mở rộng vòng tay, sự sẻ chia dù nhỏ bé hay lớn lao cũng đều sản sinh ra những điều kỳ diệu.
Có rất nhiều người lầm tưởng rằng để có thể sẻ chia, họ phải vĩ đại như Mẹ Teresa(1) hay Albert Schweitzer(2), hay như ông già tuyết, nghĩa là họ phải có những hành động vĩ đại. Nhưng họ không hiểu rằng những hành động sẻ chia bình dị nhất được thể hiện ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai cũng chính là những điều vĩ đại của tình thương yêu.
(1) Mẹ Teresa (1910 – 1997): Một nữ tu Công giáo người Albania, là nhà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái ở Calcutta, Ấn Độ, năm 1950. Trong hơn 40 năm, bà chăm sóc người nghèo, người bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ và đến các quốc gia khác.
(2) Albert Schweitzer (1875 – 1965): Tiến sĩ, bác sĩ, nhà triết học, thần học người Đức. Ông đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1952 vì đã có công lớn trong việc giúp đỡ người châu Phi, bất chấp gian khổ, bệnh tật.
Hãy cố gắng sẻ chia dù là điều giản dị nhất. Như việc nói lời hỏi thăm với những người cô đơn. Như đi sang nhà hàng xóm và giúp họ nhổ cỏ. Như ngừng lại và giúp những người lỡ xe, nổ lốp ven đường.
Hay sẻ chia bằng những hành động to tát hơn một chút. Như mua một bó hoa và mang đến nhà điều dưỡng. Như lấy 10 đô-la ra khỏi ví và cho một người ăn xin bên đường. Con hãy sẻ chia những điều này bằng nụ cười thật nhẹ nhàng, bước chân thật khẽ. Đừng tiếc nuối, cũng đừng tự cho là mình hào phóng. Chỉ sẻ chia, chỉ mỉm cười, và đi tiếp.
Từng chút một, con sẽ bắt đầu cảm nhận được sự kỳ diệu. Con sẽ bắt đầu hiểu được thế nào là sự thanh thản của tâm hồn, thế nào là nụ cười hạnh phúc thật sự, và con sẽ tìm thấy tình nhân ái ở những nơi con chẳng để ý bao giờ. Dần dần, con sẽ cảm nhận được những điểm tương đồng, gần gũi giữa con và những người xung quanh.
Rồi sẽ đến lúc con nhận ra rằng chúng ta có sức mạnh để tạo ra niềm vui và hạnh phúc bằng những hành động giản dị của sự quan tâm và lòng trắc ẩn, chúng ta có sức mạnh để khơi dậy lòng nhân ái ở người khác bằng cách sẻ chia lòng nhân ái của bản thân mình.
Và, điều ý nghĩa nhất là con sẽ thấy ngày càng có nhiều người biết sẻ chia với mọi người hơn. Bất kể con sống ở đâu hay chu du đến nơi nào, chẳng cần biết có nói được tiếng của người dân ở đó hay biết tên của họ không, con vẫn sẽ hiểu được họ và hòa nhập với họ, bởi mọi người sẽ nhận ra nhau qua những hành động nhân ái. Khi ấy, con sẽ trở thành thành viên của cộng đồng những người có trái tim nhân hậu.
Và có một điều chắc chắn con sẽ nhận được sau những sẻ chia, là con sẽ không bao giờ cô đơn.