G
iao thừa đêm qua, ti-vi đã chiếu lại buổi biểu diễn bản giao hưởng số 9 của Beethoven tại Berlin Spielhaus do nhạc trưởng vĩ đại Leonard Bernstein(1) chỉ huy. Đó là buổi biểu diễn vào dịp giao thừa năm 1989.
(1) Leonard Bernstein (1918 – 1990): Huyền thoại của nhạc cổ điển Mỹ. Ông được xem là nhạc trưởng vĩ đại, một pianist hoàn hảo, đồng thời là một trong số những nhà soạn nhạc xuất sắc nhất nước Mỹ.
Cha còn nhớ năm đó mình đã đọc được thông tin về buổi biểu diễn này. Đây là một buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm ngày bức tường Berlin sụp đổ. Cha đã thấy những công dân Đông Âu sống với niềm hạnh phúc khôn cùng mà có lẽ những người ngoài cuộc như chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra. Đó là một bầu không khí rạo rực, ngất ngây, dâng trào men say.
Những nhạc sĩ từ Liên bang Nga, Mỹ và các nước ở châu Âu đã quy tụ lại cho buổi diễn. Đội hợp xướng cũng được tập hợp lại từ khắp nơi trên thế giới.
Leonard Bernstein đã được đề nghị chỉ huy dàn nhạc này. Ông, một người gốc Do Thái đã phải trải qua những năm tháng đen tối của Holocaust(1), đứng ngay giữa trung tâm thành phố vốn là biểu tượng của chế độ cai trị Quốc xã và là nơi thế giới đã bị chia cắt làm đôi, một bên là chủ nghĩa cộng sản và một bên là chế độ dân chủ, chuẩn bị để chỉ đạo dàn hợp xướng đa quốc tịch với khải hoàn ca.
(1) Holocaust: Tên gọi nạn tàn sát khoảng 6 triệu người Do Thái và nhiều nhóm thiểu số khác ở châu Âu và Bắc Phi do phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra trong Thế chiến thứ hai.
Thời gian sống của Bernstein không còn nhiều nữa.
Buổi hòa nhạc ấy quả thật là một diễn văn tiễn biệt ý nghĩa nhất dành cho con người đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho vẻ đẹp và sức mạnh của âm nhạc. Nơi ấy, cha đã thấy gương mặt hạnh phúc của những nhạc công, vẻ ngơ ngác của những đứa trẻ được vinh dự tham gia dàn hợp xướng, những giây phút thinh lặng, những cảm xúc mãnh liệt của thính giả, tất cả tạo nên không khí một buổi hòa nhạc tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng.
Tất cả hòa vào nhau trong một khoảnh khắc: những lý tưởng và vinh dự to lớn của dân tộc Đức anh hùng; chiến thắng rực rỡ khi tinh thần con người đã vượt qua sức mạnh chính trị; âm nhạc kỳ diệu của Beethoven; những vần thơ mạnh mẽ về tự do của Schiller; những cuộc trùng phùng sau bao ngày xa cách; năm cũ, thời đại cũ qua đi mở ra một tương lai tươi sáng khi bức tường Berlin sụp đổ và niềm hoan hỉ đã vắng bóng lâu ngày bây giờ dâng trào trong cảm xúc của nhân loại khắp nơi nơi.
Khi Bernstein vung lên chiếc gậy chỉ huy dàn nhạc, mọi cảm xúc bỗng kéo nhau ùa về – niềm hạnh phúc, sự đau thương, sức mạnh và sự vĩ đại – xua tan bóng mây quá khứ kinh hoàng khi sáu triệu con người bị thảm sát và những năm tháng đau thương cùng cực của những con người bị lưu đày.
Tất cả vang lên cùng một nhịp điệu, âm nhạc ngân dài, trải rộng và trở thành những cảm xúc thanh bình.
Cha đã chảy nước mắt. Chưa bao giờ cha có những cảm xúc mãnh liệt như vậy. Âm nhạc đã hàn gắn những vết thương và mang đến tình yêu cho cuộc sống. Nó là sự thú tội, là sự ngợi ca. Nó đã khơi dậy được mối giao hòa, phần tình cảm đích thực trong mỗi chúng ta.
Buổi hòa nhạc kết thúc và cha thấy mình như được đổi thay. Nghệ thuật đã mang đến cho cha những khoảnh khắc thật tươi đẹp trong cuộc sống. Cha không được chứng kiến trực tiếp, không được hòa vào dòng người đó nhưng cha vẫn cảm thấy như mình đang hiện hữu ở khoảnh khắc mà chỉ có nghệ thuật mới có thể mang lại, khi con người chúng ta đã sáng tạo nên những hiện hữu từ điều hư vô, và mang vào nó một vẻ đẹp đầy giá trị - có thể là vĩnh hằng.
Đó chính là sức mạnh của nghệ thuật. Sức mạnh này sống trong những bài ca, những câu thơ, những trang tiểu thuyết, trong các bức họa, các công trình kiến trúc, những tác phẩm điêu khắc... Đó là những tác phẩm tồn tại theo thời gian và con người muôn đời luôn ngưỡng mộ.
Cha có thể đo được cuộc đời mình bằng những khoảnh khắc khi nghệ thuật đã giúp biến chuyển cha lúc cha đứng trước nhà thờ Duomo Pieta(1) – tác phẩm của kiến trúc sư vĩ đại Michelangelo, hay lần đầu tiên lắng nghe Dylan Thomas(2) đọc thơ, nghe giai điệu của Bach(3).
(1) Duomo Pieta: Nhà thờ Duomo của Ý được xây dựng vào thế kỉ 14, bên trong có bức tượng Pieta – một tuyệt tác bằng đá cẩm thạch của kiến trúc sư vĩ đại Michelangelo (1475 – 1564).
(2) Dylan Thomas( 1014 – 1953): Nhà thơ nổi tiếng nước Anh.
(3) Johann Sebastian Bach (1685 – 1750): Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức.
Và không chỉ có thế, cha có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong những khoảnh khắc rất đời thường khi cha ngồi trong một quán bar đầy khói thuốc, lắng nghe Muddy Waters và Little Walter song tấu; nghe một cô gái người Nhật nhỏ bé chơi một bản sonata bằng đàn violin; khi cha dừng chân trước một quầy hàng lưu niệm ở vịnh Hudson, nhìn vào một bức ảnh Inuit(1) khắc hình một người gấu.
(1) Inuit: Một tộc người sống ở vùng Bắc Mỹ, gần Bắc Cực, trên đảo Groenland, tại eo biển Bering.
Những khoảnh khắc này con có thể tìm thấy mọi lúc, mọi nơi. Nghệ thuật không phải là những thể hiện quá cao vời, nghệ thuật là sợi dây kết nối đầy sáng tạo để gắn kết con người lại với nhau. Và khi ta đón nhận, trái tim ta rộng mở, tâm hồn ta khao khát và trí tưởng tượng ta sẽ bay bổng.
Con cần những khoảnh khắc này để cuộc sống của con thoát khỏi sự tẻ nhạt của những mối bận tâm thường ngày.
Nếu con có thể tạo nên những khoảnh khắc ấy – nếu con là một họa sĩ hay một nhà thơ, một nhạc sĩ hay một diễn viên – con đang mang trong người những giá trị vô cùng. Nếu con không thể sáng tạo, ít nhất con phải học cách yêu nghệ thuật để sự sáng tạo của người khác tồn tại và trở nên sống động trong con.
Một khi con đã yêu thích một môn nghệ thuật đủ để con cảm nhận được nó, con sẽ nghe được tiếng vang vọng từ một cuộc sống đầy bí ẩn và khát khao đang mời gọi.
Và đó có thể là cách ngắn nhất để tiến đến thiên đường.